Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011




VÀI KỶ NIỆM NHỎ VỀ BÁO VĂN NGHỆ



Ngày ấy, với một người tập viết văn ở tỉnh xa như tôi thì Báo Văn nghệ trong ý nghĩ  chả khác một “thánh đường”.

     Những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, mỗi lần từ Hà Bắc ra Tuần Báo Văn nghệ, tôi phải đi cả chặng đường dài, qua bao trọng điểm bị bắn phá. Lớ ngớ ăn bom ở cầu Bắc Giang, cầu Đáp Cầu, cầu Đuống, ga Yên Viên, cầu Long Biên... như chơi. Hay chí ít mũ rơm không tốt thì mảnh đạn pháo của ta rơi xuống thủng đầu.

     Thế mà vẫn cứ náo nức đi. Đạp xe không biết mệt, có khi đi cả đêm để tránh “giờ cao điểm” bom đạn. Đến Hà Nội chỉ để vào Tòa soạn gửi một bài thơ, hoặc gặp Biên tập viên “góp ý kiến sửa chữa”.

     Chiều 19 - 12 - 1972, tôi vừa từ Hà Bắc ra Hà Nội cũng chỉ vì chuyện văn thơ. Và ngay đêm ấy mở đầu 12 ngày đêm B52 của Mỹ dội xuống Hà Nội. Vào “tọa độ lửa” chỉ vì văn thơ, đâu phải chuyện đùa!...



* * *

* *

*

 Ngày còn bé, học lớp 5, đúng lúc làng quê thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp. Bắt chước các truyện  ngắn , tôi cũng viết một cái truyện nho nhỏ về đề tài “hợp tác hóa”. Không ngờ được đăng ở Báo Văn nghệ. Được nhuận bút đủ ăn xôi sáng mấy tháng trời. Hôm đi lấy nhuận bút trên huyện, ông bưu điện bảo:

- Về bảo bố mày lên lĩnh.  Không cho trẻ con lĩnh thay.

-       Không. Của cháu đấy chứ.

Ông Bưu Điện tròn mắt kinh ngạc chả tin...

Nhưng suốt từ đấy đến bao năm sau, mặc dù đã gửi cả đống bài nhưng tịnh một dòng cũng không được đăng nữa. Lạ thật. Mãi sau này nghĩ ra một mẹo. Viết bài thơ, ký tên tác giả nữ và gửi đúng dịp 8/3. Thế là lại đăng mà đăng chữ đậm đầu trang cạnh các nhà thơ lớn hẳn hoi! Có điều “mất hẳn” bài thơ ấy, chẳng bao giờ dám nhận của mình!



* * *

* *

*



Năm 1969 Báo Văn nghệ có cuộc thi thơ lừng lẫy. Phát hiện ra những bài thơ điển hình một thời của Phạm Tiến Duật. Lễ trao giải tổ chức ở Câu lạc bộ Đoàn Kết. Tôi đến Hà Nội từ chiều hôm trước. Ra hiệu là quần áo cẩn thận. Vì tôi cũng được giải.



Buổi trao giải để lại ấn tượng kỳ diệu trong tôi. Tôi lâng lâng sung sướng như đi trong mơ. Tối hôm sau, Báo chiêu đãi các “tân khoa” tại khách sạn Bờ Hồ. Tôi khóa xe đạp - chiếc Pha vô rít mới tinh để ở vỉa hè, thản nhiên vào khách sạn. Nhà thơ Chế lan Viên cũng vừa đi đến:

- Cậu phải gửi vào Bãi gửi xe ở phố Tràng Tiền, không thì ăn tiệc xong, xuống sẽ mất xe đấy.

Nhà thơ lớn Thủ đô bảo cậu bé tỉnh nhỏ lớ ngớ. Hú vía, suýt nữa thì mất cả “sản nghiệp”. Chiếc xe đạp lúc ấy đâu phải chuyện đùa!

“Bài học” ấy của ông Chế “dậy” cho thật xứng đáng xếp hàng “thứ hai” sau những bài học về văn chương của ông.

* * *

* *

*



Ngày ấy dòng tên tuổi những nhà văn nhà thơ lớn ,ký dưới các áng thơ văn, trong con mắt tôi ,như có ánh sao tỏa sáng.

Thế mà một hôm, tôi đang thành kính trong “thánh đường” ( Tức là văn phòng Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật  , cơ quan chủ quản của Báo Văn nghệ) gió thổi bay giấy tờ trên bàn Bà hành chính, lộ ra “tác phẩm” nhan đề “Danh sách phân thịt bò căng tin”. Và những dòng tên tuổi vẫn như lóe sáng trong tâm khảm tôi, giờ được ghi ngoáy tít, chả trang trọng tý nào:

-       Xuân Diệu 1kg

( Là thi sĩ nghĩa là ru với gió - tôi chợt nghĩ).

Chế Lan Viên 1kg

(Ai hay trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng).

Lưu Trọng Lư 1 kg

( Em nghe chăng mùa thu, dưới trăng mờ thổn thức).

Hoài Thanh 1kg

(Nghệ thuật  vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh).

Nguyễn Tuân 1kg

(Vang bóng một thời...).

vv... và vv...

* * *

* *

*



Năm 1973 tôi từ Ty văn hóa Hà Bắc chuyển về công tác tại Tuần báo Văn nghệ ,làm đứa em út của Tòa soạn.

6 tháng đầu làm trợ lý cho ông thư ký tòa soạn. Chiều thứ 5 hàng tuần, hai thầy trò xuống nhà in xem lại bông lần cuối cùng,để sáng thứ 6, báo ra. Trong cái buổi chiều ấy, tôi và anh họa sĩ mi báo thường phải làm cật lực. Đôi khi do đếm chữ không chính xác khi làm mi, nên lên khuôn cột báo thừa chữ. Thế là phải cắt, mà chỉ được cắt phần cuối ,vì đoạn trên ở trang khác đã ổn định.

Tôi nhớ nhất là lần cắt bài ký của nhà văn Quang Dũng. Cắt hàng trăm chữ, đâu phải ít. Tôi run lên, tiếc những dòng văn.

Không nhớ là tôi đã cắt bài như thế bao nhiêu lần... Khác bây giờ ,người ta làm “mi” khoa học hơn nên không có chuyện cắt bài như thế nữa. Ông họa sĩ mi ngày ấy đã đặt biệt danh cho tôi là “lưỡi kéo sắc lẻm”...

Một lần đang đọc bông thì thấy nhà thơ Huy Cận đến xưởng in. Anh đề nghị để anh trực tiếp xem hai bài thơ của anh.

-       Anh cẩn thận quá - Tôi nói.

-       Mất bao công sức mới làm được hai bài thơ này. In sai vài lỗi thì uổng lắm.

Sự nâng niu trân trọng của anh với thơ là một bài học cho tất cả những người sửa bông xưa và nay.

Hết hạn 6 tháng, tôi chuyển qua làm tổ thơ với anh Phạm Hổ, Vĩnh Mai, Xuân Quỳnh.

Ngày nào tôi cũng ngồi chọn thơ cùng Quỳnh. Hồi ấy Vĩnh Mai đã đùa những người biên tập thơ:

“Mỗi ngày phải đọc mấy cân thơ

Cả bố cả con đã mệt phờ...”

(Cân chứ không phải là câu đâu nhé!).

Ngày ấy đăng được một bài thơ ở Báo Văn nghệ là sang lắm. Cả nước chỉ có vài tờ báo đăng thơ.

     Theo lệ cứ phải có hai chữ ký của Biên tập viên, bài thơ mới được đưa lên duyệt. Tôi và Quỳnh nhiều khi cũng có ý trái ngược nhau. Chắc là cách chọn của Quỳnh đúng hơn. Nhưng mà làm sao hai người thống nhất 100% được.

     Được làm việc bên Xuân Quỳnh, tôi học tập được ở bậc đàn em “Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan” này nhiều. Chúng tôi không ngờ liên tục cùng tổ công tác với nhau suốt từ 1973 đến 1988 là năm Quỳnh mất. (Thời gian sau thì cùng tổ văn xuôi Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới).

     Một hôm Quỳnh bảo tôi:

 - Chúng mình đề nghị: Tôi giữ chức danh Tổ trưởng, ăn lương tổ trưởng, nhưng đọc bản thảo định mức như tổ viên thường. Còn ông chức danh tổ viên thường, nhưng được làm công việc của tổ trưởng: thường trực tổ 8 tiếng/ngày, tiếp khách cộng tác viên, bảo quản hồ sơ,... tha hồ oai nhé!

 - Quên đi. Khôn thế. Làm gì có kiểu tổ chức lạ đời vậy.

Quỳnh cười hì hì... Quỳnh là như vậy...

... Báo Văn nghệ hồi ấy rất ít in thơ tinh. Một lần tôi phải “chạy bài” có chủ đề Lễ kỷ niệm. Anh Xuân Diệu hứa viết.

Mấy hôm sau ,Anh đến Tòa soạn mỉm cười:

-       Cậu cần bài chủ đề lễ kỷ niệm?

-       Vâng. Rất cần ạ.

Xuân Diệu đưa thơ ra. Trúng đề tài. Tôi thích quá.

 - Nhưng phải đăng kèm hai bài thơ tình này thành một chùm thì tôi mới cho... - Anh ra điều kiện.

Điều kiện của anh thực ra chính là quyền lợi của người đọc thơ...



Nguyễn Phan Hách


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét