Hai chị em
Truyện ngắn của NGUYỄN PHAN HÁCH
U tôi bảo:
- Thằng Tộ, con giai u lớn rồi. Có thích lấy vợ không?
- Có - Tôi gật đầu tắp lự. Hồi mới sáu tuổi, chả hiểu thế nào mà tôi đã lăn bò beo ra sân khóc đòi lấy vợ. Huống hồ bây giờ 16 rồi.
- Bên Cụ Đồ Ba có con gái sinh đôi: Song và Nga. Mày thích đứa nào?
- Thích cả hai.
- Không. Chỉ được một thôi.
- Đứa nào cũng được.
Song, Nga giống nhau đến mức khó phân biệt. Cùng nõn nà, cùng mắt sắc như dao. Cùng giọng nói trong vắt.
Hôm đưa dâu, cả hai đứa cùng mặc áo dài tứ thân thắt vạt. Ông Đồ Ba cũng tếu, hàng ngày luôn cho ăn mặc giống nhau. Và bây giờ cũng chặc lưỡi: Đứa nào lấy thằng Tộ cũng được. Khi chủ hôn gọi: “Cô nào là cô dâu ra lễ tơ hồng”, hai đứa, đứa nọ đẩy đứa kia. Cũng là trò vui của ông phó tếu, chứ chắc bên trong đã có ý định rồi. Cả đám cưới cười ồ. Bàn thờ lễ tơ hồng là một án thư, dưới trải hai chiếc chiếu cạp điều. Tôi quỳ chiếu trên. Vợ quỳ chiếu dưới. Sau mấy câu đọc văn ngân nga của ông chủ hôn, tôi nâng ly rượu nhấp một ngụm, rồi quay xuống đưa cho cô dâu uống nốt nửa còn lại. Rượu làm cô gái mặt đỏ hồng, từ đó phân biệt rõ ai là vợ tôi, ai không.
Tục lệ quê tôi, tối tân hôn thường có hai cô phù dâu ngủ lại “ngăn chặn” chú rể động phòng. Cũng là một trò chơi “tếu” của các cụ ngày xưa. Tất nhiên là tối sau thì chỉ có một “cô dâu chính thức” ở lại. Tôi lấy mực đỏ bôi vào đùi vợ đùa:
- Anh đánh dấu!
Vợ chồng tôi ra ở riêng, một ngôi nhà gỗ xoan ba gian, một mảnh vườn trồng rau. Chuồng lợn, chuồng gà, đống rơm, bồ thóc, con chó vàng, chum tương, chum đỗ… Vợ tôi là Song, khỏe mạnh, làm như thần đồng, không lúc nào ngơi tay. Suốt ngày ngoài đồng, ngoài chợ; chiều về băm bèo nấu cám; tối làm hàng xáo. Cái cối xay nặng chình chịch, mà cô ấy kéo vèo một cái xong mẻ thóc. Rồi sàng ngoay ngoáy. Rồi giã gạo thình thịch đến khuya. Người sực mồ hôi, ra cầu ao đêm trăng tắm tùm tùm, đến khi người căng phồng mát rượi, vào nằm ôm chồng, rúc rích cười mấy câu là lăn ra ngủ.
Cuộc sống hạnh phúc, thanh bình. Đứa con gái đầu ra đời, xinh đẹp, ngoan ngoãn. Dì Nga đến chơi, ôm cháu hôn hít.
- Bao giờ dì Nga lấy chồng, cho cháu ăn cỗ nhé - Tôi bảo.
- Em còn lâu.
Trông dì Nga giờ dễ phân biệt với vợ tôi rồi. Vợ tôi đẫy ra, ngực xộ xệ, còn dì Nga vẫn thon thả gọn ghẽ, eo lưng cong cong bay bổng.
Ở nhà quê, 16 tuổi là lấy chồng. Ngoài 20 đã hơi ế. Mà dì Nga đã 22, vẫn đủng đỉnh “vô tư”. Đã từ chối hai đám. Ông Đồ Ba có hai mụn con gái, goá vợ từ sớm, không tục huyền, chỉ muốn gả chồng sớm cho con. Đến đám thứ ba dạm hỏi, ông đe:
- Tam giả ba bận. Lần này mà mày không ưng thì cho mày làm bà cô.
Đám thứ ba, dì Nga vẫn từ chối thật. Ông Đồ Ba kinh hãi gào thét:
- Có đường có nẻo thì bước, đừng ở nhà tao nữa.
Dì Nga đi thật. Người ta về tuyển công nhân cho công trường đập đá làm đường. Còn gì vất vả hơn việc vác búa đập đá. Gái công trường đầu đường vất vưởng, hay ho gì. Vậy mà dì Nga “xung phong”.
- Trông cái cảnh đầu tắt mặt tối “lợn kêu con khóc” của chị Song, em sợ lắm.
Vợ tôi bảo: “Dì nó điên rồi”. Trong ánh mắt vợ tôi, ánh lên niềm hạnh phúc mãn nguyện cuộc sống gia đình.
Dì Nga đi miết. Đập đá rồi sau đấy làm gì nữa chả biết. Thỉnh thoảng có về nhà, cũng có chút quà cho bố, gói kẹo cho cháu. Hỏi chuyện chồng con, vẫn chỉ cười trừ. Công việc vất vả, dãi nắng dầm mưa công trường, nhưng trông dì vẫn trẻ trung tươi tắn. Dì như con chim đã vượt khỏi lồng. Chẳng ai còn đủ sức lo lắng chuyện chồng con cho dì nữa.
Vợ tôi sinh con thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư. Mắn đẻ, ba năm đôi. Đứa chị cõng đứa em. Trứng gà trứng vịt. Đứa đầu đã biết tảo tần đỡ đần mẹ. Ra đồng gánh phân vơ cỏ. Cái quang dài hơn người. Dì Nga về nhìn cháu, thở dài, nhưng cháu thì cứ vui hơn hớn.
Nhìn bộ dạng dì son rỗi, nằm dài thườn thượt một mình, vợ tôi chép miệng: ế chỏng, ế trơ rồi, chó nó lấy nữa!
Bẵng đi nhiều năm, không thấy dì về nhà, chỉ thỉnh thoảng gửi tiền qua Bưu điện về cho bố.
Cảnh nhà tôi, con đông, dần dần lâm vào túng thiếu. Rồi đến một thời kỳ kịch điểm “thóc cao gạo kém”. Ruộng đất đã tập trung vào hợp tác xã hết. Xã viên đi làm theo kẻng tầm, lấy công điểm. Cuối vụ, cộng sổ, được chia vài tạ thóc. Nhiều khi làm bán lưng cho đất, bán mặt cho giời, nhưng làm “tập đoàn” “cha chung không ai khóc”, “bâng quơ bỏ vãi”, năng xuất quá thấp. Giá trị một ngày công chỉ ứng với vài lạng thóc. Công điểm ghi đầy sổ, mà không đủ ăn, bữa khoai, bữa cháo. Tỉnh quê hương được báo chí nêu gương điển hình tiên tiến, sôi sục khí thế thi đua giành cờ đầu; nhưng trong thực tế được dân gian mệnh danh là tỉnh đi đầu về “công nghiệp hoá” xây dựng nhiều “nhà máy cháo”.
Tôi không thể sống bằng danh hiệu “xã viên tiên tiến” được, mà “bụng đói đầu gối phải bò”, sắm chiếc xe đạp, thành anh “phó thường dân lạc hậu” chạy chợ, kiếm cơm.
Tôi mê tơi trong cuộc chạy ăn cho bốn đứa con, mụ mị cả người đi, không còn biết giời đất, không còn nhớ đến ai nữa. Mười năm đói dài làm tôi thành cái xác không hồn. Nhiều đêm ngủ mơ thấy cảnh dỡ khoai lang, bổ nhát cuốc, củ khoai lang lộ ra, và đã chín thơm nức ngọt lịm trên môi ngay từ lúc còn nằm trong đất rồi.
Đúng là giấc mơ của anh đói. Tôi quên bẵng dì Nga, dì nghiếc cả chục năm. Vợ tôi cũng thế và nghĩ bụng: Dì Nga chắc cũng đang đói dài ở “rừng xanh núi đỏ” nào đó, mặc dù vẫn thấy thỉnh thoảng gửi chút tiền về cho ông Đồ Ba.
Lần ấy tôi thồ sắn khô từ miền ngược về. Nghỉ chân ở một ngã ba gần Hà Nội, vào quán, ăn bát phở lấy sức. Phở “không người lái”. Tức là không có thịt. Tên phở lấy từ “sự tích” là trên trời có loại máy bay không có phi công, không người lái, chuyên trinh sát mục tiêu, cho máy bay tiêm kích F105, F4H của Mỹ ném bom trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta thời kỳ đó.
Phở “không người lái” nhưng người bưng ra là một con bé con tuyệt đẹp. Tóc vàng, mắt xanh, da trắng như tuyết, một thiên thần con lai người châu Âu. Tôi nhìn không chớp mắt. Nó mới chừng 10 tuổi, mà nở nang như con gái trăng rằm.
- Nhà cháu đây à - Tôi hỏi.
- Vâng.
- Cháu biết làm phở cho khách?
- Mẹ cháu dậy.
- Mẹ cháu đâu - Tôi tò mò hỏi.
- Mẹ đi vắng.
- Bố cháu người Liên Xô à?
- Vâng.
- Sao không về Liên Xô ở cho sướng, mà lại ở đây?
- Cháu không biết.
Bẵng đi một thời gian, chạy chợ tuyến khác, nên tôi không qua “quán Con Lai”. Lần ấy có dịp trở lại, tôi bước vào và giật mình. Con bé lai ngày xưa đã thành một thiếu nữ. Quán mở rộng, khang trang, ăn nên làm ra, thuê người chạy bàn, bán phở có người lái (thịt gà, thịt bò). Lái xe tải, xe khách đường dài vào ăn nườm nượp. Xe đỗ đầy cửa hàng. Cô gái lai được cánh lái xe mê cuồng. Anh nào cũng thích.
- Em Liên ơi, cho anh một chai bia.
- Em Liên cho anh bát phở…
Liên là Liên Xô - các lái xe đặt cho cô hay là mẹ cô đặt. Chỉ biết đã thành tên.
Liên ngồi thu tiền. Mặt sáng trưng như trăng rằm. Bọn lái xe tựa đám thiêu thân bay quanh.
Tôi vừa ăn phở, vừa ngắm không chớp mắt. Bỗng tôi thấy từ trên gác một chú bé tóc màu bạch kim xoăn tít bước xuống. Nó chừng 4 tuổi, chạy lon ton bên người chị tóc vàng mắt xanh. Cùng là con lai nhưng khác màu mắt, màu tóc.
- Chị Liên ơi, chị Liên ơi… - Giọng nó non tơ, hơi ngọng, đáng yêu lạ lùng.
Một người lái xe ngồi bên, vẻ thông thạo, thuyết minh:
- Đứa chị là con ông Liên Xô dòng giống Slavơ. Đứa em là con ông Thụy Điển, dòng giống Ăng lô Xắc xông. Bà chủ này khiếp lắm. Nay ngủ với ông Trung Âu, mai ngủ với ông Bắc Âu. Ông Liên Xô xưa chỉ có chiếc xe đạp Con Én, chiếc dây chuyền vàng tây, hộp sữa maloco, nên con Liên xưa bán phở không người lái.
Còn ông Thụy Điển chắc chỉ là nhân viên văn phòng gì đó, nhưng cũng có đô la. Cho nên cửa hàng mới mở khang trang hơn thế này.
- Bà chủ này là cái gì mà gớm thế - Tôi hỏi.
- Ban đầu chỉ là cô gái công trường, sau về Hà Nội làm việc ở Công ty Công viên. Tức là chuyên dọn cỏ trồng hoa. Được Công ty cử vào Sứ quán Liên Xô chăm sóc vườn hoa cho họ, nên quen một ông “nhân viên kỹ thuật” người Nga. Ông Nga Bôn sê vích, xa vợ lâu ngày, lại sắp đến hạn về nước nghỉ hưu, nên tavrit đếch sợ kỷ luật ngoại giao, đánh quả liều ngủ với cô dọn vườn xinh đẹp, không chồng, lại “đong đưa”. Bếp điện, ổ cắm, bàn là, dây mai xo, đồng hồ Pôn giốt… Anh Liên Xô thì có thế thôi, nhưng bù lại, cô dọn vườn đẻ được đứa con gái xinh đẹp. Từ sứ quán nọ, người ta giới thiệu “nhân viên kỹ thuật dọn vườn trồng hoa” cho nhau. Thế là cô gái quen được ông Thụy Điển.
Tôi lắc đầu lè lưỡi, nhưng thắc mắc:
- Nhưng sao “bọn quốc tế” ki bo thế, chỉ cho “người yêu” đủ tiền mở cái quán tầm tầm thế này thôi à?
- Thì lấy đâu ra. Toàn loại “nhân viên kỹ thuật” văn phòng cả. Thế này cũng tốt rồi. Còn hơn suốt ngày trồng cỏ tỉa hoa.
- Ước gì “cưa” được cô Liên về làm vợ - Một người lái xe khác nói - Suốt ngày “côn số”, ăn cháo ăn khoai, lấy tiền “cung phụng” cho vợ cũng sướng.
- Tôi tin rằng với đà này, bà chủ cửa hàng “Con Lai” còn phát triển, gặp được những ông “Tây bự” nhiều tiền hơn…
*
* *
Sang thời “Đổi mới” hợp tác xã nông nghiệp giải tán, cuộc sống gia đình tôi ngày một được cải thiện.
Dì Nga bây giờ ở đâu, chắc làm ăn cũng khá hơn, nên gửi tiền qua Bưu điện về cho Bố nhiều hơn. Qua cơn đói xuýt chết, giờ hoàn hồn, mọi người lại nháo nhác tìm nhau. Vợ tôi dù giận, nhưng vẫn mong dì Nga về chơi. Giấy gửi tiền cho ông Đồ Ba, Dì Nga không ghi địa chỉ của mình, chẳng ai biết đâu mà tìm…
…Chỉ có nhãng đi một thời gian không qua quán “Con Lai” mà lần này trở lại tôi đứng dụi mắt: Trên nền xưa giờ mọc lên một toà “lâu đài” nguy nga với biển đề “Nhà hàng châu Âu” cao bẩy tầng, rộng cả ngàn mét vuông, trấn ngự giữa ngã ba nơi đang trở thành một khu đô thị sầm uất…
Tôi vẫn chưa bỏ nghề “chạy chợ”. Bây giờ tôi đi mua vét cá quả, ba ba về bán cho các khách sạn.
Lần ấy tôi thồ một sọt cá vào “Nhà hàng châu Âu”. Không khí ở đây náo nhiệt. Xe Méc xê đéc, Cam ry bóng lộn đỗ san sát ngoài cửa. Thay vì các bác lái xe tải, giờ đây là các doanh nhân, các VIP, ra vào tấp nập. Họ đến đây, tìm cảm giác sang trọng châu Âu từ cô chủ tóc vàng mắt xanh đẹp như thiếu nữ trong tranh cổ điển thời Phục hưng.
Cà phê tuyệt hảo Italia, thịt bò Ôtstrơlâya, rượu vang Pháp, Cô nhắc Xcốt len… tất cả ở đây đều chuẩn mực. Khách hàng phần lớn tiêu bằng tiền mệnh giá 500 ngàn, và không thèm dò ngón tay út kiểm tra từng mục trong hoá đơn thanh toán.
“Thiếu nữ trong tranh Phục hưng” đi đi lại lại, mỉm cười, gật đầu chào hoặc bắt tay với người này người khác dù là gốc Nga, nhưng Liên không “Tờ-rát-vui-chia”, “Đát-sơ-vi-đá-nhì-à” mà toàn “Gút-moning”, “Hello”, “Hai”, “See you a gain”.
Sau khi nhận tiền bán cá, tôi rửa sạch chân tay tanh tưởi, tìm một bàn khuất, cũng gọi một chai bia nhâm nhi. Tội gì tôi không thưởng thức “không khí châu Âu” ở đây. Muốn sang châu Âu, phải đi máy bay làm hộ chiếu, thuê khách sạn tốn vài nghìn đô la, đằng này chỉ mất tiền bán một con cá quả, là tôi có thể vểnh râu ngắm “cô gái châu Âu”… Uống hết một chai bia, tôi ngồi lỳ để kéo dài thời gian ngẫm nghĩ về sự “bốc” lên ghê gớm của bà chủ này. Hoặc giả muốn tò mò, chiêm ngưỡng mặt bà chủ một cái, bởi biết đâu bà chủ bất thần xuất hiện. Một ông khách “bình dân” đồng cảnh như tôi, chung tâm lý, ngồi cạnh, bắt chuyện:
- Bà chủ mới giầu vọt lên, sau khi bắt bồ được với một ông Mỹ. Vẫn là từ con đường “nhân viên kỹ thuật vườn hoa” bà vào làm trong tư gia một ông chủ Hoa kỳ đầu tư dầu khí. Rồi hai người “yêu nhau”, rồi đẻ con. Vẫn bài bản cũ. Bà ấy sẵn sàng đẻ con với toàn thế giới. Hư hỏng lắm. Nhưng… “chẹp” - người khách chép miệng - Bù lại thì bà ấy giầu. Đạo đức nghĩ cho cùng cũng chỉ là quy ước từng thời. Mí lại, người ta không có chồng, người ta yêu ai, ngủ với ai, kệ người ta, đâu phải vô đạo đức. Đạo đức mà “đói rét căm căm” thì cũng vứt đi. Cái giỏi của bà này là “chinh phục” được các ông Tây. Hay nói cách khác là làm thế nào mà các ông Tây đều thích ngủ với bà ta. Ban đầu thì Tây nghèo, dần dần thì Tây “đại gia”. Chán vạn đàn bà trên thế gian đấy, mấy ai đã được một ông tư bản Mỹ ngủ rồi cho tiền xây dựng cái “Nhà hàng châu Âu” vĩ đại này…
Công tôi đợi, quả được toại nguyện. Uống hết chai bia thứ hai, thấy có người từ trên xe hơi bước xuống, vào cửa hàng gọi:
- Liên ơi. Bảo mẹ ra xe.
Liên chạy lên gác. Một lúc bà chủ xuất hiện. Đậm đà, trắng trẻo, gương mặt sáng trưng. Trời… những nét của gương mặt vợ tôi. Chỉ có điều ở vợ tôi, cái nét ấy đã héo quắt đi trong mầu sương gió, còn ở người đàn bà này thì được trăng sao nhuộm vào cho rực rỡ lên.
Tôi đứng bật dậy, tiến sát. Người đàn bà quay lại, cũng giật thót, trân trân nhìn tôi.
18 năm. Dì Nga không về làng dù vẫn gửi tiền cho bố đều đặn, ngày một nhiều hơn. Vợ tôi thương nhớ em, nhưng giận em. Dì đi đâu, ở đâu, làm gì không ai biết. Họ mạc xì xào: chắc Dì là người lang chạ, nay người này, mai người khác; nên trốn biệt, không dám thò mặt về làng. Nhục nhã lắm. Có lúc ông Đồ Ba đã muốn quên hẳn Dì. Cầm tiền Dì gửi về mà tủi hổ. Bây giờ, đời sống khá rồi, không có tiền ấy, ông cũng không chết đói theo nghĩa đen.
Càng sau này tâm lý xấu hổ vì sự làm “điếm nhục gia phong” của Dì càng tăng lên trong lòng vợ tôi. Xấu hổ mà vẫn mong, mong người em biệt tích.
Người đàn bà này giống vợ tôi các đường nét. Bà là ai? Sao lại trân trân nhìn tôi…
- Xin lỗi… chị ơi, cho tôi hỏi…
- Anh là… là… anh ở đâu…
Cả hai cùng ngờ ngợ. Giọng nói vẫn như xưa. Gương mặt có thể thay đổi theo thời gian, nhưng giọng nói thì không bao giờ thay đổi. Nhận ra ngay âm sắc.
- Anh tên là Thực phải không - Người đàn bà hỏi trước.
- Trời! Dì Nga!...
… Chúng tôi lên gác. Phòng khách lộng lẫy, có cặp ngà voi châu Phi cong vút.
- Dì Nga giờ giầu có sang trọng thế này ư. Thế mà cả làng không ai biết - Giọng tôi dỗi hờn - Chị Song và các cháu của Dì xuýt chết đói, mới được hồi phục, nhưng vẫn chỉ là ngày hai bữa cơm tẻ no bụng mà thôi…
- Thì em cũng mới khá được thời gian gần đây. Định bụng ổn định nề nếp nhà hàng, rồi về xây nhà mới cho Thầy em ở, và đỡ đần anh chị…
- Khá một cái là Dì phải về ngay chứ lị - Tôi lý sự.
- Em có phần khó của em. Trong con mắt cả làng, chắc em là đứa hư hỏng, xấu xa lắm. Vậy thì chường mặt ra trước họ có ngại không? Trốn biệt đi là hơn. Rồi tìm cách khác, thế nào đó, dần dần…
Điều khổ tâm nhất của em, là mắc tội “bất hiếu”. Biết mà không làm thế nào được. Đành ngầm nhờ chị Song gánh vác việc chăm sóc cha già, còn em gửi tiền về. Bây giờ giầu có, em sẽ đền đáp công lao dưỡng dục của thầy em thật xứng đáng. Nhưng vẫn ngại Cụ cố chấp. Đang nghĩ cách làm sao cho ổn thỏa. Cụ có chấp nhận ba đứa cháu lai Tây kia không? Hay Cụ lại phẫn uất sinh ốm thì em lại mắc tội to hơn nữa. Thà khuất mặt đi, trăm sự nhờ chị Song còn hơn…
- Ôi dào - Tôi gạt đi - Dì mà về bây giờ, còn hơn Trạng Nguyên vinh quy. Dì cho họ nội tộc mỗi người vài trăm ngàn, xây toà nhà to cho cụ Đồ Ba, cưu mang chị Song và lũ con của chị. Nhất dì, không ai bằng.
- Anh đơn giản quá. Chị Song không dễ tính như anh đâu. Chị ấy giận em lắm. Còn khinh là đằng khác ấy chứ.
- Bố ai dám khinh người giầu.
- Không khinh thì cũng ghét. Bao vây, tẩy chay. Thà cứ “khuất mắt” đi là hơn.
- Anh mách Dì cách này nhé. Dì về tuyển con cháu họ mạc nhà mình ra đây làm nhân viên cho “Nhà hàng châu Âu”. Đuổi hết các nhân viên hiện tại đi. Thay thế toàn bộ. Thế là họ mạc coi Dì như ân nhân, đố ai dám hé răng. Còn anh sẽ làm tổng đại lý độc quyền thu mua thực phẩm cho Dì…
- Không được. Nhân viên ở đây phải được đào tạo bài bản. Con cháu ở quê ra, cậy thần cậy thế bà chủ, vô kỷ luật, sẽ làm hỏng hết. Riêng anh, và ai đó, nếu tốt, đủ tiêu chuẩn thì em sẽ thâu nhận để làm từng việc thích hợp.
- Chị em như hai giọt nước. Em không cho chị Song một cái nhà gác hai tầng hay sao?
- Đấy tư tưởng của anh như thế là hỏng. Anh chị sẽ không quý cái nhà ấy đâu. Cứ dần dần, em tạo công việc cho anh, chị; nuôi các cháu ăn học lên đại học. Rồi chúng sẽ nên người, tự lập…
Dì Nga dừng chuyện:
- Em phải đi làm bây giờ. Xe đang đợi.
- Giàu có thế này vẫn phải đi làm sao?
- Vẫn phải làm những việc thích hợp.
- Dì lo cho tương lai con cái Dì như thế nào?
- Bố cháu Hen ri người Mỹ, sẽ về Mỹ học. Bố cháu Ka lích người Thuỵ Điển, sẽ về Thuỵ Điển học. Còn cháu Liên, lớn nhất, ở lại trông coi nhà hàng.
Mở tủ, Dì Nga cho tôi một xấp tiền:
- Anh cầm lấy về chi tiêu. Hôm nào dẫn chị Song ra đây. Xem thái độ chị ấy thế nào đã. Xem chị ấy có “thống nhất” được tư tưởng với em không. Rồi mới bàn kế hoạch tương lai.
- “Thống nhất” quá đi chứ lỵ.
- Cũng nhờ anh dần hé mở tình trạng của em hiện nay, với thầy em, thăm dò phản ứng của Cụ. Nếu thuận, thì em sẽ về ngay. Bằng không phải tìm cách khác mà báo hiếu…
Điều này nữa. Không được vội loan báo cho cả làng biết địa chỉ “Nhà hàng châu Âu” này của em. Nếu không, em sẽ không cho anh tiền nữa đâu.
Tôi cười ngỏn ngoẻn: Lời dặn của Dì ai chả phải nghe. Nhưng còn nói vớt:
- Dì cứ lấy tiền bạc ra “giẫy”, tình nghĩa mới quan trọng chứ.
- Nhưng em không cho anh tiền hôm nay, thì anh có cho em là người có tình nghĩa không?
- Dì nói đúng quá.
Chiếc Cam ry bóng nhoáng đưa Dì Nga vút đi. Tôi đứng trân trân nhìn theo. Rồi quay về “khởi động” chiếc xe đạp thồ cá tanh tưởi.
Từ “Nhà hàng châu Âu” vọng ra tiếng nhạc sôi động. Tôi lặng lẽ đạp xe. Gió đồng lồng lộng. Tôi sẽ nói với cụ Đồ Ba, với vợ tôi như thế nào về cuộc gặp gỡ Dì Nga hôm nay…
Tân Mai, 5-5-2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét