Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011


Ngõ Trạm

Truyện ngắn của NGUYỄN PHAN HÁCH



Phố Ngõ Trạm nơi tôi ở. Cái tên phố gợi cảm xúc hoài cổ bâng khuâng. Tôi tưởng như nhìn thấy đâu đây những người phu trạm thời xưa, nón dấu cắm lông gà, tay cầm phong văn thư gắn si; và những con ngựa đưa thư mình phủ bụi dặm đường thiên lý. “Giờ đây phu trạm vừa đem/ Lá thư anh gửi mừng em lấy chồng”. Thơ Vũ Hoàng Chương đấy! Chữ phu trạm sao có gì gợi cảm. Người phu trạm - người kỵ sĩ bóng in phía chân trời xa lắc. Nơi gia trang sơn cước, có nàng tiểu thư đang đợi người phu trạm kinh đô đem đến tin mừng.

Anh là trai Ngõ Trạm

Thư tình e ấp chửa trao

Tôi sẽ viết. Và gửi cho em - người con gái tôi yêu ở ngõ Tạm Thương, rất gần Ngõ Trạm.

Ngõ Tạm Thương! Lại cái tên phố đến nao cả lòng.

Sao chỉ là Tạm Thương

Mà chẳng là thương hẳn

Nhất định câu thơ sẽ là như thế.

Bâng khuâng hàng tháng, tôi đã làm xong bài thơ nhan đề “Anh là trai Ngõ Trạm, Em là gái Tạm Thương”. Nhưng tôi muốn em đọc thơ tôi, đăng trên mặt báo lớn kia! Tình yêu riêng mà có bề dầy tình xứ sở.

Tôi đến Toà báo. Ông biên tập viên đã già, da đỏ hồng đẹp lão. Tôi hơi lo. Lớp người như ông sao hiểu được thơ tình trẻ.

Ngồi bên bàn nước, ông lặng lẽ đọc xong rồi bảo:

- Bài thơ có cảm xúc. Nhưng cậu hơi lầm lẫn. Cậu hiểu chữ “Tạm Thương” là tạm thương yêu một cách thơ mộng thế này là sai. Tạm thương chữ Nho nghĩa là cái Kho tạm thời. Nguyên do là vì thời trước ở đây có một cái nhà kho. Kho tạm thôi. Dân các tổng đem thóc lên nộp thuế thường phải qua viên Giám ty (thủ kho) kiểm tra kỹ càng. Thóc chưa đạt tiêu chuẩn đăng trường (tức là nhập kho chính thức), phải cất vào kho tạm để sàng sẩy, lọc lựa, chờ lần sau. Tạm Thương - Kho tạm, dần thành địa danh ngõ phố.

Tôi ngồi chết ngã ngửa người, mặt đỏ dừ xấu hổ.

Ông biên tập viên thủng thẳng:

- Quanh Tạm Thương có một bọn đàn bà con gái làm nghề đổ thóc vào, xúc thóc ra, sàng sẩy thuê cho người nộp thuế. Chúng đặc biệt lưu manh. Tha hồ ăn cắp ăn nẩy, bớt xén rồi đổ trấu vào cho đầy. Đợt đăng trường sau, thời hạn cấp bách, dân các tổng nộp thuế, thóc trong tạm thương bị hụt, lại phải mua của chúng bù vào. Mua chính số thóc chúng đã ăn cắp của mình.

Bọn đàn bà con gái này đặc biệt chanh chua chỏng lỏn nổi tiếng. Thời ấy nói đến “gái Tạm Thương” ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Dần dần thành phương ngôn “gái Tạm Thương” là ngụ ý gái lưu manh.

Thế mà cậu làm thơ gọi người yêu cậu là “gái Tạm Thương”.

Ông biên tập viên cười khì khì. Nghe tiếng cười của ông tôi chỉ muốn chui xuống đất.

Ông biên tập viên nhìn tôi ái ngại:

- Lại còn “trai Ngõ Trạm” nữa, cũng là cả một điển tích. Bọn phu trạm thời ấy ở đây phần lớn là tuyển từ bọn con trai khoẻ mạnh, táo tợn, côn đồ. Ngày ngày chúng chầu chực ở Nhà Trạm để chờ có công văn thư từ thì hoả tốc lên đường. Trong lúc chờ đợi, chúng bài bạc, sát phạt đánh lộn và hút sách bê tha. Bọn “Trai Ngõ Trạm” xứng đôi vừa lứa với bọn “Gái Tạm Thương”. Hai ngõ phố gần nhau, chúng mèo chuột đĩ bợm. Tình yêu của chúng là thứ tình của bọn côn đồ điếm đàng, nổi tiếng đến mức cũng thành phương ngôn. Có thể ở thời điểm khác có những người phu trạm tốt, nhưng phương ngôn “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương” là để chỉ loại ấy…

Tôi ngồi bàng hoàng, mồ hôi ra như tắm. Thơ ơi là thơ, có khổ tôi không. Bây giờ tôi mới biết là còn dốt lắm. Tôi đã đọc sai “ký hiệu”. Mấy cái từ như có ma lực mộng mơ kia mà nghĩa thực và sự tích thì sao lại trớ trêu thế này…

Đại Yên, 18-6-1995


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét