Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011






Cây đèn



                        Tản văn Nguyễn Phan Hách

      Thằng Cún có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cún rõ ràng trong giấy tờ khai ở nhà ông thư ký hộ lại xã.

      Bác Xã nghĩ nhà mình phận hèn, đặt tên thế là phải, và để cuộc đời này quên đi, không thèm đếm xỉa đến một “con cún”. Quan ôn, quan dịch có về làng thì cũng bỏ qua một cái thằng như thế. Tuy vậy ,bác Xã lại bảo con: Mày muốn không là “Con Cún” thì cố mà học đi. Khi mày có chữ trong đầu thì chả ai dám coi thường nữa. Vì thế thằng Cún quyết tâm học. Ngày ngày cắp sách đến nhà thầy Đồ chăm chỉ. Nó đã  thuộc lòng Tam tự kinh, Ngũ ngôn thi. Chỉ hiềm đêm về nó không có đèn để học. Thuở ấy ,đèn là một cái đĩa sành, đựng dầu lạc, cắm bấc. Ngọn đèn dầu lạc cháy nổ lép bép, thơm phức, ánh sáng chập chờn. Một đêm, học hết một đĩa dầu lạc đầy. Một đĩa ,đủ để xào mớ rau muống, cả nhà ăn ngon lành. Dầu lạc béo ngậy, chưa nhai, rau đã trôi  vào trong cổ họng. Thèm lắm, thế mà cứ phải bóp mồm, bóp miệng để dành cho thằng Cún học. Mỗi khi rót dầu vào đĩa ,mẹ thằng Cún tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Rớt ra ngoài một giọt, tiếc như rớt giọt máu đứt tay.

      Ngọn đèn quý giá, nên bà cũng tranh thủ ngồi khâu vá bên con. Ánh sáng như lặn vào theo đường kim mũi chỉ.

      Tháng mười năm ấy, heo may rải đồng, chim ngói bay về, bác Xã quăng lưới bắt được hai lồng chim ngói đeo cườm. Gánh chim lên tỉnh bán, chiều về ,bác Xã cho cả nhà xem chiếc đèn Hoa Kỳ và chai dầu Tây mới mua. Chiếc đèn, bình bằng đồng, bóng thủy tinh trong suốt.Rót dầu, châm lửa, cây đèn bừng lên ánh sáng chói lòa.

          -Ở xứ văn minh,khoa học người ta chế ra chiếc đèn này-Bác Xã nói.

      Vợ bác Xã, thấy chai dầu Tây đầy ắp, định rót ra một ít xào rau. Dầu của xứ Tây chắc ngon lắm. Nhưng vội bịt mũi khiếp vía:

-       Trời ơi, sao mà hôi thế.

Bác Xã cười giảng giải:

-       Dầu này không ăn được.

-       Vậy là thua xa dầu lạc của mình - Bác Xã gái lý sự - Thế thì chả “văn minh”.

Cây đèn Hoa Kỳ tỏa sáng tràn ngập trong nhà ngoài sân. Mọi người ngồi ngây ra ngắm. Bác Xã thò tay vặn một cái gì đó, ngọn đèn nhỏ dần.

-       Ồ, tài nhỉ…

-       Đấy là do cái ‘‘máy ’’- Bác Xã chỉ vào chiếc que sắt bé bằng cái tăm xuyên ngang cổ đèn - Cái máy này có bánh xe ngoạm vào bấc. Khi “máy chạy” bấc bị kéo lên kéo xuống.

-       Ồ tài nhỉ?

-       Ấy máy nó là như thế đấy. Trên đời này mọi sự “văn minh” được, đều là nhờ ở những cái máy!

Thằng Cún mắt chăm chăm. Nó thao tác thử ,để ngọn lửa to hơn ,soi rõ dòng chữ nó đang học: “Hòa giả như hòa đạo. Ngu phu tự thảo lai” (Người giỏi như thóc quý. Người dốt tựa cỏ may).

-       Trông chữ dưới đèn ,nó cứ to lồ lộ ra. Dễ vào đầu lắm bố ạ.

-       Ừ, cố lên con.

-       Có đèn thế này, chả mấy mà con thuộc cuốn “Luận ngữ”.

-       Hai lồng chim ngói của bố đấy con ạ. Bố nhìn ánh đèn mà tưởng như chập chờn bóng hình xao xác của đàn chim ngói vỗ cánh.

-       Cánh chim ngói bay cao. Những dòng Luận ngữ này cũng như có cánh bay trong đầu con.

Hai bố con thằng Cún thi nhau chọn những lời văn hoa hơi khiên cưỡng để ca ngợi ngọn đèn. Biết vậy, nên bác Xã phải hạ một câu “hiện thực”:

-       Nhưng “chó Cún” thì bay hơi khó đấy.

Thằng Cún cười hì hì:

-       Nhưng con sẽ cố.

Từ hôm ấy, đêm nào thằng Cún cũng thức đến khuya. Tiếng gà xao xác gáy làm rung rinh ngọn đèn. Có đêm, cặn dầu lên “hoa đèn”. Hoa bình chiếc lá đề, hơi giống chiếc quạt, chiếc biển “ân tứ vinh quy” trong các đán rước vinh quy bái tổ của các ông Nghè. Thằng Cún bâng khuâng mơ mộng.

      Phải, khi nào có chữ trong đầu, xem ai còn dám gọi nó là Cún nữa không?



                                                            4 -11 - 2011

     


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét