Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012








THỊ XÃ VÀ ANH LÍNH



Truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách



Trận địa pháo cao xạ ở trên một triền đồi bên bờ con sông xanh biếc. Tầu hỏa từ phía Bắc xuống, qua cầu sắt, vào ga xép thị xã...rồi mất hút trên con đường thiên lý.

     Đơn vị của anh lính có nhiệm vụ bảo vệ chiếc cầu. Máy bay Mỹ F105, F4H thường theo đội hình “bàn tay xòe” vào dội bom phá cầu. Bom vương vãi xung quanh, thị xã bị vạ lây, nhiều dẫy phố cổ đổ nát, cỏ mọc um tùm. Người ta đi sơ tán hết, bỏ hoang hoàn toàn...

     Cuộc chiến còn lâu. Đơn vị pháo còn “an cư lạc nghiệp” trên triền đồi này không biết đến bao giờ, nên đơn vị phải tổ chức “cuộc sống ổn định” cho chiến sĩ... Lợn nuôi trong chiến hào ủn ỉn đi lại. Còn gà thì nhẩy ổ quang quác bên ụ pháo, trứng lăn ra tròn xoe trong cái ổ rơm chòng chành vì tiếng bom, hơi bom thổi xù lông gáy gà mẹ.

     Buổi sáng ấy, anh lính đi bộ qua cầu vào thị xã. Mục đích để lấy vài khóm Dạ lan hương về trồng bên công sự pháo. Dạ lan hương về đêm thơm nức. Trực chiến đêm trăng có thêm mùi dạ lan hương thoang thoảng, cũng thú vị.

       Ngày nắng thu, gió heo may run rẩy thổi dọc lòng phố cổ. Lá vàng rơi xào xạc. Chim sẻ bay từng đàn trên ban công các biệt thự. Chúng thực  sự làm chủ thị xã này từ lâu.

     Anh lính đi nhẩn nha. Chỉ có anh với lá vàng và chim sẻ. Đường đá lên rêu ướt rượt, không một bóng người qua.

     Anh lính tò mò nhìn hai bên phố. Những tòa nhà hai tầng cổ kính xây từ thế kỷ trước, đường nét châu Âu cổ điển, mái lợp đá đen Ác đoa chở tàu thủy từ Pháp sang.

     Thời trước, thị xã sầm uất. Có nhà cô đầu, kỹ nữ xinh đẹp hát hay. Có tòa Giám mục uy nghi. Có tòa Thành cổ ,vọng lâu phấp phới bóng cờ, lính canh đội nón dấu, chân quấn xà cạp, tay cầm giáo mác...

     Anh lính nghỉ chân bên bậc thềm những ngôi nhà cửa đóng kín, ổ khóa han gỉ. Chủ nhân chạy bom về các làng quê. Thành viên gia đình, con cái học hành công tác mỗi người một nơi, nhắn tin cho nhau trên cánh cửa khi có dịp qua thị xã. “Mẹ ơi, con đi thực tập bảo vệ giao thông ở bến phà Cẩm Lan”. “Em  và con đã sơ tán về làng Diềm. Anh có dịp qua thị xã thì về đấy”. “Bố đem tem gạotem thực phẩm tháng này về cho mẹ ở xóm Múc”. Mỗi cánh cửa một lời nhắn khác nhau. Đọc lắm lúc buồn cười...

     Anh lính rẽ qua lối phố nhỏ, ngắm nghía một ngôi nhà vàng ố, có tổ kiến vỡ, leo ùn ùn đầy tường. Kiến vô tận, đi, cứ đi, con nọ nối con kia, dòng nọ chồng dòng kia, “trường chinh” vô định... Một con chó hoang gầy nhẳng, không biết từ đâu chạy ra theo chân anh lính. Không kêu, không sủa, chỉ lặng lẽ. Con chó đã rạn tiếng bom, và“không sợ ma” khi một mình ở trong thị xã...

     Nắng lên cao đổ bóng nóc nhà xuống đường phố, bóng anh cũng trải dài bên bóng nóc nhà.  Trong các sân vườn kia, nhà ai có Dạ lan hương? Những ông già xưa của thị xã chắc thường trầm ngâm cả giờ trước các chậu Lan, chậu Cúc...

     Có tiếng bước chân từ chỗ rẽ ngoặt ngã ba. Anh lính ngạc nhiên. Ai thế nhỉ? Ai mà gan vậy, không sợ bom, dám về thị xã giờ này.

- Chào anh bộ đội - Cô gái mới xuất hiện, lên tiếng.

- Vâng, chào cô.

 Giá gặp nhau ở nơi khác,  chả có lý do gì để hai người hỏi nhau. Không quen, không biết. Nhưng đây là giữa thị xã bỏ hoang, chỉ có hai người trong không gian mênh mông.

 - Cô làm gì ở đây thế. Không đi sơ tán à?

-  Em nhớ thị xã, nhớ nhà quá, nên về chơi.

-  Cô biết nhà ai có hoa Dạ lan hương không?

Giữa thị xã hoang tàn, cuộc chiến khốc liệt, câu hỏi về Dạ lan hương làm cô ngạc nhiên.

- Anh hỏi làm gì?

- Tôi xin một ít về trồng ở trận địa pháo.

       -À, em hiểu rồi.

 Cô gái nghĩ một lúc ,nhớ ra:

- Nhà thằng bạn cùng học ngày xưa ở phố này, có trồng Dạ lan hương. Đêm về,  thơm lắm. Em vẫn nhớ mùi hoa ấy.

- Dẫn anh đến đó nhé - Anh lính nói.

Cô gái đi trước. Cổ cao, người thanh, bay bổng, mắt đầy nắng. Nhà ấy có trồng Dạ lan hương thật. Trong chậu sành ngoài hiên. Anh lính nhổ mấy gốc, bọc vào giấy.

- Thằng bạn  cô giờ đâu?

- Đi lính vào chiến trường rồi.

Lấy được hoa, xong nhiệm vụ, đáng lẽ anh lính và cô gái mỗi người đi một ngả. Anh về trận địa, còn cô gái về nơi sơ tán, kẻo đường xa. Nhưng đây là thị xã bỏ hoang, và giờ chỉ có hai người.

- Đêm đêm, nghe tiếng súng ì ầm bên sông, nhìn về thị xã thấy lửa đạn lấp lóe, em cứ buồn buồn. Bao giờ cuộc chiến này kết thúc hở anh  - Cô gái hỏi:

- Bao giờ... Anh không biết.

- Chắc còn lâu lắm. Nhưng em tin rồi nó sẽ chấm dứt. Và em sẽ lại trở về nơi đây. Em nhớ ngày xưa, rạp chiếu bóng đông vui, phòng thư viện thị xã nhiều sách báo... Những bài hát mộng mơ văng vẳng bên các hiên nhà. Những quán cà phê đèn nhấp nháy... Bây giờ thì chả còn gì cả. Lá vàng, rêu xanh, những đàn kiến, mèo hoang.

Hai người lững thững dạo chơi với nhau trên phố. Cứ tự nhiên như thế.

- Em nhớ tiếng còi tàu hú vào ga, tiếng chuông nhà thờ từ Tòa Giám mục ngân nga. Nhớ hội thể thao, đoàn nữ sinh chúng em mặc sóoc trắng đồng diễn.

- Buổi sáng hôm nay thị xã cũng đẹp đấy chứ - Anh lính nói - Nắng vàng, lá vàng, anh em mình vô tình gặp nhau. Thú thật với em, từ bé đến giờ, anh mới được đi chơi với một cô gái đấy.

- Em cũng thế. Lâu lắm rồi em mới được dạo bước bên một người con trai. Con trai đi chiến trường hết.

Cả hai đều thành thật. Họ đều chưa biết thế nào là tình bạn nam nữ, chứ đừng nói đến tình yêu. Thế mà bây giờ họ được đi bên nhau, tâm sự. Giành riêng cả một thị xã mênh mông cho họ dạo bước. Không một người nào được đến đây. Những hàng cây cũng quây quần bên họ. Bằng lăng, phượng vĩ,  cô đơn từ lâu lắm rồi, bây giờ mới được một đôi trai gái tựa bóng. Lá vàng rụng từ lâu lắm rồi, bây giờ mới được bàn chân giẵm dập nát bốc mùi thơm nhựa héo.

Họ có đôi, nên con chó hoang cũng rời xa, không lẽo đẽo theo chân nữa. Nó là người thừa, lại quay về ngõ vắng của mình.

- Mỏi chân chưa anh, bây giờ quay lại đầu phố ban nãy ,về nhà em chơi đi - Cô gái nói.

- Ừ, về... - Anh lính nói.

Hai người vẫn bước song song. Nhưng không dám cầm tay nhau. Dù sao họ vốn là người dưng nước lã, gặp nhau giữa đường. Chỉ có phố vắng và lá vàng đang giục họ xích lại gần nhau. Và cả cuộc chiến khốc liệt hoang tàn này nữa, cũng giục họ xích lại gần nhau...

     Cô gái cậy tổ mối bên ổ khóa. Các con mối nhai đất, quện với nước dãi, rồi đắp thành một cái mái khum khum làm nhà,giờ bị phá. Ổ khóa thì đã hoen gỉ, lạch xạch mãi mới mở được. Các phòng bên trong khá rộng, không còn giường chiếu đồ đạc. Cửa hậu  trông ra sân sau có bể nước dưới bóng cây móng rồng, rồi đến mảnh vườn nhỏ.

     Cô gái vun một ít lá vàng đốt trong bếp xua bớt không khí hoang lạnh. Mùi khói dễ chịu. Mùi nhựa lá cháy thơm thơm.

- Em ở đây với bố mẹ và anh trai. Anh trai đi chiến trường mấy năm rồi - Cô gái nói.

- Anh có mấy bánh lương khô thời chiến, luôn đem bên mình, ta “liên hoan” một cái nhé - Anh lính bảo.

Cô gái đun nước. Vẫn còn bộ ấm chén bằng đất nung trên bàn. Một hộp nụ vối từ năm ngoái. Hai người pha uống. Mấy con chuột ngửi thấy mùi lương khô, thập thò bò ra. Lương khô nén bột mì, bơ, ca cao, sữa... là “cao lương mĩ vị” thời chiến... Muốn chiến tranh thì đời cũng phải chiều các anh lính một chút chứ.

Hai người cắn nhè nhẹ.

- Ngon quá anh ạ.

-       Chỉ trong đơn vị mới có loại này - Anh lính tự hào.

Cô gái má đỏ hồng. Về lý thuyết mà nói thì trong khoảnh khắc chiến tranh, người ta dễ xích lại gần nhau. Không có nhiều thời gian năm này tháng khác như thời bình đâu. Chiều nay anh lính lại về trận địa. Và  ngày mai, lại có những trận đánh, bom rơi, súng nổ, người chết. Nhưng cô gái vẫn thẹn thùng, khó vượt qua...

     Ngồi trong nhà tối om mãi cũng chán, cô rủ anh ra vườn. Phát hiện mấy trái ổi chín, cô có lý do tự nhiên, để trèo hái đùa nghịch. Rồi cô thấy anh lính đứng dưới gốc nhìn lên, mặt ngây dại. Hóa ra cành lá vấn vít làm bật hàng khuy bấm, lộ ra khoảng ngực trắng muốt của cô. Cô vội vã đóng lại. Ánh mắt anh lính vụt xịu buồn, như nắng trong đó đã tắt. Cô gái thấy thương thương. Ngày mai, anh đứng giữa bão lốc của đạn bom, có thể vĩnh viễn giã từ thế gian này. Tại sao bây giờ anh phải buồn khổ.

     Cô gái giận mình. Quay đi, vờ vươn hái một trái ổi xa,cô cố tình để cho cành lá lại móc vào, tuột hàng khuy bấm. Ức cô lại hở ra trắng nõn. Và lấp ló đôi vú như trăng lấp ló sau mây.

     Gương mặt anh lính lại bừng lên ánh sáng. Nỗi sung sướng hồn nhiên, không che giấu. Ngày hôm nay, ngày kỳ diệu của đời anh. Lần đầu tiên trong đời, anh được nhìn thấy đôi vú con gái. Không được nhìn cả. Chỉ thấy một phần. Nhưng đã là huyền diệu, thần tiên lắm rồi. Đời anh, từ bé đến giờ, chăn trâu cắt cỏ, đi lính, đánh vài chục trận, suýt chết mấy lần... đến bây giờ đến được đỉnh cao...



*

*  *

*  *  *





Mấy chục năm sau ,cái thị xã bỏ hoang đã trở thành một thành phố giàu sang rực rỡ.

Cô gái xưa đã thành một thiếu phụ đẫy đà, sung mãn, cổ đeo vòng vàng. Ngôi nhà xưa đã trở thành một cửa hàng điện tử, suốt ngày mở nhạc đinh tai, khiến chim vườn sợ bay đi hết. Anh trai cô hy sinh ngoài chiến trường, cô được thừa hưởng ngôi nhà. Khi xây dựng lại, cô thiết kế một ban công trồng toàn dạ lan hương gần phòng ngủ. Mùi hoa ngạt ngào trong những giấc mơ đêm.

  Ngày ấy, sau buổi làm quen, cô và anh lính có hẹn hò. Cô có địa chỉ rõ ràng.Là ngôi nhà này . Còn anh lính thì không. Đời lính nay trận địa này, mai chiến trường khác, sao mà biết được. Cô nghe tiếng cao xạ bắn máy bay ở đâu là lòng lại ngóng về nơi ấy. Nhưng anh biệt vô âm tín, không bao giờ trở lại. Anh bạc tình. Cô hờn giận nghĩ. Nhưng rồi lại khóc thầm: hay là anh đã hy sinh ngay tuần sau, tháng sau của buổi gặp gỡ.

Hòa bình. Bây giờ thì ở chiến trường nào, anh cũng có thể về ngôi nhà xưa được chứ. Nhưng không, vẫn vắng bóng anh. Cô nghĩ ra cảnh tượng: đơn vị anh ngày ấy chuyển vào miền Nam,  tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Người chiến thắng đã yêu và lấy con gái một nhà tư sản. Bây giờ họ đang sống với nhau trong một biệt thự lộng lẫy tại trung tâm thành phố hoa lệ. Họ đâu thèm cái tỉnh nhỏ và người con gái hái ổi, thương anh ,ngày xưa.

Thời gian cứ trôi, và cô không thể biết được đâu là sự thật. Anh còn sống, hay đã hy sinh. Hoa đến kỳ, hoa phải nở; đò đã đầy, đò phải sang sông; một ngày kia, đến duyên, cô gái đi lấy chồng. Nhưng lòng cô vẫn sống mãi mối tình trong khoảnh khắc chiến tranh ngày ấy...



30/3/2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét