Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013




Mùa xuân về cao nguyên


Tản văn Nguyễn Phan Hách

Mùa xuân về trên cao nguyên lục địa Bắc Mỹ. Băng tan, nước chảy cuồn cuộn. Con Gấu mẹ và đàn con, sau mấy tháng ngủ đông, nhịn đói trong hang, tỉnh dậy, xác xơ tiều tụy bò ra, bước chân xiêu vẹo trên lớp băng mỏng manh vỡ vụn, sẵn sàng rơi tõm xuống nước, lại nhoi lên. Ai cũng nghĩ ảnh hình Gấu luôn là táo tợn, mạnh mẽ, nhưng biết đâu có những phút giờ nó yếu ớt, thất thểu thế này...
       Suối chẩy ào ào, lạnh buốt, những con Cá Hồi từ biển về nguồn đẻ trứng. Giống Cá Hồi thật lạ, quanh năm vẫy vùng trên biển rộng, nhưng khi đi đẻ, thì phải ngược dòng, vượt thác cả ngàn cây số, về đúng  ngọn nguồn sông suối nơi ngày xưa nó đã sinh ra, nơi từ một quả trứng bé tí dập dờn trong cát sỏi, nó đã thành một chú cá con bằng đầu tăm, ngơ ngác nếm vị nước ngọt, kịp nhận đây là quê hương, mặc cho sóng trôi băng băng đem nó về xuôi, vừa đi vừa lớn, và ra đến biển thì trưởng thành.
Con Gấu dẫn đàn con nhếch nhác lê xác được ra đến bờ suối. Thôi thế là sống rồi, sau mấy tháng nhịn đói, Gấu mẹ ăn cá Hồi, Gấu con ăn trứng.
       Cuộc cạnh tranh sinh tồn đau đớn, khốc liệt. Vừa lúc nãy hình ảnh con Gấu đáng thương bao nhiêu thì giờ đáng căm ghét bấy nhiêu.
Gấu mẹ chăm nom đàn con không rời mắt. Bởi có con Gấu đực vừa xuất hiện bên  bờ suối, đến gần gấu mẹ ve vãn. Để chinh phục gấu cái, gấu đực thường quật chết các con của người tình không thương tiếc. Phải giết con để mẹ cô đơn, không còn con đường nào khác, chấp nhận cho gấu đực làm tình, để  rồi hy vọng đẻ con khác. Cuộc tình của gấu đực thật khủng khiếp, dã man. Vì thế những con Gấu mẹ thường phải chiến đấu vật lộn với Gấu đực, một sống một chết, đổ máu, mới từ chối được “tình yêu”. Chỉ khi nào các con  khôn lớn trưởng thành, sống tự lập, Gấu mẹ mới chấp nhận tình yêu của Gấu đực. Bản năng làm mẹ của nó vĩ đại nhất, vượt lên tất cả...
       Mùa xuân đã về, lớp băng tuyết mỏng cuối cùng trên cao nguyên chỉ còn như lớp chăn mỏng trắng muốt. Dưới lớp chăn, các mầm cỏ non nhọn như lưỡi mác đồng loạt đâm xiên, đội mảnh băng trên lá, rồi xòe ra xanh biếc bạt ngàn chỉ trong một sớm một chiều chứa chan ánh nắng...
Đàn Bò rừng Bi dông lông dày rũ rượi vội vã rống lên, gọi nhau trùng trùng điệp điệp, vượt qua suối chảy sôi trào, lao dưới thác đổ réo gầm, băng xa trăm dặm từ phương nào, mũi hếch lên, đánh hơi trong gió mùi cỏ non thơm chát. Những con bò non mới đẻ lẩy bẩy, run rẩy, chân không bén đất, tưởng sắp khuyụ xuống, mà phải chạy kịp theo bước cả đàn. Tụt lại là bị những con Sói trắng, mắt xanh lè, đang đứng hú buồn bã bên đường, xông vào xé xác. Những con Sói cũng đã đói cả mùa đông, răng sạch tinh trắng tởn, lưỡi chảy dãi thèm dòng dòng...
Đàn bò rừng xô vào gặm cỏ xồn xột, nhựa cỏ ứa tràn hai mép. Cỏ mùa xuân cao nguyên bao la ,chúng phải gặm cho no, tích lèn vào dạ dày, chờ khi nào thảnh thơi, ợ ra nhai lại. Còn bây giờ phải tích chất đống trong bụng đã. Nhanh, không những ngọn cỏ sẽ úa, sẽ vàng khi mùa thu đến ,và đông về thì chìm dưới tuyết băng... Cuộc sống thật vất vả khó khăn mà đàn bò vẫn cứ tồn tại. Nếu có tuyết rơi, những con bò Bi dông “không cửa không nhà”, chỉ còn cách đứng yên, sát vào nhau, hứng tuyết trên lưng, chịu rét. Khi tuyết quá dày, nó rùng mình, lắc cho rơi bớt, rồi lại gò lưng chịu làn tuyết mới. Cao nguyên không có “mái che” cho chúng...
Mùa xuân, cỏ mọc, và hoa Cao nguyên rực rỡ, xanh đỏ tím vàng, nhị đầy mật ngọt. Những con Chim Ruồi sặc sỡ bay đến, cánh vỗ, mà thân đứng yên treo mình trên không, thò cái mỏ dài nhọn hoắt vào từng bông hoa hút mật. Nó là hình ảnh của trữ tình, lãng mạn, là biểu tượng của cuộc đời mật ngọt hoa tươi. Nhưng khi những bông hoa héo rụng, những con Chim Ruồi quen ăn mật tinh khiết, phải tản mát các nơi, vật vờ, xơ xác. Chúng tìm những cây thân gỗ mà chim Kiến đã khoét, nhựa ứa tràn. Nhựa cây đắng, chả ngọt, nhưng những con Chim Ruồi đành phải bằng lòng hút, để sống, không thì chết đói. Đời không phải lúc nào cũng đầy mật ngọt hoa tươi...

11/6/2011








 v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét