Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012








Linh tinh tình… phập



                           Tản văn

                                Nguyễn Phan Hách

    

     Ông đồ Nghệ đến dậỵ học ở làng Trung du gần kinh đô của các Vua Hùng thuở trước. Con gái ông, cô bé Hồ Xuân Hương xinh đẹp, thông minh, tý tuổi đầu đã biết đọc sách, làm thơ. Đêm nay, hội làng, cô bé náo nức đi dự. Sân đình mênh mông, đèn nến tắt hết, dân làng đứng im hành lễ, đợi chờ giây phút thiêng liêng.

     Trong hậu cung đình, ông chủ tế chắp tay áo thụng lam như chầu vua. Đằng sau là các ông bồi tế tay bưng lễ vật.

     Nghi lễ tế thần hội làng Trung du này là một nghi lễ kỳ lạ mà cô bé Xuân Hương từ miền Trung ra Đất Tổ được biết. Cô thích thú theo dõi đã mấy năm nay…Giờ linh thiêng nhất đã tới. Khi ông bồi tế hô lên ba tiếng: “Khởi chinh cổ” thì chiêng trống ngân vang. Từ hai bên cánh gà Hậu cung, một đôi Hoàng Nam, Ngọc Nữ xinh đẹp bước ra. Chàng cởi trần đóng khố. Nàng yếm đỏ, váy xắn cao. Tay chàng cầm chiếc sinh thực khí nam sơn son thếp vàng. Và nàng cầm sinh thực khí nữ cũng đẹp đẽ, rực rỡ như thế. Gương mặt hai người trang nghiêm. Giờ phút này họ là Thiên sứ, đầu tỏa ánh hào quang.

     Tiếng hát thánh lễ của tốp nam tốp nữ ngân nga. Chàng trai và cô gái từ từ tiến lại như đôi chim phượng chim công nhún nhẩy. Họ đi những bước ngự của mùa xuân. Hai bộ sinh thực khí giơ cao trong đèn nến lấp lánh cho mọi người chiêm ngưỡng. Một khắc trôi qua. Cả sân đính nín thở. Họ đợi chờ như đợi chờ thời khắc giao thừa, bước chân năm mới chạm bậc thềm, đem theo cơn lũ linh khí của mùa xuân.

     Ông chủ tế nghẹn ngào vì hồi hộp. Giọng ông xa xăm mà âm vang xướng lên hiệu lệnh: “Linh… tinhtình… phập”. Khớp với hiệu lệnh, khi câu “Linh tinh” vừa cất lên, thì chàng trai lao cái sinh thực khí về phía trước, và khi câu “tình phập” vừa hạ xuống , thì nó cắm phập vào cái sinh thực khí nữ. Vừa khớp vừa nhịp nhàng. Chậm một giây không được. Mà nhanh một giây cũng không được. Chậm hay nhanh đều mất hết  vẻ mầu nhiệm của nghi lễ. Nếu hai cái sinh thực khí  mà cắm trượt, thì là tai họa tầy đình cho cả làng năm đó. Các cặp vợ chồng sẽ muộn màng trong việc đẻ đái, bụng đàn bà khó khăn mà chẳng có mang. Ghê hơn nữa là làng sẽ bị quan Ôn, quan Dịch mò đến không biết chừng. Nhẹ nhất là mất mùa đói kém, nhiều người phải đi ăn mày. Đấy, quan trọng thế đấy. Vì vậy khi cái câu “Linh tinh tình phập” cất lên, cả làng đứng tim để nhìn cảnh hai cái sinh thực khí cắm trúng vào nhau. Run tay cắm chệch, hai Hoàng Nam, Ngọc Nữ  có thể bị dân làng xô vào lôi ra đánh.

     Hai bộ sinh thực khí làm bằng “thần mộc”, là báu vật vô giá của làng. Nó có từ đời nào, không ai biết. Nó mang hồn của người đầu tiên đến đất này sinh cơ lập nghiệp và trở thành Thành hoàng của làng. Nó là linh vật đầy quyền năng, được thờ đã mấy trăm năm. Từ nó như tỏa ra ánh sáng kỳ ảo của lẽ tạo sinh huyền bí trên thế gian này. Người làng trông thấy nó là cúi đầu xuống, chắp tay lễ. Chỉ dám nhìn trộm mà không dám nhìn thẳng. Chạm tay vào nó là hồn xiêu phách lạc vì sợ, vì kính cẩn…

     Mỗi năm một lần tế lễ, bộ sinh thực khí mới được đem ra rửa bằng những giọt sương hứng từ hoa sói, hoa cúc, hoa nhài.

     Bộ sinh thực khí ngự trên cao cho dân làng lễ bái. Hoàng Nam, Ngọc Nữ  phải ăn chay nằm mộng cả tháng giời, xa lánh  phàm trần.”Linh tinh tình… phập”, khi đã “phập” xong rồi, thì giống như là hạt mầm đã gieo, sẽ sinh nở muôn vàn tươi tốt cho thế gian. Mưa xuân rắc xuống mặt đất. Hoa đào bừng nở. Bướm vàng bay, chim vàng anh hót, cuộc đời bừng dậy sự sống… “Linh tinh tình… phập”, dân làng chắp tay cúi lễ cái giờ phút ấy. Vì từ đó phúc lộc sẽ ban xuống như mưa cho đời họ. Họ sẽ con đàn cháu đống, lúa má đầy nhà. Nghĩ cho cùng dân làng có lý lắm, nếu không có “tình phập” thì thử hỏi có thế gian này không. Ngừng “tình phập” tất cả thành  hư vô. Cho nên cái nghi lễ Hội này có ý nghĩa lớn lao nhất. Có gì lớn lao hơn là sự sinh nở ra cuộc sống…

     “Linh tinh… tình phập” cô bé Hồ Xuân Hương dù đã đến tuổi cập kê, xinh đẹp,  nhưng là dân “ngụ cư” nên không bao giờ được chọn là Ngọc Nữ thực hiện nghi lễ. Cô chỉ đứng xem. Nhưng cái phép nhiệm màu của nghi lễ đã biến thành dòng chẩy vào tâm hồn cô, để tạo nên dòng thơ phồn thực Việt Nam bất hủ của Bà Chúa Thơ Nôm nổi tiếng khắp thế giới sau này…



Đại Yên 1/2/2012

                                           (Viết dựa theo các sự kiện có thật: Hội làng Trám – Phú Thọ và thời thơ ấu Hồ Xuân Hương từng ở đây)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét