Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011


CẦU GIẤY THÂN YÊU



Ký của Nguyễn Phan Hách



Tôi từ nơi xa đến học trường Sư phạm Cầu Giấy, rồi về ở nhà vợ bên bờ sông Tô. Từ ngày không còn vua, người ta mất nghề làm giấy  Sắc ẩn hiện rồng mây. Tiếng chày giã Dó đêm khuya câm bat. Làng vắng lặng, chỉ tiếng chày giã Cốm đầu mùa từ làng bên cùng mùi hương Cốm bay sang.

Ông nhạc tôi trồng hoa và viết thư pháp. Hoa hồng như môi thiếu nữ. Hoa loa kèn gợi khúc quân hành. "Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt. Khói cam tuyền mờ mịt thức mây". Ông Nhạc hay đọc Chinh phụ ngâm. Ông cho tôi một xấp giấy Sắc  ánh nhũ vàng, ế hàng, sót lại từ thuở nào, để dán lên vách nhà hoài niệm...

Cầu Giấy thân yêu. Miền đất đã trở thành quê hương đầm ấm của tôi. Phía bên kia sông Tô, tiếng xe điện leng keng từ phố hội phồn hoa dừng lại ở bến cuối cùng. Những người đàn bà Cửa Ô lủng củng quang gánh xuống tầu đi bộ nốt đoạn đường về xóm nhỏ.

Ông Nhạc bảo: Ấy quê mình tuy vậy mà đất đẹp lắm đấy. Sông Tô xưa trong xanh, bóng thuyền vua dạo chơi. Thế gian biến cải tang thương, trên đất này đã diễn ra bao chuyện...

Tôi sực nhớ bài sử học ở trường Sư phạm Cầu Giấy ngày trước. Ừ,  tôi cũng vô tâm. Những trận đánh ở Cầu Giấy hồi thế kỷ 19, Pháp sang xâm lược, nhưng sao cái địa danh trong sách ấy cứ trượt qua, y như khác với cái tên Cầu Giấy nơi tôi đang sống.

Ông nhạc kể: Theo sách Việt sử lược thì từ năm 1215 đã có nói đến một địa danh bên bờ sông Tô gọi là Chỉ Tác Hạng, tức là Ngõ làm giấy, tức chính là thôn ta, tức chính là nơi anh với vợ anh đang ở đấy. Gần Chỉ Tác Hạng có một cái cầu bắc qua sông Tô, mà dần dà nhân đấy, người ta gọi luôn là Cầu Giấy. Ngày nay, còn tấm bia cổ nói về cầu, với tên "Tô giang kiều bi ký". Bia dựng năm 1679 chữ Hán. Tạm dịch: "Cầu là thắng cảnh danh tiếng trên sông Tô... Phía đông tiếp cận kinh thành văn vật, tụ hội thuyền xe xum vầy. Phía Tây xa xa là núi Tản Viên. Phía bắc có sông Nhị Hà ôm ấp. Cầu vui đông đúc, khách ngồi chén tạc chén thù... Cầu kiểu "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà dưới là cầu) dài 15 gian, như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng giải ngân hà..."

Chà, văn chương của các cụ bay bướm quá, miêu tả cái cầu thật đẹp, thật mộng mơ.

Ông Nhạc nói: Cụ Tổ ngũ đại nhà mình xưa là lính của Thống đốc Bắc đại tướng quân Hoàng Kế Viêm, chuyên giữ chân liên lạc với tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Họ Lưu, người Quảng Tây, một anh hùng hảo hán, tàn dư của "Thái Bình Thiên quốc" bên Tầu dạt sang, được Bắc Đại tướng quân thu phục dưới trướng.

Ngày 19 - 11 - 1873 Đại úy Hải quân Pháp Gác ni ê với 200 quân, đã khai hỏa tiếng pháo bắn thành Hà Nội của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Tiếng pháo của chủ nghĩa thực dân phương Tây thế kỷ 19 nô nức đi chiếm phương Đông làm thuộc địa. Tiếng nổ của kỹ nghệ cơ khí (tiến trước một bước trong văn minh kỹ thuật) đáng sợ thật. Khói lửa mịt mù. Gươm giáo, súng hỏa mai, thần công của triều đình (hủ nho, bế quan tỏa cảng) làm sao địch nổi. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương giữ trọn khí tiết vượt mọi thời đại, cự tuyệt băng bó vết thương, nhịn ăn mà chết.

Viên đại úy thực dân chưa đầy 35 tuổi. Ông ta vốn là nhà thám hiểm, đã vượt sông Mê Công. Lịch sử chủ nghĩa thực dân chọn ông ta làm "nhân vật". Ông say mê chinh phục các miền đất mới, để lấy làm của mình. Một sự phi lý. Cho nên tạo hóa đành tặng cho ông hậu vận  phải chết chém, máu chảy thấm vào mạch đất mà ông "thám hiểm". Ông từng viết in cuốn sách De la colonisation de la Cochinchine (về quá trình thực dân hóa Nam Kỳ). Và bây giờ hy vọng hoàn thành cuốn thứ hai về quá trình thực dân hóa Bắc Kỳ. Ngày ấy, chỉ mới 200 quân và ít lính địa phương mà ông thừa thắng xông lên, chưa tròn một tháng chiếm được bốn tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định. (với số dân lúc đó 2 triệu người)...

Cụ tổ nhà ta khi ấy đã được thăng chức Xuất Đội dưới cờ Bắc đại tướng quân, vâng mệnh đi gặp Lưu Vĩnh Phúc truyền lệnh cho Lưu từ Hưng Hóa tiến về đóng trại cách Hà Nội 12 dặm. Đồng thời 1000 lính triều đình tiến ra, cắm cọc lòng sông chặn tàu Pháp, hình thành thế trận bao vây.

Tư lệnh Giác ni ê trèo lên mặt thành Hà Nội cả cười. Và tiếng pháo lại gầm lên. 500 quân Đại Nam và quân Cờ đen, thúc voi chiến, vờ rút chạy. Gác ni ê chỉ với 18 lính Pháp và vài trung đội quân bản xứ tay sai đắc chí từ trong thành xông ra đuổi theo. Đến Cầu Giấy, pháo dã chiến giặc bị sa lầy. Quân ta mai phục từ các làng quanh "Chỉ Tác Hạng" ùa ra, chém chết tư lệnh viễn chinh Gác ni ê. Hôm ấy là ngày 21/12/1873. Trận đánh oai hùng đánh dấu một cái mốc thảm bại trong cuộc xâm lăng Bắc kỳ lần thứ nhất. Và sau đấy, Pháp thấy chưa đủ sức, phải ký hòa ước, trả thành, ngưng đánh Bắc kỳ.

Cầu Giấy đã đi vào lịch sử... Và lịch sử thật kỳ lạ. Luôn có sự lắp lại. Ông Nhạc tôi lim dim mắt, say sưa, để nối tiếp chương hai oai hùng của Cầu Giấy thân yêu...

Mười năm trôi qua. Lần này là năm 1883 - Ông Nhạc kể - Ngày 24 - 4 - 1882, với quân số vài trăm lính Pháp thiện chiến, đại tá tư lệnh viễn chinh Rivie từ Sài Gòn ra, từ chiến thuyền trên sông Hồng, trắng trợn gửi tối hậu thư đòi Tổng đốc Hoàng Diệu đầu hàng, nộp thành. Chưa cần trả lời, Pháp đã khai hỏa. Lại đại bác ran trời. (Hai phát đạn còn dấu tích trên cổng thành Cửa Bắc lịch sử đến hôm nay). Sau  hai giờ giao tranh, lính Pháp hy sinh chỉ có 4 người, tràn  được vào mặt thành. Hoàng Diệu quay về Phương Nam, nơi có vua, vái vọng Hồn nước, rồi mở dải lụa tuẫn tiết trên cành đa Võ Miếu...

Lần thứ hai, cụ Tổ ta lại được Bắc Đại tướng quân phái đi liên lạc với tướng Lưu Vĩnh Phúc bàn kế hoạch phản công. Thế trận mới được thiết lập. Đại bản doanh của ta đóng ở Phủ Hoài Đức. Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản kéo quân về đóng ở Giốc Gạch Gia Lâm, uy hiếp căn cứ Đồn Thủy. Bắc Đại tướng quân án ngữ dọc sông Tô, ngài ngạo nghễ cưỡi voi đi tuần sát, uy hiếp căn cứ Pháp ở Hàm Long.

Bốn giờ sáng ngày 19-5-1883, tư lệnh Rivie kiêu ngạo, nôn nóng dẫn 500 quân, định tiến về Phủ Hoài Đức "làm cỏ" đối phương. Đoàn quân đến Cầu Giấy. Lại Cầu Giấy. Lịch sử chọn nơi này để trừng phạt chủ nghĩa thực dân xâm lược. Một lần chưa đủ. Phải hai lần, để chúng nhớ đời. Bị sa vào ổ mai phục ở Hạ thôn  Trung thôn Yên Quyết, chúng chạy rạt sang Tiền thôn. Nhưng đây mới là cái bẫy lớn nhất.

Rivie tiếc một khẩu pháo dã chiến bị quân ta đoạt được, đã dẫn quân ra hùng hổ chiếm lại. Cái bẫy sập. Rivie trúng đạn, chết tươi. Trận đánh nhanh chóng kết thúc. Quân Pháp như rắn mất đầu, hoảng loạn bỏ chạy. Quân ta tấn công ồ ạt. 50 tên lính Pháp tử trận, 76 tên khác bị thương. Rivie bị chặt cổ. Đầu cắm cọc bêu cho mọi người xem. Xác chôn xuống đường cho người qua lại dẵm lên...

Rivie là ai ? Có điều ít người biết ông ta đã từng là một "nhà văn". Nhà văn ? Đúng thế. Kịch của ông đã diễn ở nhà hát Hài kịch Pari. Tiểu thuyết đã xuất bản. Và ông từng ngông cuồng ghen tỵ với cả danh tiếng của nhà văn lừng lẫy Đuyma (con) lúc bấy giờ. Đáng lẽ ông cứ là nhà văn thì phải. Nhưng ông lại viết trong một lá thư cho bạn: "Viết một cuốn tiểu thuyết thật khó hơn chiếm một thành trì hoặc làm nên lịch sử bằng súng đạn"...

Trí tưởng tượng, tư duy hư cấu phi nhân bản đã biến ông thành nhân vật bi hài kịch của cuộc đời...

Mảnh đất Cầu Giấy này chấm dứt cuốn "tiểu thuyết đời ông"...

Ông nhạc tôi khoái trí và đưa ra những lời lẽ văn hoa để kết luận ...

Năm tháng trôi qua... Bây giờ, Cầu Giấy thân yêu và vùng đất xung quanh, những đường mòn, ngọn cỏ, khóm lúa đã cựa mình hóa phép biến thành các đại lộ, lâu đài cao ốc tân kỳ.  Nhìn xuyên trong nắng vàng, tôi vẫn như thấy hiện hình đâu đây Cầu Giấy ngày xưa oai hùng, lịch sử...



Ngọc Hà, tháng 11 năm 2009




1 nhận xét:

  1. Chuyeenj đọc hấp dẫn ,phải vì văn chương hay vì
    tinh thần lịch sử... cảm kích lòng người.
    Chúc sức khỏe anh P.H

    Trả lờiXóa