Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013


MẤT ĐẤT

Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách
         
Ông Khắc ngồi trong trạm gác cổng nhà máy Hóa chất Khu công nghiệp Hoài Thuận nhìn ra ngoài. Trước mặt là khoảnh đất rải nhựa trống trải, với chiếc ba-ri-e từng khúc sơn trắng đỏ. Khoảnh đất ấy ngày xưa chính là ba sào ruộng của ông. Ba sào. Một ngàn mét vuông đất. Lúa hai vụ chín vàng…
          Ông Khắc như người mộng du. Thỉnh thoảng lại nhắm mắt chập chờn nhìn thấy những bông lúahư ảo dập dờn trong nắng. Rất nhanh, tiếng còi xe xóa tan bóng hình, và ông “gác cổng” lật đật chạy ra nâng thanh ba-ri-e. Tiếng xe tải chở vật liệu hóa chất mùi khét lẹt, ầm ầm lăn bánh lên ký ức mơ hồ khắc khoải. Ông thở dài. Co rụt cổ lại trong cái trạm gác nhôm kính kín mít, như chỗ trú ngụ cuối cùng của mình trên mặt đất này.
*  *  *
*  *
*
Mười mấy năm xưa, ông nông dân Phạm Văn Khắc sống trong ngôi nhà thơ mộng, ba gian gỗ xoan lợp ngói, giữa mảnh vườn cổ thụ và ao bèo xanh biếc. Cảnh quê ấm cúng, vạt rau bốn mùa su hào cải bắp rau đay rau dền mơn mởn. Đàn gà túc mồi gọi con, bồ câu xập xòe mái ngói, cún vàng nhởn nhơ ngoài ngõ.
Hai vợ chồng làm khỏe như thần đồng, cấy cầy trên mấy sào ruộng nhất đẳng điền, vụ nào thóc cũng đầy bồ. Gạo tám gạo dự đầu mùa thổi cơm thơm lừng, hạt dẻo tan trên lưỡi cái dư vị ngọt ngào của người tận hưởng thành quả lao động của mình. Đêm trăng, hai vợ chồng ngồi trên chõng  đầu sân, chồng say điếu thuốc lào, vợ say miếng trầu, bàn chuyện làm ăn. Bè rau muống, chum nước cua, vợ chồng ông Khắc tương cà gia bản tích cóp căn cơ, nuôi con ăn học. Nhiều đêm thanh vắng, hai vợ chồng ôm nhau, ngây ngất nghe tiếng sương rơi tầu chuối, tiếng cuốc khản giọng gọi hè. Cánh tay trần tròn lẳn mát rượi của vợ, cánh tay lực điền vâm váp của chồng… Hạnh phúc quê kiểng chất phát đắm say…
Làng muôn đời thanh bình. Bờ tre  cò về làm tổ. Chiều hè, trời xanh, lơ lửng cánh diều hâu bay lượn. Làng hẻo lánh, phố  huyện xa ngái, đêm khuya, tiếng còi tàu xe lửa vọng về gợi cảm giác bâng khuâng.
Quê Hoài Thuận của ông Khắc từ bao đời là như thế. Phố huyện đã là xa nhất, vậy mà rồi một buổi bừng lên cái tin: đường cao tốc, đường vành đai quốc gia sẽ chạy sạt qua đầu làng.
Trời ơi, ngàn đời nay làng chỉ có một con đường sống trâu lầy lội lên huyện. Lý trưởng xưa lên hầu quan huyện quần trắng xếch quá gối, nách cắp dép Chi long, lên đến đường cái quan mới rửa chân buông quần, xỏ dép. Bọn Tây xưa đi càn , thấy lối xuống làng lầy lội cũng ngại,  bỏ qua.
Vậy mà bây giờ sắp có đường cao tốc rẹt qua đầu làng. Sướng biết chừng nào...
Cọc tiêu cắm lên. Những gia đình có nhà ruộng ven đường, ngất ngây, tưởng phen này quờ thấy vàng dưới lưng. Sẽ xây cửa hàng cửa hiệu, nhà bốn năm tầng làm khách sạn, quán ăn. Thôi, rửa sạch chân tay váng bùn phèn chua, sắm váy ngắn cho con gái đứng bán hàng. Làng sẽ thành phố, mà phố lớn, đại lộ giao thông, đâu thèm phố ngõ ngách…
Vài năm, đường cao tốc hoàn thành, rộng mênh mông bẩy tám làn xe. Nhưng kìa, cái bọn “cao tốc” “khoảnh” kinh người. Chúng rào hai bên đường lại bằng cột bê tông luồn thanh sắt ngang, không cho người làng được đặt chân lên. Tất cả, trơ mắt ếch ra nhìn. Đất ruộng làng “ông”, giờ thành đường mà “mày” không cho “ông” đi. Muốn đi phải xuôi tít về Hà Nội, lên cầu ở đó, rồi chạy thẳng hàng trăm cây số Lạng Sơn ,qua làng chỉ được nhìn, không được rẽ về.
Giấc mộng “đô thị hóa”, làm nhà hai bên đường vỡ tan tành. Kết quả chỉ còn là tiếng côngtenơ đêm khuya chạy qua rít lên mất ngủ…
Cả làng Hoài Thuận tiu nghỉu.
Nhưng không, chớ vội bi quan. Một năm sau ngày cao tốc hoàn thành, người ta về đây đặt giá mua đất cả cánh đồng bên đường, làm " Khu công nghiệp”.
Bọn “Công nghiệp” có sức mạnh, được rỡ một đoạn rào chắn, trích ngang một lối rẽ, rồi làm đường lớn về làng. Tuyệt vời, có thế chứ…
Toàn bộ ruộng nhà ông Khắc nằm trong Khu công nghiệp, được tiền đền bù cao nhất làng. Tiền lẻ, mệnh giá thấp, đầy một bị. Đêm hai vợ chồng ngồi đếm, ngỡ như mơ, sung sướng ngây dại cả người.
Từ cổ chí kim, từ thuở khai thiên lập địa, không bao giờ lại có cái ngày kỳ diệu như ở làng Hoài Thuận. Nhà nào cũng được một bọc tiền, nhà nào vợ chồng cũng ngồi giạng sẻ đếm tiền.
Chỉ trong vòng vài tháng, các nhà đua nhau mua xe máy, xây nhà gác hình ống, mái bằng. Cả làng thành một đại công trường. Thợ xây các nơi đổ về thi công. Xe chở  cát, chở gạch ùn ùn… Các bác nông dân gặp nhau hớn hở:
- Nhà bác được  bao nhiêu?
- Một tỷ- Còn nhà bác?
- 500 triệu.
500 triệu, một tỷ, tiền xướng lên kêu xoang xoảng. Cách đây vài tháng họ vẫn còn bòn nhặt bán buồng chuối, mớ rau, con gà, hầu bao chỉ là tiền chục, tiền trăm. Vậy mà bây giờ tiền triệu, tiền tỷ.
          Khu công nghiệp liên hợp xây dựng cũng nhanh tương đương với tốc độ “nhà gác hóa” của làng. Kèo cột sắt, mái tôn dựng lên   to rộng mênh mông. Máy móc chuyển về lắp đặt, vận hành rung chuyển cả một vùng.
          Ông Khắc đi ra đi vào như người mộng du, bên bà vợ đi ra đi vào cũng như người mơ ngủ. Hai vợ chồng luôn mỉm cười nhìn nhau. Họ lấy nhau, đêm vợ chồng mới cưới không có chiếc màn che muỗi, không có tấm chăn bông. Họ được bố mẹ cho một thúng thóc tẻ, một đôi lợn con, ra ở riêng trong túp lều gianh. Hai vợ chồng làm bán lưng cho giờ, bán mặt cho đất, dần dần gây dựng được cơ ngơi. Ngày giải tán Hợp tác xã, ngày vui lịch sử ngàn năm có một của làng, họ được chia vài sào ruộng (trên danh nghĩa nhận khoán). Từ đó lúc nào thóc cũng đầy bồ, gà đầy sân. Cuộc sống tưởng còn mong gì hơn thế nữa…
          Vậy mà hôm nay “cuộc sống phát triển”, tiền tỷ có trong tay, xuất hiện nhu cầu tính toán làm giầu…
          Ông Khắc không xây nhà gác mà bán phắt ngôi nhà trong làng, lên thị trấn mua một căn “mặt phố” chia hai ngăn, một bên cho vợ bán hàng hoa quả, một bên cho con gái mở tiệm “cắt tóc gội đầu”. Còn ông, trẻ trung yêu đời, 50 tuổi khỏe khoắn, đi học lái xe, mua chiếc Kia morning làm “dịch vụ”. Ai cần chở người nhà đi bệnh viện, hoặc  đi đâu ra thành phố, gọi ông, có ngay. Vi vu một quệt được một hai trăm chẳng khó nhọc gì.  Cảnh nhà khá ổn định.
          Toàn gia ông Khắc đã theo đúng chủ trương khoa học chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang làm dịch vụ. Từ nay vĩnh viễn chia tay với cảnh mùa đông  dầm bùn giá lạnh, mùa hè phơi  nắng chang chang. Nghĩ lại cái cảnh hấm hấm ha hả với bồ thóc đầy ngày xưa mà buồn cười…
          Nhờ trời, mấy năm đầu cửa hàng hoa quả lê táo Trung Quốc của bà Khắc hái ra tiền. Còn cửa hàng “cắt tóc gội đầu” cũng tấp nập. Các cô gái không còn chịu đun nước bồ kết  nữa, mà giờ nằm ườn ra ghế cho thợ vò đầu bằng dầu thơm có nhãn hiệu. Con gái ông Khắc mỏng mày hay hạt, chuyện trò có duyên, cửa hàng đông khách. Con trai cũng thích vào gội đầu, mát xa mặt. Được bàn tay con gái nâng niu, ai chả thích.
          Ông Khắc mỗi tuần đôi ba lần đưa khách ra Hà Nội. Một lần dừng chân trước một con phố oái oăm. Hai bên hè, các cô gái phấn son rực rỡ, mặc áo hai dây, hở nách, hở vai trần trắng nõn, gọi “anh vào thư giãn”. Đỗ xe bên đường, ông thử bước vào. Một cô gái cầm tay dắt vào phòng nhỏ ngăn ô bằng những chiếc mành. Mỗi ô, từng bàn, từng đôi đang ngồi thư giãn thật thú vị. Khách vừa uống cà phê, ăn bánh ngọt, vừa sờ vú, sờ bụng tiếp viên. Thư giãn thế này thì chả còn  mệt mỏi, căng thẳng gì, bao stress bay biến.
          Chẳng ai dậy , ông Khắc thực hành tức thì. Bàn tay nông dân sần sùi chỉ quen làn da vợ già, lần đầu được sờ da phấn con gái trẻ, sướng thật. Thư giãn một tiếng, mất tiền một cuốc tắcxi. Không đáng bao nhiêu. Quen thung thổ, lần sau ông Khắc “nâng cấp” thư giãn hơn: vào nhà nghỉ!
        Nhà nghỉ là cái gì. Ai ghĩ ra cái tên ấy nhỉ? Hình như xưa Công đoàn hay có các nhà nghỉ dưỡng cho công nhân đến ở vài ngày. Mượn cái tên lương thiện này, cuộc sống hiện đại này giờ đẻ nó ra hàng loạt. Vậy cho nên ông Khắc đi “nghỉ” một cái xem sao. Vừa bước vào, còn đang mải ngắm bức tranh vẽ cô gái Thái Lan mặc váy, cởi trần, vai đỡ vò gốm, thì đã thấy một cô gái thật, quần soóc, đùi trắng bước vào.
-         Chào anh!
Từ người cô, tỏa ra mùi phấn son dễ chịu. Cô ôm lấy ông. Vòng tay êm dịu. Thân người con gái sao mà mềm mại, thơm tho. Ông Khắc ghì riết lấy. Cách đây mấy chục năm, chàng trai Khắc lấy vợ, và cũng được ôm tấm thân cô vợ trẻ nõn nà có phấn. Nhưng lúc đó Khắc không ý thức được cái quý giá vô hạn ấy. Cứ cho là đương nhiên được hưởng. Đương nhiên…. Người vợ rồi đẻ con, thời gian xâm thực, tấm thân nhão ra, vú xệ xuống lõng thõng, da bụng sau kỳ mang thai nứt căng, lên sẹo, như sọc dưa bở. Bàn tay đồng áng dần sần sùi. Đôi chân dầm bùn đồng chiêm váng phèn vàng khè… Và Khắc cứ quen dần như thế. Cũng không ý thức được sự tàn tạ ấy. Chỉ thấy vợ già, phải như thế. Và ta cũng già, cũng còn đâu cơ bắp cuồn cuộn. Vợ chồng cùng già. Đồng bộ…
          Bẵng đi bao nhiêu năm, vậy mà bây giờ “lò lửa” lại bùng lên dữ dội. Dữ dội hơn cả thời còn trẻ. Khao khát làn da cô gái trẻ hơn tất cả mọi thứ trên đời. Trong vòng tay ông Khắc đây bây giờ là một cô gái trẻ như thế. Sung sướng đến tuyệt đỉnh. Đến bây giờ mới thấy con gái trẻ là ngàn vàng. Phải nâng niu và tận hưởng.
“Cuộc tình” như dung nham núi lửa. Ngất ngây tột đột. Bây giờ mới thấy thế nào là lạc thú trần gian. Mà tiền mất cũng chỉ là vài cuốc tắcxi.
“Tài xế Khắc” đắm chìm trong nhục cảm thể xác một thời gian “ăn bánh trả tiền”, quệt miệng ráo hoảnh rồi đi. Nhưng rồi có một lần ông gặp một “cô gái bán hoa” có tâm trạng. Mặt cô không đẹp, nhưng da thịt nõn nà khác thường. Trắng như ngó cần. Trông đã sướng. Cô kể cảnh nhà, đã có chồng. Thằng chồng chẳng ra gì, và hai người bỏ nhau. Cô bơ vơ, bước đường cùng phải vào đây, làm tạm “nghề này” lấy ít vốn, rồi sau này mở cửa hàng nhỏ để sống.
Ông Khắc mê đắm làn da như trăng rằm của cô, sờ vào mát rượi. Cô không đỏng đảnh, đong đưa, mà có gì hiền dịu. Tình yêu thật sự bừng lên trong lòng già. Ông thương cô bé. Thúy (tên cô) tỏ ý cũng chỉ mong có một chỗ dựa. Tình yêu không có tuổi – cô nói…
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Khắc đã thu xếp cho cô ổn thỏa. Thuê một căn hộ nhỏ, sắm đủ giường nệm, bàn tủ , ti vi… Ông nói: Thôi, từ nay em cứ ở đây, anh chu cấp tiền ăn và tiền tiêu vặt hàng tháng. Không phải làm gì hết. Nhất là tuyệt đối không “tiếp” một ai nữa.
Thúy chắn vén “gia đình” tươm tất. Cách một vài ngày, ông Khắc lại phóng chiếc Kia morning đến đấy, ngủ lại, ăn uống, vui chơi hú hí. Thỉnh thoảng sẵn ô tô, ông đưa Thúy đi du lịch Khoang Xanh, Thác Đa, Ao Vua, các chùa chiền xứ Bắc…, Siêu thị Big C, Metro… Quà ông cho Thúy thỉnh thoảng chiếc nhẫn, vòng, dây chuyền. Sau một năm “bao gái”, tổng cộng ông Khắc thấy mất đứt nửa số tiền vàng dự trữ. Bù lại, ông tích cực “chạy xe” như điên để kiếm tiền, cung phụng cho cô.
          Những tháng năm ngây ngất với ông Khắc. Chưa bao giờ sung sướng như thế. Vụng trộm, giấu giếm, có cái ma lực của nó.
          Bà Khắc thời gian đầu không để ý, vì mải mê bán hàng. Khi kiếm ra tiền, người ta say. Ngồi giạng sẻ ở nhà, lê táo từng thùng có người chở đến tận nhà, tiền nong chửa phải trả. Mua một, bán lãi gấp đôi. Cuối tháng “người giao hàng” mới đến lấy tiền. Nhẩm tính ngày nào cũng có lãi. Nhàn hạ, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, bà bắt đầu béo nuột ra, tính tình đổi thay, nhu cầu cuộc sống cao, không ăn mắm mút dòi như ngày xưa nữa. Bà bắt đầu sợ ngọt, sợ mỡ. Cũng “cảnh giả” chọn thịt gà quê nuôi bằng thóc, ngô, chứ không ăn gà nuôi cám công nghiệp. Cũng kén chọn gạo tám đầu mùa, gạo hương Thái Lan, chứ cơm thổi gạo “mộc tuyền” là không nuốt nổi.
Bà Khắc thấy chồng cứ đi suốt ngày, có khi vắng nhà cả tuần lại hay đỏm dáng đầu xức nước hoa, bắt đầu sinh nghi. Khi thấy chồng cả tháng không “động” đến mình, bà bắt đầu đi rình. Bà bắt quả tang chồng đang đi du lịch với bồ trẻ ở một Resort. Đau đớn, chết lặng, căm hờn. Đất dưới chân bà như sụt. Trời trên đầu bà như vỡ tan. Người bà bồng bềnh như cái bóng ma. Bà khóc lóc, gào thét, đập phá chửi rủa, lăn lộn. Tất cả vô ích. Làm sao mà chia cắt ông Khắc với cô bồ.
          Bà Khắc cay đắng nhớ lại ngày xưa. Hai vợ chồng là một, chồng là tất cả của vợ, vợ là tất cả của chồng. Củ khoai bẻ nửa cùng ăn, tấm chăn cùng đắp. Chồng hậm hụi làm vì vợ, vợ hậm hụi làm vì chồng. Ngày, chồng cày vợ cấy trên đồng, tối về chồng ôm ấp vợ, vợ ôm ấp chồng. Chiếc chăn bông mới ấm nồng. Mùi tóc vợ gội lá hương nhu, mùi mồ hôi đàn ông cay hắc, mùi mồ hôi đàn bà ngậy thơm...
          Cuộc đời tưởng vĩnh viễn là thế. Ai ngờ giờ như một nửa cơ thể của mình đã tách ra, không phải là của mình nữa,tiếc xót ngẩn ngơ. Lòng dạ bọn đàn ông khốn nạn, không ai học được chữ ngờ.
 Thằng đàn ông... Ta với thằng ấy ngày xưa xa lạ hoàn toàn. Cưới nhau một cái là xương liền xương, thịt liền thịt, thương yêu không biết thế nào là thương yêu. “Mẹ cha bú mớm nâng niu. Tội trời đành chịu, không yêu bằng chồng…”. Thằng đàn ông, nó là cái gì. Bây giờ nó giết ta còn hơn bằng dao bằng kiếm. Mẹ bố mày, mày giết “bà” rồi, mày làm “bà” đau khổ thế này.
          Bà Khắc bị trầm cảm, ngẩn ngơ một thời gian. Chẳng muốn làm ăn gì nữa. Cửa hàng bỏ bê. Thỉnh thoảng lại khóc lóc một mình. Đêm không ngủ, bà đấm tay vào tường uỳnh uỳnh làm hàng xóm sợ mất vía.
          Ông Khắc trơ tráo nói với Bà: Ngày xưa các cụ còn lấy hai vợ, ba vợ thì đã sao. Bà Cả, chủ động đi tìm vợ bé cho chồng. Thế mới là phụ nữ chứ. Thương chồng  như thế chứ. Bà nên nhớ: một là bà có tôi kèm theo cô gái kia, hai là bà mất hết, không có cả tôi nữa. Tùy bà. Tôi không thể rời xa cô ấy được.
          Ông Khắc bỏ đi vài tháng. Trở về thấy vợ dần dần có gì “biến chuyển”. Từ vật vã sang trơ lì,  nhơn nhơn thản nhiên, mặc xác ông. Ông mừng vui, tưởng bà đã “giác ngộ”, chấp nhận. Ai ngờ sự đời diễn biến theo một hướng khác...
Bà Khắc sau một năm đau đớn, giật mình nhận ra: Đời đến mức khốn nạn thế này thì ta còn cần gì nữa. Bà đang ở tuổi hồi xuân, béo tốt nõn nà, tiền có trong tay, vậy sao bà phải khổ. Ông ăn chả thì bà ăn nem, cổ nhân đã dậy, tội đếch gì bà không nghe.
Lão lái xe tải nhẹ chuyên chuyển hàng lê táo Trung Quốc cho các đại lý, người tráng kiện, tính tình vui vẻ, lọt vào tầm ngắm của bà. Chỉ vài câu đong đưa, liếc mắt, hai người đã “hiểu” nhau.
Tuổi này còn cái gì để giữ. “Thứ này” hàng năm nay đã bị “thằng phản bội” bỏ mốc, phải lấy lại giá trị cho nó. Nó vẫn là vàng chứ có phải đất đâu. Bà phải trả thù thằng phản bội, phải lấy “cái của nó” mà nó khinh rẻ, đem “cho” người khác...
 Một buổi kia, cái rèm hoa trong cửa hàng buông xuống, và phía sau rèm, đôi vú già đang săn lại hồi xuân đã rung lên dưới bàn tay cầm vô lăng xù xì.
Tức lắm, uất lắm. bây giờ thì tao chuyển cái tức cái uất cho mày, thằng chồng bội bạc ham gái trẻ. Cho mày hộc máu ra. Mày để tao “chết đói”, tội gì tao không ăn vụng...
Gã lái xe một tuần đem lê táo đến một lần, được “nhận” (cũng đồng nghĩa là cho) niềm vui sướng tuyệt đỉnh sau bức rèm hoa.
Ông Khắc nhận được "thông tin" chẳng lành, như con sư tử gầm lên. Nhưng có kết quả gì. Mụ ấy cũng đã chẳng như “con sư tử gầm lên”, song có làm gì được ta. Bạo lực có lúc chả ăn thua gì. Dần cho mụ một trận? Mụ sẽ la lên cho cả thị trấn biết “nguyên nhân”. Chẳng có lợi gì. Thôi, đổ vỡ tất cả rồi. Không đường cứ vãn. Nhưng “đổ vỡ” để “phát triển”. Ta không thể bỏ cô bồ trẻ. “Tái cấu trúc”. Thôi cùng để nhau yên là hay nhất…

*  *  *
*  *
*
“Hình thái gia đình” nhà ông Khắc ổn định được hai năm, sau khi “tái cấu trúc”. Ông Khắc yên lòng, không khéo đây là “mô hình” mới cũng nên.
          Vậy mà…
Một hôm, ông Khắc đi lơ vơ trong phố. Bây giờ ông đã là dân thành thị chính hiệu, tức là đã “thành tinh thành cáo”. Quen mùi thịt da con gái trẻ, thông ngõ tỏ tường “siêu thị nhà nghỉ”, ông rẽ vào một cái mang tên mơ mộng “Hoa Lan”. Nói chứ “Mới Lạ” là một yếu tố hấp dẫn kỳ diệu. Thúy đã quá quen thuộc rồi. Một cô gái lạ xem thế nào. Một vài cuốc tắcxi là đủ, khó gì…
          Ông vào phòng đợi. Chủ nhà bảo: Có một “tiếp viên” đẹp. Mười phút nữa sẽ có mặt.
          Ông Khắc chuẩn bị tư thế. Bồn chồn, hồi hộp ra phết. Thú vị nhất trên đời là giây phút cánh cửa mở, và một cô gái mới lạ xuất hiện. Thật như vào vườn hái một bông hoa, bắt một cánh bướm. Ông Khắc đã trải nghiệm cảm giác này.
          Tiếng chân nhè nhẹ ngoài hành lang. Đây rồi… Ông Khắc vuốt lại tóc. Xịch, cánh cửa mở, cả ông Khắc cùng cô gái kêu “ối” lên, và ngã bổ chửng. Bởi cô gái mới lạ đó chính là… Thúy!
          Đất dưới chân ông Khắc xụp đổ. Ông gặp Thúy lần này, đúng như lần đầu tiên gặp, không gian bối cảnh y hệt. Chỉ có điều lần trước vui thích bao nhiêu thì lần này đau đớn bấy nhiêu… Bởi ông đã thật lòng yêu Thúy.
          Bốp, một cái tát mạnh. Thúy bưng má ngồi xuống giường. Gương mặt dịu dàng mọi hôm, vụt đanh lại trước “bạo lực”:
-         Ông có quyền gì mà đánh tôi?
-         Con đĩ – ông Khắc gầm lên.
-         Thế ông là gì?
-         Tao đã nhầm.
- Tiền hàng tháng của ông có đủ cho tôi mua son phấn và quần áo thời trang không? Ông đã đủ tiền mua căn hộ cho tôi chưa, hay vẫn là nhà thuê trọ. Thế ông đã có xe máy SH cho tôi đi chưa. Tôi trẻ trung xinh đẹp thế này lại không biết tự kiếm tiền nâng cao cuộc sống của mình ư?
- Hóa ra lâu nay, những buổi cô vắng nhà, những ngày cô bảo là  đi làm thêm,  chụp ảnh bên mẫu mã hàng hóa quảng cáo, chính là thế này ư… Cô là đồ lửa dối…
- Hay ông mới chính là đồ lừa dối. Những lời hứa về nhà cửa, xe pháo.
- Bao nhiêu cho đủ với lòng tham của cô.
- Đúng. Bao nhiêu cũng không đủ với khát vọng của con người.
- Tôi đã bỏ hết vợ con, nhà cửa, vì cô… Thế mà cô.
- Thế ông đã ly dị vợ để chính thức cưới tôi chưa. Hay chúng ta chỉ là bồ bịch. Chỉ trông vào ông, thì tôi chết đói trong xó nhà trọ .
- Bây giờ tôi mới hiểu chân lý: Gái bán hoa không bao giờ có tình yêu. Không bao giờ.
- Có đấy. Gái bán hoa có tình yêu đấy, nhưng chỉ với người hợp cảnh, chứ không với người coi gái bán hoa chỉ là đồ chơi thêm nếm.
- Thôi, có đường có nẻo thì bước .
- Tất nhiên. Ông tưởng không có tiền của ông, tôi chết đói đấy hẳn. Tôi cũng đã muốn rời xa ông từ lâu. Tuy nhiên, nhân đây tôi muốn nói dù sao ông cũng là người tốt, chúng ta đã bồ bịch với nhau một thời gian dài. Ông khá tử tế. Vậy tôi xin  nói :Ông vẫn có tôi  như thời gian  qua, nhưng tôi không  chỉ có mình ông, vì ông không đủ chu cấp cung phụng cho tôi.
“Ông vẫn có tôi” – vô hình trung Thúy lặp lại đúng câu nói của ông Khắc với bà vợ: “Bà vẫn có tôi…”. Nhưng . Chữ nhưng kèm theo sao mà khắc nghiệt…
Từ nhà nghỉ, ông Khắc về thẳng nhà Thúy trọ, lấy một ít đồ đạc của mình rồi phóng xe đi thẳng. Xe qua cầu “Chương Dương”. Đi đâu nhỉ mà qua cầu. Không biết, cứ phải qua cầu cái đã, qua sông cái đã, con sông là vạch ngăn cách. Tới ngã ba bùng binh Gia Lâm, ông lượn một vòng, hai vòng, rồi ba vòng. Ngã ba. Lối này về thị trấn nhà ông. Lối kia về xứ Bắc trung du xa tắp. Tại một quả đồi hoang Yên Thế, ông có một người bạn lập trang trại. Đồi mênh mông, suối chảy, rừng vải thiều, hồ cá, trại nuôi gà, nuôi bò ... lúc nào cũng sẵn sàng  mời ông đến chơi.
Lượn đến vòng thứ sáu  bùng binh  thì ông  quyết định. Rẽ đường Năm, về nhà với quán bán hàng lê táo của vợ, khác gì thằng thua trận đầu hàng. Không. Ông sẽ về trang trại, nương náu lúc cô đơn…
Người bạn trang trại cho ông Khắc ở riêng một mình trong ngôi nhà lá bên hồ cá, cách biệt. Núi rừng trùng điệp xung quanh, nơi này xưa từng ấp từng làng đều mọc lên một ông “Đề”, dưới quyền cao nhất “Đại Đề Thám”, chọc trời khuấy nước, chẳng biết sợ thằng nào. Thiên nhiên hoang dã, con người tự do, bây giờ đến  đây, ông Khắc còn cảm thấy không khí cách biệt cuộc đời. Ấm trà buổi sáng, cuộc rượu đêm khuya, ông  một mình lang thang bên suối, bên hồ, trong rừng, ngẫm nghĩ sự đời...
Sao ta ngây thơ trung thực, chân thành quá. Ai đời đi yêu thật sự một cô cave. Nhưng ta có phải là người trung thực, chân thành không? Trung thực sao lại bỏ hết vợ con từ thuở tao khang. Chân thành sao lại còn dối Thúy, vào nhà nghỉ tìm gái lạ. Dưới mắt vợ ta, và Thúy thì ta là kẻ giả dối, bội bạc, lừa đảo bậc nhất. Còn dưới mắt ta, thì vợ ta và Thúy cũng dối gian  tương đương như thế. Kẻ cắp bà già gặp nhau. Tám lạng, nửa cân, không hơn không kém. Đời ơi là đời!
Ông Khắc bỗng thấy thèm không gian sống của bạn. Hoang vu, vắng vẻ, trong lành, lương thiện. Ngày ngày vui với đàn gà, ao cá, vườn cây, giầu có chẳng kém ai. Chin hót ban mai, trăng khuya hồ nước, nắng lọc qua tàng cây. Thật thanh thản.
Ngày xưa ta cũng có ngôi nhà thanh bình, mảnh vườn, ao bèo, và những sào ruộng đủ để sống cuộc đời thanh nhàn. Gà trong chuồng, cá dưới ao, quả trong vườn, mùa nào thức nấy. Ta cũng có người vợ thủy chung, chân chỉ hạt bột, thương yêu ta hết lòng. Sao mà bây giờ ta mất hết, mất vợ, mất nhà, mất quê.
Một tháng trôi qua…
Bà Khắc nghe ngóng thấy chồng không còn ở với “con đĩ” trên thành phố nữa, mà đã bỏ vào “rừng xanh núi đỏ” rồi thì cũng lập tức cự tuyệt “người tình bất đắc dĩ” của mình. Bà sai con gái đi tìm bố về. Ở nhờ trang trại mãi cũng chán, ngẫm nghĩ sự đời đã đủ, ông Khắc thấy không còn con đường nào khác là phải trở về. Sượng sùng, lầm lì như người câm cả ngày không nói. Bà Khắc chăm sóc chồng, giúp ông vượt qua cơn sốc. Không ai dám thuê “ông tài xế tâm thần dở” này chở mình đi đâu nữa. Sự suy sụp tinh thần cũng làm ông tự thấy cũng không còn dám cầm vô lăng. Tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Bà và cô con gái ông Khắc dù sao vẫn còn tỉnh táo hơn, cứu vãn tình hình. Bán chiếc Kia morning lấy món tiền làm vốn, nghĩ chuyện làm ăn khác. Bởi họa vô đơn chí, cửa hàng hoa quả của Bà, dạo này ế xưng ế xỉa. Tất cả các cửa hàng lê táo Trung Quốc ngoài thị trấn đều ế như thế. Vì người ta phát hiện ra lê táo  ngâm tẩm thuốc bảo quản độc đến mức để trên ban thờ cả tháng vẫn tươi không thối, chuột đói  chạy qua cũng không dám ăn.
Bà Khắc đóng cửa cửa hàng. Phút chốc cả ông lẫn bà đều lâm vào cảnh thất nghiệp. Gượng gùng hàn gắn, hai ông bà nhìn nhau, bỗng cùng luyến tiếc ảnh hình vườn cây, ao cá, cánh đồng quê thanh bình thuở trước.  
Lạ thay cho những cơn sốc, nó có thể đánh  quỵ con người trong thời gian ngắn. Có người bỗng trở thành rút rát suốt ngày ru rú trong nhà không giám gặp ai. Có người đang là cán bộ tỉnh suốt đời lên hội nghị rao giảng, bỗng trở thành ấp úng ngắc ngứ, trông thấy cái bục hội trường là sợ. Và như ông Khắc “tài xế tắcxi”, giờ trông thấy ô tô vùn vụt qua đường mà hãi.
Có nghề gì cho ông Khắc bây giờ không? Chỉ có trồng cây, cấy lúa, nuôi lợn gà là thanh thản nhất. Nhưng ông còn đâu ruộng đâu nhà? Một buổi kia, ông Khắc lững thững qua cổng nhà máy Hóa chất của Khu công nghiệp. Mùi gì trong đó bay ra khó chịu. Nhà máy rộng lớn. Tiếng máy chạy ầm ầm. Ông nhận ra khu cổng nhà máy chính xưa là nơi ba sào ruộng của mình. Cả đời ông đã đổ mồ hôi trên mảnh đất này. Bây giờ thì chỉ là khoảng sân tráng nhựa phẳng lỳ, với chiếc ba-ri-e xanh đỏ nâng lên hạ xuống. Ông  đứng trân trân, nhìn thấy chập chờn trong nắng những bông lúa vàng .
Ngày hôm sau, ông lại ra đúng chỗ ấy. Lại nhìn thấy những bông lúa  rõ  hơn. Và ngày thứ ba ,cũng như thế. Đờ  đẫn, lẩn thẩn, ông cười hiền lành một mình. Những bông lúa vàng chỗ đấy không rứt khỏi tâm trí.
Ông giám đốc Nhà máy Hóa chất biết chuyện, một hôm mời ông Khắc vào phòng khách, ngỏ ý sẵn sàng tuyển ông làm chân gác ba-ri-e cổng nhà máy.
- Ông sẽ suốt ngày được ngồi trên khu đất cũ của mình.  – Ông giám đốc nói.
- Vâng. Tôi chấp nhận…
Thế là từ hôm ấy, dân làng Hoài Thuận thấy ông Khắc trở thành người gác cổng. Công việc chẳng nặng nhọc gì, chỉ là nâng lên hạ xuống chiếc ba-ri-e… Và ông thì được suốt ngày nhìn lung linh mơ hồ trong nắng hình ảnh những ngọn lúa vàng thuở trước…
Đại Yên 5 – 2013






         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét