Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

CUỘC GẶP BẤT NGỜ
Nguyễn Phan Hách

Ánh đèn chùm sảnh đường rực rỡ. Những người bồi vận lễ phục, tay lót khăn trắng, cầm những chai rượu vang đỏ Bóoc đô đi rót mời khách.
Trên bục danh dự, Tổng thống Cộng hòa Pháp Miterand đang chạm cốc với Nguyên thủ Quốc gia Việt Nam. Giọng ông tha thiết:
- Tôi đến đây với thông điệp về tình hữu nghị hai dân tộc Việt Pháp. Tôi vừa có chuyến thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Điện Biên là trang sử anh hùng của dân tộc Việt Nam, là thông điệp của quá khứ nói với tương lai: các dân tộc hãy chung sống hòa bình, tôn trọng quyền độc lập của nhau…
Nhà văn Nguyễn Đình Thi ngồi bên mấy người bạn Pháp trong bàn tiệc ngoại giao. Người ta giới thiệu ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ, nhà tiểu thuyết, đặc biệt là tác giả hai bài hát, một bài thành nhạc hiệu của Đài phát thanh quốc gia, là một trong hai “đề cử” để chọn quốc ca, còn bài kia là kinh điển của âm nhạc Việt Nam.
Nhà văn, nhà đạo diễn phim nổi tiếng Pháp Schoenderfer, thành viên đoàn Pháp bắt tay Nguyễn Đình Thi. Hai ông có sự đồng cảm.
Năm trước, Schoenderfer vừa hoàn thành bộ phim truyện nói về Điện Biên Phủ, khá thành công. Ông có duyên nợ với Việt Nam. Cách đây hơn nửa thế kỷ ông là chàng trai đeo lon thiếu úy, phóng viên quay phim tài liệu chiến tranh, đã “tác nghiệp” ở Điện Biên. Hôm nay, ông là Nhà văn hóa, đi trong đoàn của Tổng thống sang thăm Việt Nam, lòng đầy xúc động.
… Hơn nửa thế kỷ trước Nguyễn Đình Thi cũng tham gia mặt trận Điện Biên với tư cách nhà văn, được biên chế vào Đại đoàn 308 để “trải nghiệm chiến đấu”.
Ngày Đại đoàn xuất phát tiến về Điện Biên, thì Nguyễn Đình Thi lúc đó đang là Đại biểu quốc hội, phải ở lại dự kỳ họp quan trọng của Quốc hội. Họp xong, mười ngày sau, Nguyễn Đình Thi đuổi theo đơn vị, một mình đi bộ từ Việt Bắc sang Tây Bắc.
Đường mòn rừng núi, leo đèo lội suối, tự tìm lấy lối mà đi. Phải tránh đường to đang bị oanh tạc. Lộ trình là từ Thái Nguyên, xuyên Yên Bái, vượt sông Thao, đến Nghĩa Lộ, vượt sông Đà, sang Sơn La, đến Thuận Châu, vượt đèo Pha đin… mà đến cánh rừng bao quanh lòng chảo Điện Biên, nơi pháo của ta đã tập kết trong những hầm lòng núi, chờ ngày kéo ra nã vào đầu giặc.
Bàn chân con người chỉ bé như cái lá đa, mỗi bước xải được 40cm, bao giờ đo hết đoạn đường xuyên sông xuyên núi ấy. Nguyễn Đình Thi c đi. Chàng trai trẻ hơn 30 tuổi, đẹp giai hoàn hảo, thư sinh, hào hoa phong nhã, cựu sinh viên Trường Luật, nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, nghị sĩ quốc hội… túi dết đeo vai, cứ xăm xăm bước.
Cỏ rừng ngả rạp dưới chân. Bướm rừng dập dờn trên vai. Chim núi xà xuống xoẹt qua đầu. Hái một quả rừng gì đó chín mọng, nhấm trên môi. Chặt đốt mai rừng, lấy nước uống. Cởi quần áo ra suối, hứng thác nước rửa trôi bụi đường...
 Đêm rừng, ánh mắt thú đỏ lập lòe. Trải bạt, mắc màn ngủ dưới cành cây. Khu vực chiến trận, có đêm ngủ dậy, thấy cành cây trên đầu treo toòng teeng quả bom sát thương cá nhân loại nhỏ, địch mới thả. Bom treo như “quả chín nẫu” trên cành. Giá đêm qua, ngủ cựa quậy, giẫy đạp thì “quả chín” đã rụng xuống đầu.
Có đoạn Nguyễn Đình Thi ra đường lớn, gặp được xe tải, xin đi nhờ. Xe hậu cần chở đầy lựu đạn ra mặt trận, luôn bị máy bay “Bê vanh xít” đuổi theo, thì còn gì nguy hiểm hơn, vậy mà vẫn leo lên “vểnh râu” khoái trí vì đỡ được một thôi đường...
Nguyễn Đình Thi vượt đèo Pha đin đỉnh cao lộng gió, nắng chiều dát vàng, ruộng bậc thang xanh biếc, hoa ban bên đường rơi lả tả. Dưới tán rừng già, những đoàn bộ đội mũ nan, áo cỏ, nòng súng cài hoa, hành quân trập trùng. Đã về đến Đại đoàn 308, Nguyễn Đình Thi trào nước mắt. Từ đấy anh được phát súng, theo liền chân các chiến sĩ, ăn ngủ trong chiến hào, xông lên đồn giặc, suốt 55 ngày đêm mưa bom nắng lửa với Him Lam, Độc Lập, A1, Bản Kéo, Mường Thanh… cho đến ngày tướng Đờ Cát giơ hai tay bước ra khỏi hầm, khắp cánh đồng Mường Thanh, một rừng cờ trắng của đội quân viễn chinh Pháp đầu hàng.
Nguyễn Đình Thi phải nhớ lấy, để mà viết nên những trang văn cháy bỏng về chiến thắng Điện Biên…
*        *
*
Schoenderfer nhấp một ngụm rượu vang đỏ cùng Nguyễn Đình Thi, ông cao hứng thao thao bất tuyệt vì gặp được người đối thoại tiếng Pháp thành thạo:
- Ông biết không. Tôi xuýt chết ở Điện Biên Phủ. Ngày ấy tôi quá trẻ, hung hăng, bướng bỉnh, liều lĩnh, ngu dại. Điện Biên thất thủ, chúng tôi bị bắt, bị giải đi, lúc bằng xe cam nhông, lúc đi bộ. Một đêm qua sông Đà, lợi dụng trời tối, lính áp giải sơ hở, tôi đã nhẩy ra, bỏ trốn. Tôi chạy vào rừng, định đi xuôi sông Đà, tìm các đồn bốt Pháp.
Những người lính Việt Minh, đuổi theo, đã không bắn tôi. Về nguyên tắc, tù binh chạy trốn, họ có quyền bắn bỏ. Nhưng họ chỉ trói tôi lại. Có điều trói chặt quá. Dây thừng thít vào tay trần bầm tím máu. Tay tôi tê dại, không còn cảm giác gì nữa. Cứ kéo dài mãi thế này, máu bị tắc, không biết sẽ ra sao. Tôi không khóc. Người quân nhân có thể khóc được sao. Nhưng đời tôi sẽ ra sao khi lâm vào tình cảnh này. Không oán trách được ai. Tự tôi gây nên, tôi phải chịu. Họ sợ tôi sẽ trốn lần nữa.
Đúng lúc đang tuyệt vọng ,cùng đường, thì có một chàng trai Việt Minh cứu tinh xuất hiện. Anh ta có gương mặt trí thức, sáng trưng, sau này tôi cứ nghĩ anh là thiên thần đã hiện xuống cứu vớt tôi. Giọng tiếng Pháp của anh trầm ấm:
- Đây là vùng giải phóng rộng lớn, Việt Minh làm chủ toàn bộ, anh không thể trốn đi đâu được. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng công ước quốc tế về tù binh chiến tranh. Khi nào nền hòa bình Việt Pháp được thực hiện, chúng tôi sẽ trả anh về Pháp. Làm sao phải trốn?
- Thưa ông tôi ân hận lắm. Tôi dại dột quá. Vì không hiểu biết. Ông vừa nói đến một nền hòa bình Việt Pháp, có điều đó không thưa ông…- Tôi nói.
Chàng trai Việt Minh nói:
- Nước Pháp đã làm cuộc cách mạng tư sản 1789, nhân loại ngưỡng mộ. Nhưng chủ nghĩa thực dân Pháp đã xâm lược đặt ách đô hộ ở Việt Nam hơn 80 năm qua… Một ngàn năm Bắc thuộc, không đồng hóa được dân tộc Việt Nam. 80 năm đô hộ của Pháp cũng sẽ đi vào quá khứ. Trận Điện Biên Phủ này là một minh chứng chúng tôi sẽ chấm dứt chủ nghĩa thực dân của Pháp…
Hồi ấy tôi chỉ là một anh “võ biền”, nông nổi, anh hùng cá nhân, say sưa làm những bộ phim tài liệu ca ngợi lính Pháp trong chiến tranh. Cuộc thua trận của nước Pháp ở Điện Biên đã làm tôi giật mình, tỉnh ngộ.
Chàng trai Việt Minh kia, cũng chỉ trạc tuổi tôi. Nhưng sao anh nói những điều lớn lao, sâu sắc mà tôi chưa một lần biết nghĩ tới.
Chàng trai Việt Minh đi tìm người chỉ huy. Anh đã nói với chỉ huy, xin cởi trói cho tôi, đưa tôi về với nhóm bạn tù đang ngồi trên cam nhông.
Sau này về Pháp tôi luôn nhớ đến chàng trai ân nghĩa đó. Tôi nghĩ anh ta là một người Việt Nam điển hình với tri thức sâu rộng và lòng nhân ái bao la.
Tôi hiểu và yêu đất nước Việt Nam hơn qua anh ta. Những điều anh ta nói đã là sự thật chân lý. Chủ nghĩa thực dân cũ đã bị loại bỏ. Các dân tộc bình đẳng, cùng chung sống hòa bình đã là đạo lý đúng đắn nhất nhân loại.
Cả đời hoạt động nghệ thuật của tôi sau này đã hướng theo chủ đề này…
… Nguyễn Đình Thi nghe rõ từ đầu chí cuối lời bộc bạch xúc động của Schoenderfer. Ông lặng lẽ, bình thản, không nói gì. Mái tóc ông rung rung, khói thuốc trầm tư bay lên lẩn vào tóc. Màu khói và màu tóc giống nhau.
Bao nhiêu năm rồi. Nguyễn Đình Thi đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, gần hết đời mình. Người nghệ sĩ đa tài đã cháy hết mình cho ngọn lửa nghệ thuật...
Hơn nửa thế kỷ xưa, tại mặt trận Điện Biên, Nguyễn Đình Thi nhớ là ông có gặp một viên thiếu úy quay phim tài liệu bị trói giật cánh khuỷu vì tội trốn chạy. Ông đã xin chỉ huy cởi trói cho anh ta.
Ông không ngờ trái đất tròn, hôm nay, lại gặp người quay phim ấy, tại đây, trong bàn tiệc ngoại giao. Càng không ngờ hơn, anh ta đã thành một nhà văn hóa của nước Pháp.
Nguyễn Đình Thi vẫn ngồi đó, miệng khẽ mỉm cười. Nhưng ông không nói cho Schoenderfer biết ông chính là chàng trai ngày ấy.
Không. Không nói. Không muốn kể công ở đây, ngay bây giờ. Có thể sau này, trong một dịp thích hợp vui vẻ nào đó ,ông sẽ nói. Còn bây giờ thì không.
Nguyễn Đình Thi nhặt mấy trái nho tươi trên bàn, nhấp một trái, đưa cho Schoenderfer một trái. Vị nho ngọt lịm trên môi hai người...

                                                                             27-7-2014
-------------------
Chú thích: Bài viết dựa trên “Hồi ức Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Đình Thi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét