Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Từ “Hoa sữa” tới “Mối tình đầu” – sự sơ ý hay đạo văn?


Khi tra trên Google cụm từ “Hoa sữa//Nguyễn Phan Hách”, chỉ sau 0 phút 30 giây, ta nhận được 6.020 kết quả hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu. Tiến sâu vào từng địa chỉ mà Google thông báo, sẽ gặp một điều hết sức thú vị: rất nhiều bạn trẻ chép nguyên bài thơ đó trên trang cá nhân của mình hoặc trên diễn đàn, kèm theo là bao lời bình luận đầy ưu ái. Có những ý kiến tranh cãi về việc ca khúc “Mối tình đầu” của Thế Duy sao có ca từ giông giống với bài thơ này. Lại có ý kiến khẳng định ca khúc “Mối tình đầu” là do Thế Duy phổ nhạc bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách. Những điều này cho thấy bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách có sức sống mãnh liệt thế nào.
Để đi tới tận ngọn nguồn, ta cùng đọc bài thơ “Hoa sữa” và ca từ của bài “Mối tình đầu”
HOA SỮA
                          Nguyễn Phan Hách

Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Một  sớm mai,
em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh

Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay….

Đau khổ, buồn, nhưng éo le thay
Không phải thời Rômêô và Juliét
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa mỗi phương.

Chỉ mùa thu còn tròn vẹn yêu thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của tình yêu đầu nhắc nhớ
Có hai người xưa đã yêu nhau…. 
Mối Tình Đầu
Ngày xưa, tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ. 
Tóc em dài như gió mùa thu. 
Ngày xưa, khi hoa sữa thơm ven mặt hồ, 
Theo năm tháng em lớn từng ngày.
Những kỷ niệm không bao giờ phai.
Và khi một ngày xuân em trở thành thiếu nữ, 
Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu.
Mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ. 
Khi tôi đã biết yêu lần đầu, 
Tôi đã nói yêu em trọn đời.
Không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ,
Như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu.
Tôi đi xa thủ đô nhớ về người thiếu nữ.
Tôi thêm yêu quê mình,
Yêu những đêm thanh bình. 
Hoa sữa thơm ven hồ,
Nhắc lại chuyện ngày xưa.
( ngày...) ...........xưa.

Cứ mỗi khi thu về, hoa sữa thơm ven hồ, 
nhắc lại chuyện tình xưa…
Trước khi nói về mối quan hệ giữa bài thơ và ca khúc trên đây, tôi xin nói qua về việc phổ nhạc cho thơ, một việc làm bình thường, có truyền thống từ ngàn xưa và phổ biến khắp nhân gian. Với một bài thơ, có thể phổ nhạc, có thể trích thơ, có thể phỏng thơ.
Khi gặp một bài thơ có cấu trúc phù hợp với hình thức âm nhạc, (thường là có hai đoạn đơn và một phần tái hiện, tương đương với khoảng 4 – 5 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu), người ta có thể phổ nhạc. Có nghĩa là nhạc sĩ giữ nguyên bài thơ và truyền vào đó giai điệu, nhịp điệu để trở thành ca khúc. Khi ấy, ca từ và bài thơ gần như trùng khít. Nhạc sĩ có thể thay đổi hoặc thêm bớt một vài từ/cụm từ nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của bài thơ.
Khi gặp một bài thơ dài, cấu trúc phức tạp, không phù hợp với hình thức ca khúc, người ta có thể trích thơ. Nhạc sĩ chọn một số đoạn phù hợp nhất để chuyển thành ca từ. Lúc ấy, bài thơ không còn nguyên vẹn nhưng từng đoạn lại được giữ nguyên.
Với hai trường hợp trên, hình hài bài thơ hiện rõ trong ca từ, cho nên  dù không muốn công bố tên tác giả bài thơ, thì nhạc sĩ vẫn không dấu được mối quan hệ giữa ca từ và bài thơ.
Riêng với trường hợp gặp bài thơ hay, nhưng cấu trúc không phù hợp với ca khúc, thì nhạc sĩ chỉ dựa vào ý tứ và một ít câu từ của bài thơ mà sáng tạo nên ca khúc. Khi ấy, bài thơ gần như bị tan biến hết hình hài, chỉ còn giữ lại được cái thần của mình trong ca khúc.
Trường hợp “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách đi vào âm nhạc của Thế Duy lại hơi đặc biệt. Nhìn vào cấu trúc bài “Hoa sữa”, thấy nó phù hợp với một ca khúc và có thể giữ nguyên để phổ nhạc. Thế nhưng Thế Duy lại “xẻ” bài thơ ra làm nhiều mảnh, chuyển đổi, thay thế để tạo thành lời ca. Thực ra, làm như thế cũng không có gì đáng “soi”, vì đó là cách thức sáng tạo riêng của nhạc sĩ. Thế nhưng, dáng trách ở chỗ Thế Duy quên bẵng tên tác giả bài thơ, khi công bố tác phẩm chỉ ghi có mỗi tên mình. Mà dù có bị biến dạng đi như thế nào, thì “Hoa sữa” vẫn cứ hiển hiện lên trong Mối tình đầu. Trước hết là ý tứ của bài thơ “Hoa sữa” đã trở thành chủ đề xuyên suốt của âm nhạc “Mối tình đầu”. Tiếp đến, là có 4 câu thơ được lấy gần như nguyên vẹn:
Dưới đây là bảng so sánh những chỗ trùng khớp giữa ca từ “Mỗi tình đầu” với bài thơ “Hoa sữa”:
HOA SỮA của Nguyễn Phan Hách
MỐI TÌNH ĐẦU của Thế Duy
Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Theo năm tháng em lớn từng ngày.

Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ
 hoa sữa thơm ven mặt hồ
Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu.

em bỗng thành thiếu nữ
em trở thành thiếu nữ
Với cách hô “biến” của người khác thành của mình như trên, Thế Duy vẫn không dấu được sự đạo văn của mình, mặtkhác lại thời làm cho ca từ mất hay đi, Tính cảm xúc, tính biểu tượng của bài thơ đã nhạt đi nhiều sau những động tác cắt dán của Thế Duy.
Nhạc sĩ Phú Quang đã từng nói rằng khi mượn thơ của người khác, cho dù chỉ là ý tứ hay mấy từ ngữ, ông cũng ghi rõ tên tác giả thơ và công bố tác giả thơ ấy là đồng tác giả của ca khúc do mình sáng tạo nên. Trong trường hợp Thế Duy, không những ý tứ mà rất nhiều câu chữ của Nguyễn Phan Hách đã được sử dụng cho ca khúc “Mối tình đầu”, mà nhạc sĩ quên bẵng nhà thơ, quả là không thể chấp nhận được.
Khi được hỏi về tình trạng bài thơ của mình bị Thế Duy đạo vào ca khúc, nhà thơ Nguyễn Phan Hách chỉ cười xòa. Ông vốn rộng lượng và hồn nhiên. Tuy vậy, đây là hiện tượng không lành mạnh, không thể bỏ qua – nó vừa vi phạm  chuẩn mực của người sáng tạo, vừa vi phạm Luật Quyền tác giả. Cách tốt nhất để sửa sai là nhạc sĩ Thế Duy công khai  hợp tác cùng nhà thơ Nguyễn Phan Hách, ghi tên nhà thơ cùng với tên mình trong tác phẩm. nếu không, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cần vào cuộc, thực hiện đúng chức trách của mình, đem lại công bằng cho nhà thơ và kỷ cương cho xã hội.

Phạm Việt Long.
CÁC CÔ GÁI
Không có pho tượng nào
Đẹp bằng thân hình người thiếu nữ
Không có kiệt tác nghệ thuật nào
Bài thơ , bức tranh
Đẹp bằng thân hình người thiếu nữ
Mỗi người con gái đẹp
Đều có sẵn trong tay mình
Kiệt tác nghệ thuật ấy
Đều là tác giả
Những kiệt tác nghệ thuật mê hồn
Chỉ cần một động tác nhỏ
Bật khuy áo nhẹ như hái hoa hồng
Là bài thơ xuất bản
Là pho tượng triển lãm
Là bức tranh hiện hình...
*


Nhưng các cô gái đẹp
Chẳng muốn thành thiên tài nghệ thuật
Cứ muốn ẩn danh
Chẳng cho ai đọc tác phẩm của mình
Chẳng cho ai xem tranh
Chẳng cho ai chiêm ngưỡng nghệ thuật
Quần áo kín như bưng
Vải đụp bọc quanh năm
Để mặc cho thời gian
Chôn vùi kiệt tác
Chẳng mấy lúc
Tranh phai màu
Tượng méo mó
Thơ xếp xó..
Gía trị nhất của trần gian tiêu tan



*

Các cô gái khiêm tốn
Cứ nhường cho các nhà thơ
Họa sĩ , điêu khắc gia
Trình làng toàn tác phẩm loại ba
Cho nhân loại thưởng thức...
Còn tác phẩm loại nhất
Các cô không cho trình diện trên đời...

     10-5-2013
NGUYỄN PHANHÁCH






THỜI TRANG
Có những loại văn chương
Như thời trang quần áo
Váy ngắn hay váy dài
Che cái gì mờ ảo

Thời trang được ưa chuộng
Ai cũng mặc cũng khen
Ai không mặc kiểu ấy
Trở thành loại bét dem

Thời trang là sáng tạo
Nhiều kiểu áo rất hay
Nhưng hãy nhớ điều này
Quần áo che cơ thể





Loại văn quần áo nào
Không để che cơ thể...
Từng có những thời trang
Như thế và như thế...
   13-6-2013
NGUYỄN PHAN HÁCH




Anhxtanh

Tạp văn của Nguyễn Phan Hách

          Anhxtanh ngồi bên cửa sổ. Bầu trời mùa hè xanh lơ. Bóng núi Anpơ xanh biếc sau dáng hình mái nhà lô nhô của thành phố Bern cổ kính. Tóc chải rối, áo quần xộc xệch, chàng trai Anhxtanh 26 tuổi, nhân viên quèn của “Văn phòng cấp bằng sang chế” tay cầm tập bản thảo hai mươi trang nhan đề “Lý thuyết về thời gian”, va viết xong.
          Cô đánh máy bước vào. Anhxtanh tươi cười chào đón. Cô vẫn dành thời gian dỗi đánh máy hộ anh bản thảo. Liếc tên “Lý thuyết về thời gian” ,cô mỉm cười chế nhạo:
-         Thời gian là những mùa của tình yêu… Vắn tắt thế thôi. Làm gì phải viết dài dòng.
Năm ấy là mùa hè 1905, năm mà sau này nhân loại gọi là “Năm kỳ diệu của Anhxtanh”, bởi công trình lý thuyết về thời gian, và tiếp đó là các công trình mà cô thư ký tiếp tục đánh máy hộ ông, Thuyết Tương đối, Phương trình E = mc2 v.v… đã tạo ra một cuộc cánh mạng trong vật lý hiện đại, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt thế giới hôm nay...
 Sự nghiệp khoa học liên tục của Anhxtanh, khai sinh ra Lý thuyết Lượng tử, một trụ cột của ngành Vật lý học, hay đề ra lý thuyết mới miêu tả mô hình cấu trúc vũ trụ v.v… cùng nhiều lý thuyết kỳ diệu khác đã khiến nhân loại phải tôn vinh ông là cha đẻ của vật lý hiện đại, là “người của thế kỷ”, danh từ Anhxtanh biến thành tính từ thiên tài
*  *  *
*  *
*
          Anhxtanh lướt nhẹ cần mã vĩ. Ông vốn là cây đàn cừ khôi. Cây vĩ cầm xao xuyến bâng khuâng giai điệu Môda. Tâm hồn ông bay bổng theo tiếng đàn du dương tan hòa vào không gian. Những thuyết Thời gian, Tương đối, Lượng tử… cũng đang biến thành tiếng đàn say đắm.
          Anhxtanh đang là nhà thơ. Những lý thuyết vật lý kỳ bí, do bộ óc ông nghĩ ra, nó có gì giống như các bài thơ tuyệt tác được trí tưởng tượng cao siêu sáng tác…
          Anhxtanh mỉm cười…
… Mùa hè năm 1896, cậu bé Anhxtanh 16 tuổi không trúng tuyển vào trường Bách khoa liên bang Thụy Sĩ. Thiên tài cũng có lúc gian nan như thế . Tốt nghiệp Đại học, hai năm liền xin việc, không được chân giảng dạy. Nhờ quen biết riêng mới được vào làm nhân viên văn phòng “Cấp bằng sáng chế”. Sau này, khi đã nổi tiếng lừng lẫy thế giới rồi, ông vẫn còn bị tịch thu nhà và thuyền ở quê hương nước Đức. Các công trình của ông nằm trong mục tiêu hủy diệt của Quốc xã. Ông phải đi tìm nơi cư trú mới... .
          Anhxtanh không chui trong tháp ngà khoa học, mà tắm mình trong dòng chảy cuộc đời. Đại chiến thế giới thứ Hai vừa kết thúc, ông kêu gọi cần phải từ bỏ ngay vũ khí nguyên tử. Ông viết: “Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ Ba người ta dùng vũ khí gì, nhưng tôi có thể nói với bạn, sang chiến tranh thế giới thứ Tư, vũ khí đó là Đá!”. Câu đó có nghĩa là vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt tất cả. Trước lúc mất một năm, nhà khoa học vĩ đại góp phần làm thế giới phát triển, đã ra tuyên ngôn thúc đẩy mở Hội nghị Khoa học và hòa bình thế giới.
          Ông cũng từ chối lời mời về làm Tổng thống danh dự Israen năm 1952. Ông biết sứ mệnh của mình, không ham danh vọng phù du.
          Anhxtanh mất ngày 17-4-1955, thọ 76 tuổi. Trước khi ra đi, ông nói: “Tôi đã hoàn thành công việc của mình, đã đến lúc phải ra đi, tôi sẽ làm nó thật thanh thản…”.
          Một nhà khoa học lớn cùng thời đã viết về ông: “Luôn luôn ở trong ông là sự thuần khiết tuyệt vời, lúc như đứa trẻ, lúc uyên bác tận cùng…”.

                                                                   Đại Yên 8/6/2013



HOA ANH ĐÀO LẠI NỞ

Tạp văn  của Nguyễn Phan Hách







Bà lão Dan sống một mình trong rừng với túp lều bằng cành lá rễ cây đan xen tầng tầng lớp lớp như cái tổ chim. Mái  và tường  mùa thu xây bằng lá vàng, mùa xuân xây bằng hoa hồng gai và cánh bướm ken dầy. Những con chim rừng   về đây,  đậu đầy bậc thềm, và bay nhởn nhơ, tiếng hót đan quện .
          Bà lão đã quá già, da nhăn nheo như tấm lưới. Thỉnh thoảng bà vẫn xuống thị trấn gần đấy mua bán vài thứ, nhưng chủ yếu là sống ở đây. Hoa quả rừng chả thiếu gì. Củ rừng dưới đất, chỉ việc đào lên. Mật ong chẩy dòng dòng trên cây, cá dưới suối bơi lội…
          Bà sống mùa nào thức nấy, cùng với một con chó rừng tự nguyện về đây canh giữ lũ cáo cầy sục sạo.
          Xưa kia, bà lão là một cô gái xinh đẹp dưới thị trấn. Những người đàn ông đã lừa dối bà, xô đẩy bà trên đường đời, nên bà thấy cuộc đời thật đáng chán, về già  quyết định xa lánh tất cả, một mình về đây, sống với chim muông cỏ cây hoa lá...
            Mỗi sáng bà lão Dan thường chơi với chim chóc ngoài thềm một lúc rồi ra sân. Ở đấy có một cây Anh Đào đã già, gốc to lớn xù xì, lá còi cọc úa vàng, nhiều năm nay chẳng bao giờ ra hoa được nữa. Nó cũng giống như bà…
          Tháng ba năm ấy nắng trong vắt chan chứa khác thường, bà lão Dan đang ngồi dưới gốc  Anh Đào, có một cánh hoa rơi xuống vạt áo ,hồng tươi, thơm nức, mong manh. Bà kinh ngạc nhìn lên thì thấy những cành già xù xì rêu mốc mọi hôm ,giờ thành tươi xanh lấm tấm trổ  hoa. Thời gian đã quay ngược và cây Anh Đào đã non tơ trở lại ư? Bà lão đi quanh gốc cây, giật mình hơn khi thấy bóng hình mình dưới vũng nước, những sợi tơ đan da mặt biến đi đâu mất cả. Hiện hình dưới kia là một gương mặt mịn màng với làn tóc đen, và đôi mắt không còn mờ đục...
          Đúng là thời gian đã bắt đầu quay ngược từ bao giờ mà bà không biết. Bà lão vứt cái gậy, vì không cần dùng đến nữa. ..Cho đến một ngày kia, thời gian quay ngược đã đủ vòng của nó, bà lão ra suối tắm, cởi bỏ bộ  áo quần  nhàu nhĩ, hiện lên một thân hình như tượng đá trắng, cánh tay đôi vú bờ vai cặp đùi nuột nà vằng vặc trăng rằm…
          Cô gái Dan bơi ngược chiều suối chẩy. Sóng ào ào  trắng xóa, nhưng không cuốn trôi được sức trẻ . Cô vẫn lao lên, tay bíu vào các ngọn nước, vượt được cả thác. Thác lũ thời gian chả cuốn được cô…
          Cây Anh Đào trước cửa lều bà lão Dan bây giờ đã nở bung một rừng hoa, che rợp khoảng trời…


Đại Yên 10/6/2013
NHẦM   LẪN




Anđôn Hítle
Tên hạ sĩ quèn
Trong Đại chiến thứ nhất
Gã thợ vẽ bất tài
Trượt thi trường Mỹ thuật
Con trai người thu thuế ,sống lang thang
Thế mà làm thế giới kinh hoàng
Làm thế giới chết hụt
Tên quỷ đội lốt người khủng khiếp
Thằng điên khùng thế kỷ 20
Nhưng cuộc đời
Cũng giật mình khó hiểu
Cuộc đời có lúc đã lẫn nhầm ghê gớm
Bầu  bán trao quyền cho quỷ đội lốt người...
Thằng điên thế kỷ 20
Nếu đỗ trường Mỹ thuật
Thành họa sĩ tài năng
Lịch sử loài người có lẽ sẽ khác chăng?
           11-6-2013
NGUYỄN PHAN HÁCH



MŨI TÊN



Người nguyên thủy một hôm
Đẽo ghè hòn đá nhọn ...
 Hòn đá  hình mũi tên
Chàng “kỹ sư”   đầu tiên
Đã tạo ra biểu tượng
*
Ngày hôm nay  máy tính
Con trỏ  hình mũi tên...
Mũi tên  đến mũi tên
Là chặng đường dài dặc
Từ đầu máy hơi nước
Đến ô tô trên đường




Từ bừng sáng điện năng
Đến máy bay  cất cánh
Từ  hạt nhân nguyên tử
Đến hành trình  mặt trăng...
Những chặng đường gian nan
Con người đã vững bước
Theo mũi tên,mũi tên
Chỉ hướng cùng đi lên...
11-6-2013
NGUYỄN PHAN HÁCH



Nam tước Von Braun

Tạp văn của Nguyễn Phan Hách
      
       Vườn nhà tiến sĩ Von Braun mới nở mấy bông Hồng Nhung. Nắng mai soi  long lanh giọt sương trên cánh, mùi hương từ nhị vàng thoảng bay. Von Braun ngồi bên tách trà bốc khói trầm ngâm ngắm hoa. Ừ, lạ thật, mấy hôm trước, còn không có gì cả, thế mà từ Không đã đến . Những bông hoa đã hiện diện trên đời, đẹp đến lóa mắt. Cây Hồng lấy màu đỏ từ đâu nhỉ, và nhị vàng lấy hương thơm từ đâu?
       Von Braun để ý dưới luống đất, những con kiến nối nhau đi mải miết. Đi. Đi... kiên trì bò. Những đôi chân bé tí mà không bao giờ biết mỏi, đi mãi ngày này tháng khác. Những đôi chân kiến là biểu tượng của kiếp người trên mặt đất mênh mông này, để đi đến một cái đích gì đó.
       Gió thổi nhẹ, những bông Hồng vườn nhà Nam tước rung rinh. Một con bướm vàng nhởn nhơ bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Những con bướm thật sướng hơn kiến nhiều. Chúng có cánh bay, dập dờn nhẹ nhàng, vỗ một cái bằng trăm ngàn nhịp bò của kiến. Bao giờ cánh bướm là biểu tượng của con người trong không gian. Con người không bò như kiến mà biết bay. Vũ trụ không gian mênh mông như thế này, mà con người cứ cam phận chen chúc bò trên mặt đất chật hẹp. Sao không tung cánh lên vũ trụ. Vũ trụ rộng lớn, vô tận cho con người. ..
       Tiến sĩ Von Braun nhón tay ngắt một cành Hồng. Ối, chiếc gai đâm nhói chảy máu. Cành Hồng đầy gai nhọn. Máu ứa ra đỏ chói như màu bông Hồng. Tiến sĩ khẽ mỉm cười: Để có  bông Hồng - một thành quả cầm trên tay cũng không đơn giản. Đời là vậy...
       Đêm xuống, trăng lên, sương bảng lảng nhuốm vào bông Hồng làm bốc hương ngào ngạt. Von Braun nhìn trăng. Trăng tròn vành vạnh sáng rỡ, và sao có gì thân thuộc như giơ tay với được, bởi mới tuần qua, tên lửa vũ trụ Saturn V kỳ diệu đã đưa con người vượt ngàn vạn dặm , đặt chân lên được mặt trăng, đánh dấu son thành công kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.
       Và bây giờ, ngồi đây, bên  những bông hồng đẫm sương, là một con người – con người nhỏ bé của loài người, chính là Tiến sĩ Nam tước Von Braun, kiến trúc sư trưởng làm nên tên lửa vũ trụ siêu hạng Saturn V, người được mọi người yêu mến gọi là cha đẻ của chương trình du hành vũ trụ Hoa Kỳ.
       Von Braun ngắm trăng tròn phản chiếu trong giọt sương. Một gợn gió nhẹ, giọt sương rơi, mặt trăng cũng vỡ tan. Mọi sự trên đời thường mong manh dễ vỡ như thế. Cuộc đời của Von Braun - Nhà khoa học dù nắm trong tay kỹ thuật thời thượng nhất, cũng đã bao lần mong manh, suýt vỡ. Bao lần tai nạn trong thí nghiệm. Rồi kẻ cầm đầu guồng máy chiến tranh ở Đức Đại chiến II, từng bắt giam ông, và giao hẹn nếu lần này cuộc thí nghiệm tên lửa không thành công, ông sẽ bị xử tử.
       Nếu lần ấy ông chết, ai giám chắc việc lên mặt trăng hôm nay sẽ như thế nào?...
     ... Mấy mươi năm xưa, trên một ngõ nhỏ phố Béc lanh, mọi người nhốn nháo chạy dạt. Một chiếc xe đồ chơi trẻ con nhồi đầy thuốc pháo đang xì khói lao vô định trên đường. Cảnh sát xô lại túm được thủ phạm gây ra trò nghịch ngợm: Cậu bé Von Braun. Cậu đang khoái trí vì trò chơi của mình: thuốc pháo cháy, tạo ra phản lực đẩy xe lao đi.
       Von Braun bị bố xử lý bằng cách gửi đến một trường  nội trú , trên một hòn đảo hẻo lánh. Nhà khoa học vĩ đại trong tương lai học hành thế nào mà bị phê: Không chăm học, hoàn toàn dốt về Toán.
       Bố mẹ còn hy vọng gì đứa con với lời phê như thế. Tuy nhiên, bà mẹ yêu con,  tặng con chiếc kính viễn vọng đắt tiền để con nhìn lên các vì sao. Bà mẹ lãng mạn, mộng mơ. Sự mộng mơ trong tình yêu lại có gì gần với mộng mơ liên quan đến các vì sao.
       Von Braun thích thú cuồng nhiệt khi được ngắm các hành tinh, trong lòng bừng lên khát vọng du hành đến các vì sao.
       ...Bao nhiêu năm trước, tại nước Nga có một thầy giáo làng dạy toán, tai bị điếc, nhưng đã viết cuốn “Khám phá không gian bằng thiết bị phản lực”, và ông thành nhà bác học tiên tri, đặt nền móng ý lý thuyết cho bao nhà khoa học không gian trong đó có Von Braun sau này...
       Bộ máy chiến tranh khổng lồ của cuộc đời đã tóm được cậu bé Von Braun, không để cho cậu “lêu lổng” đốt thuốc pháo phản lực trên đường phố, hay thí nghiệm những tên lửa bay nghiệp dư tự túc tại bãi cỏ thành phố.
       Tạo hóa thật trớ trêu oan nghiệt. Von Braun chỉ muốn chế tạo Tên lửa du hành khám phá không gian, nhưng cuộc đời lại chỉ cho anh  điều kiện vật chất để chế tạo những quả Tên lửa phục vụ chiến tranh. V1, V2 củaVon Braun đã ra đời, không tim, không óc, lao đi trong cuộc đại chiến khủng khiếp nhất  lịch sử nhân loại- Đại chiến II, và điều khủng khiếp tiếp theo, là từ đây, nó khơi mào, mở đầu, làm xuất hiện một loại vũ khí mới, tối thượng, hữu hiệu và thành một át chủ bài trong các chiến lược chiến tranh – cuộc Chiến tranh Tên lửa...
       Con người ngày nay đã chế tạo được những Tên lửa thần thoại, vượt núi, vượt sông,vượt cả đại dương, xuyên cả lục địa, để bắn vào nhau. Mặt đất rộng mênh mông, nhưng bây giờ, con kiến cũng không chạy thoát các tên lửa Tìm Diệt, tên lửa Hành trình được dẫn đường lade, định vị GPS toàn cầu.
       Xưa kia con người đánh nhau bằng đất đá ném. Sau đó biết dùng cung tên. Mũi tên chỉ  đi vài chục mét, giết người ở xa vài chục mét. Rồi con người biết khoan thông mấu đốt ống tre, nhồi diêm sinh làm chất đốt ,bắn viên bi đá đi xa. Đó là khẩu súng đầu tiên của loài người.Sau đó đến Súng Thần công bắn đá, mỗi khẩu là một “ông thần”. Khi mồi lửa phải thắp hương khấn vái cho “thần” bay đi. Rồi con người biết làm súng nòng dài rãnh xoắn cho đạn đồng ra nòng thẳng tắp, chính xác. Đến súng máy, đại liên ,chỉ ngồi một chỗ quét đạn như mưa, làm phá sản căn bản chiến thuật kỵ binh dàn trận hươ gươm xông lên. Đại bác ca nông tầm xa làm đổ xập các pháo đài thành trì kiên cố nhất, và làm từ ngữ “thành trì” chỉ còn nghĩa bóng.
       Đến bây giờ Tên lửa lại là một bước phát triển mới tột đỉnh. Không cái gì, dù ở xa đến đâu, chạy trốn được nó. Chỉ có tên lửa chặn tên lửa trên không mới hóa giải được nhau.
       Các Tên lửa cứ thi nhau “lên đời”, ngày một tân tiến hơn. Cuộc chạy đua không cùng. Và thân phận con người không còn một thứ gì có thể bảo vệ cơ thể, trong khi xưa kia chỉ cần một tấm Mộc là che được gươm giáo. Các nhà khoa học Tên lửa ngày càng “thiên tài” hơn, con người ngày càng không nơi ẩn nấp trước bạo lực...
       Nam tước Von Braun giỏi lắm, khi là người thầy tiên phong chế tạo thành công Tên lửa Hành trình, nhưng hỏi ông có đau lòng?
       Người cổ xưa dùng nguyên tắc phản lực để chế tạo pháo bắn lên trời vui chơi, có ngờ đâu diễn biến ra nông nỗi này...
       Von Braun chỉ thực sự vĩ đại khi ông được là chuyên gia chuyên tâm chế tạo tên lửa khổng lồ, siêu hạng Saturn V đưa được con người lên mặt trăng. Lịch sử loài người ghi nhận điều này...
       ...Tiến sĩ Nam tước Von Braun con người siêu việt, tưởng có thể vượt lên mọi thứ, ai ngờ cũng không thoát khỏi vòng oan nghiệt của tạo hóa. 65 tuổi, còn rất trẻ, nhưng chỉ vài tế bào ung thư bé xíu, đã quật ngã một khổng lồ trí tuệ. Von Braun mất ngày 16/6/1977. Mấy ngày cuối đời, ông “lẩn mẩn” nhồi mấy quả pháo thăng thiên bằng giấy, tặng cho mấy đứa trẻ cạnh nhà.

                                                       1-6-2013vvv
Nam tước Von Braun

Tạp văn của Nguyễn Phan Hách
      
       Vườn nhà tiến sĩ Von Braun mới nở mấy bông Hồng Nhung. Nắng mai soi  long lanh giọt sương trên cánh, mùi hương từ nhị vàng thoảng bay. Von Braun ngồi bên tách trà bốc khói trầm ngâm ngắm hoa. Ừ, lạ thật, mấy hôm trước, còn không có gì cả, thế mà từ Không đã đến . Những bông hoa đã hiện diện trên đời, đẹp đến lóa mắt. Cây Hồng lấy màu đỏ từ đâu nhỉ, và nhị vàng lấy hương thơm từ đâu?
       Von Braun để ý dưới luống đất, những con kiến nối nhau đi mải miết. Đi. Đi... kiên trì bò. Những đôi chân bé tí mà không bao giờ biết mỏi, đi mãi ngày này tháng khác. Những đôi chân kiến là biểu tượng của kiếp người trên mặt đất mênh mông này, để đi đến một cái đích gì đó.
       Gió thổi nhẹ, những bông Hồng vườn nhà Nam tước rung rinh. Một con bướm vàng nhởn nhơ bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Những con bướm thật sướng hơn kiến nhiều. Chúng có cánh bay, dập dờn nhẹ nhàng, vỗ một cái bằng trăm ngàn nhịp bò của kiến. Bao giờ cánh bướm là biểu tượng của con người trong không gian. Con người không bò như kiến mà biết bay. Vũ trụ không gian mênh mông như thế này, mà con người cứ cam phận chen chúc bò trên mặt đất chật hẹp. Sao không tung cánh lên vũ trụ. Vũ trụ rộng lớn, vô tận cho con người. ..
       Tiến sĩ Von Braun nhón tay ngắt một cành Hồng. Ối, chiếc gai đâm nhói chảy máu. Cành Hồng đầy gai nhọn. Máu ứa ra đỏ chói như màu bông Hồng. Tiến sĩ khẽ mỉm cười: Để có  bông Hồng - một thành quả cầm trên tay cũng không đơn giản. Đời là vậy...
       Đêm xuống, trăng lên, sương bảng lảng nhuốm vào bông Hồng làm bốc hương ngào ngạt. Von Braun nhìn trăng. Trăng tròn vành vạnh sáng rỡ, và sao có gì thân thuộc như giơ tay với được, bởi mới tuần qua, tên lửa vũ trụ Saturn V kỳ diệu đã đưa con người vượt ngàn vạn dặm , đặt chân lên được mặt trăng, đánh dấu son thành công kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.
       Và bây giờ, ngồi đây, bên  những bông hồng đẫm sương, là một con người – con người nhỏ bé của loài người, chính là Tiến sĩ Nam tước Von Braun, kiến trúc sư trưởng làm nên tên lửa vũ trụ siêu hạng Saturn V, người được mọi người yêu mến gọi là cha đẻ của chương trình du hành vũ trụ Hoa Kỳ.
       Von Braun ngắm trăng tròn phản chiếu trong giọt sương. Một gợn gió nhẹ, giọt sương rơi, mặt trăng cũng vỡ tan. Mọi sự trên đời thường mong manh dễ vỡ như thế. Cuộc đời của Von Braun - Nhà khoa học dù nắm trong tay kỹ thuật thời thượng nhất, cũng đã bao lần mong manh, suýt vỡ. Bao lần tai nạn trong thí nghiệm. Rồi kẻ cầm đầu guồng máy chiến tranh ở Đức Đại chiến II, từng bắt giam ông, và giao hẹn nếu lần này cuộc thí nghiệm tên lửa không thành công, ông sẽ bị xử tử.
       Nếu lần ấy ông chết, ai giám chắc việc lên mặt trăng hôm nay sẽ như thế nào?...
     ... Mấy mươi năm xưa, trên một ngõ nhỏ phố Béc lanh, mọi người nhốn nháo chạy dạt. Một chiếc xe đồ chơi trẻ con nhồi đầy thuốc pháo đang xì khói lao vô định trên đường. Cảnh sát xô lại túm được thủ phạm gây ra trò nghịch ngợm: Cậu bé Von Braun. Cậu đang khoái trí vì trò chơi của mình: thuốc pháo cháy, tạo ra phản lực đẩy xe lao đi.
       Von Braun bị bố xử lý bằng cách gửi đến một trường  nội trú , trên một hòn đảo hẻo lánh. Nhà khoa học vĩ đại trong tương lai học hành thế nào mà bị phê: Không chăm học, hoàn toàn dốt về Toán.
       Bố mẹ còn hy vọng gì đứa con với lời phê như thế. Tuy nhiên, bà mẹ yêu con,  tặng con chiếc kính viễn vọng đắt tiền để con nhìn lên các vì sao. Bà mẹ lãng mạn, mộng mơ. Sự mộng mơ trong tình yêu lại có gì gần với mộng mơ liên quan đến các vì sao.
       Von Braun thích thú cuồng nhiệt khi được ngắm các hành tinh, trong lòng bừng lên khát vọng du hành đến các vì sao.
       ...Bao nhiêu năm trước, tại nước Nga có một thầy giáo làng dạy toán, tai bị điếc, nhưng đã viết cuốn “Khám phá không gian bằng thiết bị phản lực”, và ông thành nhà bác học tiên tri, đặt nền móng ý lý thuyết cho bao nhà khoa học không gian trong đó có Von Braun sau này...
       Bộ máy chiến tranh khổng lồ của cuộc đời đã tóm được cậu bé Von Braun, không để cho cậu “lêu lổng” đốt thuốc pháo phản lực trên đường phố, hay thí nghiệm những tên lửa bay nghiệp dư tự túc tại bãi cỏ thành phố.
       Tạo hóa thật trớ trêu oan nghiệt. Von Braun chỉ muốn chế tạo Tên lửa du hành khám phá không gian, nhưng cuộc đời lại chỉ cho anh  điều kiện vật chất để chế tạo những quả Tên lửa phục vụ chiến tranh. V1, V2 củaVon Braun đã ra đời, không tim, không óc, lao đi trong cuộc đại chiến khủng khiếp nhất  lịch sử nhân loại- Đại chiến II, và điều khủng khiếp tiếp theo, là từ đây, nó khơi mào, mở đầu, làm xuất hiện một loại vũ khí mới, tối thượng, hữu hiệu và thành một át chủ bài trong các chiến lược chiến tranh – cuộc Chiến tranh Tên lửa...
       Con người ngày nay đã chế tạo được những Tên lửa thần thoại, vượt núi, vượt sông,vượt cả đại dương, xuyên cả lục địa, để bắn vào nhau. Mặt đất rộng mênh mông, nhưng bây giờ, con kiến cũng không chạy thoát các tên lửa Tìm Diệt, tên lửa Hành trình được dẫn đường lade, định vị GPS toàn cầu.
       Xưa kia con người đánh nhau bằng đất đá ném. Sau đó biết dùng cung tên. Mũi tên chỉ  đi vài chục mét, giết người ở xa vài chục mét. Rồi con người biết khoan thông mấu đốt ống tre, nhồi diêm sinh làm chất đốt ,bắn viên bi đá đi xa. Đó là khẩu súng đầu tiên của loài người.Sau đó đến Súng Thần công bắn đá, mỗi khẩu là một “ông thần”. Khi mồi lửa phải thắp hương khấn vái cho “thần” bay đi. Rồi con người biết làm súng nòng dài rãnh xoắn cho đạn đồng ra nòng thẳng tắp, chính xác. Đến súng máy, đại liên ,chỉ ngồi một chỗ quét đạn như mưa, làm phá sản căn bản chiến thuật kỵ binh dàn trận hươ gươm xông lên. Đại bác ca nông tầm xa làm đổ xập các pháo đài thành trì kiên cố nhất, và làm từ ngữ “thành trì” chỉ còn nghĩa bóng.
       Đến bây giờ Tên lửa lại là một bước phát triển mới tột đỉnh. Không cái gì, dù ở xa đến đâu, chạy trốn được nó. Chỉ có tên lửa chặn tên lửa trên không mới hóa giải được nhau.
       Các Tên lửa cứ thi nhau “lên đời”, ngày một tân tiến hơn. Cuộc chạy đua không cùng. Và thân phận con người không còn một thứ gì có thể bảo vệ cơ thể, trong khi xưa kia chỉ cần một tấm Mộc là che được gươm giáo. Các nhà khoa học Tên lửa ngày càng “thiên tài” hơn, con người ngày càng không nơi ẩn nấp trước bạo lực...
       Nam tước Von Braun giỏi lắm, khi là người thầy tiên phong chế tạo thành công Tên lửa Hành trình, nhưng hỏi ông có đau lòng?
       Người cổ xưa dùng nguyên tắc phản lực để chế tạo pháo bắn lên trời vui chơi, có ngờ đâu diễn biến ra nông nỗi này...
       Von Braun chỉ thực sự vĩ đại khi ông được là chuyên gia chuyên tâm chế tạo tên lửa khổng lồ, siêu hạng Saturn V đưa được con người lên mặt trăng. Lịch sử loài người ghi nhận điều này...
       ...Tiến sĩ Nam tước Von Braun con người siêu việt, tưởng có thể vượt lên mọi thứ, ai ngờ cũng không thoát khỏi vòng oan nghiệt của tạo hóa. 65 tuổi, còn rất trẻ, nhưng chỉ vài tế bào ung thư bé xíu, đã quật ngã một khổng lồ trí tuệ. Von Braun mất ngày 16/6/1977. Mấy ngày cuối đời, ông “lẩn mẩn” nhồi mấy quả pháo thăng thiên bằng giấy, tặng cho mấy đứa trẻ cạnh nhà.

                                                       1-6-2013vvvvvvvvvvvvvv

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013


BẾP NÚC XUẤT BẢN MỘT THỜI

Trích ghi chép của Nguyễn Phan Hách
        Trong thời chiến, công tác tư tưởng tập trung cao độ ,tất cả để chiến thắng. Sang thời bình, có quy luật phổ biến của nó. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tinh hoa thường có những đóng góp tiên tiến đáng kể. Bối cảnh lúc đó truyền thông còn hạn chế, chưa có truyền hình Internet, thì “diễn đàn” Nhà xuất bản Tác phẩm mới ( thành lập năm 1976) là địa chỉ khá nhạy cảm của tư tưởng. Hàng ngày nó in ấn những tác phẩm văn thơ, lý luận... được phổ biến sâu rộng trong nhân dân.
        Trước đổi mới, nhiều vấn đề của tư tưởng tiến bộ, thường được diễn đạt kín đáo uyển chuyển trong văn chương. Thực sự, lúc đó văn chương có vai trò quan trọng. Mỗi cuốn sách lúc đó in ra 10.000 bản. Để in được nó khó khăn vô cùng. Các khâu biên tập, duyệt chặt chẽ, tuyệt đối đúng quy trình. Nhà xuất bản được ngân sách chu cấp hàng năm. Khác hẳn thời thị trường sau này người ta có thể bỏ tiền ra in sách của mình, đồng thời với các quan niệm đã được cởi mở thông thoáng.
        Ngày nay, với truyền thông phát triển, với khối lượng sách in ồ ạt trong 20 năm qua, gần như đã bão hòa, đương nhiên mỗi cuốn sách ra đời, không còn là sự kiện quan trọng nữa (trừ các cuốn chất lượng cao, đặc biệt).
        Vào giai đoạn (1976 - 1986) Nhà xuất bản Tác phẩm mới (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam)  tập hợp được một đội ngũ biên tập có chất lượng, đang sung sức, có ý chí, dám phản biện, khát vọng tiến bộ xã hội, hướng tới văn minh tiên tiến. Anh Vũ Tú Nam là giám đốc Tổng Biên tập, trung dung ôn hòa. Anh Nguyễn Kiên phụ trách phòng Văn xuôi là phòng nặng nhất, là người không bảo thủ. Dàn cán bộ biên tập có một số nhân vật như: Bng Việt, Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Ý Nhi, , Nguyễn Phan Hách... Phần lớn những người này đều có điểm chung  là không bằng lòng với những “giáo điều văn nghệ”, không bảo thủ cứng nhắc, đều khát khao những tiến bộ mà sau này là nội dung của thời đổi mới.
        Tôi còn nhớ, mỗi buổi làm việc, chúng tôi thường tụ tập tại phòng khách nói chuyện hàng tiếng đồng hồ toàn những chuyện của tư tưởng, văn nghệ, thật tự do, thoải mái, chân thực, “đổi mới, vô hình trung đó là những buổi “trao đổi” để hình thành nên quan điểm tiến bộ trong sáng tác, biên tập.
        Một lần ông Chế Lan Viên từng trải hơn, thấy “bọn này” nói năng “thẳng thắn, mạnh bạo” quá,  khuyên phải cẩn thận hơn. Ông Viên trước đây làm chức Tổng Biên tập Tạp chí Tác phẩm mới, tự nhiên có quyết định nghỉ chức . Ông nói nửa đùa nửa thật:Miễn nhiệm phải có lý do chứ”. Cho nên ông thận trọng hơn ,dặn “bọn ngựa non háu đá”. Thực ra, hồi đó chúng tôi đang là “con cưng”. Cấp trên có lần đột nhiên tăng lương cho vượt hai ba bậc. Lần lượt ai cũng được đi trao đổi văn hóa ở Liên Xô...
        Năm 1980, Nhà xuất bản dịch in cuốn “Chuyện thường ngày ở huyện” (Liên Xô) Trong đó nội dung phê phán những bất cập, tiêu cực trong đời sống nông trang tập thể ở Liên Xô. Đây là lần đầu tiên ở ta “dám xuất hiện” nội dung này, nó bóng gió có gì giông giống như lề thói ở ta. Cuốn sách dày, khó đọc, chuyện sản xuất khô khan, việc nhiều hơn người, nhưng nó đã như một luồng gió mới, thổi khắp nước. Chuyện khoanh trong nông trang, nhưng gợi được sự bức xúc mở rộng ra xã hội lúc bấy giờ.
        Tôi “học tập tình thần” đó, viết cuốn tiểu thuyết “Tan mây” (1981) trong bối cảnh đang có Nghị quyết khoán 10 trong Nông nghiệp, và tôi đã giám phê phán lề thói cũ.
        Trước đổi mới, có bao “vụ án văn chương” làm mọi người e ngại. Chỉ là mấy bài ký, truyện “Cái gốc”, “Tình rừng”, “Cây táo ông Lành”... nhưng rất to chuyện. Trước nữa, ông Hà Minh Tuân mất cả chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, rời khỏi Hội Nhà văn khi viết tiểu thuyết “Vào đời”. Viết lách, in ấn lúc ấy đâu phải chuyện đùa. Phạm Tiến Duật ở chiến trường về nhưng cũng bị phê phán nặng vì bài thơ “Vòng trắng”.
        Tuy vậy, thời kỳ quá lo âu đã qua. Vào giai đoạn này ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới “đã mọc” ra một “dàn biên tập” dám đi tiên phong tư tưởng. Tôi đã viết những câu thơ đăng báo Văn nghệ hẳn hoi khi miêu tả những con búp bê:
ở một nước nào kia
Búp bê hình cầm súng
Búp bê không cần xinh
Không đẹp nhưng cần đúng
Mặt búp bê thường thôi
Súng phải màu đẹp bóng...
        Câu thơ nói về nước khác , nhưng động chạm đến quan điểm văn nghệ “đẹp và đúng” cái nào cần hơn một thời...
Tiếp theo “Chuyện thường ngày ở huyện tác động vang dội đến tư tưởng người ta lúc bấy giờ, đến tập “Những người thích đùa” của A zít Nê xin (Thổ Nhĩ Kỳ). Truyện mang tính trào phúng miêu tả mặt trái của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có tính điển hình cho mọi xã hội ở các quốc gia. Truyện vui, dễ đọc, khắp nơi cười rúc rích. Thực ra thì đời sống xã hội con người ở đâu, nước nào chả có những bi hài kịch trớ trêu. Càng phương Tây càng lắm. Nhưng ở ta, quen quan niệm ta không có bi hài kịch, không được viết về cái đó. Nên đây là lần đầu tiên, người ta hả hê cười với nhau, cười để thấy cái xấu mà sửa chữa, vậy là rất tốt. Cuốn sách vô hình trung đã gợi mở hướng nghĩ tiến bộ này cho mọi người. Tác dụng của văn học vào những thời điểm nào đó, quả là có tác dụng to lớn. Chỉ Nhà xuất bản Tác phẩm mới, mới in được “Những người thích đùa”, tái bản vài chục lần, trong bối cảnh lúc đó, là một đóng góp cho đời sống tư tưng xã hội, cho tiến bộ, đổi mới…
        Nếu “Những người thích đùa” dịch in vào thời điểm hôm nay, chẳng ai quan tâm ,tác dụng chẳng là bao. Thế mới biết thời điểm ra đời của tác phẩm là quan trọng. Nhân chuyện này, tôi muốn nói là vào những thời điểm nào đó, công của những người làm xuất bản là rất đáng ghi nhận. Với một bản thảo, họ có quyền bác, không in, hoặc để lại, in không đúng thời điểm. Có ai “dắt tay chỉ việc” cho họ đâu. Tất cả đều do lương tri của họ, sứ mệnh của họ. Họ đã dám ký duyệt in những cuốn không “suôn sẻ”, và khi ra đời có cuốn đã là những mc son văn hóa. Sách ra, người ta chỉ ngợi ca tác giả, ai để ý đến “bà đỡ”. Bà đỡ vụng đôi khi có thể làm nguy hiểm đến “tính mạng” đứa trẻ sơ sinh. Dư luận đôi khi còn cay nghiệt với họ, vì họ đã cắt đi đoạn này đoạn kia. Ít người cảm thông cho trách nhiệm của người biên tập và “chịu trách nhiệm xuất bản”. Nếu vì lý do nào đó mà không ký in cuốn này cuốn kia, còn bị chửi bới, chê bai là dốt, là hèn. Có một vài Giám đốc, Tổng Biên tập đã bị mất chức vì các “sự cố”, âm thầm lùi vào bóng tối, chịu phần thua thiệt đời thường…
        Năm 1982, với trách nhiệm thường trực Phòng Văn xuôi, tôi biên tập cuốn “Gặp gỡ cuối năm” của Nguyễn Khải, và một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. “Gặp gỡ cuối năm” in lần đầu 16.100 bản, gây dư luận vang dội vì sự điêu luyện văn chương, vì những ý tưởng tiến bộ, cởi mở của nó. Nhưng ai biết đâu, tôi đã phải đ nghị tác giả sửa 11 chỗ. Tác giả đồng ý sửa 10 chỗ, còn 1 chỗ xin giữ nguyên. Vào thời điểm 1982, bốn năm sau mới có đổi mới, tôi đã dò từng chữ từng câu của anh Khải, mặc dù anh Khải đang là thường vụ Ban chấp hành phụ trách khối Sáng tác – Báo chí –Xuất bản. Anh có thể ghét tôi, thuyên chuyển công tác của tôi. Bản giám định của tôi được người Biên tập thứ hai là Xuân Quỳnh ủng hộ. Ông Nguyễn Kiên phụ trách, là người đọc thứ ba. Một cuộc nhóm họp để ra quyết định in. Cuốn sách nổi tiếng vang lừng, trong họp hành tổng kết luôn nhắc đến nhưng không ai “động viên” biên tập viên một câu. Ngược lại, nếu có gì “sai chính trị” thì người đu tiên bị kỷ luật là biên tập từ khiển trách, cảnh cáo, đến buộc thôi việc. Tôi đã thấy ở nhà xuất bản này nhiều người (trong đó có tôi) đã bị kỷ luật. Có người đang là Phó Giám đốc mà bị chuyển đi nơi khác. Vì vậy, quyết định in một tác phẩm “gai góc” không phải chuyện đùa. Mơ hồ, lười nhác, vô trách nhiệm, hoặc trình độ non yếu bị “lãnh đủ”tức thì. Không có nghề nào “nguy hiểm”, nhậy cảm bằng nghề biên tập sách văn chương ở Nhà xuất bản Tác phảm mới thời ấy.
        Khi ông Nguyễn Minh Châu gửi đến một loạt truyện ngắn như cánh én mùa xuân báo hiệu đổi mới, chúng tôi đã chụm đầu vào nhau bàn bạc. Truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của anh rất hay, (sau được đưa vào dậy trong chương trình Phổ thông trung học) nhưng lúc đó sao mà ngần ngại. Truyện đại ý kể về Bức ảnh Chiếc thuyền ngoài xa trong sương mờ đẹp và thơ mộng, có thể làm bìa lịch được. Nhưng cảnh sống nhà chài trong chiếc thuyền ấy thì đầy đau khổ, bi kịch. Người ta vào lúc ấy có thể suy diễn Nghệ thuật của ta tô hồng cuộc sống, không nhìn thấu cốt lõi khổ đau bên trong cuộc sống v.v… và v.v…
        Truyện đánh vào đường lối nghệ thuật của ta chăng? Vào lúc đó là to chuyện lắm.
        Tôi đã ký chữ ký thứ nhất, người biên tập, vào bản thảo in truyện ngắn này, bên cạnh các chữ ký ủng hộ của Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, và chữ ký duyệt của anh Nguyễn Kiên.
        Truyện vừa “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” của anh Châu có hình ảnh cô gái điên đi trên con tàu vô định. Lại “phiền” nữa. Tôi lúc đó chỉ là học trò của anh Nguyễn Minh Châu. Nhưng “học trò” vẫn cứ phải đề nghị “thầy” sửa chữa 5 chỗ trong thiên truyện vừa này. Thầy biết tình hình lúc đó nên cũng đành nghe theo. Trò cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng trò phải làm phận sự của mình, không thì trò cũng chết. Nhà văn viết ra, nếu là nhà văn lớn, có địa vị ,thì có thể chỉ bị “phê bình”, còn “thằng biên tập” mà để lọt tác phẩm có vấn đề thì chỉ có nước “chuyển công tác”!
Loạt truyện ngắn của anh Châu ra đời, được hoan nghênh nhiệt liệt. Báo Văn nghệ chuẩn bị hội thảo khen ngợi. Vậy mà anh Châu gặp tôi “mặt nhăn như bị”. Anh nói: làm thế nào để họ thôi cuộc hội thảo này, nhắc đến thêm rầy rà, cứ để cho người ta “quên” đi.
        Tôi hiểu tình hình, hiểu tâm trạng anh. Phân tích đến cùng cái truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” thì anh Châu gay!
        -Tao lo lắm… Có một luồng dư luận đang suy diễn quy kết tao - Anh nói - Tao nghĩ ra mẹo rồi. Tao sẽ viết nhanh một cuốn tiểu thuyết lấy tên “Mảnh đất tình yêu”, chủ đề ngợi ca quê hương, tư tưởng lành mạnh trong sáng, như tiếng hót của chim sơn ca ca ngợi cuộc sống. Mày in nhanh giúp tao, để đanh bạt dư âm của các truyện ngắn “có vấn đề” kia.
        Anh Châu viết trong một tháng xong. Truyện kết cấu chặt chẽ, ngôn từ đẹp, tư tưởng trong sáng, toát ra tư duy ngợi ca cuộc sống  của tác giả. Tôi cũng giúp được việc in nhanh. Sách ra, anh vui sướng như hất được tảng đá trên vai. Quen được mọi người chú ý, viết ra cái gì là báo chí, các nhà phê bình bình luận, lần này anh Châu đón đợi các bài khen ríu rít “Mảnh đất tình yêu” để át đi dư luận xầm xì về loạt truyện ngắn “cấp tiến”.
Đợi mãi, đợi mãi, chả có ma nào thèm để ý đến “Mảnh đất tình yêu . Tịnh không một lời nhắc đến. Anh Châu ngạc nhiên thật sự. Tôi vẫn là người anh tin tưởng, tâm sự. “Sao thế mày, anh hỏi”.
-        Còn sao nữa… - Tôi mỉm cười.
- Tao hiểu rồi mày ạ - Anh nói – Thôi bây giờ mày viết hộ tao một bài khen cuốn này, để “đánh động” cho thiên hạ biết.
-        Em biết gì mà dám viết về tác phẩm của anh .
- Thôi thế này vậy. Tao sẽ tự viết. Nhưng đứng tên mày. Bài báo ký tên mày.
Bài báo in trên tạp chí “Tác phẩm mới”, nhưng cũng chả ai thèm đọc, chả ai thèm để ý. Trong khi thiên hạ cứ không chịu quên đi các truyện ngắn cho anh nhờ…
        Riêng tôi, rất “khoái chí”, vì có hẳn một nhà văn bậc thầy phải viết bài “hộ” mình, còn mình thản nhiên lĩnh nhuận bút!
        Năm 1983 nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi đến Nhà xuất bản Tác phẩm mới bản thảo kịch “Giấc mơ”. Anh Thi giữ chức Tổng thư ký (tức chức danh chủ tịch) Hội Nhà văn tới 30 năm, uy tín của anh là bao trùm. Anh là lãnh đạo phong trào văn học cả nước, là “cầm cân nẩy mực” văn chương.
        Tôi được phân công biên tập cuốn này. Đọc đi đọc lại cả tuần, tôi “vắt óc” viết bản giám định dài. Trích một đoạn: “Giấc mơ chứa đựng trong đó một triết lý về giá trị cuộc sống , về tình thương. Nội dung hàm súc, từng câu từng chữ tâm huyết, ý tứ tiềm tàng. Nó khác hẳn loại kịch nội dung nông cạn, sơ giản một chiều từng thấy. Có thể gọi là một vở kịch hay.
        Về cơ bản, vở kịch mang tinh thần lạc quan. Ở đây là hình ảnh người chiến sĩ chiến đấu vì sự sống, vì tương lai, vì những gì cao đẹp của cuộc đời này. Anh biết giá trị cuộc sống không phải ở quyền uy vinh hiển, ở của cải vật chất. Anh dám chấp nhận hy sinh, và trong thực tế anh đã thiệt thòi, bị mất đi những hạnh phúc đời thường. Nhưng anh là vĩ đại, anh tỏa sáng chân lý. Hình tượng anh chia ánh sáng những ngọn đèn cho các em nhỏ ở cuối rất đẹp. Phải nhìn thẳng vào sự hy sinh đau xót của cuộc đời, không thể dùng lãng quên để cứu con người vượt qua chông gai đời thường. Yêu thương tạo nên nguồn nghị lực không cùng của sự sống! Tôi nhận thức ở hướng chính diện là như vậy… Nhưng như thế không phải là tôi không băn khoăn khi đứng ở góc độ biên tập (thời điểm này là 1983). Cái ý tứ trong kịch về quyền uy đại đế, hồn ma, hạt bụi… có thể bị suy diễn những ẩn ý không lợi nào chăng. Và hình tượng người anh hùng ở đây có cô đơn không? Người anh hùng  thân thể tật nguyền, kỷ niệm quên lãng, hạnh phúc tan vỡ… Anh sống với khóm tre xanh, và những ngọn đèn ông sao…”.
        Sau đó, Lê Minh Khuê viết giám định. Chúng tôi ra sức phân tích tác phẩm. Cuối cùng Tổng Biên tập, và Giám đốc đều đọc, nhưng không dám có quyết định. In một cuốn sách lúc đó quan trọng như thế đấy..
           . Tôi được lệnh đem bản thảo lên một đồng chí có quyền cao hơn xin ý kiến. Đồng chí lãnh đạo cũng viết giám định rất dài khẳng định đây là vở kịch rất tốt. Tuy nhiên đồng chí e ngại những đoạn viết về Cờlêôpác, Tần Thủy Hoàng… sẽ có người nghĩ là tác giả đã đi quá xa…
        Cuối giám định, ông viết: “Theo tôi kịch bản này có thể in được, còn quyền quyết định in hay không thuộc về Nhà xuất bản. Cần góp ý với tác giả xem lại miêu tả “sự lú lẫn” của nhân vật. Nó vừa hợp lý vừa không hợp lý v.v… và v.v…
        Người biên tập chính của đội hình biên tập những cuốn sách đặc biệt giống như anh tiểu đội trưởng trong trận đánh, phải xông lên hàng đầu, và có thể phải “hy sinh” một mình anh ta.
        “Giấc mơ” sao đó đã được ra đời. Cũng là một cái mốc về sự khai thông nào đó.
        Sau đấy, anh Thi còn gửi đến vở kịch “Tiếng sóng”, quá trình biên tập không gian nan bằng, nhưng cũng phải bốn người biên tập, bốn bản giám định và một cuộc họp toàn thể để ra nghị quyết…
        Từ năm 1986, nhiều tác phẩm văn nghệ đổi mới, như mùa hoa nở rộ. Nhưng phải nói trước đó nó đã được hoài thai âm thầm, mà Nhà xuất bản Tác phẩm mới lúc đó đã góp sức vun xới ươm mầm.
        Tác phẩm thật sự “nổ bung” là tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lu. Người biên tập chính là anh Trần Vũ Mai. “Thời xa vắng” thật sự là tác phẩm điển hình mở màn thời văn nghệ đổi mới. Nhiều nhà văn làm việc ở các Nhà xuất bản khác đều nói :chỉ  Nhà xuất bản Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam mới được trao “sứ mệnh” cắm cái mốc son này. Cuốn sách làm thay đổi tư duy cũ của nhiều cây bút. Họ hướng về Nhà xuất bản Tác Phẩm mới. Nhà xuất bản có thương hiệu mạnh hẳn lên. Cuốn sách được dịch ra quốc tế, và Lê Lựu là nhà văn mở đầu đi giao lưu văn hóa ở Hoa Kỳ.
        Chính sự vang dội mở màn của “Thời xa vắng” đã mở đường cho một số tác phẩm đổi mới sau này dễ dàng ra đời. Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Nếu “Nỗi buồn chiến tranh” bị nhà xuất bản chùng trình, xếp lại, nghe ngóng, chờ đợi vài ba năm sau mói cho in, thì chưa chắc nó đã được đón nhận như đã diễn ra trong thực tế.
        Hội nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cuốn này.Có người trách tôi : Tên sách Nỗi buồn chiến tranh hay thế tại sao khi in anh lại đổi thành tên sáo rỗng “Thân phận của tình yêu”.
        Khi nhận bản thảo của Bảo Ninh, tôi đọc, bị cuốn hút ngay, nhưng không phải không có phần lo lắng, thậm chí quá lo lắng. Tôi có thể trả lại bản thảo này, như vậy nhẹ nhàng, thanh thản cho tôi. Nhưng trách nhiệm không cho phép tôi làm việc đấy. Tôi nói: Anh nên đổi một nhan đề khác, cho “mềm” hơn, “dễ lọt” hơn. Bảo Ninh về nghĩ năm nhan đề mới, trong đó có nhan đề “Thân phận của tình yêu”. Và tôi đã chọn tên này. Đồng thời, tôi cũng phải đề nghị Bảo Ninh sửa chữa, cắt bỏ một số chi tiết. Nhà văn nào cũng “ghét” nhất việc anh Biên tập góp ý, sửa chữa, cắt bỏ. Anh biên tập không hiểu tác phẩm không thể góp ý xằng. Anh Nguyễn Kiên là người đọc duyệt “Nỗi buồn chiến tranh”, ý kiến của anh trùng hợp với ý kiến của tôi. Và lúc này trong không khí đổi mới mạnh mẽ, nhà xuất bản đã cho ấn hành.        
        Mấy năm sau nhà xuất bản còn phải xử lý nhiều bản thảo “gay cấn” hơn thế nhiều. Tùy, có cuốn in, nhưng cũng gác lại một số. Lúc đó, là người có chức danh “chịu trách nhiệm xuất bản” ghi ở trang xi nhê, tôi phải quyết đoán trong nhiều trường hợp khó khăn, vừa phải trong quỹ đạo đổi mới, nhưng đồng thời vừa phải giữ cho Nhà xuất bản tồn tại yên ổn. Nghề xuất bản một thời với tôi thật chẳng dễ dàng gì…
                                                                Đại Yên 5- 2013



 vvvvvv