Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

QUÁN CƠM SĨ TỬ

Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách
Từ ngày song thân khuất núi, cô Phụng ở một mình trong ngôi nhà ngói âm u ngõ Cửa Nam Trấn thành. Cha cô, ông Giáo thụ xứ Lạng, làm quan thanh liêm, nên về già, cảnh sống quạnh hiu, tài sản chỉ là mấy bức thư pháp và chậu mai già.
          Cô Phụng được cha dậy từ nhỏ nên dù là phận gái, cũng đọc được Kinh thi, biết làm thơ Bát cổ. Ông Giáo thụ sinh con một bề, vẫn chắt lưỡi tiếc thầm, nếu nó là con trai thì dòng họ nhà ông đâu đứt đường khoa hoạn. Sức học của ông Giáo thụ tưởng là dày, nhưng lận đận trường ốc, mãi về già mới đỗ Cử nhân. Nhậm chức dăm năm thì đã về hưu. Cô Phụng thương cha, con người thanh cao, mà tạo hóa bất công.
          Cô Phụng xinh đẹp nết na, nhưng suốt ngày quanh quẩn trong ngõ, chẳng đi đến đâu, nên dù tuổi đã đôi mươi mà chưa có người đưa nhạn nhắn hồng.
          Năm nay, nhìn chim én bay về, hoa dại vàng bờ giậu, cô bỗng thấy buồn buồn. Hôm trước đi chơi Kiếm Hồ, qua Quảng trường Tràng Thi, thấy phu dẫy cỏ dựng nhà, làm chòi, cô biết mùa thi Hương Hà thành sắp đến.
          Mùa thi tức là sĩ tử tứ xứ hào hoa phong nhã đổ về. Cô Phụng nghĩ mình xinh đẹp, thanh nhã, con nhà thi thư, lẽ nào cứ để hoa tàn trong bóng tối. Kiểm dấn vốn, cô quyết định mở hàng cho thuê trọ. Cửa Nam, đi vài bước chân đến Trường thi, sĩ tử nào chả thích. Cô Phụng muốn được chuyện trò dăm ba khúc Kinh thi với chàng sĩ tử nào đấy. Hồ Xuân Hương xưa dựng quán văn chương bên Hồ Cổ Nguyệt, bao khách văn có cả thi hào Tố Như đến đây xướng họa. Ta không phải Hồ Xuân Hương, ta chỉ là người nấu cơm cho các chàng trai sĩ tử để chàng đi thi.
          Dựng cái biển đầu ngõ, chỉ hôm trước hôm sau, đã có hai chàng trai xứ Bắc với hai thằng tiểu đồng gánh tráp đến . Cô Phụng niềm nở đón chào. Một chàng đẹp giai, hồ hởi, có tên hiệu văn nhân là Triêu Dương ,còn chàng  kia nhỏ bé âu sầu tên hiệu Sở Bao.
          Thầy Triêu Dương người phủ Từ Sơn phía Bắc sông Đuống. Thầy Sở Bao người Phủ Thuận An, phía Nam sông Đuống. Hai thầy đắc ý, vì tìm được quán trọ có cô chủ đẹp xinh. Ngay hôm đầu tiên, bên hiên sực mùi hoa Dạ lan,hai thầy đã xem cuốn Di cảo của ông Giáo thụ xứ Lạng, trầm trồ bình phẩm. Rồi cùng cô chủ đàm đạo, văn chương mênh mang lẫn với chuyện đời.
          Vùng quê của hai thầy, một đống ông Đồ, một bồ Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn, nhưng hai thầy vẫn chua chát nhắc câu “học tài thi phận”, ông Chu Thần  đấy xưa bụng có hai bồ chữ trong tổng số ba bồ chữ của thiên hạ, nhưng nào có đâu bia đá bảng vàng ...
          Cô Phụng mua rau thịt tươi ngon, trà thơm thuốc đậm cho hai thầy.
Đêm, màn phủ kín, trầm hương bài xua muỗi. Sáng ra, thau đồng bóng nhoáng múc nước mưa cho hai thầy rửa mặt. Canh khuya, bát chè sen thơm phức mời hai thầy ăn.
Hôm hai thầy đi thi, cô dậy từ tinh mơ, nén xôi, gói muối vừng. Tầm trưa, cô rảo gót qua cửa Trường thi, nhìn vào xa xa, thấy lều chõng san sát dưới nắng vàng hoe, sĩ tử đang cắm cúi làm bài. Cô bỗng trách nhà nước sao không cho đàn bà con gái ứng thí. Nếu cho, cô cũng dám có mặt trong đám sĩ tử kia, sợ gì…
Những ngày thi qua đi, cô hồi hộp lo lắng cùng với sự lo lắng của hai thầy khóa. Ngày kết thúc, cô cũng thở phào như họ. Thầy Sở Bao làm bài có vẻ tốt, nên trông dáng điệu vui hơn, đang từ âu sầu thành nói luôn mồm. Còn thầy Triêu Dương lại trở thành lo lắng, tư lự…
          Điều cô Phụng cảm nhận được trong đầu mày cuối mắt là cả hai thầy đều để ý đến cô, thích vẻ đẹp thanh nhã thi thư của cô, và nếu cô bật tín hiệu, là họ sẽ vượt qua ngưỡng cửa khó nói. Gì chứ với trai tài gái sắc tương ngộ, yêu nhau là nhanh lắm. Đây trong bối cảnh phố phường tự do, chứ không phải ở nếp nhà đại gia thôn quê. Lòng cô Phụng xốn xang. Cô biết chọn ai. Ai? Số phận cô sẽ như thế nào với người này và với người kia. Anh khóa Triêu Dương đẹp giai, dễ gần lắm. Anh khóa Sở Bao trầm tư, nội tâm…Hai người, ai yêu nhiều, ai yêu ít hơn ai.
          Làm sao mà biết được số phận. Thôi, người đàn bà như hạt mưa sa,rơi vào đâu, được phận nấy…Hạt vào dưới giếng hạt ra vườn đào...
          Hai thầy khóa về quê, chờ ngày công bố kết quả. Cô Phụng cũng chờ đợi bâng khuâng. Ngày họ trở lại, cô mừng như chưa bao giờ mừng thế. Họ đi xem bảng về, anh Sở Bao nhẩy chân sáo vì đỗ Cử nhân, còn anh Triêu Dương chỉ đỗ Tú tài. Cô Phụng ra ngõ, bước rều rễu theo anh lính cưỡi ngựa khắp phố phường xướng danh Tân khoa, náo nức vui mà thỉnh thoảng lại chùi nước mắt. Rồi cô đến Quảng trường chứng kiến cảnh Tân khoa ra mắt các quan. Chòi các quan ngồi, lọng tía lọng xanh hai bên, ông Tân khoa mặc áo vua ban, run lẩy bẩy, bước lom khom vái lạy hai bên. Nhìn điệu bộ, cô bật cười nghĩ bụng bây giờ trông  thì thế kia thôi, nhưng rồi sau ra làm quan lại chả hét ra lửa. Đón anh Sở Bao ở cuối đoạn đường, cô Phụng bảo:
- Anh Cử sẽ vào Kinh để thi Hội, thi Đình. Em chúc anh chiếm bảng khôi khoa.
Bốn mắt nhìn nhau bừng cháy. Cô Phụng e lệ:
- Anh đỗ đạt làm quan nhớ đừng quên em nhé.
Không có dịp nào “giao lưu” đẹp hơn giờ phút này. Anh Cử Sở Bao thầm thĩ:
- Anh sẽ đi thi. Em có chờ được anh không. Bởi anh phải đại đăng khoa rồi mới tiểu đăng khoa. Bố anh là một nhà nho nghiêm khắc. Ông quyết cho anh phải thi cử đến cùng. Không đỗ Tiến sĩ là ông ấy quật chết. Cử nhân thế này rồi, nhưng về nhà sao nhãng học hành là ông ấy cũng cho  roi vào đít chứ chả đùa. Chưa đỗ thì chưa vợ con gì hết. Bán nhà bán ruộng để cho con đi học, đi thi thì ông ấy cũng bán. Ông ấy xưa mấy lần đều trượt thi Hương nên cay cú.
Cô Phụng bật cười, nhớ đến cảnh cha mình thỉnh thoảng cũng cho roi vào đít những anh học trò lớn xác học dốt, chỉ giỏi mắt la mày lém liếc gái...
 Anh Cử Sở Bao vội vàng về quê để bố mổ bò khao làng. Còn anh Tú Triêu Dương nấn ná ở lại.
- Tú tài thì chưa đi thi Hội, thi Đình được. Nhưng em nghĩ khoa sau, anh lại đi thi để đỗ Cử nhân, chưa muộn, chả làm gì phải buồn anh ạ… - Cô Phụng bảo.
- Anh không buồn - Triều Dương bảo - Anh đỗ Tú tài thế này đã là phúc bằng cái đình rồi. Đâu dám mong gì hơn. Nói thật với em ,việc thi cử quá sức anh. Anh học như cuốc kêu mà chữ nghĩa không vào, cứ trượt đi đâu mất. Cái thằng Lịch (tên cúng cơm của Sở Bao) nó mới là thằng học giỏi. Học đâu nhớ đấy, học một biết hai. Còn anh, anh chán thi cử lắm rồi. Đỗ được Tú tài, làm vui lòng bố mẹ, bố mẹ mở mày mở mặt với dân làng, thế là đủ. Đến ông Tú Xương lừng danh ở thành Nam, cũng cả đời chỉ đỗ Tú tài. Anh bằng Tú Xương rồi còn gì. Đâu phải ai cũng được như ông Nguyễn Khuyến Tam nguyên Yên Đổ. Mà có như ông Yên Đổ thì cũng thế thôi. Làm quan được vài năm, lại về ao thu ngồi câu cá, chứ có làm được cái trò gì.
Anh tự hỏi tại sao con người ta, cứ phải học cái thứ văn chương cử tử này mới được chứ. Toàn chuyện hão huyền không đâu. Tại sao ai cũng lao đầu vào học
-         Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao”, mà  - Cô Phụng  nói.
-         Nhầm. Sai. Nhắm mắt theo lời dậy ấy của tiền nhân là sai lầm lớn. Trừ một số người học cỡ siêu, tài giỏi, ra làm quan trị dân giúp nước là có ích, còn lại không ít là bọn: “dài lưng tốn vải”. Cậy có ít chữ nghĩa trong đầu, lười không lao động, chẳng làm gì, chỉ biết lý thuyết suông ,khối kẻ thành gàn dở. Ai cũng đọc sách, vậy trên đời lấy ai lao động làm ra của cải vật chất nuôi sống con người. Ai cũng chăm chăm ôm một mớ chữ nghĩa sáo mòn,   “vạn ban giai hạ phẩm” nó không làm ra thóc gạo thì đói há mồm. Anh nghĩ “độc thư” cũng  chỉ là một nghề, như các nghề khác. Tất cả các nghề  làm ra của cải trên đời, đều “cao” hết. Đời anh không thành Tiến sĩ ,Bảng nhãn, Thám hoa được,  nhưng  anh sẽ chọn một nghề để sống, để làm giàu, vinh quang chẳng kém gì ai. Mẹ anh ở quê làm nghề nhuộm màu the thâm, màu  mà  đa số người ta dùng. Không có mẹ , thì bố anh, ông đồ gõ đầu mấy đứa trẻ ở quê chết đói. Anh thấm thía điều này lắm. Mấy hôm nay ,đi chơi 36 phố Hà thành, quan sát thấy lác đác  chỉ có vài hiệu nhuộm the thâm nhỏ bé. Tại sao không mở ca hiệu lớn, thu hút khách hàng. Anh sẽ về bán ruộng ở quê lấy dấn vốn ra đây mở nhà buôn. Đem theo mẹ anh ra làm thợ Cả. Tơ lụa và màu thâm sẽ cho mình tin, chứ mấy câu “chi hồ giả dã” có no bụng được không? Em xinh đẹp, nhanh nhẹn, chăm làm, lại có cái nhà này, tuy trong ngõ  nhưng ở trung tâm Hà thành. Em cho anh thuê. Ta mở xưởng nhuộm ngay tại đậy Em đi mua the trắng, mẹ anh nhuộm, rồi em đi bán the thâm…
Hóa ra anh Tú Triêu Dương đặc nòi nhà buôn. Thảo nào học dốt, thi đỗ thấp là phải. Tuy vậy, cô Phụng nghe thấy không phải không có lý. Đời người ta phải sống  chứ. Không học được thì đi tìm nghề gì để sống . Chẳng có nghề nào “hạ phẩm”…
     Cô Phụng theo anh Tú lại đi một lượt 36 phố phường xem dân tình làm ăn buôn bán thế nào để bắt chước. Hóa ra anh Tú tên hiệu văn nhân thì thật kêu, nhưng trong bụng thì toàn nghĩ chuyện làm ăn, bây giờ kết thúc kỳ thi, ngưng chuyện học hành, mới có dịp thực hiện…
     Thực lòng thì cô Phụng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Một thân một mình, tiêu pha bao nhiêu mà lo. Cô chỉ chăm chăm tìm  người đáng mặt để trao thân gửi phận, nương nhờ. Nhớ lại hôm chia tay anh Sở Bao, lòng cô lại bâng khuâng. Anh Sở Bao bảo cô đợi anh. Cô mơ màng nghĩ đến cảnh: “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”, vinh quy bái tổ. Nhưng cái ngày ấy chắc còn xa lắm. Một  hai chục năm. Mà rồi chắc có đỗ không, có cái ngày ấy không. Đại đăng khoa rồi anh Sở Bao mới tiểu đăng khoa. Anh Cử ơi, lời nói của anh gió bay lên trời, ai mà biết được. Thôi ở quê anh cứ vui mà dựng rạp khao làng, sau đấy thì vùi đầu vào học, học đến lúc giật mình tóc bạc. Sau này nhớ đến em, nếu lúc ấy em còn là con gái, anh hãy cho em lên võng đào. Bằng không, em sẽ bồng con ra đứng bên đường xem đám rước...
     Cô Phụng không ngờ từ cái quán cơm sĩ tử này mà nẩy ra bao nhiêu chuyện làm cô trăn trở , bao đêm không ngủ. Một bên là anh Đặng Kim (Tên thật của Triêu Dương) hối thúc bên sườn mở nhà buôn nhuộm. Một bên là hun hút xa xôi mộng mơ vô vọng. Anh Kim đã bán được ruộng, cầm một cục tiền ra Hà Nội, chỉ chờ quyết định của cô. Anh Lịch đã vào trường thi trong Huế, nghe đâu đã trượt. Anh Lịch không nhắn gửi gì mà Kim thì ngay bên cạnh. Một ngày kia điều phải đến đã đến, ngoài ngõ Cửa Nam chiếc biển mới treo lên: Nhà buôn Kim Phụng, mua bán tơ lụa và nhuộm the thâm.
     Công việc làm ăn cuốn như nước chảy. Nhà buôn tấp nập cả chục người làm. The nhuộm phơi đầy bờ rào Cửa Nam. Cô chủ còn gánh cả đống the đến phơi trên sân cỏ Quảng trường Tràng thi, nơi sĩ tử từng ngồi trong lều  chõng nhả ngọc phun châu. Thuốc nhuộm nhuốm bàn tay cô Phụng thâm thâm, nhưng trên cổ cao trắng nõn đã rủng rỉnh kiềng vàng.
          Cái phải đến tiếp theo rồi lại đến. Một ngày kia ngõ Cửa Nam chăng dây tơ hồng, pháo nổ lụp bụp, đám cưới nhà buôn Kim Phụng diễn ra sang trọng, cả ngõ được biếu bánh cốm Hàng Gai…
Cuộc sống êm đềm trôi. Mười năm sau, một hôm cô Phụng trốn chồng  thuê đò dọc về Nam sông Đuống. Hôm ấy trời cao trong vắt, nắng vàng, tiếng trống rậm rình, tiếng loa ậm ọe, cờ xí rợp trời, cô Phụng đứng bên đường xem quan Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh Sở Bao vinh quy bái tổ. Quan cưỡi ngựa hồng, mặc áo thụng xanh, mũ cánh chuồn, lọng tía che đầu. Đằng sau là vợ quan nằm võng đào cho lính rước. Anh Sở Bao ơi, sao anh bảo em là anh đại đăng khoa rồi mới tiểu đăng khoa. Thế ai nằm trên võng đào kia? Cô Phụng lẩn vào sau đám đông, không để quan tân khoa nhìn thấy. Suốt dọc đường các cô gái đẹp đổ xô ra xem mặt chàng áo xanh.
          Mẻ ruộm the thâm lần ấy bị lỗi loang lổ, bán ế. Nhưng các mẻ sau lại đẹp. Và cuộc sống lại đi vào nề nếp. Và nhà hàng Kim Phụng  vẫn ngày càng ăn nên làm ra, đến một ngày kia thành một ng buôn nổi tiếng. Lại mười năm sau nữa, một hôm bà chủ Kim Phụng bệ vệ nõn nà đi xe tay đến cửa hiệu tơ lụa hàng Đào của bà. Hôm ấy có một văn nhân già âu sầu thiểu não  bước vào hỏi mua mấy thước the thâm. Kim Phụng chăm chú nhìn rồi kinh hoàng thốt gọi:
- Trời ơi, quan Nghè Sở Bao, làm sao ra nông nỗi này.
Hai vngười nhận ra nhau. Ông Nghè thất thế ngậm ngùi:
- Tôi làm việc, phạm lỗi oan khiên, từ chức  Huyện quan bị cách xuống làm Thư lại…
Cô Phụng nhìn mái tóc của ông Nghè đã bạc trắng. Cô xé mấy vuông the thâm tặng người quen cũ, thở dài…

                                                              4-7-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét