Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

KHÔNG NGƯỜI ĐƯA TIỄN

Nguyễn Phan Hách

Trên chiếc giường trắng toát, bà già Lơcờléc, 92 tuổi, nằm thoi thóp. Dây truyền dỏ từng giọt nước trong suốt như giọt sự sống cuối cùng sắp cặn.
Bà sắp từ biệt thế gian này, nhưng bên giường không có đứa con giai yêu quý đưa tiễn. Bà đang phải vào cõi hư vô, trong cô đơn. Bà có con giai hẳn hoi, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, thương mẹ thương cha, hiếu thảo. Nhưng bây giờ nó ở đâu?
… Mấy chục năm xưa, cô bé Mari xinh đẹp gặp chàng sĩ quan hào hoa phong nhã Lơcờléc dòng dõi quý tộc trong một dạ tiệc. Chàng ru nàng trong điệu Van mơ mộng. Mối tình đẹp lãng mạn, rồi sau đấy là cuộc hôn nhân cao sang.
Năm 1940 đại chiến thế giới thứ II bùng nổ, phát xít Đức ào ạt tiến công nước Pháp, bẩy triệu người Pháp hoảng hốt chạy loạn. Nước Pháp đầu hàng, thành lập chính phủ bù nhìn làm tay sai cho Đức.
Chàng sĩ quan yêu nước và bất khuất Lơ cờ léc đã trốn ra ngoại quốc, chiến đấu dưới ngọn cờ chống phát xít. Năm 1944 chàng chỉ huy sư đoàn thiết giáp tham gia đổ bộ Normangdi, và một ngày tháng 8 trời xanh lồng lộng, chàng dẫn đoàn thiết giáp oai hùng tiến vào giải phóng Pari.
Lơcờléc thành người anh hùng giải phóng.
Nếu dừng lại tại đây ,thì Đại tướng - Thống chế Lơ cờ léc thành biểu tượng của vinh quang.
Nhưng trớ trêu thay, người anh hùng lập tức biến thành tên tội phạm của chủ nghĩa thực dân, khi Lơcờléc nhậm chức Tổng tư lệnh đội quân viễn chinh Đông Dương, quay sang tiến công đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập tháng 8/1945.
Ngày 22/9/1945 trên bậc thềm chan chứa nắng của Phủ toàn quyền Đông Dương, Lơcờléc bắt tay các quan chức cũ của Pháp ở Việt Nam, và tuyên bố kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh một đất nước vẫn còn đang âm vang lời Tuyên ngôn Độc lập.
Trên bước đường chinh chiến đánh nhanh thắng nhanh ấy, trong một lần đi thị sát, xe của Lecờléc đã bị súng cối và liên thanh của du kích Việt Nam nã trúng ,sĩ quan cận vệ chết tươi ,may chủ tướng thoát nạn, nhưng bạt vía kinh hồn. Suốt đại chiến thế giới thứ Hai, súng bom phát xít Đức không làm gì được Lơcờléc, mà mới đến đây ít ngày, Đại tướng đã được dậy cho một bài học, để từ đó ý chí quyết chiến trong đầu bị bẻ gẫy dần…
Dù Lơcờléc vẫn nghênh ngang cưỡi Tuần dương hạm trên biển Đông, hay đắc chí tự phụ nhìn xe quân Pháp tiến vào cầu Long Biên, nhưng tận mắt chứng kiến ý chí toàn dân Việt Nam đoàn kết đứng lên chống ngoại xâm, viên Tổng Tư lệnh đội quân viễn chinh đã phải thốt lên với báo chí: Không thể dùng vũ lực để khuất phục một đất nước đã có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc”.
Hình như câu này viên Đại tướng chỉ nhắc lại lời của chính mình ngày trước, khi đang chỉ huy đoàn thiết giáp chống lại phát xít Đức xâm lược nước Pháp…
Nhưng đã muộn rồi. Bánh đà cuộc chiến đã khởi động, quán tính của chủ nghĩa thực dân quá mạnh, viên Tổng tư lệnh viễn chinh đã bị guồng máy chiến tranh cuốn vào.
Bị đánh cho tơi tả ngay từ những ngày đầu, viên Đại tướng thông minh ngày càng giật mình tỉnh ngộ. Không thể đâm lao theo lao, viên Đại tướng từ bỏ lòng kiêu ngạo, đòi xét lại đường lối của phái Diều hâu, và đột ngột từ chức Tổng Tư lệnh vinh quang ,nhưng thực ra là như đá tảng đang đè nặng lên vai, không thoát nhanh thì chết.
Bước vào Đại chiến thế giới thứ Hai, với chính nghĩa trong tay, viên Đại tướng chỉ có hăm hở xông lên, còn bây giờ với cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, viên Đại tướng đầu hàng sứ mệnh…
Nhưng cũng lại muộn rồi. Đứa con giai yêu quí của vợ chồng Lơcờléc cũng không thoát khỏi guồng máy chiến tranh mà chính tay Lơcờléc góp phần quay bánh đà khởi động.
Đứa con trai- Henri Lờcờléc, của Mari và Lơcờléc đến Đông Dương ,và tên lính viễn chinh đẹp trai, dòng quý tộc, đã phải đền mạng trong một trận đánh  nào đó ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, mà không ai biết rõ, và đã mất xác vô tăm tích, dù mọi người ra sức kiếm tìm…
Chính vì thế mà hôm nay ,tại Pari, bà quả phụ Lơcờléc 92 tuổi, đang bước vào thế giới hư vô, nhưng không có con trai đưa tiễn…
Dồn hơi sức tàn, bà cố gắng nói mấy lời thều thào cuối cùng bên giường bệnh:
- Tôi có một nguyện vọng duy nhất muốn nước Pháp thực hiện. Con trai tôi chết mất xác trong chiến tranh ở Việt Nam mấy chục năm xưa. Nước Pháp hãy làm mọi cách tìm được hài cốt của nó ,đem về chôn cạnh tôi trong nghĩa trang Pari, để mẹ con tôi được gần nhau.
Lạy Chúa. Xin Chúa tha tội. Giá như nước Pháp đừng làm cuộc chiến tranh này…
Những sợi tóc bạc trên đầu bà Lơcờléc ngừng rung. Bà trút hơi thở cuối cùng, hơi thở như nỗi niềm đáng tiếc về những cuộc chiến tranh mà loài ngoài đã để xảy ra…
21 - 11 - 2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét