Nguyễn Thanh Lâm
Gương mặt thời gian
Đọc tiểu thuyết Cuồng Phong
Của Nguyễn Phan Hách – NXB Hội nhà văn 2008
Tôi đã về làng Mão điền quê của nhà thơ – nhà văn Nguyễn Phan Hách. Hi vọng mường tượng ra Thạch gia trang… uy nghi cổ kính, tìm lại chút hương thời gian, tìm dấu tích của cơn cuồng phong đã xô đẩy, cuốn trôi số phận những con người của một gia tộc trải bốn đời sóng gió. Trước mắt tôi ngôi nhà thờ họ vẫn uy nghi, mái ngói rêu in, bức hoành phi, câu đối nét chữ chưa mờ phai, giếng thơi trước cửa nheo mắt nhìn tôi. Tất cả như biết nói. Ao sen nói bằng hương, không gian nói bằng tĩnh lặng, chính không gian tĩnh lặng – ngôn ngữ không lời giúp hồn tôi thoát ra khỏi trang sách, thoát ra ngoài tiểu thuyết “Cuồng Phong”, đứng ở thế kỷ 21 nhìn về quá khứ.
Tiểu thuyết “Cuồng Phong” như bức tranh hoành tráng bao quát không gian, thời gian, lịch sử. Bước vào bức tranh ấy muốn không bị lạc lối phải bước từ đầu, đi đến đâu đánh dấu đến đấy, nhập hồn mình vào đấy mới thấy thú, như khám phá được cái thực – chân dung lịch sử, gương mặt thời gian.
Ngàn Nhã son buổi sáng đầu hè rừng cây hoang dại và con suối trong vắt từ góc khuất của bức tranh hiện lên mối tình bản năng hoang dã của cả Cồ - khởi nguồn của một gia tộc. Hồn rừng núi và hồn suối nhập vào cả Cồ, sinh và dưỡng cả Cồ. Thể chất của cả Cồ mạnh mẽ hồn nhiên như tự nhiên. Nhân vật cả Cồ được tạo nên bằng bàn tay tự nhiên không cầu kì như trời sinh ra thế! Nhân vật cả Cồ mang tính chất sử thi bi tráng hồn Việt, văn phong tạo hình cũng mang chất dã sử chân chất và lãng mạn khiến người đọc dễ mến, dễ gần như Đam San, Chử Đồng Tử. Nhưng là dã sử của một thời hiện đại có chất thơ, chất thơ ẩn tàng trong rừng cây xanh biếc Nhà son trong ánh nắng bơi trong suối trong veo, ẩn trong vóc dáng phi phàm của cả Cồ, trong hồn chất phác bản năng và kiêu dũng, chính chất thơ ấy cho người đọc độ lượng, cảm thông, nhìn cuộc tình bản năng của cả Cồ với cái nhìn nhân văn. Và tình yêu nếu thiếu cái ngọn lửa bản năng sẽ đơn điệu biết bao!
Cả Cồ là nhân vật khởi nguồn từ anh nông dân chống cướp bảo vệ thôn làng, trở thành lãnh binh chống Pháp lừng danh. Dòng máu kiêu hùng khởi nguồn cho dòng họ kiêu hùng và dòng họ ấy có cả chất văn lược kiêm ưu của ông đồ Ngạn.
Khí chất của cả Cồ ẩn tàng trong nhân vật Nguyễn Đức Nguyên, Nguyễn Đức Vĩnh, Đức Hàm và cả Trung, Lữ, Hải Yến. Các nhân vật cùng đứng trong bầu trời chung, bức tranh chung của lịch sử. Cùng một dòng máu họ tộc nhưng tính cách số phận khác nhau song cùng chịu trận cuồng phong phiêu dạt, chìm nổi trong lịch sử thời gian. Lịch sử của dòng họ như trận thế bàn cờ, như đạo trời có bĩ thái thịnh suy “Ông Đức Nguyên tù Côn Đảo thì cứ tù, con trai ông là Nguyễn Đức Vĩnh vẫn cứ về làm quan phụ mẫu Thuận An”, người anh thích làm quan cho yên thân và yên bình gia tộc, người em Đức Hàm say vì lý tưởng.
Những con tốt, con xe, con pháo trên bàn cờ đều có bước đi khác nhau nhưng vẫn ở trên bàn cờ ấy. Hùng là con tốt đã qua sông “Dắt cái Triện – biểu tượng của chính quyền phong kiến vào cạp quần” trở thành Hùm Xám đánh Pháp lừng danh, nhưng Hùm Xám vẫn ở trong bàn cờ, giữa bàn cờ là dòng sông ngăn cách đôi bờ, dòng sông ấy thấm đượm máu thời gian, nhưng con tốt qua sông rồi không thẻ quay về!
“Cuồng Phong” bùng phát từ sự kiện 19-8 năm 1945 và Hà Nội năm 1946. Tiếng súng vọng đến Thạch Gia trang năm 1947 và trận cuồng phong ấy đưa cuộc đời của Đức Vĩnh đi tu, vào Sài Gòn làm quan ngụy, đưa Hùng trở thành Hùm Xám lừng danh đất Tam Thiên Mẫu. Nhưng hãy lắng nghe tiếng nói của con người lịch sử - lắng nghe cuộc trò chuyện đêm tân hôn của Hùng và Viên “Nếu Việt Minh thua chắc không thể có đám cưới này. Thú thực, anh chiến đấu không mệt mỏi ngoài cái lý tưởng chung vì nước vì dân, còn chính là phải thắng để lấy được em, nước với dân ở trên cao còn em thì luôn ở trước mắt thôi thúc anh, không có em chắc anh không thành Hùm Xám tướng quân được”.
Mọi lý thuyết sẽ héo khô trước lời tình tự đêm tân hôn, lịch sử có tiếng nói riêng ở mỗi thời nhưng tình yêu có tiếng nói riêng không phụ thuộc vào thời gian. Thời gian tưởng bình lặng nhưng ẩn chứa cuồng phong, thay đổi phận người. Lan Viên lột xác từ “Cô gái ngủ chuồng bò thành tiểu thư Hà thành”, thời gian mang gương mặt u ám và nhẫn nại trên gương mặt bà Nghè ở thời vận 1956. Và bừng sáng – qua bĩ đến thái trên gương mặt Đức Hàm, đất trời đổi mới tinh khôi, Đức Hàm mới trong bộ quân phục mũ gắn sao vàng. Và trong cái đêm trường ảm đạm ấy hình ảnh cụ Cồ dọa ma làm hốt hoảng kẻ bất lương, Hùng “Hùm Xám” sa cơ thành kẻ bội tình viết đơn li dị Viên và rất “Thông minh” quỳ mọp dưới quyền uy của Huệ.
Bão táp tạm ngừng rồi lại nổi gió ở năm 1966, cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, “Thăng Long vô chiến địa” đã thành chiến địa năm 1972. Không gian mở rộng, tâm hồn và tầm nhìn con người cũng rộng mở hơn, tình yêu không còn biên giới. Lan Viên mở cung độ tình yêu với Phong gửi nhớ nhung đến Sài Gòn, Matxcova, Paris, ký ức êm đềm trở về trong mộng.
Lý thuyết hiện sinh thực dụng và tư tưởng triết học đông tây sánh vai nhau bước dài trên đại lộ lịch sử, và trên đại lộ ấy con người rất hoang mang “Lữ hoang mang chưa bao giờ quân cộng hòa rút chạy như nước lũ thế này”.
Và trong nỗi hoang mang ấy, cơn “Cuồng Phong” lại đánh thức con người ngộ ra cái thực “Việt Cộng là chú Hàm, thằng Trung, tướng Vũ Hùng nhà ta chứ ai”. Tiếng đại bác làm Đức Vĩnh tê liệt “Mong đợi ở quyền năng siêu nhiên, con người chẳng là gì so với quyền năng ấy”.
Tâm của “Cuồng Phong” là nhưng ngày tổng tiến công cuối tháng 4 năm 1975. “Cuồng Phong” đã quật ngã, ném lũ tướng lĩnh Mỹ ngụy lên thang dây như những chùm sung treo trên máy bay tìm đường thoát bão.
Bão tan, trời lại xanh, hòa bình rưng rưng nước mắt cờ hoa!
Nếu “Cuồng Phong” của Nguyễn Phan Hách dừng ở đây thôi cho bạn đọc nghĩ tiếp về những người con người cháu của cụ cả Cồ chắc ông sợ thiếu ‘thiếu một thế hệ chăng’ mô típ chuyện sẽ theo lối mòn “Có hậu” chăng.
Bão đã tan, gió đã lành Đức Vĩnh ra tù trở về ngôi nhà có cây Hoàng Lan, hoa vàng thơm nức rơi trên mái ngói vẹo xiêu, rơi dưới chân tường rêu mốc. Đức Hàm ôm lấy Đức Vĩnh khóc hu hu, cảnh 3 ông già tóc bạc: Hàm, Vĩnh, Hùng 3 số phận ngồi với nhau bên chai nếp cái hoa vàng tẩy trần và Thạch gia trang đoàn viên cả người còn sống trên đời và người quá cố trở về trong khói hương như cơn mưa lành – cơn mưa đền cây sau ngày giông bão nên thơ mà buồn!
Bão đã tan, viết đến đây cũng đủ, độc giả đã “nếm đã đời” “Cuồng Phong” tác giả còn cho độc giả “Tráng mắt, tráng hồn” cảnh đời phận người trôi dạt tới trời Hoa Kỳ - đất nước văn minh và hiện sinh. Ở đây tình yêu có thật, nước mắt có thật nhưng lý trí thật hơn, mạnh hơn.
Phần 3 của “Cuồng Phong” là con gió tình yêu, tình yêu không biên giới. Tâm hồn Âu – Á giao duyên và tình yêu của họ thăng hoa, lụi tàn trong thời khắc lịch sử của nước Nga. Họ sống và yêu trong cơn bão nước Nga, mặt trời cũ bị truất ngôi thay bằng mặt trời mới, lịch sử sang trang nên tình yêu cũng sang trang. Kinh tế thị trường và đồng tiền làm tâm hồn lạnh giá, trong cơn bão thiên nhiên con người vẫn còn sống sót, nhưng cơn bão cuộc đời đã quật ngã con người, quật ngã tình yêu.
Cái kết của “Cuồng Phong” làm tôi buồn! đành rằng trên thế giới biết bao người tự tử vì chứng khoán, vì tiền, nhưng trang sách đã hấp dẫn tôi từ đầu như tình yêu bắt nguồn từ cái nhìn đầu tiên, và cả một chặng dài… “Cuồng Phong” nổi gió trong tôi. Bỗng nhiên hẫng hụt, tắt lặng ở phút cuối cùng!
Cũng còn may văn phong của cuốn truyện như thơ nâng tôi dậy và bình tâm trở lại. Tôi trở về làng Mão Điền trong không gian tĩnh lặng nghe hương sen “Bênh” Nguyễn Phan Hách bằng hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét