Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Gặp lại

Ông Tuyên xuống tắc xi, đi qua lối phố cổ như mê cung, mạng nhện, hỏi thăm số nhà 45 Bis ngõ Mã Mây. Những ngôi nhà gạch từ đầu thế kỷ, hai tầng, tróc lở, không được phép sửa chữa, vì trong diện bảo tồn. Người “hiện đại” phải ở trong tiện nghi thời cổ. Tiếng chuông reo một nhịp, cửa mở, ông Tuyên hồi hộp:
- Bà là bà Trầm?
- Dạ vâng... ông là...
Hai ông bà cùng reo. Vừa đoán vừa nhận ra nhau. Căn phòng nhỏ xúi, đầy ắp đồ đạc, gác lửng thấp lè tè trên đầu. Bà Trầm tóc bạc phơ nhưng da hồng hào, người đậm đà. Còn ông Tuyên thì đĩnh đạc phong độ, duyên dáng với chiếc mũ phớt trên đầu.
Chủ nhà tíu tít pha trà, mở bia, bày hoa quả, bánh kẹo...
- Ông mới ở Mỹ về...?
- Vâng. Tôi về đầu tháng, hôm nay có dịp đến thăm bà.
- Cám ơn ông. Thế bà nhà ta có về không ạ?
- Không. Nhà tôi không về được, nhưng gửi lời hỏi thăm bà, và có quà biếu bà...
- Bà chu đáo quá. Em cám ơn. Thực ra thì em và bà đã gặp nhau lần nào đâu.
- Bà ở đây một mình? Các cháu ở riêng cả?
- Dạ vâng. Cháu đầu ở Sài Gòn. Cháu thứ hai ở Hà Nội. Nhưng em thích ở riêng một mình, nhà cũ phố cổ này, quen rồi, gần gặn ,chẳng muốn ra chung cư xa.
- Ông nhà ta...
- Nhà em mất cách đây mấy năm rồi.
- Trông bà, dù già, vẫn có nét của ngày xưa.
- Trông ông cũng vậy. Chẹp. Nhanh quá ông nhỉ. Mới đấy với đấy mà đã hết một đời người. Ông năm nay 72 tuổi nhỉ. Còn em 75. Em vẫn nhớ hơn ông ba tuổi.
Ông Tuyên cười hì hì:
- Ngày xưa tôi với bà... Năm ấy là năm 1948 bà nhỉ.
*
*    *
Năm 1948, ngày ấy cái bé Trầm 16 tuổi, chớm dậy thì, xinh xắn. Một hôm cái bé Trầm vừa đi cấy về đến đầu sân thì thấy trong nhà có khách. Mấy bà xà tích bao sồi, váy lĩnh đang chuyện trò điều gì trang trọng. Một mâm son đầy cau liên phòng với xếp lá trầu không xanh mượt đặt trên ban thờ.
- Con vào chào các bà đi - Bà mẹ bé Trầm gọi.
Linh cảm làm Trầm giật thót.
- Vào đây con - Bố Trầm giục, rồi quay lại phân trần - Cháu có lớn mà chả có khôn, không mau mồm mau miệng - Vào đây cho các bà xem mặt nào...
Trầm chạy ù xuống bếp òa khóc. Trời ơi, người ta đến dạm hỏi Trầm. Nhưng là ai? Dạm hỏi cho ai? Sao bố mẹ không nói gì với Trầm một lời.
Những bà mối dạm hỏi ra về rồi, mẹ Trầm mới xuống bếp:
- Mẹ gả con cho thằng Tuyên con ông Tân. Nhà ấy "so gốc rạ" môn đăng hộ đối với nhà mình.
- Trời ơi, thằng Tuyên còn "thò lò mũi" mẹ ơi - Trầm khóc to.
- Cái gì đấy - Bố Trầm xuống, tay cầm cái roi mây, mắt lừ lừ - Mày khóc cái gì. Hàng xóm nghe thấy rồi đến tai nhà người ta, thì tao còn mặt mũi nào nữa.
- Nó chê thằng Tuyên còn "thò lò mũi" - Mẹ nói.
- Nó 13 tuổi rồi. Tao đã nhờ "Ông thầy" xem. Mày 16, nó 13, là hợp tuổi.
- Nhưng sao...
- Sao với giăng gì. Chúng mày trẻ ranh biết cái gì. Nói trước với mày, mày chối đây đẩy, mày khóc làm "dông" cả đời à. Tao tính chán rồi chứ mày tưởng. Bên nhà ông Tân hiền lành, thằng Tuyên đang học tiểu học, nghe nói học giỏi. Người ta có ruộng nhưng neo người làm, muốn kén con dâu lớn tuổi về nuôi chồng ăn học thành tài. Mày rồi thì rất sướng. Gái có công, chồng chẳng phụ. Sau này nó thành ông Ký, ông Phán, mày thành bà Ký bà Phán
Mẹ Trầm cười khì khì:
- Thế mà lại còn khóc
 Ông Bố tiếp:
- Hôm nay nó bé. Nhưng vài năm nữa nó lớn, chứ nó bé mãi à, con ngu.
Trầm chùi nước mắt:
- Nhưng bố mẹ phải hỏi con một câu chứ. Nhỡ bố mẹ gả con cho thằng sứt môi lồi rốn, con cũng phải chịu à...?
Mẹ Trầm cười khanh khách. Ông bố cũng mủm mỉm.
- Đẹp có mài ra mà uống… "So gốc rạ" thì...
- "So gốc rạ" là cái gì mà mẹ cũng nói, bố cũng nói.
- Rõ thật con đần, lớn xác bằng ấy mà còn không biết. Tức là số ruộng nhà nó có, so với nhà mình. Các cụ không nói số sào, mẫu, mà nói bằng hình ảnh các gốc rạ, gốc lúa.
Trầm bĩu môi:
- Thế con nhà nghèo thì ế à?
- Nhà nghèo lại lấy nhà nghèo.
So gốc rạ nhà mình có 1 mẫu 5 sào, nhà Tuyên có 1 mẫu 6 sào. Thế là môn đăng hộ đối.
- Con chả cần "so gốc rạ"
- Không so, lấy nhau về chết đói à.
Ở cái làng Ngò Bến này, từ đồi xưa, quen thói tảo hôn. Con còn vắt mũi thò lò, hai bên bố mẹ đã đính hôn, cưới gả cho con, có đám rước dâu, chú rể còn phải cõng. Con gái chưa đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên đã có người dạm hỏi. Có đám, đứa trẻ cưới xong ,được hoãn vài năm chờ lớn mới về nhà chồng, nhưng cũng có đám phải về ngay.Vì thế có câu ca rằng:“Lấy chồng từ thuở mười lăm/
Chồng chê tôi bé chẳng nằm với tôi/Đến khi mười tám đôi mươi/Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường/Một rằng thương hai rằng thương/Có bốn chân giường gẫy một còn ba...”
Hoặc ngược lại: “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng...”
Chuyện tảo hôn quá phổ biến, nên thằng bé Tuyên lấy cái Trầm ngày ấy là bình thường. Hôm cưới, thằng Tuyên được tiền mừng tuổi, ra ngay hàng Xén mua bi ve về đánh đáo.
Trầm về làm dâu nhà Tuyên được nửa năm thì một đêm, ông Tân bố Tuyên bí mật rời nhà đi hoạt động Việt minh chống lại phe "Quốc gia". Nhà chỉ còn lại ba mẹ con. Trầm nai lưng ra cày cấy lấy tiền nuôi Tuyên ăn học. Vợ chồng trẻ ranh coi nhau như người dưng nước lã, chả bao giờ nói với nhau một câu. Bữa ăn, ngồi cùng mâm, nhưng chẳng ai nhìn ai. Tối, chồng ngồi học bài đèn lòi lọi nhà ngoài, rồi ngủ luôn trên tràng kỷ. Vợ ngủ trong buồng, nép vào góc giường rộng rênh.
Bất đắc dĩ khi cần nói với nhau thì vợ chồng nói trống không. Đại để kiểu: "Ai ơi ai về ăn cơm/Cơm ai nấu/Nấu chứ ai..."
Có lần Trầm thay quần áo trong buồng, thịt da nõn nà trắng muốt, bắt gặp Tuyên đang dòm qua khe liếp. Bốn mắt giao nhau, Tuyên xấu hổ chạy biến. Lần khác, Trầm tắm cầu ao đêm trăng cũng thấy Tuyên sau bụi chuối nhìn trộm. Mẹ đi vắng, nhà chỉ có hai người, Trầm không mặc áo, cứ để mình trần trắng lóa đẫm ánh trăng, đi vào sân. Nhưng Tuyên vẫn chỉ dám nấp nom.
- Cầm hộ cái khăn ra đây một tý - Trầm gọi bâng quơ. Nhưng Tuyên không dám. Trầm mỉm cười. Chồng Trầm còn bé quá...
Tuyên lên tỉnh học lớp Đệ thất. Trầm gánh gạo lên gửi nhà trọ. Giữa phố xá, các cô gái đi dép săng đan, áo tân thời, tóc phi rê, hình ảnh Trầm chân đất, quần nái đen, áo nâu cánh gián, tóc đuôi gà... làm Tuyên xấu hổ, lảng xa. Bà chủ trọ phải đon đả đón chào thay để Trầm đỡ tủi thân. Lúc ra về, thấy bóng Tuyên đứng đầu phố nhìn mình, Trầm quay lại vét đồng bạc duy nhất trong túi đưa cho chồng:
- Cầm lấy mà tiêu.
Đường về, qua sông, Trầm phải chịu cả tiền đò...
Ngày trước thì Trầm chán, chê chồng bé. Bây giờ Tuyên lên tỉnh học, chê vợ "nhà quê". Hai bên chửa bao giờ thân thiết.
Tuyên học xong Đệ ngũ thì có tin về làng đã bị bắt đi lính “ Quốc gia.” Phe quốc gia tổng động viên, lấy lính chống lại phe Việt minh ,không thì thua to. Việt minh đã quá lớn mạnh. Ngoài phố Hà Nội, "Quốc gia" chăng dây các ngã tư đường phố, thằng thanh niên nào đi qua, chạy ra tóm lấy bắt vào lính. Tuyên lớ xớ ra Hà Nội làm gì đó, đã bị bắt như thế. Có trình độ Đệ ngũ, nên được cho vào trường sĩ quan võ bị Đà Lạt.
Trầm lên nhà trọ trên tỉnh, lấy quần áo sách vở của chồng về...
Hai bên "Quốc gia" và Việt Minh đánh nhau to nhiều trận ở đâu, tiếng đại bác ì ầm về tận làng Ngò Bến. Tin đồn Việt Minh sắp chiến thắng đến nơi. Thầy giáo tiểu học trường làng đọc báo Tia sáng bảo Hội nghị “ Giơ- neo”đã họp xong.
Ngày 27 tháng 7 năm 1954 sẽ là ngày đình chiến. Phe Quốc gia về miền Nam ở. Miền Bắc của phe Việt Minh. Hai bên không đánh nhau nữa.
Quả nhiên ngày 27 tháng 7, ông Tân đi Việt Minh "biệt vô âm tín" mấy năm nay, giờ về làng, vai đeo túi dết quấn khăn mặt bông, quần màu xanh công nhân, áo màu xanh hòa bình, tay cầm quyển Họa báo Liên Xô. Nghe nói ông là Ủy viên Ủy ban một tỉnh nào đó, chức rất to, nhưng trớ trêu thay lại có thằng con giai ở nhà vào trường sĩ quan võ bị Đà Lạt của phe “Quốc gia.” Kiểu này thì trước sau ông cũng bị hạ chức. Quả nhiên, không lâu, không còn thấy ông được đi xe Commăngca đít vuông về làng nữa, mà là đạp xe đạp, lầm lũi, cay cú. Tin đồn ông phải chuyển sang làm chức chuyên thu thuế nông nghiệp, là chức cà là tèng, ai cũng làm được.
Trầm ở nhà chồng bây giờ bị liệt vào thành phần: "Có chồng vào Nam theo địch". Lý lịch rất xấu, cần theo dõi. Bố Trầm gọi con gái bỏ nhà chồng, về nhà mình. Đau đớn, cay cú vì tính sai nước cờ cuộc đời, mộng mơ cho con gái làm bà ký, bà phán, ai ngờ lại thành vợ thằng phản động...
 Miền Bắc sau hòa bình, không còn chiến tranh, cuộc đời phơi phới, riêng Trầm hậm hụi, hẩm hiu. May sao đúng lúc ấy, có một anh cán bộ Ủy viên ủy ban Huyện về chỉ đạo công tác xã, thấy Trầm xinh đẹp, người chắc lẳn như cơm nắm, anh mê tít, nhất định lấy làm vợ. Người khác thì sợ hết vía cái lý lịch “vợ sĩ quan ngụy” của Trầm, nhưng anh là người miền Nam tập kết ra bắc, nên chẳng sợ gì. Tổ chức can ngăn, anh mặc kệ. Nóng tính và phát khùng, anh tuyên bố: “Tôi ra đây, không người quen, thân thích, “Mậu dịch quốc doanh” có lấy vợ cho tôi được không
Họ hàng nhà Trầm quý anh, vì anh cư xử tốt. Đêm chiếu bóng sân đình, anh mua cả nắm vé, đứng đấy, cứ thấy ai hàng xóm nhà Trầm, là biếu. Đám cưới anh, chỉ có ăn kẹo, hút thuốc lá, cơ quan Huyện không ai đến dự. Anh không cần, bất chấp tuốt. Anh bị mất chức Ủy viên, Uy ban, chuyển sang làm cán bộ Thương nghiệp, tức là chân chuyên mua bán hàng hóa, chẳng có ý nghĩa chính trị gì. Nhưng cũng nhờ đó mà anh xin được cho Trầm đi bán hàng mậu dịch trên Huyện. Hình như anh có bạn cũng người miền Nam tập kết, làm chức to trên tỉnh, đồng hương thương nhau, "bao che" cho anh. Nghe đồn sau ngày cưới anh đã bị "giam" một tuần để kiểm thảo. Lấy vợ của sĩ quan ngụy đâu phải chuyện đùa...
Trầm có hai đứa con thì anh được lệnh trở lại miền Nam chiến đấu. Năm ấy là năm 1964, các cán bộ miền Nam tập kết đều lục tục trở về. Đang từ "lý lịch xấu", giờ Trầm thành lý lịch tốt, tốt nhất là đằng khác. Được ưu tiên đủ thứ. Đi học trường Bổ túc công nông, trường Chính trị, để làm cán bộ lãnh đạo. Rồi được chuyển ra Hà Nội, được phân nhà trong phố cổ, con cái vào trường "Học sinh miền Nam" nhà nước nuôi từ bé... Chỉ có điều số Trầm là số “có chồng mà suốt đời chăn đơn gối chiếc”. Số đã vậy, không cựa đằng nào được. Xưa lấy Tuyên phải cô đơn, giờ lấy Huyến (tên người chồng miền Nam) cũng phải cô đơn. Vò võ ở một mình. Huyến đi chiến đấu trong Nam suốt 10 năm, không tin tức. Dù “công tác có tiến bộ” đến mấy thì đàn bà con gái ở vò võ một mình cũng khổ. Trầm nén chặt nỗi khát khao nhục cảm thời thanh xuân trong danh vọng vợ người đi chiến trường xa. Trầm gầy đét đi như cá rô đực, vú tóp lại, và thăng chức đều đều, bằng chiến sĩ thi đua treo đầy nhà.
Giải phóng miền Nam 1975, thống nhất đất nước, Huyến, chồng Trầm trở về, da vàng ệch sốt rét, cổ quấn khăn rằn, trong người còn hai mảnh đạn chưa gắp ra được. Anh là niềm tự hào của cả phố vì ngực đầy huân chương, vì là người đầu tiên trong phố có xe máy Honđa, quạt máy, cát xét Naxionna, ti vi Sanyo, tủ lạnh Shap.
Anh làm chức gì đó khá quan trọng trong Ủy ban thành phố, nhưng chỉ được vài năm thì đến tuổi phải về hưu. Tuy vậy anh vẫn còn kịp cùng vợ đẻ thêm một đứa con nữa, và Trầm đã "nở thịt da" sau sinh, béo lại, vú phồng to... cũng như tính tình bớt khô cứng.
Trầm về hưu cùng một đợt với chồng, chỉ còn sinh hoạt trong chi bộ tổ hưu đường phố, chủ yếu vận động không vứt rác ra đường, và đề đạt cấp trên sửa chữa đường xá, cống rãnh, nhưng xem ra chẳng mấy khi có kết quả, vì hình như mục này thuộc Dự án của bọn nước ngoài đầu tư, mà bọn này nó không chịu học tập nghị quyết chi bộ đường phố...
Một hôm Trầm về quê, nghe tin Tuyên đang bị tù tại trại giam miền núi Nước Vàng cách Hà Nội 100 cây số. Tuyên là đại tá trong quân đội Sài Gòn cũ, đang "học tập” tại đây. Ngày 30 - 4 - 1975, Tuyên không chạy thoát sang Mỹ.
Trầm thấy lòng xao động. Suốt mấy chục năm nay, Trầm đã quên đứt Tuyên. Không hiểu sao, nghe tin này,  Trầm bỗng nghĩ vẩn vơ. Sống lại kỷ niệm một đoạn đời thơ trẻ, từ buổi bố Trầm cầm cái roi mây xuống bếp, đến những gánh gạo lên tỉnh nuôi Tuyên ăn học.
Trầm cười cười kể lại với Huyến như kể một chuyện cổ tích. Huyến bảo:
- Người ta gặp bước hoạn nạn do đường đời, số phận. Anh nghĩ là nếu em đến thăm anh ta, anh sẽ không phản đối. Người trong tù thường thối chí, chán đời, tuyệt vọng. Có người đến thăm sẽ động viên, an ủi, nâng đỡ tinh thần người ta tin yêu vào cuộc sống, hướng thiện. Người ta sẽ bớt cảm giác bị vùi dập, ném ra ngoài rìa cuộc sống.
- Anh nói thật không?
- Sao không thật.
- Nếu em đi, các con có phản đối không?
- Các con càng thấy mẹ là người nhân ái, đáng kính phục hơn.
Thế là Trầm, nguyên phó bí thư Đảng ủy cơ quan, tay xách nách mang quà cáp đến trại giam.
- Cho biết quan hệ với "thành viên trong trại", Đại úy Công an thường trực, khi làm giấy tờ, hỏi... - Ví dụ như là vợ chồng, anh em, bố mẹ, bạn thân...
"Thành viên trong trại", chữ nghĩa sao mà ưu ái, Trầm nghĩ .Trầm khai quan hệ: là anh em họ. Khi Trầm xuất hiện, Tuyên hoàn toàn kinh ngạc, không nhận ra ai. Mấy chục năm, anh cũng đã quên hoàn toàn Trầm. Phải nói  một lúc, Tuyên mới nhớ ra . Khi nhớ ra rồi, Tuyên rơm rớm:
- Cám ơn Bà. Không ngờ Bà còn nhớ đến tôi.
Hai người nói chuyện khoảng ba mươi phút. Đó là lần đối thoại dài dòng với nhau đầu tiên trong đời hai người, bởi ngày xưa, họ chỉ nhát gừng, trống không với nhau vài câu ,dù gánh gạo lên tỉnh nuôi nhau...
... Ngày 30 tháng 4, trong khi Tuyên thường trực ở đơn vị chiến đấu thì vợ con ở nhà được máy bay trực thăng bốc ra tàu ngoài khơi. Sang Mỹ được nhà thờ Tin lành giúp đỡ, cuộc sống dần ổn định. Hàng tháng vợ Tuyên đều đặn gửi quà thăm nuôi qua đường Bưu điện cho Tuyên. Tuyên cũng sắp mãn hạn "học tập" và theo nghị định đã ký giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam, theo chính sách nhân đạo của cả hai bên, những người "Sài Gòn cũ", sẽ được sang Mỹ đoàn tụ gia đình, sau khi mãn hạn tù.
Chuyến thăm ấy của Trầm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Tuyên. Và đến khi sang Mỹ sau này, Tuyên luôn kể chuyện với mọi người...
... 10 năm nữa lại trôi qua, Tuyên đã ngoài 70 tuổi. Nỗi nhớ quê da diết, thôi thúc Tuyên trở lại làng xưa Ngò Bến, trở lại Sài Gòn, Hà Nội. Việc ấy chẳng khó khăn gì. Và do đó, hôm nay, Tuyên đã có dịp có mặt tại đây, nhà 45 Bis ngõ Mã Mây này...
... Chuông đồng hồ quả lắc cổ kính trên tường điểm 10 tiếng. Tiếng chuông cổ gợi thời gian xưa. Câu chuyện của hai ông bà già vẫn ríu rít. Ông Tuyên ôn lại các kỷ niệm thời xưa, kể chuyện đời sống bên Mỹ, kể kinh nghiệm khắc phục bệnh tuổi già
- Tôi chả có gì biếu bà cả. Chí có ít thuốc. Thuốc Mỹ tốt lắm. Toàn loại thuốc bổ, không cần kê đơn. Bổ tim mạch, tuần hoàn não, xương cốt... Các loại này mỗi ngày bà uống một viên. Uống đều trong ba năm, cũng là lúc thuốc hết hạn sử dụng. Rồi tôi lại gửi về cho bà, nhờ người xách tay, uống một đợt ba năm nữa, rồi cứ thế tiếp theo.
- Còn sống được mấy đợt ba năm nữa hở ông - Bà Trầm đùa.
Nắng ngoài ban công chan chứa. Có tiếng chim gáy cúc cù cu bên bụi trúc. Bà Trầm treo lồng chim này đã lâu. Bà thích tiếng cúc cù cu gợi nhớ cảnh trưa hè nhà quê.
- Để em sắp mâm cơm gạo dự, canh cua đồng, cà pháo muối sổi, đúng kiểu ngày xưa mời ông ăn nhé... - Bà Trầm nói.
Ông Tuyên cảm ơn. Tiếng cúc cù cu ngoài ban công vọng vào nghe buồn da diết. Hà Nội hôm nay sang thu, xao xác nắng vàng.
7-3-2013


 vvvvvvvvvvvvvv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét