Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Người đàn bà bước lên thang, thản nhiên vào nhà. Cơn đau làm bà hộc lên, nằm vật ngay bên bếp. Ông Thổ gọi vợ con khênh “bà kháng chiến đau đẻ” ra rừng. Họ đã xúm vào cầm chân. Bà Đức Hạnh đang mê man, vụt tỉnh lại, rút phắt khẩu súng dắt bên cạp sườn:
- Ai động đến, tôi bắn. Tôi vì nước vì dân. Ai hại tôi kẻ đó là phản động, là tay sai của Pháp.
Chỉ kịp nói thế, bà lại giẫy lên. Cùng lúc vỡ đầu ối, bà thét một tiếng xé ruột, chân tay co giật làm cướp cò khẩu súng lục. Không trúng ai, nhưng đủ làm cả nhà ông Thổ kinh hoàng bỏ chạy.
Sau khi cái thai ra rồi, bà nằm lịm. Nhưng tay vẫn lăm lăm súng lục. Bà nằm rất lâu. Đứa con cựa quậy bùng nhùng dưới chân, kệ nó. Bà phải nằm hồi sức, để lát nữa có thể bò dậy đi tìm một con dao cắt rốn cho con.
Bếp lửa bập bùng xua bóng tối ngoài cửa nhà sàn. Đến nửa đêm thì bà đã có thể ngồi dậy được, ôm con trong tay, khẩu súng vẫn phải để dưới tã lót. Củi hết, bà lại nhóm. Không dám ngủ, sợ bị chủ nhà lừa khênh ném ra rừng. Bà nặn đôi vú chưa có sữa của mình đặt vào đôi môi nhỏ xíu sơ sinh, cho nó bớt khóc.
Đói và mệt, lấy rong riềng trong chảo ra ăn. Bà ở lại ngôi nhà sàn ấy ba ngày, với súng kè kè bên người. Ngày thứ tư, thấy đã đủ sức, ôm con băng ràng vượt suối về cơ quan...
... Dục từ vườn trở lại phòng khách. Anh xem đồng hồ. Đã muộn. Có thể cha anh đi đâu sắp về. Gặp ông cụ chẳng thích thú gì. Anh đặt xấp tiền lên bàn ghi mấy chữ thăm hỏi rồi ra về...
Chiếc Vetpa Spring máy nổ giòn ngoài ngõ.

*
* *
Năm ấy số tết “Hồn Đất Việt” – báo của chú ruột Nô en – đã lấy ảnh Huy và Nô en dạo chơi bên Hồ Gươm làm tờ bìa.
Ảnh đẹp quá, nên báo khá chạy.
Nô en yêu Huy ngay sau khi ở Vũ gia trang về Hà Nội. Thu Hằng phát hiện ra điều đó nhờ đọc trộm những bài thơ “bâng khuâng” trong sổ tay Nô en. Cô “điện gấp” về cho anh trai. Huy rời Trại Dẻ, tức tốc về biệt thử Cổ phong, để có “cự ly” gần, gì chứ yêu nhau thì nhanh lắm. Nhất là lại có “liên lạc viên” Thu Hằng. Tình yêu Huy và Nô en là một “cuộc tình” vào loại “tiên tiến” thời bấy giờ ở Hà Nội, chịu “ảnh hưởng của tư tưởng tự do châu Âu”, so với các cuộc tình lễ giáo của giới quý tộc phong kiến còn khá thinh hành. Ba me Nô en thuộc loại “đả cựu nghinh tân” nên tuyệt đối tôn trọng “tự do tình yêu” của con gái với trưởng nam quan Án sát tỉnh Bắc. Ông Tham nhà băng đón người yêu của con gái đến nhà như đón thượng khách, cư sử bình đằng thân tình. Ông cùng đọc thơ tình Véc len, Muýtxê với chàng rể tương lai, rồi cùng mặc đồ thể thao lướt xuồng máy du lịch chơi Hồ Tây.
Ông vui vẻ, cười luôn miệng, luôn ôn lại kỷ niệm ngày ông yêu tiểu thư Nhã Phong - mẹ Nô en bây giờ. Ông kể cho “đôi bạn trẻ” (Huy và Nô en0 về chuyện tiểu thư Nhã phong, con quan Thượng Thư “cấm cung” khuê các, mà phải lòng ông chết mê chết mệt, cứ nhất định một lời chỉ lấy ông, nếu không sẽ tự vẫn. Mặc dù lúc đó ông chỉ là “bạch diện thư sinh” hàn vi.
Ông tỏ ý căm giận tột độ cái lễ giáo Khổng Mạnh đã “bỏ tù” con người. Tình yêu là cái đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ thì bị cấm kỵ, đè nén. Con chim đực và con chim mái say mê tiếng hót và bộ lông đẹp của nhau, tìm đến nhau, để xây tổ ấm. Còn con người thì bị “nam nữ thụ thụ bất thân” không được tự tìm đến người mình thích. Chỉ được nhắm mắt ưng thuận người được mai mối, gả bán “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Rõ ràng con người tự đặt ra “luật lệ” để hạ thấp mình, không cho mình bằng con vật trong lĩnh vực tự do yêu đương. Bọn phong kiến có ngu không?  Phải giải phóng con người khỏi các “nhà ngục Bátxti lễ giáo “ (lời ông Tham). Phải nã những phát đại bác long trời lở đất vào đó. Cá nhân con người phải được tự do tuyệt đối. Tự do tình yêu muôn năm!
Ông Tham cho rằng để bù lại việc mất quyền tự do tình yêu, bọn phong kiến đã có quyền “lắm thê nhiều thiếp” hợp pháp mà bọn tư bản không có. Tư bản chỉ được phép một vợ chính thức (còn dấu diếm thì tuỳ - nhưng không hợp pháp). Cũng là một chứ bù trừ. Ông cười gì gì chửi cha bọn phong kiến đạo đức giả, nhưng cũng “láu” ra phết...
Huy đem người yêu đến trình diện cha tại dinh án sát, có sự “hộ vệ” của Thu Hằng. Mấy cha con chiều chiều đi chiếc xe ngựa cổ mui gỗ mun trạm trổ cửa kính phủ rèm lụa xanh, dạo chơi quanh cá tỉnh lỵ quạnh vắng; hoặc dọc bờ sông Cầu ngắm những cánh buồm xa.
Cứ thoáng thấy bóng chiếc xe đâu là dân hai bên đường lại chỉ trỏ xì xào. Danh tiếng chính trực của cụ Án, ai cũng đã một lần nghe, nhiều khi được giai thoại hoá.
Huy và Nô en chưa thể tính chuyện hôn nhân, vì Nô en còn phải đi học. Ông Tham bắt con gái phải học đến cùng, phải giỏi giang như con trai.
Huy thì thấy “chưa có hứng” để đi làm công chức. Nghỉ ngơi cái đã, sau bao năm vùi đầu học hành thi cử. Tuy vật “rong chơi” mãi cũng chán, Cậu Cử vụt nẩy ra ý định thích hoạt động xã hội.
Chiếc ô tô hòm màu đen quan Án mua lại của quan Tổng đốc, từ lâu xếp xó, vì cụ Án ghét đi ô tô, giờ được Huy đem ra dùng.
... Một buổi sáng, Huy, Thu Hằng, Nô en đậu xe trước cửa hàng Thịnh Điền - một làng nhỏ cách Vũ gia trang dăm chục ki lô mếch... Làng cổ, nhiều di tích, nhiều cô gái đẹp. Trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, con gái má trắng như phấn, chân tay nuột nà. Nhưng Huy chọn Thịnh Điền, cái chính là nơi đó nhiều thợ nền, mộc giỏi.
Được báo trước, lý trưởng cùng Hội đồng hương chính áo dài khăn xếp, trịnh trọng đón cậu Cử, tiểu thư con quan Án và nữ sĩ phóng viên nhật trình “Hồn Đất Việt”.
Trong nhà Hội đồng, Huy trải bản thiết kế kiểu “Nhà Văn minh” áp dụng cho dân quê mà chính anh nghĩ ra.
- Thưa ông lý và các chức sắc trong xã. Thưa các bác phó mộc phó nề - Huy trịnh trọng thuyết trình – Dân quê Việt Nam hiện nay nói chung phải ở trong những ngôi nhà ẩm thấp tối tăm mất vệ sinh. Hàng ngàn đời nay cứ như thế, tại sao?
Ba gian giữa, hai buồng, không cửa sổ tối om. Bố mẹ vợ chồng con cái ở chung đụng không có phòng riêng, vô cùng bất tiện. Sao khổ thế, ngu dại thế. Quanh nhà thì cống rãnh nước tù động, nguyên nhân sinh ra muỗi. Chuồng lợn, chuồng gà, nơi vệ sinh ngay đầu nhà, bốc mùi hôi thối.
Dân quê mình ăn ở dị mọ khổ sở thế. Hãy xem người châu Âu, người thành phố ở thế nào. Nhà cao ráo, đầy cửa sổ, vườn cây bao quanh, trong nhà chia nhiều phòng để mỗi thành viên gia đình đều có không gian riêng biệt, tự do...
Huy say sưa trình bày kiểu nhà văn minh của mình. Nền cao một mét, hiên trước và hiên sau treo mành hoặc trồng thiên lý làm khu không khí đệm tạo hơi mát trong nhà. Xứ mình, nóng nực là cực hình đối với con người. Khi nóng, đầu óc người ta không minh mẫn được, lắm lúc phát điên lên và cứ ngu đần đi. Chỉ mát và lạnh, đầu óc mới tỉnh táo, sảng khoái. Khi hậu quyết định quan trọng lắm. Quanh nhà dứt khoát phải trồng cổ thụ. Nhãn, mít, sấu, ổi, bưởi, na v.v... Vừa cho quả ăn, vừa cho “vì khí hậu” mát mẻ. Nhà năm gian phải có vách ngăn chia năm phòng. Phòng khách, phòng vợ chồng bố, phòng vợ chồng con, phòng trẻ nhỏ, phòng để làm kho v.v... Tuyệt đối không được ở chung như bầy đàn...
Để làm mẫu, làm gương, tôi xin biếu làng ta một ngôi nhà như thế.
Huy trao cho ông lý trưởng gói tiền, mỉm cười.
- Nhân dịp cô Nô en, bạn tôi, qua thăm làng ta, đất văn vật, phong cảnh hữu tĩnh, đất mỹ tục khả phong, tôi đề nghị lấy tên ngôi “Nhà Văn minh” tôi biếu tặng kia là: “Nhà ánh sáng Nô en”.
- Thưa cậu Cử và hai tiểu thư – Lão lý trưởng chắp tay – Nhà văn minh của cậu hay lắm. Tôi thấy tất cả dân Nam mình đều nên làm như thế này. Kiểu nhà cổ dân quê thật đáng ghét. Tôi thấy cậu thật là người có đầu óc khai sáng cho dân quê...
Tôi đề nghị thế này: Tôi có một mảnh đất đẹp, sẵn có cây cổ thụ xung quanh rồi. Tôi sẽ làm ngay ngôi “Nhà ánh sáng Nô en” ở đó, rồi cử bà Ba của tôi ra đấy trông nom. Tôi sẽ khắc  một cái bia nhỏ “Nhà ánh sáng Nô en do cậu Cử Vũ Quang Huy tặng Thịnh Điền xã”. Tôi sẽ mướn phường chèo về diễn nhân dịp khánh thành nhà và qua đó cổ động toàn dân làm nhà theo mẫu này. Thưa có được không ạ...
- Tốt lắm...
Lão lý còm cõi, má hóp mắt thâm quầng, người một tay xách nặng vì ba vợ thế mà thông minh nhanh trí láu lỉnh. Tự dưng vớ được cục tiền làm nhà riêng cho vợ ba, mà nghe hợp lý đâu ra đấy.
Tôi ấy, hắn gọi đội “múa đèn” của làng đến giúp vui tại nhà khách của lão. Dưới ánh trăng suông, cậu Cử và hai tiểu thư ngồi trên trường kỷ có bà ba béo tốt trẻ trung của hắn lăng xăng hầu hạ trà nước. Mười hai cô gái trẻ đẹp chưa chồng, lụa là yểu điệu thướt tha, hai tay bưng hai đĩa đèn nhịp nhàng múa hát chúc tụng. Ánh đèn lấp loáng soi rõ những nụ cười xinh, môi ăn trầu cắn chỉ, răng đen nhánh.
Huy thấy lòng vui lạ lùng...

*
* *
Chiếc thảm hoa văn trống đồng chim hạc gợi tả tinh thần cội nguồn dân tộc, thật đẹp thật văn hoá. Nó làm nhiệm vụ trang trí một cách cao sang. Nhưng nó còn làm nhiệm vụ nguỵ trang: Đằng sau nó là tủ, két đầy vàng và tiền.
Đời thường có sự phối hợp “hài hoà” hai yếu tố như vậy. Dục rút một xếp tiền rồi sập két. Một xấp dày bằng xấp hôm trước đem cho “ông già”.
Tiền, hừ, tiền... Tha hồ cho các ông văn sĩ nghèo kiết xác từ Âu sang Á, từ cổ đến kim, ròng rã kiên trì viết hàng núi sách chửi rủa, khinh bỉ đồng tiền. Nhưng chả có ai nghe theo, trừ thằng ngốc.
Chiếc Vetspa spinh lại lao ra đường.
Huyền đợi anh nơi gốc cây phượng vĩ cổ thụ bên hồ. Động tác nhẩy lên nệm sau xe của Huyền đã thành thục lắm. Vòng tay ôm lấy eo. Chiếc xa bật xi nhan xanh đỏ nhấp nháy. Một cặp dạo chơi đêm...
Cách đấy ít hôm, cũng bên gốc phượng vĩ cổ thụ này có một em gái nhỏ ngồi bán thuốc lá lẻ. Em gái mặt tròn xoe, mắt lấp lánh ánh sáng tuổi học trò. Dục dừng xe mua một bao 555. Và ánh mắt em ánh lên tia kinh hoàng ngây thơ. Thường thì người ta chỉ dám mua một điếu lẻ.
Dục khoái chí về ánh mắt đó. Uy lực của đồng tiền. Một đứa trẻ tuổi học trò như tờ giấy trắng kia... Phản ứng của nó trước đồng tiền.
- Em mới bán thuốc lá ở đây? Không sợ à?
- Sợ gì?
- Bọn du đãng, ma cô, gái điếm. Khu vực này là tụ điểm của chúng!
- Thế ạ. Em không biết. Nhưng em có làm gì chúng đâu.
Dục nấn ná nói chuyện cho vui.
- Đi bán thế này, thời gian đâu học bài.
- Em trượt đại học, ở nhà rồi - Mắt cô bé cụp xuống buồn bã.
- Một tối kiếm được bao nhiêu?
- Đủ tiền mua rau cho gia đình.
Ngày hôm say Dục lại mua một bao ba số ở đó nữa. Rồi hôm sau nữa nữa, mỗi ngày một bao.
Em bé vụt “giầu” nhanh. Dục thành ân nhân của em. Mắt em đã mag cái nhìn hàm ơn. Ôi, thảm hại quá con người, chỉ tiền chênh lệch vài bao thuốc lá đã đổi được sự ân huệ. Bây giờ Dục mới “đi sâu một bước nữa”.
- Em tên gì?
- Huyền.
- Tên hay quá. Huyền này, anh thấy em bán lẻ chả được bao tiền. Em có muốn “bán buôn” không. Anh có chỗ tiêu thụ. Em sẽ cung cấp cho anh mỗi ngày vài tút. Anh cũng “buôn”.
Cô bé bán thuốc bày mẹt còn mong gì hơn thế nữa. Hồi hộp sung sướng đến run người... Ta bắt đầu kiếm ra tiền. Thế là ta đã kiếm ra tiền, không phải ăn bám vào bố mẹ nữa. Ta sẽ đủ tiền để ăn mặc theo mốt cho ra dáng một thiếu nữ mới lớn.
Huyền thường đem thuốc lá đến cho Dục vào các buổi sáng. Quan hệ “làm ăn” buôn bán bình đẳng”. Dục trả tiền “công sức lao động” cho Huyền, chứ không phải Huyền nhận của bố thí. Chính điều đó tạo nên quan hệ gắn bó thân tình.
Dục nhận ngày vài tút ba số, nhờ người bán lại, lỗ tí chút. Đó chính là số tiền mà Huyền “được lãi” mỗi ngày.
Dục không nóng vội. Vài tuần sau, anh mới hỏi chuyện hoàn cảnh gia đình Huyền. Dục bật cười sau khi nghe Huyền nói. Đúng như ước đoán của anh. Phải, như thế là đúng “quy luật”. Không có gì khó hiểu. Tất yếu là phải như vậy.
Nhà Huyền lúc đó đã nghèo túng đến mức báo động. Ông bố, người Nghệ Tĩnh, con nhà cốt cán hồi “cải cách ruộng đất”, lớn ngồng ngỗng rồi, được cấp tốc cho đi học bổ túc công nông. Khoản “học gạo” thì không ai bằng dân xứ sỏi đá khoai sắn gió lào. Cậu học suốt ngày đêm, không thông minh, nhưng bài vở làm như cháo chảy.
Cậu ra làm giáo viên cấp 2, xung phong lên miền núi, nhờ công đoàn tìm người yêu hộ, cũng như tổ chức đám cưới đời sống mới giúp (chỉ có hát hò, uống nước chè xanh, hút thuốc lá cuốn). Cậu tiến vùn vụt, được cử đi học Học viện Triết học, rồi được giữ lại trường làm giảng viên. Đến nay bố Huyền đã dậy ở đấy hai mươi năm. Và mẹ Huyền làm nhân viên in rônêô giáo trình. Gia đình ở trong khu tập thể, một gian lá gồi, có vẩy tí giấy dầu làm bếp. Toàn bộ thu nhập chỉ là đồng lương với mớ tem phiếu. Gia tài đáng kể nhất là kệ sách chính trị triết học, với những chồng giáo trình lưu cữu. Mỗi quý một lần bố Huyền rời bục giảng xuống cơ sở xã huyện để “lấy thực tế bổ sung cho bài giảng”. Và bài giảng của ông bao giờ cũng có mục so sánh cuộc sống của nhân dân ta trước kia nghèo khổ, bây giờ no ấm thế nào.
Mẹ Huyền ki cóp nước gạo cọng rau nuôi được con lợn, ông bắt bán cho “công ty thực t\phẩm” giá “nghĩa vụ” rẻ như bèo (bằng 1/10 giá ngoài thị trường). Họp cơ quan, ông luôn đấu đá căng thẳng, tự phê bình mình trước về cái “tội” chung chung chưa triệt để phấn đấu tu dưỡng, chưa rèn luyện tác phong giản dị cần kiệm (còn giản dị cần kiệm đến múc nào nữa?), rồi quạt cho hết lượt từ thủ trưởng đến nhân viên, mỗi người “lãnh” một khuyết nhược điểm từ quan hệ nam nữ đến mơ hồ về lập trường giai cấp, từ thiếu tác phong quần chúng đến không có nhiệt huyết cách mạng.
Công đoàn Học viện muốn “cứu nguy” khi thấy một năm tiền mất giá tới sáu lần, bằng “kế hoạch phụ” kiếm thêm tý chút thu nhập cho anh em: tổ chức từng nhóm giảng viên đến tận cá cơ sở cơ quan dân chính đảng trong thành phố, dậy thêm ngoài giờ cho những ai muốn có bằng trung cấp, cao cấp chính trị triết học. Cũng nhiều người muồn học “hàm thụ” vì “luật lệ” muốn được đề bạt trưởng phòng giám đốc đều phải có bằng này giống như muốn làm linh mục phải qua trưởng dòng.
Bố Huyền kiên quyết phản đối. Ông nói: triết học không phải là thứ đi “bán rao” cho ai, lấy tiền. Tiêu chuẩn phẩm chất tốt, diện “bồi dưỡng kế cận, sắp đề bạt” mới được cử đến Học viện để học. Tại sao ta lại đi dạy thuê ngoài giờ giống như ca sĩ đi hát thuê ở ngoài công viên.
Không rượu không bia, không thuốc lá, uống nước lã đun sôi, đi dép cao su đen... và tối tối tự học hàm thụ giáo trình đại học kinh tế.
Lương ông dần chỉ còn đủ mua 13kg gạo theo sổ và một mớ rau muống.
Huyền không chịu được “thảm cảnh” đó, cô đi bán thuốc là bày mẹt, ông vô cùng buồn phiền cho rằng con “đua đòi”, “tha hoá” lo “hưởng thụ”. Bây giờ đủ gạo đủ rau ăn, còn “kêu ca” nỗi gì; trước cách mạng, ông phần nhiều ăn khoai sắn chứ đâu được như bây giờ...
Chiếc vetspa đỗ lại trước một cửa hàng ăn sang trọng. Dục gọi món ăn, toàn những thứ người nước khác người ta ăn hàng ngày: gà rán, cá rán, thịt bò hầm, bia hộp. Nhưng bữa ăn bằng cả hai tháng lương bố Huyền, làm sao không gây ấn tượng mạnh cho cô bé.
- Ăn đi em, ăn cho vui...
Tiền bạc không tạo được ra niềm vui. Đúng lắm. Các nhà rao giảng đạo đức xưa nay bao giờ chả nói câu cửa miệng thế. Các nhà tỷ phú, có phải đời toàn niềm vui đâu. Lắm khi còn khổ ra khổ nữa. Nhưng ngược lại (biện chứng của vấn đề, hai mặt mâu thuẫn và thống nhất của vấn đề) tiền bạc có nhiều điều kiện để mua được niềm vui...
- Ăn đi em cho vui...
Ở tiệm ra, hai người đi công viên, dạo chơi dưới những hàng cây đêm lộng lẫy chùm đèn màu.
Trông như một đôi tình thân. Hệt thế. Nhưng thực ra có yêu đương gì đâu. Cô bé bằng nửa tuổi ta. Tươi mát, nhưng cũng không phải là loại nhan sắc. Nhưng cái chính là giữa ta và cô là một khoảng cách mênh mông. Vậy yếu tố nào đã tạo nên hình ảnh “một đôi tình nhân” dạo chơi, nhìn từ phía ngoài vào.
Nếu “hiện tượng đồng nhất với bản chất thì khoa học mất hết ý nghĩa”... Dục chợt bật cười... Anh cầm lấy tay Huyền như cầm tay một đứa em gái. Nhỏ nhắn, xinh xắn, mát lạnh. Rồi anh choàng tay ôm lấy eo. Tấm thâm thon gọn rắn chắc thiếu nữ run nhẹ...
Tiền bạc mua được cảm giác cho làn da, nhưng có mua đợc nhịp đập của trái tim?

*
* *
Dục vẫn nhớ ngày hôm ấy, cách đây mấy chục năm, giây phút người phát thư bấm chuông biệt thự Cổ Phong, trao cho anh giấy báo trúng tuyển đại học Bách Khoa.
- Chúc mừng con – Ông Quang Huy hào hứng – Bà nên tổ chức một bữa tiệc nhân ngày vui này – ông quanh sang vợ.
- Tiệc tùng! Nên gọi là bữa ăn tươi có giản dị hơn không. – Bà Đức Hạnh uốn nắn.
Phiếu cán bộ cao cấp, thịt thà có ngay, nhưng bà không nấu nướng cầu kỳ, chỉ luộc, rang,  xào như cơm hội nghị. Dù sao thì cũng vui.
Buổi chiều, sau buổi liên hoan ấy, Dục lấy xe đạp chạy dòng dòng trên đường phố, tận hưởng cảm giác khoan khoái của kẻ vừa thành công.
Phố xá thời chiến tạm bợ, xe bò đi lại nghênh ngang trên các quảng trường. Màu áo lính đầy đường mang vẻ đẹp tráng sĩ lãng mạn. Xe nhà binh bụi bậm từ các mặt trận về. “Hàng Đào không có lụa, hàng Bạc không có vàng”. Chỉ nhiều khẩu hiệu và áp phích. Tiếng loa phóng thanh hùng tráng nhịp hành khúc. Vì vậy phố nghèo mà không đìu hiu.
Phố xá thời chiến tạm bợ, xe bò đi lại nghênh ngang trên các quảng trường. Màu áo lính đầy đường mang vẻ đẹp tráng sĩ lãng mạn. Xe nhà binh bụi bậm từ các mặt trận về. “Hàng Đào không có lụa, hàng Bạc không có vàng”. Chỉ nhiều khẩu hiệu và áp phích. Tiếng loa phóng thanh hùng tráng nhịp hành khúc. Vì vậy phố nghèo mà không đìu hiu.
Hoả lực phòng không mạnh mẽ giữ cho nhịp sống bình yên có mức độ của thành phố chiến tranh. Ly cà phê vẫn được nhấm nháp bên quán cạnh hầm trú ẩn. Màn nhung nhà hát vẫn vén lên và các cô gái ca sĩ chỉ thích hoá trang áo lính khi ra sàn biểu diễn. Nhà đổ, người chết, bom thét gào… Những cảm xúc về nó chai lỳ dần.
Dục đạp xe nhởn nhơ. Thành phố cũng đang như cậu học sinh trung học. Nghèo một cách hồn nhiên. Ít tri thức một cách kiêu căng. Khinh thường vật chất, hưởng thụ…
Dục qua cửa công viên. Nắng chói, trời rất trong. Thời tiết này thuận lợi cho chiến tranh không lực. Quả nhiên Dục đang đứng ngắm người thợ nề sửa cổng công viên thì có còi báo động. Hình như rađa sơ hở để lọt mục tiêu từ xa, nên chưa chi đã thấy máy bay Mỹ rẹt trên đầu, bom nổ liền liền.
Pháo phòng không bấy giờ mới bổ lục bục.
Dục nhao vội đến hố trú ẩn gần nhất. Nhưng đã có người rồi. Một cô bé đang kéo nắp hầm che mảnh đạn cao xạ.
Hố trú cá nhân, chỉ vừa một người. Bom nổ đâu rất gần. Máy bay siêu âm vừa hùng hổ vừa liều chết lao trên bầu trời cái thành phố không thèm ăn ngon mặc đẹp, quyết thành anh hùng thời đại và làm công tác tư tưởng giỏi đến mức động viên được cả các cô gái liễu yếu đào tơ, vác súng trường cổ lỗ lên nóc tầng năm bắn máy bay tối tân mà không biết sợ.
Không nấp nhanh thì chết oan bây giờ. Dục hốt hoảng.
- Xuống đây với em - Cô bé đành chia phần hố trú ẩn chật hẹp.
Hai người gần như quắp ôm lấy nhau mới đủ chỗ. Mảnh đạn cao xạ rơi nghe veo véo. Nắp hầm đậy kín, tối bưng vào ngộp thở muốn chết. Đất rung chuyển và như co vào ép chặt hai người.
- Bom nổ gần đây hay sao?
- Chúng đánh cầu Long Biên.
Cô bé chừng 16 tuổi, mặt trái xoan rất xinh, đuôi mắt cong vút lên.
Dục thật ngẫu nhiên mà được ôm trọn cái thân hình nhỏ bé rắn chắc tròn lẳn của cô bé vào lòng. Áo cô sực mùi ổi chín. Mùi ổi át đi mùi rêu ẩm dưới hố. Mỗi loạt bom lại làm người cô nẩy lên bần bật. Cô co lại như con tôm nép sát vào Dục tìm sự che chở. Tiếng tim cô đập truyền vào da thịt Dục từng nhịp.
Mười lăm phút sau, trận oanh kích ngừng. Hai người đội nắp hầm chui lên. Ông bán kem đội mũ sắt rỉ đang bô bô:
- Chính mắt tôi trông thấy chiếc F105 cổ ngỗng cháy bùng như đuốc, lao về phía Hồ Tây.
- Có thấy phi công nhẩy dù?
Ông bán kem ngâp ngừng rồi bịa bừa, liến láu:
- Có chứ… Nhất định là nó phải nhẩy dù rồi. Dù đỏ…
Thành phố sặc mùi khét. Khói bốc lên cuồn cuộn. Xe cứu hoả rú còi chạy qua. Sau vài phút im ắng, xe đạp ở đâu lại đổi ra như lá tre, hối hả vội vã.
Cô bé và Dục phủi bụi trên áo. Nhờ cớ “tình huống đặc biệt” của chiến tranh mà họ đã quen nhau.
- Tóc anh đầy đất kìa - cô bé cười.
Mặt cô giờ đã trắng hông, không tái mét như lúc nãy nữa.
Ông bán kem vẫn hùng hồn:
- Tên lửa của ta phóng veo véo ghê quá. Một quả tên lửa trị giá số tiền nuôi một gia đình trung nông ăn 50 năm đấy nhé (đúng là ngôn ngữ của người chỉ lo chạy gạo). Một quả tên lửa bắn được hai máy bay cơ. Bắn tan cái này, được rađa hướng dẫn nó lại vòng tìm cái bên cạnh. Thế mới đáng giá tiền chứ. Ăn 50 năm mới hết cơ mà.
- Thế máy bay Mỹ trị giá bao nhiêu?
- Cũng phải trị giá ăn 70 năm mới hết chứ ít à.
- Thế thì hàng vạn gia đình trung nông Việt Nam xin sẵn sàng nhịn đói 70 năm để có hạng vạn máy bay, bay đầy trời chọi nhau với nó…
- Nhịn đói một triệu năm cũng chả có - Dục bật cười.
- Cô cậu mua kem đi. Kem ngon lắm - ông già vội quay về “nhiệm vụ thiết thực” của mình.
Dục và cô bé cùng dắt xe đạp đi.
- Em về đâu?
- Đi chơi dòng dòng.
- Anh cũng vậy.
- Sao em không sơ tán?
- Về nông thôn khổ lắm, chịu sao nổi. Nóng như điên không có quạt máy. Rửa mặt nước ao bèo kinh ơi là kinh. Ra đường cứ phải chào hỏi người làng, không thì họ chửi cho, bảo khinh người.
- Em học lớp máy?
- Lớp chín.
- Trường em không sơ tán?
- Sơ tán một nửa. Những ai ở lại dồn vào mấy lớp. Chiến tranh, học hành thất thường. Còn anh?
- Anh chờ vào đại học.
- Đại học chắc phải sơ tán.
- Cũng có lớp đi, lớp ở lại. Hà Nội bây giờ đâu chả thế. Các cơ quan cũng vậy. Có bộ phận đi, có bộ phận ở lại. Gia đình anh cũng vậy, người đi người ở lại, hoặc đi đi về về như con thoi. Máy bay đánh rát: đi, yên yên một tí lại nhoài về.
- Em thì chết thôi không đi đâu cả. Anh bảo Mỹ nó có thả bom thiêu huỷ toàn bộ thành phố Hà Nội không?
- Có thể thế, nếu là cuộc chiến tranh thôn tính lãnh thổ. Nhưng đây chỉ là chiến tranh phá hoại hậu phương của ta. Nhằm vào mục tiêu giao thông và quân sự.
Hai người vòng qua mấy đại lộ rồi tới Bờ Hồ.
- Em tên gì em.
- Trà Mi.
- Tên hay quá. Nhà em phố nào?
- Hàng Bài.
Hai người dừng lại một quầy giải khát bên Bờ Hồ. Dưới chiếc dù sặc sỡ cô mậu dịch viên đang ngồi đọc truyện sau những chồng táo tây xứ lạnh mơn mởn.
- Hàng viện trợ chống Mỹ kia kìa, ngon quá, nếu không thì nước mình tiền đâu mà nhập thứ hoa quả xa xỉ này.
Dục mua mấy trái ra ghế đá ngồi ăn cùng Trà Mi. Táo thơm ngọt lạ lùng. Lại giá rẻ. Thế mà ít người biết mua mà ăn. Thật dại, có thể là dại, nhưng cũng có thể vì nghèo. Người ta chỉ đủ lương để đong gạo sổ, thực phẩm tem phiếu và nhu yếu phẩm thì quả táo tây ngon rẻ đến đâu không có cũng “chửa chết ai”. Người nghèo thường “thực bất tri kỳ vị” lấy đầy bụng làm trọng.
- Một quả táo tây bảo quản cầu kỳ, chuyên chở từ vĩ độ lạnh, qua bom đạn đến đây giá chỉ bằng một cái bánh mì. Mà bánh mì thì chen chúc nhau mua - Dục buồn cười.
- Mậu dịch đang bán ca cao. Giá hai hào một hộp nửa ki lô, tương đương một cái bán rán - Trà Mi cũng phá lên cười - Hàng viện trợ mà, vậy mà ế sưng ế sỉa. Không ai biết nó là cái gì. Có béo bổ không? Thảm hại thật. Bố em bảo từ tiếp quản thủ đô 1954 đến giờ mới thấy có ca cao. Nhiều người mua pha như pha trà, đúng là đáng “vứt” đi thật! Chỉ những người Hà Nội gốc bố mẹ em mới biết giá trị của nó. Nhà em mua hàng yến để pha đường, sữa uống dần. Ông bảo rẻ như bèo. Chủ nghĩa xã hội thế này thì sướng thật. Tư sản Hà Nội xưa đâu đã dám mua hàng yến ca cao một lúc để uống dần. Vì nó đắt lắm.
- Chủ nhân thực sự của Hà Nội bây giờ là các bác Nghệ Tĩnh và các bác nhà quê đi kháng chiến, từ chiến khu về, nên mới để dành táo tây và ca cao cho chúng mình…
Má Trà Mi căng mọng như trái táo. Điệu cười, tiếng nói, cử chỉ hồn nhiên - sự hồn nhiên của kẻ có sắc đẹp “uy quyền” giời cho.
“Một cái gì bâng khuâng hơn tình bạn”, Dục và Trà Mi còn có đôi cuộc đi xem phim, dạo hồ Tây… để đến… “một cái gì đang tới của tình yêu”.
Dục mời Trà Mi đến biệt thực Cổ Phong. Hôm ấy ông Quang Huy và bà Đức Hạnh lên nơi sơ tán của cơ quan. Họ chơi ngoài vườn, Trà Mi vít cành nhót. Nhót chín mọng, chua nẩy răng.
- Em chọn đĩa nhạc nào?
- Môda.
Hai người nằm dài trên thảm lá vàng. Tiếng nhạc du dương chẩy tràn như nắng thu. Không có báo động nên không phải hầm trú ẩn? Hầm ở cuối vườn, bê tông chắc chắn - tiêu chuẩn của hai ông bà cán bộ cao cấp.
Trà Mi kể chuyện gia đình mình. Cô nói trước 1954 nhà cô có tiệm tạp hoá lớn ở Hàng Bài. Cha cô học nghề “thư ký nhà buôn” và giỏi kinh doanh. Tiệm hàng phát đạt. Nhà cô là biệt thự hai tầng sáu buồng lớn, không kể chỗ ở của người làm công, con sen. Sau “tiếp quản thủ đô” bố cô sợ quá, vội xin vào “công tư hợp doanh” sống theo đời mới, được giữ chân kế toán của cơ quan. Ông cúc cung tận tuỵ “làm việc quên mình” hơn cả cán bộ ở chiến khu về. Sổ sách giấy tờ tiền nong đâu ra đấy. Nghiệp vụ “thư kts nhà buôn” mà! Ông mời các thủ trưởng, thủ hó, trưởng phòng (dân chiến khu về) đến ở nhà mình. Toàn gia ông thu gọn vào một gian trên gác.
Thật là may quá, vì nhờ đó mà từ một anh dân “trong thành” , không ai đi kháng chiến, suýt thành “tư sản thương nghiệp”, mà thành một cán bộ nhà nước như ai. Lý lịch ghi: ngày tham gia cách mạng… (tức là ngày hiến cửa hàng cho nhà nước, đi làm kế toán). Lý lịch vợ ông cũng được ghi: ngày tham gia cách mạng… (tức là ngày làm mậu dịch viên bán hàng).”
Mất hết của cải nhưng lại “chắc chân” vì từ nay toàn gia có hộ khẩu Hà Nội, có sổ lương thực 13kg/tháng và các tem phiếu thực phẩm. Còn Trà Mi thì được ghi lý lịch: thành phần gia đình cán bộ công nhân viên chức (người trong biên chế nhà nước)…
Dục chăm chú nghe chuyện gia đình Trà Mi thỉnh thoảng lại bật cười…
Đĩa nhạc Môda đã hết rồi mà câu chuyện mãi không ngưng. Mấy ai đã có một buổi vui chơi với tình bạnt trong trẻo thế này…
Một tháng sau buổi ấy Dục đang chuẩn bị tựu trường đại học, thì bà Đức Hạnh đưa ra đề nghị: nên xung phong đi bộ đội.
Chủ nhật ấy có cuộc mít tinh động viên tinh thần ra trận cứu nước của thanh niên thủ đô. Ông Quang Huy đại diện nhân sĩ yêu nước ngồi ghế đoàn chủ tịch. Bà Đức Hạnh đem Dục theo. Nhà hát lớn chăng đèn kết hoa. Mọi người mặc áo màu lá cây - màu thời chiến.
Tiếng vỗ tay như sấm dậy khi vị yếu nhân chính phủ (chỗ quen biết của gia đình ông Huy) lên phát biểu. Trong con mắt mọi người, ông như bậc sáng thế. Chính ông xưa là chàng thanh niên từng đến biệt thự Cổ Phong nương náu, đêm đêm viết những bài xã luận cách mạng bốc lửa. Bà Đức Hạnh thật sự xúc động. Giờ giải lao bà đến bắt tay ông:
- Tôi có một cháu trai đang chờ vào đại học, nhưng tôi sẽ cho cháu nhập ngũ, ra mặt trận làm gương đi đầu.
- Chị nên hành động. Con em cán bộ cao cấp không gương mẫu thì chúng ta còn động viên được ai - Vị yếu nhân khuyến khích.
Ở nhà hát lớn về, bà Đức Hạnh đặt vấn đề ra với chồng. Ông Huy không dám nói gì. Và thế là có quyết định cuối cùng vào một giờ đêm hôm đó, sau bản tin chiến sự đọc trên đài phát thanh.
Dục được hai ba tờ báo đăng ảnh, viết bài. Đặc biệt ảnh bà Đức Hạnh cầm tay con dặn dò trước phút lên đường…

*
* *
Trời cao nguyên hong hong như sắp có bão. Ông Quang Huy mặc áo măng tô, chống ba toong đi lang thang trên đường phố Ban mê.
Chủ nhật, người đi lễ nhà thờ khá đông. Nhà thờ cổ Ban mê kiến trúc mô phỏng “nhà dài như một tiếng chiêng” của người Êđê. Nét mặt các tín đồ lặng lẽ đăm chiêu, thấp thoáng trong bóng lá vườn ẩm ướt.
Ông Huy đứng ở hàng dưới. Các tín đồ đang tìm niềm tin trong thánh đường. Còn ông đến đây tìm gì? Tìm niềm tin, tìm thánh đường của mình chăng?
Tiếng chuông tan lễ làm ông Huy sực tỉnh. Trời bên ngoài vẫn hong hong như sắp có bão. Nhưng ông không về khách sạn. Ông nhìn theo bóng một người nữ tu đang chầm chậm đạp xe hướng đường về tu viện “Hầu cận chúa Hài đồng”.
- Cho tôi ra vườn cà phê ngoại ô ngắm cảnh – ông gọi một xích lô.
- Thưa vâng. Nhưng trời sắp mưa ạ.
- Cứ đi.
Ngược chiều, nườm nượp các cô gái Êđê da ngăm tóc xoăn, đeo gùi vào thị xã.
- Anh có biết “Tu viện chúa Hài Đồng”?
- Thưa ông có... Đó là một thế giới riêng biệt lập với cõi đời này. Một lâu đài cổ kính toàn những cô nữ tu đẹp như tiên rất ít khi ra ngoài.
- Họ có đến lao động ở các lô cà phê của tu viện?
- Dạ có...
- Tôi muốn xem vườn cà phê của họ thế nào?
- Thưa... Ông cũng là người của nhà thờ? Cháu trông có nét đó...
- Nét gì?
- Phúc hậu, nhân từ.
- Anh trông tôi vậy sao? – Ông Huy bật cười.
Người phu xích lô kính cẩn khác thường, nhận tiền công rồi quay đi, để lại mình ông Huy giữa đồi cà phê mênh mông.
Không có cô nữ tu nào đang chăm sóc cây cối. Lá cà phê ẩm sương sớm. Đất dưới chân mát lạnh, tiếng tim ẩn hiện ở đâu.
Một ông già với rừng cây mênh mông vắng lặng... Hừ, cảnh cũng lạ. Ông già đợi chờ mơ hồ một cái gì, khi bất động như hoá đá, lúc bồn chồn...
... Cách đây ba mươi năm, trên những ngọn đồi của đồn điền Trại Dẻ (toàn cây dẻ, còn đây toàn cà phê) rợp bóng lá (bóng là thì như nhau) ta cũng đợi – đúng ra không phải là đợi, mà là dạo chơi cùng Nô en. Ta và Nô en cùng mặc quần soóc trắng, áo thun trắng tung tăng đuổi theo những con gà gô, nhưng chẳng bao giờ bắt được. Nghe tiếng no kêu bên tai, trông thấy nó hẳn hoi, xô đến thì nó đã lủi mất rồi.
Đồi dẻ đầy bướm hút mật dẻ. Có thứ bướm cánh như có sự bố cục trang trí của họa sĩ. Nắng lên, bướm bay rối mắt. Nô en cũng trở thành một con bướm trắng bay lượn khắp đồi. Nàng muốn bắt những con bướm đẹp nhất, nhưng cũng như bắt gà gô, chẳng bao giờ được. Nàng phát khóc. Nàng có thú sưu tập bướm. Bướm trắng, bướm vàng, bướm đen, bướm hồng... mỗi con bướm là một bài thơ nhỏ. Giấc mơ nàng chở trên những cánh bướm lung linh.
Nô en tuyệt vọng, mệt nhoài, mồ hôi dán áo như giấy bóng, nằm lăn trên nệm cỏ. Chính lúc ấy, những con bướm lại trêu nàng, sà đến sát mặc, rung rinh đôi cánh phấn đẹp mê hồn của mình. Có con còn đậu xuống đôi ngực vồng cao của nàng. Nếu nàng nằm im chút nữa, cả đàn bướm sẽ đậu xuống đầy người vì nó tưởng nàng là đoá hoa trắng khổng lồ.
Không bắt được bướm thật, Nô en chuyển sang chụp ảnh bướm. Lầm này thì nàng thành công. Những con bướm đủ màu chỉ có thể tặng bóng hình của nó cho nàng, chứ đời nào chịu đẻ đôi cánh phấn bay lên trời được kia bị ép khô chết cứng trong cuốn sưu tập. Cánh nó còn phải để bay đùa với nắng và hoa. Những cuốn sưu tập dù có ít giá trị vì thiếu nó, cũng mặc xác.
Những con bướm chấp nhận cho nàng in ảnh hình nó lên báo. Mai kia, khi mưa bão làm phai phấn màu, nó rơi xuống như chiếc lá rụng, nhưng có còn “sống mãi” với thời gian là nhờ ở những tấm ảnh.
Nô en say mê đàn bướm. Máy ảnh bấm tanh tách. Chúng nô rỡn lại cùng nàng. Nếu như lúc đầu nàng định “giết” chúng thì giờ nàng đang làm cái việc cho nó “sống mãi”.
Trên báo “Hồn Đất Việt” dạo ấy in khá nhiều ảnh bướm, ảnh phong cảnh đồi dẻ, ảnh Nô en và Quang Huy lúc lội qua dòng suối trong vắt, lúc hái hoa mẫu đơn (chụp tự động). Đẹp nhất là bức bốn cánh tay giơ lên nâng niu như đón mặt trời đang lên từ phía đồi xa và bức hai người đùa dưới ngọn nước khe lấp lánh. Đôi vú trần trắng nõn của Nô en áp vào vách đá gan gà xù xì nâu rám (tạo sự tương phản) và tia nướ nhỏ xíu như dòng ánh sáng xói vào khe vú nàng...
... Ông già Huy bước lững thững. Mặt trời nhô cao, hơi ẩm đất đỏ, sương lá bốc ngùn ngụt như khói. Mấy con chồn chạy roàn roạt trên lá khô, níu cành, ăn những quả cà phê chín. Mắt chúng liếc loang láng cảnh giác ông già.
Hạt cà phê hoá ra trông bề ngoài rất giống hạt dẻ. Rừng dẻ cũng nhiều chồn sóc đuôi dài leo trèo nhằn hạt.
Những con chồn của đồi dẻ ba mươi năm xưa giờ vào đây nhằn hạt cà phê chăng? Chính là chúng đấy. Chúng theo bước chân ta. Ba mươi năm. Chúng vẫn trẻ trung nhanh nhẹn son sả đẹp đẽ, còn ta thì từ chàng trai hào hoa phong nhã thành một lão già lụ khụ.
Ông Huy cúi xuống nhặt những hạt cà phê lỏn nhỏn trong bãi phân chồn hoai mục. Đây chính là loại cà phê đặc biệt thượng hảo hạng. Chồn tất nhiên chỉ chọn những quả cà phê to mọng ngon nhất mới chịu ăn. Chúng chỉ tiêu hoá được lớp vỏ. Hạt được “xử lý hoá học” trong dạ dày chồn (giống như búp trà được xử lý trong dạ dày ngựa để thành trảm mã trà) rồi tống ra ngoài thành thứ hạt cà phê tuyệt hảo)
Chắc các quốc vương Ả rập, các tỷ phú chọn uống thứ “cà phê cứt chồn” này. Thứ ngon nhất quý nhất từng có lúc lẫn lộn trong thứ bẩn thỉu nhất. Thứ thơm nhất có lúc lẫn trong thứ thối nhất.
Từ “Địa vị” nằm trong bãi cứt, thành thứ tinh chất cao sang đựng trong chén vàng chén ngọc của bậc quốc vương.
Ông Huy mỉm cười một mình với những ý nghĩ lẩn mẩn.
Có quá trình như thế, rồi cũng sẽ có quá trình ngược lại. Nghĩa là từ trong chén vàng chén ngọc, qua dạ dày quốc vương (chắc không khác dạ dày dân thường) chất quý giá ấy lại trở về nằm trong bãi phân quốc vương (chắc cũng có thuộc tính phân dân thương).
Vậy là lại giống như cũ. Hệt như cũ. Bước thăng trầm tuần hoàn. Như vậy thì không có gì là ghê gớm khi đang nằm trong chén vàng chén ngọc. Cũng như không có gì là tủi nhục lắm khi đang nằm trong đống phân lần thứ nhất cũng như lần thứ hai. Đất sẽ thấm, sẽ hoà tan tất cả qua màng lọc diệu kỳ của nó, qua hoá phép thần tiên của nó, giống như chuyện lọ lem, quả bầu ngô biến thành cỗ xe ngựa, mấy con chuột thành các tuấn mã, chất bã kia lại thành cây xanh, rừng rực kiêu hãnh, đâm hoa kết trái cà phê thơm lừng.
Và đời cứ thế, vòng tuần hoàn.

*
* *
... Ông Huy ngồi dựa xuống một gốc cây. Những con bướm cao nguyên dập dờn bay đến rủ rê dòng “trữ tình ngoại đề”.
Những con bướm này sao giống hệt những con bướm đồi dẻ ngày xưa.
Sao bướm có cánh đẹp thế mà con người lại không có cánh nhỉ. Thật là thiệt thòi cho giống người.
Nô en, hình như em có cánh thì phải. Chỉ riêng em có, mình em có, trong khi cả loài người không có.
Đôi cánh trắng trong thanh khiết của em đã nhấc em bay bổng khỏi mặt đất lầm bụi.
Em có cánh, sao bây giờ không bay qua hàng rào tu viện để đến đây với anh. Anh là Quang Huy người yêu ngày trước của em. Ông già Quang Huy cô đơn không nơi nương tựa, đang đợi chờ em.
Em bị giam cầm trong các bức tường đá ấy đã ba mươi năm rồi. Đến án chung thân còn có thể giảm sau ba mươi năm tù nữa là...
Khi mặt trời cao nguyên vàng úa chìm xuống phía rừng xa, ông Huy mới lững thững trở về. Bất ngờ lại gặp anh phu xích lô ban sáng.
- Mời ông lên xe...
- Cám ơn.
- Ông thấy rừng cà phê tu viện có đẹp không?
- Đẹp lắm... À này, anh có bao giờ chạy xe chở khách vào tu viện chưa?
- Tu viện cấm ngặt bóng đàn ông lai vãng, trừ trường hợp đặc biệt. Các nữ tu trông thấy đàn ông vội quay mặt đi, kinh tởm như nhìn thấy quỷ sa tăng.
- Tôi có người nhà vào tu trong đó đã ba mươi năm giờ muốn gặp lại, sao liên hệ được.
- Ông vào gặp thẳng bà Nhất giám đốc.
- Nhưng tôi lại không muốn cho bà ấy biết.
- Thế thì chịu. Liên hệ với tình báo viên của mình đang nằm trong hang ngũ đối phương, còn dễ hơn gặp nữ tu trong đấy ạ.
- Nhưng cứ thử xem sao. Anh giúp ta nhé. Anh đạp xe chở một số đồ thờ đến, ví dụ giá cắm nến, đèn chùm, nói là người nhà của một nữ tu tên là Nô ên, cúng vào tu viện, xin được chuyển tận tay bà Nô en, qua đó chuyển thư hẹn giúp ta.
- Được ạ, cháu sẵn sàng. Cháu cũng muốn phiêu lưu một chuyến vào tu viện ngắm những cô gái đồng trinh trong suốt như pha lê ấy xem sao.
- Ta tin anh. Không hiểu sao thoáng gặp mà ta đã tin anh tử tế. Nói chung bây giờ ta rất muốn tin người. Ta muốn tự chứng minh rằng: đời có nhiều người tốt. Ta đã đến tuổi, đến lúc chẳng cần chẳng muốn dấu diếm ai cái gì. Ta cần anh làm trợ thủ. Ta từ Hà Nội vào đây. Người tên Nô en trong tu viện chínhlà người yêu của ta ba mươi năm trước. Nàng giận ta, giận đời, đi tu. Bây giờ ta mới phát hiện ra nàng ở đây. Và ta muốn gặp. Thế thôi!
- Trời ơi tuyệt quá. Cháu thật may mắn được ông tin, giao phó cho công việc. Được giúp ông chuyện này thú quá! Thật vinh hạnh cho cháu.
- Anh cầm số tiền này vào cửa hàng hồ cổ mua giá cắm nến và đèn chùm nhé. Ta ở khách sạn du lịch. Sáng mai anh ghé qua đó lấy thư ta viết, rồi hành động.
- Thưa vâng...

*
* *
Chiếc xe hòm màu đen lồm cồm trên đoạn đường về làng Thịnh Điền.
Cậu cử Vũ Quang Huy cầm lái. Ghế sau là Nô en và Thu Hằng (Thu Hằng vẫn cứ phải lẽo đẽo đi hộ vệ. Cô Hằng, Nô en mới được phép của ông Tham cho đi chơi). Ghế trên là ông huyện Hữu Ngọc rám má, có họ hàng xa với mẹ Nô en. Ông giữ chức đã chục năm, chuyển chỗ nọ chỗ kia, nhưng chẳng thăng chẳng giáng. Ông Tham vẫn khinh bỉ gọi là đồ quan liêu vô dụng. Nước Nam mình còn chết vì những ông quan phụ mẫu ngu dốt đại loại như thế.
- Việc gì đến các cháu mà bận tâm vào những việc viển vông này lại lôi cuốn cả cậu phải tham gia – Ông huyện nhăn mặt chịu cú xốc nẩy của chiếc ô tô cà là tèng, tiếp tục than vãn - Việc ấy của nhà nước, của các quan. Nhà nước, các quan không lo, các cháu hơi đâu mà lo hộ.
- Cậu chiều chúng cháu đi.
- Nhưng dân quê nó có chịu nghe các cháu không. Bọn bố cu mẹ đĩ ngu dốt ấy thì chỉ ăn no vác nặng, chứ biết cái gì.
- Họ cũng là người cả đấy chứ cậu. Chẳng qua vì nghèo khổ quá mà sinh ra thế. Họ dốt thì mình khai trí cho họ.
- Khai trí! Bọn dân cày thì bổ đầu nó ra nhét chữ vào cũng chả được, huống hồ... Trời sinh ra cái dân Nam mình ngu tối, nhiều tật xấu, không có đầu óc kỹ thuật, lại chỉ thích đánh nhau...
- Nếu người Nam mình được học, nếu giàu có thì cũng chẳng kém gì người tây. Phải khai trí cho họ để họ sống về sinh khoẻ mạnh, chăm chỉ lao động, đủ cơm ăn áo mặc, tương thân tương ái nhân quần.
- Cháu mà bảo được họ thì nhà nước sẽ bổ nhiệm cháu làm tổng đốc, khâm sai. Gớm... Một bọn đầu bò, ma đói ma khát...
- No nên bụi, đói ra ma, thế thôi. Họ bị quan trên ức hiếp, bóc lột, đói khổ, họ phải phẫn uất.
Nắng tháng bẩy chói chang oi bức, cái oi của sự tích tụ gió trước các trận giông bão mùa lũ.
Chiếc xe như con rùa bò giữa đồng lúa xanh nước úng trắng xoá từng khoảnh.
- Năm nay mưa nhiều, lúa má ngập thối khắp nơi. Chưa chi mà ăn mày đã đầy đường. Đấy, cái số nước mình nó khổ thế đấy, vậy mà các cháu bảo khai trí thì khai trí làm sao được.
- Nhưng làm quan như cậu thì cũng phải làm gì cho dân chứ, chả lẽ chỉ biết than thở.
- Thì cậu biết làm gì.
- Làm như cháu đề xuất đấy.
Ông Huyện lại thở dài, mệt mỏi chán chường cái “sứ mệnh” mà những đứa cháu nhờ ông.
Chiếc xe hòm về đến đầu làng Thịnh Điền. Các ông hào lý áo dài đen, che ô, đứng đón lố nhố. Quang Huy ớn những màn nghi lễ vái lạy quan lớn này, nhưng không có nó thì ông Huyện hạch sách các thày lý liền. Phải làm cái việc “vớ vẩn” của Quang Huy nhờ, ông Huyện cũng chẳng thích thú gì. Sợ cụ Án, nể ông Tham mà không thể từ chối. Ông càng chán ngắt, vì đáng lẽ bình thường ra ông sẽ được đón rước đến đình làng, cỗ yến linh đình, cầm chống chầu tom chát vui thú với mấy cô đầu xinh đẹp mà tên lý tưởng nào cũng phải biết chuẩn bị khi ông đi “hiểu dụ”.
Đằng này thì chay tịnh!
Ông Huyện thở dài theo đoàn thầy lý thày thơ đến tham quan “Nhà ánh sáng Nô en” mà cậu Cử tặng làng, đã hoàn thành.
Nhà toàn tre, rạ, ngăn nhiều phòng, hiên bao quanh có cửa sổ vườn cây... Có thế chứ có gì đâu. Thế mà cậu Cử lại bắt ông đến đây ngủ một đêm trên chiếc giường tre, ăn cơm bình dân canh cua hoa lý, dạo chơi trong vườn... để dân quê họ trông vào, thấy cái “Nhà ánh sáng Nô en” này là quan trọng, đã dược quan lui tới.
Thì cũng phải chiều cái thằng trẻ ranh học mót lối “văn minh Âu tây” này vậy!
Ông Huyện đóng xong màn kịch thăm “Nhà ánh sáng Nô en” rồi, hôm say chuyển qua màn kịch khác vẫn do Quang Huy đạo diễn.
Bài “hiểu dụ” do Quang Huy soạnt hảo trước, bắt ông học thuộc lòng, đại để có mấy nội dung:
- Một, khuyên dân làng làm nhà theo mẫu nhà “ánh sáng Nô en”.
- Hai, lập bội khuyến học quốc ngũ, góp tiền xây trường nuôi thầy mua báo chí về để ngoài đình cho thanh nien chiều chiều ra đọc.
- Ba, nên đắp đường giao thông nối liền với đường cái quan đi lại thuận tiện. Không đường, làng sẽ thành nơi khỉ ho cò gáy, ánh sáng văn minh không đến đây được.
- Bốn, nên mở các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán phồn vinh.
- Năm, lập một khu văn hoá có sân bóng, nơi vui chơi, hồ bơi cho thanh niên.
Vân vân và vân vân.
Trong khi ông Huyện hiểu dụ, Nô en chụp ảnh tanh tách làm các thầy Lý thầy thơ cứ ngay mặt mở mắt trừng trừng, sợ chớp mắt vào ảnh sẽ thành mù.
Nô en biếu các quan viên mỗi thày một tờ nhật trình “Hồn Đất Việt”. Các thầy phần lớn mù chữ, đón tờ báo xoay ngang xoay dọc xem ảnh, chỉ chăm chăm về dán lên vách.
Quang Huy tiếp lời ông Huyện. Cậu Cử biết rõ Thịnh Điền gồm hai làng Đoài và Đông; luôn xích mích nhau. Sự thể đã đến mưc đòi chia bài vị Thành hoàng để xây đình riêng. Cậu khuyên nên giành số tiền định xây đình mới đem xây trường học. Riêng cậu Cử lần này lại xin đóng góp một khoản đủ để trả lương thầy trong một năm...
Nô en thì xin hứa sẽ gửi biếu báo “Hồn Đất Việt”, phu trạm đem về tận xã đều đều. Thu Hằng thì hứa sẽ đem thuốc chủng đậu màu về chủng cho tất cả trẻ con, để từ nay Thịnh Điền không còn một người nào mặt rỗ.
- Nhưng thưa cô, vợ cháu đã rỗ rồi, thì chủng thuốc có lành các nốt rỗ không ạ - Một chú trương tuần mặt non choẹt rụt rè hỏi.
Quang Huy bật cười:
- Đấy, kết quả của việc không được học là tai hại thế đấy. Tôi cam đoan vợ chú xinh đẹp phải không nào? Chỉ vì mặt rỗ mà thành xấu gái. Lẽ ra chỉ cần một tú thuốc bé bằng giọt sương chủng vào bắp tay là vợ chú đương nhiên thuộc loại xinh gái. Ôi, một tý thuốc bằng giọt sương mà quyết định cả đời người. Đấy, do ở nhà ẩm thấp tối tăm mất vệ sinh, vi trùng đậu mùa xâm nhập gây hậu quả tày trời. Nếu vợ chú ở nhà “ánh sáng Nô en” từ bé, nắng gió chan hoà, vi trùng bị nắng giết chết hết, lại thêm tiêm chủng, thì đâu nên chuyện.
Đình làng dài rộng nghênh ngang, rước xách thờ cúng rùm beng, thành hoàng có cứu được vọ chú khỏi mặt rỗ đâu.
Chú trương tuần thần mặt, ngẩn ngơ tiếc của giời. Đúng là đáng lẽ vợ chú xinh gái nhất làng thật. Trắng trẻo, bụ bẫm, tươi giòn...
- Đừng tiếc nữa – chú quản xã ngồi cạnh hích sườn nói thầm - nếu nó không rỗ thì nó lại không lấy mày. Nó đẹp, chẳng bao giờ đến phần mày. Mày phải cảm ơn những nốt rỗ trên mặt ấy, vì nhờ nó mà mày còn được hưởng cái thân thể trắng trẻo bụ bẫm kia. Ôi mặt mũi, cần quái gì...
Chú trương tuần sực tỉnh...
Các quan viên hàng xã nghe “hiểu dụ” tai nọ sang tai kia, mắt nhìn xuống nhà giải vũ xem vợ chồng thằng mõ chia phần xôi chuối đã đến đâu. Kiến đang bò bụng cả rồi. Oán cậu Cử quá. Đáng lẽ hôm nay nhân dịp quan về, bổ xuất đinh lấy tiền mổ lợn cho các quan viên ăn; nhưng cậu Cử ra lệnh cấm. Chỉ được ăn chút oản chuối đỗ đói ban trưa thôi...
- Còn việc đắp đường giao thông... thưa quan – Lão lý trưởng thấy đó là việc “dùi động đến đục, đục chạm đến gỗ”, cuối cùng lão phải làm, nên phải kính bẩm – Phu lấy ở đâu ạ. Bao nhiêu xuất phu một năm đều đem đi đắp đê đại hà cả rồi. Con biết bổ vào đầu ai đi đắp đường bây giờ ạ. Hay là quan miễn trừ cho làng một số xuất phu đắp đê để dùng vào việc đắp đường.
Ông Huyện Hữu Ngọc mỉm cười:
- Phu lấy ở đâu thì thầy hỏi cậu Cử của thày chứ hỏi gì ta. Xuất phu đắp đê là việc của Huyện bổ cho xã thày theo đầu người. Đó là việc quan. Còn đắp đường giao thông để “khai trí văn minh” là việc riêng của xã Thịnh Điền nhà thày. Các thày tự lo.
- Dạ con làm sao mà cắt cử chúng được nếu không có lệnh quan. Bọn dân đen này cái gì cũng nhất nhất phải có lệnh quan chúng mới nghe, chúng sợ gông cùm mà...
- Không bảo được nhau thì đừng “khai trí văn minh” nữa – Ông Huyện quay sang Quang Huy – Đấy cậu Cử, tôi nói có sai đâu. Với bọn dân đen này thì mình có dậy dỗ mở mắt ra cho chúng cũng bằng thừa.
Quang Huy thật sự lúng túng.
Đúng lúc ấy có người lính lệ phi ngựa đến cửa đình trình thư hoả tốc:
- Bẩm quan đêm qua mưa nguồn, nước sông đang lên to lắm ạ. Mời quan về huyện đường gấp.
Ông Huyện Hữu Ngọc đổi sắc mặt lo lắng. Năm nay mưa nhiều nước sông đã mấy đợt đe doạ đê đại hà. Nhờ trời, nước đã rút, tưởng thoát, ai ngờ bây giờ lại lên to.
Không dám trù trừ, ông Huyện quay sang Quang Huy, Nô en và Thu Hằng:
- Các cháu ở đây, ta phải về.
- Để cháu lấy ô tô đưa cậu.
- Không, ta đi ngựa của thằng lệ kia ta cũng sợ cái ô tô nhảy xóc lồm cồm của cháu lắm. Các cháu cứ ở đây làm việc theo chương trình của mình.
Đoạn, quay sang gọi lý trưởng Thịnh Điền:
- Nội trong ngày nay thầy phải bắt hai trăm xuất phu trai tráng khoẻ mạnh, tập trung lên đê Đại hà, nghe chưa.
Lý trưởng gãi đầu với Quang Huy.
- Đấy thưa cậu, còn đâu người đắp đường “khai trí văn minh” nữa... Cái khó cứ bó cái không.
... Quang Huy, Nô en, Thu Hằng ở lại nhà “ánh sáng Nô en” dăm ngày. Mái dạ mới tươi vàng còn thơm mùi nhựa héo. Vách nứa đan vàng óng. Giường nen tre ken mây dầy xít. Gió đồng lồng lộng thổi qua vườn cây đem hơi mát của lá sương. Đêm trăng vàng to bằng chiếc mâm thay treo lơ lửng đầu nhà. Sáng, chim chìa vôi, bách thanh ríu rít ngoài cửa sổ gióng trúc. Trận mưa bóng mây qua, giọt gianh lanh tanh như ai gẩy đàn tranh. Hương lá sực nức khi nắng hừng lên, những tầng lá mục bốc hơi ngùn ngụt. Tiếng côn trùng đêm khuy ri rỉ. Tiếng gà gáy trưa xao xác.
Ba người tận hưởng không khí đồng quê thơ mộng. Cô vợ ba gà lùn của lão lý trưởng khéo nói khéo chiều, ngày hai bữa cơm hầu hạ toàn món “quê” cua nướng ốc lúi, cà pháo, canh mồng tơi, cá rô don rán giòn, chả lươn bọc lá lốt, xôi đồ trộn trứng kiến... Đồ uống thì nước vói nóng ủ ấm đất.
Mấy cô thôn nữ xinh đẹp áo cộc lụa, váy lĩnh xắn cao lộ những bắp chân nõn nà, đến nhà “ánh sáng Nô en” quay tơ đan áo, hát trống quan, múa đèn, cho Nô en chụp ảnh, cho cậu Cử và tiểu thư Thu Hằng ngắm xem.
Tuần nghỉ thật vui. Chỉ hiềm một nỗi tiếng trống hộ đê từ bờ sông vọng đến thình lình sốt ruột. Đêm khuya, tiếng trống phá đám cảm giác thanh bình. Càng mấy ngày cuối, tiếng trống càng bồn chồn không yên. Cả làng nháo nhác lo lắng. Chắc nước lên to lắm, đê nguy cấp lắm. Chớp nguồn rèn rĩ thâu đêm.
Dân phu đi hộ hê vác tre, rơm lũ lượt. Lão lý trưởng mỗi lần ở đê về hốc hác bơ phờ, cố nở nụ cười:
- Cậu Cử và hai tiểu thư yên tâm. Đê đang được kè. Không việc gì đâu.
Lần nào hắn cũng lặp lại như thế. Cho đến một hôm hắn chạy cuống queo, mắt cắt không còn hạt máu;
- Cậu Cử ơi nguy lắm. Đê sắp vỡ đến nơi rồi. Tôi về chạy lụt cho vợ con đây. Phu hộ đê chạy trốn hết rồi. Quan huyện đánh lý trưởng các làng nát nhừ roi song vì không bắt đủ phu. Có lão lý trưởng còn bị chôn ngập người xuống đất, chỉ hở từ cổ lên vì phu làng ấy trốn hết. Tôi cũng bị mấy hèo. Không trốn nhanh thì tôi cũng chết. Đê núng lắm rồi, giời cũng không cứu được nữa. Mặc mẹ nó, tôi phải về lo cho vợ con đã. Làng này rồi sẽ thành vực, đúng dòng nước xối qua. Không chạy nhanh thì chết không còn một mống.
Tôi sẽ giả triệu đồng từ chức lý trưởng…
Lão chạy như ma đuổi. Nô en và Thu Hằng mặt cắt không còn hột máu, cuống queo.
- Chạy nhanh về Hà Nội, không thì chết ngụp.
- Lên đê chụp cảnh đê vỡ. Dịp may hiếm có. Ảnh đó đăng Nhật trình giá trị lắm!
- Giời ơi, không phải lúc đùa.
Quang Huy nổ máy chiếc “xe hòm”. Khục khặc mãi nó vẫn ỳ ra. Có nhẽ nó không nổ nữa chắc? Cái này là cái chết. Ba người sẽ phải chạy bộ về Hà Nội chắc.
Huy kiên trì quay ma ni ven. Tay dầu mỡ quết nhọ nhem trên mặt. Nô en và Thu Hằng chạy quanh cuống queo, suýt phát khóc. Chiếc ô tô như con quái vật câm lỳ không chịu há mồm khạc ra một tiếng.
- Gọi mọi người đẩy giúp - Thu Hằng sáng kiến.
Mấy cô gái quay tơ múa đền vội đến, giãng chân chèo đùn xe. Con trâu ỳ, chỉ cần quất một roi là lồng lên. Còn chiếc ô tô bốn bánh trơn tru mà đẩy ật ngực chỉ lăn từ từ. Toát mồ hôi, hàng tiếng nó mới “rùng mình bừng tỉnh” phun khói đen xì.
- Tăng ga! Nhanh nhanh!
Chiếc ô tô hốt hoảng chạy trốn chẳng khác gì điệu bộ của lão lý trưởng ban nãy. Chẳng một lần ngoái lại nhìn ngôi nhà “ánh sáng Nô en”.
Có lẽ từ nay nó cạch…
Cô trực tầng khách sạn Du lịch đem vào bó hoa cẩm chướng rực rỡ mà ông già Huy đặt mua.
Đồng hồ chỉ 10giờ. Ông già bồn chồn lại gương nắn ca vát. Một bà nữ tu dòng tu khổ hạnh khắc nghiệt với áo dài đen quết gót vào chơi phòng riêng với một người đàn ông - thật là sự kiện lạ mắt động trời! Nhưng biết làm thế nào. Ta biết hẹn gặp Nô en ở đâu bây giờ. Hay dắt nhau ra ngồi quán. Lại càng không được. Hay đi dòng dòng dạo phố ngồi ghế đá công viên? Bà tu dạo công viên với “tình nhân”! Mặt đất này chưa bao giờ có cảnh đó.
Tại sao đời lại đẩy ta và nàng vào hoàn cảnh đến nối đứng ngồi bên nhau thành một nghịch cảnh không thể chấp nhận được thế này.
Để trao một lá thư phải nhân cớ đến cúng đồ thờ. Ta là người thưởng mà sao phải dùng các biện hpáp của điệp viên khi móc nối.
Nhưng liệu Nô en nhận thư rồi có đến với ta không?
Nàng có còn là cô bé Nô en ngày xưa hay đã biến thành bà Cai nghiệt ngã sắt đá, chai cứng tâm hồn. Hay nàng đã thành người máy chỉ biết ép xác hãm mình đọc kinh xưng tội, lấy roi tự đánh bật máu lưng mình trước bàn thờ Chúa để chứng minh cho sự chân tu khổ hạnh của mình.
Nếu vậy thì sao nàng còn dám đến gặp ta?
Ông già Huy bồn chồn đứng ngồi không yên. Đồng hồ chỉ 11 giờ. Có tiếng có cửa. Ông đứng bật dậy như lò xo.
- Thưa ông, không thành công ạ - Người phu xích lô tốt bụng xuất hiện, lắc đầu ngao ngán.
- Tại sao?
- Cháu chờ đồ thờ đến gần cổng tu viện thì bị hai ba người mặc thường phục chặn lại. Họ là công an, phòng thuế phục kích. Tu viện là trọng điểm theo dõi vì đó là nơi kín đấo để biến thành đầu mối liên lạc của hoạt động tình báo nấp sau tôn giáo. Còn phòng thuế thì rình bắt cà phê hạt của tu viện tuồn bán ra chợ đen với giá cao, không bán già “thu mua” cho Công ty nông sản nhà nước.
Họ khám xét bảo muốn cúng tiến đồ thờ phải có đơn trình bày và được xác nhận của chính quyền cho phép.
Ông Quang Huy ngơ ngác. Xin xỏ cái gì thì mới cần chính quyền cho phép chứ. Vô lý. Có của đem cho làm việc từ thiện tín ngưỡng không được sao?
- Cháu không biết. Cháu phải đem về tất cả.
- Thôi được! Ta sẽ xin phép chính quyền thị xã. Ngày mai anh lại đến đây giúp ta.
Ngày hôm sau, ông già Huy thay bình hoa mới và lại chờ. Giấy tờ đã hợp lệ. Mọi chuyện chắc êm xuôi.
Sao con người muốn gần nhau, gặp nhau lại trắc trở khó khăn thế nhỉ. Vô lý quá đỗi. Nhưng nghĩ sao cho cùng con người bị ngăn cách nhau trên mặt đất này là một định mệnh, không tránh khỏi. Ngày nay trên mặt đất này đầy rẫy cảnh chồng ở xứ lạnh, vợ ở xứ nóng, con ở tây bán cầu, mẹ ở đông bán cầu, anh ở lục địa này, em ở lục địa kia.
Cách nhau cả đại dương đã là chuyện thường tình. Tại sao một phần máu thịt từ mẹ cha tách ra tồn tại thành một cơ thể khác, mà cơ thể ấy lại phải vĩnh viễn cách xa nguồn cội máu thịt của mình. Biên giới chế độ, sự hằn thù, và mọi sự độc ác ngu xuẩn, mặt trái của giống người đã cắt chia những khối máu thịt cùng cội nguồn.
Tại sao ta và Nô en thương yêu nhau là như th, trái tim ta và nàng cùng đồng điệu mà phải cách xa nhau ba mươi năm như một giấc mơ.
Chỉ một việc muốn gặp nhau lại khó khăn biết chừng nào.
Ông Huy vẫn bị ám ảnh bởi bộ mặt hỏng việc của anh phu xích lô hôm qua… Khi có tiếng gõ cửa, ông già chồm dậy lo lắng.
- Xong rồi - Anh phu reo.
- Nhưng Nô en đâu.
- Bà chưa thể đến ngay bây giờ.
- Tại sao?
- Cháu bị dẫn đến bà Nhất giám đốc. Cháu phản đối kịch liệt, đòi trao tận tay bà Nô en. Cuối cùng họ phải mời bà Nô en đến. Ôi bà đẹp như Đức Mẹ ấy, hiền từ dịu dàng quá. Còn bà Nhất thì như con quạ già, mụ phù thuỷ. Cháu trao đồ thờ trong sự giám sát của bà Nhất. Còn lá thư riêng? Làm thế nào? Đấy mới là mục đích. Cuối cùng cháu phải biến báo “Thưa bà giám đốc, cho tôi được nói chuyện riêng với gì Nô en vài phút, thông báo tình hình gia đình ai còn ai mất sau ba mươi năm xa cách dì”. Bấy giờ con quạ già kia mới chịu rời phòng.
Cháu bảo bà Nô en:
- Bà đọc thư đi. Ba tiếng nữa tôi đợi bà ở cổng tu viện chờ bà về khách sạn Du lịch.
Bà Nô en tái mặt run lên bần bật, lắc đầu lia lịa. Vừa lúc ấy mụ quạ già bước vào. Thế là hết. Cháu đành phải rút lui.
Ông Quang Huy gieo mình xuống sa lông tuyệt vọng.
- Thưa ông cháu tin rằng khi đã nhận thư nhất định bà Nô en sẽ tìm cách nào đó gặp ông, không trước thì sau. Thật là thiếu sót nếu ông không chuẩn bị cho bà một bộ đồ cải trang thành dân thường, để đi lại thoải mái trên đường phố.
- Ôi, điều đơn giản ấy mà ta không nghĩ ra. Anh thật thông minh hơn ta gấp bội.
- Cháu sẽ tìm cách chuyển bộ đồ… Cháu đã biết đường đi ngóc ngách trong tu viện. Cháu thích làm việc này. Hãy tin ở cháu…
Ông già Huy bắt chặt tay anh…

*
* *
Thành phố xao xác trong cơn gió bấc đầu mùa. Nắng vàng se se mong manh trên các tàng cây hai bờ đại lộ. Gió vi vút thổi những chiếc lá khô rang trên hè phố. Màu áo len đỏ chói giữa nắng lá vàng.
Tiếng gió nghe buồn, và mặc dù thời gian trong trong như ngân lại không trôi được, đêm vẫn đến lúc nào không biết.
Đèn đường vàng úa. Trinh bước ra phố, vô định. Tấm áo lông thật ấm, dễ chịu, nhưng lòng trống trải buồn tênh. Những chiếc lá khô gió thổi xào xạc quẩn theo chân cô. Hình như đêm nay thứ bẩy, đường dập dìu bóng đèn xe máy xanh đỏ. Người ta chen nhau ở các phố trung tâm.
Chỉ có Trinh đồng hành với những chiếc lá khô trên vỉa hè vắng vẻ.
Ngã tư. Tiếng nhạc náo nức và ánh đèn màu rực rỡ của một câu lạc bộ vũ hội. Bóng những cặp trai gái dìu nhau trong nhịp Tăngô bên cửa sổ. Trinh lắng nghe. Tiếng nhạc réo rắt khơi nguồn một cái gì sôi trào trong lòng. Với thói quen của người quyết đoán, ít do dự Trinh bước lại ghi sê mua vé. Vũ trường sực nức mùi nước hoa và mùi da thịt thiếu nữ dậy thì. Ánh đèn màu quay quay mờ hiện như ảo ảnh trôi theo nhịp Bốttông.
Người ta lặng lẽ chăm chú chuyển điệu nhẩy. Những cặp chơi choai mới lớn, thích “thẩm mỹ phá phách” trang phục các “kiểu quần áo cực đoan” nhẩy như những đôi chim non chuyền cành, mắt ngắm nhau say mê cũng hệt mắt chim.
Trinh ngồi xuống ghế chờ. Có lẽ mình lạc lõng ở đây chăng? Một ý nghĩ buồn tủi chợt đến. Nhưng rồi, chợt bật cười, cô vừa thấy mấy đôi già như đang ngụp lặn trong hồ ước. Tóc hoa râm, tròng mắt bệch bạc, điệu nhẩy bay bướm lịch sự “ga lăng” một cách cổ lỗ, niềm say mê giả vờ để che dấu sự mệt mỏi quá sức.
Họ còn hám hố gì mà đến đây nữa nhỉ. Có khi lại còn đến đều đặn hơn cả bọn thanh niên. Trinh biết có những bà goá chồng, sùng sục đi tìm tình bạn. Trước đầu tắt mặt tối việc gia đình: giờ bỏ hết, chỉ son phấn chải chuốt nhong nhóng đến tối thứ 5, thứ 7 để đi vũ hội; để làm quen, để “tình bạn” với những ông tầm “trẻ đã qua, già đang tới”. Những ông mới “hưu trí” (có khi chưa đến tuổi) kiểm điểm lại đời chẳng làm được cái trò gì, công tác thì chỉ đến chức phó phòng, tài sản thì chỉ đủ ngày hai bữa, bây giờ tiếc đời, cố vươn lên như ngọn đèn trước lúc tắt, “ăn chơi” một chút cho biết mùi đời.
Một ông bạn nhẩy “đúng cỡ” như thế đến cúi chào rất thấp, lịch sự học mót thế kỷ mười tám, mời nhẩy, làm Trinh tự ái.
Cô lắc đầu. Một nỗi giận dữ khó tả. Nhưng hình như cả vũ trường vắng bặt lớp trung niên tuổi Trinh. Hình như cái lứa tuổi “trời đày” này còn đang mệt rũ vì “Tám giờ vàng ngọc” ở cơ quan xưởng máy, mệt rũ vì họp hành đấu đá… hơi sức đâu đến đây nhẩy nhót.
Trinh vẫn ngồi im. Điệu nhạc “Triệu Bông Hồng” say đắm vui tươi. Trinh thật sự thèm có một bạn nhẩy. Chân tay cô dậm dật. Cô đứng dậy lảng vảng quanh sàn, với chủ đích rất “dơ” là tìm một người khả dĩ “xứng đôi vừa lứa”.
Có một bóng đầm đậm, dáng trung niên, đang đứng trong đám người uống bia. Trinh vô thức, rồi chợt cay đắng nhận thấy mình xán đến gần người đó. Người trung niên quay lại. Ối, Trinh suýt ngã bổ chửng: Dục! Và bên anh là cô bé rụt rè như con chim non.
- Cô Trinh đấy à - Giọng Dục chào chiếu lệ.
Trinh lại thấy tủi thân. Sao gia đình đến nỗi này. Anh ruột gặp em gái, chỉ có giọng xã giao vậy sao?
- Huyền, em đem bia mời chị Trinh đi.
Huyền cung kính bưng ly.
- Cám ơn - Trinh níu vai Dục lại, khi anh đang định quay đi - Anh, sao ba ở Ban Mê thuột mãi không về?
- Ba đến viếng mộ mẹ ở đó.
- Biết rồi, nhưng xong thì phải về chứ.
- Anh không biết.
- Ba không thư từ?
- Không, còn em, ba cũng không “liên lạc” sao?
- Tuổi già cố chấp, kệ ba. Sẽ đến lúc ba hiểu ra và hết giận em cũng như hết giận anh.
- Em lo ở Ban mê khí hậu không tốt. Bác sĩ Tuần bảo ba áp huyết cao.
Trên bục, dàn nhạc bắt đầu chơi vào điệu đitscô. Những cặp choai choai bắt đầu tung hoành như con choi choi.
Dục và Huyền hoà vào dòng người đó…

*
* *
… Cửa phòng khép kín, tiếng gió rền rĩ ngoài cửa sổ.
Trinh bật công tắc, chùm đèn loé rực rỡ. Bộ chao đèn pha lê kiểu cung đình tầng tầng lớp lớp những giọt thuỷ tinh. Trông như những giọt lệ ánh sáng.
Trinh chậm chạp thay đồ, mặc kimônô. Đệm chăn rực rỡ trên giường càng gợi vẻ cô đơn.
Ti vi, cát xét, tiểu thuyết trên bàn, mọi phương tiện giải trí khuây khoả chẳng còn ý nghĩa. Không gì át được nỗi buồn bâng khuâng do cơn rét đầu mùa đem đến tặng cho người đàn bà độc thân.
Ly trà nóng trên bàn bốc khói. Một đĩa bích quy. Vẻ ấm cúng giả tạo.
Trinh đi đi lại lại ngắm mình trong gương. Hiện lên người đàn bà xinh đẹp, sắc sảo, quyết đoán. Đoi môi mỏng, đôi mắt to đen rừng rực nồng nàn, dữ dội.
Thật đáng thương cho cái nghị lực kia lúc này. Trinh đặt tay lên công tắc, chỉ một giây là cô tắt. Nhưng chính lúc ấy có tiếng gõ cửa:
- Ai đấy?
- Anh… Kháng đây mà.
- Có việc gì thế anh - Câu hỏi lạnh lùng cứng cỏi.
- Anh đến thăm em.
- Nhưng khuya rồi.
- Trinh… Ngỏ cửa ra em. Ngoài này rét lắm. Cho anh vào sưởi ấm.
- Em nghĩ rằng anh nên đi đi thì hơn.
- Nhưng anh chỉ vào gặp em một lát. Anh không chịu nổi cơn rét đầu mùa.
Trinh đặt tay lên chốt cửa. Xạch! Tiếng mở khoá nhưng chốt cửa chưa kéo hết, người bên ngoài vội đẩy ùa vào.
Kháng đứng sững dưới chùm đèn pha lê. Một thân hình rắn chắc. Đôi mắt mày thép nhạt. Gương mặt đôn hậu và điềm tĩnh.
Ly trà trên bàn đã nguội tanh. Kháng ngồi xuống xa lông.
- Em không rót nước mời anh?
vvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvv- Không!
- Ôi, trắng trợn thế sao? Nhưng anh đang Khát, đang Lạnh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Chính anh đã chọn cho anh tình trạng ấy - Mắt Trinh trân trân như nhìn vào chỗ không người.
- Hãy tự tạo cho mình những khoảnh khắc ấm cúng. Có đủ lửa để nhóm, tội gì chịu lạnh lẽo, em!
- Nhưng sau đó lửa tắt thì lại càng lạnh hơn.
- Em nhìn những bông hoa đào, những con bướm trên chiếc kimônô của em. Kìa! Đẹp quá. Trông như cảnh mùa xuân. Tay Kháng lân la chạm vào giải đai kimônô.
Trinh vẫn bất động.
- Trông em rực rỡ quá - Tay Kháng lẩy bẩy mở nút thắt. Đúng chỗ nút là hình thêu con chim hoàng anh vị vặn vẹo chằng chói.
- Ôi tội nghiệp hoàng anh quá, để anh cởi cho nó thoả chí tung cánh bay. Anh bắt đền em đấy. Sao chằng chói khổ sở chim hoàng anh thế này.
Hai cánh sáo của kimônô dã được banh rộng, lộ ra khuôn ngực nõn nà và cặp đùi tròn trặn.
- Đóng lại -  Tiếng Trinh sắc lạnh.
- Anh van em. Hãy thương anh…
- Thắt lại như cũ.

- Anh khổ quá, anh chết mất.vvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét