Tạo hoá sinh ra…
Truyện ngắn của NGUYỄN PHAN HÁCH
Trang trại nằm phía Đông Bắc cao nguyên. Một dải đại thụ và dòng sông xanh thẫm bao quanh. Đồng cỏ mênh mông dưới nắng ấm và những cơn mưa rào trút tiền bạc cho đất đai.
Tổ tiên Công tước là những người thuần dưỡng thú vật trong rừng. Đời này qua đời khác, bao nhiêu đời trang trại đã được dựng lên. Những đàn bò đi lang thang khắp đồng cỏ với sự trông coi của những chàng chăn bò tay cầm roi da, chễm trệ trên mình ngựa.
Rồi đến lượt những đàn ngựa cũng “ngao du” với sự trông coi của lũ chó luôn mồm sủa khẩu lệnh chỉ huy. Những đàn cừu tha thẩn như những đám mây xám sà xuống quả đồi…
Riêng lợn gà thì “bị tù” trong các chuồng trại “xà lim” có hệ thống sưởi ấm, có điện chiếu sáng và được cung cấp khẩu phần tối đa.
Trang trại làm ăn thịnh vượng, rất nổi tiếng. Hồi đầu thế kỷ người ta còn dùng lối phóng ngựa hoa gươm chém nhau thì ngựa “thiện chiến” ở đây khá được giá. Giữa thế kỷ, lông cừu đem lại lợi nhuận lớn vì kỹ nghệ hàng len phát triển.
Còn thịt bò, lợn, trứng gà thì lúc nào cũng đông khách mua. Lúc nào mà mồm người ta chả phải ăn. Công tước Mida sinh ra không phải để nuôi bò, nuôi lợn. Ông là một nhà khoa học đồng thời cũng là một nhà triết học lớn.
Mọi việc có người quản lý lo. Điều buồn cười là ông chủ trại chăn nuôi không bao giờ dám đối diện trước cảnh những con bò, con lợn bị vật ngã mổ bụng phanh thây; những con cừu bị gọt trụi lông. Nhưng tất nhiên là ông vẫn ăn thịt bò, cũng như mặc com lê tuýt sy len.
Suốt ngày ngồi lỳ ở trong phòng nhỏ (khi viết lý thuyết) hoặc ở phòng lớn (khi làm thí nghiệm), Ông Mida đãng trí tới mức quên cả ăn, nếu người hầu không đến mời. Còn khi ăn thì thịt gà hay thịt lợn ông cũng lơ mơ không phân biệt; nên chỉ dùng khái niệm “Meat”[1] cho khái quát. Ngoài giờ làm việc ông giải trí bằng cách làm toán hoặc viết lý luận văn học.
Cảm hứng gợi nguồn từ học thuyết Đác Uyn kết hợp với triết học Con Người (Người viết hoa) làm được tất cả mọi thứ, không có thượng đế, Công tước Mida bắt tay vào chế một thứ thuốc “Thần dược” có khả năng làm cho bộ não động vật có ý thức như não người.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thí nghiệm của nhà bác học Mida đã thành công. “Thần dược” được tiêm cho tất cả các gia súc trong trang trại.
Trang trại sắp biến thành một thiên đường!
Khi công việc đã hoàn tất, một buổi kia đại biểu của các loài tới phòng khách để cảm ơn ông. Có ý thức rồi, họ giật mình thấy mình loã lồ khi ở trong đoàn đại biểu “ngoại giao”. Phải mặc lễ phục. Ngay cả cừu và gà có bộ lông đẹp thế nhưng cũng mặc cảm vì câu “Tấm thân lông lá” mà loài người thường nói, nên cũng phải đủ bộ tuýt sy (dệt bằng chính lông cừu) và len (dệt bằng chính lông gà). Bò đã có sẵn bộ móng guốc không mòn, giờ cũng phải xỏ bốn chân vào hai đôi dày da… bò!
Ông Mida phải thửa từ trước các loại xa lông (từ to đùng cho lợn đến bé tý cho gà) để các đại biểu ngồi.
- Xin cảm ơn ngài. Nhờ ngài mà tất cả chúng tôi đã đổi đời - Lợn (xưa nay vẫn bị coi là ngu nhất hoặc ngu tương đương bò) nhưng giờ ăn nói đâu ra đấy.
Ông Mida vui vẻ động viên:
- Các bạn hãy cố gắng xứng đáng với sứ mệnh và truyền thống của mình. Bạn (ông chỉ gà) người đánh thức bình minh. Bạn (ông chỉ bò) biểu tượng của hoà bình vân vân và vân vân…
Sau công trình khoa học vĩ đại đó ngài Mida tạm nghỉ ngơi, dưỡng sức bằng cách bắt tay vào viết một cuốn sách triết học bàn về bản chất của sự sống. Một buổi chiều kia lão quản lý hớt hải đập cửa phòng ông, mặt cắt không còn hạt máu.
- Thưa ngài… các loài vật nổi loạn… gửi đơn kháng cáo.
- Tại sao?...
- Thưa… ngài đọc khắc rõ.
… “Chúng tôi tự hỏi, chúng tôi sống để làm gì? - Tôi (bò) suốt năm chăm chỉ hiền lành, miệt mài gặm cỏ, sinh con đẻ cái, nhưng rồi kết cục là gì? Vợ tôi thì bị vắt kiệt sữa cho kẻ khác uống, thân tôi thì bị xả thịt lột da (ôi kinh khủng quá, thật vô nhân đạo) để đem xào nấu…
… Tôi (cừu) thì ngoan ngoãn nhu mỳ (đã thành biểu tượng “con chiên”). Nhưng rồi người ta cứ vật ngửa tôi ra gọt trụi lông đem dệt áo cho kẻ khác mặc. Còn tôi, trần như nhộng, rét thấu xương. Tôi cố làm lụng ăn uống vui sống để mua lấy tấm áo khác (bộ lông mới) để mặc. Nhưng khi vừa xỏ tay (lông vừa dài) thì họ lại đè tôi ra gọt trụi... Cứ thế, cứ thế trò phi lý khốn nạn tiếp diễn…
… Tôi (ngựa) thì bị bán đi các nơi để cho người ta cưỡi. Tại sao cái lưng tôi lại phải võng xuống, tạo hình tạo dáng cho người ta cưỡi! Phi lý! Nếu tôi đứng dậy trên đôi chân, cái lưng thẳng đuột như lưng người. Hỏi còn ai cưỡi lên tôi được không?...
… Tôi (gà) “của đau con xót”, đẻ được “bào thai” nào thì bị bọn “mẹ mìn” lấy đi bào thai đó để “nuốt sống” tẩm bổ. Cuối cùng thì cái thân tôi phải rũ sạch lông bước vào chảo mỡ… phi lý.
… Tôi (lợn) thì bị cho uống thuốc “tăng trọng” để rồi số phận cũng như gà, chẳng cần dài lời chắc ngài đã rõ.
(Nhóm gà, lợn chúng tôi còn bị nhốt tù vô cớ trong các xà lim, sẽ có lời tố cáo về chế độ lao tù gửi cho báo chí sau).
Lưỡi dao! Ôi lưỡi dao sắc lẻm khi cứa vào da thịt, chọc vào cổ, chém vào xương đau lắm, khủng khiếp lắm…
Chúng tôi sống chỉ để cho lưỡi dao phanh thây xẻ thịt à?
Do vậy chúng tôi không muốn có mặt ở trên đời này nữa, chẳng sinh đẻ con cái gì cả… Nói chung là chẳng muốn tồn tại.
Chúng tôi nhất thiết yêu cầu ngài phải ngưng ngay các chính sách đẫm máu…
- Họ nói có lý - Giáo sư trầm ngâm.
- Nhưng cái lý đó sẽ đưa đến hậu quả là xoá sổ trang trại. Ngài về sẽ phải đi ăn mày hoặc đi bán bản thảo lấy tiền nhuận bút mà sống (Hai việc ấy đều được vì có thu nhập tương đương nhau).
- Ta sẽ mất nghiệp?... Ta sẽ phải đói? - Công tước hốt hoảng.
- Tất nhiên.
- Vô lý, cả một trang trại khổng lồ này của ta.
- Nhưng súc vật không còn muốn tồn tại nữa…
Giáo sư buông bút, ra khỏi phòng viết, cả ngày đi lang thang trên đồng cỏ, thực sự lo nghĩ. Ánh chiều vàng rực mênh mang. Những đàn gia súc đã nhất loạt “nghỉ việc”, chờ kết quả đơn kháng cáo.
Sương hoàng hôn đã rơi xuống ướt đẫm mái tóc xanh mượt trẻ trung của công tước. Khi ánh sao hôm loé lên rực chói phía cuối trời thì trong đầu ông cũng bừng loé giải pháp. Tiêm thứ thuốc “thần dược II” cho bộ não con vật lại trở về nguyên như lúc ban đầu mà tạo hoá sinh ra nó.
Hà Nội, 5-1989
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét