Miền quê quan họ
Ba thằng nhóc chúng tôi ngày ấy, rẻo chân, lúc nào cũng đến nhà bà Trưởng. Chồng bà Trưởng là nhà buôn bè giàu có hào hoa phong nhã, thích chơi chim muông, cây cảnh. Đường vào nhà bà cong như cổ ngỗng, hai bên trồng hoa tầm xuân. Cửa có hồ rộng thả sen, bờ lát đá nhiều bậc làm bến tắm. Vườn trồng táo, táo cổ thụ um tùm rợp bóng, táo chín rơi vỡ thơm nức trên những phiến đá xanh xếp như bộ xa lông đồ sộ ngoài trời. Nhưng đẹp nhất là các lồng chim. Những lồng chim sơn son thếp vàng mái hình lầu cong cổ kính, treo trên các cành táo la đà.
Ông Trưởng chết non, để mặc những con chim quý giá trong lồng chết đói. Ba đứa chúng tôi thay ông, hàng ngày đi bắt cào cào châu chấu nuôi chúng. Tiếng oanh ngân réo rắt, tiêng sáo líu lô, tiếng bách thanh biến đổi nhiều giọng... Cả vườn táo ngập tràn âm thanh...
Nhưng chúng tôi mê tiếng hát quan họ của các cô gái đến đây tập dưới sự chỉ dẫn của bà Trưởng hơn...
Bà là trưởng bè Quan họ nổi tiếng. Trời sinh ra bà Trưởng để mà hát; và đời với bà chỉ là hát. Giọng bà hơi buồn buồn đắm đuối, ngơ ngẩn. Nhưng đấy là ngày xưa; còn bây giờ giọng bà chỉ còn như một chiếc cốc pha lê đã rạn.
Tôi vẫn nhớ những buổi tập hát trong vườn táo.
Trời se se, nắng ấm vàng reo như bọt bia tan, qua tàng cây rơi lổ đổ xuống thảm lá khô. Các chị chít khăn len, má đỏ hồng, ngồi trên những phiến đá xanh, tập điệu “Ngỏ lời”. Điệu “Ngỏ lời” phải có giọng thẹn thùng e ấp. Đó là lúc các quan họ bè nam thiên hạ, hoàn toàn xa lạ, đến dự hội, đánh tiếng muốn làm quen với bè nữ. Nhận hát thì kết bạn hay chối từ? Giống như cô gái khi có người đến dạm hỏi, có chối thì cũng phải khéo léo, đừng đỏng đảnh kiêu kỳ; có nhận thì cũng đừng vồ vập làm như hạn hán gặp mưa; mà phải ngập ngừng e lệ.
Điệu “Ngỏ lời” phải như nước suối thượng nguồn, róc rách, từ từ, nhưng ngay từ đầu đã phải trong vắt tinh khôi, và hứa hẹn một dòng cuồn cuộn, không bao giờ khô cạn, giống như sự lâu bền phong phú của tình yêu.
Các chị tập điệu “Ngỏ lời” ngân nga, nhấn nhá, sắc mặt thẹn thò tưởng như đang đứng trước một chàng trai đến chạm ngõ thật. Tiếng hát của các chị lảnh lót, luyến láy đôi khi được điểm nhịp bằng một tiếng chim trên cành, nghe thật lạ...
Mấy đứa nhóc chúng tôi nghếch mỏ lên nghe như nuốt lấy từng lời. Khi bà Trưởng hạ lệnh “giải lao”, là chúng tôi lao phốc lên cây say mê tìm những quả táo ngon nhất để các chị ăn cho trong giọng. Các chị âu yếm ôm tôi vào lòng; đầu tôi lút trong khuôn ngực dịu mềm ấm rực, và tôi biết rõ thế nào là nhịp tim rộn rã náo nức của các chị - những cô gái đẹp đến kỳ yêu đương. Hết cả mùa táo chín, mà các chị em chưa tập xong điệu “Ngỏ lời”. Những chiếc lá táo vàng tròn xoe như những đồng tiền vàng đã phủ ngập bờ phiến đá. Chưa xong điệu “Ngỏ lời” mà có người đã phải chia tay quan họ. Chị Ba đẹp nhất bè, đi lấy chồng, phải về trên tỉnh.
- Chả bao giờ chị còn được đến đây nữa - Giọng chị buồn như sắp khóc - Em đi trẩy cho chị một trái táo cuối cùng đi...
Tôi đi lùng khắp vườn mới được một quả sót cuối mùa. Chị cắn nhè nhẹ, nước mắt ứa ra. Chị còn trẻ quá, chưa tập xong điệu “Ngỏ lời”, mà đã là gái an phận có chồng.
- Sang hè, tập đến điệu “Thương nhau”? - Chị hỏi bà Trưởng.
- Ừ, sang hè là điệu “Thương nhau”...
Sang hè, đêm trăng, gió từ hồ sen trước nhà thổi lên mát rượi. Các chị mặc áo cộc lụa, quần vén cao quá gối, thả những đôi chân tròn căng nõn nà, vừa đung đưa trong làn nước trong vắt vừa tập điệu “Thương nhau”.
Điệu “Thương nhau” hát phải nồng cháy, thiết tha. Tình yêu không được uể oải hững hờ. Tình yêu cũng đừng mực thước quá. Phải hơi điên dại một chút. Bà Trưởng dạy các cô gái từ cách lấy hơi, nhả chữ tròn vành rõ tiếng đến cách ngân rung luyến láy âm thanh...
Thương nhau như bà Trưởng thương ông Trưởng ngày xưa. Bà con nhà quan, nho giáo, nền nếp gia phong. Ông Trưởng - thằng buôn bè lúc ấy đóng khố cởi trần đưa bè vượt thác. Vậy mà thoáng nhìn thấy là yêu. Bà nhổ toẹt vào cái “Công, dung, ngôn, hạnh” vứt trả mẹ cha cái lễ “tam tòng”, một mạch bỏ nhà xuống thuyền cùng ông Trưởng đi cùng trời cuối đất...
... Các chị hát xong, mệt vã mồ hôi, (vì phải diễn tả sự nồng cháy thương nhau) cởi quần áo tắm trên bến đá, bơi đuổi nhau như những con thiên nga trắng muốt trên hồ.
Sau hè là đến thu. Mùa thu là lúc các chị tập được nhiều điệu nhất. Điệu cuối mùa: “Giã bạn...”
“Giã bạn” là điệu kết thúc hội hát. Sau bao ngày thi hát ròng rã trên bộ dưới thuyền, trai gái các bè các làng quấn quện thương nhau bây giờ phải giã bạn xuống thuyền, ai về quê nấy. Ôi, điệu “Giã bạn” lưu luyến dùng dằng, đau đáu, buồn biết chừng nào...
Bà Trưởng dàn dựng cảnh như thật. Bà cho tôi đóng vai lái đò chở các chị trên hồ trước nhà. Còn hai thằng ngố Túc và Viên thì đóng giả vai “Liền anh quan họ” đứng trên bến đá vẫy chia tay...
Tôi bơi chèo đúng “bài bản” bà Trưởng dặn. Mái chèo lúc tách bến uể oải, ngập ngừng, không dứt được. Đó chính là lúc các chị phải bắt vào nhịp của đoạn “Dầu lòng vậy, cầm lòng vậy biết làm sao đây” diễn tả sự bất lực, cam chịu chia ly...
Cam chịu nhưng còn nấn ná, luyến tiếc. Vì thế mái chèo của tôi phải khua ngược áp bờ, cho quan họ trên bến dưới thuyền lại cầm tay níu áo nhau lần nữa. Dừng ở đây ít phút cho các chị ngân lên cái điệp khúc “Quan họ nghỉ chúng em ra về” ba lần. Khi các chị vừa bắt vào nhịp “Bây giờ chia rẽ đôi nơi”, và làm động tác “dứt áo” thì “mái chèo nghệ thuật” của tôi phải khua một nhịp thật mạnh cho thuyền băng đi; và từ đây phải cắm đầu cắm cổ chèo như chạy chốn, để diễn tả sự kiên quyết, sự khắc nghiệt của cuộc đời... Chính lúc ấy là lúc hòa với tiếng nước khua ràn rạt, giọng hát của các chị ngân réo lên, cuống cuồng, tuyệt vọng, đau đớn đến đứt ruột gan.
Mặc kệ, không có chuyện quay đò lần nữa. Tôi khoái vô cùng, thấy mái chèo của tôi đầy quyền lực, mặc xác nhịp hát như khẩn khoản van nài. Hai thằng “cua đồng” đóng vai liền anh quan họ đứng trên bờ vẫy cứng quèo dở ẹc, làm cho các chị đang “sa lệ chau mày” cũng phải bật cười...
... Một năm, khi ba đứa đã lớn (lớn lúc nào không biết mới buồn cười chứ), chúng tôi đến gặp anh Cả trưởng bè Nam quan họ, xin nhập hội ở hàng em Út.
Anh Cả nghe hát thử xong, phân loại, bảo thằng Túc giọng Thổ đồng, còn tôi và Viên giọng Kim.
Chả biết anh gọi thế là thế nào? Thổ đồng - Kim là cái gì. Cứ như tai tôi nghe thì giọng tôi với Viên thanh thanh, còn giọng Túc ồm ồm. Loại nào hơn loại nào?
- Thổ là đất, đồng là nồi đồng - Thằng Viên phân tích - Còn Kim là vàng... Vàng quý hơn đất với nồi đồng chứ... Giọng thằng Túc đáng vứt mẹ nó đi, hát hỏng làm gì...
Túc uất nổ ruột gan. Nhưng xem ra, anh Cả lại nói chất giọng của Túc hiếm lắm. Ồm ồm nặng trịch mà “hiếm”, thế ra đất với đồng lại quý hơn vàng à?
Hàng em út Nam ứng với hàng em út Nữ của bè nữ bên bà Trưởng. Bên ấy cũng vừa xuất hiện ba đứa choai choai, Can, Miên, Đào.
Ba con nhóc xinh ơi là xinh. Can mắt đen láy, gọn ghẽ hồn nhiên nhí nhảnh như con chim nhảy nhót trên cành. Miên thì miệng cười như sóng gợn mặt hồ, mắt nhìn đắm đuối, liếc đâu tưởng nghiêng ngả đấy. Cái Đào mặt hoa da phấn, trông mơn mởn như bông hoa hồng bạch.
Ba đứa chúng tôi ngồi trong vườn ngâu tranh cãi suốt buổi chiều để “chia nhau” ba con nhóc ấy, mà không ngã ngũ.
Trời ơi, khó quá. Tôi thích tính nhí nhảnh của Can, nhưng lại tiếc ánh mắt buồn của Miên, mà lại khoái cả cái mơn mởn của Đào. Biết chọn ai? Thằng Túc cũng phùng má trợn mắt, lúc nó chọn Can, lúc lại: thôi, thôi, tớ “lấy” Miên. Rồi vừa dứt lời lại quay phắt: hay là của tớ cái Đào.
- Thế cậu dứt khoát “lấy” Đào nhé - Viên nhắc lại với Túc.
Tim tôi thót lên, tiếc ngẩn ra. Cái Đào đẹp quá, đời nào tôi chịu.
- Thế tớ không được phần gì ở cái Đào à? - Tôi hỏi.
- Cậu có cái Can rồi. - Trọng tài Viên phân định.
Thằng Túc vội chồm lên:
- Mình nó được cái Can. Khôn thế.
- Thì cậu đổi lại, cậu lấy cái Can, thằng Khảm cái Đào.
- Cậu vừa bảo cái Đào là của tớ rồi, giờ lại thay đổi ý kiến - Túc cãi.
- Kệ mẹ hai đứa chúng mày, tao chỉ biết phần tao cái Miên.
- Ê lều! Khôn thế. - Cả tôi và Túc cùng đồng thanh.
Thằng Viên trố mắt:
- Chúng mày cũng thích cái Miên?
- Tất nhiên! - Tôi và Túc lại đồng thanh.
Thằng Viên đớ người ra, chả biết thế nào:
- Vậy chúng mày chia đi.
- Thế này nhé! - Thằng Túc sau một hồi suy nghĩ vẻ chín chắn đưa ra quyết định. - Cả ba đứa mình cùng yêu chung ba đứa.
- Mày ngu quá... Đến con cún cun nó cũng không ngu như mày. Viên bực mình. - Tao chả hiểu ra làm sao nữa. Thế chúng mày tưởng chúng mình ngồi đây chia nhau là xong xuôi mọi chuyện đấy hẳn. Nhầm. Đến cái móng chân của một đứa, cũng chưa chắc đã được, huống hồ tham lam đòi cả ba... Hãy chọn lấy một đứa làm đối tượng, rồi tìm cách chinh phục, làm thế nào để nó có cảm tình với mình, yêu mình. Thế là phúc nhà chúng mày to bằng cái đình rồi đấy.
Túc có vẻ hoang mang:
- Làm thế nào để nó có cảm tình với mình được?
- Đấy là cái tài, cái duyên của mày.
Túc lo lắng:
- Nhưng tao có cái tài cái duyên không?
- Không biết!
- Tao đếch cần nó có cảm tình với tao hay không. - Tôi nói: - Tao thích là tao cứ yêu, tao yêu ai cấm được, còn nó có yêu lại hay không là chuyện của nó, không cần.
- Với kiểu ấy thì mày có thể yêu con gái cả cái tổng này được. Đồ ngu... thế mà cũng đòi...
- Nếu mình cứ “chịu khó yêu” nó, mà nó thì cứ ghét mình như con chó thì... - Thằng Túc có vẻ lo lắng... - Tao cũng không thích... Thôi, hay là “phân cho tao đứa nào dễ yêu nhất, còn đứa kiêu kỳ để phần chúng mày - Túc xuống nước.
- Chả có đứa nào dễ yêu cả. Tất cả đều khó hết - Viên tuyên bố. - Thôi bây giờ thế này, tao nghĩ ra cách “thiên địa vận”, không thằng nào tranh chìa được nữa. Tao sẽ trẩy một nắm táo, gắp thăm. Mỗi thằng nhắm mắt nhón một quả. Quả chua là cái Đào. Quả ngọt là cái Miên... Quả dịu là cái Can.
- Đồng ý - Tôi nói.
Những quả táo cùng một vườn mà khác nhau quá. Quả đã chín vàng quả xanh, quả chua, quả ngọt...
Thằng Viên chìa vốc táo trước mặt. Tôi ti hí mắt... Ngọt, chua, dịu... ngọt, dịu chua... Ngón tay tôi ngập ngừng. Trái vàng ươm kia nhưng chua thì sao. Và trái nhỏ xanh kia biết đâu lại ngọt. Nhưng chua hơn hay ngọt hơn. Và dịu nữa. Dịu có hơn không. Trái nào có vị dịu. Làm sao nhìn bề ngoài mà đoán biết được.
- Mau lên... Và nhắm chặt mắt lại chứ... Viên quát - Thằng Túc bịt kín mắt nó cho tao.
Tôi hồi hộp đến nỗi tay run run. Cuối cùng thì cũng nhón được một trái. Hai đứa kia đổ xô mắt lại. Trái táo tròn xoe, mỡ màng.
- Nếm đi, xem vị gì?
Tôi đưa trái táo lên miệng. Răng vừa xật xuống một cái, miếng táo vỡ thì hàm cũng đờ ra, chả biết nó vị gì nữa.
- Thế nào? - Hai đứa nôn nóng hỏi.
- Tao không biết.
- Sao không biết. Lưỡi mày để đâu, chua hay ngọt hay dịu?
- Không có vị gì cả.
- Vô lý.
Thằng Viên giằng trái táo, nó nhá ráu một phát rồi nhắm mắt nghĩ ngợi.
- Dịu - Nó kêu to.
- Vậy là nó được cái Can - Túc thở dài tuyệt vọng.
Tôi giằng lại trái táo của tôi, nếm lại.
Tôi nhai thong thả, nuốt từng tí một vào cuống họng. Khi trái táo đã tan biến trên lưỡi, lòng tôi dâng lên nỗi bâng khuâng khó tả... Vậy là từ nay cái Can là của tôi, của riêng tôi. Tôi đã có nó và chỉ riêng nó mà thôi. Cái Can mắt đen láy, gẫy gọn hồn nhiên, nhí nhảnh như con chim trên cành...
Đến lượt thằng Túc bốc thăm. Tôi tiến lại bịt mắt nó ngay từ phút đầu, không để cho một giây ngắm nghía vốc táo. Tôi bịt chặt, tay áp mạnh.
- Mẹ mày, bóp đau thế. - Nó chửi. - Việc gì đến mày mà nhặng thế. Phận mày cái Can rồi còn gì nữa.
Thằng Túc rờ rẫm. Trái táo nó nhón được khá to, mọng, ngon mắt. Túc đút tỏm vào miệng, nhau ráu một tiếng ngon lành và kêu lên: “Của tao cái Đào”.
Cái Đào ứng với vị chua. Cái Đào mặt trắng mơn mởn như bông hoa hồng bạch... Tôi vội bóp họng Túc không cho nó nuốt trái táo:
- Để tao kiểm tra đã chứ.
Túc lè ra. Tôi nhấm nháp. Một vị chua, thơm, lan trong kẽ răng. Sao lưỡi tôi bây giờ tinh thế, chả bù cho lúc cắn quả táo của mình. Tôi buồn bã xác nhận:
- Cái Đào thật.
Thế là việc chia phần cơ bản đã xong. Đương nhiên còn lại cái Miên là của Viên. Nhưng cả tôi và Túc cứ gân cổ bắt nó gắp thăm. Viên mở to mắt, chọn quả chín vàng, mọng nhất, trông đã biết là ngọt lịm rồi. Cái Miên có nụ cười và ánh mắt cứ làm người khác nao lòng. Cái Miên là của thằng Viên, là trái táo ngọt lịm đã cầm trong tay nó kia.
Viên trịnh trọng đưa táo lên môi, trước sự chứng kiến của tôi và Túc như một thủ tục hợp pháp hóa.
- Ối! - Bỗng nó kêu lên hoảng hốt.
- Sao?
Viên vẫn ngây mặt. Miếng táo đã cắn rời ra rơi xuống đất. Tôi vội nhặt lên. Cả ba đứa cùng nhìn nhau trân trân ngơ ngác như chẳng hiểu việc gì đã xảy ra. Tôi đưa táo lên môi, mặt chợt nhăn lại. Một vị đắng chát khó tả xộc lên. Lẽ nào một trái táo trông bề ngoài ngon lành như thế mà lại có vị đắng chát dường ấy...
* * *
Cái điều ban đầu tưởng dễ ợt mà cuối cùng hóa ra lại là khó nhất trần đời. Táo tợn như Túc, khôn ngoan như Viên, thế mà trước việc này đều hoang mang lo lắng ngần ngại.
Làm thế nào để thông tin cho ba con nhóc biết là chúng tôi đã yêu nó!
Thằng Túc đã lượn lờ quanh ngõ nhà Đào hàng chục lần, nhưng cứ trông thấy bóng Đào là nó lại ba chân bốn cẳng lủi mất, không đủ gan để giáp mặt. Đêm đêm thằng Viên cũng rình mò như kẻ trộm sau vách nhà Miên. Có lúc tưởng đã đủ can đảm để hành động, đó là lúc chập tối Miên ra vườn rút rơm... Vậy mà đến phút chót nó vẫn nằm ẹp trong bụi duối, không dám mở miệng. Cuối cùng đành thở dài tiếc đứt ruột cái cơ hội ngàn năm có một ấy.
Tôi, cũng chẳng hơn gì hai cậu thỏ đế. Một chiều, Can nhí nha nhí nhảnh qua ngõ. Tim đập thình thịch, mặt đỏ dừ, tôi tiếp cận, quyết chí nói câu “Can ơi, mình yêu Can”; nhưng ngôn ngữ trong miệng buột ra lại biến dạng thành “Can đi đâu đấy”. Đi đâu đấy, câu vô bổ nghĩa lý gì! Can nhoẻn cười “tớ đi chơi”; và sau đấy nó đi chơi mất thật.
Chỉ trong nửa tháng, vì cái tín hiệu “tôi yêu”, bị đọng lại trong kho ngôn ngữ cổ họng không “đánh” đi được; mà cả ba chúng tôi đều gầy người, ngơ ngác, lo lắng, gặp nhau ngượng ngập, gượng gùng, xấu hổ vì sự thật hèn nhát không chối cãi được của mình. Túc có vẻ thoái lui:
- Táo đếch “ấy” nữa đâu. Mà làm sao cứ phải “yêu” mới được chứ.
- Mày thôi à... - Tôi tính toán - Thế để cái Đào cho tao vậy nhé.
Túc chồm lên giơ nắm đấm vào mặt tôi. Không tránh mau thì nó đấm thật.
- Sao mày vừa bảo thôi.
- Là tao cứ nói thế... Thôi, là cả ba đứa chúng mình cùng thôi.
- Mày không “chinh phục” được đối tượng của mày, tại sao bắt chúng tao cùng phải rút lui...
- Có lẽ cả ba đứa phải “chụm” nhau lại, cùng “tấn công” một lúc mới đỡ ngượng chúng mày ạ. Đứa nọ dựa vào đứa kia, ào qua đi, nửa đùa nửa thật... - Viên đưa ra diệu kế.
Một tối, sau buổi tập hát, chúng tôi tụ tập ở ngã ba Gốc Đề, đón đường ba con nhóc cũng đi tập hát ở nhà bà Trường về. Trăng suông sáng lờ mờ. Khi bóng ba con nhóc xuất hiện từ xa, chúng tôi nín thở hồi hộp không biết “trận đánh” sẽ ra sao. Đúng kế hoạch đã vạch, khi “ba người yêu lý tưởng” đến gần, thằng Túc nấp sau gốc đề xồ ra kêu lên: “Eo ơi... Ma gốc đề kìa!”...
Ba con nhỏ rú lên chạy. Chúng tôi đuổi theo. Thế là lại thành trò đùa. Tôi túm lấy tay Can, Viên túm được Miên và tất nhiên Túc túm được Đào.
- Ba em ơi.. Ba anh nghĩ rằng - Viên thay mặt cả nhóm, tranh thủ không khí trêu đùa chưa tan, không thể trù trừ được nữa, phải nói thật ngay - Ba anh luôn luôn mong ước... Bởi vì... Ba em có biết không, đã bao nhiêu ngày...
- Mẹ chúng mày. Dọa ma “chúng ông” chửi cho đấy. - Ba đứa chanh chua làm đứt hẳn dòng ngôn ngữ trữ tình của Viên.
Mẹ kiếp, “tỏ tình” khó thế đấy. Không nói được thì hành động vậy. Trong tình thế đặc biệt ấy, ba đứa chúng tôi đều quyết định tắp lự chuyển hướng, giống nhau. Tôi ôm lấy Can, cầm cổ tay nó. Viên thì đặt bàn tay lên khuôn ngực vú chũm cau của Miên; còn Túc “thô” hơn, luồn tay vào eo lưng Đào.
Ba đứa con gái đang cười, ngớ ra, chợt hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề; và với phản ứng bản năng, chúng đồng loạt giáng cho chúng tôi mỗi đứa một cái tát nảy lửa, giằng ra chạy.
Ba đứa đứng lại, cùng ôm tai. Thôi thế là xong, dù sao cũng đã truyền đạt được cái “lượng thông tin” cần thiết. Được thì được, chả được thì cũng “xong nhiệm vụ”...
- Hì, hì... - Túc vừa xoa tai vừa cười trước - Người Đào đẹp tuyệt vời, thơm nức!
- Nói phét, mới chạm một tý mà đã biết được.
- Thế mày chưa cầm được cổ tay cái Can à? Hình như cổ tay nó gầy đen như que củi phải không?
- Đừng láo! - Tôi sửng cồ - Tròn lẳn, trắng muốt như ngó cần.
- Chúng mày dốt lắm. - Viên thủng thẳng: - Trên ngực có trái tim. Trái tim đó là tình yêu. Tao đã đặt tay tao lên ngực Miên, đã ‘chạm” vào tình yêu. Thế mới là “lịch sự” chứ, mới là tình yêu chứ.
Tôi và Túc ngớ ra... Trái tim... Lịch sự thật, thơ mộng thật...
- Nhưng sao “lịch sự thế” mà nó vẫn cho mày ăn một cái tát.
- Đấy là tát yêu...
- Tát yêu mà tai cứ ù đèng đèng lên thế này. - Túc xổ toẹt.
- Tát... ăn thua gì...
- Thế dễ nó cầm gạch báng cho bươu đầu mới ăn thua chắc.
- Đấy rồi chúng mày xem... Chúng mày thì tao không biết, chứ nhất định Miên sẽ yêu tao... Nhìn vào mắt Miên tao biết chứ... Ánh mắt nó nhìn tao... Tao đọc được cái gì trong đó...
Túc và tôi cảm thấy lo lắng cho số phận riêng của mình. Nghĩ một lúc, Túc phản bác...
- Miên nó nhìn mày lúc nào, nói khoác!
- Nhìn chỉ loáng một cái, mày biết đâu được.
- Thế nhìn trước lúc tát hay sau lúc tát? - Tôi lục vấn.
- Trước.
- Nếu trong ánh mắt nó, mày đọc được tình yêu, thì tay nó đã không tát mày. - Tôi reo lên lập luận, khoái trí như ông luật sư đã tìm ra kẽ hở trong lời khai của đối phương trước toà.
Viên đớ ra, hết nói phét.
Thế là tôi và Túc cùng thở phào. Cả ba cùng “mắm xốt” như nhau...
... Câu chuyện về “những giây phút thiêng liêng nhất của đời chúng tôi” đêm ấy chả hiểu vì sao đến ta anh Cả. Đêm sau, ba đứa vừa ló mặt vào nhà tập, anh ngồi trên sập gụ gọi:
- Ba thằng ôn con vào đây tao bảo.
- Dạ thưa anh...
- Vào lại gần đây.
Rút cái món “Tiên học lễ hậu học văn” anh Cả gõ xuống sập:
- Ba đứa chúng mày làm gì tối hôm qua?
- Dạ không ạ. - Túc chối phắt.
- Thật thế chứ!
- Thưa anh Cả, chúng em nô nghịch nhau dọc đường cho vui thôi ạ. - Viên khôn ngoan thành thật.
Anh Cả lên giọng hệt thầy giáo:
- Ba “anh” cho biết mục đích vào Hội Quan họ để làm gì?
- Thưa để tập hát ạ...
- Có phải để lợi dụng hát hỏng mà xí xớn nhau không?
- Thưa không ạ.
- Tuyệt đối không ạ.
- Ba anh đã chòng ghẹo ba đứa em Út bên bè nữ.
Luật Quan họ từ cổ chí kim là cấm kị trai gái Quan họ có tình ý với nhau. Hát là hát thế thôi, tuyệt đối không được dùng các câu hát đưa duyên mà tỏ tình, chim chuột lẫn nhau, phải lòng nhau, xí xớn nhau... Hát là diễn tả cái tình yêu của người đời; bên nữ bên nam quan họ đóng giả người đời vậy thôi. Chứ không phải mồm hát thế nào thì bè nam, bè nữ, thực hành như thế thật...
Bài “Diễn văn” của anh Cả thao thao, chúng tôi cúi đầu nghe “ghi lòng tạc dạ”. Bỗng bài diễn văn kết thúc bằng các mệnh đề phức hợp: “Để chúng mày nhớ như biên vào óc điều này, tao phạt mỗi đứa chục roi”.
Cái món “Tiên học lễ, hậu học văn” to tổ bố bằng ngón chân cái được đưa ra.
- Chúng em chừa rồi ạ...
- Lạy anh tha cho...
- Tao ác làm gì. Tao bắt chúng mày đau một tý để mà nhớ đời thôi...
- Nhưng mà chúng em đã nhớ rồi. Vậy có đánh cũng là thừa...
Trời ơi, yêu là thế đấy. Hôm qua ăn tát ù đèn đèn cả tai, hôm nay thì ăn mười cái “Tiên học lễ” này!
Anh Cả giơ roi lên nhằm vào đít thằng Túc. Chửa hạ xuống, roi chửa bén đít, mà nó đã nhảy cuống queo.
Roi ngừng lại một giây giữa không trung. Tưởng nó chỉ ngừng một giây, ai ngờ nó ngừng mãi, y như bị treo cứng ở đấy không hạ xuống được. Ôi, có ông tiên vô hình nào cứu khổ cứu nạn, giúp chúng tôi chăng?
- Thôi, “dạy” chúng mày để biết vậy thôi. Lần sau tái diễn, no đòn nghe chưa...
Anh Cả vứt cái roi xuống đất.
- Dạ... nghe rồi ạ! - Chúng tôi đồng thanh.
- Tao quý chúng mày lắm. Cả ba đứa đều có giọng hát hay... Tao thương. Tao nể tài chúng mày đấy. Không thì dừ đòn.
... Hì hì... có tài cũng sướng thật! Hôm sau ba đứa gặp nhau cùng bàn tán.
- Anh Cả tốt thật. - Viên nói.
- Tốt cứt! Ông ấy mồm leo lẻo luật quan họ cấm kị... nhưng bản thân ông ấy thì đi hát đâu liếc gái như điên. Nói thì như rồng, nói một đằng, làm một nẻo. - Túc xổ toẹt.
- Chậc, thì đời này cái gì chả thế. Nói thì cứ nói thế thôi, răn dạy “luật” cho người khác thì cứ răn dạy thế thôi, còn bản thân mình thì lại liệt vào “ngoại lệ”. Ông ấy đã là anh Cả nổi tiếng, ông ấy có quyền như thế, bọn mình là lính mới tơ mơ, phải vào khuôn phép - Viên lên giọng rao giảng - Mới lại nghĩ cũng đúng. Hội quan họ mà trai gái chỉ chăm chú xí xớn nhau thì thành hội nhảm nhí mất. Phải nghiêm thì mới tồn tại được chứ.
- Vô lý. - Tôi cãi - Trai gái đứng hát song đôi, lời lẽ trao duyên “yêu nhau cởi áo cho nhau”, cởi áo của nhau ra, mà tình cảm thực lại “trơ thổ địa” thì trật khớp quá...
- “Yêu nhau cởi áo cho nhau” là mình cởi áo của mình ra, cho người yêu, tặng người yêu, chứ không phải là cởi áo của người yêu đang mặc ra. Vì nó có câu dưới “về nhà dối mẹ qua cầu gió bay” tức là mất áo, phải nói dối...
- Thế à... - Tôi cười hì hì - thế mà tao cứ tưởng “cởi áo của nhau ra” nên cứ nghĩ đáng lẽ đôi nam nữ quan họ khi hát câu đó, phải vừa hát vừa làm động tác ấy, thế mới hay...
- Tao thì tao thấy, đằng nào cũng là cùng cởi áo, mình cởi hộ nó, nó cởi hộ mình, hay là mình tự cởi rồi cho nó, nó tự cởi rồi cho mình... Đằng nào rồi cũng là cởi trần, chẳng khác gì nhau. - Túc góp chuyện: - Và theo tao, đúng là nội dung lời hát thế nào, đôi nam nữ đứng hát phải làm động tác đúng thế ấy!
- Nói vậy sai toét về mặt nghệ thuật. Mình hát diễn tả chung cái tình yêu của người đời cơ mà.
- Hừ... tao đếch biết... Tao đứng hát với con bé nào là tao cứ thích chim nó cơ... Thế tao hát mới hay.
- Tao cũng thế. - Túc phụ họa. - Nếu không thì là hát giả vờ. Mồm thì leo lẻo: “Người về em vẫn khóc thầm. Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa” mà không yêu nhau thật, thì mồm sẽ nhe ra cười nhăn nhở.
- Chúng mày chả hiểu gì nghệ thuật.
- Mày ăn phải bả của anh Cả đấy. Vậy thì mày “bỏ” cái Miên đi... Không được yêu nó nữa... Luật quan họ mà - Túc dài mồm chế giễu - Để cái Miên đấy cho tao...
“Hự” một quả đấm bất thần của Viên thọi vào ngực Túc. Cái “thằng nghệ thuật” không ngờ cục thế, nó nổi nóng phát sợ.
Túc nhăn nhăn, xoa ngực:
- Làm gì mà nhặng thế...
Nhìn mặt Túc, tôi rũ ra cười...
* * *
Tưởng vào Hội quan họ để được có dịp chim con gái trong khi hát, ai ngờ chẳng được cái gì, bị anh Cả bắt vào khuôn phép khổ ơi là khổ.
Các làn điệu, giọng, bài quan họ tôi đã thuộc làu hát veo véo thông cháo chảy, thế mà khi đứng vào hát tập cứ bị anh Cả bắt bẻ “chỗ này chưa được chỗ kia chưa được”. Rồi như thầy giáo vỡ lòng, ông hát mẫu, bắt tôi hát lại hàng trăm lần chỉ một câu. “Nhấn một tý, luyến một tý, vào nhịp nhanh, ngắt ra, chậm lại, cao lên, hạ xuống, rung, rung dài, rung ngắn”; cứ thế ông hành tôi phát khóc. Thế nào ông cũng lắc đầu kêu chưa được. Nhiều lần tôi định bỏ cuộc, chẳng hát hỏng gì nữa, nhưng ông lại âu yếm: “Em có giọng tốt, cố lên, anh dạy cho thành tài. Hát thành tài, chứ không phải ông ổng cái mồm, lau láu mấy câu trơn như nước sáo ngỗng, thì ai mở mồm ra chả hát được”.
Thế là tôi lại chịu khổ luyện tập. Há mồm “a a” luyện thanh đến sái cả quai hàm; ngậm mồm “ư ư” hơi xông lên mũi đến lộng óc. Sau mỗi buổi tập, mệt bã mồ hôi. Anh Cả có lúc dạy mãi mà tôi vẫn quen tật cũ, hát như lúc ngẫu hứng, ông cáu tát tôi nảy đom đóm mắt. Tôi vùng vằng, ông lại “xuống nước” dỗ dành. Thế là không bỏ được, lại mang tiếng “cái nợ đời”, lại há mồm a a, ngậm mồm ư ư, chả biết để làm vương làm tướng, ăn bổng ăn lộc gì.
Mà từ hồi ấy “tình yêu” đã đánh tín hiệu đi, chả có hồi âm gì. Can gặp tôi đâu, là đỏ mặt, ba chân bốn cẳng chạy. Trường hợp Túc với Viên cũng thế, không hơn gì. Ba con nhóc không thèm giáp mặt chúng tôi nữa. Tai hại thế đấy.
Biết thế này cứ “thầm yêu trộm nhớ trong lòng”, không ngỏ ý thì chúng vẫn thân thiện bình thường. Giờ thì chúng “cạch” mặt. Người ta yêu mình chứ người ta làm gì mình mà mình “cạch mặt” người ta! Ba đứa chung tâm trạng thổ lộ cùng nhau.
Thằng Túc nản nhất. Còn Viên kiên trì nhất. Viên bắt đâu được con sáo rất đẹp, nuôi nấng chăm chút. “Tao sẽ dạy nó nói câu: ‘Tình yêu Viên Miên’. Mày thấy không, tao sẽ treo con sáo này trước hiên nhà, mỗi buổi sáng dậy khi ánh bình minh lên hay buổi chiều tà hoàng hôn lặn, con sáo của tao sẽ ngân nga khúc nhạc du dương: ‘Tình yêu Viên Miên! Tình yêu Viên Miên...’ Nghe tuyệt biết chừng nào...”.
Rồi một hôm nào đó, Viên tưởng tượng, nửa đêm nó sẽ bí mật đến treo ở hiên nhà Miên con sáo này. Và sáng đến, Miên dậy, tóc “nàng” đang rũ rượi quanh vai, má nàng trắng hồng trong ánh ban mai, nàng đưa tay đón những ngọn gió sớm mát rượi từ tầng mây xa xanh thổi lại. Bỗng đâu, một khúc nhạc cất lên làm nàng giật thót... “Tình yêu Viên Miên... tình yêu Viên Miên...”.
Khúc nhạc ngân nga điệp khúc, tan vào trong gió, tan vào ánh bình minh, nhưng đọng lại sâu lắng trong lòng nàng.
Suốt hai tháng đi bắt cào cào châu chấu nuôi sáo và kỳ công dạy dỗ, một buổi Viên mời tôi và Túc lại nghe khúc nhạc đã thành công của nó.
Con sáo xanh biếc mỏ đỏ, chân vàng đẹp mê hồn. Cả ba đứa vây quanh lồng hồi hộp chuẩn bị đón nghe. Viên trịnh trọng bóc chuối cho sáo ăn giống như cho ca sĩ súc miệng nước muối trước khi hát. Sáo rỉa lông rỉa cánh, đi lại nhởn nhơ. Viên ra hiệu cho nó nói theo phản xạ. Con sáo kiêu kỳ mãi mở mỏ, nhưng nghe xong tôi đứng ngẩn ra. Bởi vì, rõ ràng tất cả những gì tai người nghe được chỉ là: “Tình... yêu... điên... điên...” chứ không phải là “Tình yêu Viên Miên”.
Tôi và Túc tỏ ý băn khoăn. Viên bảo:
- Tiếng sáo không thể rõ ràng như tiếng người. Chỉ có thể lơ lớ thế thôi. Câu ấy tức là “Tình yêu Viên Miên” đấy...
- Nhưng chả lẽ mỗi lần nghe sáo nói xong, lại phải có người đứng phiên dịch!
Viên lại cho sáo ăn chuối dấp giọng và cho nó nói lại. Tôi dỏng tai. Con sáo khoái chí hứng lên, khúc nhạc tuôn trào liên tiếp: “Tình yêu điên điên... Tình yêu điên điên...”.
Lần này thì rõ ràng quá. Tôi với Túc bò ra cười lăn cười lóc. Viên cũng không thể bênh vực cho ca sĩ của mình được nữa... Sự việc rõ quá rồi. Tai người nghe: điên điên thì bảo là điên điên; chứ làm sao lại hiểu là Viên Miên được...
Viên nhìn con sáo đầy căm ghét: ông lại vặn cổ bố mày đi bây giờ chứ lị.
Khổ thân “ca sĩ”, tài năng của nó chỉ có thế, người ta bắt nó làm cái việc quá sức mình. Nó có nguy cơ bị mất mạng vì bất tài, hơn thế nữa vì bất tài mà thành phản động xuyên tạc vô ý thức.
Thằng Túc ngắm nghía con sáo, đề xuất phương pháp “cải tạo”:
- Tại cái lưỡi nó dầy quá, nên nói đầy lưỡi. Các cụ xưa thường lấy giấm thanh tẩm lưỡi nó cho phồng rộp lên, rồi bóc lượt vỏ phồng rộp ấy đi. Bóc một hai lần, lưỡi nó nhỏ đi, mềm hơn, dễ uốn, nói sẽ sõi hơn, đúng được câu người dạy... Để tao làm việc đó cho...
Viên quá mệt mỏi trước thất bại, đành chấp nhận phương án của Túc.
“Nghệ sĩ” nào phục vụ chủ ấy. Chủ mới là Túc, sáo phải uốn lưỡi để ngợi ca chủ mới. Có thế mới có chuối chín ngọt lịm mà ăn. Phải quên đi câu ca “Tình yêu Viên Miên” nhưng diễn đạt không thành công của mình, mà hát khúc ca mới.
Ròng rã ba tháng liền sáo chịu một cực hình đau đớn thấu tim óc. Ngày nào lưỡi nó cũng ngâm trong giấm thanh chua đậm đặc. Lưỡi tê dại đi, xót đến ngất lịm, rồi cả cái lưỡi giời sinh ra như thế, bị phồng rộp, chết từng mảng “vị giác” trắng xóa, bị bóc tuột ra ngoài. Cái lưỡi non đỏ hỏn, mềm, chạm đến là đau, nhưng bây giờ dễ uốn. Khúc ca mới nó phải hót bây giờ là: “Anh Túc cô Đào, anh Túc cô Đào...”.
Nó uốn lưỡi trăm lần, ngàn lần, để thuộc cho được, trình diễn cho thành công. Tất cả sinh mệnh đời nó là ở đây. Không thành công nó sẽ bị bỏ đói, hoặc tàn bạo hơn, bị vặn cổ.
Hôm tôi và Viên đến nghe nó trình diễn khúc ca mới, cũng trịnh trọng. Thằng Túc vừa vui vừa lo lắng. Đứng trong lồng con sáo rỉa lông cánh, rồi sau khi nhận được “ám hiệu” mở màn nó vươn cổ ngân nga “A ng cức cô Đào...”.
- “Anh Túc cô Đào” - Nghe rõ đấy chứ - Túc xướng lên trước, vẻ dò hỏi.
- Cho nói lại đi.
Tôi và Viên lim dim mắt lắng nghe. Cái âm thanh rõ mồn một lặp đi lặp lại bên tai chúng tôi hàng chục lần “A ng cức cô Đào... A ng cức cô Đào...”
Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi phát biểu:
- Có lẽ lần này, sau khi nghe sáo nói, cũng vẫn phải phiên dịch.
- Sao? - Túc bồn chồn lo lắng - Tiếng sáo chỉ lơ lớ được vậy thôi - Nó dẫn chứng luận điểm của Viên lần trước.
- Nhưng tai người nghe thế nào, thì thấy thế ấy.
- Vậy tai người của mày nghe thành câu gì.
- Xin lỗi... Tao rất muốn nghiêm túc, nhưng sự thật tàn nhẫn không chiều lòng chúng ta... tao nghe thành “Ăn cứt cô Đào”.
Buột mồm nói xong, không nhịn được nữa, tôi phá ra cười. Thằng Viên cũng đã nhịn từ lâu, giờ “mới được phép” để ré lên sặc sụa...
Trông mặt Túc lúc ấy nhăn nhở rất đáng thương.
Nó cãi:
- Tao công nhận sáo nói ngọng thật. Anh Túc thì nói thành “A ng cức...” Nhưng “ăng cức” là “ăng cức”, sao chúng mày lại phiên dịch thành ăn cứt.
- “A ng cức” không thành ăn cứt thì còn là gì nữa.
Thấy chúng tôi cười, con sáo tưởng mình đã thành công, liền vươn cổ lấy giọng định tuôn ra một tràng ăng cức nữa. Túc vội gầm lên:
- Thôi, câm họng đi.
Sáo tẽn tò, cụp mỏ xuống.
- Mẹ kiếp, đúng là đồ vô dụng.
- Điên điên nghe còn đỡ đỡ; chứ “ăng cức” thì đúng là nó chửi mình thật.
- Nó có dụng ý hẳn hoi, chứ không phải vô tình. Nó có ý thức đấy...
Cả ba chúng tôi cùng bất giác ngắm con sáo từ mỏ đến chân. Và trong ánh mắt lấp láy của nó, thấy tưởng như là người đội lốt sáo thật...
- Mỏ đỏ, chân vàng, lông xanh biếc... Đẹp thế kia mà là đồ vô dụng.
- Không đúng. - Tôi cãi. - Tại chúng mày lợi dụng nó, bắt nó phải làm cái việc không phải của nó. Giời sinh ra nó để nói tiếng chim, bây giờ bắt nó nói tiếng người, do đó vượt quá khả năng giời sinh ra của nó, và nó đã làm không thành công... Hiện nó vẫn là con sáo đẹp, nhốt trong lồng treo ngoài hiên làm cảnh, thỉnh thoảng hót lên tiếng hót réo rắt tự nhiên tuyệt lắm chứ.
- Tao chán lắm rồi, nếu treo ở nhà tao, trông thấy mặt tao, nó lại ca “tình yêu điên điên” theo phản xạ, thì tao thích thú nỗi gì. - Viên nói. - Còn treo ở nhà thằng Túc, nó cho thằng Túc “ăng cức” cả ngày, bố ai chịu được.
- Chúng mày cho tao... Sẽ treo ở hiên nhà tao, và với tao, nó chỉ hót tiếng hót tự nhiên của nó thôi.
Tôi đem con sáo về nuôi vẫn cho ăn châu chấu, cào cào, chuối chín. Quả nhiên nó chỉ chăm chỉ rỉa lông chải chuốt, xòe đuôi xòe cánh múa lượn và hót thánh thót du dương.
Nó đẹp quá, ai cũng thích. Chỉ có điều mỗi lần trông thấy thằng Viên đến, nó lại cho ra một tràng triết lý về bản chất của tình yêu: tình yêu điên điên..; hoặc trông thấy thằng Túc, nó chớp mắt (chắc nhớ lại sự đau đớn tột cùng của cái lưỡi bị bóc mỏng) nên uất hận, trả thù cho Túc “ăng cức” một thôi một hồi...
Túc cạch mặt không dám đến gần nó nữa...
* * *
Mãi đến mùa đông năm ấy, nghĩa là để chuẩn bị cho các hội hát mở vào dịp tháng giêng trong vùng, anh Cả và bà Trưởng mới quyết định “công diễn” ráp hai bè Nam và bè Nữ lại.
Thế là gần một năm sau khi nhập Phường Quan họ, tôi mới được đứng hát đối đáp với bên nữ. Anh Cả lúc này có vẻ khen tôi, khen cả Viên và Túc, cắt cái đuôi “em Út quan họ” mà phong “quân hàm” “anh Năm quan họ”. “Em Út” chỉ là dự bị. “Anh Năm” là được lên “chính thức”.
Ba đứa Can, Đào, Miên bên bè nữ cũng được phong “quân hàm” chị Năm quan họ cùng dịp ấy. Như vậy là trong dịp “công diễn” này, đương nhiên chúng tôi sẽ được hát đối với nhau.
Thật là hồi hộp giữa hai bè nam và nữ, để thử giọng “phân vai”, ai đứng hát với ai. Đợt “công diễn” kéo dài hàng mấy tháng, là dịp ngàn năm có một để tấn công ba con nhóc. Phen này chúng có chạy đi đằng giời. Ngày thường, gặp chúng tôi, chúng lẩn tránh; nhưng đã đứng hát đối, song song bên nhau, lẩn tránh đi đâu?
- Anh Năm Khảm đứng hát với chị Năm Can được không? - Anh Cả trịnh trọng đề xuất cùng bà Trưởng - Cho thử đi, xem chất giọng có “hòa” nhau không.
Ôi, chúng tôi đã được mọi người coi là người lớn, không còn bị gọi xách mé là mày, là thằng nữa. Và anh Cả tuyệt biết chừng nào lại xếp đúng đôi: Tôi với Can...
Tôi đĩnh đạc bước ra sàn tập, trong sự theo dõi của hai bè quan họ. Cái Can cũng bước ra. Hôm nay nó mặc quần lĩnh đen bóng, áo lụa mỡ gà cộc tay, tóc xõa quang vai. Dáng nó nhanh nhẹn như con chim chuyền cành. Mắt đen lánh, lông mi cong vút, nụ cười tươi giòn mê ly quá. Cả sàn tập cùng ngước trông, có vẻ thích thú nét trẻ trung non tơ của nó... Tôi thấy tự hào không biết dường nào.
- Anh Năm Khảm thử điệu “Chén son” - Ông Cả ra lệnh.
Chén son để cạnh mạn thuyền
Chén son chưa cạn lời nguyền đã phai.
Bài Chén son là lời trách móc người tình vừa chỉ núi thề non, nhưng vội quên lời, bội ước - chuyện thường thấy trong tình yêu. Hát phải diễn tả được nỗi buồn giận, chán đời, tuyệt vọng, trách móc... Nhưng trong đó lại phải toát lên hai ý: Một, cầu xin người tình nghĩ lại. Hai, hoặc là nói cho biết để rồi chia tay, chua chát, cuộc đời là thế?
Tôi thằng nhóc con mới lớn, mới “gắp thăm” được quả táo vị dịu... làm sao diễn tả được bằng ấy tâm trạng của tình yêu. Đúng là “làm nghệ thuật” khó thật.
Cái Can đã nhập vai, nó khoác chiếc nón ba tầm che một bên mặt cúi nghiêng; để tí nữa khi tôi “ngân nga” lên lời trách móc thì nó phải diễn xuất tâm trạng đón nhận, để mà hoặc thức tỉnh với ý thức người con gái ngoan; hoặc đón nhận nhưng vẫn cứ vô tình “lời nguyền đã phai, không thắm lại được nữa”.
Đời là thế, tình yêu là thế, bội bạc lắm, ráng mà cam chịu, nó chẳng có gì thiêng liêng ghê gớm lắm đâu.
Ôi chén rượu vừa uống chung với nhau ngoài mạn thuyền, mỗi người một ngụm, và thề bồi, và nguyền, độc lắm thiêng lắm; anh mà quên em lửa sẽ thiêu đốt anh thành than bụi; em mà quên anh, đất sẽ vùi em dưới tầng sâu tối. Đời anh chỉ biết có em. Cây không sống trong bóng râm, anh không sống được khi thiếu ánh nắng đời em... Mỗi người nâng chén uống một ngụm nữa, cắn vào môi nhau... Vậy mà “Chén son chưa cạn”, lòng chén chưa ráo chưa khô, chưa bay hơi hết màng rượu trắng trên thành chén, “lời nguyền đã phai”...
Tôi trình diễn màn “Chén son” có vẻ thành công lắm. Anh Cả, bà Trưởng mắt đăm đăm theo dõi nhưng chưa biểu lộ thái độ gì.
- Bây giờ đến lượt chị Năm hát - Bà Trưởng ra lệnh.
Đời luôn là sự “hoán vị”. Lúc nãy, tôi là kẻ bị con gái phụ, tôi đau khổ oán trách, tôi là kẻ “bị thua” trong cuộc đời... Nhưng bây giờ đến lượt bọn con gái kiêu kỳ bị bọn con trai phụ tình; và nó phải oán trách van xin, nó “bị thua”.
Cái Can bắt đầu diễn xuất, chớp chớp đôi mắt; mắt thì tất nhiên vẫn “khô rang” thôi, nhưng với nghệ thuật biểu hiện thế nào mà trông như thành đang đẫm lệ, đang mờ đi vì chua xót, đau khổ. Tay nó đưa lên chỉ chỉ, như chỉ vào chiếc chén son làm nhân chứng còn rành rành ra đó, như chỉ mặt bạc tình; giọng nó chói lên cao vót; rồi như rót từ trên xuống một dòng xối xả tối tăm mặt mũi cho kẻ bạc tình ngập ngụa chết sặc.
Cũng một nội dung lời hát, mà tôi chỉ lo biểu hiện cái ý buồn bã oán trách yếu đuối; còn nó thì lại biểu hiện cái ý tấn công, vạch mặt “lành làm gáo vỡ làm muôi” “bà” cũng chẳng cần, mặc dù “bà” đang đau khổ đến muốn chết được đây (A, bọn con gái gớm thật). Trời ơi, tôi đang được Can oán hận, đau khổ đến muốn chết được đây. Ôi, thích quá. Nó diễn tả như thật, mà là “thật” không biết chừng ấy chứ lị. Nghệ thuật là thế, giả mà thật; thật thật giả giả khôn lường...
Bà Trưởng có vẻ hài lòng về đứa “em út” lên hàng Năm quan họ, xứng đáng, triển vọng, do bà dày công dạy dỗ. Còn anh Cả thì vẫn chẳng tỏ thái độ gì. Cái bố ấy thật khó tính. Hát thì cũng hay được đến thế là cùng, chứ còn thế nào mới là hay nữa.
Hai bước của cuộc thử giọng đã xong, sang bước cuối cùng, quan trọng nhất, tôi chợt thấy hồi hộp. Tôi và Can sẽ phải song ca bài “Chén muối đĩa gừng”, nếu tôi và nó “chất giọng” “màu giọng” có “hòa” nhau, không “chênh” không “phô”, thì tôi với nó mới được xếp vào một cặp “bạn hát” chuyên trình diễn những màn song ca. Nếu không, tôi sẽ phải “kết bạn” với người khác, và nó “kết” với người khác...
“... Tay bưng chén muối đĩa gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
Lại một thề nguyền.
Đã nếm đủ vị mặn của tình yêu thì đừng quên nhau nhé. Tình yêu, hạnh phúc lắm, sung sướng lắm, thắm thiết lắm; nhưng vị cay của tình yêu cũng song song cùng vị mặn. Cuộc đời phải chấp nhận; tay này bưng chén muối, tay kia bưng đĩa gừng...
Khổ thân tôi quá, khi hát riêng giọng tôi khá đáo để. Nhưng khi “hòa” vào với giọng Can thì lại không “ăn” nhau, chênh phô rõ rệt. Hát đối đáp giữa hai bên thì được, nhưng hát đôi, song ca thì không được.
Anh Cả và bà Trưởng cùng lắc đầu. Sau khi “trình diễn” xong, tôi đứng ngẩn ra, như vừa mất thỏi vàng đã cầm trong tay.
- Tại chị Năm hát giọng cao quá, sắc quá. - Tôi bào chữa - Đáng lẽ phải mềm hơn một chút mới “hòa thanh” được.
- Không đúng. - Anh Cả cười - “màu giọng” là thứ trời cho; nó cũng như giọng nói người, đã không “hòa” thì bật ra ngay.
- Để chúng em hát luyện một thời gian.
- Màu giọng, chất giọng đã không “ăn” nhau thì luyện tập cũng không được. - Bà Trưởng nói: - Giọng Nam Khảm thử hát với giọng Năm Đào xem sao!
Góc nhà, thằng Túc đứng bật dậy như cái lò xo, như có ai cướp của nó cái gì, nó phải chồm lên lấy lại. Ác nghiệt quá, oái oăm quá, trớ trêu quá là chuyện hát hỏng. Trông thằng Túc mắt trợn lên mà phát sợ. Phải, nó làm sao chịu được cái màn tôi và Đào lúng liếng nhìn nhau, thề bồi “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” này! Nhưng mặc kệ, nghệ thuật là nghệ thuật cơ mà...
- Chị Năm Đào vào hát đi! - Bà Trưởng giục.
Đào đứng phắt dậy. Dáng nó nở nang, mơn mởn, mặt hoa da phấn, môi đỏ chót, mắt sắc như dao. Đào rực rỡ lộng lẫy quá. Xì cái thằng Túc hùng hổ, ngu như bò kia, thế mà vớ được cô nàng này. Bở ăn quá...
Đào cùng tôi đắm say diễn tả lời thề bồi gừng cay muối mặn. Giọng nó nồng nàn, sâu lắng, khác chất giọng lảnh lót chói chang của Can. Hóa ra giọng nó và giọng tôi “hòa thanh” nhau lại cho hiệu quả mê ly!
Cả hai bè quan họ vỗ tay chúc mừng. Ông Cả trao đổi với bà Trưởng rồi tuyên bố:
- Anh Năm Khảm từ nay là “bạn hát” của chị Năm Đào. Một cặp song ca.
Màn song ca là màn hai người cùng đưa tay nâng nón ba tầm, là đứng mặt sát mặt nhau, là cầm tay, ôm eo nhau, âu yếm nhau thiết tha... Hì hì... Phen này thằng Túc nó đánh chết tôi mất. Tôi khoan khoái vì được là “bạn hát” với Đào. Nhưng đang vui, chợt giật thót: như vậy Can sẽ là “bạn hát” với người khác. Thế là tôi cũng không tránh khỏi nỗi khổ như của thằng Túc. Thằng Túc đang muốn “giết” tôi thì tôi cũng lại muốn “giết” đứa khác. Đứa nào? Hàng “anh Năm” vẫn chỉ quanh đi quẩn lại: tôi, Viên, Túc... Viên hay Túc sẽ là bạn song ca với Can?
Trớ trêu thay. Gắp thăm ở vườn táo đã vào đấy rồi, bây giờ đã “yêu thiết yêu tha” rồi vậy mà lại “lệch pha” hết.
Buổi thử giọng, xếp đôi bạn song ca kéo dài đến sốt ruột. Kết quả cuối cùng oái ăm hết chỗ nói, không thằng nào được toại nguyện.
Khảm - Đào, Viên - Can, Túc - Miên...
Viên an ủi cả nhóm:
- Gọi là “Bạn hát” nhưng chỉ là một đôi hát lúc song ca. Quan họ có hàng chục hình thức hát... Khi hát “đối đáp” thì tha hồi đối thoại với người yêu chính thức của mình.
* * *
Một anh Năm hay chị Năm xuất hiện lần đầu trên sân khấu hội mùa xuân giữa các đoàn quan họ tứ xứ đổ về, là điều hệ trọng. Đó thường là những giọng hát trẻ, có thể chưa hát điêu luyện, nhưng non tơ trong sáng đáng yêu, bao giờ cũng được mọi người chú ý.
Nó khác hẳn với những liền chị, liền anh đã cỗi, thuộc làu vanh vách, hát trơn cháo chảy, nhưng tình cảm thể hiện thì trơ mòn. Đấy là chưa kể những bà già khú đế, người đét như cá rô, cấm ca cấm cảu, hát để mà hát, hát để níu kéo dư âm của thời môi thắm má đào, giọng tựa oanh vàng.
Thật khổ thân những liền chị quan họ hết lộc về già; đàn con đã rút hết sinh lực hai bầu vú thuở xưa như hai bát hoa nhài; thời gian đã vắt kiệt tấm thân măng tơ, để lại cho một đống xơ; giọng hát như dòng suối trong đã bị đục ngàu vì mồ hôi lẫn bụi... Vậy mà đến kỳ hội mở, vẫn trốn chồng trốn con mà đi. Váy áo hội đã bạc phếch, còn cố nhuộm lại, cố đứng vào hàng hát đệm hát luồn cho các giọng trẻ đang lên...
Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi được xuất hiện trên sân hát nên ông Cả, bà Trưởng, đề ra cái lịch tập hát riêng cho sáu đứa ráo riết, khẩn trương.
Khoái quá, thế là tôi, Túc, Viên tha hồ làm “tướng” với ba con nhóc.
Địa điểm tập: vườn ngâu vườn táo nhà tôi! Phen này ba con nhóc có chạy đằng giời. Tôi bàn bất chấp cái kiểu phân vai “bạn hát” của ông Cả và bà Trưởng; Khảm - Đào, Viên - Can, Túc - Miên, mà người yêu của đứa nào, đứa đấy cứ đứng song ca. Dào ơi, vẽ chuyện! Thằng hợp màu giọng cũng cứ hát được như thường!
Viên bảo:
- Không được! Chúng nó phải đến vườn ngâu với chúng mình là vì chuyện tập hát. Nếu không, đừng hòng. Nếu ta tỏ ra tán tỉnh, xí xớn, chúng bỏ về liền. Ông Cả lại nổi máu “đạo đức giả” lên, lại tương món “tiên học lễ, hậu học văn” vào đít chúng mình, chứ chả đùa đâu. Thế là hỏng hết việc.
Ta cứ tập hát bình thường. Nghiêm chỉnh là đằng khác. Hát là việc của hát, yêu là việc của yêu. Tách hai cái đó ra, không lợi dụng hát để xí xớn.
- Như thế hát không khoái.
- Đừng nôn nóng vội vã. Mày thấy cái cây ra lá ra hoa kết quả, nó cứ từ từ, dần dần; ai thúc nó nhanh lên, ù lên được! Tao nghĩ rồi, làm như bọn chúng mình tối ở gốc đề hỏng bét. Bây giờ phải giả vờ tự nhiên như không, hát, tập hát, nghiêm lắm. Ba con nhóc không “đề phòng” gì, nhưng trong quá trình tập tành, đi hội, tình yêu sẽ nảy nở dần; không phải tấn công ồ ạt mà được.
Viên nói có lý ra phết. Nhưng như thế sốt ruột lắm!
Vườn ngâu vườn táo nhà tôi đẹp, mát rượi, thơm nức, tập hát ở đấy thì tuyệt. Chúng tôi phải tập chừng một trăm bài, để đủ vốn đối đáp khi vào hát thi với các bè quan họ thiên hạ. Phải đúng “lề lối, mở đầu từ điệu “Ngỏ lời” đến điệu “Mời trầu” điệu “Giãi bày”, điệu “Gái sắc trai tài” “Tương phùng tương ngộ”... cho đến cuối cùng điệu “Giã bạn”. Riêng giã bạn cũng đến sáu, bảy bài khác nhau... Tóm lại là phải đủ bài để diễn tả cả một quá trình từ làm quen đến thân, yêu; các trạng thái màu sắc cung bậc của tình yêu, rồi cho đến lúc chia tay, hò hẹn.
Chúng tôi luyện tập với ba cách. Hát đồng ca toàn thể; chia bè Nam, bè Nữ đối ca; đơn ca đối đáp; cuối cùng mới là hát song ca từng đôi bạn hát.
Vui ghê là vui cơ... Ba đứa đứng dựa lưng vào hàng ngâu bên này, ba con nhóc dựa lưng vào hàng ngâu đối diện hát say mê.
Thấy chúng tôi nghiêm ra nghiêm, thật sự chuyên chú vào tập luyện, ba con nhóc yên tâm tin tưởng, trở lại thân mật hồn nhiên như xưa, trên cơ sở tình bạn với đúng nghĩa đen của nó.
Cái Can tỏ ra vững vàng về “nhịp” hơn cả, luôn uốn nắn chúng tôi, cho rằng chỗ này hát nhanh quá chỗ kia lại chậm quá, chỗ này phải luyến phải rung hơn nữa, hoặc phải tròn vành rõ chữ, lấy hơi nhả chữ như thế nào mới đúng...
Cái Đào thì chê chúng tôi điệu bộ cứng quèo, chả có vẻ gì là thiết tha khi “ngỏ lời” tìm bạn; cũng như diễn tả tình cảm lúc chia tay còn hững hờ. Nó làm mẫu các động tác diễn cảm, làm thằng Túc khoái quá thộn mặt ra.
Cái Miên hát đạt nhất những điệu buồn. Ồ, sao lại lạ thế nhỉ, chả có gì buồn sao mà âm thanh của nó cất lên cứ gọi cái gì nao nao mênh mang, da diết. Ngược hẳn lại, giọng Can cứ lảnh lót vui tươi. Tôi thích nhất lúc nó vênh cái cằm nhọn lên, môi liến láu “Ai mang con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng sáo bay”. Tiếng hát trong trẻo ríu rít, trẻ thơ; cứ gợi lên trước mắt hình ảnh con sáo xòe cánh líu lô.
Giọng cái Đào gợi một cái gì âm ỉ nồng cháy, da diết.
Còn chúng tôi, thằng Túc có giọng thật, nhưng hát còn ông ổng, chưa biết nhấn nhá. Tiếng nó ồm ồm vang to, vụng dại... (nhưng anh Cả bảo sự vụng dại ấy có cái hay riêng).
Viên hát nghe chuẩn hơn cả. Nó biết luyến láy một cách điêu luyện. Còn tôi, tôi thích giống cái Can, thích những làn điệu vui tươi nhí nhảnh. Tôi sợ màu giọng “buồn” lắm.
Suốt cả mùa luyện tập, tôi song ca với Đào (một giọng trong sáng với một giọng nồng nàn); Viên - Can (một giọng say đắm với một giọng trong trẻo) Túc - Miên (một giọng chân chất khỏe khoắn với một giọng thiết tha) cứ thế hòa nhau, bổ sung cho nhau, nghe mê ly ra phết. “Tình bạn chân chính” nảy sinh tự nhiên trong khi đứng hát đôi, làm chúng tôi ngạc nhiên. Tại sao tôi không “chuyển qua” yêu Đào; Túc “chuyển qua” yêu Miên và Viên “chuyển qua” yêu Can...? Tại sao?
Lạ thế, không ai trả lời. Cuộc gắp thăm vớ vẩn trong vườn táo dạo trước, không ngờ lại là chuyện duyên trời đã định, bất di bất dịch. Khó hiểu thật, nhưng mà tự nhiên nó cứ thế. Đứng hát mê mải với Đào, diễn tả đủ màu sắc tình cảm, giao duyên, cầm tay nhau, níu khăn, níu áo nhau, vậy mà chỉ là bạn hát. Còn Can mới là “người yêu” kia!
Viên và Túc cũng lạ lùng thú thật với tôi về cái cảm giác giống hệt thế. Chúng thừa nhận về “lý thuyết” bây giờ ba đứa có thể “đổi người yêu” cho nhau; vậy mà thực tế lại không có chuyện đó.
Ngày trẩy hội sắp đến gần, chúng tôi gấp rút chuẩn bị. Bán lợn, bán gà, lấy tiền sắm đủ “bộ cánh”. Nam thì khăn xếp, áo dài trắng lót trong, phủ the chữ thọ, quần chúc bâu hồ bột hình ống sớ, giầy chi long, nón dứa chóp bạc. Nữ thì khăn đen mỏ quạ, áo tứ thân thắt vạt, váy lĩnh hoa chanh, yếm đỏ bao xanh, xà tích bạc. Trang phục phụ nữ phải đủ năm màu: đen, xanh, vàng, đỏ, trắng.
Mồng 6 trẩy hội thì mồng 5 ông Cả, bà Trưởng có liên hoan. Chỉ ăn thịt gà, không được ăn mỡ sợ đục giọng. Lương thực đem theo chỉ có oản khô và trám trắng. Oản thổi bằng gạo nếp hoa vàng. Ăn oản và trám trong giọng. Bà Trưởng nói: Ngày xưa có những canh hát thi “ngoại hạng” kéo dài năm ngày năm đêm liền. Cứ bè nam “ra” một bài, bè nữ lại “đối” một bài tương ứng liền liền như thế không bao giờ cạn. Người ta chỉ kịp cắn oản khô nhai với trám trắng trong lúc nghỉ ngắn ngủi giữa canh hát. Thời bây giờ không có những “người tài” siêu hạng như thế nữa, nên các canh hát thường ngắn ngủi, trai gái đi hội để hát thì ít mà chơi thì nhiều, chưa hát đã cạn bài, hát toàn bài cũ mà không có bài mới. Thời xưa, các cụ đứng vào hàng, vừa hát vừa ứng tác bài mới, thế mới giỏi! Bà chê trách chúng tôi đủ điều và cái gì cũng viện dẫn ngày xưa để so sánh.
Từ bến sông làng, thuyền gỗ hai mái chèo chở chúng tôi thong dong đi xuôi.
Làng Văn Quan năm nay mở hội to, đón bạn quan họ tứ xứ đến biểu diễn, thi tài. Văn Quan là làng văn vật xưa có người đỗ đạt, tiến sĩ bảng nhãn, thám hoa. Đời Lê có cả người đỗ trạng. Lại có cả Thần đồng. Hình như thần đồng mới có tám tuổi mà đã ứng khẩu vanh vách những bài thơ nói về nhân tình thế thái. Còn Trạng thì có những bài Sấm, trẻ con thuộc làu làu, báo những chuyện năm trăm năm sau của hậu thế. Chỉ có điều đáng buồn dòng dõi đích tôn nhà Trạng đến giờ lại là một ông dở người, đói rách. Còn “thần đồng” thì không còn dòng dõi, vì thần chết non từ hồi 18 tuổi. Ai bảo văn hay chữ tốt lắm vào!
Theo những người hay “khoe làng” thì Văn Quan xuýt nữa còn có một bậc nhân tu đắc đạo thành thánh thành tiên. Ông “thánh” trượt ấy, đã gặp được Phạm Chân Nhân và quyết theo Chân Nhân lên núi tu tiên. Dọc đường gặp quán thịt chó, bà chủ góa chồng béo trắng đang đứng đảo nồi rựa mận, mùi mồ hôi đàn bà quyện với mùi rựa mận, rượu bốc lên. “Thánh” xin phép Chân Nhân vào quán thưởng mùi đời lần cuối cùng trước khi lên núi. Hưởng xong, “thánh” quay ra, thì Chân Nhân đã đi mất, không chờ... Khổ thế đấy, chỉ không chờ nhau một tý mà làm người ta xuýt thành thánh, lại quay về làm người thường...
Nhưng phần “nhân vật chí” của Văn Quan, phải kể lên hàng đầu không phải là trạng, thần đồng, thánh, mà là: con gái ở đấy đẹp.
Văn Quan có nghề làm giấy dó. Con giai thì khổ sở lên rừng leo đèo lội suối, tìm vỏ cây dó. Vỏ dó đem về ngâm nước, giã nhỏ, lấy tơ của nó xeo thành giấy lệnh, giấy Vân hội, giấy Hoa tiên. Hoa tiên là giấy để nhà vua viết sắc chỉ. Loại xấu nhất là giấy bản để học trò dùng.
Con gái Văn Quan ngồi xeo giấy dó, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, làn da trắng nõn. Các cô vừa ngồi xeo giấy vừa hát, hát suốt ngày, suốt đêm. Vì thế đời này qua đời khác Quan họ Văn Quan bao giờ cũng đứng đầu cả vùng. Văn Quan xuất hiện những cô gái đẹp như sao sa và hát như oanh vàng. Thời xưa, quan thái giám về Văn Quan tuyển cung phi cho vua hàng năm đều đặn như tuyển “nghĩa vụ quân sự”. Có bà thứ phi đã sinh con trai cho chúa, đã nhiếp chính sau màn, đã làm náo động cung đình, đã giết người như ngóe, đã làm ngả nghiêng xã tắc...
Con gái Văn Quan đấy.
- Cái Đào, cái Miên, cái Can của chúng tôi kỳ này có đọ được với con gái Văn Quan không?
...Không một nơi nào có địa điểm mở hội quan họ tuyệt vời như Văn Quan. Con sông Đào xinh xắn uốn khúc quanh làng. Thuyền Quan họ các làng dập dìu về chen chúc bên thuyền buôn tứ xứ đợi cất giấy dó.
Bên sông kè đá nhiều bậc, cho trai gái tắm mát đêm trăng. Hai bên bờ sông bắc cầu chín nhịp, như chiếc lược gài nghiêng mái tóc. Cầu có mái che, bên lan can là quán bán hàng.
Chùa Văn Quan đúng 100 gian, hoa viên um tùm có tháp chín tầng. Hội hát thường mở ở Hoa Viên chùa. Trai gái hát chán ở đây rồi xuống thuyền hát dưới hồ sen hay lên núi Thông sau chùa. Núi đẹp, có suối trong vắt, hai bờ đặt tượng những con giống bằng đá đồ sộ: Phượng, hạc, sư tử, ngựa, rùa...
Thuyền hát Mê Khê (tên làng tôi - trùng tên con ngòi mà người chết uống nước ấy, mê lú không trở về cõi sống được nữa) đến Văn Quan lúc ngang chiều.
Bến sông tấp nập thuyền bè, cờ thần cắm la liệt, trông đã đủ náo nức. Mang tiếng là anh Năm đi hội hát thật, nhưng thực ra chúng tôi vẫn là đứa trẻ con đi hội làng. Thằng Viên luôn nhắc phải giữ tư thế một quan viên quan họ.
Những giờ phút này, ông Cả với bà Trưởng mới trịnh trọng làm sao, miệng luôn mỉm cười tươi tỉnh lịch thiệp, xã giao.
Hội khai mạc vào sáng hôm sau ở sân chùa.
Ban giám khảo gồm toàn các liền anh liền chị quan họ nổi tiếng một thời, bây giờ về già, mặt như quả trám khô, tóc bạc phơ, khó tính, xét nét, hay bắt bẻ lề luật, luôn ghen tị với “những ngôi sao quan họ” đang lên; người ta hát thế nào, cũng vẫn cứ chê. Chỉ cuối cùng bắt buộc mở hội thì phải trao giải, các ông bà ấy mới “bó đũa chọn cột cờ”, bình xếp hạng, nhưng vẫn cứ cho rằng chưa đạt, chưa hay...
Tôi thật buồn cười, nếu các ông bà ấy, cứ “ở yên” ngôi cao giám khảo thì mọi người sợ, nể, phục biết chừng nào. Nhưng họ lại cứ muốn hát. Một dẫy bè nam năm cụ râu dài tận ngực, răng móm, một dãy bè nữ năm cụ người tóp như bó cẳng tranh, xếp hàng ra trình diễn mở đầu hội hát. Những giọng đã khàn đặc vì rượu, thuốc lá, trầu; khàn đặc vì cái cổ ba ngấn nõn nà thời hoa niên thiếu nữ, đã bị quắt đi như cái cuống hoa đã nẫu. Một đời người đã nuốt đi bao tiếng khóc. Bao chất đắng, vị cay, chát, chua, đã trôi qua cái cổ họng đựng tiếng hát trong trẻo non tơ, làm nó bị cháy xém đi, bị đục ngầu... Hỏi làm sao tiếng hát không khàn.
Các cụ như cái đĩa hát cũ, kim mòm, loa rè; những giai điệu đắm say giờ phát ra phều phào qua cái lưỡi đã tê dại vì vị đời, qua hàm răng cái còn cái mất, qua đôi môi khô kiệt.
Những nhịp điệu của bài hát bị gẫy khúc, bị ngắt ra vì tiếng ho, đuối hơi không lên cao, không xuống thấp được, vì cơn hen khó thở đến bất thần. Yêu nhau cởi áo cho nhau. Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. Các cụ thời trẻ đã dối trá cuội trời đúng như thế, còn bây giờ thì mồm vẫn hát nội dung ấy, nhưng hành động thì nghiệt ngã khắt khe với con cháu đến phát sợ... Xét nét chúng, ngăn cản chúng, không cho yêu người này, bắt yêu người kia theo ý các cụ. Các cụ tương ra những cái chuẩn cứng đờ “Đẹp có mài được ra mà uống đâu” “Xấu người đẹp nết” “Lấy nhau là do duyên số” “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”... Các cụ quay ngoắt 180 độ, khi thời hoa niên, các cụ thừa hiểu tình yêu là một cái gì huyền bí, mê mẩn, đắm say, không tính toán được... Có lẽ chính vì mồm hát một đằng, hành động một nẻo nên bài hát của các cụ bây giờ chỉ là cái bã, cái xơ mướp chẳng xúc động được ai...
Nhưng thôi, cũng thương các cụ, còn yêu thích hát là quý lắm rồi...
Giải quan họ gồm nhiều loại: giải đồng đội (cả đoàn) giải riêng cho bè nam, hay bè nữ, giải song ca cho những đôi bạn hát, và giải cá nhân.
Thực ra, người ta đến hội là để biểu diễn nhiều hơn, những ngôi sao quan họ đang lên bắt đầu lóe sáng từ đây. Mỗi hội năm Ngọ, năm Dần, thường gắn liền tên tuổi danh ca xuất sắc nhất, có khi tên người danh ca ấy biến thành tên niên đại của Hội.
Ba đứa chúng tôi khăn xếp, áo dài quần ống xớ cẩn thận, trông ra dáng liền anh quan họ lắm, nhưng chạy quẩn như ba thằng nhắng khắp nơi.
Sau khi khai diễn, cuộc hát bắt đầu ở tất cả các địa điểm. Trời trong, nắng hoe vàng, không nóng, không lạnh, không có gió (gió thổi bạt, tiếng hát không vang), thời tiết thật đẹp. Những bè nam của làng này đang đi làm quen “ngỏ lời” với bè nữ của làng khác. Họ đứng bên các gốc thông trên núi, trong hoa viên; hay rủ nhau xuống thuyền, bơi chèo chậm chậm trên hồ. Có bọn hát ngay trên chiếc cầu cong mái che hay giữa hiên chùa... Tiếng hát cùng một lúc vang dội, réo rắt, bao trùm cả một không gian rộng lớn...
Ba thằng ôn chúng tôi phát hiện ra có hai đứa con gái má phấn môi son, quần áo tỉnh thành, chắc là bọn quan họ trên phố. Chúng nhí nhảnh tươi cười liếc mắt “có cảm tình” với chúng tôi trước. Tội gì không bắt quen...
Ba nam - hai nữ, thừa một! Hai đứa “liền chị” tỉnh thành ra xem không thèm ỏ ê gì đến thằng Túc vì nói hơi cục mịch một tý. Thế là Túc bị loại, lủi thủi bỏ về. Tôi với Viên xáp vô, chuyện trò thăm hỏi mấy câu. Hai cô nàng ríu rít. Thật chả bù cho bọn Can, Miên, Đào khó tính khó gần, đáng ghét. Hai cô nàng này không biết có xinh không, nhưng lông mày kẻ chỉ, môi bôi son đỏ chót, má phấn trắng hồng, trông thật mê ly. Đã thế chúng cứ cười như nắc nẻ, mắt lúng liếng. Mà chúng ăn mặc đẹp ghê: khăn vành dây kim tuyến như tiểu thư con quan, chứ không khăn đen mỏ quạ. Áo thì sa tanh trắng phủ ngoài, lụa hoa đào bên trong, kiểu tân thời, trông không chê vào đâu được.
- Ta hát vài câu “lề lối” cho vui đi hai anh - Chúng đề nghị.
Eo ơi, chúng hát dở òm. Giọng thì chua như cứt mèo, mà có lúc lại sai cả nhịp điệu. Chúng chả luyện tập hay sao ấy.
Tôi với Viên cố gân cổ cùng “đồng ca” để đỡ giọng cho chúng. Vừa hát vừa đùa cười, cũng vui.
Đang quấn quýt bên nhau, thì thấy thằng Túc hằm hằm dẫn bọn Can, Đào, Miên đến. Ba con nhóc chỉ nhìn, bĩu môi, không nói gì, rồi quay gót.
Tôi và Viên đứng ngẩn ra, lo sợ. Chúng giận mình. Chúng ghen. Mọi ngày chúng dửng dưng ghẻ lạnh, nhưng hôm nay chúng ghen... Vậy là chúng đã yêu... Ôi, sợ thì sợ thật, nhưng tôi với Viên cùng đứng ngây ra sung sướng.
- Hát tiếp khổ “Mời trầu” đi hai anh - Hai liền chị trên phố giục. - Ai vừa đến đây thế, có gì mà hai anh như người mất hồn vậy.
- À... Không có gì...
- Kệ mấy cô gái quê ấy nhé. Ở đây hát với bọn em.
Nhưng tôi và Viên không dám dùng dằng một giây. Gặp Túc, tôi chửi: “Mẹ mày, sao mày đi mách lẻo, tố cáo”:
- Ai bảo chúng mày bỏ rơi tao.
- Chó nó thèm “yêu” mày.
Can, Miên có vẻ giận, không nhìn chúng tôi. Viên lân la thanh minh:
- Thử hát với bọn quan họ trên phố xem tài chúng thế nào... Chúng hát dở quá, sai cả nhịp.
- Úi giời, son phấn đẹp như tiên, thế mà lại còn chê à - Miên nguýt.
- Hai chị ấy vẫn đợi hai anh ra hát rồi “kết bạn” đấy. Không đi đi, còn ở đây làm gì nữa. - Can dỗi. - Không khéo kỳ này người ta giật giải chứ chả đùa.
- Khăn vành dây kim tuyến, ai chả mê. - Đào đế vào. Tôi và Viên vẫn cứ đứng ngây, vì vừa lo sợ “người yêu” giận, vừa sung sướng phát khóc vì được ghen.
* * *
Phường quan họ Mê Khê chúng tôi đứng hát với phường Quan họ Vọng Nguyệt. Bà Trưởng không còn hát được nữa, chỉ lo phần tổ chức. Nhưng anh Cả thì vẫn đứng hàng đầu, hệt vị tướng cầm quân xông xáo, hừng hực khí thế quyết giật giải. Người cao lớn, đứng đâu cao hơn thiên hạ một cái đầu, mặt quắc thước, tiếng sang sảng, cái nhìn đầy uy quyền và có sức quyến rũ con gái đến quy phục... Bên Vọng Nguyệt lần lượt bị đánh bại cả ba tiết mục; một bè, hòa thanh hai bè và song ca đối đáp. Ba “chị Năm” của Vọng Nguyệt xấu quá, tụt tà tụt tịt, đứa mũi hin, đứa mắt híp, đứa cười hở lợi. Phải hát ở hàng anh Năm đối đáp với ba đứa ấy, chúng tôi sầu phát ốm. Can, Đào, Miên thấy thế cứ cười khúc khích. “Người yêu” của chúng tôi đến đây mới thấy tuyệt vời...
Khổ nhất là ba ả Vọng Nguyệt đòi chúng tôi phải hát dưới thuyền. Ối cha mẹ ơi, đành vậy biết làm sao, phép lịch sự quan họ, không thể từ chối. Ba ả nhõng nhẽo, tất nhiên giọng cũng không đến nỗi nào, nhưng người xấu quá, thành thử chúng tôi hát lấy lệ cho xong. Vô duyên nhất trần đời.
Khôi hài nhất là khi cả ba ả cùng dẩu cái mỏ lên:
Chén son để cạnh mạn thuyền
Chén son chưa cạn lời nguyền đã phai.
Đúng là có lúc cần cho nó phai toẹt ngay đi thật... Nhắm mắt vào, thấy giọng hát chúng cũng lâm li, cũng khắc khoải đau đáu, nhưng mở mắt ra chỉ thấy buồn cười.
Chúng tôi hát thật nhanh cho thoát tội, bỏ của chạy lấy người, lên bờ tìm Can, Đào, Miên. Ba con nhóc đùa “Sao lời nguyền chóng phai thế”. Chúng cười nắc nẻ.
- Mẹ kiếp. Thế mà cũng đòi đi hội Quan họ. Xấu thế ở nhà cho xong.
- Mày đẹp hơn gì chúng nó - Tôi vô tình đùa Túc. Trước mặt Đào, câu nói đấy làm Túc lặng người đi, mắt tóe tia căm thù man dại. Tôi hơi sợ. Nhưng trấn tĩnh lại thấy thế là trả đũa được vụ mách lẻo của nó. Đời “ân oán giang hồ” mà! Cho mày biết tay, hại nhau thì bị hại lại tức thì.
Vào vòng hai, phường Mê Khê chúng tôi hát với Văn Quan. Anh Cả vẫn như người cầm lái hừng hực khí thế đưa thuyền vượt thác. Nhưng nhìn kỹ thấy “ông anh” có nét buồn. Chị Hai Tình Văn Quan - người yêu của ông, một cây hát nổi danh, năm nay không tham gia hội. Ông không còn được đứng đối ca với nàng trước sân chùa, làm mưa làm gió giữa vòng trong vòng ngoài hàng trăm “quan viên quan họ” chiêm ngưỡng. Một cặp hát đôi lứa xứng đôi. Hai danh ca siêu hạng khoe tài...
Tình, năm ngoái, đã có hứa hôn với con trai một chủ tiệm buôn vải giàu có ngoài tỉnh Hà Nội. Nhưng đi hội, gặp anh Cả, một liền anh quan họ lừng danh, phục tài, cảm mến, nàng đã yêu ông.
Tình ở hội về, vị hôn phu của nàng nghe tin ấy, vội vã tổ chức lễ cưới, đưa về ở phố Hàng Đào, Hà Nội, cấm nàng từ nay không được hát hỏng gì hết...
Anh Cả bề ngoài coi như không có chuyện gì; vẫn tất bật lo toan, hăng hái xông xáo, mải mê thi hát; nhưng đôi lúc bất giác ngồi thừ ra như kẻ mất hồn, rã rời ngơ ngẩn...
Vào vòng chung kết, Can, Đào, Miên và chúng tôi mới có dịp trình diện trước đông đủ các liền anh liền chị quan họ nổi tiếng một cách đích đáng.
Mọi người tiên đoán về triển vọng của từng đứa. Một số cho rằng: Đào sẽ phát triển tốt, giọng càng hát càng ngọt, lắng và có sức rung cảm lớn. Còn Can hiện tại giọng non tơ, sáng sủa, đáng yêu, nếu mất chất này, không ai lường trước được triển vọng sẽ như thế nào. Tôi, không được ai bình luận đến. Buồn quá. Tôi tưởng tôi hát vững nhịp, tròn vành rõ chữ, âm phát ra thanh thoát. Tôi vào loại “hay” chứ. Hay là họ bất công, dìm tài tôi. Tức lắm, đời lắm cái buồn.
Viên có được mọi người để ý. Họ thích cái giọng say đắm của nó. Còn tôi, suôn sẻ, nhưng không có sắc thái riêng, nên không gây ấn tượng được bằng nó. Nhưng dù sao cũng không ai dám chê tôi hát non nớt.
Tôi tự an ủi: đoán triển vọng của giọng hát cũng chỉ là chuyện nói mò. Khối người giọng như chuông, nhưng rồi sau mất giọng lúc nào không biết. Mất giọng vì rượu, vì gái, vì lao lực, cảm lạnh, vì đói khổ không còn sức sống, nhưng cũng có thể chẳng vì gì cả, vì tự nhiên nó thế, giời sinh ra thế...
Cho nên chửa biết mèo nào cắn mỉu nào...
Sau màn chung kết hòa hai bè, đến màn mỗi đoàn chọn một “ngôi sao mới xuất hiện” ra “chọi” nhau. Mê Khê, chọn Đào. Còn bên Văn Quan chọn một nhân vật lạ, được coi là “chủ bài” giấu kín từ đầu, giờ mới tung ra: thằng Lũ!
Hội hát đến hôm nay đã là ngày thứ ba. Nhiều đoàn đã về, chỉ còn một số đoàn được vào chung kết.
Về sắc, Đào vừa xuất hiện, đã chiếm được cảm tình của mọi người. Nó đẹp quá, mơn mởn rực rỡ.
Thằng Lũ bước ra sóng đôi Đào trên sàn hát. Lũ khôi ngô tuấn tú, mắt sáng môi đỏ, người ẻo lả thư sinh. Khi Lũ vừa mở miệng trình diễn khổ đầu, mọi người im phắc. Giọng nó như chuông vàng, thoáng nghe đã biết không phải là một giọng hát thường. Sao giời lại bù trì cho nó nhiều thứ thế, toàn diện thế, đã sắc lại thanh, trời chả công bằng.
Lũ cười cười, hát nhẹ nhàng thoải mái, chứ không phải như người khác lo lắng đăm chiêu, đỏ mày say mặt, “đứng tấn” để hát.
Phải công nhận tiếng hát của nó có ma lực. Nội các danh ca nam, chỉ có nó sau này mới đọ được với anh Cả của chúng tôi thôi.
Đào hát khá, nhưng không phải là đối thủ cân sức cân tài với Lũ được. Anh Cả ngồi trên chiếc ghế chéo hàng đầu, chăm chú, nuốt lấy từng lời Lũ hát. Có sự “đồng điệu” giữa hai thiên tài chăng?
Ông Cả ngạo mạn của chúng tôi, ông Cả ngông nghênh, tự tin, thống soái của chúng tôi, lần đầu tiên có vẻ lo sợ về một ngày không xa, ngôi sao kia sẽ tỏa sáng bao trùm bầu trời quan họ. Và anh Cả về già, sẽ mờ chìm đi...
Thằng Lũ đã thu được hồn của bọn thiếu nữ choai choai. Can, Miên, Đào đều “ngước trông” lên nó...
... Tất nhiên, vòng chung kết còn nhiều hình thức nữa, nhưng tựu chung thằng Lũ đã gây ấn tượng sâu đậm cho tất cả các ca sĩ trong làng quan họ. Nó được chọn làm danh ca xuất sắc nhất của Hội năm nay, và tên nó gắn liền với Hội, tên nó thay cho tên niên đại Hội.
Ngày cuối cùng đã hết. Những chiếc thuyền cuối cùng đã sửa soạn mái chèo đợi giờ tách bến Văn Quan. Những màn hát “giã bạn” diễn ra suốt dọc bên sông. Người ta lưu luyến tiễn đưa nhau, hẹn hò nhau. Mùa hát là cả những tháng xuân này. Hội Văn Quan là hội to nhất, nhưng còn nhiều hội nhỏ của các làng khác nữa. Họ đã quen nhau, họ mời nhau “ngày này tháng ấy” đến hội, làng họ. Các bè nam mời riêng các bè nữ thiên hạ đến chơi nhà, kết bạn. Các bè nữ cũng mời riêng các bè nam thiên hạ đến chơi “giang sơn đất nước nhà em” để họ tiếp nhau, cỗ yến linh đình, nhưng lại leo lẻo cái mồm khiêm tốn “mâm đan bát đàn, đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa vừng”... rõ thật là khách sáo...
Thằng Lũ xuống tận thuyền từ biệt Can, Miên, Đào. Ba con nhóc luýnh quýnh, ríu rít quanh nó. Anh Cả phục tài, tôn trọng nó như bạn ngang hàng. Bà Trưởng thì vuốt ve nó như mẹ vuốt ve con. Bà mời đi mời lại nó sang hát với bè nữ Mê Khê. Theo phép lịch sự, chúng tôi phải gượng vui, giả vờ thân thiết. Nhưng Thằng Túc thì cứ hằm hằm... Đúng là cũng tức thật cơ. Thằng Lũ vừa biết mặt ba con nhóc của chúng tôi, đã “chiếu cố” liền... Nhưng cáu nhất là ba con nhóc lại chủ động xoắn xuýt trước, làm nó cứ như chàng hoàng tử đến với bầy thôn nữ ngây thơ ấy!...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét