Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Từ “Hoa sữa” tới “Mối tình đầu” – sự sơ ý hay đạo văn?


Khi tra trên Google cụm từ “Hoa sữa//Nguyễn Phan Hách”, chỉ sau 0 phút 30 giây, ta nhận được 6.020 kết quả hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu. Tiến sâu vào từng địa chỉ mà Google thông báo, sẽ gặp một điều hết sức thú vị: rất nhiều bạn trẻ chép nguyên bài thơ đó trên trang cá nhân của mình hoặc trên diễn đàn, kèm theo là bao lời bình luận đầy ưu ái. Có những ý kiến tranh cãi về việc ca khúc “Mối tình đầu” của Thế Duy sao có ca từ giông giống với bài thơ này. Lại có ý kiến khẳng định ca khúc “Mối tình đầu” là do Thế Duy phổ nhạc bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách. Những điều này cho thấy bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách có sức sống mãnh liệt thế nào.
Để đi tới tận ngọn nguồn, ta cùng đọc bài thơ “Hoa sữa” và ca từ của bài “Mối tình đầu”
HOA SỮA
                          Nguyễn Phan Hách

Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Một  sớm mai,
em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh

Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay….

Đau khổ, buồn, nhưng éo le thay
Không phải thời Rômêô và Juliét
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa mỗi phương.

Chỉ mùa thu còn tròn vẹn yêu thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của tình yêu đầu nhắc nhớ
Có hai người xưa đã yêu nhau…. 
Mối Tình Đầu
Ngày xưa, tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ. 
Tóc em dài như gió mùa thu. 
Ngày xưa, khi hoa sữa thơm ven mặt hồ, 
Theo năm tháng em lớn từng ngày.
Những kỷ niệm không bao giờ phai.
Và khi một ngày xuân em trở thành thiếu nữ, 
Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu.
Mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ. 
Khi tôi đã biết yêu lần đầu, 
Tôi đã nói yêu em trọn đời.
Không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ,
Như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu.
Tôi đi xa thủ đô nhớ về người thiếu nữ.
Tôi thêm yêu quê mình,
Yêu những đêm thanh bình. 
Hoa sữa thơm ven hồ,
Nhắc lại chuyện ngày xưa.
( ngày...) ...........xưa.

Cứ mỗi khi thu về, hoa sữa thơm ven hồ, 
nhắc lại chuyện tình xưa…
Trước khi nói về mối quan hệ giữa bài thơ và ca khúc trên đây, tôi xin nói qua về việc phổ nhạc cho thơ, một việc làm bình thường, có truyền thống từ ngàn xưa và phổ biến khắp nhân gian. Với một bài thơ, có thể phổ nhạc, có thể trích thơ, có thể phỏng thơ.
Khi gặp một bài thơ có cấu trúc phù hợp với hình thức âm nhạc, (thường là có hai đoạn đơn và một phần tái hiện, tương đương với khoảng 4 – 5 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu), người ta có thể phổ nhạc. Có nghĩa là nhạc sĩ giữ nguyên bài thơ và truyền vào đó giai điệu, nhịp điệu để trở thành ca khúc. Khi ấy, ca từ và bài thơ gần như trùng khít. Nhạc sĩ có thể thay đổi hoặc thêm bớt một vài từ/cụm từ nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của bài thơ.
Khi gặp một bài thơ dài, cấu trúc phức tạp, không phù hợp với hình thức ca khúc, người ta có thể trích thơ. Nhạc sĩ chọn một số đoạn phù hợp nhất để chuyển thành ca từ. Lúc ấy, bài thơ không còn nguyên vẹn nhưng từng đoạn lại được giữ nguyên.
Với hai trường hợp trên, hình hài bài thơ hiện rõ trong ca từ, cho nên  dù không muốn công bố tên tác giả bài thơ, thì nhạc sĩ vẫn không dấu được mối quan hệ giữa ca từ và bài thơ.
Riêng với trường hợp gặp bài thơ hay, nhưng cấu trúc không phù hợp với ca khúc, thì nhạc sĩ chỉ dựa vào ý tứ và một ít câu từ của bài thơ mà sáng tạo nên ca khúc. Khi ấy, bài thơ gần như bị tan biến hết hình hài, chỉ còn giữ lại được cái thần của mình trong ca khúc.
Trường hợp “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách đi vào âm nhạc của Thế Duy lại hơi đặc biệt. Nhìn vào cấu trúc bài “Hoa sữa”, thấy nó phù hợp với một ca khúc và có thể giữ nguyên để phổ nhạc. Thế nhưng Thế Duy lại “xẻ” bài thơ ra làm nhiều mảnh, chuyển đổi, thay thế để tạo thành lời ca. Thực ra, làm như thế cũng không có gì đáng “soi”, vì đó là cách thức sáng tạo riêng của nhạc sĩ. Thế nhưng, dáng trách ở chỗ Thế Duy quên bẵng tên tác giả bài thơ, khi công bố tác phẩm chỉ ghi có mỗi tên mình. Mà dù có bị biến dạng đi như thế nào, thì “Hoa sữa” vẫn cứ hiển hiện lên trong Mối tình đầu. Trước hết là ý tứ của bài thơ “Hoa sữa” đã trở thành chủ đề xuyên suốt của âm nhạc “Mối tình đầu”. Tiếp đến, là có 4 câu thơ được lấy gần như nguyên vẹn:
Dưới đây là bảng so sánh những chỗ trùng khớp giữa ca từ “Mỗi tình đầu” với bài thơ “Hoa sữa”:
HOA SỮA của Nguyễn Phan Hách
MỐI TÌNH ĐẦU của Thế Duy
Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Theo năm tháng em lớn từng ngày.

Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ
 hoa sữa thơm ven mặt hồ
Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu.

em bỗng thành thiếu nữ
em trở thành thiếu nữ
Với cách hô “biến” của người khác thành của mình như trên, Thế Duy vẫn không dấu được sự đạo văn của mình, mặtkhác lại thời làm cho ca từ mất hay đi, Tính cảm xúc, tính biểu tượng của bài thơ đã nhạt đi nhiều sau những động tác cắt dán của Thế Duy.
Nhạc sĩ Phú Quang đã từng nói rằng khi mượn thơ của người khác, cho dù chỉ là ý tứ hay mấy từ ngữ, ông cũng ghi rõ tên tác giả thơ và công bố tác giả thơ ấy là đồng tác giả của ca khúc do mình sáng tạo nên. Trong trường hợp Thế Duy, không những ý tứ mà rất nhiều câu chữ của Nguyễn Phan Hách đã được sử dụng cho ca khúc “Mối tình đầu”, mà nhạc sĩ quên bẵng nhà thơ, quả là không thể chấp nhận được.
Khi được hỏi về tình trạng bài thơ của mình bị Thế Duy đạo vào ca khúc, nhà thơ Nguyễn Phan Hách chỉ cười xòa. Ông vốn rộng lượng và hồn nhiên. Tuy vậy, đây là hiện tượng không lành mạnh, không thể bỏ qua – nó vừa vi phạm  chuẩn mực của người sáng tạo, vừa vi phạm Luật Quyền tác giả. Cách tốt nhất để sửa sai là nhạc sĩ Thế Duy công khai  hợp tác cùng nhà thơ Nguyễn Phan Hách, ghi tên nhà thơ cùng với tên mình trong tác phẩm. nếu không, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cần vào cuộc, thực hiện đúng chức trách của mình, đem lại công bằng cho nhà thơ và kỷ cương cho xã hội.

Phạm Việt Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét