Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Tình yêu, chỉ một lần
Truyện ngắn
của Nguyễn Phan Hách

Ông Đức Quang chuyển ngành từ Quân đội sang Ngoại giao sau khi chiến tranh kết thúc 1975. Cậu học sinh tú tài trường Bưởi mộng mơ, xếp bút nghiên, vào trận mạc, rồi cũng thành chiến sĩ dày dạn suốt hai cuộc khánh chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng hòa bình rồi người ta cần một người có phẩm chất và đã được thử thách như ông để làm công việc ngoại giao trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, đầy cảnh giác. Ông có văn hóa, giỏi tiếng Anh, Pháp, ngoại hình, tác phong đĩnh đạc.
Đức Quang mới được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự quán Việt nam tại California. Vị thế sang trọng, bề ngoài bệ vệ, lịch duyệt, nhưng bên trong ông có cuộc sống giản dị, chất phát không ngờ. Độc thân, chưa một lần lấy vợ, thích ăn các món đồng quê Việt Nam, không thích phomat, trứng cá tằm, uytki, trái ngược với đặc thù của nghề nghiệp luôn phải dự các cuộc chiêu đãi quốc tế.
Vùng Quận Cam có một cái chợ ven đường dân dã, đậm chất Việt Nam rất hay. Mỗi tuần họp một lần.Dân  trồng lấy ngọn rau, củ quả trong vườn nhà, đem ra bán hoặc tặng… Cũng là cách nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Ông Đức Quang thích dạo qua chợ này hơn là vào Hội chợ thương mại Quốc tế.
Buổi sáng ấy, ông Tổng lãnh sự lững thững bước, ngắm nhìn những “bà già” má phấn môi son, móng tay nhuộm đỏ, đang ngồi “chồm hổm” bán rau. Rau trồng ngoài vườn và cả trong nhà kính có điều hòa nhiệt độ, nên loại gì cũng có, dù trái mùa.
Hàng rau muống, ngọn non tơ xanh mướt. Rau muống tiếng Hán Việt gọi là “Tâm không thái” (rỗng ruột). Ôi, ngọn rau muống thân thiết biết chừng nào với dân nước Việt. Ăn nem công chả phượng mà không có ngọn rau muống, nóng cổ, khó chịu. Rau muống là “quốc rau”. Người Việt ở nước ngoài, nhìn ngọn rau muống lòng rưng rưng nỗi buồn hoài niệm. “Anh đi anh nhớ cảnh quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…”
Qua “hàng rau muống”, Đức Quang sang “hàng rau cải”. Tầu cải xòe to, ngồng trổ hoa vàng. Cải luộc chấm tương gừng, ăn cay sống mũi. Cải héo muối dưa, vị ngon khó tả…
Qua “hàng rau”, sang “hàng củ quả”.Khoai lang. Vỏ tím. Củ khoai lang nướng giữa chiều đông…
Cà pháo. Bé như hòn bi… Cà pháo muối xổi, cắn giòn tan.
Ớt. Sao mà thiếu được vị ớt cay đầu lưỡi. “Đắng cay” đã thành ẩm thực. Sang đến đây, c trồng một cây ớt, quả đỏ chói, đến bữa vặt v thái lát thả vào bát nước mắm vắt chanh…
Ông Đức Quang đi hết chợ rau, đi qua hoài niệm quê hương, ra ô tô về nhà. Công việc ở Tòa lãnh sự lúc nào cũng bận rộn. Khi cửa xe vừa mở, một “quý bà” tiến đến:
- Thưa ông…ông là Đức Quang phải không?
- Chào bà… Bà là…
- Em lặng lẽ theo ông suốt buổi sáng  nay. Dù đã gần 40 năm xa, nhưng em vẫn nhận ra ông. Không thể nhầm lẫn được… Anh Quang ơi, đây có phải là giấc mơ không… em là Thu Trang đây mà…
Hai người ôm nhẹ nhau…
Chiếc Méc xê đéc màu bạc của Quang đi trước. Chiếc Toyota màu đỏ của Trang đi sau. Hai người đến một quán cà phê nhìn ra vườn hoa để nói chuyện. 40 năm xưa, họ yêu nhau ở Hà nội. Và họ đã xa nhau. Họ yêu nhau bình thường như các “tình yêu phổ thông” khác, hay là tình yêu kỳ lạ? Chỉ biết đó là tình yêu thứ nhất, và cũng là cuối cùng của cậu học trò tú tài trường Bưởi với cô nữ sinh Thu Trang trường Đồng Khánh. Từ ấy đến nay, đầu đã bạc, chàng trai Đức Quang không có tình yêu nào khác. Tình yêu, chỉ một lần. Sống độc thân. Vậy không biết đấy có phải là tình yêu đặc biệt không?
Thu Trang khóc đẫm vai áo Quang. Họ thông tin vắn tắt quãng đời 40 năm qua của mình. 40 năm qua, họ không hề có tin tức của nhau. Mỗi người quay trong một quỹ đạo khác, y như ở hai hành tinh khác.
- Em hiện không chồng và không con, ở một mình với con mèo Minu màu trắng.
Đức Quang chăm chăm nhìn Trang. Như lần đầu tiên họ gặp nhau trong dạ hội thanh niên. Trang lúc ấy như bông ngọc lan trắng muốt thơm ngát. Từ móng tay cũng toát ra vẻ kiều diễm. Nàng là con một chủ cửa hàng tơ lụa Hàng Đào, khá giả. Còn Quang là con một chủ trang trại nhỏ, trng cam vùng Bố Hạ, Yên Thế. Những quả cam ngọt lừ đủ tiền cho Quang thuê một căn gác phố Thụy Khuê, và theo học trường Bưởi.
Hai người thường bơi brít xoa trên Hồ Tây vào các chiều thứ bẩy, và nhẩy các bài van Áo cổ điển ở vũ trường Tràng Tiền. Quang học ban Sinh ngữ (tiếng Anh – Pháp). Còn Trang, không có chí hướng học hành gì nhiều. Cửa hàng tơ lụa Hàng Đào đang cần cô về trông coi.
Quang đã đưa Trang và mấy cô bạn “nghịch như quỷ sứ” của nàng về đồi cam chơi. Cả bọn nô đùa chạy nhẩy trên những quả đồi xanh mướt, vặt cam chín mọng ném nhau phí phạm làm lão quản lý trang trại “chửi thầm”. Họ đã ra bờ sông Thương đêm trăng bơi thi. Thượng nguồn trong vắt, cát sạch tinh, trời đất trong veo, tình đầu của họ cũng trong veo. Họ đã hôn nhau lần đầu tiên và môi Trang thơm nức mùi vỏ cam. Mùi vỏ cam, Quang quá quen thuộc mà sao bây giờ tưởng như mới biết lần đầu khi nó thoát ra từ môi Trag…
- Tại sao anh không lấy vợ - Thu Trang nhấp ngụm cà phê đắng nhìn ra đường phố Cali, hỏi.
- Anh không biết. Không trả lời được. Còn em, tại sao bây giờ em sống một mình với con mèo trắng.
- Em cũng không biết và cũng không trả lời được. Chuyện đời dài lắm. Sẽ kể anh nghe sau.
- Đời sống kinh tế của em hiện thế nào?
- Em có một ngôi nhà hai tầng nhỏ ở Garden  Grove quận Cam, có ít tiền gửi nhà băng lấy lãi ăn dần… Con mèo trắng của em đáng yêu lắm, em hay bồng nó trên tay, và nó thích dụi đầu vào vai em nũng nịu.
- Em có nhớ Hà nội không?
- Nhớ lắm. Tuổi thơ của chúng mình. Tình đầu kỳ diệu của chúng mình. Hàng Đào bây giờ thế nào hở anh.
- Hàng Đào giờ là phố du lịch, phố đi bộ. Ngôi nhà số XY của em, vẫn nguyên vẹn như ngày xưa, vì đó là phố cổ, bảo tồn. Nó vẫn đợi em về để một lần chính tay em mở cửa. Hàng Đào, Đồng Xuân thỉnh thoảng có biểu diễn hát xẩm. Y hệt cảnh ngày xưa. Diễn viên cũng đội nón rách, áo nâu vá, kéo nhị cò ke, bầu nhị bọc bằng da ếch.
- Em mong sao một lần về, gặp lại.
- Ngôi nhà em, mầu rêu mốc, đồ đạc cũ nguyên xi thành “hiện vật bảo tàng” cho khách du lịch phương Tây vào trải nghiệm không gian sống Hà thành cuối thế kỷ 19, đầu 20. Thỉnh thoảng anh có ghé qua. Cô thuyết minh trẻ đẹp, cầm que chỉ trỏ đồ cổ. Chiếc giường (nơi em xưa từng nằm). Bộ bàn ghế gỗ trắc khảm trai (nơi em xưa từng ngồi). Chỉ anh mới biết cái mà khách du lịch đáng “trải nghệm” nhất là nghe thấy hơi thở ấm nồng của em trong ngôi nhà này. Nhưng họ hoàn toàn không biết. Họ “vô cảm”, liếc qua đồ đạc, chụp một kiểu ảnh, rồi đi ra.
Mắt Trang buồn rợi, xa xăm:
- Anh nói làm em nhớ nôn nao Hà Nội.
- Ngôi nhà đợi em đấy.
Thu Trang uống hết ly cà phê, lại gọi thêm ly khác:
- Thế còn quê anh thì sao? Những đồi cam Bố Hạ nổi tiếng
- Đồi vẫn còn, cỏ  vẫn xanh mướt. Nhưng cam ngọt ngày xưa thì không còn… Một quả cũng không còn.
- Tại sao thế. Các anh đi làm cách mạng “giữ gìn non sông đất nước”. Sao lại để “mất trái cam ngọt”.
- Kinh tế thị trường xóa sổ nó. Cam ngọt quá khó trồng. Mà cam chua thì đâu cũng mọc, quả sai lúc lỉu. Cho một thìa đường vào là cốc cam chua thành cam ngọt…
Nhưng câu nói của em vừa rồi là “ác ý” lắm đấy…
- Em đùa thôi. Chứ em biết gì về chính trị. Em chỉ biết chuyện số phận. Em như cánh bèo gió trôi dạt.
- Em cũng là một “trái cam ngọt” mà anh đánh mất.
- Đánh mất rồi, bây giờ tìm lại được.
- Có tìm được không?
- Anh ơi, em luôn nhớ về ngày xưa. Thế thượng nguồn sông Thương, Bố Hạ, quê anh có còn cát sạch tinh, nước trong vắt, và trăng xanh?
- Sông giờ cũng đục lắm. Nhưng trăng thì vẫn còn.
- Bảo khoa học có thể bắn phá làm vỡ được hành tinh mặt trăng, để làm cái gì đó. Em thấy báo chí nói thế. Nghe nói trăng “bức xạ” cũng độc lắm, tác động đến hệ thần kinh.
- Vớ vẩn. Những chuyện “hết khôn dồn dại”…
- Nhưng làm gì còn vầng trăng tình thơ của chúng mình thuở ấy nữa.
- Ừ…
- Em và anh, tuy vậy bây giờ vẫn “cách xa nhau ngàn trùng”. Em là “người Mỹ gốc Việt”, còn anh là quan chức của chính phủ Việt Nam tại Mỹ. Ừ, không thể như ngày xưa tự do đưa nhau về chơi đồi cam. Nhà em cách đây 15 phút xe chạy. Tòa lãnh sự của anh chắc cũng không quá 15 phút. Vậy mà không thể đưa nhau về nhà, nấu nồi cơm gạo Dự, luộc đĩa rau muống, ngồi ăn với nhau.
Lát nữa, ta sẽ đưa nhau vào rét tâu răng, cầm dĩa chọc miếng pho mát mằn mặn, đĩa trứng cá sống tanh tanh, nhấp ly rượu vang chát chát…
Anh Quang ơi, đời em trôi nổi 40 năm qua, góc biển chân trời, em vẫn nhớ tình đầu. Nhiều đêm em đã khóc…
Nước mắt Thu Trang lại rơm rớm. Rồi tụ lại thành một giọt lệ, rơi xuống ly cà phê, như giọt sương rơi xuống hồ nước, làm bắn tóe lên. Cà phê thì ngọt. Lệ thì mặn, hai cái hòa vào nhau.
- Anh cũng nhớ em. Tình yêu của chúng mình ngày ấy mãnh liệt quá, làm anh sau đấy cạn kiệt năng lượng, không còn biết yêu là gì nữa. Năm 1954, từ Việt Bắc về thủ đô, anh đã khóc nấc giữa phố Hàng Đào, vì em đã di cư vào Sài Gòn. Năm 1975, anh về giải phóng Sài Gòn, đứng giữa dinh Độc lập, mắt cũng rơm rớm khi biết em đã di tản sang Mỹ.
Anh đi tìm em suốt 40 năm nay. Không hiểu sao lại thế. Tình yêu, với anh, chỉ một lần. Chỉ yêu mình em, không thể yêu ai khác được nữa. Nếu em có chồng con, thì anh vẫn cứ yêu đơn phương, yêu trong mộng…
- Thế ư hở anh – Thu Trang òa khóc.
- Nín đi en, Những người Tây họ đang nhìn mình kìa. Phụ nữ Mỹ cứng cỏi lắm, họ lạ lẫm cảnh “yếu đuối” này.
- Kệ họ. Khi đón người yêu, đón chồng từ châu Âu trở về sau chiến tranh thế giới thứ hai, họ cũng khóc òa trên đường phố như gió, như mưa.
*
*     *
Hà Nội, mùa đông năm 1946, trời rét căm căm. Cậu học sinh tú tài trường Bưởi Đức Quang và cô nữ sinh Đồng Khánh Thu Trang đứng bên cây lộc vừng trụi lá bên hồ Gươm.
Xe “liên kiểm” Việt – Pháp chạy rú còi dữ dằn. Hà Nội căng như dây đàn.
- Cuộc chiến Pháp – Việt có nổ ra không anh - Trang hỏi
- Khó mà tránh khỏi
- Bố mẹ em đã tản cư về nhà chú ruột em ở Vạn Phúc, Hà Đông. Kho tơ lụa cũng chuyển về đấy cả. Bố em bảo nhất định sẽ có chiến tranh. Hà Nội sẽ chìm trong khói lửa.
- Phía cách mạng rất mong muốn hòa bình. Anh đọc báo tiếng Pháp, và tiếng Việt hàng ngày, nắm tình hình rất rõ. Hiệp định Sơ bộ đã ký giữa ta và Pháp ngày 6-3 vừa rồi. Hội nghị Phông ten nơ blô đã thất bại. Phía cách mạng đã ký ngay sau đó Tạm ước 14-9 nhằm hòa hoãn. Nhưng thế lực chủ chiến ,diều hâu trong chính phủ Pháp quyết chiếm lại thuộc địa cũ.
- Thế là chiến tranh sẽ xẩy ra ư anh? Lo lắm.. Phải làm sao bây giờ.
- Em phải tản cư theo bố mẹ. Chiến tranh sẽ ác liệt lắm  đấy.
- Thế còn anh?
- Anh là con trai, là nam nhi. Nam nhi trốn vào xó bếp như con mèo sưởi ấm, chờ người khác đem lại hòa bình cho mình à? Anh cũng không về trang trại cam của cha anh đâu. Ở đó cũng sẽ có loạn lạc. Anh có ông chú ruột, làm chức to của cách mạng. Ông đi hoạt động từ năm 16 tuổi, vào tù ra  tội. Ông vừa gặp anh, bảo anh phải đi theo cách mạng, phải là chiến sĩ, là người lính của cách mạng.
Anh có dự buổi lễ Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình hôm 2-9 vừa rồi. Xúc động lắm. Đúng là nước Pháp vô lý thật. Từ đâu đến đây xâm chiếm nước mình. Biến mình thành thuộc địa. Nhưng chủ nghĩa thực dân đang vào thời suy tàn trên toàn thế giới. Dân tộc nào cũng phải đứng lên đấu tranh giành độc lập. Việt Nam mình cũng thế. Anh phải tham gia vào cuộc chiến giành độc lập này, mới đáng làm người. Em biết không, anh tìm được toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, trong đó có một câu rất hay:”Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc…”
Bản tuyên ngôn độc lập 2-9 của Việt Nam mình trích lại nguyên văn câu đó. Vậy là lý tưởng của Việt Nam mình rất rõ. Anh sẽ chiến đấu cho lý tưởng đó…
- Vậy là anh và em phải xa nhau ư?
- Chú anh bảo quân Cách mạng sẽ rút lên Việt Bắc lập căn cứ địa… Anh sẽ lên Việt Bắc
- Việt Bắc xa lắm, toàn rừng xanh núi đỏ, ăn sắn khoai, uống nước suối rừng..
- Đời chiến sĩ thời nào chả gian khổ? Ta đợi nhau, ngày chiến thắng, anh sẽ về.
- Bao giờ chiến thắng?
- Chắc không lâu. Vì cả dân tộc đã đứng lên đánh quân xâm lược. Chúng mình đều còn rất trẻ. Đợi nhau ít năm, cũng là chuyện bình thường.
Cuộc chiến Pháp – Việt sẽ nổ ra ngay ngày mai, ngày kia, không lâu đâu. Hà Nội sẽ đất trời bốc lửa, nghi ngút “khói kinh thành”, và lại giống như cảnh tả trong “Chinh phụ ngâm”, em có nhớ bài “Chinh phụ ngâm” ở chương tranh Việt văn.
- Có chứ
- Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt/ Khói cam tuyền mờ mịt thức mây / Chín tầng gươm báu trao tay / Nửa đêm truyền hịch đi ngày xuất chinh…
- Chốn kinh thành ba trăm năm cũ – Thu Trang tranh lấy đọc tiếp – Áo nhung trao quan vũ từ  đây / Sứ trời sớm giục đường mây / Phép công là trọng niềm tây xá gì… Chúng mình cũng sẽ như thế à…
- Ừ, như thế.
Đức Quang chẳng bao giờ quên được hình ảnh đêm đơn vị anh rời Hà Nội qua ngả Hà Đông, lên Việt Bắc. Trang đứng đón, tiễn anh bên đường…
Trang vẫn mặc áo trắng nữ sinh, còn Quang đội mũ ca nô, áo xám trấn thủ, súng khoác vai… đã rõ ràng hình ảnh chiến binh.
Tiếng quân đi rầm rập, và đâu đây, tiếng kèn ácmônica đang dập điệu quân hành trong nền khói lửa kinh thành mù mịt sau lưng.
Quang lại nhớ cảnh chia tay tả trong Chinh phụ ngâm: “Áo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in / Tiếng ngạc ngựa lần chen tiếng trống / Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay…”.
Quang hôm ấy áo cỏ, chân đất, không có “ngựa sắc trắng”, nhưng cảnh này thì gần giống: “Nhủ rồi tay lại trao liền / Bước đi một bước lại vin áo chàng”, Trang lẽo đẽo theo Quang, nắm chặt tay anh không rời. Mãi đến khi đơn vị đi đã khá xa, Quang mới gỡ ra:
- Thôi, em về đi.
-  Đừng quên nhau nhé. Bao giờ cuộc chiến chấm dứt, chúng mình gặp nhau. Mãi mãi, em chờ anh…
Chín năm kháng chiến, Quang là người lính đánh từ chiến dịch Biên giới Cao – Bắc – Lạng, đánh tới Điện Biên. Về giải phóng Thủ đô năm 1954, mũ nan bọc vải gắn sao vàng, ngực lấp lánh huân chương, trên vai quân hàm Trung úy, súng lục bên hông, năm ấy anh mới 26 tuổi…
*
*    *
Gia đình ông bà Kỳ Thanh (bố mẹ Thu trang) bán hết kho hàng tơ lụa cho người em ruột ở Vạn Phúc Hà Đông. Mấy năm “tạm chiếm”, Hà nội khá phồn hoa, cửa hàng lụa Hàng Đào của ông làm ăn phát đạt. Ngỡ tưởng cuộc đời cứ như thế. Ai ngờ…
Ông Kỳ Thanh không thể ở lại được. Phe cách mạng sẽ về tiếp quản Hà Nội. Phe quốc gia về Nam vĩ tuyến 17, Sài Gòn…
Người em ruột hỏi ông Kỳ Thanh:
- Thời nào thì con người  cũng cần tơ lụa để mặc. Vậy anh ở lại buôn bán, sợ gì.
- Không. Chú không hiểu thời cuộc. Chế độ mới là chế độ tập thể, không được tư hữu, buôn bán tư nhân. Nhà tôi sẽ bị quy là tư sản bóc lột, bị đi tù và bị tịch thu của cải. Tôi chỉ biết buôn bán làm ăn, chẳng dính dáng gì đến chính trị. Tôi vào Sài Gòn để tiếp tục buôn bán.
- Anh đi để lại ngôi nhà – tiệm hàng ,hái ra tiền giữa phố Hàng Đào này ư.
- Đằng nào thì cũng mất. Nếu bây giờ tôi sang tên cho chú tức là gây tai họa cho chú. Chú cũng sẽ bị quy là tư sản, bị đi tù oan gia. Chỉ có một cách, con Thu Trang có người yêu là Đức Quang lên Việt Bắc kháng chiến đã chín năm. Bây giờ tôi viết giấy tặng ngôi nhà này cho Đức Quang. Nó là sĩ quan cách mạng, về Hà Nội, chắc giữ được. Tôi gửi chú văn bản viết tay có chữ ký, điểm chỉ này, khi thấy Đức Quang về Hà nội, chú phải tìm đưa ngay cho nó.
Khổ thân con Trang và thằng Quang. Chúng nó yêu nhau lắm. Nhưng thời cuộc, chiến tranh chia rẽ. Con Trang nhất quyết đợi chờ, như người đi tu, không yêu ai. Mẹ nó khóc hết nước mắt. Vợ chồng tôi chỉ có một mụn con gái. Gái rượu. Thế mà nó đòi một mình ở lại, chờ Quang, mặc cho bố mẹ vào Nam.
Cậu Trọng Đàn, con ông bà Hòa Phát ở phố Hàng Ngang gần đây, đang học trường Võ bị Đà lạt, có ý quyến luyến con Trang. Hai gia đình là chỗ thân thiết. Rồi tôi sẽ lựa lời khuyên nhủ cho nó thành đôi. Kỳ này, ông bà Hòa Phát cũng di cư cùng vợ chồng tôi. Tôi “tặng” ngôi nhà này cho Đức Quang cũng là nghĩa cử “trả ơn” nó. “Trả ơn” tình yêu của nó. Cũng là làm dịu lòng con Trang. Tặng thì cứ tặng, còn nó có giữ được hay không là chuyện khác. Chuyện của nó. Phần tôi, đằng nào cũng mất. Vào Sài Gòn, sẽ gây dựng lại cơ nghiệp.
- Em vẫn thắc mắc là tại sao anh cứ phải di cư mới được.
- Chú là tiểu chủ, vài không dệt, chú không sợ. Còn tôi thì khác. Nói để chú biết nhé, đừng bép xép mà chết oan. Tôi có hai người quen. Thứ nhất là ông Thiều Chửu. Thứ hai là bà Nguyễn Thị Năm. Bà Năm là bạn buôn hàng tơ lụa, nhưng về Thái Nguyên mở đồn điền. Thái Nguyên là vùng giải phóng của cách mạng. Bà Năm ủng hộ cả trăm lượng vàng cho cách mạng, nuôi cả đoàn  quân trong nhà, bà vốn thích cách mạng. Năm 1952, bắt đầu Cải cách ruộng đất. Ông Kiều Hiểu Quang, phó bí thư tỉnh ủy Quảng Tây Trung Quốc, được sang Việt Nam với danh nghĩa cố vấn, nhưng thực chất là chỉ đạo Cải cách ruộng đất, ép ta phải làm. Đau đớn lắm. Cải cách ruộng đất lôi bà Năm ra bắn, làm “mô hình” theo chỉ đạo của Kiều Hiểu Quang. Lúc bị lôi đi, bà Năm ném vội cho con dâu túi kim cương vẫn giắt bên người. Đội trông thấy tịch thu mất… 46 tuổi, giầu sang, xinh đẹp, bà Năm thân trần ra bãi pháp trường.
Còn ông Thiều Chửu, học rộng tài cao, vùi đầu vào học thuật. Ông soạn bộ Từ điển Hán Việt nổi tiếng. Mộ đạo, thích giáo lý từ bi bác ái của Đức Phật, ông tập hợp được nhiều thiện nam tín nữ, quên hết “tham, sân, si” ngoài đời, mở một “Trang trại Phật giáo” tại vùng giải phóng, chuyên tụng kinh niệm Phật, tăng gia sản xuất để có của làm việc thiện. Thế mà Kiều Hiểu Quang chỉ đạo quy ông là bóc lột, mê tín dị đoan .v.v… Uất ức quá, ông thắt cổ tự tử…
Đấy, tình hình như thế, mà chú bảo tôi ở lại được à …
Chuyến “tầu há mồm” rời Hải Phòng đi Sài Gòn hôm ấy, có một cô gái trẻ vừa bước xuống tàu vừa khóc. Bà mẹ van vỉ:
- Con ơi, bỏ hết cửa nhà ra đi, lòng mẹ tan nát lắm rồi. Thế mà con còn khóc lóc rỗi hơn, mẹ làm sao sống được.
Chiếc tàu chở khách di cư hú một hồi còi ảo não vĩnh biệt đất Bắc, phăm phăm rẽ sóng ra khơi…
Ngôi nhà số X.Y tơ lụa Hàng Đào đóng cửa từ hôm ấy, rêu đã lờ mờ trên bục gạch. Cho đến một hôm trời trong veo, cờ đỏ ngập phố, tiếng hò reo đón “Người giải phóng” trở về vang dội, có một sĩ quan, mũ kê pi, sao vàng quân hàm lấp lánh, bao súng lục đen bóng bên hông, dừng lại trước cửa. Chiếc khóa đã hoen rỉ. Anh nghẹn ngào. Ông tiểu chủ khung dệt Vạn Phúc Hà đông, nấp nom ở đâu, chạy ra lễ phép.
- Thưa đồng chí. Đồng chí có phải là Đức Quang, người yêu cũ của cô Thu Trang không ạ.
- Vâng, tôi là Đức Quang.
- Thưa… Ông Kỳ Thanh và cô Thu Trang có văn bản này nhờ tôi chuyển cho đồng chí. Và đây là chìa khóa ngôi nhà. Khóa tuy đã hoen rỉ, nhưng khéo mở vẫn được.
Đức Quang đứng chết sững giữa phố Hàng Đào. Đất trời chao đảo. Anh mở làm sao cũng không được chiếc khóa.
Nhưng mở để làm gì. Anh cũng không dám nhận ngôi nhà này, hay không được phép nhận, đồng nghĩa với không ai cho anh nhận. Anh mà là “con rể” của gia đình tư sản di cư vào Nam thì sẽ bị “ném ra ngoài rìa cuộc đời” tức thời… Ngôi sao trên ve áo sẽ lặn. Chàng trung úy sẽ bị đuổi ra  khỏi quân ngũ, vì liên quan đến thành phần theo địch…
Nhưng cái chính là anh đã mất Thu Trang rồi, thì ngôi nhà này còn có ý nghĩa gì.
Đức Quang xé tờ văn bản tặng nhà làm nhiều mảnh vụn vứt xuống rãnh “phi tang”, và trở lại đơn vị, ngủ trên chiếc giường cá nhân trong doanh trại.
*
*   *
Bà Thu Trang mở cửa ngôi nhà có dây leo hoa vàng ở Garden Grove, quận Cam. Con mèo trắng muốt chạy ra đón. Bà xào cho nó đĩa tôm riu. Ăn thức ăn công nghiệp cả tháng, chắc nó xót ruột…
Ngôi nhà đủ tiện nghi, ấm cúng, bao nhiêu năm nay, đã quen thân, mà bỗng dưng hôm nay sao có gì lạnh lẽo, trống trải, cô đơn.
Thu Trang có chồng, và có con. Nhưng lúc nãy bà đã nói là “không chồng, không con”. Nhưng lại không phải là nói dối. Vì hiện tại là bà đang sống một mình…
… Chả có “nhà chính khách” nào lại  nghĩ sau hai năm (1954 – 1956) sẽ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Chỉ có cô gái ngây thơ Thu Trang là tin. Hai năm, cô bé sẽ trở lại Hà nội. Vì vậy suốt hai năm, cô không nghe bố mẹ, chủng chẳng với thiếu úy Trọng Đàn – con ông bà Hòa Phát.
Chỉ đến khi tuyệt vọng, vì đã hiểu hết nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa mở của các văn bản hiệp định ,Thu Trang mới bằng lòng nhận lời lấy Đàn. Đời lính trận mạc của Đàn “trải dài”. Tham gia đảo chính chính chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, Đàn vọt lên hàm Đại tá. Đại tá đánh nhiều trận ở Đường chín – Nam Lào, ở Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972.
Năm 1975 Đàn là thiếu tướng chỉ huy quân miền Tây Nam Bộ. Ngày 30/4, quân miền Tây của Đàn còn nguyên sức chiến đấu, nhưng nghe lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh, đã hạ vũ khí đầu hàng quân Giải phóng. Sau khi làm đủ mọi thủ tục, Đàn về sở chỉ huy cũ của mình. Phía Giải phóng hẹn gặp Đàn trong “buổi lễ đầu hàng” có quay phim chụp ảnh làm tư liệu lịch sử, vào hai giờ chiều, thì một giờ, một tiếng súng lục vang trong phòng chỉ huy. Người ta chạy vào, Đàn đã tự bắn vào đầu với bút tích để lại trên bàn: “Danh dự quân nhân không cho phép tôi tiếp tục có mặt trên đời”.
Phía Giải phóng làm tang lễ Đàn trọng thể.
Con giai Đàn và Thu Trang cũng là sĩ quan lúc ấy đang đóng ở Sài Gòn. Sau 30/4, con giai Đàn đem mẹ trốn xuống miền biển, cùng nhóm đồng đội, mua thuyền, hối lộ cảnh sát, vượt biên qua vùng biển Thái lan.Bọn “cướp biển Thái Lan” “chó cậy nhà, gà cậy chuồng” quen lệ, đã tấn công. Trước đây chúng đã giết nhiều “thuyền nhân” tay không, để cướp của cải. Nhưng lần này thuyền của con giai Đàn và nhóm sĩ quan có vũ khí, đã chiến đấu chống lại. Bọn cướp đông hơn, áp đảo. Con giai Đàn không may bị chúng bắn chết. Nhưng thuyền vượt biên thì chạy thoát đến đảo Bi Đông của Malayxia. Tổ chức tị nạn HCT của Liên Hợp quốc đã cho phép Thu Trang được sang Mỹ định cư.
Chồng chết, con chết, Thu Trang bơ phờ, bước lên đất Mỹ. Cái giá quá đắt.
Được các mục sư Tin lành giúp đỡ, Thu Trang bỡ ngỡ học những vần tiếng Anh đầu tiên để giao tiếp. Rồi sau đấy, hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lần hồi, Trang đi làm “nai”, sơn móng chân móng tay, giành dụm được ít tiền gửi nhà băng. Bây giờ nhu cầu vật chất của Trang không nhiều. Bà sống một mình, với con mèo trắng, và thỉnh thoảng đi chợ rau ven đường, nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương…
*
*        *
Chiếc Méc xê đéc màu bạc biển số ngoại giao, lượn lờ mấy vòng trước cửa ngôi nhà dây leo hoa vàng ở Garden Grove.
Bầu trời Cali hôm nay rực sáng, nắng trong veo. Ngôi nhà dây leo hoa vàng có cánh cửa gỗ sồi ấm cúng.
Sao. Ta có dám đỗ xe, vào gõ cửa cánh cửa gỗ sồi kia không?
Ổ khóa cánh cửa nhà X.Y. Hàng Đào xưa hoen rỉ. Còn cánh cửa gỗ sồi kia khóa sáng loáng.
Ta không mở ổ khóa Hàng Đào vì bên trong không có Thu Trang ,còn hôm nay, trong ngôi nhà Garden Grove có Thu Trang. Vậy tại sao ta không gõ cửa.
Vì sao?
Còn vì sao nữa. Kỹ luật, quy chế của ngành ngoại giao nghiêm ngặt. Quan hệ Việt - Mỹ còn đang trong giai đoạn mở cửa dè dặt. Tổng lãnh sự có thể tự tiện đến chơi nhà người quốc tịch Mỹ mà không có sự giám sát của an ninh nội bộ không?
Chiếc Méc xê đéc biển số ngoại giao lượn thêm mấy vòng ,rồi về thẳng trụ sở Tổng lãnh sự…
Đức Quang thở dài. Ông nhìn mình trong gương. Tóc đã bạc trắng, đã sắp hết một đời người…
Ngày ấy, tại Hà Nội mới giải phóng, có một cô Văn công có “cảm tình” với Đức Quang. Cô hay hát bài Tình ca: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa / Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba / Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra / Ngân trong không gian mặt biển sôi ầm vang…”.
Nhưng sao lòng Quang không xao động. Quang không tin những người con gái vừa đẹp, vừa có giọng hát hay. Các cô như con bướm vàng nhởn nhơ, lúc đậu bông hoa này, lúc đậu bông hoa khác.
Lòng Quang chỉ đau đáu nhớ Thu Trang. Nhưng không dám trao đổi “bưu thiếp”. Ngày ấy có loại thư gọi là bưu thiếp. Nam gửi ra Bắc, Bắc gửi vào Nam .Là một chiếc các bốt tan một mặt có ảnh danh lam thắng cảnh, mặt sau được viết mấy chữ thông tin chung chung. Bưu thiếp để trần, không có phong bì, để mọi người “cùng đọc”, và an ninh kiểm soát. Vậy thì ai còn dám viết gì ở đấy nữa.
Nhận “bưu thiếp” của người thân trong Nam gửi ra khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Dần dà, “bưu thiếp” mất giống, chẳng ai dùng.
Không “bưu thiếp” nhưng hình ảnh Trang trong lòng Quang thì không lúc nào phai mờ.
Năm tháng trôi qua, trung úy Đức Quang mải mê với công việc. Anh đi học Học viện Quân sự nước ngoài để nắm vững nghệ thuật quân sự hiện đại. Về nước, lập tức lên đường vào Nam tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
Chiến trường khốc liệt. 10 năm trong rừng, tắm trong lửa đạn, anh gần như tách khỏi cuộc sống đời thường. Anh quên hết, quên hết, chỉ có nhiệm vụ trên vai… và chút tình hoài niệm cô nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa. Có lẽ anh là người đặc biệt. Người sắt đá. Nhưng anh là như thế. Đã như thế. Không giống người bình thường.
Có cái gì hơi “vô lý”. Nhưng anh “vô lý” thế đấy. Cực đoan. Suốt cả cuộc đời, hình bóng Thu Trang không bao giờ rời khỏi trái tim.
*
*        *
Phiên chợ rau cuối tuần ở quận Cam hôm nay li náo nức họp. Ông Đức Quang đi tắc xi đến. Bà Thu Trang đón ông ở cửa. Hai người mua một mớ rau cần, kèm rau má, rau dăm.
- Ba thứ này muối chua ngon lắm. Anh thèm ăn một bữa cơm với dưa cần muối tại nhà em.
- Điều đơn giản nhất đời mà ta không thực hiện được.
Hai người lại đến rét tâu răng.  Lại những miếng pho mát mằn mặn, đĩa trứng cá sống tanh tanh, ly rượu vang chát chát.
- Anh còn làm tổng lãnh sự ở Mỹ bao lâu nữa.
- Ba năm
- Sau đó anh về Việt Nam, và chúng mình lại vĩnh viễn xa nhau. Anh không thể là “người thường” được ư?  Người thường như khách du lịch, nhà kinh doanh, tự do đến nhà nhau chơi.
- Ba năm nữa là anh thành “người thường”, về hưu.
- Sao không xin về hưu ngay bây giờ.
- Nếu về hưu, thì anh lại phải rời nhiệm sở lãnh sự tức khắc, ri California tức khắc, không được ở Mỹ nữa.
- Oái ăm quá.
- Ừ, oái ăm thế đấy, cũng như em giờ quốc tịch Mỹ, công dân Mỹ, về Việt Nam phải có hộ chiếu, visa, ở lại Việt Nam trong thời hạn cho phép.
- Em và anh giờ là “hai thế giới”.
- Nhưng hãy nhớ rằng cả đời anh chỉ một lần yêu, một người yêu, đó là em.
- Chúng mình giờ như hai ngôi sao cô đơn ở hai góc trời…
Đức Quang nắm bàn tay Thu Trang. Bàn tay vẫn mềm mại, ấm nóng như xưa.
- Bây giờ phải làm thế nào?
- Phải làm thế nào?
- Em đang hỏi anh đấy!
- Anh cũng đang hỏi em đấy!
28/4/2014






 vvvvvvvvvvvvvvvvvvvvv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét