Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011


Chùm truyện mini của Nguyễn Phan Hách



Ngưi trong hang nhũ



Tiến sĩ dân tộc học Becna dẫn nhóm làm phim Tây Âu đi trên mấy chiếc xe tải địa hình leo đèo lội suối, tiến sâu vào vùng rừng núi thâm u nhất của Đông Nam Á. Họ sẽ làm bộ phim phóng sự về một tộc người hoang dại trong rừng già.

Đoàn làm phim hăm hở. Họ có truyền thống quay phim ở Amadôn Nam Mỹ,Châu Phi... miêu tả những bộ lạc còn mang màu sắc nguyên thủy, trong đó đàn bà trần truồng chỉ có một mảnh vỏ cây che dưới bụng, còn hai vú thì thản nhiên thây lẩy đong đưa. Buồn cười nhất là đàn ông có "trang phục" cắm cái ống gì đó như ống nứa vào "bộ phận truyền giống" rồi buộc lên cổ. Ghê nhất là có tộc người còn khoét thịt dưới cằm cắm định hình ở đấy một cái ống trắng, to bằng cổ tay, coi như vật trang trí không thể thiếu. Những thước phim của họ quay cảnh những đoàn thổ dân, người vẽ loang lổ, tay cầm mũi lao, rầm rập đi bắt bò rừng. Cảnh những ngôi nhà trên cành cây như tổ chim khổng lồ. Cảnh những gia đình "người tiền sử" quây quần quanh bếp lửa nướng cá...

Đoàn làm phim có trong tay "tọa độ" của bộ tộc Ráu Bằn. Họ đem theo máy móc, phương tiện, lương thực thuốc men khá đầy đủ. Một đơn vị quân đội biên giới dẫn đường và giúp họ trong quá trình tác nghiệp. Họ không sợ gian khổ. Họ từng băng qua bao dặm sa mạc nóng bỏng, rừng hoang nguyên sơ. Họ có kinh nghiệm.

Tiến sĩ Béc Na là một nhà nghiên cứu dân tộc học nổi tiếng ở Châu Âu. Lần này ông đến Đông Nam Á. Rừng già nguyên thủy vùng nhiệt đới này từ lâu đã vẫy gọi ông.

Các tộc người lạc hậu mà Béc Na đã biết ở Châu Phi, Nam Mỹ thực ra đã tiếp xúc với thế giới văn minh. Họ đã biết đem thú rừng ra thị trấn đổi lấy hàng công nghệ. Các cảnh "hoang dại nguyên thủy" hoàn toàn là do "đóng lại" "diễn lại". Nhưng dù sao cũng đã làm cả thế giới kinh ngạc, và đoàn làm phim của ông nổi tiếng.

Đến "Ráu Bằn" lần này, Béc Na hơi thất vọng. Ráu Bằn có vẻ "văn minh" quá. Dân đã biết mặc quần áo bằng vải sợi tổng hợp, biết canh tác ngô lúa trên nương. Béc Na yêu cầu người Ráu Bằn, trút quần áo, lấy vỏ cây che thân, đi săn thú. Vì "tinh thần khoa học", Ráu Bằn làm theo. Để đổi lại, các diễn viên được trả "cát xê" khá cao bằng các mặt hàng công nghệ.

Giúp đỡ Béc Na, là một nhà khoa học bản xứ tên là Xa Na Van. Ông vừa là chuyên gia Dân tộc học, nghiên cứu về người Ráu Bằn, lại vừa là "quan chức" cấp tỉnh, trực tiếp phụ trách dự án giúp đỡ người Ráu Bằn hòa nhập với cuộc sống hiện đại.

Ông đã sáng tạo được chữ viết cho người Ráu Bằn. Thực ra tiếng nói Ráu Bằn còn đơn giản, quanh quẩn các từ như: có, không, ăn, uống, đi lại, yêu, ghét v.v... Ông đã dùng các chữ cái La tinh ghi lại cho họ.

Ban đầu Béc Na nghĩ là không bao giờ ông Xa Na Van cung cấp cho mình các tư liệu "của độc". Ông ấy phải giữ cho chính công trình nghiên cứu của ông ấy chứ! Hóa ra không phải. Xa Na Van đã hồn nhiên, vô tư, kể hết cho Béc Na, qua người phiên dịch...

***

Khi tôi lần đầu tiên đến đây - Xa Na Van nói - Tất cả còn nguyên vẹn như thời cổ đại. Phong cảnh đẹp mê hồn. Thác chảy trắng xóa, suối hồ mênh mang, rừng già nguyên sinh trập trùng, cây to hai người ôm cao như cột chống trời. Trên thảm lá khô mục, hươu nai đi lại. Ngọn cây, chim xập xòe từng đàn. Quả rừng chín thơm nức rơi lộp bộp xuống vai. Phong lan rừng rực rỡ như những đám mây ngũ sắc. Hương rừng thơm ngào ngạt, thơm từ chiếc lá khô, ngọn cỏ.

Tôi mê mẩn trong thiên nhiên nguyên thủy. Dưới ngọn thác nhỏ, nước chảy như lụa trải, tôi thấy một đoàn con gái đang tắm. Họ hứng thác trên vai. Tóc xanh mướt rũ rượi chảy dài theo nước. Những đôi mắt thiếu nữ to đen hoang dại hồn nhiên. Nắng trưa dọi vào làm con thác long lanh rực sáng. Những đôi vú, bờ vai, eo lưng, đôi chân của các cô cũng rực sáng lên. Tôi ngây ngất ngắm. Các cô tắm xong rồi, cứ thế trần truồng thong dong, vừa đi vừa nô nghịch, về cửa hang lớn.

Tôi biết ngay đây là một tộc người bị thời gian bỏ quên trong rừng sâu.

Đoàn công tác của chúng tôi có năm người. Tôi là nhóm trưởng. Chúng tôi được trang bị vũ khí, đề phòng bị thổ dân tấn công. Trên tay đầy quả rừng, và quà cáp của "thời văn minh", miệng cười thân thiện, chúng tôi vào hang. Vùng Ráu Bằn, với hiện tượng cácxtơ, hình thành một quần thể hang đá vôi cao rộng mênh mông, nhiều ngõ ngách, cột nhũ lóng lánh như cung điện.

Tôi hoa chân múa tay làm các cử chỉ mời gọi thân thiện. Những người trong hang chạy rạt vào các ngõ ngách, tò mò nấp nom nhìn. Tôi vẫy gọi, múa hát. Cả đoàn múa hát. Hóa ra tiếng hát, điệu múa là "sứ giả", là dấu hiệu của tình thân cho con người xích lại gần nhau. Một vài người tiến đến. Tôi mời họ ăn. Họ dụt dè cắn những viên kẹo, lưỡi xác nhận vị ngọt của thế giới văn minh, nên có phần tin tưởng.

Tôi mở thùng hàng, lấy tấm áo hoa khoác lên vai một cô gái trần truồng. Cánh tay tuổi thanh xuân của cô nuột nà. Bờ vai mềm mại. Tôi cầm tay cô xỏ vào áo, rồi đóng cúc. Tất cả cười rộ vui thích. Cô ra vũng nước soi gương, sung sướng thấy mình xúng xính trong chất liệu khác với vỏ cây, da thú cứng quèo. Phần dưới cô gái vẫn trần truồng. Tôi lấy quần mặc cho cô, đồng bộ. Lần này thì cô đã hoàn chỉnh là một cô gái thời văn minh. Chưa hết. Tôi cầm bàn chân cô, xỏ vào đôi dép nhựa. Vướng víu một tý, nhưng cô quen ngay, dón dén đi lại.

Cả đám người reo hò hào hứng. Từ các ngách, mọi người đổ ra ngày càng đông. Tôi mời kẹo bánh từng người. Lần đầu tiên đưa bánh lên môi, họ ngẫn ngự lấy lưỡi đưa đẩy, nửa muốn nuốt, nửa nhè ra. Nhưng vị ngọt cứ tự nhiên thấm vào cổ họng.

Tôi tặng ông già tộc trưởng, con dạo rựa, và thực hành bổ nhỏ những quả dưa dại, để mọi người ăn. Lưỡi dao sắc, cắt dưa gọn gàng xinh xắn, khác hẳn những miếng dưa bóp vỡ hoặc cắt bằng "mảnh tước đá". Ông già sung sướng nhìn con dao như vật thần linh nhiệm màu.

