Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

hoi uc





Nguyễn Phan Hách



Hương Vối ngày xưa



                                      Tản văn



       Trụ sở Báo Văn nghệ ngày ấy là một tòa biệt thự thơ mộng bên đường Trần Quốc Toản. Phố vắng. Dàn hoa tigôn che ngoài sân nhỏ. Nơi đây là địa chỉ thân yêu của bao thế hệ nhà văn. Cả nước lúc ấy có một tờ Văn nghệ. Và văn thơ đang ở đỉnh cao thang bậc giá trị tinh thần xã hội…

       Tôi vẫn nhớ cảm giác êm dịu mỗi lần từ tỉnh xa bước chân vào Phòng khách Báo Văn nghệ, được đón tiếp chân tình.

        Phòng khách nhỏ, có một bộ xa lông cổ gỗ trắc. Tại đây bao giờ tôi cũng được mời một cốc nước nụ vối nóng ủ trong bình. Vị vối đồng quê thanh khiết và câu chuyện văn thơ cao sang…

       Tôi đang được nói chuyện với ai đây… Hoài Thanh, Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân, Võ Huy Tâm, Xuân Quỳnh…người của tòa soạn. Tòa soạn nói là đã nhận được bài của tôi, sẽ đăng vào số này số khác. Lòng tôi rưng rưng, xao xuyến, hàm ơn.

       Trở về tỉnh, tôi chờ, và một hôm nào đó, tờ báo gửi về tận tay. Mở ra, câu chuyện, bài thơ với tên tôi lung linh trang trọng. Cả cơ quan xúm vào trầm trồ. Tôi ấp tờ báo lên ngực như nghe từ trong báo có một nhịp tim đang đập cùng với nhịp tim mình. Và chính lúc ấy, vị nước nụ vối đồng quê của phòng khách Báo Văn nghệ vụt trở về nồng ấm trên môi…

       Thuở ấy, trà hiếm lắm. Quanh năm, tòa soạn nghèo chỉ dùng nước nụ vối mua ở chợ Đồng Xuân. Tất cả các nhà văn Vệt Nam, các cộng tác viên, những người anh cả của tờ báo: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… đều đã ngồi nâng ly hương vối đồng quê tại đây, thân tình chỉ bảo đường đi nước bước cho tờ báo. Các anh từ mặt trận về: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Lê Lựu…đến đây đưa vội những trang bản thảo còn phảng phất hơi súng hơi bom, để tòa báo kịp đăng vào số ngày mai. Các anh cũng ngồi đó, tay ủ ly nước vối nóng, nhấp từng ngụm nhỏ, lắng dịu thanh thản, để ngày mai lại theo xe ra chiến trường…

       Các nhà văn, dù bây giờ, lưỡi đã nếm vị đời tê dại, chát chua, vô cảm, nhưng tôi cam đoan không ai quên hương vối ấy ngày xưa. Nó có gì giống những trang văn bình dị, thanh khiết một thời…

       Tôi được về Báo Văn nghệ làm việc năm 1973. Thỉnh thoảng tôi vẫn cùng tạp vụ lên chợ Đồng Xuân mua nụ vối. Có lần anh chuyển qua mua chè bánh, chè bồm thứ cấp, ngang giá trị tiền. Nước pha lên chua loét, và các khách văn chau mày: giống trà uóng trong các đám ma!

       Tòa soạn làm sao mời các cộng tác viên thứ trà văng vẳng tiếng kèn đưa đám này được. Phải trở về với hương vối thôi!

       Hương vối, bây giờ thế mà đã là chuyện của ngày xưa… Còn các bài văn, bây giờ thì sao…

                                                                    

                                                              Ngọc Hà 29- 10 - 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét