Nhà văn của vùng quê Luy lâu
Năm 1989, ba năm sau cuộc đổi mới, Nguyễn Phan Hách xuất bản cuốn tiểu thuyết Mê cung (400 trang NXB Hội nhà văn. Tái bản năm 2005). Năm 1991 anh in tiếp cuốn “Người đàn bà buồn ” ở NXB Khánh Hòa – 400 trang.(Năm 1994 tái bản ở NXB Hội nhà văn). 17 năm sau anh mới viết được cuốn “Cuồng Phong” (700 trang NXB Hội Nhà văn ). Cả ba cuốn sách đều có bối cảnh xã hội thế kỉ 20 – giai đoạn có những biến động lịch sử lớn lao nhất của đất nước. Anh quan niệm những biến thiên dữ dội bi hùng của đất nước là chất liệu đời sống vô giá để nhà văn Việt Nam viết được những tác phẩm tiểu thuyết có cơ may trở thành giá trị lâu dài. Những tiểu thuyết kinh điển thế giới như “Chiến tranh và hòa bình” “Sông Đông êm đềm” “Con đường đau khổ” sẽ còn mãi với nhân loại một phần quan trọng vì người ta tìm thấy ở đó hiện thực máu lửa khốc liệt một thời của loài người. Đề tài không phải là quan trọng nhất, nhưng thử hỏi với sự sàng lọc của thời gian, những cuốn sách chỉ đi vào những chuyện vụn vặt, yêu đương ....và những “ triết lý một thời’’ dễ bị thời gian vượt qua, làm sao có thể làm người đời sau quan tâm.
Thời đại văn hóa Nghe Nhìn chiếm thế thượng phong, địa vị của văn chương muốn hay không muốn, không được như xưa nữa. Nói quá đi, có khi người ta còn đặt câu hỏi : Rút cục thì giá trị lớn nhất của văn chương nói chung ( tiểu thuyết nói riêng )là gì ? Kể cả với những người đó, câu trả lời là : Đó là hiện thực đời sống được miêu tả tài tình trong đó. Đó là giá trị vĩnh cửu. Và càng với đời sau càng có giá trị, giống như đồ cổ lâu năm. Không một thể loại văn hóa nào chuyển tải được hiện thực đời sống đã qua, đầy đủ như tiểu thuyết.
ở cả ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Phan Hách đều có người và cảnh của lịch sử hiện đại, với các điểm nhấn của nó .Âm hưởng xuyên suốt trong các tác phẩm là một tinh thần nghệ thuật chân chính, một thái độ nhà văn công dân có trách nhiệm với đất nước. Dư âm của những trang viết cho đời sau là niềm tự hào về lịch sử chính thống, sự “ rút kinh nhiệm’’ về những cái gì đó, trong bước đường tiến tới tương lai.
Điều ghi nhận là ở cả ba cuốn sách dài trang, Nguyễn Phan Hách đều có “giọng văn đẹp ”. Sự kiện thì đầy ắp, những giọng văn thì thanh thoát, mạnh lạc, khúc triết, khi trữ tình, khi u mua hóm hỉnh đôi khi làm người ta bật cười. Tiểu thuyết của Nguyễn Phăn Hách dễ đọc, dễ cảm thụ, truyện tưởng “dễ như không”mà sâu sắc.
Cuốn “ Cuồng Phong’’ in ra đã có hiệu ứng tốt. Không phải sách chiều nịnh thị hiếu, mà nó được in lậu bán trên nhiều hè phố. Đặc biệt “Cuồng Phong’’ được nhiều cán bộ từng trải, sống với nửa thế kỉ qua, tìm đọc và chấp nhận...
Nguyễn Phan Hách làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ từ năm 1973 ( phần thơ). Được làm việc với các bậc lão thành trong tổ chức Văn Nghệ từ rất sớm, sau này lại được giữ trách nhiệm phụ trách nhà xuất bản Hội Nhà văn (nghĩa là được ở “trung tâm” Hội nghề nghiệp )nên sự chừng mực nghiêm ngắn, “công chức” không biết có ảnh hưởng đến sáng tác của anh không. Có người bảo nếu anh ở xa “trung tâm”, sự “ hồn nhiên’’ có thể đem đến cho văn chương anh một sắc thái khác chăng?
Nguyễn Phan Hách viết nhiều thể loại : truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết, thơ. Anh được “ điểm danh’’ đầu tiên là nhờ các truyện ngắn đề tài nông nghiệp thời kì Hợp tác xã. Nhưng ngay từ hồi ấy, anh đã có truyện “Con tôi đi học’’ chỉ viết về một đứa trẻ đi học lớp 1 trong những ngày bom đạn Mỹ bắn phá, cho đến nay vẫn được đưa vào các tuyển tập lớn. Truyện “tranh tết”, “sân tranh” khá đặc sắc viết về dòng tranh dân gian Đồng Hồ . Nguyễn Phan Hách phải cảm ơn truyền thống văn hóa dân gian của Bắc Ninh, cho anh các đề tài, chất liệu. Truyện vừa “Tình đùa” (in 1984) tái hiện một cách say đắm phong tục hát quan họ thời xưa. Hơn 20 năm sau ( 2009 ) khi quan họ được công nhận là di sản văn hóa thế giới, người ta ghi nhận là từ hồi đó anh đã có nhiều cảm xúc về quan họ đến như thế. Bài thơ “Làng quan họ quê tôi’’ anh viết 1969, Nguyễn trọng Tạo phổ nhạc 1978, được nhiều người biết đến, là bài hát “Đi cùng năm tháng” ...
Nguyễn Phan Hách xuất bản cuốn truyện “ Khốp ngựa ô’’ năm 1987,đánh dấu việc chuyển biến theo trào lưu mới trong sáng tác của anh. Bốn truyện vừa trữ tình, nhẹ nhàng, với cái nhìn mới mẻ về cuộc sống trong quỹ đạo cởi mở. Phát huy phong cách này, anh viết được truyện “ Cô gái đầm sen” đầy chất thơ, trở thành một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách lãng mạn, trữ tình trong văn xuôi Nguyễn Phan Hách .“Người hát ca trù” “Ông đồ’’ là những truyện đượm buồn, hoài cổ. Cạnh đó “Tản mạn chuyện làng’’ “Đất đai” lại dồn nén chất liệu, khái quát sinh động bức tranh làng quê Việt Nam. Truyện “Cơn hồng thủy” mượn chuyện về dịch cúm gia cầm, ẩn chứa bao điều sâu sa. Một truyện ngắn xuất sắc, không dễ gì có được. Nguyễn Phan Hách ít in báo. Nhưng đôi khi anh đã gây ấn tượng mạnh như chùm truyện mi ni trên báo Tiền Phong 2006...
Nguyễn Phan Hách là người tài hoa. Văn Chương của anh trau chuốt. Đầu 2009, NXB Giáo dục đã tuyển chọn những đoạn văn gợi cảm của anh thành cuốn “ Những đoạn văn hay giành cho học sinh tiểu học”(200 tr ) in với tia ra cao.
Vừa viết văn, vừa làm thơ không chắc là một điều hay ho. Nhưng đôi khi cái chất nọ chất kia pha trộn trong nhau có thể tạo lên một ưu thế trong một mức độ nào đấy. Nguyễn Phan Hách đôi khi được bạn đọc biết đến với tư cách là nhà thơ. Anh có ba tập thơ “Người quen của em” “Hoa sữa” “vô tình”. Trong tình hình thơ “rao bán chẳng ai mua” việc phổ biến thơ là chuyện khó. Nhưng anh may mắn có một bài “độc đắc”, bài “Hoa sữa” được giới trẻ yêu thích. Lứa tuổi mộng mơ vào đời vẫn chép cho nhau :
.......Chỉ mùa thu tròn vẹn yêu thương Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ Hương của mối tình đầu nhắc nhớ. Có hai người xưa đã yêu nhau.....
(Bài hát “ Mối tình đầu” của Thế Duy lời dựa theo bài thơ này )
Thuận thành, “Bên kia sông Đuống” Luy lâu, miền đất văn hóa. Nguyễn Phan Hách được thụ hưởng tinh hoa văn hóa của miền quê ấy, để trưởng thành......
Phương Hoài
10 - 6 - 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét