Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Thêm chú thích
Tuong Le Van Thinh

MIỀN TUỔI THƠ

Vẫn còn trong tôi chú bé thơ

Mái rêu phong ,hiên vàng hoe nắng

Tiếng mẹ gọi trong chiều xa vắng

Cà kếu bay rủ đến miền xa



Vẫn còn trong tôi chú bé thơ

Chân đất áo nâu , thời trường huyện

Trang sách mở ngời ngời ánh sáng

Ngọn đèn khuya hay chính là mình



Sớm đầu thu nắng nhẹ lung linh

Cô bạn nhỏ có nụ cười tỏa nắng

Bài em hát sao mà say đắm

Mãi ngân vang suốt cuộc đời tôi



Miền ấu thơ cánh diều chơi vơi

Môi nồng ấm chưa nếm mùi mật đắng

Tiếng sáo diều đêm thâu văng vẳng

Hồn tuổi thơ tan vào không gian



Vẫn còn trong tôi chú bé con con

Ngây ngô lắm mà kiêu hãnh lắm

Chưa đi hết chiều dài ngõ vắng

  thấy chân trời cũng chẳng xa



24-12-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH



















Hội làng Quan họ



Ký của Nguyễn Phan Hách



     Tôi thường mời các bạn bè Hà Nội về Hội làng Bắc Ninh. Ngày 13 tháng giêng là một ngày vui. Đi khắp các nơi, chỗ nào cũng thấy âm âm tiếng trống hội vọng ra từ các bờ tre. Bóng cờ ngũ sắc phấp phới. Cảm giác náo nức lạ lùng.

     Tôi thích đến những làng xa, khuất nẻo. Cổng quê, đầu ngõ, có những chiếc quán đá cổ, cột  nhẫn mòn, trai gái hát Quan họ “cây nhà lá vườn” ở đấy. Nhưng cũng có khi là những ông bà già giọng khàn đục ,hát như một nghi lễ tôn giáo. Hội làng Việt Nam thường có các “nghi lễ Hát”. Hát để vui chơi, nhưng cũng còn là để thờ thần. Sau các màn tế lễ, có  tiết mục hát. Ca trù là một ví dụ. Ca trù thường ròn vang sênh phách trong đèn nến hương nhang…

Quan họ cũng thế. Quan họ có màn hát trước cửa đình, và đó là điều lạ nhất. Những câu hát tình yêu giao duyên say đắm lại đồng thời là những câu hát thờ thần. Năm nào làng xưa cũng phải mở hội. Có hát thì mới “hòa cốc phong đăng”. Nếu không thời tiết trái nghịch, dịch bệnh, mất mùa. Nhiều làng cổ tỉnh khác, còn có các nghi lễ phồn thực. Vừa hát vừa diễn tả nghi lễ phồn thực. Vậy hát đã là “nghi lễ tôn giáo” từ bao đời nay. Quan họ cũng có nét đó. Nhìn các ông bà già nghiêm trang hát, tôi thấy một cái gì thiêng liêng trong các làn điệu mà tôi tưởng đã quá quen thân.

     Quan họ réo rắt đắm say. Hát hay thì khó, nhưng hát bình thường thì ai cũng hát được. Có thể nói là dễ hát. Vì thế có làng cả làng biết hát. Chả lẽ lắm “ca sĩ” thế. Có giọng khó lắm chứ. Nhưng đây là quan họ... Ai cũng có thể là “ca sĩ” khi hát karaôkê  có nhạc đệm đỡ giọng. Và ai cũng có thể là “ca sĩ” khi ở Làng Quan họ. Từ bé đã nghe mẹ hát ru những làn điệu này. Giai điệu đã ngấm vào máu. Sữa mẹ nuôi em bé lớn. Và tiếng hát ru Quan họ của mẹ nuôi tâm hồn em bé. Vì thế hát có khó gì. Tôi đã thấy nhiều nhà gần như một đoàn văn công. Bố mẹ hát. Con giai, con gái, rồi con rể, con dâu hát. Lại cả ông bà thông gia cũng hát. Tôi đã đến một gia đình như thế. Cả nhà “biểu diễn” kéo dài suốt buổi tối. Đủ cả tiết mục đơn ca, song ca, hát bè ,hát đối... Bố hát đối với bà thông gia, vì hợp giọng nhau. Chồng lại hóa trang ông già đứng  hát với vợ đóng vai cháu gái đi hội. Buồn cười lắm, và vui lắm. Mẹ đóng vai “bạn hát” với con dâu. Con rể đóng vai “bạn hát” với bố vợ...

     Một người khách nước ngoài xem đêm hát tại nhà hôm ấy đã thốt lên: Đây là cuộc hát kỳ lạ nhất mà tôi được dự. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào có màn hát như thế này. Người khách là tham tán văn hóa sứ quán Pháp. Tôi làm việc ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, khá quen thân ông. Năm nào ông cũng dành  cho Nhà xuất bản chúng tôi một ngân khoản tài trợ dịch in vài ba cuốn tiểu thuyết Pháp. Và tôi có nhiệm vụ phải giới thiệu văn hóa quê tôi cho ông biết. Có lần nghệ sĩ Thúy Cải (hồi ấy làm trưởng đoàn quan họ) đã tổ chức cả một buổi biểu diễn nhẹ, hát riêng cho ông nghe. Ông cảm động suýt khóc. Ông nói: “Đời tôi chưa bao giờ được vinh dự thế này. Sao Quan họ của các anh lại có thể hay đến như thế. Sao những người nông dân lam lũ, không biết chút gì về nhạc lý, về “đồ rê mi pha son” lại có thể “xuất khẩu thành nhạc” tạo nên một hệ thống làn điệu phong phú, diễn tả được mọi cung bậc của tâm hồn”. Ông đòi tôi đưa đến nhà một người dân thuần phác nào đó. Tôi đưa đến nhà một người quen ở Phật Tích. Bà mẹ nằm hát ru con ngủ trên võng. Ngoài vườn các tàng trám cổ thụ, trám  vàng như sao chiều rụng lộp bộp, cu cườm hót líu lo. Mái ngói rêu mốc, bến đá, ao sen, nắng hanh vàng, tiếng gà trưa cục tác... Ông trầm ngâm: thanh bình quá, thơ mộng quá, chả trách có những  làn điệu dân ca này là phải.

     Tôi nói tiếng Việt giàu thanh điệu. Nặng, sắc, huyền, hỏi, ngã là năm cung bậc của âm nhạc rồi còn gì. Tiếng miền Trung còn réo rắt hơn. Có bà mẹ mắng con vì nó đánh vỡ đồ. Đại ý bà nói: mày là đồ phá hoại, lát nữa bố mày về, bố mày sẽ rầy la... Giọng của bà phát âm ra thành thế này: Đồ mi là đồ mi phá. Cha (pha) mi về (rề) là cha (pha) mi la... Toàn các nốt nhạc nhé...

     Ông Tham tán cười ngất. Đúng là tiếng Việt du dương thật. Những bài dân ca xứ này say đắm là điều dễ hiểu.



*  *  *

  *  *

    *







    

Mỗi năm đến Hội Lim ,ở Hà Nội có bao nhiêu người chờ đợi. Nhiều nhóm “sành điệu” đặt trước một nhà hàng sang trọng của Bắc Ninh. Một đêm tiệc tùng, một đêm biểu diễn quan họ riêng cho các thực khách. Vừa ăn vừa nghe hát. Bắc Ninh giờ có bao nhiêu “gánh hát quan họ” nghiệp dư nhưng biểu diễn rất chuyên nghiệp. Nhiều đám cưới không thể thiếu quan họ. Những cô gái đội nón ba tầm, khăn mỏ quạ, áo tứ thân, đem vào đám cưới không khí hội hè dân tộc.

     Tôi thích được đứng  “song ca” với các “diễn viên” này, rồi chụp một kiểu ảnh. Bao nhiêu lần thế rồi mà tôi vẫn chưa chán.

      Một lần đi Hội Lim, tôi dẫn theo một người bạn Sài Gòn. Cô gái và tôi đi lang thang trong làng Nội Duệ. Cả làng như biến thành một xứ sở cổ tích. Cờ quạt rợp trời, đám rước uy nghi, chiêng trống ngân nga. Từ các nhà, mùi xôi tỏa ra thơm nức, tất cả rộn ràng như tết.

     Cô gái bước vào một ngôi nhà. Chủ nhà bước ra đon đả: “Cô vào chơi”. Vào ngày này, tất cả những ai đến đây đều là người tốt, là khách quý. Khách lạ, đường xa đến Hội quan họ thì lại càng quý hơn. Nhất định chủ nhà phải đãi một chút gì đó để lấy khước, để tỏ thịnh tình. Tôi tháp tùng cô gái nên cũng được mời ăn. Chị chủ nhà miệng tươi như hoa. Khi tôi nói tôi là ai (vì ở Bắc Ninh nhiều người biết tôi, duyên do từ bài hát “Làng quan họ quê tôi”) thì Chị reo lên, coi là thân tình lắm rồi. Mâm cỗ thật thịnh soạn. Tôi nhìn thấy trong buồng còn nhiều mâm như thế nữa. Có nhiều khách lạ được ăn như tôi.

     Cô gái Sài Gòn ăn xong ,nhất định tặng chị chủ nhà chiếc khăn quàng đẹp mà cô mới mua, để trong túi xắc. Chị không lấy. Hai chị em giằng co nhau. “Hội làng đẹp quá anh ơi, bây giờ em mới biết thế nào là hội làng Kinh Bắc”.

     Chuyện mời khách lạ ăn uống trong Hội làng thì tôi không lạ. Năm xưa có lần cơ quan tôi đi hội Ninh Hiệp, quê bà Chúa Nành. Hơn chục người đang quanh quẩn, thì được mời vào “Hội  trường”. Thấy mấy ông cán bộ xã đi đi lại lại. Tưởng sắp phải nghe ông cán bộ nói chuyện về ý nghĩa của hội làng, nên chúng tôi tìm cách lẻn ra cửa. Nhưng bị chặn lại tức thì. “Các anh ở đây chơi đã...”. Những người chủ hội làng niềm nở. Rồi từ nhà dưới, mấy mâm cỗ bốc khói thơm nức bưng lên. “Các anh là nhà thơ... Làng tôi cũng nhiều nhà thơ lắm. Họ bảo chúng tôi các anh là ai... Và như thế thì các anh về thế nào được... Ở lại nhấp ly rượu Hội làng”.

      Nhưng không phải chỉ “nhà thơ” mới được uống rượu. Suốt buổi, tôi thấy nhiều nhóm khách khác đều được mời như chúng tôi. Ăn xong, còn chụp ảnh, chuyện trò bịn rịn. Lòng hiếu khách của Hội làng Bắc Ninh thật có một không hai.

     Nhân chuyện này, tôi phải kể tiếp một “chi tiết” nữa. Năm ngoái, đêm 12 tháng giêng (Hôm sau là Hội Lim), chúng tôi năm người đi trên chiếc xe, theo một anh bạn về làng Lộ Bao (gần Lim) xem cảnh “áp phiên” Hội Làng.Bảo đêm ấy, ngoài đình tế lễ vui lắm. Anh dẫn chúng tôi vào nhà anh Hùng, một người quen. Hỏi quen thế  nào, thì anh nói anh quen một người, rồi người đó quen người kia, và người kia lại là người quen của chủ nhà này.

     Anh Hùng đón chúng tôi thân tình hết mức. Đang ngồi chơi thì có vài đoàn khác từ Hà Nội đến. Đông đến cả vài chục người. Ngồi chật cả rạp ngoài sân. Nhà khá rộng, nhưng phải che rạp mới đủ chỗ. Những người khách chả ai quen ai, đến đây bắt chuyện rôm rả. Rồi bắt đầu màn hát quan họ. Vợ anh Hùng, con gái, và các “diễn viên nghiệp dư” trong xóm hát. Rồi từ nhà dưới, hàng chục mâm cỗ lặng lẽ bưng lên để khắp các bàn.Khách vừa nghe hát vừa ăn. Anh Hùng chiêu đãi tất cả khách lạ. Đủ loại rượu ngon ngâm thuốc bắc. Anh đến mời từng mâm y như đây là đám cưới của con Anh. Có một chàng trai nhanh nhẹn chạy đi chạy lại các bàn phục vụ. Hỏi ra thì biết đó là con rể anh, đang là đại úy Công an ở Hà Nội, nhưng đêm nay về đây, hội làng, phải làm chân lấy tăm rót nước, đúng phép “lệ làng”.

     Chia tay Anh Hùng, chúng tôi về thành phố Bắc Ninh.  10 giờ đêm. Không một khách sạn nào còn phòng cho thuê. Khách về hội đã chật kín. Mà chúng tôi thì nhất định không quay về Hà Nội. Cả đêm suốt dọc đường Tiên Du - thị xã, đèn sáng trưng, không khí “áp phiên” náo nức.



*  *  *

 *  *

   *





     Tôi có một người bạn có ngôi nhà lớn ở  phốTiên Du, gần trung tâm Hội Hát. Cứ đến ngày 13 tháng Giêng là anh làm một sân khấu nhỏ ngoài sân dưới dàn hoa vàng.

     Khách qua đường, bất cứ ai, đều có thể vào hát. Hát quan họ, và các bài hát mới. Anh mở đĩa nhạc ka ra ô kê để đỡ giọng cho “ca sĩ”. Lại có cả “nhạc công nghiệp dư” đánh đàn Oóc gan hỗ trợ.

     Những người khách, trai thanh gái lịch qua đây. Họ “đăng ký” rồi lên sân khấu. Tiếng họ âm vang trong không gian náo nức. Họ hát không biết chán, say mê, nhập đồng. Xong tiết mục của mình, các “ca sĩ qua đường” đi chơi Hội chính trên đồi Lim. Và lại có lớp “ca sĩ” khác vô tình qua đây, nối tiếp. Cứ thế từ sáng đến tối.

     Tôi và Nguyễn Trọng Tạo đã từng lên hát ở đây. Khi chúng tôi cất lên: Làng quan họ quê tôi... Tháng giêng mùa hát hội thì cả sân  hát ùa theo. Giọng chúng tôi chả ra gì, nhưng bài hát đồng ca, tập thể  làm náo nức không gian. Chúng tôi rơm rớm nước mắt vì sung sướng.

     Không nơi nào có cái không gian văn hóa kỳ diệu như nơi này. Mọi người đến đây quên hết sự đời, để cho tâm hồn bay bổng, giao hòa. Văn hóa, một cội nguồn làm nên sự tồn tại của cuộc sống. Không có văn hóa, cuộc sống sẽ bị diệt vong. Những người Kinh Bắc xưa và nay đã và đang xây dựng cho mình một “căn bản văn hóa” để tồn tại. Quan họ đâu phải chỉ là chuyện vui chơi, giải trí. Quan họ nuôi dưỡng tâm hồn Kinh Bắc, tâm hồn Việt Nam.

     Nhiều bạn nước ngoài nói với tôi: “Trong các Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới, thì Quan họ của các anh đúng là đẳng cấp, sánh ngang với những vùng dân ca lừng lẫy của nhân loại. Làm sao mà nghe Quan họ, chúng tôi thấy thơ mộng, trữ tình, lãng mạn đến thế, và do vậy cuộc đời đẹp biết chừng nào...

     Tôi phải thú thật rằng cá nhân tôi sẽ không thành “nhà văn” được nếu nơi này không có dân ca Quan họ và Tranh Đông Hồ. Ngoài hai mươi tuổi tôi viết được bài thơ “Làng Quan họ”, và năm 1970, tôi viết được truyện ngắn “Tranh tết” in trang trọng trên số tết báo Văn nghệ Canh Tuất. Lúc ấy tôi chỉ là anh cán bộ văn hóa cơ sở, xa thủ đô. Tài cán gì đâu, chẳng qua là nhờ chất liệu Quan họ, Đông Hồ mà tôi đề cập trong đó. Rồi sau này truyện “Sân tranh” dịch ra đủ thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung... từ rất sớm, cũng chính là nhờ như thế. Năm 1983, tôi viết được tiểu thuyết “Tình đùa” miêu tả đắm say phong tục Quan họ thời xưa. Bây giờ tôi không thể nào viết được như thế nữa. Tình yêu đầu đẹp nhất, và chỉ một lần...

     Tôi nghĩ Bắc Ninh mình có thể xây dựng được một Trung tâm Du lịch Quan họ. Tôi đã thấy ở Nga, những điểm du lịch Làng Nga cổ, có các bà già váy đồng quê rực rỡ ,đứng hát các làn điệu dân ca. Tôi đã được xem những ngôi nhà nông dân Nga thời xưa, với bếp lò đỏ rực, trên là giường đất nện. Không có kiểu bếp liền giường như thế, người nông dân Nga xưa chắc chết cóng trong băng tuyết.

     Tôi mơ mộng khu du lịch Quan họ của mình sẽ đẹp như Tranh vẽ với mái rạ vàng, hàng tre, ao bèo, đống rơm, ngõ trúc... và cảnh sinh hoạt của người Việt cổ. Thấp thoáng trong đó là hình ảnh của các liền chị liền anh Quan họ. Và nữa, những Hội hát với không gian đồi thông, hồ sen, bến đá. Khách phương xa về, bất cứ lúc nào, chỉ trong một ngày, trong “Resort Quan họ” được hưởng hết cái không  gian văn hóa cổ mà ngành du lịch phải “bóp óc” nghĩ ra cách thể hiện, thu nhỏ lại thế nào đó...

     Về đây, sẽ không phải chỉ là “đi chơi”, ăn uống, giải trí mà là “hành hương” về cội nguồn văn hóa.

     Bắc Ninh có đủ các dữ kiện để phục dựng một không gian kỳ diệu như thế.

      

                                             Đại Yên - Ngọc Hà 11/2011

                                   

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012


QUY LUẬT

Triết học tìm ra chân lý

Chân lý là không sai

Nhưng cuộc đời

                         Lại có rất nhiều quỷ

Qủy nó chẳng bao giờ

                             Nghe theo chân lý

Nên muốn trị được quỷ

Không được quên quy luật cuộc đời

            22-12-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH

HOA HẠNH

Du khách theo tay mục đồng chỉ

Đến Hạnh Hoa Thôn , quán rượu đào

Nhẩm đọc Thơ Đường trong sương lạnh

Đầy trời Hoa Hạnh nở xôn xao



Hoa Hạnh mang tâm hồn người đẹp

Dải lụa treo cành Hạnh ngày xưa

Dương Qúy Phi chết thành gốc Hạnh

Hồn hoa bay tuyết lạnh sương sa

         7-12-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH

CỎ



Ta là ngọn cỏ non xanh biếc

Quê hương là mặt đất mênh mang

Tàn úa trong buổi chiều đông lạnh

Lại vươn mầm theo nhịp thời gian



Ta không có thân nhành cổ thụ

Nhưng là bất diệt mãi muôn đời

Ta cổ thụ trong bóng hình hư ảo

Trong vòng quay của nhịp sinh sôi

                 21-1-2011

    NGUYỄN PHAN hách









CÁI KHÔNG CÓ THẬT

Tóc có mầu xanh đâu mà bảo tóc xanh

Mắt có mầu biếc đâu mà kêu mắt biếc

Đời phải lấy cái không có thật

Mà nhân lên cái có thật trong đời

     2-2-2011

Nguyễn Phan Hách

LƯỚT MẠNG

Buổi sáng , ông già

Vừa nhấp trà

                    Vừa lướt mạng

Ngổn ngang bao nhiêu chuyện

Ngài Pharaông hiện đại mất ngôi

Tên bạo chúa

                    Từ ngai vàng chui xuống ống cống

Nước này dọa dẫm

                            Làm cỏ nước kia

Kinh tế thế giới khủng hoảng

Ngân hàng mấy trăm năm phá sản

Quỵt tiền của mọi người

Không biết thế giới rồi sẽ ra sao

Nước biển rồi dâng cao

Con người ngày càng ác

Đạo đức xưa đã thành cổ tích

Giống Người ngày một sinh sôi

Chủ nghĩa vật chất lên ngôi

Đạo lý văn  chương bị đẩy lùi

Con người chỉ giỏi giang kỹ thuật

Chế được đạn bom thần kỳ nhất

Giết  được loài người trong tích tắc như chơi



*

Buổi sáng buồn vui

 Ông già  lướt web

Ai khiến ông buồn phiền

Ông còn làm được gì

Nhưng cái đầu ông cứ nghĩ suy

Không có thuốc  làm cho đầu rỗng

Lòng ông nôn nóng

Làm sao có kế sách nào

 Các quốc gia chỉ đạo xít xao

Vừa ổn định xã hội

Vừa dân chủ tự do

Ông lo cho các chính khách

Cách thức  tổ chức loài người

Ông oán cái ADN cuộc đời

Đầy nghịch lý

*

Những trang web sớm mai

Đầy tin nhảm nhí

Nội y cô gái chân dài

Trong khi lòng ông đang lo bời bời

Thiên thạch nào sắp xẹt qua quả đất

*

Ông già tắt máy

Vì trong tim nhói đau

Đau theo nghĩa đen thật sự

Một vốc thuốc vào mồm

Áp huyết và nhịp tim

Nỗi lo đột quỵ

*

Nhưng hôm sau ,ông già vẫn thế

Vẫn chửa ăn gì , đã lướt mạng sơm mai…

    17-12-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH















NGHỊCH LÝ CỦA CON NGƯỜI



Sấm sét ghê gớm thế

Chỉ dậm dọa trên cao

Làm gì con người đâu

Con người chả phải sợ



Đến khủng long sừng sững

Từng ngự trị nơi nơi

Cũng hiền lành gặm cỏ

Chẳng làm chi con người



Duy chỉ có Con người

Chế tạo ra đau khổ

Phát minh ra khủng bố

Con người giết Con người



Đầu tiên là đóng đinh

Vào hai bàn tay Chúa

Treo lên cây Thánh giá

Cho Chúa phải đớn đau

Con người bỏ tù nhau

Cho ăn đói mặc rét

Tra tấn rút thịt xương

Con người sợ đến chết



Lưỡi gươm chém đầu rơi

Súng nhằm tim nhả đạn

Con người không biết chán

Trò chơi giết Con người



Hổ báo lắc đầu cười

Xin chào thua đối thủ

Đuổi giết nhau cùng đường

Cả lên cao vũ trụ



Nguyên nhân thì chưa rõ

Có lẽ tại thế này

“Tao phải ăn hơn mày

Mày chỉ được ăn ít”

   7-1-2012

NGUYỄN PHAN HÁCH







QUY LUẬT

Triết học tìm ra chân lý

Chân lý là không sai

Nhưng cuộc đời

                         Lại có rất nhiều quỷ

Qủy nó chẳng bao giờ

                             Nghe theo chân lý

Nên muốn trị được quỷ

Không được quên quy luật cuộc đời

            22-12-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH

ĐẤT VÀ TÔI



N hà cửa giờ chen chúc

Xe xô đẩy mịt mù

Chỉ có đất vẫn thế

Mang tâm hồn ngày xưa



Bầu trời cao trên đầu

Không còn trong như trước

Dòng sông giờ đục ngầu

Cây phai màu xanh mướt



Còn tôi, cũng như đất

Vẫn tâm hồn ngày xưa

Giữa dòng đời ô nhiễm

Cuộc đua chen xô bồ

   14-12-2011

NGUYỄN PHAN HÁCH







CỎ



Ta là ngọn cỏ non xanh biếc

Quê hương là mặt đất mênh mang

Tàn úa trong buổi chiều đông lạnh

Lại vươn mầm theo nhịp thời gian



Ta không có thân nhành cổ thụ

Nhưng là bất diệt mãi muôn đời

Ta cổ thụ trong bóng hình hư ảo

Trong vòng quay của nhịp sinh sôi

                 21-1-2011

    NGUYỄN PHAN HACH







NHỮNG TRANG SÁCH NGÀY XƯA

Ông tôi ngày xưa đi học

Thầy đồ trường làng

Trường Phủ , cụ Thám Cụ Nghè

                                                  Mở trường Đại tập

Luận ngữ , Kinh thư , Trung dung , Đại học

Sách nói thế nào , cứ thế mà theo

Những chân lý Thánh hiền treo cao

Với mô hình bất di bất dịch

*

Cha tôi ngày xưa đi học

Trang sách mới phương Tây

Dậy người ta

                     Duy lý , phân tích , phê phán

Không nhất nhất mô hình có sẵn

Không đi làm quan như tiền nhân

Cha tôi đi làm cách mạng

*

Một thời đổi khác

Những trang sách một thời

NGUYỄN PHAN HÁCH 21-12-2011





Chương 1 : KHÁI QUÁT CHUNG

(LUẬN VĂN THẠC SỸ CỦA Khánh vân)

1.1. Về tác giả Nguyễn Phan Hách

1.1.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Phan Hách

Nguyễn Phan Hách sinh ngày 13/01/1944 tại Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là mảnh đất có truyền thống văn hóa dân gian từ lâu đời. Trải qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng Kinh Bắc vẫn còn lưu giữ những di tích lịch sử và các giá trị văn hóa lâu đời như: Chùa Dâu, Đền Lũng và thành Luy Lâu, đặc biệt có chùa Bút Tháp với vẻ đẹp đã đi vào trong ca dao:

"Một vùng phong cảnh trước sau

Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non".

Đã là người Kinh Bắc ai cũng tự hào về những hội hè quê mình như : hội chùa Dâu, hội chùa Lim, hội chùa Phật Tích ... cùng với những lễ hội độc đáo như : hát quan họ, đánh vật, chọi gà, đua thuyền ... Lễ hội Kinh Bắc từ lâu đã góp phần tô điểm những giá trị văn hóa tinh thần dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người qua bao thế hệ. Những lễ hội đó đã khắc sâu nhiều ấn tượng đẹp đẽ vào kí ức của mỗi con người. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa giầu đẹp của quê hương Kinh Bắc nên thơ văn Nguyễn Phan Hách cũng phần nào mang hơi thở của miền quê quan họ. Hình ảnh quê hương, nghi lễ ngày tết truyền thống, cùng những giá trị văn hóa khác đã đi vào thơ văn Nguyễn Phan Hách một cách tự nhiên, chân thực.

Không những thế Nguyễn Phan Hách còn được hưởng “gen” văn chương từ ông nội – một ông đồ nho có tiếng trong vùng, từng mở trường đặt tên là “Lạc Giáo”. Lúc mới mở trường chỉ dạy chữ nho, người dạy, người học đều học theo lối khoa cử cũ. Sau này, trong cách dạy có sự thay đổi, trường dạy cả chữ quốc ngữ (đặc biệt thày dạy cả những câu thơ  do thày sáng tác ra: Thày rằng  chức cả quyền to .Càng giàu sang lắm càng lo vào mình..).

Nguyễn Phan Hách là người có tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp và sớm đến với nghệ thuật. Thuở nhỏ, Nguyễn Phan Hách học ở trường làng, trường huyện. Khi lớn lên đi học sư phạm. Năm 1962, ông dạy học ở huyện miền núi Lục Nam – Bắc Giang. Từ năm 1967, ông làm cán bộ sáng tác – nghiên cứu của Ty Văn hóa Hà Bắc. Nguyễn Phan Hách là người có lòng ham mê nghệ thuật, say mê nghiên cứu văn hóa dân tộc. Tình yêu văn hóa, lịch sử dân tộc đã khơi nguồn cho các sáng tác của Nguyên Phan Hách như một niềm ám ảnh trong nhiều trang viết.

Đến năm 1973, Nguyễn Phan Hách làm biên tập thơ cho tuần báo Văn nghệ. Năm 1978, làm biên tập văn xuôi cho Nhà xuất bản tác phẩm mới (nay là Nhà Xuất bản Hội nhà văn, số 65, số Nguyễn Du – Hà Nội). Từ 1996 đến 2008 ông làm phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn.

Sau khi rời nhiệm sở Nguyễn Phan Hách vẫn tiếp tục gắn bó với nghiệp văn chương bằng những sáng tác. Một trong những sáng tác được độc giả và giới nghiên cứu đánh giá cao đó là tác phẩm “Cuồng phong” xuất bản năm 2008.

1.1.2 Con đường văn chương của Nguyễn Phan Hách

Nguyễn Phan Hách sớm đến với nghệ thuật. Ông làm thơ, viết văn từ thuở nhỏ. Năm học lớp 5 đã có chuyện “Khỏi ốm” in trên tuần báo văn nghệ. Tiếp đó, khi làm cán bộ ở Ty Văn hóa Hà Bắc, Nguyễn Phan Hách có truyện ngắn “Tranh tết”, in trên tuần báo văn nghệ số tết Canh Tuất 1970. Có thể nói đó là cái mốc thành công đầu tiên. Sau này,  ông có truyện ngắn “Sân tranh” được dịch ra tiếngAnh, Pháp ,Nga từ rất sớm.. Bài thơ “Làng quan họ” viết trong thời kì này đã được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc và  thành bài hát được công chúng biết đến  nhiều. Với tình yêu văn chương và say mê sáng tác Nguyễn Phan Hách đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm đặc sắc ở nhiều thể loại.

Về thơ, Nguyễn Phan Hách có các tập thơ đã ra mắt công chúng như : Người quen của em (1981), Hoa Sữa (2000), , Vô tình (2007),Những ngôi sao tuổi thơ (2010)

Trong số đó bài “Người quen của em” đạt giải báo Văn nghệ (1969).  Đến năm 1974, bài “Nhìn sao” lại mang đến cho nhà thơ giải báo Văn nghệ.

Nguyễn Phan Hách còn gây ấn tượng với bạn đọc qua hàng loạt tác phẩm : truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết.

Về truyện ngắn, truyện vừa có : Vườn hoa cổng ô (1974), Tổ chim sẻ (1978), Cây vĩ cầm cảm lạnh (1982), Quà tặng của thiên nhiên (1985), Khớp ngựa ô (1988), Tình đùa (1989), Cô gái đầm sen (2004).

Về tiểu thuyết có: Tan mây, Mê cung t (1990), Người đàn bà buồn (1994), Cuồng phong (2008).

Ngoài ra Nguyễn Phan Hách còn viết  tập “Những đoạn văn hay dành cho  học sinh tiểu học –Nxb Giáo dục2008)

Qua hàng loạt tác phẩm,  Nguyễn Phan Hách đã chứng tỏ tài năng của mình ở nhiều thể loại. Đến nay tuy đã trải qua gần nửa thế kỉ cầm bút, nhưng tình yêu văn chương của ông vẫn không hề thay đổi. Ông vẫn miệt mài sáng tác, không ngừng trăn trở suy nghĩ về văn chương và cuộc sống.

1.1.3 Quan niệm trong sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Phan Hách

Trong thời đại “văn hóa nghe nhìn” đôi khi người ta lạnh nhạt với những cuốn tiểu thuyết toàn chữ là chữ, dài dằng dặc, ngại đọc biết chừng nào. Cũng lỗi tại chính các cuốn sách đó vì chất lượng “thường thường” của nó. Thế kỉ 20 nghển cổ mới nhìn được những đỉnh tháp vĩ đại của tiểu thuyết thế kỉ trước. Khoa học công nghệ tiến như vũ bão mà văn chương tiến chẳng bao nhiêu, nếu không muốn nói là có một số mặt còn thụt lùi.

Tuy vậy, không nên mất niềm tin vào thể loại tiểu thuyết. Đây đó người ta vẫn âm thầm mơ mộng, phấn đấu. Thế giới đã được chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của dòng tiểu thuyết Châu Mỹ la tinh. Không có lý gì độc giả không hy vọng : tiểu thuyết Việt Nam nhất định sẽ có ngày chiếm lĩnh được đỉnh cao vì nó có nguồn “nguyên liệu” lớn lao là hiện thựcViệt nam thế kỷ 20  cùng truyền thống  văn hóa ngàn đời của người Việt.

Nguyễn Phan Hách cho rằng, thể loại tiểu thuyết khó, giống như một “trận đánh lớn”. Nếu người chỉ huy chưa đủ tầm, đành chịu. Đó là cái khó của những nhà văn viết tiểu thuyết. Nguyễn Phan Hách thừa nhận  dù viết nhiều thể loại nhưng  tiểu thuyết chính là thể loại ông  yêu thích nhất . Trước Cuồng Phong, Nguyễn Phan Hách đã có 3 tiểu thuyết xuất bản : Tan Mây, Mê cung và Người đàn bà buồn, nhưng phải đến Cuồng phong – tiểu thuyết của Nguyễn Phan Hách mới tạo dấu ấn.

Nguyễn Phan Hách tâm sự : Hình như cấu trúc của tiểu thuyết bây giờ đã có thay đổi. Phải thú nhận cấu trúc cổ điển như “Chiến tranh và hòa bình” của L.tônxtôi, “Con đường đau khổ” của A.tônxtôi... hay quá, nhưng bây giờ học theo thầy khó quá, vả lại bây giờ cũng ít ai xây lâu đài như mẫu các cung điện xưa. Phải có “mẫu mã” khác. Nhưng mẫu gì thì mẫu, lâu đài bên trong vẫn phải là những sảnh lớn, phòng rộng, những không gian để con người sử dụng. Tiểu thuyết hiện đại cũng vậy. Người ta có thể phải dùng lối kết cấu mới, nhưng nội dung vẫn phải là : phản ánh hiện thực của thời đại này. “Cuồng phong” được và chưa được như thế nào để bạn đọc đánh giá. Tôi cũng không có khả năng làm những cuốn sách cách tân nghệ thuật với tầng tầng lớp lớp những triết lý . Tôi chỉ có tư duy truyền thống thôi. “Cuồng phong” có thể hay, có thể không, nhưng tôi tin là người đọc  thấy được cuốn sách thực sự có ích vì có thể tìm thấy ở đó câu chuyện cả một thế kỷ đầy biến động, mà có thể nói là dữ dội nhất trong lịch sử Việt Nam – thế kỷ XX”.

Đọc tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách ta thấy được khát vọng cháy bỏng của tác giả, đó là muốn làm một cái gì đó giống như “biên niên sử” ở mức độ nhỏ bằng hình tượng văn học về những năm tháng đã qua. Tiểu thuyết của Nguyễn Phan Hách không dửng dưng với quá khứ, qua quá khứ tác giả muốn rút ra bài học cho tương lai. Tiểu thuyết thường ghi lại “ảnh hình của thời gian đã mất”. Và chính nó quý ở chỗ đó. Những ý tưởng triết lý có thể cực kỳ cao siêu ngày hôm nay nhưng ngày mai con người có thể sẽ vượt qua, thấy sẽ quen. Nhưng cái “hiện thực đời sống” được tái hiện sinh động trong tác phẩm thì theo thời gian, ngày càng trở nên quý giá. Hậu thế sẽ biết ơn các nhà văn nếu như tác phẩm của họ miêu tả được chân thực những gì thuộc về thế hệ trước, thuộc về lịch sử.

1.2. Về tiểu thuyết Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách

Nhiều người  đọc “Cuồng phong” của Nguyễn Phan Hách  thấy được cảm hứng Sử thi, đan xen cảm hứng Thế sự của người viết. Tác giả như nén hiện thực Lịch sử vào hình tượng Nghệ thuật. Chân dung của Thời gian dài dặc được cô đọng theo một lăng kính nhỏ.

1.2.1 Mối quan hệ giữa hiện thực và sáng tạo trong tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử:

Đối với người viết sử, họ phải tôn trọng lịch sử “người thật, việc thật”. Lịch sử có thể được đánh giá theo những quan điểm khác nhau nhưng điều tối kỵ là người viết sử không được hư cấu, thêm bớt bất cứ một chi tiết một sự kiện theo chủ quan của mình. Văn học thì khác, văn học phản ánh hiện thực qua lăng kính sáng tạo của nhà văn, vì thế M.Gorki đã có lần khẳng định “không có hư cấu thì không thể và cũng không tồn tại được tính nghệ thuật”, có nghĩa là tưởng tượng là hư cấu là yếu tố luôn luôn tồn tại trong quá trình sáng tác. Khi sáng tạo nên hình tượng văn học, ngoài những yêu cầu về tính chân thực, độ khái quát hoá hiện thực, tính cá biệt thì hình tượng văn học phải chứa đựng tính tư tưởng. “Giá trị của những tư tưởng sáng tạo sinh động ấy chính là ở chỗ chúng hướng dẫn những tìm tòi của nhà văn, chính là ở chỗ, chúng dẫn đến những khám phá nghệ thuật chứ không thay thế cho những khám phá ấy: chúng soi sáng cuộc sống chứ không che lấp cuộc sống” (Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học – M.B.Khrapchenkô - NXB tác phẩm mới HN, 1978). Tư tưởng chính là cái làm nên sự khác biệt giữa hiện thực và sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ thuật chỉ là sự biểu hiện tâm lý chủ quan của nghệ sĩ về các hiện tưởng xã hội, mà văn học không thể tách rời hiện thực. Bất kì một hình thức, thể loại văn học nào cũng cần cái gốc cơ bản là hiện thực. Nhà văn có thể tích lũy những tri thức về hiện thực cuộc sống ngay trong quá trình sáng tác hoặc trước đó, khi mới hình thành ý đồ, cảm hứng. Sự tích lũy càng phong phú thì trường sáng tạo của nhà văn càng được mở rộng. Cơ sở sáng tạo của nhà văn thường là những quan sát của nhà văn về hiện thực, là những ấn tượng do những hiện tượng trong cuộc sống, những sự kiện lịch sử – xã hội tạo nên. Lịch sử là bộ khung xương để nhà văn tạo ra da thịt bằng trí tưởng tượng, sự hư cấu để tạo nên tác phẩm hoàn thiện.

Tài năng của nhà tiểu thuyết thể hiện ở khả năng tái hiện những không gian, bối cảnh phù hợp với thời đại được phản ánh ở sự sống động, linh hoạt của các nhân vật với chiều sâu nội tâm cá tính. Muốn đạt được như vậy thì người viết tiểu thuyết phải tích lũy một lượng phong phú những kiến thức sử học, kiến thức liên ngành về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ. Đặc biệt nhà văn phải tìm ra những điểm tương đồng trong nếp nghĩ của nhân vật trong quá khứ với con người hiện đại, bởi chỗ đứng của người viết và người tiếp nhận tác phẩm đã cách đối tượng được phản ánh một khoảng thời gian khá dài.

Tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ra đời tương đối sớm ở cả văn học phương Đông và văn học phương Tây. Ở mỗi nền văn học, luôn tồn tại những quan niệm rất khác nhau về mối quan hệ giữa hiện thực lịch sử và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử lấy nội dung lịch sử làm đề tài và cảm hứng sáng tạo, dựa vào những điều kiện trong quá khứ để hư cấu, tưởng tượng, để tạo nên cảm hứng mới lạ từ những điều vốn đã quen thuộc.

Văn học Việt Nam cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI phát triển theo khuynh hướng mới – táo bạo trong cách khai thác về đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử được đặt trong nhiều mối quan hệ, để độc giả có cái nhìn đa chiều về lịch sử, nhân vật lịch sử được đặt trong nhiều mối quan hệ, để độc giả có cái nhìn đa chiều về lịch sử, nhân vật lịch sử. Đó là mô típ huyền thoại hóa nhằm đưa ra góc nhìn mới từ điểm nhìn của con người hiện đại về quá khứ. Như Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); Kiếm sắc, phẩm tiết (Nguyễn Huy Thiệp)... Nhà văn dựa vào nhân vật và sự kiện lịch sử để sáng tác theo nguồn cảm hứng về thế sự, về tôn giáo, cảm hứng về bi kịch thân phân con người... Có những tác phẩm tôn trọng tinh thần của lịch sử, nhân vật lịch sử được đặt trong sự soi chiếu nhiều chiều như : Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh)... Tư tưởng chủ đề của “Cuồng phong” vẫn là ngợi ca lịch sử, đề cao khí tiết của người anh hùng. Cuồng phong miêu tả được những biến thiên dữ dội của đất nước gần một thế kỉ qua.

Sự khác biệt cơ bản giữa lịch sử và tiểu thuyết lịch sử là ở chỗ những nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết không xuất hiện trong tư thế duy nhất mà lịch sử đã đóng khung cho nó mà xuất hiện trong những hành động, suy nghĩ của cuộc sống ở cả tư cách xã hội và ở cả khía cạnh đời tư.

Đối với nhà văn viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử thì nguồn sử liệu được lựa chọn theo ý đồ sáng tác nghệ thuật. Từ lịch sử, nhà văn phát huy tối đa khả năng hư cấu, sức tưởng tượng của bản thân trong quá trình sáng tác. Gorki từng khẳng định “không có hư cấu thì không thể và cũng không tồn tại được tính nghệ thuật, có nghĩa là sáng tạo nghệ thuật luôn đi kèm với hư cấu. Nhưng sự hư cấu của người viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử các khác, họ không được phép hư cấu hoàn toàn mà phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kĩ lưỡng tài liệu lịch sử. Từ đó làm sống lại không khí lịch sử cũng như nhân vật lịch sử một cách chân thực và sống động. Sự hư cấu nghệ thuật cũng thể hiện ra ở nhiều cấp độ: cấp độ chi tiết, cấp độ nhân vật, cấp độ sự kiện... Với những nhân vật, có thực trong lịch sử, nhà văn đã phải hư cấu rất nhiều từ lời ăn tiếng nói đến hành động, từ nét sinh hoạt đời thường đến đời sống tâm lý, chiều sâu tâm hồn của họ sao cho người đọc khi thưởng thức tác phẩm như đang được nhìn thấy họ đi đứng, nói năng trong lịch sử thì phải hư cấu hoàn toàn để sao cho nhân vật “ăn khớp” với hoàn cảnh, sự kiện một cách hài hòa tạo nên một thế giới nhân vật trong tác phẩm thống nhất để từ đó làm sáng lên tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

1.2.2 Về tiểu thuyết Cuồng phong

Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách là tác phẩm có sự dung hợp giữa thể tài lịch sử (lịch sử dân tộc) và thể tài tiểu thuyết (thế sự, đời tư). Cuồng phong có bối cảnh là lịch sử hiện thực xã hội Việt Nam thế kỉ XX với những biến thiên bão táp. Qua câu chuyện một gia tộc bốn thế hệ (và những người liên quan) ta thấy lịch sử đất nước hiện lên đau thương, hào hùng. Thế hệ thứ nhất : cụ Cả Cồ, người nông dân với lòng yêu nước bản năng, chống cường quyền, đã khởi nghĩa chống Pháp. Thế hệ thứ hai : ông nghè Nguyễn Đức Nguyên thoát ly giáo lý Khổng Mạnh ngàn đời, khao thác Duy Tân, xây dựng đất nước độc lập. Thế hệ thứ ba có sự phân chia trận tuyến. Một bên vẫn bám vào ngoại bang, tiếp tục quyền lợi thống trị của mình (điển hình là Đức Vĩnh) và một bên là chiến sĩ cách mạng, kháng chiến để giành độc lập thống nhất đất nước (người em Đức Hàm, Vũ Hùng). Thế hệ thứ tư  : Lữ - con trai Đức Vĩnh và Đức Trung – con trai Đức Hàm, mở rộng ra có Viết Thiều. Ngày thắng lợi họ bước vào cuộc sống đời thường với những khát vọng đời thường của kỷ nguyên “Văn minh vật chất” lấn át và “Bi kịch số phận” đã diễn ra cho những kẻ không có bản lĩnh.

Chọn cách kết cấu “rọi đèn pha”, “Cuồng phong” được kể lấp loáng nhưng sinh động như một cuốn phim sử thi hoành tráng. Những khoáng sáng cận cảnh xen giữa những vùng mờ nhòe mênh mông của lịch sử được tái hiện chân thực như cuộc sống qua những trường đoạn mang màu sắc điện ảnh, “chuyển cảnh” nhanh. Và trên hết sự thật lịch sử được tôn trọng một cách tuyệt đối.

Nguyễn Phan Hách không tránh né bất kì một vấn đề nào, kể cả những vấn đề được xem là nhạy cảm. Những hiện thực xã hội và ánh sáng le lói của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ. Những oái oăm trớ true của những thân phận. Những sai sót của thời cải cách ruộng đất. Số phận của những người bên kia chiến tuyến. Những mầm mống manh nha của “cơ chế thị trường” trước đổi mới. Tất cả những gì được xem là phức tạp hay nhạy cảm đều được soi “rọi đèn pha” vào đó để miêu tả và lý giải một cách thấu đáo.

Hơn 700 trang sách, đầy ắp sự kiện, nhiều kiến thức cuộc sống và tri thức sách vở. Đọc “Cuồng phong” ta thấy bị mê hoặc và lôi cuốn bởi một văn phong trong sáng bay bổng. Giọng văn sinh động, thanh thoát, hóm hỉnh nhiều đoạn khiến ta không khỏi bật cười (đoạn tả Phó Cối – Gái Nhỡ, đoạn tả tù binh đi lao động...) Câu văn mạch lạc, khúc triết.

Cuồng phong mang phong cách Sử thi, phản ánh chiều dài lịch sử dân tộc thế kỉ XX với những biến động có thể được xem là dữ dội nhất trong lịch sử Việt Nam.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của văn hóa nghe nhìn, bất chấp sự than vãn rằng xã hội đang thờ ơ với văn chương, ... Những tác phẩm hay vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Nhà tiểu thuyết dùng ngôn ngữ văn chương làm sống lại quá khứ trong lòng hiện tại, để độc giả hôm nay và mai sau có thể tìm thấy sau những biến cố thăng trầm của dân tộc . Tiểu thuyết lấy đề tài cảm hứng lịch sử từ quá khứ để soi chiếu thực tại và tương lai. Cảm hứng ấy không làm cho hệ thống hình tượng  xuất hiện đơn thuần với tư thế của những tượng đài ,mà người viết tiểu thuyết phải biến những tượng đài  thành những con người với cá tính đa dạng, phức tạp như chính họ trong cuộc sống. Nếu như những trang lịch sử chỉ ghi lại một phần, một mặt nào đó của con người, sự kiện trong quá khứ;  thì tiểu thuyết có thể làm được điều kì diệu hơn là mô tả những phần khuất lấp sau những bề mặt ấy.

Những chi tiết tưởng như rất đời thường và vụn vặt, có thể dễ dàng bắt gặp trong thực tại cuộc sống lại chính là những sinh khí tạo hồn cho nhân vật.

Tóm lại, có thể hiểu cảm hứng lịch sử chính là ngọn nguồn say mê và nung nấu tâm can nhà văn, nó thôi thúc và dẫn đường để nhà văn có thể làm công việc tạo nên da thịt và sinh khí cho những xác ướp mà lịch sử cung cấp, để lịch sử được tái hiện sinh động hơn, sâu sắc hơn trong những hình tượng văn học. Trong tác phẩm, cảm hứng lịch sử lắng sâu trong ngôn ngữ, thấm đượm trong bối cảnh không gian, thời gian và hiện hữu trong nhân vật, từ trang phục, đến cử chỉ, lời thoại, đặc biệt là tình huống chính của tác phẩm bao giờ cũng là cái mốc lịch sử trọng đại đối với hiện thực được phản ánh.


Chương 2 :

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT



2.1 Không gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn cho thấy quan niệm nghệ thuật của tác giả .Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian và không có nhân vật nào lại không có bối cảnh xuất hiện. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định của tác giả về cuộc sống. Trong lý luận văn học, người ta xem không gian – thời gian nghệ thuật “như một quan niệm về thế giới và con người, như một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng thẩm mỹ để từ đó lý giải khả năng phản ánh hiện thực (Trần Đình Sử – 1995) (Tr.146, 166). Thi pháp thơ Tố Hữu NXB GD, H). Các yếu tố không gian trong tác phẩm chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành “các phương thức và phương tiện thể hiện cuộc sống bằng nghệ thuật, khám phá cuộc sống bằng hình tượng” (Phan Trọng Thưởng – 2002) – Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay – Văn nghệ, số 8 – 6).

Qua bàn tay của các nghệ sĩ tài năng, không gian nghệ thuật trở thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc, bên cạnh hình tượng nhân vật.

Không gian nghệ thuật trước hết phản ánh hiện thực khách quan của cuộc sống (về tự nhiên và xã hội). Nó góp phần thể hiện tâm lý nhân vật và quan niệm nghệ thuật về thế giới, con người của tác giả. Ngoài ra không gian nghệ thuật còn đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức các sự kiện tác phẩm, góp phần quy định đặc trưng thể loại. Trong tiểu thuyết “Cuồng phong” không gian nghệ thuật góp phần làm nổi bật tính cách nhân vật và thể hiện cảm quan của tác giả về chiến tranh, về số phận con người xã hội Việt Nam thế kỉ XX.

2.1.1 Không gian hoành tráng, dữ dội.

Như trên đã nói : Cuồng phong có bối cảnh là lịch sử hiện thực xã hội Việt Nam thế kỉ XX với những biến thiên bão táp. Qua câu chuyện một gia tộc bốn thế hệ (và những người liên quan) ta thấy lịch sử đất nước hiện lên đau thương nhưng hào hùng.

Nguyễn Phan Hách đã dựng lên một không gian xã hội (không gian công cộng) hoành tráng trong tác phẩm đối lập với không gian đời tư chật hẹp trong tác phẩm phi sử thi.

Trong văn học lãng mạn Việt Nam trước 1945, môi trường sống của nhân vật thường là chật hẹp, quẩn quanh trong tầng lớp, giai cấp mình. Nhưng sau cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, như một cơn lốc mạnh đã kéo con người ra khỏi cái “ao đời” phẳng lặng và tù túng để hướng tới một không gian công cộng rộng lớn. Từ đó con người được trưởng thành trong môi trường tập thể, có số phận gắn bó với dân tộc và lịch sử. Trong cái không gian xã hội rộng lớn ấy “không có và không thể có cái gì là thầm kín, nội tại, không có gì là bí mật riêng tư, không có gì hướng vào bản thân, không có gì đáng gọi là cô đơn cả. Con người ở đây mở ra mọi phía, nó hoàn toàn hiện ra bề ngoài, trong con người đó không có gì là “dành riêng cho một mình mình”, không có gì là không chịu kiểm soát... ở đây tất cả và toàn bộ là công cộng” (Bakhtin – [146, Tr.175]).

Nơi sinh hoạt chính của các nhân vật trong tiểu thuyết sử thi không phải chỉ là trong gia đình mà là ngoài xã hội, môi trường sống của các nhân vật trong sử thi là ở ngoài xã hội, ở đây các nhân vật mới khẳng định được chỗ đứng của mình trong trời đất bao la.

Nguyễn Phan Hách chỉ tả qua về nguồn gốc, nơi mà Cả sinh ra : “Cả Cồ là đứa con hoang. Mẹ Cả Cồ không chồng, đi làm thuê … thấy bà trở về bụng chửa vượt mặt. Bà “nằm ổ” một mình trong căn lều lợp lá chuối giữa vườn”. Khi 15 tuổi mẹ mất, “Cả bắt đầu lang thang trong rừng”, “lang thang theo thầy học võ hết năm này tháng khác”. “Rừng nuôi Cả Cồ. Hồn rừng, hồn núi nhập vào Cả Cồ”. Không gian rừng núi đã góp phần xây dựng nên hình ảnh Cả Cồ – người nông dân nghĩa sĩ sau này. Chính không gian núi rừng rộng lớn là môi trường thuận lợi để người anh hùng vùng vẫy. Tính chất anh hùng không cho phép họ tự giam mình trong một không gian chật hẹp, tù đọng. Người có chí lớn thì phải làm việc lớn, muốn làm việc lớn thì phải từng trải nhiều. Bởi vậy không gian  ngày càng giãn nở kích thước theo bước chân nhân vật. Cả Cồ trưởng thành từ làng với những lễ hội vật trâu. “Hội làng, Cả xung phong ra vật trâu”. Rồi đến những làng lân cận đánh nhau vì trai nơi khác dám đến “ghẹo gái phố Phủ”. Không gian ngày càng mở rộng “vùng Nhà Sơn núi non rừng rậm. Làng khuất nẻo bên suối, hang, cách nhau quả núi dãy đồi''. Dường như nhiều anh hùng rất không thích cuộc sống tù đọng nơi gia đình, bởi đó là không gian chật hẹp, không phù hợp với người có lý tưởng. Những ai có hoài bão thì phải có không gian lớn, đó là môi trường xã hội bao la. Thước đo nhân cách con người trong chiến tranh là sự từng trải, đi nhiều và mỗi một thanh niên đích thực thời đại chiến tranh đều mang trong lòng một ước mơ đi xa. Không gian lý tưởng cho các chiến sĩ anh hùng là ở ngoài tiền tuyến, còn ở hậu phương, không gian lý tưởng của các anh hùng lao động là ở những nơi khó khăn, nguy hiểm. Đó là vùng đất hứa cho các thanh niên vừa rời ghế nhà trường. Hàm rời bỏ ghế nhà trường để đi theo lý tưởng cách mạng, mặc dù không hiểu nhiều gì về thời cuộc, nhưng cũng đã cảm nhận được “một cuộc cách mạng sẽ đảo lộn tất cả rồi cũng sẽ xảy ra. Anh viết báo, hoạt động xã hội, theo các chiến sĩ lên chiến khu, bám trụ Hà Nội những ngày máu lửa. Không gian chiến trận, không gian xã hội rộng lớn giúp tôi luyện ý trí Hàm.

Không gian xã hội rộng lớn có khả năng dung chứa toàn bộ cuộc sống đa dạng của một dân tộc trong thời khắc đáng nhớ của lịch sử. Nó cung cấp cho ta thấy một bức tranh của tinh thần dân tộc như nó biểu hiện trong luân lý của cuộc sống gia đình trong chiến trnh và hòa bình, trong các nhu cầu, các nghệ thuật, các phong tục. Không gian xã hội hoành tráng trong Cuồng phong dường như đã dung chứa được hiện thực lịch sử vĩ đại của dân tộc để lưu giữ nó cho muôn đời sau.

Tuy nhiên, khái niệm “hoành tráng” trong không gian sử thi không bao hàm nội dung “đồ sộ, nhiều tập, nhiều trang giấy”. Vấn đề cơ bản là tầm khái quát sử thi, sự phong phú của hiện thực miêu tả và khả năng tích hợp nhiều loại không gian khác nhau. Cuồng phong phản ánh hiện thực phong phú bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống: Sinh hoạt văn hóa, lao động, chiến đấu, từ những sự kiện lớn như liên kết toàn dân đánh giặc, cải cách ruộng đất... đến những chuyện nhỏ như nấu ăn, gặt lúa, đập thóc... Tác phẩm tích hợp nhiều loại không gian khác nhau : làng quê – chiến trường, địa bàn ta - địch nơi tự do – ngục tù... Do tầm khái quát và sự phong phú của hiện thực phản ánh, ta có thể nói không gian trong Cuồng phong có tính chất hoành tráng sử thi.

Nhắc đến chất sử thi, người ta nghĩ ngay đến các cuộc chiến tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Không gian chiến trường điển hình là một bãi đất rộng diễn ra những trận đánh có quy mô lớn giữa hai đội quân chính quy. Các chiến trường Troie, Austerlits, Borodino, Sông Đông... đều diễn ra trên đồng bằng rộng lớn, trống tải, quy mô về không gian của chiến trường cũng nói lên tầm quan trọng của trận đánh và âm hưởng hùng tráng của nó.

Nói đến một không gian chiến trận, không thể không nói đến chiến trường trong tiểu thuyết Cuồng phong, Nguyễn Phan Hách đã thành công trong việc làm toát lên khí thế chiến đấu rực lửa của quân dân Việt Nam. Kịch tính của tác phẩm căng thẳng, dữ dội bởi hai phe đều có thế mạnh riêng của mình. Địch có hỏa lực mạnh và sau lưng có sự hậu thuẫn của Pháp, Mỹ. Quân ta có thế mạnh là lòng yêu nước quả cam và tinh thần chiến đấu đoàn kết. Nguyễn Phan Hách còn giới thiệu được không gian chiến trận thế giới trong thế chiến thứ hai qua nhìn nhận của Đức Hàm “Chẳng có nhân dân nào muốn chiến tranh. Chẳng có người thường dân Anh, Pháp, Đức, ý, Nhật nào muốn chiến tranh. Nhưng các tập “đoàn thống trị” đã đưa đất nước vào chiến tranh. Để thống trị thiên hạ. Để cướp bóc nhiều của cải. Để biến xứ sở khác thành nô lệ cho mình. Con sói mạnh ăn hiếp con sói yếu. Người là chó sói của người. Nhân loại nói lý thuyết thì rất hay nhưng hành động thì theo một quy luật thật đơn giản, bản năng, mạnh diệt yếu ! Pháp là quê hương của cộng hòa, tự do, bình đẳng, bác ái. Mỹ là quê hương của tuyên ngôn Nhân quyền “tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do, và mưu cầu hạnh phúc”. Vậy mà Pháp, Mỹ đem quân đi đánh khắp nơi, thiết lập ách đô hộ khắp ơi. Ai người ta chịu được. Người ta phải đấu tranh. Thế là có chiến tranh. Chiến tranh dai dẳng đời này qua đời khác.

Thế giới đã trải qua Đại chiến thứ nhất 1914 – 1918 và bây giờ là Đại chiến hai. Đức Hít – le muốn thâu tóm cả Châu Âu vào tay mình. Đã chiếm hết Pháp, Tiệp, Hung, Ba Lan, Belarut..., tưởng mình sắp làm bá chủ thế giới đến nơi. Nhưng sự đời đâu có dễ thế. Hồng quân Liên Xô đã đấu xe tăng ở vòng cung Cuốc đã thắng ở Stalingrat, đã đẩy lùi quân Đức quay cổ chạy dài. Đồng minh Mỹ, Anh, Pháp đã đổ bộ Noocmăngđi, đã mở mặt trận phía Tây làm gọng kìm thứ hai... Đức vào con đường giẫy chết. ở mặt trận phía Đông, quân Nhật đã thua ở Quan Đông, co cụm tuyệt vọng...

Hàm sung sướng theo dõi cuộc đại chiến lớn nhất trong lịch sử loài người đã vào chung cục.

Ngày nối ngày, tin Đồng Minh thắng trận đem lại cho Hàm cảm giác tin tưởng vào chính nghĩa trên cõi đời này. Lẽ nào bọn điên, bọn ngông cuồng, bọn chà đạp lên chân lý sơ đẳng của loài người lại không bị trừng trị. Thượng đế cần lấy lại công bằng cho con người. Bọn phát xít gây chiến phải bị hủy diệt. Mutxôlini đã bị treo cổ. Hồng quân Liên Xô đã tiến vào Bec-lanh, Hit-le tự sát. Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện sau hai quả bom nguyên tử kinh hoàng..."

Có thể nói Cuồng phong có tính khái quát cao và mang tầm vóc sử thi của sự phản ánh .

Chiến trường được miêu tả sinh động trên nhiều phương diện và có thể cảm nhận không khí chiến trường qua cái nhìn của các nhân vật. Không gian chiến trường không chỉ rộng lớn mà còn hết sức dữ dội ở cả hai miền Nam – Bắc. “Ngày 19 tháng 8 ngày khởi nghĩa chính thức của Hà Nội”. “Những chiến sĩ Việt Minh, lực lượng ngần, bí mật trà trộn, bảo vệ cuộc cướp diễn dàn của cuộc mít tinh”. Hình ảnh những người chiến sĩ từ chiến trường Việt Bắc sau 9 năm toàn quốc kháng chiến nay về tiếp quản thủ đô, “Bước chân bộ đội rầm rập ca khúc khải hoàn”. Ở Hà Nội, Việt Bắc, không gian chiến trường chỉ được Nguyễn Phan Hách điểm qua ,thì ngược lại, ở Sài Gòn và các phòng tuyến lân cận lại được miêu tả cụ thể. Tổng tiến công Mậu Thân 1968 chính là mũi dao thọc vào tim địch. “Vũ Hùng nhớ lại những ngày ấy. Đại bản doanh của ông đóng trong một khu rừng cách Sài Gòn không xa”. Từ những trận đánh nhỏ ở những vùng, những khu vực để rồi thừa thắng xông lên giải phóng hoàn toàn đất nước năm 1975. Lịch sử đau thương với những cuộc chiến tranh đẫm máu đã khép lại, dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới – giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn lãnh thổ.

Không gian hoành tráng, dữ dội của chiến trường qua cái nhìn của Đức Trung, Thiều : “Bánh xích xe tăng của Đức Trung lăn bắn tung những vũng máu trên nẻo đường Xuân Lộc, như đi trên vũng lầy trời mưa... Bánh xích xe tăng quay hết “tốc độ của lịch sử”. Đức Trung ngắm nhìn cảnh tan hoang của phòng tuyến Xuân Lộc... Không ngờ đời anh lại được chứng kiến những giây phút này”. Về phía Thiều “đã bao nhiêu ngày nay, thần kinh anh căng ra như dây đàn. Làm sao tìm kiếm lấy một phút giây thư dãn, để ngày mai bước vào cuộc sống mái quyết định... Sau cả tháng trời tai chật cứng bom đạn”. Cái chết lúc nào cũng cận kề, đã khiến tình bạn giữa Trung và Thiều ngày càng trở nên thân thiết, họ kết nghĩa anh em để nếu một trong hai người hy sinh, người kia sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc người thân của họ.

Không gian chiến trường không chỉ được nhìn nhận qua cái nhìn của quân ta – người phía bên này trận tuyến (Hàm, Hùng, Trung, Thiều...) mà còn được nhìn nhận qua cái nhìn của quân địch – người phía bên kia trận tuyến (Đức Vĩnh, Vũ San, Lữ...)

Từ Bắc trốn vào Sài Gòn, Đức Vĩnh được Nhà nước Việt Nam cộng hòa đưa lên làm phó tỉnh trưởng Phan rang. Khi phòng tuyến Phan rang được xây dựng, Đức Vĩnh được lệnh cấp trên ở lại cố thủ tại đó. “Ruột gan Đức Vĩnh như lửa đốt. Bộ máy hành chính mà Vĩnh cầm đầu nơi đây, đã tan rã... Mặt trận chưa vỡ. Chưa có lệnh “tùy nghi di tản” nơi đây, nên chưa ai được đi, lính canh chặn đường. Tổng thống kêu gọi tử thủ chặn đứng Việt Cộng... Đức Vĩnh chui xuống tầng hầm bê tông kiên cố dưới lòng đất tòa Tỉnh trưởng, ngủ gà, ngủ gật... Đức Vĩnh giật thót khi tiếng nổ chát chúa gần ngay đâu đây. Đại bác, đại bác của Việt cộng dữ dội quá. Vĩnh run lên cầm cập. Trận đánh đã mở màn... Tiếng đại bác làm đất rơi tơi tả trên đầu. Tiếng súng của hai bên giao chiến xé rách bầu trời. Thân phận con người như con kiến, con gián lúc này... Đức Vĩnh chúi đầu trong hầm như lạc đà chúi đầu trong sa mạc. Hai ngón tay ấn vào lỗ tai để khỏi phải nghe những âm thanh chấn động thần kinh... Tiếng đại bác làm Đức Vĩnh tê liệt, thất thần. Chưa bao giờ cái chết gần kề đến như thế. Tử thần đã giơ lưỡi hái quờ vào gáy”. Vũ San là người có tâm hồn nghệ sĩ, mong muốn trở thành họa sĩ nhưng cuộc đời đưa đẩy đã đưa anh đến với nghiệp nhà binh. Anh không thích làm lính thậm chí San “rất sợ. Nhưng số phận lại bắt anh phải làm công việc này. Là đồn trưởng, nhưng anh toàn “duôn” công việc đánh đấm cho bọn Tây, bọn cấp phó... Anh cho bắn đại bác cầm canh, thay tiếng trống “thu không” ngày xưa. Có tiếng đại bác, anh thấy yên tâm”. Chiến tranh ác liệt vào giai đoạn cuối “Buôn Mê Thuột thất thủ. Huế, Đà Nẵng thất thủ. Dòng người chạy trốn đòn tấn công của Việt Cộng đang dồn xuống Nam Trung Bộ... Lữ thấy hoang mang. Chưa bao giờ “quân lực Việt Nam cộng hòa” lại rút chạy như nước lũ thế này. Hơn mười năm làm phi công chiến đấu, Lữ đem bom đi mây về gió, yểm trợ cho bộ binh trong các chiến dịch giằng cò được mất từng thước đất ,không chịu thua... Huế Mậu Thân 1968, phi đội của lữ góp phần đánh bật Việt Cộng ra khỏi thành phố ở một số địa điểm. Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” 1972, phi đội Lữ phối hợp cùng các phi đội Hoa Kỳ trút bom lên đầu Việt Cộng trong thành cổ... Nhưng lần này, Lữ không còn tin nữa. Làm sao quân Bắc Việt dồn quân “Việt Nam Cộng Hòa” chạy như vịt về chuồng thế kia được. Thế cờ đã đến hồi nước rút nguy kịch nhất. Kết cục rồi sẽ sao đây nếu quân Bắc Việt dồn quân “Cộng hòa về đến tận cái rốn Sài Gòn”. Điều Lữ nghĩ và đánh giá về Việt cộng không sai. Mùa xuân 1975, quân cách mạng với “lưới lửa cao xạ thiên la địa võng của đoàn quân đang tràn như vũ bão xuống phương Nam. Thế chẻ tre” .Quân Cộng hòa thì chỉ còn những trận “oanh kích chặn lấy lệ của không lực” được ví như “gãi ghẻ”. Chả ăn nhằm gì. Những dòng người di tản theo Mỹ được ví như “một dòng sông khổng lồ đang chảy ra biển” để được đưa sang Mỹ. “Mấy khi trong lịch sử chiến tranh nhân loại lại có cảnh tháo chạy điển hình như thế này”. Quân địch không hiểu “làm sao mà Việt cộng có được thế trận kì diệu” để mà có được thắng lợi toàn diện như vậy.

Chiến trường miền Nam được Nguyễn Phan Hách miêu tả với đầy đủ sự khốc liệt “tiếng đại bác từng hồi cấp tập, vò nhàu trời đất, xé rách từng mảng mây, làm rạn nứt từng thớ đất... Tiếng các cỡ súng đạn dệt như mắt lưới,... Khói súng như “sương mù Luân Đôn che lấp trời đất. Lửa nóng hầm hập bủa vây. Mùi khét xộc cháy mũi... Cuộc đọ sức diễn ra trên các ngả đường, góc phố, nẻo rừng... Những luồng đạn bay xèo xèo, veo véo qua tai”. “Hình ảnh những chiếc xe tăng bao giờ cũng là biểu tượng của cuộc “tiến vào giải phóng” “Đoàn xe tăng đang đi vào “bài ca thế kỉ”. Nó lăn bánh suốt cuộc trường chinh và bây giờ là những bước cuối cùng... Lịch sử đất nước đã khép lại chương cũ, bắt đầu sang chương mới”. Chiếc xe tăng lịch sử đã húc tung cánh cổng đồ sộ của Dinh Độc lập, tổng thống quốc gia thua trận phải tuyên bố đầu hàng trước Quân Giải phóng. “Trời đất phương Nam tạnh cơn cuồng phong lửa đạn từ đây”.

Tuy nhiên, thật thiếu sót nếu như ta chỉ thấy được không gian hoành tráng dữ dội ở chiến trường Nam – Bắc mà chưa thấy được sự hoành tráng và cũng không kém phần dữ dội của những trận đánh diễn ra ở trong mỗi xóm làng, khu phố. Đây là loại không gian phức hợp, dung chứa cả hai phe đối lập nhau, chung sống với nhau nhưng khi cần thiết có thể giết nhau. Ranh giới hai phe có thể chia theo nhiều cách : ban ngày quốc gia – ban đêm cộng sản, trên mặt đất quốc gia – dưới lòng đất cộng sản, hoạt động công khai quốc gia – bí mật cộng sản... Những loại chiến trường tiềm ẩn này vẫn phổ biến nhất là ở nông thôn. Đây là chiến trường rất khó xác định ranh giới mỗi phe. Nhiều ngôi nhà dung hợp cả hai phe. Mỗi một làng xã đều tồn tại song song hai chế độ, với đủ các thể chế từ trung ương đến địa phương. “Việt Minh thỏa thuận ngầm với “ngụy hương dũng” thành lập ở các làng “thể chế ấm ở hội tề”. Lực lượng hai bên ngang nhau, chưa bên nào át được bên nào... Dân tình đêm sống với Việt Minh, ngày sống với lính ngụy”. Khi quân Việt Minh mạnh lên, đã liên tiếp đánh đồn, tiêu diệt ngụy, các trận đánh thường diễn ra vào đêm tối trời. Toán quân “ma” của Vũ Hùng bổ vây đồn, gọi loa kêu gọi đầu hàng, không đầu hàng sẽ bị tiêu diệt .“Lính ngụy như ong vỡ tổ trong đình, máu người chết đã chảy lênh láng trên thềm đá xanh”. Ở làng xã với sự chỉ huy tài tình của những người như Hùng đã giành được không ít thắng lợi góp phần vào thắng lợi vẻ vang của đất nước sau này. Không gian phức tạp rất thích hợp để triển khai kịch tính cho tác phẩm, trong tiểu thuyết đường ranh giới các phe rất nhập nhằng, bởi vậy nó tạo ra nhiều tình huống bất ngờ, tăng thêm sự hấp dẫn của tác phẩm.

Hình ảnh 60 ngày đêm bom đạn ác liệt để bảo vệ Hà Nội năm 1947. Hàm đã ghi lại được tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta. Hà Nội những ngày này tập trung giao tranh ở liên khu I (Hoàn Kiếm). Hàm đã thấy hàng ngàn tự vệ, vốn là những người dân chưa biết súng đạn là gì, bây giờ tình nguyện chiến đấu trong tình thế hiểm nguy, cái chết cận kề. Công nhân, dân nghèo, tư thương, học sinh, sinh viên,... chị bán hàng hoa... bây giờ tự nhiên sát cánh bên nhau thành đội ngũ. “Chiến tranh khốc liệt, địch tấn công bằng máy bay, chúng bắn dữ dội, vòng vây địch thắt chặt, giao tranh ác liệt”. Quân Pháp đã chiếm được Hà Nội và tính đánh ra những vùng phụ cận để mở rộng địa bàn. Nhưng sự thắng lợi của Pháp chỉ là tạm thời bởi tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, cùng sự mưu trí của quân dân ta đã và đang từng giờ, từng phút đòi lại quyền tự chủ cho mình.

2.1.2 Không gian bi kịch

Nguyễn Phan Hách không chỉ miêu tả cái hùng mà còn chú ý đến cái bi. Tác giả đã mạnh dạn phản ánh sự hy sinh vô bờ bến của những con người đã dám chống lại cường quyền.

Điển hình là Nguyễn Đức Nguyên và các sĩ phu yêu nước đầu thế kỉ. Ông huyện Nguyễn Đức Nguyên bỏ tâm huyết của mình mong muốn thay đổi xã hội, canh tân đất nước. Ông cho mở cửa hàng treo biển “Tân thành quốc thương” quảng bá cách thức buôn bán, để nhiều người cùng biết nghề này, cùng làm giầu”. Rồi ông mở trường “Tân thành học hiệu” dạy cho người học biết văn minh phương Tây, dạy viết chữ quốc ngữ. “Ông Nghè Nguyên “ngông nghênh”, “dở người” tưởng chỉ làm toàn những chuyện vô hại, ấy vậy mà một hôm, mọi người kinh hoàng nhìn xe của “Nhà nước Đại Pháp” về thẳng huyện đường Thuận An, ông Nghè Nguyên đeo thẻ ngà, đang ngồi xử án trên công đường, bị bọn Tây lôi cổ xuống, trói gô bắt đem đi”. Ông Nghè Nguyên bị bắt đi tù bởi ông đã dám “tìm cách thức tỉnh dân chúng nhận ra những cái bất cập của tư tưởng Nho giáo, tìm đến một ý thức hệ mới lấy việc canh tân đất nước mở mang dân trí làm cơ sở tiến giới giành nền độc lập cho đất nước". Thời kì đầu thế kỉ XX, những trí thức yêu nước như Nghè Nguyên là tấm gương cho nhiều người noi theo. Thế nhưng cuộc đời thật bất công, họ là những người đi trước nên gặp không ít khó khăn và đã phải đánh đổi bằng việc phải đi ở tù, thậm chí có người còn bị giết. Các phong trào “Duy Tân”, “Đông kinh nghĩa thục”... đều bị giải tán. Cái chết của ông được miêu tả lại hết sức đau thương. Khi bị đi đầy ở Côn Lôn, ông và một số người đã tìm đường vượt ngục bằng thuyền. Do thuyền nhỏ, nhiều người chen chúc nên ra đến biển sóng to gió lớn, thuyền quá tải. Đoàn vượt ngục quyết định phải có một số người hy sinh, nhẩy xuống biển, cho thuyền nhẹ bớt... Ông Nghè là người đầu tiên tình nguyện chết. Mấy người khác noi gương ông cùng nhẩy xuống giữa lúc sóng đang gào thét. Nhưng giữa lúc ấy, “bản năng tự nhiên của sinh vật sống chỉ huy, ông và mọi người đã đưa tay bíu lấy mạn thuyền mái chèo. Trên thuyền có một tên bất nhân bị đi đầy vì tội giết người, lúc đó bộc lộ thú tính, hắn dùng mái chèo đập vào đầu các sĩ phu, lấy dao dựa chặt đứt những ngón tay của người chết đuối...” Biển đã trở thành nấm mồ lớn chôn ông và các sĩ phu.

Cả Cồ mang hình ảnh của người anh hùng nông dân nghĩa sĩ Cả Cồ đã tế cờ khởi nghĩa tự xưng là “Đại thống tướng” làm vua một vùng Nhã Sơn và xung quanh. Cả Cồ thề diệt hết quân Pháp lang sa, quân Nam triều. Cờ hai mầu đỏ và xanh. Đỏ là máu, xanh là mầu trời tự do. Thế nhưng cuộc khởi nghĩa cũng chỉ tồn tại được hơn mười năm, do ngủ quên trên chiến thắng, do tướng lĩnh chỉ lo làm giàu, thành chúa đất nên đã nhanh chóng bị thất bại. Đáng chú ý ở đây, người dẫn đường cho quân Pháp vào hang Cả Cồ trú ẩn không phải ai khác mà chính là ông Đồ Ngạn – cha của người con gái mà Cả Cồ cưỡng bức dưới suối năm nào. “Cả Cồ bừng lên ý tưởng : Đời báo oán. Đời báo quả... Ta cưỡng hiếp con gái ông ta và bây giờ ông ta dẫn cái chết đến cho mình”. Đầu Cả Cồ và các tướng lãnh bị chặt, cắm cọc bêu giữa chợ chính vùng Nhã Sơn suốt mấy tháng. Quạ, hiều hâu bay lượn, khoét mắt rỉa thịt chí chóe inh ỏi một vùng. “Hình ảnh quạ, diều đã tô đậm thêm bước tranh tàn khốc của chiến tranh. Cái bi còn được thể hiện ở sự hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ cách mạng. Tác phẩm đã lặp lại nhiều lần cảnh chết chóc dưới nhiều góc độ khác nhau. Từ số lượng người chết, tư thế chết... đều được miêu tả không tránh né : “Xác người chết như ngả dạ. Máu chảy lênh láng dưới ánh hỏa châu”. Cái chết bởi bom đạn là cái chết “tan xương nát thịt” mà bất cứ người chiến sĩ nào cũng có thể gặp phải khi hành quân, chiến đấu. Hình ảnh những đồng đội “ngã gục trước mắt, máu tuôn như suối”.”Phẩm chất cao quý nhất của người lính là dũng cảm. Họ dám chết. Họ đã chết. Xác phơi đầy các ngả đường Xuân Lộc”. Có những chiến sĩ hy sinh khi mà thắng lợi đã ngay ở trước mặt, cuộc đi 20 năm đã đến đích “như chiến sĩ trên chiếc xe tăng biệt danh “sao đỏ”.

Chính không gian chiến trường nguy hiểm và khắc nghiệt có chức năng thử thách con người. Nhờ đó mà biết được ai dũng cảm – yếu hèn, ai trung thành, phản bội. Nó là thước đo phẩm chất anh hùng cách mạng, là môi trường rèn luyện sức chịu đựng gian khổ, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết của các chiến sĩ. Đồng thời không gian chiến trường còn là nơi giải quyết những bi kịch xã hội và cá nhân.

Không gian bi kịch còn được nhìn ở “những khoảnh khắc nhập nhòa tối sáng của những thân phận. Những u uẩn của thời kì cải cách ruộng đất. Số phận những người bên kia chiến tuyến.

Bi kịch với Vũ San : Không muốn đi lính đánh nhau chỉ thích làm họa sĩ, nhưng cuộc đời xô đẩy đã đưa San vào con đường binh nghiệp, bị bắt, đi tù, trốn trại vào Sài Gòn sinh sống. Thời gian hạnh phúc cũng không nhiều, bởi vợ anh - Hạ Trang đã theo tình nhân người Mỹ về nước bỏ lại gia đình, con cái...

Bà Nghè Nguyên thì cả đời luôn hiền lành, sống tốt với mọi người thế mà “ngọn gió cải cách ruộng đất” đã biến vùng Thuận An thành một thế giới khác. Đúng như người ta vẫn nói “cuộc đời chả ở đâu có toàn hoa tươi, mật ngọt. Có hoa thì có gai, có mật ngọt thì có mật đắng”. Bà Nghè bị đem ra đấu tố vì tội “quá giầu”, nhà vài chục mẫu ruộng, thóc lúa đầy nhà, tòa ngang dãy dọc. Bà Nghè bị tịch thu hết ruộng, thóc lúa đầy nhà, tòa ngang dãy dọc. Bà Nghè bị tịch thu hết ruộng đất, thóc lúa, nhà cửa... chia cho bà con bần cố. Ngoài ra còn bị quản chế không được ra khỏi Bút Nam. Bà Nghè có công rất lớn trong việc ủng hộ cách mạng, cung cấp lương thực cho đội quân “Tam thiên Mẫu” của Hùng, có chồng chết vì nghĩa lớn, con làm cách mạng, vậy mà đến cuối đời bà lại bị sự ấu trĩ sai sót của cải cách vùi dập. Sau này cách mạng đã chính thức công nhận sự ấu trĩ, quá tả dẫn đến sai sót trong cải cách ruộng đất. Vì thế mà có cuộc vận động sửa sai. Bà Nghè và Lan Viên trong thời gian tịch thu của cải ruộng đất đã bị đối xử tàn tệ, bị coi giống như một con vật “cho ở chuồng bò”, bị mọi người xa lánh, những kẻ đầu đường xó chợ cũng ra mặt áp bức.Tên lưu manh Chuột cướp bánh của hai mẹ con để ăn ngay trước mắt.

Cách mạng sôi sục khí thế hôm nào, thắng lợi bước vào xây dựng tái thiết đất nước, hôm nay  cuộc cải cách đã làm cho không gian làng quê vốn ưa thanh bình đã trở nên xáo trộn “Mọi sự đảo ngược lại, đầu xuống đất, chân chổng lên trời”.

Làng xã tiêu điều xơ xác, cuộc cải cách đã làm tổn thương một bộ phận đội ngũ làm nên cách mạng và kháng chiến ở các cấp từ cơ sở đến trung ương. “Nhiều địa chủ bị sỉ nhục thắt cổ tự tử chết lắm. Cả xã quay cuồng trong các vụ án oan trái. Người bị bắn như ngả rạ, làm không khí cuộc sống căng lên như trong lò lửa. Con người như con kiến bò trong chảo gang, cuống cuồng, tuyệt vọng, điên loạn. Ai cũng sợ xanh mắt, sợ đến mất trí. Tất cả răm rắp theo tiếng ho của Đội, của bần cố cốt cán”. Bi kịch ở làng quê thời cải cách là sự lầm đường lạc lối của một bộ phận  bây giờ. Người dân vẫn luôn “tin vào sự sáng suốt của lãnh đạo tối cao. Nhất định sẽ có sự điều chỉnh”.

Khung cảnh chiến tranh được miêu tả thật buồn bã “Sương chiều hoàng hôn bảng lảng trong rừng cao su... Bầu trời chòng chành. Tán rừng chao nghiêng. Một tiếng lá rơi lơ lửng”. Đó là cảnh vật Viết Thiều cảm nhận thấy trên đường cùng đồng đội băng rừng, vượt núi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên bức tranh phong cảnh buồn này không trưng bầy quá lâu mà nó mau chóng được tác giả đưa vào đó âm thanh sự sống “một tiếng chim hót. Tiếng chim hót là lạ”. “Chỉ một “tiếng chim nhỏ nhoi, mà dám đối lập với cả bầu trời lửa sắt gào thét. Thiều mỉm cười”.

Mặc dù tác phẩm có những đoạn, những câu mang âm hưởng buồn nhưng về cơ bản Cuồng Phong vẫn là tác phẩm cơ bản mang giọng điệu anh hùng ca nổi trội. Nói tóm lại, không gian như một hình tượng nghệ thuật quan trọng. Không gian nghệ thuật có khả năng dung chứa lớn lao của hiện thực lịch sử xã hội, đồng thời không gian nghệ thuật còn cho ta thấy được tầm vóc của người anh hùng.

2.2 Hình tượng nhân vật

Nghiên cứu nhân vật chính là nghiên cứu cách nhà văn nhìn nhận, cắt nghĩa về con  người như thế nào và bằng cách nào trong văn chương của mình. Bởi lẽ nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định.

Nhân vật chính là đứa con tinh thần của nhà văn, là máu thịt của nhà văn để thể hiện quan điểm thẩm mĩ và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Nhân vật văn học không hoàn toàn giống như con người thật ngoài đời vì chúng có những đặc trưng nghệ thuật và được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương tiện văn học thông qua quan niệm và biện pháp nghệ thuật của nhà văn, nhưng không vì thế mà chúng kém phần chân thật. Đã là tác phẩm văn học thì không thể thiếu nhân vật văn học.

Như vậy, nhân vật văn học là hình thức cơ bản để qua đó nhà văn miêu tả đời sống một cách hình tượng. Bản chất của văn học là có quan hệ mật thiết với đời sống, nó chỉ tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò tấm gương phản chiếu cuộc sống. Tác phẩm văn học nào cũng là một hệ thống chỉnh thể của những hệ thống nhỏ hơn. Các nhân vật trong các tác phẩm cũng thực sự tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, chúng liên quan với nhau, móc nối với nhau không chỉ bằng tiến trình các sự kiện miêu tả, mà suy cho cùng còn bằng lôgic của nội dung nghệ thuật của nhà văn. Hệ thống nhân vật đem lại cho hệ thống nghệ thuật của tác phẩm một sự thống nhất, đồng thời quan hệ giữa các nhân vật trong mỗi hệ thống ít hay nhiều đều phản ánh mối quan hệ xã hội hiện thực của con người.

“Văn học là nhân học, là sự hiểu biết, khám phá, sáng tạo về con người”. Con người là đối tượng chủ yếu của văn học. Quan niệm xây dựng nhân vật trong văn học tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Sự vận động của thực tế làm nảy sinh những con người mới và miêu tả những con người ấy sẽ làm cho văn học đổi mới. Đổi mới cách giải thích và cảm nhận con người cũng làm cho văn học thay đổi căn bản. Trong lịch sử văn học, việc sử dụng lại các đề tài, cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ biến nhưng cách giải thích và cảm nhận của họ là mới, tạo thành tiếng nói nghệ thuật mới.

Hệ thống nhân vật trong tác phẩm là kết quả của sự sáng tạo con người của nhà văn. Hệ thống nhân vật là thước đo tầm vóc nhà văn. Nhân vật biểu hiện cách hiểu của nhà văn về con người theo một quan điểm nhất định và các đặc điểm mà nhà văn lựa chọn.

Soi chiếu vào Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách ta nhận thấy rõ nét sự tồn tại của hai kiểu nhân vật : nhân vật anh hùng và nhân vật đời tư. Chúng ta sẽ cùng đi sâu vào tác phẩm thấy sự giống và khác nhau ở hai kiểu nhân vật đã làm nên ý nghĩa của tác phẩm.

2.2.1 Kiểu nhân vật anh hùng

Hiện thực xã hội Việt Nam thế kỷ XX là một hiện thực dữ dội, trang sử tột đỉnh đau thương và cũng là trang sử tột đỉnh kiêu hãnh tự hào. Nguyễn Phan Hách đã lấy bối cảnh xã hội Việt Nam trải dài suốt một thế kỷ làm “nguyên liệu” để sáng tác nên Cuồng phong. Cuồng phong được nhiều bạn đọc đánh giá, cuốn sách giống như “biên niên sử” về lịch sử xã hội Việt Nam đầy biến thiên, bão táp được mô tả qua những số phận con người vật vã với thời cuộc. Câu chuyện một gia tộc bốn thế hệ khá điển hình, như tấm gương nhỏ phản ánh hiện thực xã hội.

Do câu chuyện trải dài suốt chiều dài lịch sử nên mối quan hệ giữa nhân vật với lịch sử dân tộc được đặc biệt chú ý trong giai đoạn cách mạng. Nguyễn Phan Hách viết Cuồng Phong khi chiến tranh đã chấm dứt khá lâu , tác phẩm của ông  xây dựng kiểu nhân vật anh hùng theo mô hình con người quần chúng, con người của cộng đồng dân tộc mang tính sử thi. Vận mệnh dân tộc, đất nước là điều quan trọng với mỗi cá nhân nhỏ bé nên mỗi nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng phong đều lựa chọn con đường đi cho mình trong mối liên hệ với cộng đồng, với dân tộc. Điều này được thể hiện rõ trong nhân vật:

Cả Cồ – hình ảnh người anh hùng nông dân nghĩa sĩ, mang dáng dấp của người anh hùng sử thi cổ đại. Cồ ra đời đã khác những đứa trẻ khác về kích thước hình dáng “thằng bé ra đời, quá lớn, gấp đôi đứa trẻ bình thường”. Lớn lên mang sức vóc khác thường “giọng nói Cả ồm ồm. Cánh tay Cả rắn chắc cầm gốc tre có thể nhổ bật rễ”, “dao quắm dắt lưng, cung tên trên vai, tấm thân trần lừng lững đẫm ánh nắng, trông Cả y như tượng đá tạc”. Cả lại thích tập võ. Với sức mạnh đánh được cả hổ . Thế nhưng sâu trong cá tính ấy là một tinh thần nghĩa hiệp, chống lại cường hào, áp bức, cướp giật. Mặt khác, bộ máy chính quyền phong kiến ngày càng mục nát, đàn áp nhân dân, làm tay sai cho quân Pháp lang sa. Cả Cồ đã “tế cờ khởi nghĩa” tự xưng là “Đại thống tướng” làm vua một vùng Nhã Sơn và xung quanh. Phủ Nhã Sơn bị san bằng, tri phủ bị giết, quân của Cả Cồ cướp của nhà giầu chia cho nhà nghèo. Cả Cồ thề giết hết quân Pháp lang sa, quân Nam triều. Dưới sự chỉ huy của Cồ, các thống tướng đào hào đắp lũy, rào làng, chế tạo súng hỏa mai, rèn dáo mác, làm cung tên cắm chông, đặt bẫy. Vùng căn núi rừng hiểm trở Nhã Sơn thành căn cứ nghĩa binh. Đại bản doanh của Cả Cồ vững trãi như thạch bàn. Tài chỉ huy của Cả Cồ được đánh giá là tài tình. Quân Pháp, quân Nam triều nhiều lần đánh vào căn cứ nhưng đều bị quân Cả Cồ “chặt từng khúc” quân Pháp ra mà đánh. Cả Cồ vận dụng chiến thuật “nhử quân địch vào sâu, rồi khóa đuôi, đánh ập hai đầu”. Khiến quân Pháp rút mà không được. “Quân Pháp, Quân Nam triều không thể làm gì được đội quân xuất quỷ nhập thần ấy” nên đã phải xuống nước, cho người đi nghị hòa. Lúc này “Cả đã thật sự là một lãnh tụ nghĩa quân có tầm vóc lớn. Sự nghiệp mang dáng dấp ban đầu của bậc “khởi nghiệp đế vương” (ông Đồ Ngạn đã từng đánh giá Cả Cồ như vậy). Nhưng cuộc đời đâu có “xuôi chèo mát mái” mãi. Sau hơn 10 năm nghị hòa, tướng lĩnh quân Cả Cồ ngủ quên trên chiến thắng, chỉ lo vơ nét của cải cho bản thân, không lo xây dựng quân đội. Lợi dụng tình thế đó quân Pháp và quân Nam triều đã giáng đòn làm nghĩa quân tan vỡ, trở tay không kịp. Quân Cả Cồ thất bại, Cả Cồ tự bắn vào đầu," Đầu Cả Cồ và các tướng lĩnh bị chặt, cắm cọc bêu giữa chợ chính vùng Nhã Sơn suốt mấy tháng”. Trên đời không có gì toàn bích, hình ảnh người anh hùng tướng mạo hơn người, tài năng mà cái chết thật bi thương. Âu cũng là do “đời báo oán”, Cả đã cưỡng hiếp một cô gái ngay tại suối khi đi vào rừng. Cả đã không thoát khỏi thói thường, không thắng nổi dục vọng, mặc cho cô gái van xin ,Cả vẫn nói là “không thể nào khác được”.

Với Nguyễn Phan Hách, cuộc sống luôn phức tạp, không có gì toàn vẹn, chẳng có gì bền vững. Cuộc đời luôn chứa sự bất ổn, phi lý.

Cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc là cuộc cách mạng của toàn dân tộc. Trong sự nghiệp chung của quần chúng nhân dân ấy  cần phải có những ngọn cờ tiên phong, những người lãnh đạo thực sự đủ bản lĩnh, tài năng. Nguyễn Đức Nguyên “đứa con bất ngờ và bí mật” của Cả Cồ, là người thông minh đi thi đỗ tiến sĩ, làm quan nhưng lại có tư tưởng tiến bộ, tìm mọi cách để thức tỉnh nhân dân nhận ra những cái bất cập của tư tưởng Nho giáo, tìm đến một ý thức hệ mới lấy việc canh tân đất nước, mở mang dân trí làm cơ sở tiến tới giành độc lập cho đất nước. Ông Nghè muốn lấy chính mình làm gương để thức tỉnh các bậc sĩ phu, những người yêu nước đứng dạy chống lại bất công, hủ tục ngàn đời “trọng nông ức thương” cùng những chính sách “ngu dân” mà Pháp đặt ra nhằm cai trị dân ta. Ông Nghè Nguyễn Đức Nguyên thoát ly giáo lý Khổng Mạnh ngàn đời, khao khát duy tân, nhưng thời cuộc chưa chín muồi nên ông và các sĩ phu yêu nước khác đều bị thất bại.

Thế hệ thứ ba có sự phân chia trận tuyến. Một bên vẫn bám vào ngoại bang, tiếp tục quyền lợi thống trị của mình (người anh cả Đức Vĩnh); và một bên là chiến sĩ cách mạng, kháng chiến để giành độc lập, thống nhất đất nước (người em Đức Hàm, Vũ Hùng).

Nguyễn Phan Hách xây dựng hình ảnh người anh hùng cách mạng với đầy đủ phẩm chất đáng quý, ý thức tập thể và lòng nhiệt tình cách mạng.

Đức Hàm, Vũ Hùng, có lẽ là kiểu nhân vật anh hùng được yêu thích trong thời kì cách mạng; Hùng không chỉ có ngoại hình đẹp, khí chất thông minh mà còn là người yêu lao động, lao động giỏi, chiến đấu thì gan dạ, dũng cảm. Ta biết rằng, trong sử thi cổ điển lẫn hiện đại đều không có loại anh hùng lao động thuần nhất. Anh hùng Uylixơ trước khi là một anh hùng lao động, chàng đã từng là một chiến binh dũng cảm trên chiến trường Troie.. Đức Hàm nổi bật trong phong trào chống Pháp từ khi còn là sinh viên,  và có thể tốt nghiệp ra được bổ nhiệm làm quan như Đức Vĩnh. Nhưng Đức Hàm đã không chọn theo con đường Đức Vĩnh chọn để hưởng vinh hoa phú quý. Hàm đã tình nguyện theo kháng chiến, lăn xả vào cuộc chiến cùng những chiến sĩ cảm tử ở những thời khắc quyết định vận mệnh dân tộc. Đức Hàm là người luôn đặt lợi ích tập thể lên trên, gắn bó mật thiết với quần chúng. Hàm ý thức được  hành động đi theo cách mạng “từ đây anh chỉ có quay theo vòng xoáy cơn lốc, theo cuộc chuyển vận vĩ đại, mà không thể chùn bước, tách ra được nữa. Anh đã thành thành viên chính thức của cuộc cách mạng Việt Nam”. Và Hàm cũng nhận thức dược vai trò của cá nhân mình trong cuộc cách mạng “Hàm biết vai trò của cá nhân mình là quá nhỏ bé trong cuộc công cán lần này. Nhưng Hàm sung sướng thấy mình được làm cái việc phù hợp với lý tưởng của mình (Khi anh đi Hội nghị Đà lạt). Hàm luôn đi sâu quan sát cuộc chiến, thậm chí anh còn chủ động sát cánh cùng mọi người chiến đấu quyết giữ Hà Nội năm 1946. Và chính sự có mặt của Hàm đã “làm phấn chấn các chiến sĩ. Họ quây lấy anh. Hàm hỏi chuyện họ và ghi chép”. Năm 1954, Hàm từ chiến khu trở về Hà Nội, sau 9 năm sát cánh chiến đấu cùng đồng đội, giây phút trở về gặp gỡ người thân thật xúc động, thiêng liêng. “Cuồng phong” lịch sử không trừ một ai “dẫu đã lường trước được những khủng khiếp và sự lạ lùng “đầu xuống đất chân lên trời”, “trắng thành đen” của cải cách, nhưng Hàm không thể tưởng tượng được sự khốc liệt lại đến tột độ như thế. Các chiến sĩ, các thủ trưởng cao cấp góp phần làm nên sự nghiệp cách mạng hôm nay cũng ngơ ngác không ngờ tình hình lại quái đản như vậy”. Có những việc không ai tưởng tượng được, nhưng trong cải cách đã xảy ra : con từ bố mẹ, vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ... Hàm tuyên bố “từ nay cắt đứt với đại địa chỉ Vũ Thị Ngần... không còn quan hệ mẹ con... không liên quan gì...”. Thật chua sót, sai lầm của thời kỳ ấu trĩ  đã tạo ra những vết thương khó lành trong mỗi con người. Và cũng từ đó vai trò của Hàm đã có sự thay đổi, Đức Hàm từ người chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, nay chuyển sang mặt trận sản xuất, từ chức vụ phó giám đốc cơ quan “Thông tấn xã Việt Nam” để sang cơ quan mới, Ban nông nghiệp trung ương. Công việc mới, không phải chuyên môn của Hàm ,nhưng vòng xoáy xã hội, Hàm đã trở thành nhân vật quan trọng trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Dù ở trên mặt trận nào, Hàm cũng luôn cố gắng để trở thành hình mẫu lý tưởng, không ngại gian khó, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể. Trên mỗi lĩnh vực đều có sự in dấu những đóng góp của Hàm.

Hùng thì khác, xuất thân nghèo khó, được ông Nghè Nguyên thương tình nhận nuôi, coi như con trong nhà, cho học chữ quốc ngữ. Lớn lên “Hùng thành một chàng trai vạm vỡ, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, mặt mũi phương phi”. Cách mạng nổ ra, Hùng được giác ngộ, Hùng từ địa vị thằng ở trong nhà,vụt trở thành người khổng lồ đầy uy lực. Hùng được chọn là người dẫn đầu trong đoàn  biểu tình cướp huyện Thuận An, nhận triệu đồng, thẻ ngà sổ sách của huyện Vĩnh là một việc vô cùng ý nghĩa. Từ đây Hùng trở thành con người cách mạng, toàn tâm toàn ý theo cách mạng. Hùng được nhìn nhận đánh giá là người tốt, là người “trung hậu ” . Và  khi đối diện với kẻ thù Hùng nổi lên là người chỉ huy tài tình với những chiến thuật mưu trí. Khi chiến tranh lan rộng khắp miền vùng,năm1947,, lúc này Vũ Hùng là chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang kháng chiến vùng Thuận An, thoắt ẩn, thoắt hiện, tung hoành ngang dọc. Các trận đánh đồn đều do Hùng chỉ huy. Hùng giở đủ “mẹo du kích” để dọa địch (lấy cần cối gạo sơn đen giả làm đại bác, bắt  cóc cho ngậm thuốc lào, giả làm tiếng “ho” của người). Hùng đã nổi danh vùng Thuận An, được gọi là “Hùm xám Tam Thiên Mẫu”. Quân địch khiếp sợ khi nghe thấy danh của Vũ Hùng và cũng không muốn chạm trán trong chiến đấu với vị tướng trẻ tài ba này.

Hùng trở thành người anh hùng lý tưởng bởi ý thức tập thể, gắn bó mật thiết với quần chúng trong chiều dài lịch sử. Con người đoàn kết gắn bó với nhau thành một khối, làm nên sức mạnh cộng đồng to lớn. Mặt khác ta cũng thấy được ở Hùng sự đôn hậu, giản dị, tính cách trong sáng chân thành. Sự cao thượng của Hùng thể hiện ở hành động cứu Vũ San. Viên cảm động trước hành động của Hùng, coi Hùng “là một anh hùng cao thượng”. Lịch sử  chiến tranh đánh dấu sự trưởng thành của nhân vật. Hùng đã vượt qua bao thử thách khó khăn để rồi giữ vững niềm tin trên con đường đã chọn. Lịch sử đã làm thay đổi nhiều thứ nhưng trong sâu thẳm mỗi người tình yêu tổ quốc khó lòng đổi khác. Hùng chọn cách chiến đấu hết mình để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Đất nước còn chia cắt thì Hùng và đồng đội lại càng phải mạnh mẽ hơn nữa, chiến đấu hết mình vì độc lập dân tộc. Mục tiêu chiến đấu của Hùng là vì lý tưởng cộng đồng, những hành động của anh theo tiếng gọi của lý trí hơn là tiếng gọi của tình cảm, anh không hành động vì cảm giác hoặc tình cảm ham muốn nhất thời.

Nhìn chung, kiểu nhân vật anh hùng được Nguyễn Phan Hách miêu tả trong Cuồng Phong đều là những anh hùng mang tầm vóc anh hùng sử thi : họ ý thức được bổn phận đối với cộng đồng, họ sinh ra để thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng, họ luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, mục đích phấn đấu cao nhất là lý tưởng. Kiểu người anh hùng trong Cuồng Phong luôn là người khao khát vinh quang, luôn muốn vươn lên để đạt những vinh quang chói lọi, họ chấp nhận phải trả giá cho sự vinh quang ấy bằng cái chết (Cả Cồ, Nguyễn Đức Nguyên).

Để nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc, Nguyễn Phan Hách cho rằng, muốn vậy phải xây dựng nhân vật có cá tính góc cạnh, có cả ưu lẫn khuyết điểm, cao cả lẫn tầm thường, dung chứa trong mình những phức tạp vốn có của xã hội và lịch sử. Kiểu nhân vật anh hùng trong Cuồng phong ta thấy dung chứa, phản ánh đúng quy luật này.

Thật thiếu sót nếu ta chỉ nhìn nhận, đánh giá anh hùng là những nam giới. Thu Huệ – bà chủ tịch xã nổi lên trong phong trào cải cách, cũng được Nguyễn Phan Hách xây dựng như điển hình phụ nữ anh hùng. Huệ giỏi trong công tác, sống có lý tưởng, lịch sử đã chọn Huệ, Huệ là điển hình cho phong trào giải phóng phụ nữ. Dù ở vai nào Huệ cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt. Trong phong trào “hợp tác xã nông nghiệp” Huệ nổi lên như “con chim đầu đàn” để đẫn cả đàn chim Đông Phong bay lên trong bầu trời cách mạng tạp thể hóa nông thôn. Trong cải cách, người ta đã không nhầm khi chọn Huệ làm chủ tịch xã, làm chánh án trong các phiên tòa đấu tố địa chủ. Quả là Huệ có tố chất của người “lãnh đạo trong phong trào”, người “phụ trách” kẻ khác. Huệ là điển hình bởi sự thông minh “luôn quyết tâm thực hiện điều mình đã tin”. Năng động, lăn xả vào công việc, không nề hà, vụ lợi. Làm quên mình. Vòng quay lịch sử chiến tranh qua đi, Huệ đã già, trở về sống bình dị, ẩn mình, chăm chút trồng hoa tưới cây cùng chồng.

2.2.2 Kiểu nhân vật đời tư

Nguyễn Phan Hách luôn xác định nhiệm vụ cho mình: dùng văn chương làm sống lại quá khư trong lòng hiện tại, để độc giả hôm nay và mai sau có thể tìm thấy sau những biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc là những số phận, những mảnh đời vật lộn trong cơn lốc, cơn “cuồng phong” của lịch sử.

Kiểu nhân vật anh hùng đối lập tương phản với kẻ thù, có sự góp mặt của quần chúng nhân dân chỉ tồn tại trong những trang viết về thời kì cách mạng. Từ giai đoạn đất nước giải phóng, con người bước vào vòng quay của “kinh tế thị trường” khi trở về với đời sống thường nhật thì kiểu nhân vật đời tư của Nguyễn Phan Hách bỗng chốc trở nên phức tạp, khó đoàn định.

Trong cơn chuyển mình của thời kì sau chiến tranh, gắn với một định hướng phát triển xã hội còn chưa rõ, đâu đó còn thấy bế tắc, trong một mô hình  manh nha những dấu hiệu ban đầu  khó cưỡng lại của nền kinh tế thị trường, thì kiểu nhân vật đời tư được Nguyễn Phan Hách chú ý xây dựng là những con người “vật vã trước thời cuộc”. Những con người xưa kia là “anh hùng giải phóng”, ngày thắng lợi trở về họ bước vào cuộc sống đời thường với những khát vọng đời thường của kỷ nguyên “văn minh vật chất” lấn át. Và bi kịch số phận đã diễn ra với những kẻ không đủ bản lĩnh. Nhân vật đời tư của Nguyễn Phan Hách là điển hình tất cả những gương mặt, những cảnh đời, những số phận như người ta vẫn luôn gặp đâu đó trong đời.

Trong Cuồng phong, Nguyễn Phan Hách  giành sự quan tâm đặc biệt tới kiểu nhân vật đời tư. Nếu như phần đầu của tác phẩm, kiểu nhân vật anh hùng được khắc họa rõ nét, thì phần hai của tiểu thuyết là hình ảnh con người cùng cuộc sống thời hậu chiến, những con người với khát vọng đời thường.

Tuy nhiên sự phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối vì ở giai đoạn nào, phần nào của tác phẩm ta cũng có thể bắt gặp kiểu nhân vật anh hùng và kiểu nhân vật đời tư cùng song song tồn tại, song hành cùng với vận mệnh tổ quốc.

Thuần Phong ,một họa sĩ tài năng, say mê tìm vẻ đẹp thần thánh trong hình thể người thiếu nữ, có khát vọng nghề nghiệp. Đi theo cách mạng, Phong phải thay đổi suy nghĩ để hợp với thời cuộc .“Phong biết bây giờ mình phải tùy thời mà sống”. Thuần Phong là điển hình người trí thức trong cách mạng, mong muốn cống hiến ,nhưng thời cuộc lại khiến anh rơi vào bế tắc… Cùng là hình ảnh người trí thức, Trịnh Thu một “đại trí thức”, thông minh thần đồng, được Pháp cho sang Pari học triết học. Ông Thu về nước trong ánh hào quang, tưởng sẽ thành thánh nhân triết học, nhưng ai ngờ về nước, ông không hợp thời, họ “cất ông vào một nhà xuất bản, cho dịch sách tiếng Pháp”. Hoàn cảnh không đánh bại được ý trí ông, ông vẫn hy vọng một ngày không xa những tác phẩm của ông sẽ được in và được nhiều người biết đến.

Giới trí thức trong Cuồng Phong hầu hết được Nguyễn Phan Hách miêu tả là hiện thân cho tài năng, nghị lực. Họ là những người giầu phẩm chất và đầy tâm huyết như : ông Thanh Quang, người lãnh đạo cao cấp của Hàm, từ trẻ đã bỏ giai cấp, chống đối “bố đẻ phong kiến”, lý tưởng cách mạng sáng ngời như mặt trời trong tim. Cận Vệ, người lãnh đạo mẫn cán “24/24 vì công việc”. Công tác  hết lòng, ông đi sâu đi sát khắp tỉnh để chỉ đạo sản xuất, là Bí thư một tỉnh nhưng ông hết sức giản dị, lúc nào cũng “bộ quần áo bạc màu” đến bữa ăn xuống nhà ăn tập thể cùng mọi người, hết giờ làm, cầm cuốc ra vườn tăng gia trồng rau cho công đoàn”.

Kiểu nhân vật đời tư trong những trang viết của Nguyễn Phan Hách, mỗi người có một số phận với những mất mát khổ đau riêng và không ai có kết cục giống ai, chẳng ai là đại diện cho ai. Tất cả họ đều dễ rơi vào bi kịch nếu không thực sự có bản lĩnh.

Đức Vĩnh – người anh cả trong gia đình có truyền thống yêu nước, thông minh, học giỏi, nhờ những bài báo ca ngợi Pháp mà bọn Pháp “trọng dụng” được bổ nhiệm làm tri huyện Thuận An – nơi chính bố đẻ xưa đã từng trị nhậm và bây giờ đang ở tù ngoài Côn Đảo. Bọn Pháp làm như vậy để lôi kéo lớp tri thức thực dụng. Vĩnh quan niệm, phải biết tùy thời để sống, phải “tìm lấy bóng râm mát cho thân phận nhỏ bé của mình”. Vĩnh thấy cách mạng nổ ra khắp nơi nhưng chưa đủ mạnh để có thể giành thắng lợi, “dù khắp Trung Nam Bắc đang ngấm ngầm phong trào cách mạng phản đế phản phong, nhưng làm gì được trật tự xã hội hiện hữu”. Là người Việt nhưng Đưc Vĩnh luôn đề cao lối sống văn minh phương Tây, và luôn tỏ ra khiếp sợ trước quyền lực của chúng, tình nguyện phục vụ cho lợi ích bất hợp pháp của  chúng. Đức Vĩnh với những triết lý “một bên là văn minh phương Tây, là kỹ nghệ tối tân, súng ống tầu bay đại bạc, là hệ thống cai trị quyền lực. Bên kia là cái gì, là cái gì, những anh dân thường ngỗ ngược…”. Rõ ràng Đưc Vĩnh tỏ ra không có niềm tin vào cách mạng và quần chúng cách mạng. Đưc Vĩnh nói với Đức Hàm “Mỗi người sinh ra trên đời được phân một sứ mệnh, giống như được phân một vai kịch. Phải làm tròn sứ mệnh của mình, vai kịch của mình. Tôi đóng vai quan trường, tôi phải làm tròn phận sự”. Và Đưc Vĩnh cho rằng cách mạng cũng có thể xảy ra “nhưng còn lâu, lâu lắm, hết đời mình”. Trái với dự đoán của Đức Vĩnh, cách mạng đã nhanh chóng nổ ra, cướp chính quyền khắp nơi. Cuộc đời Đức Vĩnh bước sang một trang khác, anh ta trở thành con người luôn phải chạy trốn. Từ khi giao cho cách mạng (Vũ Hùng) chiếc bằng sắc và triện đồng quan huyện Thuận An 1945, rồi đến khi giữ chức Phó tỉnh trưởng Gia Lâm cùng vợ con lên máy bay Đakôta vào Nam năm 1954,làm phó Tỉnh trưởng Phan Rang.

Cả đời chạy trốn, đi theo phe địch, đến cuối đời Vĩnh nhận ra mình đang ở “phe phi nghĩa”. “Chúng tôi sai. Chúng tôi cố bám lấy chế độ mục ruỗng”. Và thừa nhận rằng “cách mạng đã sắp toàn thắng, sắp thống nhất đất nước, chiến tranh chấm dứt”. Đến khi bị bắt ở mặt trận Phan Rang, Đức Vĩnh vào diện phải đi cải tạo, “Đức Vĩnh không ngờ đời mình lại đến nước này. Già rồi, cả một đời ăn sung mặc sướng, giờ sao chịu được cảnh tù đầy…” Đức Vĩnh ngẫm ra “tù, hóa ra là định mệnh của dòng họ Nguyễn Đức”. Trong suốt cuộc đời mình Vĩnh luôn tỏ ra là người khôn khéo đến cực điểm, luồn lọt để không bị trận cuồng phong của thế kỉ cuốn bay. Tưởng chỉ có may mắn thành công. Nào ngờ kết cục cũng bị tù đầy.

Ở góc nhìn đời tư, Đức Vĩnh luôn là người biết lo cho gia đình; được bổ nhiệm làm quan ,là bắt tay vào xây dựng dinh cơ Thạch Gia Trang ngày một đẹp hơn, lo cho mọi thành viên trong gia đình. Đức Vĩnh luôn thể hiện là người con có hiếu, người anh thương em, người cha rất mực yêu con, người chồng luôn biết suy tính. . Theo bước đường đời nhân vật, độc giả thấy Đức Vĩnh vừa đáng giận, cũng rất đáng thương. Đáng trách, đáng giận là bởi làm tay sai cho bộ máy chính quyền giặc. Đáng thương bởi khi theo con đường đã chọn, Vĩnh phải bỏ lại quê nhà người mẹ với bao lo toan, đến cuối đời lại phải chịu cảnh 8 năm xa vợ, xa con đi cải tạo.

Không phải là luật sư bào chữa cho tư tưởng sai lầm của Đức Vĩnh, nhưng bằng lối tư duy tiểu thuyết, Nguyễn Phan Hách đã truyền đến người đọc sự cảm thông với nhân vật này.

Với kiểu nhân vật đời tư, Nguyễn Phan Hách không chỉ giúp ta nhận ra sự phức tạp trong  cơn chuyển động của lịch sử Việt Nam từ sau hai cuộc chiến tranh, mà còn mang ý nghĩa cảnh báo sâu sắc, động chạm đến những vấn đề nhạy cảm của nền kinh tế thời mở cửa.

Đức Trung, Viết Thiều, Hải Yến đều đã không chiến thắng nổi thói thường, đã bị vòng quay của kinh tế thị trường, của văn minh vật chất lấn át. Thiều lao vào kiếm tiền và hưởng thụ bằng bất cứ giá nào để rồi không tránh khỏi cái chết.

Trung vì mải mê chơi chứng khoán, đến khi mất hết thì rơi vào bi kịch và đã tự bắn vào đầu. “Đồng tiền hoang tưởng” đã giết chết Trung.

Nhân cách đã bị hủy hoại bởi đồng tiền, bởi danh vị. Cái bả vật chất không trừ một đối tượng nào Chạy theo mùi vị của bạc tiền, Hải Yến đã dần đánh mất và hủy hoại mình. Yến kinh doanh trên thân xác những cô gái trẻ, tổ chức cho thanh niên ăn chơi nhảy múa thác loạn.  Những việc làm của Hải Yến đã góp phần hủy hoại gia đình, hủy hoại xã hội.

Ba con người, ba cá tính nhưng đều chung mục đích : làm giàu, mỗi người đều lao vào quỹ đạo kiếm tiền riêng của mình. Tiền đã trở thành ý nghĩa lớn nhất của cuộc đời. Cái chết, sự thất bại là bài học cảnh tỉnh cho những mê muội, những dục vọng thấp hèn, những đam mê vật chất thời mở cửa. Quá trình tha hóa của Viết Thiều cho thấy sự công phá dữ dội của môi trường bị ô nhiễm bởi mùi tiền…

Nguyễn Phan Hách luôn giành sự quan tâm trìu mến đặc biệt với người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Phụ nữ trong tác phẩm của ông luôn đẹp, có sức quyến rũ và là những người có phẩm chất tốt đẹp. Bà Nghè – Vũ Thị Ngần là người đàn bà hiền lành, phẩm chất tốt ,yêu con, thương người, cả đời không làm điều ác bao giờ. Bà là đại diện điển hình cho người phụ nữ dịu dàng, nết na, chung thủy, luôn sẵn sàng hy sinh bản thân vì gia đình, vì con, vì những người mà họ yêu thương.

Lan Viên, xinh đẹp, đài các, con ông quan huyện, được học hành, thông minh. Tưởng như với những yếu tố đó thì cuộc đời sẽ sung sướng. Nhưng không, đời Lan Viên là đời bi kịch, số phận nhiều éo le trắc trở gắn với tình yêu, hôn nhân. Tình yêu làm Viên hạnh phúc và cũng chính nó đẩy Viên vào bất hạnh. Cuộc sống đã cho Lan Viên nhiều thứ nhưng cũng làm cô tổn thương nhiều, nên với Viên sống là phải biết trân trọng, phải biết quý những gì mình đang có. Hay như bà Đức Vĩnh, có chồng theo giặc nhưng bà vẫn luôn giữ nếp nhà, với những phong tục ngày tết, thể hiện qua mâm cỗ cúng mồng 1 tết, bà giữ nếp sinh hoạt cũ, cách nấu ăn truyền thống …. Dù thời cuộc thay đổi nhưng bà luôn chung thủy đợi chờ chồng.

Phụ nữ trong Cuồng phong được Nguyễn Phan Hách miêu tả mỗi người một vẻ ,tạo sự phong phú cho bức tranh đời sống. Qua vẻ đẹp, nhân cách của họ tác giả muốn gửi gắm tình yêu vào cuộc sống, niềm tin vào hạnh phúc của con người.

Kiểu nhân vật đời tư được Nguyễn Phan Hách xây dựng với đầy đủ ngoại hình, tính cách và chiều hướng  đường đời, qua việc xây dựng tính cách về lẽ sống, về đạo đức, về giá trị bản thân. Con người dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào hãy biết làm chủ bản thân, hãy sống có bản lĩnh để cuộc sống tốt đẹp hơn.

2.2.3. Cách thức xây dựng nhân vật

Có nhiều cách để cho nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Nhiều người cho rằng, muốn vậy phải xây dựng nhân vật có cá tính góc cạnh, có cả ưu lẫn khuyết điểm, cao cả lẫn tầm thường, dung chứa trong mình những phức tạp vốn có của xã hội và lịch sử… Nói như Bakhtin, nhân vật tiểu thuyết “cần phải thống nhất trong bản thân mình vừa các đặc điểm chính diện lẫn đặc điểm phản diện, vừa cái tầm thường lẫn cái cao cả, vừa cái buồn cười lẫn cái nghiêm túc (Sử thi và tiểu thuyết). Đây là quan niệm nghệ thuật về con người cũng đồng thời là cách thức để tăng tính sinh động cho nhân vật.

Nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng làm nên tác phẩm nghệ thuật. Thông thường khi xây dựng nhân vật trong văn học, cái chi tiết nghệ thuật về ngoại hình hành động, ngôn ngữ nhân vật có chức năng mô tả con người bên ngoài. Còn các thủ pháp độc thoại hay đối thoại nội tâm có tác dụng tái hiện con người bên trong của nhân vật. Ở “Cuồng Phong” Nguyễn Phan Hách tiếp tục kế thừa những thủ pháp tiểu thuyết truyền thống ấy.



2.2.3.1. Khắc họa ngoại hình, chân dung nhân vật :

Cuồng Phong là tác phẩm mang chất sử thi rõ nét, do đó việc khắc họa ngoại hình nhân vật, nhất là kiểu nhân vật anh hùng Nguyễn Phan Hách đã chú trọng vào việc xây dựng nhân vật được chú ý trước hết bởi vẻ đẹp ngoại hình. Khắc họa vẻ đẹp ngoại hình chân dung nhân vật trước hết là để tác động đến tình cảm người đọc trong cái nhìn đầu tiên và sau đó là mượn ngoại hình để thể hiện phần nào phần chất bên trong của nhân vật. Ta thấy rõ điều này trong việc xây dựng kiểu nhân vật anh hùng Cả cồ, Vũ Hùng…

Cả Cồ được miêu tả “không phải là người bình thường”, to lớn “chân to như chân voi. Lừng lững như người khổng lồ. Giời sinh ra thế”. Và ngay cả cái tên cũng khác “mẹ đặt tên là Cồ để diễn tả sự to lớn của đứa con khác thường”. Cả có sức khỏe hơn người “túm sừng trâu mà trâu mất cựa”, vật nhau với trai làng, Cả thường chấp cả chục người. Với ngoại hình, sức vóc ấy dự đoán một cá tính mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh. Và đúng như vậy, Cả Cồ đã trở thành người anh hùng nông dân nghĩa sĩ, đứng lên chống lại kẻ thù xâm lăng và bọn phong kiến thối nát bóc lột nhân dân.

Vũ Hùng – có thể được xem là được xây dựng với vẻ đẹp toàn diện nhất trong tác phẩm. Nguyễn Phan Hách đã khắc họa vẻ đẹp nhân vật Vũ Hùng trên nhiều phương diện : hình thức, các mối quan hệ, tài năng, trong lao động cũng như trong chiến đấu. Tác giả không chỉ dùng bút pháp khắc họa vẻ đẹp ngoại hình mà còn kết hợp nó với những tình huống xung đột thử thách tạo ra cái bi trong nội tâm (giằng xé trong mối quan hệ với Huệ, thấy có lỗi với Viên, khi thấy bụng Huệ ngày một to). Hùng có thân thể “vạm vỡ, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, mặt mũi phương phi, con gái trông mê tít”. Trong mắt mọi người Hùng là người tốt, biết quan tâm chăm sóc người khác. Với Lan Viên “Hùng gợi cho Viên cảm giác về sự mạnh mẽ, đôn hậu, một vẻ đẹp hoàn thiện thể chất, tâm hồn. Đức Vĩnh thấy Hùng là người “trung hậu tốt lắm. Đang bao bọc che chở cả nhà”. Bà Nghè thì coi Hùng như anh hùng thật sự “chỉ có thằng Hùng tung hoành ngang dọc, mà không ai dám làm gì”. Hành động cứu Vũ San là hành động cao thượng thể hiện tình yêu cao cả mà Hùng giành cho Lan Viên, hành động đó không chỉ thể hiện tình người mà còn đưa Hùng lên một tầm cao của anh hùng cao thượng. Hùng không chỉ đẹp ở ngoại hình mà còn có phẩm chất cao đẹp. Hùng mang phẩm chất, tính cách của người anh hùng giải phóng. Sức hấp dẫn trong xây dựng hình tượng nhân vật còn thể hiện ở sự kết hợp những chi tiết đời thường hài hòa làm nên người anh hùng vĩ đại mà bình dị. Là đại diện cho cộng đồng, dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược, song người anh hùng trước hết cũng là một con người bình thường.

2.3.2.2.Diễn biến tâm lý, đời sống nội tâm

Cũng như trong hiện thực đời sống, tâm trạng của con người trong tác phẩm bao giờ cũng gắn liền với những biến cố khách quan và chủ quan mà họ gặp phải trong đời. Hầu hết các nhân vật trong Cuồng Phong, được Nguyễn Phan Hách miêu tả thường bị tác động dữ dội từ môi trường sống. Phần đông trong số họ là người người nhạy cảm nên những biến cố dù là nhỏ cũng khiến họ suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt và đôi khi những sự kiện nằm ngoài dự kiến xảy ra cũng đủ gây nên những cú sốc nặng nề trong thế giới nội tâm nhân vật. Càng là người học rộng, hiểu nhiều lại càng là người nhạy cảm, dễ tổn thương. Diễn biến tâm trạng của Viết Thiều cho ta thấy rõ điều này.

Viết Thiều xuất hiện trong tác phẩm với nhiều cung bậc tâm trạng. ở mặt trận thì gan lì, không sợ bom đạn, không sợ chết. Thiều luôn dũng cảm, mưu lược, luôn là người đi đầu trong các trận giao tranh với địch. Thiều có mặt trong các trận đánh ý nghĩa : Khe Sanh – thung lũng tử thần; Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, phòng tuyến Xuân Lộc  – trận đánh đối đầu bão lửa nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh… Ở những trận đó, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, vậy mà Thiều vẫn là “anh lính không biết chết”. Trong chiến tranh “Thiều là biểu tượng bất diệt của sự sống”. Vậy mà khi sang Liên Xô học, tiếp xúc với văn minh vật chất ,Thiều đã thay đổi. Thiều kiếm tiền bằng mọi cách, bằng bất cứ giá nào. Trở về nước, có chút quyền lực trong tay, Thiều “lại có niềm khát thèm mê muội những đồng đô la của đất nước”. Thiều “lao vào mê cung của cuộc kiếm tiền bằng bất cứ giá nào, để được là chủ sở hữu tư bản”. Thiều trở thành quan tham “than nhũng” cả triệu đô trong các dự án của đất nước. Bản án tử hình đã không thể tránh khỏi, bởi tham nhũng cả triệu đô lúc đó là “tội ác lớn. “Phải hy sinh Thiều để trấn an tình hình, lấy lại tín nhiệm của nhân dân với nhà nước”. Chiến tranh không thể giết chết Thiều, vậy mà giờ đây “viên đạn đô la” lại hạ Thiều gục ngã. Những dòng suy nghĩ, hồi tưởng cứ trở về trong tâm trí Thiều trước khi bị hành quyết khiến  ta không khỏi băn khoăn; Liệu rằng ở đời còn bao nhiêu người như Thiều, cũng tham nhũng như Thiều nhưng chưa bị pháp luật trừng trị. Bài học với Thiều cũng chính là bài học với tất cả chúng ta : Nừu không chống lại được sự cám dỗ của đồng tiền sẽ là kẻ sa ngã, những kẻ không có bản lĩnh thì kết cục thất bại, là tất yếu.

Ngoài ra, Nguyễn Phan Hách còn dùng tình huống bi kịch để thử thách nhân vật. Bi kịch nội tâm của nhân vật diễn ra khi có sự xung đột giữa ước muốn của nhân vật và hoàn cảnh không cho phép thực hiện ước muốn đó. Nhân vật phải đau khổ, dằn vặt khi phải đứng trước ranh giới giữa cái đúng và sai, cao cả và thấp hèn, hạnh phúc và bất hạnh, thành công và thất bại… Trung luôn ao ước trở thành người giầu có, anh chơi chứng khoán với hy vọng một ngày nào đó sẽ thành công, anh sẽ trở nên giầu. Giầu với anh là ước muốn cả đời. “Đồng tiền hoang tưởng” đã giết chết Trung bởi “Thị trường chứng khoán sơ khai của nước Việt Nam chập chững nền kinh tế thị trường, phi như thiên mã, đã đem lại lợi nhuận tới 60 lần cho Trung. Nhưng chính sự “sơ khai” đó cũng lại là nguyên nhân làm nó vỡ như bong bóng xà phòng. Và khiến Trung mất 60 triệu đô trên giấy tờ. Tiền ảo mất, Trung trở nên mất cân bằng, Street và anh đã tự tử bằng cách tự bắn vào đầu. Rõ ràng mong muốn làm giầu của Trung không thể thành hiện thực, Trung rơi vào bi kịch, anh đã tự tử để giải thoát cho mình.  Việc làm của anh, sự ra đi mãi mãi của anh đã làm tổn thương đến bao nhiêu người, nhất là cha mẹ anh.

Với cuộc đời Viết Thiều, Đức Trung, Nguyễn Phan Hách gieo vào độc giả một mối băn khoăn : mỗi con người trong cuộc đời đều có số mệnh và muốn chiến thắng “bi kịch số phận” thì phải có bản lĩnh.

2.2.3.3. Quan niệm về nhân vật đa diện

Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nhân vật sử thi là mẫu người anh hùng lý tưởng, tốt đẹp toàn diện. Nhưng thực ra không hẳn đúng như vậy. Trong sử thi Iliat của Hy Lạp, các anh hùng được kêu gọi đi đánh thành Troa với tinh thần rửa nhục cho đất nước và chiếm lại người đẹp Hêlen. Nhưng thực ra Hêlen không quan trọng, danh từ tổ quốc bị các anh hùng lợi dụng với ý đồ thống trị thiên hạ của mình. Các anh hùng mang trong mình “mặt mạ nhân cách”. Nhờ có chiến tranh mà các dục vọng nhân cách ấy mới có dịp trỗi dạy, phát huy. Theo Angghen thì “toàn bộ sử thi Ilita chỉ xoay quanh sự xích mích giữa Asin và Agamemnông vì tranh giành người nữ nô lệ Brideit”. Đó là động cơ chiến đấu của các anh hùng còn về tính cách cá nhân, họ cũng ích kỷ, tầm thường như ai. Vì xích mích trong việc chia chác đàn bà mà Asin tuyên bố không tham chiến (nghĩa là đảo ngũ). Thậm chí còn cầu cho phe mình thua trận và hoàn toàn dửng dưng khi thấy đồng đội bị địch dồn vào thế tử. Asin chỉ ra trận để trả thù cho bạn, đó là mục đích cá nhân. Chàng ra trận để trả thù cho bạn nhưng sau lưng chàng là cả một đội quân đông dảo cùng một mục đích chung : đánh thắng giặc. Như vậy cái riêng hòa cùng cái chung. Việc giận dữ, tính ích kỷ và long ham muốn là cái luôn tồn tại trong mỗi con người. Asin dã man với kẻ thù nhưng lại có tình cảm thắm thiết với bạn, rơi lệ khi nhớ đến cha, và trên hết là tài năng và lòng dũng cảm hơn người. Chính Asin đã cứu đồng đội của mình ra khỏi cơn nguy biến. Tài năng và những ưu điểm đã làm cho Asin trở thành nhân vật anh hùng đáng ca ngợi. Chỗ nhược trên “gót chân Asin” là chi tiết nghệ thuật độc đáo muốn nói lên quan niệm : con người dẫu tài giỏi đến mấy cũng có điểm yếu của mình.

Trong các sử thi Ấn Độ, việc tìm nhân vật anh hùng toàn mỹ là rất khó, nhân vô thập toàn “không một người đức hạnh nào lại đủ kiên cường để suốt đời giữ vững phẩm hạnh, cũng như không một kẻ tội lỗi nào lại quá xấu xa để sống trọn vẹn cuộc đời trong vũng bùn tội lỗi. Đời là một cuộn chỉ rối tung và trên thế gian này, không có ai không làm cả việc thiện lẫn việc ác” (Mahabharata). Trong khi các anh hùng Hy Lạp khao khát chiến đấu chống kẻ thù xa lạ thì các anh hùng Ấn Độ xem chiến tranh là một tội ác và dằn vặt khổ đau khi cầm vũ khí chống lại những người trong dòng họ, dân tộc mình. Hay như trong sử thi Đam San cũng như nhiều sử thi Tây Nguyên khác của Việt Nam, các cuộc chiến tranh diễn ra chủ yếu để mở rộng lãnh thổ, cướp của cải, đàn bà. Tù trưởng Đam San là người cá tính ngang ngạnh không chấp nhận tục nối dây của cộng đồng, có khát vọng khác người là muốn đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ. Trong chiến tranh và hòa bình, hầu hết các nhân vật anh hùng đều được L.Tostoi xây dựng không hoàn mỹ. Tổng tư lệnh Kutuzov có diện mạo kém oai phong, “thân hình nặng nề, lụ khụ”, phục phịch, bị chột mắt… Đại úy pháo binh Tusin lưng gù, vụng về. Du kích Tikhon răng sún, mặt rỗ hoa nhăn nheo… Tính cách các nhân vật cũng phức tạp, Anđrây nằm trong liên quân Nga - Aó đánh Naponeong nhưng lại có lúc khao khát trở thành Napoleong (giấc mộng Tulong). Dĩ nhiên, khi nói đến mục đích chiến đấu, anh ta phải dùng các từ ngữ mỹ miều để che đậy trở thành anh hùng phe đối chiến với mình. Chàng từng phát biểu khinh miệt nông dân nhưng cũng lại tỏ ra quan tâm đến đời sống của họ. Tính cách nhân vật đa diện luôn thay đổi rất khó đoán định. Họ mang nhiều khuôn mặt khác nhau và cũng dễ dẫn đến nhiều cách đánh giá khác nhau. Nhiều nhân vật cho rằng Pie là “anh hùng hơi loạn óc”, “thằng hề chính cống”, “một chàng thanh niên điên rồ, đầu óc hư hỏng vì những tư tưởng vô luân của thời đại”. Nhưng các nhân vật khác lại bảo đó là “một tấm lòng vàng”, “một anh hùng rất hiền và rất tốt”, “một con người siêu việt”, “một anh hùng”. Còn Pôlôkhôp thì có khi hiện ra là một “con người độc ác”, “con thú dữ” nhưng cũng có lúc hiện ra là “người con trai, người anh dịu hiền nhất”, “một anh hùng”. Đó là những anh hùng đa diện có cá tính phức tạp, vừa quỷ dữ vừa thiên thần. Hầu hết các nhân vật anh hùng sử thi cổ điển lẫn hiện đại đều là con người đa diện. Và chính loại nhân vật đa diện này đã làm nên sức sống cho tác phẩm.

Trong văn học cách mạng Việt Nam thời chiến tranh, loại nhân vật đa diện không được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên nhiều nhà văn có bản lĩnh vẫn thể hiện thành công những gương mặt góc cạnh để phản ánh sự phức tạp của dòng chảy lịch sử Việt Nam. Kế thừa và phát huy, nhiều nhà văn đã xây dựng thành công kiểu nhân vật đa diện trong các sáng tác của mình.

Cuồng phong được xem là tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Là tác phẩm thể hiện sống động về hình tượng người anh hùng đa diện. Cả Cồ được miêu tả như một con người vừa đáng khen nhưng cũng vừa đáng chê. Cả Cồ được Nguyễn Phan Hách xây dựng mang dáng dấp tầm vóc đẹp đẽ hơn người, sức khỏe hơn người, tính tình “thơm thảo” nhưng không kém phần ngang ngạnh “bất bưởng”. Là người có lòng dũng cảm tuyệt vời, Cả thường vào rừng săn bắn kiếm thức ăn, có lần gặp hổ, Nó và Cả ở cự ly gần quá. Khi nó gầm lên thì Cả cũng vừa kịp rút dao quắm. Con hổ già to lớn hung dữ, răng to bằng ngón tay út nhe ra. Thực ra nó cũng không muốn đụng đầu với người, nhưng hôm nay nó đói. Và con mồi lại ngay trước mặt. Còn Cả cũng có thể tránh nó bằng cách lẩn sau cổ thụ, rồi trèo lên cao. Hổ không trèo được, chán sẽ bỏ đi. Nhưng Cả lại đang bừng bừng ý chí giao chiến. Cả không thấy sợ chút nào. Cả đã từng gặp gấu, thọc dao găm vào tim gấu. Con gấu to ghê gớm, nhưng Cả cũng to lớn không kém. Cả không phải người bình thường”. Cả đã giao tranh với Hổ, “Cả Cồ hôm đó đã lừa thế, tránh được những cái tát của hổ… Cả đã nằm xoài trên lưng hổ, hai tay bóp cổ hổ. Hổ điên cuồng vùng vẫy. Nhưng bàn tay Cả như hai gọng kìm thép cứ từ từ khép chặt cho đến lúc hổ tắc thở, giẫy chết, mắt dại đờ. Cả vác hổ trên vai y như Võ Tòng vác hổ về làng”. Khi đối đầu với tướng cướp thọt chân, Cả Cồ “đi đầu múa gươm xông thẳng vào tên tướng thọt. Chỉ vài ba đường múa, Cả chém xả bả vai hắn… những tên khác xông lại đều bị Cả cho nếm sức mạnh của “người khổng lồ”. Bọn cướp hung hăng thì hung hăng thật, nhưng trông thấy uy dũng của Cồ, thì thằng nào cũng sợ, quay đầu chạy”. “Bọn cướp dũng mãnh. Tướng cướp là lão già thọt chân, xuất quỷ nhập thần. Hắn chỉ huy các trận đánh khá bài bản”. Tên tướng cướp khá tàn ác, chúng là nỗi khiếp đảm cho cả vùng. Thế mà Cả Cồ cùng những chàng trai “thích đánh nhau” đã trị được chúng. Trong con mắt của mọi người “chỉ thiếu mức người ta tôn Cồ lên thành thánh. Oai danh Cồ lừng lẫy. Đâu đâu cũng nhắc đến tên”. Thế mà khi thấy cô gái đẹp tắm bên suối, Cả đã không làm chủ được mình, thú tính trong mình trỗi dạy : “Cả không chịu được nữa. Có cái gì trên đời này ngăn được Cả khi Cả đã thích. Cả cởi quần áo nhảy tùm xuống suối”. Cô gái sợ hãi, “định lao lên bờ” nhưng đã bị “Cả túm lại”, mặc cho cô gái hết sức van xin “tha cho em anh ơi” nhưng Cả vẫn nói là “không thể nào khác được”. Cả đã cưỡng hiếp cô ngay giữa suối. Và chính “cú cưỡng hiếp đó là đầu nguồn của gia tộc Nguyễn Đức sau này. Cả Cồ – anh hùng nông dân nghĩa sĩ, đã không thắng được thói thường, để dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa sau này. Cả và các tướng lĩnh đã không tránh được cái chết không toàn thây. Qua nhân vật Cả Cồ, Nguyễn Phan Hách muốn đưa ra một quan niệm mới trong cách đánh giá con người : Yếu tố dũng cảm chỉ là một phần trong nhân cách của người anh hùng, không thể chỉ lấy nó để làm chuẩn mực duy nhất trong việc thẩm định họ. Một con người dũng cảm chưa hẳn đã có đạo đức… Tốt nhất nên đánh giá con người từ nhiều phương diện khác nhau và nên tham chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau mới có được thái độ khách quan trong việc đánh giá nhân vật.

Cuồng Phong còn có nhiều nhân vật khác làm thành đội ngũ nhân vật đa diện đông đảo : Hàm được miêu tả là người vừa có công vừa có tội. Hàm là người có học, hiểu biết về xã hội, tham gia vào công tác chính trị trong phái đoàn đàm phán với Pháp, Mỹ ở các hội nghị. Ở lĩnh vực báo chí, công tác chính trị, Hàm là người sôi nổi, có bản lĩnh. Công việc phù hợp với lý tưởng, Hàm đã không ngừng phấn đấu. Thế mà trong cải cách vì sợ đuổi ra khỏi cơ quan, sợ mất biên chế mà Hàm đã phải cắn răng viết ra văn bản tuyên bố “…Tôi Nguyễn Đức Hàm từ nay cắt đứt với đại địa chủ Vũ Thị Ngần… Không còn quan hệ mẹ con… Không liên quan gì…”. Người bao năm vào sinh ra tử cùng các chiến sĩ ở những nơi lửa đạn ác liệt nhất. Người chưa từng sợ khi bị Pháp bắt đi tù, “Hàm ngông nghênh, dám chiến đấu vì chân lý”, thế mà bây giờ, sau năm tháng bể dâu, Hàm thành con người khác. Nhút nhát, sợ sệt. Bị đuổi ra khỏi cơ quan, trong bối cảnh xã hội chuyên chính… tư tưởng khẩu phần được phân phối, kiểm soát, Hàm sẽ ra sao.

Sau sự kiện đó, Hàm chuyển công tác từ ban “đối ngoại” sang ban nông nghiệp. Mặc dù không phải sở trường của Hàm, nhưng trong phong trào “hợp tác hóa nông thôn” Hàm đã làm tròn vai trò của người chỉ đạo dẫn đường. Chính anh và Thu Huệ đã làm bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đông Phong trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa của cả nước, thành điển hình tiên tiến, thành lá cờ đầu. Thế nhưng không lâu sau, cũng chính Hàm đã nhìn thấy “sự bất cập” của hợp tác hóa nông nghiệp. Sau 10 năm hợp tác hóa, nông dân vẫn đói nghèo” bởi chân lý “cha chung không ai khóc”, không có động lực sản xuất, cái gì cũng cho là của chung nên mọi người không ý thức trách nhiệm trong lao động. Hàm đã kêu gọi Huệ thực hiện chính sách “giao khoán”, giao ruộng cho người dân tự làm ,thế là vụ ấy dân được no, thóc lúa đầy nhà. Nhưng cũng chính vì thế mà Hàm và Huệ bị cách chức. Hay như Hùng – Hùm xám Tam Thiên Mẫu sẽ là nhân vật “đẹp” nếu như không mắc vào sai lầm khi ở nhà Thu Huệ. “Hùng căm giận cơn dục vọng vô thức, bản năng của mình đã tuôn trào như dung nham núi lửa khi “con ngựa trắng” nõn nà đang cuồng phi trên thân thể”. Hùng đã nghĩ “nếu mình vùng dậy, mình chạy, không chấp nhận Huệ, thì ai bắt được mình”. Vậy mà Hùng đã không làm được như vậy. Ý chí đã không thắng được dục vọng bản năng.

Mặc dù hầu hết kiểu nhân vật anh hùng trong Cuồng Phong được Nguyễn Phan Hách xây dựng đều có khiếm khuyết, có thói hư tật xấu nhưng vẫn không làm mất đi âm hưởng anh hùng ca của tác phẩm. Bên cạnh miêu tả những con người chiến đấu, lao động quên mình vì quyền lợi cộng đồng, quốc gia dân tộc, tác giả cũng không quên đề cập đến những kẻ chỉ biết đề cao quyền lợi cá nhân, sống hưởng thụ “vinh thân” như Đức Vĩnh. Với Đức Vĩnh “không thể có chân lý ở đời này. Bạo lực là chân lý. Tiền bạc là chân lý. Với ông, không có đúng, sai mà chỉ có lợi, thiệt. Ông ra làm quan huyện quyền cao chức trọng, lương cao bổng hậu, vợ đẹp con khôn, chứ không dại gì đem thân đi đầy Côn Đảo như cha. Ông phải học xong có đủ bằng cấp vào đời, chứ không dở dang, không bằng cấp như Hàm. Khôn như thế, ăn chắc như thế vậy mà hậu vận lại chẳng ra gì. 8 năm tù đầy khủng khiếp nơi rừng xanh núi đỏ”.

Để cho nhân vật đa diện có điều kiện bộc lộ hết cá tính của mình thì cần phải đặt nhân vật trong mối tương quan với hoàn cảnh lịch sử, chính cái hiện thực lịch sử đã tạo ra những con người như Đức Vĩnh. Cơ hội, luồn cúi, khôn ngoan nhưng không tránh khỏi số phận lịch sử.

Từ những phân tích trên ta có thể thấy, nhân vật đa diện thường có diện mạo riêng thể hiện ở hình dạng, ngôn ngữ, hành động, nội tâm, quan niệm sống… Từ chỗ khẳng định cá nhân, nhân vật thường có sự thay đổi tính cách theo hoàn cảnh. Tác giả và độc giả thường không có được cái nhìn tôn kính tuyệt đối trước nhân vật này. Nguyễn Phan Hách có sự kết hợp cả chất sử thi lẫn chất tiểu thuyết trong miêu tả nhân vật đa diện, việc làm này phù hợp với đặc điểm của tiểu thuyết viết về chất sử thi và thế sự đời tư.





















CHƯƠNG 3: CỐT TRUYỆN, NGÔN NGỮ, GIỌNG ĐIỆU



3.1. Cốt truyện:

3.1.1. Kiểu cốt truyện

Như ta đã biết, nhà văn xây dựng cốt truyện là để phản ánh các quan hệ và mâu thuẫn của đời sống. Cốt truyện chính là hệ thống sự kiện làm nòng cốt cho sự diễn biến các mối quan hệ và sự phát triển của tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học tự sự. Trong tiểu thuyết, các chi tiết, sự kiện là cái làm nên mạch truyện, duy trì sự phát triển của cốt truyện. “Khái niệm cốt truyện có truyền thống lâu đời, bắt nguồn từ Arixtốt và được các nhà lý luận chủ nghĩa cổ điểm minh định rõ”. Theo đó “cốt truyện đúng hơn là truyện, là tiến trình các sự kiện xảy ra theo quy tắc nhân quả dấn đến một kết cục. Truyện nào cũng có tính thống nhất, bắt đầu từ một trạng thái ổn định, thăng bằng, sau đó xảy ra hỗn loạn, mâu thuẫn xung đột, cuối cùng trở lại thăng bằng” (Trần Đình Sử – Dẫn luận Thi pháp học – Tr 127).

     Cốt truyện trong tiểu thuyết Cuồng Phong của Nguyễn Phan Hách là kiểu cốt truyện đa tuyến với những hệ thống sự kiện phức tạp nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật và hệ thống sự kiện trong cốt truyện có thể chia thành nhiều dòng, nhiều truyện gắn liền với số phận của các nhân vật trung tâm, nhân vật chính của tác phẩm. Cốt truyện đa tuyến được xem là cốt truyện thuộc loại cổ điểm, phát triển lô gíc, mọi biến cố, sự kiện trong tác phẩm đều gắn liền với nhân vật.

     Cuồng Phong có bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ 20, giai đoạn có những biến động lịch sử lớn lao nhất của đất nước. Nguyễn Phan Hách quan niệm những biến thiên dữ dội bi hùng của đất nước, con người là chất liệu đời sống vô giá để nhà văn Việt Nam viết được những tác phẩm tiểu thuyết có cơ may trở thành tác phẩm có giá trị lâu dài. Những tiểu thuyết kinh điển thế giới như “Chiến tranh và hoà bình” của L.tônxtôi, “Sông Đông êm đềm” của SôlôKhốp, “Con đường đau khổ ” của A.Tônxtôi… sẽ còn mãi với nhân loại, một phần quan trọng vì người ta tìm thấy ở đó hiện thực máu lửa khốc liệt một thời của loài người. Đề tài, cốt truyện không phải là quan trọng nhất, nhưng thử hỏi với sự sàng lọc của thời gian, những cuốn sách chỉ đi vào những chuyện vụn vặt, yêu đương… và những “triết lý một thời” dễ bị thời gian vượt qua, làm sao còn có thể gây ấn tượng, chú ý với thế hệ độc giả đời sau. Thời đại văn hoá Nghe Nhìn chiếm thế thượng phong, địa vị của văn chương muốn hay không muốn, không được như xưa nữa. Nói quá đi, có khi người ta còn đặt ra câu hỏi: Rút cục thì giá trị lớn nhất của văn chương nói chung (tiểu thuyết nói riêng) là gì ? Kể cả với những người đó, câu trả lời luôn là: Đó chính là hiện thực đời sống được miêu tả tài tình trong đó. Chính hiện thực đời sống, hiện thực lịch sử đã và đang làm nên giá trị cho văn chương. Đã không dưới một lần khi được hỏi về Cuồng Phong trong các bài báo, Nguyễn Phan Hách nói “Hiện thực xã hội Việt Nam thế kỷ 20 là một hiện thực dữ dội. Trang sử tột đỉnh đau thương và tột đỉnh kiêu hãnh tự hào. Tôi nghĩ sứ mệnh của tiểu thuyết là ghi lại những ảnh hình đã qua. Hiện thực Việt Nam là một nguyên liệu vô giá, bất tận cho tiểu thuyết. Tôi muốn tác phẩm của mình miêu tả được những biến thiên bão táp của đất nước qua các góc độ đấy. Qua câu chuyện một gia tộc với bốn thế hệ (và những người liên quan), qua số phận những con người vật vã trong cơn Cuồng Phong, tôi mon men đến chủ đề mà tôi thích và tôi nghĩ là ít ra nó cũng có ích, không bị lạc hậu qua thời gian …”

     Rất nhiều nhân vật với những cảnh đời, số phận, tâm trạng, tính cách khác nhau xuất hiện trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc với những biến cố của nó. Hơn bảy trăm trang truyện, Nguyễn Phan Hách đã dựng lên hàng loạt nhân vật với chân dung diện mạo riêng, cá tính riêng. Cả Cồ – anh hùng nông dân nghĩa sĩ được miêu tả là người dũng mãnh, ngang ngược “bất bưởng” cùng đội quân là những kẻ “ngỗ ngược”, “thích đánh nhau” đã góp phần to lớn vào công cuộc chống phong kiến và bọn Pháp đầu thế kỷ. Nguyễn Đức Nguyên và các sĩ phu  yêu nước cùng với tư tưởng tiến bộ với mong muốn “canh tân đất nước” “mở mang dân trí” làm cơ sở tiến tới giành độc lập cho đất nước. Từ thế hệ thứ ba: Đức Vĩnh, Đức Hàm (mở rộng ra nhân vật Vũ Hùng) đến các con của hai anh em đã có sự phân chia trận tuyến, Đức Hàm và Đức Vĩnh lúc này tồn tại hai luồng tư tưởng khác nhau. Đức Vĩnh lựa chọn con đường theo địch để được hưởng bổng lộc, làm quan. Đức Hàm theo cách mạng, sống, chiến đấu theo lý tưởng cách mạng, với tâm gương sáng là Cụ, Ông, Cha, Vũ Hùng lựa chọn chiến đấu vì tổ quốc. Diễn biến của tất cả các sự kiện, biến cố của các nhân vật đều lô gíc trong sự phát triển của cốt truyện.

     Nhiều sự kiện, nhiều nhân vật nhưng mỗi nhân vật đều có thể tách ra thành một. Câu chuyện với những tâm trạng, những số phận, những cảnh ngộ nhiều hình vẻ. Kiểu cốt truyện đa tuyến với nhiều nhân vật chính có số phận có hạnh phúc, có đau khổ dù dưới bất cứ chế độ xã hội nào. Các nhân vật của Cuồng Phong cũng có các số phận “quằn quại giữa cuộc đời” bởi họ là những con người chân thực, có lý tưởng, dũng cảm kiên cường theo lý tưởng.

     Thời gian lịch sử được tái tạo trong thế giới nghệ thuật Cuồng Phong bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ với những cuộc khởi nghĩa nông dân .Và kéo đài suốt chiều dài lịch sử đất nước thế kỷ 20 là những trận đánh ác liệt để giành độc lập cho đất nước với những tuyến nhân vật đan chéo nhau, những tâm trạng, những số phận, những cảnh ngộ nhiều hình vẻ.

3.1.2. Cách thức xây dựng

     Chọn kết cấu “dọi đèn pha”, Cuồng Phong được kể lấp loáng nhưng sinh động như một cuốn phim sử thi hoành tráng, dọi vào chỗ nào chỗ ấy sáng lên, hiện hình. Những khoảng sáng cận cảnh xen giữa những vùng mờ nhoè mênh mông của lịch sử được tái hiện chân thực như cuộc sống qua những trường đoạn mang màu sắc điện ảnh. Các điểm sáng liên kết lại với nhau tạo nên câu chuyện. Còn các chỗ khác “chìm trong bóng tối”, bỏ qua, không nhất thiết phải kể có đầu có đuôi, các mắt xích liên tục với nhau. Nguyễn Phan Hách không tránh né bất kỳ một vấn đề nào, kể cả những vấn đề vẫn được xem là nhạy cảm. Những hiện thực tăm tối và ánh sáng le lói của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ. Những khoảng tối  sáng của những thân phận. Những u uẩn của thời cải cách ruộng đất. Số phận của những người bên kia chiến tuyến. Những cựa quậy, quẫy đạp đau thương của đêm dài trước đổi mới hay mặt trái của cơ chế thị trường. Tất cả những gì được xem là phức tạp hay nhạy cảm đều được Nguyễn Phan Hách soi “dọi đèn pha” vào đó để miêu tả và lý giải nó một cách thấu đáo.

Cuồng Phong là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, chạy trang nhưng đầy ắp sự kiện và lượng thông tin. Nguyễn Phan Hách từng tâm sự : Tôi nghĩ thời hiện đại, con người không chịu nổi sự rề rà, chậm chạp. Tôi học tập phong cách của điện ảnh “chuyển cảnh” phải nhanh. Tôi thích nhiều lượng thông tin. Câu chuyện trải dài trong nhiều thập kỷ, nhưng không làm người đọc cảm thấy mệt mỏi bởi tác giả đã sử dụng kiểu lắp ghép liên văn bản. Đây là một trong những đặc điểm của thi pháp tiểu thuyết hiện đại. Nhờ kỹ thuật kết cấu này, tác phẩm được viết ra một cách tự nhiên, không bị ràng buộc bởi thi pháp truyền thống. Kết cấu tác phẩm không nhất thiết phải dựa vào sự phát triển theo tiến trình sự kiện, theo thời gian tuyến tính mà được ghép bởi từng cuộc đời, từng mảng tâm trạng của nhân vật, đảo lộn trật tự truyền thống. Những tình huống, cảnh ngộ biến cố, sự kiện, số phận nhân vật đặt cạnh nhau, kết nối với nhau tạo nên mạch cốt truyện lô gíc, hấp dẫn. Nguyễn Phan Hách chọn cho mình một kết cấu riêng, miễn là diễn đạt được ý tưởng. Với lối “Sổ tay ghi chép … ngày … tháng… năm” tác giả tự cho phép mình không phải bố trí đan cài khéo léo các tình tiết đuổi theo hệ thống nhân vật kịch tính, cao trào, thắt nút, mở nút… Đôi khi Nguyễn Phan Hách còn sử dụng cả bút pháp ký, chính luận để nén dung lượng, tránh được lối kể tả dài dòng nhưng ít lượng thông tin.

     Như vậy, bằng hình thức cốt truyện sự kiện đa tuyến, nhà văn Nguyễn Phan Hách đã khái quát để vẽ nên bức tranh toàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 đầy biến động. Qua câu chuyện một gia tộc bốn thế hệ, qua số phận những con người vật vã trước thời cuộc, trong cơn “Cuồng Phong” lịch sử. Âm hưởng xuyên suốt trong tác phẩm là tinh thần nghệ thuật chân chính, một thái độ nhà văn công dân luôn có trách nhiệm. Dư âm của những trang viết cho đời sau là niềm tự hào về lịch sử, sự “rút kinh nghiệm” về những cái gì đó trong bước đường tiến tới tương lai.

     Ngoài ra, Nguyễn Phan Hách còn sử dụng thủ pháp tương phản đối lập để tạo cốt truyện. Chính sự tương phản giữa nhận thức, lối sống, chọn đường của hai anh em Đức Vĩnh và Đức Hàm đã trở thành vấn đề mang tính thời đại, bởi trong hoàn cảnh gia đình, đất nước cùng cách nhìn nhận thực tại của mỗi cá nhân là khác nhau thì sẽ luôn có những hướng lựa chọn khác nhau. Đức Vĩnh chọn con đường quan trường để hưởng bổng lộc, lo cho gia đình. Vĩnh chưa nhìn thấy điểm sáng của đấu tranh cách mạng, chưa tin vào đội ngũ cách mạng cùng khả năng của họ. Vĩnh hoài nghi trước chiến thắng của cách mạng. Ngược lại, Đức Hàm luôn sống có lý tưởng, tin vào quần chúng cách mạng, sống và chiến đấu sát cánh cùng quần chúng. .

     Với quan niệm “Vinh quang cuộc sống” khác nhau, lý tưởng khác nhau và mỗi người sinh ra trên đời được phân một sứ mệnh khác nhau nên họ phải  “làm tròn sứ mệnh của mình”. Việc chọn lối sống, hướng đi khác nhau là điều không tránh khỏi ở hai anh em Vĩnh – Hàm.

     Hay như Lan Viên, xinh đẹp, tiểu thư con quan huyện, có học, trong xã hội cũ, người như Viên sẽ luôn được ưu ái. Nhưng  cải cách ruộng đất đã triệt tiêu  những ưu thế, lợi thế của Viên và dìm cô cùng  những người như cô xuống bùn đen.

     Đến hiền lành, sống tốt như Ba Nghè – Vũ Thị Ngần mà còn bị đấu tố, bị bọn xấu “tố điêu” tố sai. Suốt đời không làm điều ác với ai, nhưng những người được bà giúp trước kia để có miếng ăn nay quay ra nói bà bóc lột, áp bức họ. Có kẻ còn coi cái đẹp, cái sang trọng của mẹ con Lan Viên là sự “bất công giai cấp”.

     Trong cải cách, cái đẹp, giàu sang là có tội, là phải trả giá. Dẫu đã lường trước được những khủng khiếp và sự lạ lùng “đầu xuống đất chân lên trời”, “trắng thành đen” của cải cách nhưng chính những người trong cuộc không nghĩ nó lại khốc liệt đến như thế. Lý lịch nghèo giờ là quyền lực, dốt nát giờ có địa vị. Đặt trong thế tương phản đối lập như vậy ta mới thấy được hết những  sai lầm của một thời “ấu trĩ”. Chính sự nhất quán trong việc sử dụng phép tương phản đối lập khiến cho việc thể hiện nội dung tư tưởng càng trở nên sâu sắc.

3.2 Ngôn ngữ

     Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ từ tác phẩm hay là tác phẩm được đánh giá là có nội dung và hình thức hấp dẫn. Muốn đánh giá được tài năng một nhà văn cần quan tâm đến khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Ngôn nhữ văn học mang tính hình tượng và tính tổ chức cao được tạo ra trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Người nghệ sĩ khi sáng tạo tác phẩm phải có sự lựa chọn kỹ càng các yếu tố ngôn ngữ để sắp xếp cho phù hợp với ý đồ nghệ thuật của mình.

     Đọc văn Nguyễn Phan Hách ta thấy ông không có văn phong cầu kỳ như Nguyễn Tuân, không sắc sảo như Vũ Trọng Phụng, không thâm thuý như Nam Cao mà ta thấy ở ông một văn phong đẹp, giàu chất thơ, sự kiện thì đầy ắp nhưng giọng văn thì thanh thoát, đời thường. Những câu văn đôi khi cứ toát lên cái ý ngỡ như “bòng phèng”, chẳng có gì quan trọng cả, nhưng đằng sau tiếng cười là giọt lệ. Một cuộc “cười ra nước mắt”. Nguyễn Phan Hách khiến người đọc bị mê hoặc bởi cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt.

3.2.1. Ngôn ngữ mang tính sử thi

     Với nguồn cảm hứng lịch sử, Nguyễn Phan Hách lựa chọn cho mình một văn phong mang tính nghiêm trang cổ kính, dù viết về quá khứ xa cách ta vài thập kỷ hay hiện thực chỉ cách ta vài năm thì ngôn ngữ trong tác phẩm vẫn gợi cho ta cảm giác đó là một quá khứ hào hùng, lịch sử dân tộc vinh quang. Nguyễn Phan Hách đã làm được điều mà giáo sư Phan Cự Đệ vẫn thường nhắc đến trong bộ tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và các bài viết khác: Tiểu thuyết của ta cần phải có khả năng tổng hợp những yếu tố sử thi, kịch, trữ tình. Tác phẩm đã kết hợp tất cả những sắc mầu thẩm mỹ, cái đẹp, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài… Nó dung nạp cả “chất văn xuôi”  lẫn “chất thi ca” bên cạnh chất sử thi.

     Cuồng Phong có bối cảnh là lịch sử xã hội Việt Nam trải dài suốt thế kỷ 20. Các sự kiện, nhân vật được miêu tả theo chiều dài lịch sử, dòng chảy thời gian. Ngôn ngữ của tác giả sử dụng trong tác phẩm ở những sự kiện, mỗi nhân vật cũng hết sức khác nhau. Ngôn ngữ sử thi đã làm sống lại những trận đánh hào hùng của dân tộc, dựng lên hình ảnh những người đã làm nên chiến công.

    

     Nguyễn Phan Hách luôn ý thức viết về lịch sử với tinh thần trung thực khách quan, ngôn ngữ của ông làm sống lại khí thế hào hùng của những trận đánh lớn: Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa (1946-1947), Khe Sanh – thung lũng tử thần, Quảng Trị – mùa hè đỏ lửa 1972, Phòng tuyến Xuân Lộc  – trận đánh đối đầu bão lửa nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh… Tác giả từng nói “Dù không được ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến 1946, nhưng do tình yêu và sự tâm huyết” ông đã miêu tả được không khí kháng chiến qua việc thu thập tư liệu, vốn sống và việc vận dụng trí tưởng tượng vào miêu tả. Chiến tranh qua cái nhìn của Hàm hết sức chân thực, “Hàm đến các chiến luỹ tận mắt chứng kiến cảnh quân Pháp có xe tăng, thiết giáp dọn đường, bộ binh lộp cộp theo sau mà bị đánh bật trở lại, không nhích lên được… Chúng hoảng hốt la lối, tháo chạy. Nhà thương Vọng, bom ba càng lao thẳng vào phá tan một chiếc xe tăng… máu chảy ngập khu bệnh viện, xác người la liệt.Chợ Đồng Xuân – trận đánh quyết tử. Các đối thủ đuổi bắn nhau quanh các quầy hàng ”. Hay như việc miêu tả phòng tuyến Xuân Lộc “Cuộc đọ sức diễn ra trên các ngả đường, góc phố, nẻo rừng” khói súng như “sương mù Luôn Đôn” che lấp trời đất, hai bên giao tranh ác liệt, cái chết “tan xương nát thịt” vây quanh . Cuộc chiến đã diễn ra trọn 10 ngày ác liệt. . Cánh cửa thép là khá vững chắc. Nhưng các chiến sĩ Quân đoàn của Vũ Hùng cùng các đơn vị phối thuộc khác đã mở toang cánh cửa thép này để rộng đường về Sài Gòn. Bầu trời ven đô Sài Gòn bầm đỏ máu lửa tiến công, chẳng khác một giàn hoả táng cho chế độ Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn) và cho cả cuộc chiến của một quốc gia khe giàu, khoe nhiều bom đạn nhất thế giới… ” Không gian chiến trường, cùng ngôn ngữ sử thi đã góp phần làm nên chất sử thi cho Cuồng Phong. Quy mô về không gian của chiến trường cũng nói lên tầm quan trọng của trận đánh và âm hưởng hùng tráng của nó. Nguyễn Phan Hách đã dùng ngôn ngữ tạo nên không khí cuộc chiến, nâng tầm khái quát trong tiểu thuyết viết về cảm hứng lịch sử.

     Do tầm khái quát và sự phong phú của hiện thực phản ánh, ta có thể nói không gian trong Cuồng Phong là có tính hoàng tráng sử thi, cũng như các nhà sử thi cổ điển, Nguyễn Phan Hách đã sử dụng rộng rãi hàng loạt các biện pháp  như: Phóng đại, nhân hoá, hàm dụ, tượng trưng, so sánh, tu từ… để làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh sinh động. Tạo cho không gian chiến trận có màu sắc tráng lệ, sôi động, hào hùng.

3.2.2. Ngôn ngữ đời thường

     Cuồng Phong được đông đảo độc giả đón nhận cũng bởi nó dễ đọc, dễ cảm thụ. Việc sử dụng với tần số lớn, ngôn ngữ hội thoại hàng ngày đã làm cho tác phẩm mang vẻ đẹp gần gũi bình dị mà vẫn lôi cuốn, hấp dẫn. Phong cách “văn khẩu ngữ”, kể ngắn gọn, lướt qua một cái là có thể vào bộ nhớ người đọc. Cách kể đó rất gần với cách kể chuyện dân gian.

     Nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng Phong khá phong phú, ngôn ngữ sinh hoạt đời thường cũng được thể hiện đa dạng thông qua đối thoại, cách kể, tả của nhân vật. Đối thoại của Trung và Lữ khi quay “Ký sự gia tộc” cảnh Cả Cồ hiếp cô gái giữa suối cho ta thấy việc sử dụng ngôn ngữ đời thường vào tác phẩm của Nguyễn Phan Hách hết sức tự nhiên:

     “Quay thì quay vậy thôi. Nhưng khi dựng phim đoạn này phải cân nhắc Trung ạ - Lữ bảo – Cả Cồ chính là cụ nội mình. Cưỡng hiếp con gái giữa suối hay ho gì”.

     “Nhưng đó là sự thật lịch sử. Chính cú cưỡng hiếp đó là đầu nguồn của gia tộc chúng ta hiện nay. Từ cú cưỡng hiếp đó đã đẻ ra cả gia tộc đông đàn cháu lũ như bây giờ. Không có nó, không có anh và tôi, và như thế tất cả là con số không. Không có chuyện gì để nói nữa.”

    

     “Thì lịch sử nào chả bị bóp méo. Tô hồng hoặc bôi đen, hoặc sửa chữa. Trung tưởng lịch sử nhân loại đúng như chính sử ghi chép đấy phỏng. Không nhầm. Người ta môđiphê nhiều đấy.”

     Đối thoại giữa lý trưởng và Cu Tẻo (Bố đẻ Vũ Hùng)

     “Đây là thuế thân. Tức là mày sinh ra trên đời, có “thân hình” con người, biết ăn ngủ, biết đ… vợ, thế là phải nộp thuế rồi…”

     Những từ ngữ có phần thô tục ,ít được sử dụng, thì nay trong Cuồng Phong ta thấy chúng trở đi trở lại nhiều lần như: cứt, phân

     “Bộ trưởng Tài chính đi hót cứt bò”

     “Bộ trưởng Công nghiệp chế biến rạ mục trôn với phân bò”

     “Bộ trưởng Nông nghiệp bón phân vào các hốc rắn”

     “Đàn kiến bị chôn vùi”; “Quân của đại tướng” chìm sâu dưới ba tấc cứt".

    

     - Câu văn đơn giản, ngôn ngữ đời thường cùng việc vận dụng tài tình hệ thống thành ngữ, tục ngữ, lối nói ví von đã làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn, tạo nét riêng độc đáo trong văn phong Nguyễn Phan Hách.

     Đức Vĩnh bảo Đức Hàm “trời ơi cha nào con ấy”. “Qua bài học của cha mà chú vẫn không rút ra được bài học đường đời ư” hay những câu như: “Có mồn thì cắp, có nắp thì đậy”.

     Lối so sánh ví von của  bà Bần cố với bà Nghè: “Tại sao mày xinh đẹp như tiên, mà tao lại xấu như cú”.

     Lính cộng hoà khi bị Giải phóng đánh thì “bỏ của chạy lấy người”. Quan niệm về tiền và uy lực của tiền trong mắt Trung “đồng tiền là con đĩ của nhân loại” vốn là sự đúc kết ngàn đời về sức mạnh ma lực đồng tiền ngự trị trong đời sống.

     Quan niệm về hàng hoá Nga “ăn chắc mặc bền”, kiểu dáng “chém to kho mặn”

     Lối nói văn khẩu ngữ:



“Đắt như tôm tươi”

“Cổ cày vai bừa”

“Tiểu nhân phòng bị gậy”

                          

     Ngôn ngữ giản dị đời thường, cùng vốn văn hoá dân gian phong phú đã đem lại cho Cuồng Phong nét độc đáo, chính lối viết đó đã đem đến cho văn chương Nguyễn Phan Hách một sắc thái riêng, truyện đọc tưởng “dễ như không” mà sâu sắc.

3.2.3. Ngôn ngữ giầu chất thơ

     Cuồng Phong có một văn phong đẹp, mạch lạc khúc triết, gợi cảm. Nhiều chương theo dòng ý thức khá sắc sảo, nhiều trang trữ tình thấm đẫm.

     Nếu như trong xây dựng nhân vật để miêu tả tính cách nhân vật Nguyễn Phan Hách quan tâm nhiều đến ngôn ngữ diễn tả không gian, khung cảnh, tâm trạng , sử dụng nhiều đến ngôn ngữ giàu chất thơ.

     Khung cảnh “Resort vường Tịch Dương” thật mơ mộng, “mùa thu về với vườn Tịch Dương… nắng vàng rưng rưng, gió heo may run rẩy. Tịch Dương giờ giống như một cô gái đẹp có  mối tình đượm buồn. Những gợn nước trên hồ không còn vô tư. Dáng liễu ngẩn ngơ. Những chiếc lá vàng nuối tiếc. Màu nắng thu hoài niệm. Lãng đãng khói sương quá khứ. Gió nhuộm hồn thu cho lòng du khách”. Đoạn văn tả gợi cho người đọc cảm nhận sự tinh tế trong việc phác hoạ một bức tranh thiên nhiên mùa thu với nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc.

     Con đường về Thạch Gia Trang cũng được người đọc cảm nhận hết sức ấn tượng qua sự miêu tả “đường đất đỏ quanh quanh. Những dải đồi trập trùng xanh biếc nhô lên giữa vùng đồng bằng bát ngát. Thạch Gia Trang ở trong một thung lũng tre bao quanh như thành”.

     Ngôn ngữ trong văn Nguyễn Phan Hách giầu hình ảnh, giầu sức gợi tả mùa hè “nắng lên cao, oi bức. Tiếng chim rừng đã tắt lịm, giờ chỉ còn tiếng ve kêu đổ hồi”.

     Thiên nhiên và con người cùng hoà quện tạo nên chất thơ:

     “Dòng suối trong vắt. Cả Cồ nằm trên đống lá vàng… Nắng sàng qua tầng lá nhảy nhót trên hàng mi khép. Khi Cả mở mắt ra thì thấy phía xa xa có một bóng hình đang bơi trong nước. Cả rón rén đến gần nấp sau bụi rậm. Trước mắt Cả là một cô gái như con cá trắng khổng lồ đang lượn lờ. Những hòn sỏi dưới đáy suối trắng tinh. Nắng xuyên qua làn sóng long lanh. Cô gái nô đùa với suối. Những tia nắng trong nước như quấn chỉ vàng quanh người, bọc cô trong màu sắc lấp lánh. Chưa bao giờ Cả được ngắm một dáng hình con gái đẹp đến thế. Cả đứng ngây thộn ra, người rừng rực bốc lửa. Cô gái vẫn hồn nhiên bơi lội, vùng vẫy. Đôi vai sáng rực. Mái tóc xanh lướt thướt trôi. Đôi cánh tay như đôi cánh bay trắng muốt xải dài”. Cảnh đẹp, người đẹp khiến Cồ không làm chủ được mình, dục vọng lấn át, Cồ đã hiếp cô gái ngay giữa suối.

     Nguyễn Phan Hách thường hay tả cảnh, ý thức cao về tả cảnh. Cảnh “Thạch Gia Trang có một vườn cổ thụ bát ngát. Đủ các loại cây ăn quả: Mít, hồng, na, xoài, nhãn, ổi mùa nào thức sấy, quả chín thơm nức, chim về ríu rít. Cạnh đấy là vườn đào phai. Mùa xuân hoa đào phủ rợp rực rỡ trông như bồng lai. Sau nhà là rừng trám. Tháng tám, trám chín vàng như những chiếc đèn nhỏ xíu treo rợp trên đầu. Rừng trám là rừng ve… Hồ sen ở Thạch Gia Trang rộng mênh mông. Một dãy bậc đá lên xuống để ngồi tắm… Mùi hoa thơm ngát cả một vùng. Thạch Gia Trang có một con đường lát đá phiến chạy từ cổng chính vào chính sảnh”… Giữa vườn đào, bờ hồ sen, dưới cổ thụ đặt những tảng đá dài làm ghế ngồi chơi, uống trà. “Thạch Gia Trang mát mẻ, phong quang, đầy gió và hương thơm”, nhưng lại luôn chứa nỗi buồn, buồn về cụ Nghè Nguyên, buồn về gia đình bị ly tán, buồn vì chứng kiến cảnh sa sút của gia đình… Hơn hết Thạch Gia Trang buồn chứng kiến nỗi niềm tâm trạng con người trước sự thay đổi của thời cuộc.

     Cảnh mùa xuân với những cây rau khúc dại “Tháng giêng rau khúc nở khắp cánh đồng. Ngọn khúc, tơ trắng quấn quanh đọng sương mai lấp lánh. Lá khúc cũng đan bằng những sợ tơ dai ứa nhựa nức thơm … Hình như cây dại, hương sắc mới khác thường”. Mùa xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc. Thiên nhiên, cây cối đẹp non tơ như vậy mà lòng người chất chứa bao nỗi niềm. Nỗi Buồn tơ duyên đứt gãy, “tiểu thư khuê các”, xinh đẹp nhưng lại chịu sự vùi dập của cuộc đời.

     Nhiều câu thơ xen với văn xuôi,khiến câu văn trở lên nhịp nhàng, có nhạc, có điệu hơn.

Nguyễn Phan Hách là nhà thơ , nên trong tuyện Nguyễn Phan Hách đôi khi đưa thơ vào ngôn ngữ nhân vật để tạo ra sự hoà hợp với tính cách và hoàn cảnh ,để từ đó tô đậm hơn tính cách nhân vật. Nói về sự thay đổi trong suy nghĩ cũng như hành động của người nghệ sĩ, ông đã “bịa” ra những câu thơ:

“Ta  là ai? Như cánh bướm siêu hình

Bay yếu ớt trong chiều chạng vạng

Ta vì ai? Nắng ban mai hé sáng

Cánh chim trời hướng tới tương lai”

Người nghệ sĩ lúc này đang từ “cá nhân chủ nghĩa chuyển sang sống, chiến đấu hết mình vì cái tôi cộng đồng”. Một sự giác ngộ trong đại bộ phận nghệ sĩ được khái quát trong lời thơ giàu hình ảnh.

Bài thơ Đức Vĩnh làm khi ở tù:

                     “Ai sinh ra đất ra trời

Ta sinh ra kiếp con người làm chi

Cuộc đời có lý cực kỳ

Nhưng mà phi lý cũng thì tương đương

“Sắc – không” ấy vốn lẽ thường

Khát khao cùng với cháng chường ngang nhau

Sướng vui liền với khổ đau

Mò tìm chân lý biển sâu dặm dài

Sợ thay cái kiếp làm người

Nhưng rời nhân thế, đồng thời sợ hơn

Dòng sông cuộc sống dâng tràn

Ta – con cá nhỏ trong làn nước xanh

Bao nhiêu là thác là ghềnh

Thân ta xầy vẩy xơ vành cụt vây”.

     Đức Vĩnh sau bao nhiêu biến cố, ngẫm ra triết lý: Cuộc đời nghĩ cho cùng thật vô nghĩa. Bắt đầu vào đời, “Vô thức” hăm hở sống, phấn đấu vươn lên giành danh lợi đời thường. Đến khi về già ,bị đi tù 8 năm ,mới giật mình “phản biện” cuộc đời. “Sau bao nhiêu nếm trải cuộc đời. Vĩnh lại muốn sử dụng “phương tiện” của “Thơ mới” để nói lên ý nghĩ của mình trong những ngày ở Thạch Gia Trang.

                     “Ngõ cũ, nhà xưa, người trở lại

Tuổi thơ đã mất với diều bay

Chập chờn bóng mẹ bên song cửa

Tháng ba nắng mới chợt dâng đầy

Nỗi buồn hiện tại, nhưng quá vãng

Tiếng gà trưa gáy giọng thủa nào

Ngắt chiếc lá vườn xanh ứa nhựa

Cuộc đời trôi vút giấc chiêm bao”.

    



     Hùng, Hàm, Lan Viên nghe ông đọc thơ. Bốn người ngồi quanh bàn trong vườn cổ thụ Thạch Gia Trang, trầm ngâm. Buồn cười, sau những tháng năm quay tít mù trong vòng quay cuộc sống, bây giờ lại là lúc ngồi nghe nhau ngâm ngợi triết lý cuộc đời. Những câu thơ của Đức Vĩnh đã nói hộ tâm trạng của cả ba người kia. Rốt cuộc hai phe khác nhau như nước với lửa trong cuộc đời, bây giờ lại cùng chung một ý nghĩ…”

     Ngoài ra, trong tác phẩm ta còn thấy sự hiện diện đan xen của lời những bài hát xen lẫn những câu văn tả cảnh, tả tâm trạng.

     Bài hát của Trịnh Công Sơn được những người xa xứ hát lên nói dùm tâm trạng nhớ quê, luyến tiếc quá khứ của họ “Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ đèn đường từng đêm thao thức, sáng cho em vòm lá me xanh, em còn nhớ hay em đã quên”…”Nhạc Trịnh Công Sơn hay đến thắt lòng. Sài Gòn hoa lệ của tình yêu, của tuổi trẻ ngày xưa hiện về trong tâm trí của mọi người”. Sài Gòn đã trở thành kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong lòng những kẻ tha hương.  

     Ngôn ngữ đậm chất thơ giúp cho những suy nghĩ của Nguyễn Phan Hách về con người, cuộc sống, về lẽ đời trở nên sâu lắng hơn, giúp người đọc có những cảm nhận tinh tế hơn, giúp cho văn Nguyễn Phan Hách có cá tính, có dấu ấn riêng trong lòng người đọc.





3.3 Giọng điệu

     Giọng điệu là phương tiện quan trọng trong nghệ thuật trần thuật, tạo nên sự liên kết giữa các yếu tố của chỉnh thể hình tượng tác phẩm. Giọng điệu được phản ánh thái độ, lập trường, tư tưởng tình cảm của người kể với vấn đề, hiện tượng được kể ,cũng như với người nghe.

      Giai đoạn văn hoá 1945-1975 con người trong văn hoc được hiện lên trong cảm hứng sử thi là chủ yếu, được thể hiện bằng những hình ảnh mỹ lệ hoành trág đầy xúc động và đầy chất thơ, giọng điệu tác phẩm mang tính chất trang trọng, ngợi ca.  Nhà văn mang ý thức là người phát ngôn cho cộng đồng, cho tinh thần thời đại nên giọng điệu mang tính chất khẳng định, nhấn mạnh, giáo huấn rõ ràng. Từ sau năm 1975, sự thay đổi trong quan niệm về con ngừơi đã dẫn tới sự thay đổi trong ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. Lúc này, giọng điệu trần thuật không bị hạn chế bởi sự chi phối, sự áp đặt của tư tưởng chính trị cho nên phong phú, đa dạng, mới mẻ hơn bao giờ hết.

     Nằm trong mạch nguồn và là thể loại máy cái của văn học hiện đại, giọng điệu tiểu thuyết thực sự trở thành phương tiện nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tác phẩm có hiệu quả và có sức hút lớn.

     Cuồng phong được đánh giá là cuốn tiểu thuyết “để đời” trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Phan Hách. Bởi nó có một cốt truyện hấp dẫn, văn phong đẹp, mạch lạc, khúc triết, gợi cảm. Nhiều chương theo dòng ý thức khá sắc sảo, nhiều trang trữ tình thấm đẫm. Và đặc biệt nhiều trang u mua hóm hỉnh. Lác đác ở đâu cũng có những câu văn đọc lên bật cười, những câu văn đôi khi cứ toát lên cái ý ngỡ như bông phèng, chẳng có gì quan trọng cả, nhưng đàng sau tiếng cười là giọt lệ. Một cuộc cười ra nước mắt.

3.3.1 Giọng điệu ngợi ca

     Nguyễn Phan Hách là một trong số  những nhà văn viết từ cảm hứng lịch sử. Cảm hứng lịch sử là cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác ở thể loại tiểu thuyết của ông, nó xuất phát từ tình yêu, lòng đam mê đầy tự hào của nhà văn với lịch sử dân tộc. Cảm hứng ấy gắn liền với lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của người công dân Nguyễn Phan Hách, đồng thời cũng chứa đựng cả chất nhân văn cao cả trong cái nhìn của nhà văn đối với cuộc đời.

     Với cảm hứng lịch sử thấm đượm chất nhân văn ấy, Nguyễn Phan Hách là một trong số những tác giả có đóng góp lớn cho một thể loại quan trọng trong nền văn học dân tộc, đó là tiểu thuyết sử thi.

     Dư âm của những trang viết cho đời sau trong Cuồng phong chính là niềm tự hào về lịch sử chính thống, giọng điệu ngợi ca, vang vọng trong các viết. Cả Cồ, các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ ,được Nguyễn Phan Hách dựng nên với lòng ngưỡng mộ về sự chiến đấu, hy sinh cao cả của họ cho dân tộc, cho đất nước. Những chiến công của Cồ vang vọng khắp nơi. Tư tưởng tiến bộ “lấy việc canh tân đất nước, mở mang dân trí làm cơ sở tiến tới giành nền độc lập cho đất nước” của các sỹ phu cũng được đề cập đến với giọng ngợi ca.

     Trong đám tang của ông Nghè “người đến phúng viếng nườm nượp. Ai không dám đến viếng đám ma quan phụ mẫu. Nhưng người ta đến còn là để bày tỏ tình cảm với người vì nước vì dân như ông Nghè. Lạ nhất là có cả quan Tây trên tỉnh về, quan Tây nói: “Việc nào đi việc nấy. Ông Nghè là bậc chí sĩ yêu nước đáng kính. Chống chính quyền thì phải đi ở tù. Nhưng chí sĩ yêu nước thì bao giờ ở đâu nhân loại cũng kính phục”. Chỉ một lời của quan Tây cũng đã khái quát được lòng ngưỡng mộ mà mọi người giành cho những chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ.

     Tác giả Hoàng Ngọc Hiến cho rằng “Cảm hứng nào, giọng điệu ấy” quả không sai. Cảm hứng lịch sử hào hùng dân tộc, giọng điệu ngợi ca luôn là hai yếu tố song hành.

     Hai cuộc chiến chống đế quốc thực dân  của nhân dân đã được miêu tả với giọng ngợi ca. Thắng thực dân Pháp ở nhiều mặt trận: quân sự, ngoại giao đã đưa Việt Nam thoát ách đô hộ. “Những ngày tháng tám, Hàm đã thấy người Việt Nam reo vang niềm vui thoát khỏi ách chiếm đóng của ngoại bang. Khắp cả nước từ phủ huyện đến tỉnh, rùng rùng những đoàn người đi cướp chính quyền. Các quan huyện, quan tổng đốc Nam triều lũ lượt đầu hàng cách mạng.

    

     Hình ảnh những chiến sĩ cảm tử, chiến đấu hết mình vì đất nước biết cái chết cận kề nhưng các anh không sợ hi sinh, quyết bảo vệ thủ đô yêu dấu, “ai cũng đi cả thì mình để mất Hà Nội cho giặc à. Anh ở trong đội quyết tử chuyên dùng bọn ba càng lao vào xe địch”. “Đánh bom này phải phải gan, anh bảo, cầm chắc cái chết. Mình cầm bom, nấp ở đâu đó, thấy xe địch là lao đến đập bom vào xe. Cá gậy dài chừng 1m5. Như vậy quả bom khi nổ thì mình cũng chết luôn, thế mới gọi là quyết tử”. Thật cảm động biết bao trước tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng.

     Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra vô cùng ác liệt, “quyết tâm thép” phải thắng được truyền đạt đến từng người lính. Sự thương vong và hy sinh của các chiến sĩ là rất lớn nhưng “lịch sử là như vậy, phải chấp nhận”. Nhiều chiến sĩ ngã gục, máu tuôn như suối, nhưng vẫn cố dơ cánh tay chới với như chỉ đường hướng dẫn cho đồng đội băng qua lửa đạn.

     Sự hy sinh của các anh là vô bờ bến, máu đổ để làm nên những chiến công. Tổ quốc độc lập, thống nhất non sông là nhờ sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ.

     Giọng ngợi ca còn thể hiện trong cách xây dựng nhân vật anh hùng được miêu tả là người anh hùng trong tiểu thuyết. Với cái nhìn đầy ưu ái, Nguyễn Phan Hách tả Vũ Hưng đẹp từ hình dáng đến tính cách, tài năng trong lao động cũng như chiến đấu. Với thân hình “Vạm vỡ, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, mặt mũi phương phi, con gái trông mê tít”. Tướng mạo đẹp, tính cách tốt, phẩm chất thì cao thượng. Hùng trong suy nghĩ mọi người thật hoàn hảo, “Hùng gợi cho Viên cảm giác về sự mạnh mẽ, đôn hậu, một vẻ đẹp hoàn thiện thể chất tâm hôn”. Đức Vĩnh thấy Hùng là người “Trung hậu, tốt lắm. Đang bao bọc che chở cho cả nhà”. Bà Nghè thì coi Hùng như anh hùng “chỉ có thằng Hùng tung hoành ngang dọc mà không ai dám làm gì”. Từ nhận xét, đánh giá của những nhân vật khác, ta có thể thấy sự ngưỡng mộ của họ giành cho Hùng, qua đó thấy được dụng công xây dựng người anh hùng và tư tưởng tác giả gửi gắm trong đó.

     Có thể nói, giọng ngợi ca thể hiện trong tác phẩm vừa tinh tế vừa sâu lắng nhưng không quá phô trương.

3.2.2. Giọng điệu chế giễu

     Giọng giễu nhại khinh bạc mỉa mai là hình thức chủ yếu của giọng phê phán, nó mô phỏng tô đậm phóng đại tất cả tính chất phi lý, lố bịch, vô nghĩa, giả dối trong bản chất con người. Nó thể hiện sự công khai chống lại các quy tắc bảo thủ, lỗi thời, thói trịnh trọng cứng đờ, tính giáo huấn, những quan hệ xã giao nhiều đạo đức giả.

     Giọng chế giễu dùng lời lẽ sắc sảo, thâm thuý để vạch trần bản chất sự việc. Nguyễn Phan Hách châm biếm mỉa mai mối quan hệ “lơ mơ” của Trung – Hải Yến – Lữ: “Về danh chính ngôn thuận, Lữ, tôi và Hải Yến là “ba anh em trong nhà”. Vậy mà đôi khi Lữ có quan hệ “lơ mơ” với Hải Yến. Thân hình Hải Yến quá gợi cảm. Cao lớn, chắc nịch như cơm nắm, chân tay lừng lững trắng ngần, từ người toả ra một sức mạnh gì lạ lùng… Đứng trước Yến tôi cũng không thoát khỏi cảm giác mê muội. Cho nên “anh em” vẫn cứ là “anh em”, làm ăn sòng phẳng nghiêm túc, nhưng thỉnh thoảng không thể không “lơ mơ” với nhau”. Mối quan hệ “có cũng như không. Mà không cũng như có. Cần nhau từng lúc, thân nhau, thương nhau từng lúc, nhưng cơ bản thì người nào có “con đường riêng” của người nấy. Liên minh chỉ là nhất thời”. Lối sống của ba người khiến Trung nhiều khi tự hỏi “cuộc tình lơ mơ (nghiệp dư) tay ba thế này có thác loạn không ?”

     Giọng chế giễu thể hiện ở những nghịch lý trong lòng bản thân sự sống, “kẻ mạnh nhất định phải ăn hiếp kẻ yếu. Cá lớn nuốt cá bé”. “Chẳng có nhân dân nào muốn chiến tranh… Nhưng các “tập đoàn thống trị” đã đưa đất nước vào chiến tranh để thống trị thiên hạ. Để cướp bóc nhiều của cải. Để biến xứ sở khác thành nô lệ cho mình. Con sói mạnh ăn hiếp con sói yếu. Người là chó sói với người. Nhân loại nói lý thuyết thì rất hay nhưng hành động thì theo một quy luật thật đơn giản, bản năng: Mạnh diệt yếu. Pháp là quê hương của cộng hoà, tự do, bình đẳng, bác ái. Mỹ là quê hương của tuyên ngôn nhân quyền… Vậy mà Pháp, Mỹ đem quân đi đánh khắp nơi, thiết lập ách đô hộ khắp nơi. Ai người ta chịu được. Người ra phải đấu tranh. Thế là có chiến tranh. Chiến tranh dai dẳng từ đời này qua đời khác”.

     Sự thất bại của quân Đức, Nhật được nói đến với giọng đầy mỉa mai: “Đức Hit-le muốn thâu tóm cả Châu Âu vào tay mình. Đã chiếm hết Pháp, Tiệp, Hung, Ba Lan, Bê la rút …, tưởng mình sắp làm bá chủ thế giới đến nơi. Nhưng sự đời đâu có dễ thế. Hồng quân Liên Xô đã đấu xe tăng ở vòng cung cuốc, đã thắng ở Stalingrat, đã đẩy lùi quân Đức quay cổ chạy dài… Đức vào con đường giẫy chết. Ở mặt trận phía Đông, quân Nhật đã thua ở Quan Đông, co cụm tuyệt vọng… ”

     Giọng điệu châm biếm không quá nặng nề nhưng rất sinh động. Đức Vĩnh khi bị bắt ở Phan Rang, được đưa đến gặp chỉ huy Tư lệnh – Trung tướng Vũ Hùng. Trước cách mạng Hùng là “thằng ở” của nhà Đức Vĩnh, vậy mà sau nhiều năm gặp lại hai người ở hai chiến tuyến khác nhau, vị thế lúc này cũng hết sức khác nhau: Vĩnh trở thành tù binh, Hùng Tổng tư lệnh. Thái độ của Vĩnh trước Hùng là khúm núm, lo sợ.

     Vũ Hùng có những câu hỏi khiến Vĩnh không khỏi suy nghĩ: “Ngày xưa ông đã là Phó tỉnh trưởng Gia Lâm. Bây giờ cũng vẫn là Phó tỉnh trưởng. 20 năm mà ông không thăng tiến được chút nào nhỉ-Tư lệnh giả vờ băn khoăn”. Rồi “Ông nghĩ thế nào về cuộc chiến này …”. Câu hỏi khiến Đức Vĩnh phải thừa nhận phe mình là phe phi nghĩa, thất bại là tất yếu. Đoạn hội thoại ngắn nhưng lại khiến người đọc hình dung được sự lên ngôi của chính nghĩa và thấy được bản chất phi nghĩa trong  Đức Vĩnh.

     Sự xụp đổ của Liên bang Xô Viết  cho thấy sức mạnh vĩ đại của tư tưởng dân chủ. Dưới ngòi bút Nguyễn Phan Hách  sự tan dã này đã được miêu tả sinh động. “Bôrit Enxin, anh kỹ sư xây dựng từ miền Trung Uran về Matxcơva nắm bắt được xu thế dân tình chán chường sự quan liêu của tập thể, sự thoái trào của chủ nghĩa tập thể đã nổi lên thành ngôi sao dẫn đường”. . “Những người quen “bông phèng” thì nói nước Liên Xô chết vì “trò chơi” dân chủ. Mới đầu chỉ định thắp lên ngọn nến, không ngờ ngọn nến thiêu rụi cả toà nhà”.

Tóm lại, giọng điệu chế giễu trong Cuồng phong như một sự phản ứng lại lối viết tô hồng giản đơn, ca ngợi một chiều. Giọng điệu chế giễu đã đem đến trong sáng tác bầu không khí dân chủ, trút bỏ sự nghiêm trang mực thước để độc giả có thể tự do bộc lộ cách đánh giá.

3.3.3 Giọng “U mua hóm hỉnh”

Nhiều người đọc xong Cuồng phong đều có chung một cảm nhận “Cuồng phong có một văn phong đẹp, mạch lạc khúc triết, gợi cảm. Nhiều chương theo dòng ý thức khá sắc sảo ,nhiều trang trữ tình thấm đẫm. Và đặc biệt nhiều trang u mua hóm hỉnh (đoạn tả cuộc tình Phó Cối – Gái Nhỡ, Phiên toà Thu Hụê xử bị cáo Phó Cối, đoạn tả tù binh đi lao động cải tạo…). Lác đác ở đâu cũng có những câu văn đọc lên bật cười. Những câu văn đôi khi cứ toát lên cái ý ngỡ như “bông phèng”, chẳng có gì quan trọng cả, nhưng đàng sau tiếng cười là giọt lệ. Một cuộc “cười ra nước mắt”.

Giọng umua khá điển hình qua đoan tả Gái Nhỡ: “Ba mươi năm xưa bà lớn lên, là cô thiếu nữ “thon thon mình vại thoai thoải mình chum” và đần như sứa thối. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Gái Nhỡ chọn nghề gánh phân thuê”. … Ngày bước ngoặt với Gái Nhỡ, chính là ngày gánh phân thuê cho nhà Phó Cối. Sau khi dọn sạch chuồng lợn, buổi trưa, Gái Nhỡ lăn ra nền đất ngủ”. Nhìn thấy Gái Nhỡ ngủ hớ hênh. “Phó Cối đứng nhìn nuốt nước bọt, người ngây dại”. Và chuyện gì đến đã đến, Gái Nhỡ ngủ say đến khiếp, ngáy vo vo, chân chống lên, gấu váy mở ra như cái hang. Phó Cối lao đầu vào cái hang ấy… Và lần đầu tiên trong đời con gái,Gái Nhỡ thấy một cảm giác khác lạ kỳ thú… Trong cuộc hoan lạc đó, Gái Nhỡ đã chửi một câu làm đột biến “học thuyết Phờ-rớt”: “Đ…. mẹ mày làm tao thích thế”. Chỉ một câu, Gái đã làm tụt hậu cả phong trào hiện sinh, Híp-pi của thế giới Âu Mỹ cả vài chục năm. Gái thấy mình như nước, mà lão Phó Cối như con thuyền dập dềnh ở trên…. Bản giao hưởng chuyển sang giai đoạn kết thúc, Gái lật mình quật oách Phó Cối xuống, rồi nhẩy lên như con nhái. Xong việc, Phó Cối làm một việc rất “ga lăng” là ra tước dây chuối khô bện lại buộc giả cạp váy Gái Nhỡ.

Gái Nhỡ thì thẩn thờ nhìn ra làn nắng hè lung linh cười mơ hồ: “Chiều nay ông đéo đi gánh phân nữa”. Kết thúc cuộc tình hôm ấy, Gái Nhỡ đẻ ra cái Hẹ, sau này lên làm Chủ tịch xã, Hẹ đổi tên thành Huệ.

Đoạn đối thoại trong phiên toà xử Phó Cối giữa Hụê và hắn không tránh khỏi người đọc bật cười. Câu hỏi – trả lời tưởng như ăn khớp với nhau nhưng lại không đúng trọng tâm, câu trả lời không ăn nhập với ý muốn của người hỏi. Đoạn đối thoại khiến ta liên tưởng đến câu chuyện cười dân giản “mất rồi…cháy” giữa cậu bé con chủ nhà và ông khách đến chơi.

“Phó Cối – trên bục quan toà, Hụê đập tay quát – Lão chuyên môn rêu rao đi đóng cối cho nhà giầu có tiền uống rượu, còn đóng cối cho nhà nghèo, chỉ có uống nước lã. Mọi người tố cáo lão từng canh gác cho bọn “quốc dân Đảng” họp và tích cực đóng cối cho bọn quốc dân Đảng, khai ra ngay

Phó Cối cóm róm cúi đầu:

- Dạ… Quốc dân Đảng đóng cối làm gì ạ?

- Làm gì kệ nó – Hụê lại quát – Lão thấy bọn quốc dân Đảng hoạt động chống phá như thế nào?

- Nhưng những ai là quốc dân Đảng ạ?

- Là bọn hương sư, giáo viên biết chữ, bọn con giai nhà giầu không biết cầy bừa, bọn hay mặc quần kaki, áo trắng, tay đeo đồng hồ Vile, bút máy Pắc ke.

- Dạ tôi biết rồi ạ. Phó Cối reo to phấn khởi – Chúng hoạt động ghê lắm ạ.

- Nói đi

- Dạ chúng hay đánh tổ tôm các buổi tối ạ

- Gì nữa

- Đánh xong, khuya chúng nấu cháo gà ăn ạ

- Chúng bàn gì?

- Bàn lên tỉnh vào nhà cô đầu chơi gái ạ. Chúng chống phá cách mạng đến thế là cùng ạ.

. Giọng u mua hóm hỉnh trong Cuồng phong giúp ta càng khẳng định hơn tài năng Nguyễn Phan Hách.

Ngoài những giọng điệu cơ bản trên (giọng ngợi ca, giọng chế giễu, giọng u mua hóm hỉnh) tiểu thuyết Cuồng phong còn thể hiện nhân vật qua một số giọng điệu khác như giọng điệu hoài nghi, giọng thương cảm, giọng triết lý… Với các giọng điệu đa dạng mang chức nang và sắc thái biểu cảm khác nhau, tiểu thuyết Cuồng Phong đã cho ta thấy tài năng, bút lực dồi dào của nhà văn Nguyễn Phan Hách. .,.

      Nguyễn Khánh Vân