Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012
















Hội làng Quan họ



Ký của Nguyễn Phan Hách



     Tôi thường mời các bạn bè Hà Nội về Hội làng Bắc Ninh. Ngày 13 tháng giêng là một ngày vui. Đi khắp các nơi, chỗ nào cũng thấy âm âm tiếng trống hội vọng ra từ các bờ tre. Bóng cờ ngũ sắc phấp phới. Cảm giác náo nức lạ lùng.

     Tôi thích đến những làng xa, khuất nẻo. Cổng quê, đầu ngõ, có những chiếc quán đá cổ, cột  nhẫn mòn, trai gái hát Quan họ “cây nhà lá vườn” ở đấy. Nhưng cũng có khi là những ông bà già giọng khàn đục ,hát như một nghi lễ tôn giáo. Hội làng Việt Nam thường có các “nghi lễ Hát”. Hát để vui chơi, nhưng cũng còn là để thờ thần. Sau các màn tế lễ, có  tiết mục hát. Ca trù là một ví dụ. Ca trù thường ròn vang sênh phách trong đèn nến hương nhang…

Quan họ cũng thế. Quan họ có màn hát trước cửa đình, và đó là điều lạ nhất. Những câu hát tình yêu giao duyên say đắm lại đồng thời là những câu hát thờ thần. Năm nào làng xưa cũng phải mở hội. Có hát thì mới “hòa cốc phong đăng”. Nếu không thời tiết trái nghịch, dịch bệnh, mất mùa. Nhiều làng cổ tỉnh khác, còn có các nghi lễ phồn thực. Vừa hát vừa diễn tả nghi lễ phồn thực. Vậy hát đã là “nghi lễ tôn giáo” từ bao đời nay. Quan họ cũng có nét đó. Nhìn các ông bà già nghiêm trang hát, tôi thấy một cái gì thiêng liêng trong các làn điệu mà tôi tưởng đã quá quen thân.

     Quan họ réo rắt đắm say. Hát hay thì khó, nhưng hát bình thường thì ai cũng hát được. Có thể nói là dễ hát. Vì thế có làng cả làng biết hát. Chả lẽ lắm “ca sĩ” thế. Có giọng khó lắm chứ. Nhưng đây là quan họ... Ai cũng có thể là “ca sĩ” khi hát karaôkê  có nhạc đệm đỡ giọng. Và ai cũng có thể là “ca sĩ” khi ở Làng Quan họ. Từ bé đã nghe mẹ hát ru những làn điệu này. Giai điệu đã ngấm vào máu. Sữa mẹ nuôi em bé lớn. Và tiếng hát ru Quan họ của mẹ nuôi tâm hồn em bé. Vì thế hát có khó gì. Tôi đã thấy nhiều nhà gần như một đoàn văn công. Bố mẹ hát. Con giai, con gái, rồi con rể, con dâu hát. Lại cả ông bà thông gia cũng hát. Tôi đã đến một gia đình như thế. Cả nhà “biểu diễn” kéo dài suốt buổi tối. Đủ cả tiết mục đơn ca, song ca, hát bè ,hát đối... Bố hát đối với bà thông gia, vì hợp giọng nhau. Chồng lại hóa trang ông già đứng  hát với vợ đóng vai cháu gái đi hội. Buồn cười lắm, và vui lắm. Mẹ đóng vai “bạn hát” với con dâu. Con rể đóng vai “bạn hát” với bố vợ...

     Một người khách nước ngoài xem đêm hát tại nhà hôm ấy đã thốt lên: Đây là cuộc hát kỳ lạ nhất mà tôi được dự. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào có màn hát như thế này. Người khách là tham tán văn hóa sứ quán Pháp. Tôi làm việc ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, khá quen thân ông. Năm nào ông cũng dành  cho Nhà xuất bản chúng tôi một ngân khoản tài trợ dịch in vài ba cuốn tiểu thuyết Pháp. Và tôi có nhiệm vụ phải giới thiệu văn hóa quê tôi cho ông biết. Có lần nghệ sĩ Thúy Cải (hồi ấy làm trưởng đoàn quan họ) đã tổ chức cả một buổi biểu diễn nhẹ, hát riêng cho ông nghe. Ông cảm động suýt khóc. Ông nói: “Đời tôi chưa bao giờ được vinh dự thế này. Sao Quan họ của các anh lại có thể hay đến như thế. Sao những người nông dân lam lũ, không biết chút gì về nhạc lý, về “đồ rê mi pha son” lại có thể “xuất khẩu thành nhạc” tạo nên một hệ thống làn điệu phong phú, diễn tả được mọi cung bậc của tâm hồn”. Ông đòi tôi đưa đến nhà một người dân thuần phác nào đó. Tôi đưa đến nhà một người quen ở Phật Tích. Bà mẹ nằm hát ru con ngủ trên võng. Ngoài vườn các tàng trám cổ thụ, trám  vàng như sao chiều rụng lộp bộp, cu cườm hót líu lo. Mái ngói rêu mốc, bến đá, ao sen, nắng hanh vàng, tiếng gà trưa cục tác... Ông trầm ngâm: thanh bình quá, thơ mộng quá, chả trách có những  làn điệu dân ca này là phải.

     Tôi nói tiếng Việt giàu thanh điệu. Nặng, sắc, huyền, hỏi, ngã là năm cung bậc của âm nhạc rồi còn gì. Tiếng miền Trung còn réo rắt hơn. Có bà mẹ mắng con vì nó đánh vỡ đồ. Đại ý bà nói: mày là đồ phá hoại, lát nữa bố mày về, bố mày sẽ rầy la... Giọng của bà phát âm ra thành thế này: Đồ mi là đồ mi phá. Cha (pha) mi về (rề) là cha (pha) mi la... Toàn các nốt nhạc nhé...

     Ông Tham tán cười ngất. Đúng là tiếng Việt du dương thật. Những bài dân ca xứ này say đắm là điều dễ hiểu.



*  *  *

  *  *

    *







    

Mỗi năm đến Hội Lim ,ở Hà Nội có bao nhiêu người chờ đợi. Nhiều nhóm “sành điệu” đặt trước một nhà hàng sang trọng của Bắc Ninh. Một đêm tiệc tùng, một đêm biểu diễn quan họ riêng cho các thực khách. Vừa ăn vừa nghe hát. Bắc Ninh giờ có bao nhiêu “gánh hát quan họ” nghiệp dư nhưng biểu diễn rất chuyên nghiệp. Nhiều đám cưới không thể thiếu quan họ. Những cô gái đội nón ba tầm, khăn mỏ quạ, áo tứ thân, đem vào đám cưới không khí hội hè dân tộc.

     Tôi thích được đứng  “song ca” với các “diễn viên” này, rồi chụp một kiểu ảnh. Bao nhiêu lần thế rồi mà tôi vẫn chưa chán.

      Một lần đi Hội Lim, tôi dẫn theo một người bạn Sài Gòn. Cô gái và tôi đi lang thang trong làng Nội Duệ. Cả làng như biến thành một xứ sở cổ tích. Cờ quạt rợp trời, đám rước uy nghi, chiêng trống ngân nga. Từ các nhà, mùi xôi tỏa ra thơm nức, tất cả rộn ràng như tết.

     Cô gái bước vào một ngôi nhà. Chủ nhà bước ra đon đả: “Cô vào chơi”. Vào ngày này, tất cả những ai đến đây đều là người tốt, là khách quý. Khách lạ, đường xa đến Hội quan họ thì lại càng quý hơn. Nhất định chủ nhà phải đãi một chút gì đó để lấy khước, để tỏ thịnh tình. Tôi tháp tùng cô gái nên cũng được mời ăn. Chị chủ nhà miệng tươi như hoa. Khi tôi nói tôi là ai (vì ở Bắc Ninh nhiều người biết tôi, duyên do từ bài hát “Làng quan họ quê tôi”) thì Chị reo lên, coi là thân tình lắm rồi. Mâm cỗ thật thịnh soạn. Tôi nhìn thấy trong buồng còn nhiều mâm như thế nữa. Có nhiều khách lạ được ăn như tôi.

     Cô gái Sài Gòn ăn xong ,nhất định tặng chị chủ nhà chiếc khăn quàng đẹp mà cô mới mua, để trong túi xắc. Chị không lấy. Hai chị em giằng co nhau. “Hội làng đẹp quá anh ơi, bây giờ em mới biết thế nào là hội làng Kinh Bắc”.

     Chuyện mời khách lạ ăn uống trong Hội làng thì tôi không lạ. Năm xưa có lần cơ quan tôi đi hội Ninh Hiệp, quê bà Chúa Nành. Hơn chục người đang quanh quẩn, thì được mời vào “Hội  trường”. Thấy mấy ông cán bộ xã đi đi lại lại. Tưởng sắp phải nghe ông cán bộ nói chuyện về ý nghĩa của hội làng, nên chúng tôi tìm cách lẻn ra cửa. Nhưng bị chặn lại tức thì. “Các anh ở đây chơi đã...”. Những người chủ hội làng niềm nở. Rồi từ nhà dưới, mấy mâm cỗ bốc khói thơm nức bưng lên. “Các anh là nhà thơ... Làng tôi cũng nhiều nhà thơ lắm. Họ bảo chúng tôi các anh là ai... Và như thế thì các anh về thế nào được... Ở lại nhấp ly rượu Hội làng”.

      Nhưng không phải chỉ “nhà thơ” mới được uống rượu. Suốt buổi, tôi thấy nhiều nhóm khách khác đều được mời như chúng tôi. Ăn xong, còn chụp ảnh, chuyện trò bịn rịn. Lòng hiếu khách của Hội làng Bắc Ninh thật có một không hai.

     Nhân chuyện này, tôi phải kể tiếp một “chi tiết” nữa. Năm ngoái, đêm 12 tháng giêng (Hôm sau là Hội Lim), chúng tôi năm người đi trên chiếc xe, theo một anh bạn về làng Lộ Bao (gần Lim) xem cảnh “áp phiên” Hội Làng.Bảo đêm ấy, ngoài đình tế lễ vui lắm. Anh dẫn chúng tôi vào nhà anh Hùng, một người quen. Hỏi quen thế  nào, thì anh nói anh quen một người, rồi người đó quen người kia, và người kia lại là người quen của chủ nhà này.

     Anh Hùng đón chúng tôi thân tình hết mức. Đang ngồi chơi thì có vài đoàn khác từ Hà Nội đến. Đông đến cả vài chục người. Ngồi chật cả rạp ngoài sân. Nhà khá rộng, nhưng phải che rạp mới đủ chỗ. Những người khách chả ai quen ai, đến đây bắt chuyện rôm rả. Rồi bắt đầu màn hát quan họ. Vợ anh Hùng, con gái, và các “diễn viên nghiệp dư” trong xóm hát. Rồi từ nhà dưới, hàng chục mâm cỗ lặng lẽ bưng lên để khắp các bàn.Khách vừa nghe hát vừa ăn. Anh Hùng chiêu đãi tất cả khách lạ. Đủ loại rượu ngon ngâm thuốc bắc. Anh đến mời từng mâm y như đây là đám cưới của con Anh. Có một chàng trai nhanh nhẹn chạy đi chạy lại các bàn phục vụ. Hỏi ra thì biết đó là con rể anh, đang là đại úy Công an ở Hà Nội, nhưng đêm nay về đây, hội làng, phải làm chân lấy tăm rót nước, đúng phép “lệ làng”.

     Chia tay Anh Hùng, chúng tôi về thành phố Bắc Ninh.  10 giờ đêm. Không một khách sạn nào còn phòng cho thuê. Khách về hội đã chật kín. Mà chúng tôi thì nhất định không quay về Hà Nội. Cả đêm suốt dọc đường Tiên Du - thị xã, đèn sáng trưng, không khí “áp phiên” náo nức.



*  *  *

 *  *

   *





     Tôi có một người bạn có ngôi nhà lớn ở  phốTiên Du, gần trung tâm Hội Hát. Cứ đến ngày 13 tháng Giêng là anh làm một sân khấu nhỏ ngoài sân dưới dàn hoa vàng.

     Khách qua đường, bất cứ ai, đều có thể vào hát. Hát quan họ, và các bài hát mới. Anh mở đĩa nhạc ka ra ô kê để đỡ giọng cho “ca sĩ”. Lại có cả “nhạc công nghiệp dư” đánh đàn Oóc gan hỗ trợ.

     Những người khách, trai thanh gái lịch qua đây. Họ “đăng ký” rồi lên sân khấu. Tiếng họ âm vang trong không gian náo nức. Họ hát không biết chán, say mê, nhập đồng. Xong tiết mục của mình, các “ca sĩ qua đường” đi chơi Hội chính trên đồi Lim. Và lại có lớp “ca sĩ” khác vô tình qua đây, nối tiếp. Cứ thế từ sáng đến tối.

     Tôi và Nguyễn Trọng Tạo đã từng lên hát ở đây. Khi chúng tôi cất lên: Làng quan họ quê tôi... Tháng giêng mùa hát hội thì cả sân  hát ùa theo. Giọng chúng tôi chả ra gì, nhưng bài hát đồng ca, tập thể  làm náo nức không gian. Chúng tôi rơm rớm nước mắt vì sung sướng.

     Không nơi nào có cái không gian văn hóa kỳ diệu như nơi này. Mọi người đến đây quên hết sự đời, để cho tâm hồn bay bổng, giao hòa. Văn hóa, một cội nguồn làm nên sự tồn tại của cuộc sống. Không có văn hóa, cuộc sống sẽ bị diệt vong. Những người Kinh Bắc xưa và nay đã và đang xây dựng cho mình một “căn bản văn hóa” để tồn tại. Quan họ đâu phải chỉ là chuyện vui chơi, giải trí. Quan họ nuôi dưỡng tâm hồn Kinh Bắc, tâm hồn Việt Nam.

     Nhiều bạn nước ngoài nói với tôi: “Trong các Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới, thì Quan họ của các anh đúng là đẳng cấp, sánh ngang với những vùng dân ca lừng lẫy của nhân loại. Làm sao mà nghe Quan họ, chúng tôi thấy thơ mộng, trữ tình, lãng mạn đến thế, và do vậy cuộc đời đẹp biết chừng nào...

     Tôi phải thú thật rằng cá nhân tôi sẽ không thành “nhà văn” được nếu nơi này không có dân ca Quan họ và Tranh Đông Hồ. Ngoài hai mươi tuổi tôi viết được bài thơ “Làng Quan họ”, và năm 1970, tôi viết được truyện ngắn “Tranh tết” in trang trọng trên số tết báo Văn nghệ Canh Tuất. Lúc ấy tôi chỉ là anh cán bộ văn hóa cơ sở, xa thủ đô. Tài cán gì đâu, chẳng qua là nhờ chất liệu Quan họ, Đông Hồ mà tôi đề cập trong đó. Rồi sau này truyện “Sân tranh” dịch ra đủ thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung... từ rất sớm, cũng chính là nhờ như thế. Năm 1983, tôi viết được tiểu thuyết “Tình đùa” miêu tả đắm say phong tục Quan họ thời xưa. Bây giờ tôi không thể nào viết được như thế nữa. Tình yêu đầu đẹp nhất, và chỉ một lần...

     Tôi nghĩ Bắc Ninh mình có thể xây dựng được một Trung tâm Du lịch Quan họ. Tôi đã thấy ở Nga, những điểm du lịch Làng Nga cổ, có các bà già váy đồng quê rực rỡ ,đứng hát các làn điệu dân ca. Tôi đã được xem những ngôi nhà nông dân Nga thời xưa, với bếp lò đỏ rực, trên là giường đất nện. Không có kiểu bếp liền giường như thế, người nông dân Nga xưa chắc chết cóng trong băng tuyết.

     Tôi mơ mộng khu du lịch Quan họ của mình sẽ đẹp như Tranh vẽ với mái rạ vàng, hàng tre, ao bèo, đống rơm, ngõ trúc... và cảnh sinh hoạt của người Việt cổ. Thấp thoáng trong đó là hình ảnh của các liền chị liền anh Quan họ. Và nữa, những Hội hát với không gian đồi thông, hồ sen, bến đá. Khách phương xa về, bất cứ lúc nào, chỉ trong một ngày, trong “Resort Quan họ” được hưởng hết cái không  gian văn hóa cổ mà ngành du lịch phải “bóp óc” nghĩ ra cách thể hiện, thu nhỏ lại thế nào đó...

     Về đây, sẽ không phải chỉ là “đi chơi”, ăn uống, giải trí mà là “hành hương” về cội nguồn văn hóa.

     Bắc Ninh có đủ các dữ kiện để phục dựng một không gian kỳ diệu như thế.

      

                                             Đại Yên - Ngọc Hà 11/2011

                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét