Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014




HÀ NỘI TÔI YÊU...
Tản văn của Nguyễn Phan Hách
         
Nắng tháng Chạp rưng rưng. Nắng của thế kỷ trước ấp ủ mái phố cổ lô nhô.
          Tôi đi trong rêu phong 36 phố phường. 36 mảnh hồn làng nghề cả nước hội tụ về đây. Ông thợ Bạc chạm khắc thỏi vàng. Bác Phó thổi bễ đúc đồng. Cô gái gói hương cốm đồng quê trong lá dong xanh...
          Bao nhiêu nghề còn, và bao nhiêu nghề đã mất.
          Không còn người che lọng vàng tán tía,nên tên phố Hàng Lọng, Hàng Quạt chỉ còn là hoài niệm.
          Không còn chợ bán Cỏ cho ngựa của vua quan ,nhưng tên Nhà ga Hàng Cỏ không quên.
          Hàng Tre vẫn còn bán những chiếc sào có vết lửa hun nắn thẳng mấu đốt. Sào tre, “di vật” của những dặng tre ngàn đời bao quanh làng Việt, mà thoắt cái đã thành hư ảo.
Phố Hàng Gà, còn tiếng gà gáy trong quá vãng. Tiếng gà gáy suốt năm canh, như tiếng chuông điểm nhịp thời gian, tiếng kèn giục giã cuộc sống, nhắc ta không bao giờ đầu hàng. Còn không tiếng gà gáy xưa trong lòng phố cổ.
Hàng Phèn. Bao nhiêu tấn phèn gạn nước đục trong, cuộc đời này.
Hàng Buồm không còn bán những cánh buồm và gió trên sông chở con người đến những miền xa, chỉ còn đây trên hàng cây mái phố Hàng Buồm hôm nay, tiếng gió căng buồm!
Hàng Mã của tuổi thơ, mẹ mua cho cây đèn ông sao thắp sáng suốt cuộc đời con.
Hàng Bát Đàn còn nhớ ảnh hình “mâm đan bát đàn” bữa ăn đơn sơ của người Việt cổ...
“Hòe hoa hoàng, cử tử mang” Phố Hòe Nhai không còn dặng hòe vàng rợi che đầu sĩ tử đoạn đường buổi sớm vào sân Thành Nội ứng thí, “Đại đình tằng đối tam thiên t” (giữa sân rồng múa bút viết ba ngàn chữ) của các ông Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Tôi đi trong phố cổ, bước xăm xăm vào quá khứ.
Mùi thơm phố Thuốc Bắc, Lãn Ông... Không còn những ông Lang râu dài, bên những chiếc cân tiểu ly nặng nhẹ thời gian...
Hàng Trống, vọng về  âm âm tiếng trống hội làng, hội phố. Con trâu một đời cần mẫn kéo cày, lúc chết còn để lại bộ da cho cuộc đời gõ lên những tiếng kêu vang.
Gai, sợi gai là cái gì quan trọng thế mà chiếm cả một phố lớn - Hàng Gai. Có lẽ tại là không có sợi se đan dệt, thì mọi thứ cứ rời rông rổng...
Hồ Gươm, Hồ Tây long lanh như ánh mắt. Như gương mặt thời gian, soi vào đây thấy bóng hình lâu đài thành quách Lý Trần Lê vàng son...
Tôi vịn tay vào  đôi Rồng Đá điện Kính Thiên, và bay lên.Tôi nhìn thấy đất Đế Đô ngàn năm tựa lưng vào Ngai núi Tản Viên thần thánh, mặt nhìn ra sông Hồng long mạch trường tồn cuồn cuộn chảy...
Tôi thấy Đức Thái tổ họ Lý mang cái tên mộc mạc của làng quê Diên Uẩn (Bắc Ninh) đang ngắm rồng bay làm nên biểu tượng thăng hoa của một thời dựng nước, lập đô.
Tôi thấy Đức Thái tổ họ Lê trả gươm cho rùa vàng bên hồ Tả Vọng, biểu tượng khát vọng hòa bình muôn thuở, sau khi binh lửa can qua.
Và tôi thấy “Rồng lửa Thăng Long” thời chống Mỹ bay lên quật ngã Pháo đài B52, cho nó uống nước Hồ Tây, cho nó chết chìm trong ao nhỏ làng hoa Ngọc Hà.

*  *  *
*  *
    *
Tôi đi lang thang dọc bờ sông Hồng. Sóng thời gian cuồn cuộn trĩu nặng phù sa  bồi đắp.
Tôi thấy trong mù sương quá vãng bóng hình chiếc tàu thời cơ khí đầu máy hơi nước ngạo mạn,  nã pháo vào thành cổ Hà Nội ngàn năm để rồi cả Gácniê lẫn Rivie đều phải bỏ xác tại đoạn đường Cầu Giấy... Tôi thấy những tên sĩ quan ăn cướp Pháp đầu tiên lộp cộp lên bờ nhận phần  Nhượng địa Đồn Thủy, và sĩ quan công chính Va Ren cho xây ngôi nhà Tây hai tầng bằng sắt, sỏi, xi măng đầu tiên... Và tôi thấy bóng hình những tên lính phương Tây đã phải bước những bước cuối cùng của chủ nghĩa thực dân qua cầu Long Biên.
Tỉnh Hà Nội do Minh Mạng lập ra năm 1831 gồm bốn phủ Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân.
Pháp đến, xây trên địa bàn Phủ Hoài Đức thành phố Hà Nội làm thủ phủ liên bang Đông Dương, còn ba phủ kia trả về các tỉnh lẻ.
Kiến trúc sư Pháp Ernest  He’brad đến Hà Nội năm 1921, và Luis Pineau đến năm 1932, hai ông tạo nên diện mạo phố Tây thuộc địa với các biệt thự tháp nhọn sau bóng dã hương.
Ngày hôm nay, Hà Nội mới, vươn vai rộng dài như Thánh Gióng ,hứa hẹn một đô thành nguy nga tráng lệ...
Mùa xuân đã trở về. Nắng vàng như rót mật. Dòng suối hoa từ ngoại thành tràn vào nhuộm hoa cho phố xá. Đào tết Nhật Tân đã thành sắc màu văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam. Đào thế gốc lịch sử xù xì, nở bừng sắc hương thời mới. Đào phai, năm cánh mong manh như hồn núi rừng đồng quê về hội tụ.
Hình cô gái cầm cành đào đứng bán trên  hè phố, đã trở thành biểu tượng của mùa xuân.
Màu hoa đào là màu má hồng con gái. Còn hoa Cúc vàng là màu khát vọng tình yêu.
Chợ hoa đêm Hà Nội mờ trong trăng khuya, sương sớm để hoa kịp về phòng khách ban mai mỗi gia đình. Hồng Vàng như nàng công chúa kiêu sa. Cẩm chướng, thược dược như cô gái  si tình . Ly ly như người yêu ca sĩ thời trang. Diên Vỹ giá mấy chục triệu đô trong tranh Van Gốc, hiện hình về đây thành sắc hương có thật. Loài Cúc trắng Họa Mi đơn sơ, bình dị là sứ giả báo mùa đông đến. Còn Sen Hồ Tây là sứ giả mùa hè. Sen đến nồng nàn, nhưng phải ngậm ngùi ra đi khi gió heo may, như những cuộc chia ly bắt buộc của cuộc đời này.
          Có một loài hoa gợi tiếng kèn thời gian âm vang khi nắng mới bừng lên sau giá rét mùa đông. Hoa Loa Kèn trắng muốt trên tay cô gái có đôi môi khát thèm đang cắn trái mơ chua, chín cùng một ngày với kỳ hoa nở.
Mơ chua tháng ba thoáng qua môi người thiếu nữ Hà Nội. Môi đắm say hương vị cuộc đời nhẻ nhót trái mận đào, vải thiều. Na mở mắt ngỡ ngàng tháng bẩy. Và tháng tám, hồng về để thi với má người con gái đến thì...
Tôi đi trong bốn mùa hoa, mùa quả Hà Nội. Hoa Sữa mùa thu tình đầu của tôi. Hoa Xưa tháng hai là tuyết trắng trong tinh khiết của tình tôi. Tôi đắm chìm trong sắc hương Hà Nội, sắc hương của chính lòng tôi...

5/1/2014vvv