Mở thùng diêm, tôi biếu mỗi người một bao và bật lửa để họ làm theo. Những đôi tay vụng về thực hành, hò reo khi trong tay mình có riêng một ngọn lửa lung linh, khác ngọn lửa phải khó nhọc đập đá kéo bùi nhùi mới có. Tiếp đó, tôi đặt vào tay mỗi người một hạt muối. Họ đưa lên môi. Vị mặn diệu kỳ lan tỏa khắp cơ thể tạo niềm sảng khoái vô biên. Trước đây họ chỉ biết vị mặn nhạt nhẽo chắt ra từ cỏ tranh đốt, hay vị chát đắng của những hòn đá muối mỏ do kiến tạo địa chất từ đáy biển dâng lên.

Khi phân phát hết những thùng hàng, tôi đã trở thành người thân của tộc Ráu Bằn. Trong hang, có chừng một trăm người. Bây giờ đến lượt họ tặng tôi những thứ quý gấp cả triệu lần những gì tôi cho họ. Một viên đá quý óng ánh. Một bộ da hổ khoét giữa, đút đầu vào, lật sang hai bên thành ngay chiếc áo khoác.

Tiếng Ráu Bằn quá đơn giản, tần số một số từ lặp đi lặp lại nhiều lần. Nghe một lúc tôi đã nhớ và nói lại được. Họ gật đầu cười, xác nhận.

Ráu Bằn còn chế độ quần hôn. Trong các ngách hang, những đôi vợ chồng chưa rõ rệt. Có đôi đấy, giống như những đôi chim bồ câu. Nhưng cũng lại có chỗ giống như một đàn gà mái lẫn lộn với đàn gà sống.

Từ Ráu Bằn (sau này tìm hiểu tôi mới biết) dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa: Tôi là Người. Vậy là tộc "Tôi là Người", ngay từ đầu đã khẳng định mình là ai. Nhưng vì cứ ở lỳ trong hang lớn đời này qua đời khác, quá mải mê với vùng rừng già non xanh nước biếc, suối trong thác bạc, muông thú đầy đàn để săn bắn, hoa trái thừa mứa để hái lượm, không bước chân đi xa, không giao lưu với thế giới bên ngoài, không có công cụ sản xuất, nên cứ mãi mãi là người "thời đồ đá". Số dân lại quá ít, sinh sôi phát triển kém, họ ngày càng co lại trong hang. Họ sợ sấm chớp, sét, bão, coi như đó là sự thịnh nộ của giời. Khi những chiếc máy bay siêu âm của không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh bay qua rừng già nguyên thủy của họ, tiếng gầm rú và tiếng bom khủng khiếp, càng làm họ sợ. Họ cho đó là quái vật đi săn lùng giết tất cả những ai thuộc "Tôi là Người". Họ may mắn có cái hang vĩ đại này nên quái vật không làm gì được. Vậy tội gì họ rời khỏi đây...

....Và thế là, chính vì thế, mà tôi đã gặp tộc Ráu Bằn trong tình trạng như thế.

Rời Ráu Bằn, tôi trở về báo cáo với cấp có trách nhiệm ở huyện, tỉnh, trung ương. Tôi lập đề án nghiên cứu tộc Ráu Bằn, để rút ra những kết luận khoa học cho ngành Dân tộc học non trẻ, đồng thời lồng với nhiệm vụ xã hội giúp đỡ đưa tộc Ráu Bằn ra khỏi tình trạng lạc hậu hiện tại.

Tôi lãnh cả hai trách nhiệm, làm chủ "dự án Ráu Bằn". Tôi đã thường trú, hoặc đi lại như con thoi về đây gần mười năm trời để điều phối dự án. Máy móc, phương tiện, công cụ sản xuất, nguyên liệu, hàng hóa đã được chở đến. Khỏi cần phải nói những việc đã làm. Vì không nói, người ta cũng có thể tưởng tượng được. Đại để là chỉ trong vòng mười năm, một trăm người quần hôn trong hang Ráu Bằn dùng "mảnh tước đá" để đẽo gọt, đã nhảy vọt một bước qua cả triệu năm, ra ngoài xã hội cơ khí, điện tử.

Ráu Bằn ngày nay biết làm nhà định cư, cấy trồng ngô lúa, nuôi bò, lợn. Biết đem hàng hóa ra thị trấn trao đổi. Bán sản vật rừng, mua hàng công nghệ. Trẻ con đã đi học hai thứ tiếng. Tiếng Ráu Bằn, và tiếng phổ thông.

Số dân Ráu Bằn đã tăng trưởng nhanh. Người trẻ đi ra ngoài nhận việc tu bổ rừng. Chỉ riêng người già vẫn còn thích ở lại hang cũ, đốt lửa sưởi, tắm thác, ngắm trăng vàng rừng già, nghe tiếng hổ gầm như tiếng của ngàn xưa vọng lại. Tên của họ - "Tôi là Người" đã thật sự được đời công nhận.

***

Đoàn làm phim của tiến sĩ Béc Na, rời Ráu Bằn sau một thời gian mải miết ghi hình. Họ vui sướng. Các đài Châu Âu lại sắp có một bộ phim đặc sắc, kỳ lạ. Thế giới bê tông và thép sẽ phải sững sờ trước cảnh đẹp nguyên thủy của hang động huyền ảo với những cô gái trần truồng ngủ trên nhũ đá óng ánh. Tiên trong chuyện cổ tích thì cũng chỉ đến thế là cùng.

Cả đoàn làm phim háo hức. Riêng tiến sĩ Béc Na lại trầm ngâm, buồn bã, ngẩn ngơ như vừa đánh mất vàng ròng. Ông tâm sự với người quay phim:

- Tôi tiếc quá anh ạ. Đúng là trời không cho tôi cơ hội để trở thành gương mặt khoa học sáng giá nhất thế kỷ, về ngành Dân tộc học. Tôi chưa cắm được mốc son trong lịch sử khoa học.

Anh hãy tưởng tượng: nếu tôi là ông Xa Na Van đến Ráu Bằn cách đây mười năm, khi nơi này còn nguyên sơ. Tôi sẽ giữ nguyên hiện trạng, biến Ráu Bằn thành một "bảo tàng sống" của thời đồ đá, nguyên thuỷ, cho cả thế giới đến xem. Thử hỏi điều đó kỳ thú biết chừng nào. Và tên tuổi của tôi, tác giả của "bảo tàng sống" này sẽ vang dội đến như thế nào.

Ông Xa Na Van có cơ hội làm việc đó, nhưng đã bỏ qua. Ông vội vàng kìn kìn chở "khoa học" đến, xoá sạch "bảo tàng sống nguyên thuỷ", và thế là chẳng còn gì, Đáng lẽ ông được lĩnh giải Nô ben nhưng ông đã bỏ lỡ.

Bộ phim của chúng mình, hay thì hay đấy, nhưng cũng chỉ là "đóng kịch", là "diễn lại" thời nguyên thuỷ. Không có giá trị khoa học gì.

Ông Xa Na Van dại quá... Đáng lẽ cứ để cho Ráu Bằn dùng "mảnh tước đá" làm công cụ đẽo gọt, rồi họ tự tiến hóa... Đằng này lại vội đem dao sắt đến cho họ....

Người quay phim không hẳn đồng ý với tiến sĩ Béc Na. Ông muốn nhìn nhận ở góc độ nhân đạo, nhân văn. Ông thấy Xa Na Van đã làm được một việc vĩ đại. Nhưng ông cũng tiếc, ừ, nếu có một "bảo tàng nguyên thủy sống" như ông Béc Na nói thì cũng hay lắm. Cuối cùng ông chỉ biết chép miệng triết lý theo kiểu "chán đời":

- Những người Ráu Bằn, cứ ở trong hang nhũ, hồn nhiên với rừng vàng trăng biếc, đầy hoa thơm cỏ ngọt, có khi còn sướng hơn ra ngoài "thời hiện đại" giành giật đua chen.

21-7-2001

Nguyễn Phan Hách







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét