Đất đai
Truyện ngắn của NGUYỄN PHAN HÁCH
Ông Bản bắt “xe ôm” đầu làng lên tỉnh từ gà gáy. Lại đi kiện. Chuyện đã nhàm, chẳng ai để ý. Đến cả chục lần rồi, ai giải quyết. Lần này chắc cũng thế thôi. Hy vọng gì… Vậy mà lần này xẩy ra chuyện động trời. Bởi đến chiều, có tin về làng: Ông đã bị bắt!
- Giời ơi, có tội gì. Mọi người bàn tán. Còn đâu là dân chủ nữa.
- Không có tội gì à? Ngang ngạnh chống đối bao nhiêu năm? Ai người ta chịu được. Phải trừng trị để làm gương. Không thì loạn à…
- Phen này cho tù mọt gông.
- Khổ quá 75 tuổi rồi. Sắp xuống lỗ rồi. Ăn được bao nhiêu nữa mà tranh đấu.
- Đó là do cái tính điên của giống người. Để ý xem mọi sự trên đời đều từ một dạng điên nào đó mà ra cả. Lão Bản này từ xưa đã điên thế rồi. Hồi cả làng vào hợp tác xã, góp ruộng làm tập đoàn, mình lão điên này không vào. Mãi mấy năm sau bị o ép cùng đường, mới chịu quy phục. Bây giờ xu thế công nghiệp hoá, phải lấy đất làm mặt bằng cho công nghiệp chứ. Mất ruộng, lão chống lại điên cuồng. Kiện, kiện mãi. Tội này to lắm. Chống lại công nghiệp hoá.
Đúng là lão “Khốt ta bít” lạc hậu. Đi ngược lại xu thế lịch sử.
Nước Anh, nước Mỹ ngày xưa người ta cũng đều lấy đất của nông dân để làm mặt bằng khu công nghiệp. Đó là quy luật tất yếu. Cho nên lão Bản kỳ này, đến Mỹ, Anh cũng chả bênh được. Mỹ, Anh nó còn cười cho… Đồ ngu…cho chết.
- Sao các lần trước không bắt.
- Nếu chỉ đưa đơn thì đến bố đứa nào cũng chả dám động đến cái lông chân. Lần này, lão dở chứng. Tỉnh đang có đại hội gì đánh trống rong cờ mở, khí thế phơi phới, thế mà lão dám xô đẩy, đập phá gào thét: Đân mất đất oan uổng lắm các “quan” ơi. Lão cầm can xăng đòi tự thiêu trước sảnh hội trường. Thế là thành phá rối, phản động, chống đối. Công an bắt liền. Mà bắt đúng luật pháp. Người ta căm lão già này từ lâu rồi.
Nhắc đến chuyện bắt bớ, ai cũng lắc đầu lè lưỡi sợ. Nhưng cũng có người buồn bã:
- Cũng phải có người liều chết như thế mới gây được ấn tượng mạnh cho bộ máy quyền lực quan liêu.
- Rồi có ngày ông Bản sẽ thắng. Sẽ có người có quyền uy cao hơn xét xử trắng đen.
- Được vạ thì má đã sưng.
- Thà như thế còn hơn để chân lý bị chà đạp.
- Chân lý ở đâu. Bạo lực, tiền bạc tạo nên chân lý.
- Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
*
* *
Ông Bản nằm khoèo trong trại giam. Một chiếc chăn đơn, một bình nước lã. Cơ quan điều tra đang lập hồ sơ trình Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh khởi tố…
…Gần trăm năm trước, tổ tiên nhà ông Bản tha phương cầu thực, trôi dạt đến làng Bến Chằm. Chằm là biến âm của từ Trầm - nghĩa là đất ngập. Người ta phải đào ao, tôn lên thành sân vườn. Mấy đời nhà ông Bản chuyên đi đào ao vác đất thuê. Tắm trong bùn đất như con trâu đằm. Bùn nhuộm từ chân đến tóc, chỉ hở hai con mắt trắng dã. Cuối cùng dành dụm mua được hai mẫu ruộng. Có ruộng là sống rồi. Cày sâu cuốc bẫm lấy thức ăn. Tự mình là chủ. Không phải làm thuê cho ai. Ngẩng cao đầu mà sống hiên ngang. Chẳng phải luồn cúi ai. Bố mẹ ông Bản hả hê. Cày ruộng của mình sao nó sướng thế. Không biết mệt là gì. Cấy ruộng của mình nửa đêm gà gáy vẫn vui. Tấc đất là tấc vàng. Hai mẫu đất là hai mẫu vàng. Hai mẫu đất đổi bằng mồ hôi nước mắt mấy đời đào ao vác đất làm thuê. Thôi thế từ nay các thế hệ nối tiếp cắm chân trên mảnh đất này mà sống trường tồn như cổ thụ toả rễ vươn cành…
Vậy mà đánh đùng một cái người ta cướp trắng tay hai mẫu đất của bố ông Bản. Bảo là địa chủ. Địa chủ tức là chủ đất. Chủ hai mẫu ruộng. Chủ đất tại sao lại có tội. Đất là của ông giời làm ra, như ông giời làm ra bầu trời, mây gió, cây cối…Ông giời làm ra tôi, rồi ông giời cho tôi một tý đất (không phải cho, mà mua bằng giá mồ hôi, máu, nước mắt). Các người trói tôi lại, đem ra đấu tố, rồi “qua mặt” giời, lấy đất của tôi.
- Không có giời nào hết.
- Chỉ có con người và cuộc đấu tranh giai cấp.
Ôi vô lý quá! Nhưng mà cũng có lý đấy. Vì khi họ đã bảo không có giời, thì tức là có thể lấy đất của mình. Đành chịu thôi. Mỗi tấc đất là một khúc ruột. Hai mẫu đất là bao nhiêu khúc ruột. Họ dứt đứt ruột mình. Đứt tất cả. Vậy thì sống làm gì nữa. Bố ông Bản mượn dây thừng treo cổ lên xà nhà. Để lên hỏi giời xem sự thể thế nào, hoặc nếu không có giời thì cũng mục sở thị.
Một năm sau, người ta đã nhìn ra sai lầm hạ thành phần địa chủ, trả lại ruộng cho gia đình ông Bản. Trả một phần ba thôi. 7 sào. Cả làng bình đẳng. Nhà nào cũng được chia số ruộng tương đương nhau. Chứ không phải mình nhà ông Bản có tới hai mẫu được.
7 sào. Thôi cũng quý lắm rồi. Bẩy kho vàng khối lại về. Ôi sung sướng quá! Chỉ buồn đất sống lại được, mà bố ông Bản không sống lại được nữa. Làm sao bây giờ. Bố ơi, bố dại quá, chưa chi đã vội vã…
Ông Bản bắt tay vào cày sâu cuốc bẫm. Hàng núi phân tro đổ xuống. Hàng trận mưa mồ hôi đổ xuống. Mỗi hạt mồ hôi thành một hạt thóc. Ông Bản yên lòng. Nâng niu từng hạt đất, yêu quý từng ngọn cỏ trong thửa ruộng vuông vắn của mình. Làm đồng xong rồi, còn đứng ngắm nghía không chán mắt. Hạt cơm ruộng nhà mình ăn ngon hơn trăm ngàn lần hạt cơm gạo chợ. Bố ơi, bố sống lại đi. Để ăn bát cơm thơm trồng trong ruộng nhà mình…
Ông Bản tiếc cho bố, nhưng chỉ hai ba năm sau, lại rơi vào sự tuyệt vọng y như bố. Ruộng trả về “cầm chưa ấm tay”, lại bị “bắt nộp” vào Hợp tác xã. Để làm chung. Cấy cày gặt hái tập đoàn. Đi làm được tính công điểm. Rồi được chia thóc theo công điểm. Ruộng đất đếch phải của riêng anh nữa. Mà là của chung, của Hợp tác xã, tức là của nhân dân, xã hội, cũng tức là chẳng của thằng nào.
Ông Bản chưng hửng. Như vừa leo được lên thiên đình, lại rơi tõm xuống âm phủ. Nhất định ông không viết đơn vào Hợp tác xã. Được cái hay là người ta không ép. Chỉ gọi ông là thằng cá lẻ, coi như thằng đần độn, điên, dở người, phản động, thằng hủi, không ai dây. Cá lẻ tức là không trong cộng đồng xã hội, khai trừ nó ra khỏi cuộc sống. Con cái nó không cho vào học Đại học. Tốn gạo đào tạo con cái bọn cá lẻ, để sau này cái tư tưởng cá lẻ cha truyền con nối chống lại tập thể…
Ông Bản “hiên ngang” sống đời cá lẻ được vài năm, thì người tan ra thành nước, vì áp lực của xu thế. Sống ở trong làng, mà tất cả coi ông như chết rồi. Đồ bỏ đi, đồ lạc hậu, đồ tư hữu, đồ ăn tham, đồ chống đối. Không cho nó dẫn nước thủy lợi vào ruộng. Không bán phân đạm, thuốc trừ sâu cho nó. Rồi nó chết, không ai đi chôn. Hơi đâu Hợp tác xã tập thể vinh quang thế này lại đi chôn thằng cá lẻ…
Thôi đành vậy, lần thứ hai, dòng họ Nguyễn Văn Bản lại mất đất. Chữ ký dưới lá đơn tình nguyện vào Hợp tác xã như rớm máu. Thật lạ cho xu thế. Nó bẻ gục cái cây sắt ngang tàng trong đầu ông Bản như bẻ ngọn măng. Bố ơi, thôi thế bố chết cũng phải. Chứ con bây giờ cũng dở sống dở chết. Vì làm ăn trong cái tập thể này, ruộng đất đấy mà không ra thóc. “Cha chung không ai khóc”. Toàn ăn công điểm trên giấy thôi bố ơi.
Hai mươi năm trôi qua, ông xã viên Bản, không có đất, như người không có trọng lượng. Tưởng cứ thế mãi đến lúc xuống mồ, ai ngờ đánh đùng một cái, lại có lệnh chia đất cho xã viên làm riêng. Trời ơi, bố ơi, bẩy nổi ba chìm, như nàng Kiều lưu lạc, đất lại về “đoàn viên”.
Hợp tác xã giải tán. Ông Bản “nhận khoán” (nói toẹt ra là được chia, cho sướng tai) 5 sào (mỗi lần giả lại, lại thụt đi một ít, nhưng thôi, thế cũng được. Ông Bản nằm lăn ra 5 sào của mình mà nhìn trời nhìn mây mơ mộng. Lăn từ đầu bờ này sang đến đầu bờ kia. Sướng quá. Sướng hơn lăn trên sân rồng nhà vua. Đất, cỏ thấm vào áo, vào da. Tay bấu vào đất. Mẹ bố mày, cứ mất đi mất lại, giờ lại về tay. Y như vợ đẹp đi theo giai hai mươi năm, giờ lại trở về. Phen này ông lại được dầm chân vào đất của ông rồi. Ông sẽ cho mày nở hoa từ gốc rạ. Ông tưới mồ hôi ông vào. Hoa bật lên. Hạt gạo long lanh.
Ông Bản trẻ ra, giọng cười khơ khớ. Ruộng của ông giờ đến chuột cũng không dám đào bờ. Cào cào châu chấu mất vía, không bén mảng. Chúng chả dại, đi chỗ khác chơi, chứ không “dây” vào với lão Bản.
Ông yêu đất thế, nhưng không biết đất nó có yêu ông không. Nó như con đàn bà đỏng đảnh. Ông vùi mặt vào ngực nó hôn hít, nhưng cứ theo chu kỳ nào đó, nó bỏ ông để đi với giai. Nó đi hai lần rồi. Lần cải cách và lần hợp tác hóa. Và bây giờ, mới về với ông được ít ngày, nó lại ra đi: Quy hoạch mặt bằng “Khu công nghiệp Bến Chằm” lấy mất của ông 2 sào vào đúng chỗ đẹp nhất. Y như thằng chó đẻ chiếm mất hai chỗ quý nhất trên cơ thể vợ ông: ngực và dưới rốn. Cấm không cho “sở hữu” hai vị trí này.
Xe pháo Khu công nghiệp ùn ùn về san ủi, cắm cọc xây tường. Nhìn cảnh cắm cọc, chẳng khác nhìn thấy cảnh thằng khác bóp vú, ngủ với vợ mình. Hai sào ruộng của ông nằm ngay vị trí mặt tiền con đường rộng mới mở. Đại diện của Ban Quản lý chết tiệt chết toi gì đó đến trao cho ông cục tiền 20 triệu, bảo đây là số tiền lớn lắm, đủ để ông làm lại cái nhà ở dưỡng già cho sướng. Chứ làm gì chỗ đất chó ỉa, chết có đem xuống mồ được đâu.
Bọn chỉ huy “Khu công nghiệp Bến Chằm” cướp đất của người ta, nên chúng xây cũng nhanh như ăn cướp. Nhà khung sắt dựng lên, mái tôn ốp xuống. Chớp mắt nhà cửa đã giăng giăng, công nhân đổ về ùn ùn. Khu đồng đầy nắng vàng và tiếng chim chiền chiền ngày xưa, vụt biến thành nơi đô hội. Bao máy móc cổ lỗ bọn Tây thải ra, giờ chúng rước về, cho vận hành, nổ to uỳnh uỳnh như xe tăng xuất kích. Ống khói trên trời nghi ngút phả ra mùi khét lẹt. Con kênh làng trong vắt mộng mơ, giờ hứng chịu “cứt đái” “Công nghiệp cổ”, đen ngòm thối hoắc.
Đúng trên vị trí 2 sào ruộng của ông Bản ngày trước, giờ mọc lên một nhà hàng nguy nga: Tây Đô quán. Tây Đô là kinh thành của phương Tây. Hấp dẫn lắm. Phục vụ ẩm thực, mát xa, nhà nghỉ. Một bọn con gái ngạch môi đỏ, và ngạch môi tím đi ra đi vào. Để bọn công nhân, ngày vào nhà máy làm lấy tiền, đêm đem vào đây “nộp”.
Chủ nhà hàng Tây Đô: Vợ ông Chủ tịch tỉnh. “Mảnh đất chó ỉa” của ông Bản xưa, được đền bù 20 triệu, giờ trị giá 10.000 triệu, vì nó hái ra tiền. Đây là trung tâm dịch vụ, giải trí lớn nhất cho cả khu công nghiệp… “Người vợ” tao khang của ông Bản xưa giờ đã thành Hoàng hậu. Ông Bản quyết đòi lại vợ mình. Kể ra đòi thế cũng vô lý. Ai người ta đưa bà Hoàng hậu trở về làm bà nông dân chân lấm tay bùn vợ ông Nguyễn Văn Bản nữa.
Nhưng ông Bản không biết. Đấy là đất của tôi. Phải giả tôi.
- Đất của ông bao giờ đấy. Đất nhận khoán của Hợp tác xã thôi đấy nhé. Chỉ được quyền sử dụng, không được quyền sở hữu.
- Tại sao trị giá 10.000 triệu, lại chỉ giả tôi 20 triệu.
- Ông ngang nó vừa vừa chứ. Điên nó vừa vừa chứ. Thật y như ngày xưa không chịu vào Hợp tác xã. Hai sào ruộng của ông xưa mỗi năm ra vài tạ thóc, bao giờ cho được 20 triệu. Thế mà chớp mắt ông có 20 triệu. Còn kêu ca nỗi gì.
- Nhưng bây giờ nó giá 10.000 triệu.
- Đấy là việc của người ta. Ông có quyền, có tiền để xây dựng Khu công nghiệp, mở đường lớn, xây nhà hàng như thế không.
- Tôi không biết.
- Đúng là anh cùn.
- Tôi sẽ kiện lên tận thế giới.
- Thế giới nó cũng chả bênh ông. Vì ông đi ngược xu thế lịch sử. Tất cả thế giới đều phải công nghiệp hoá.
Mặc kệ. Ông Bản cứ đi kiện thật. Kiện lâu dài. Hết năm này qua năm khác.
Và kết cục, bây giờ nằm khoèo trong nhà đá.
*
* *
Ông Bản bị xử phạt tù một tháng. Cũng là dọa cho lão sợ. Dơ cao đánh khẽ. Ai chấp lão phó cùn.
- Thôi đi về, từ nay không được đơn từ gì nữa. Già sắp xuống lỗ rồi còn lắm chuyện.
Ông Bản về làng. Mọi người đến thăm an ủi.
- Thôi từ nay nằm khểnh vuốt râu uống rượu, mặc kệ sự đời.
- Đời làm quái gì có chân lý. Chân lý trong tay kẻ mạnh. Ông có gì mà đòi chân lý.
- Tôi vẫn chưa thôi - Ông Bản tuyên bố - Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải tòi ra. Huống hồ hai sào ruộng của tôi sờ sờ ra đó. Tôi sẽ còn kiện nữa.
- Kiện củ khoai. Mọi người cười ông u mê. Cà cuống chết đến đít còn cay…
… Tối nay ông Bản, lững thững từ làng ra Khu công nghiệp Bến Chằm đi dạo. Đèn cao áp bên đường sáng rực như thành phố. Xe đi lại mắc cửi. Cánh đồng vời vợi cánh cò xưa chỉ còn bóng hình hư ảo.
Ông bước vào nhà hàng Tây Đô, gọi một ly rượu Tây. “Bố mày” là chủ cái thửa đất này, chả lẽ “bố mày” không được uống một ly Mác ten tại đây hay sao.
- Chào Cụ Khốt - Mấy cậu công nhân xúm vào trêu trọc - Thế nào, phố xá thế này hơn hay là mảnh ruộng ngổn ngang cua với đỉa của ông hơn.
- Thế vợ chúng mày, bị cái “thằng Công nghiệp” nó đè ra hiếp hơn hay là yên lành hơn.
- Bố ví von khập khễnh.
- Tao ví lại cho đúng nhé. Mả bố chúng mày đang yên vị. Nó đến nó đào vứt đi, bán lấy tiền, chúng mày có chịu được không.
Bọn công nhân rút lui. Không chơi với lão khùng được, phải nhờ một ông cán bộ “trị” lại. Ông cán bộ ôn tồn:
- Nông dân ta góp đất, dựng xây công nghiệp là một vinh dự. Quá trình diễn ra êm đẹp. Đền bù thoả đáng. Con cái nông dân vào làm công nhân. Đời sống nông thôn đang nghèo thành giầu có. Chứ cái bọn thời “tiền tư bản” nó mới khủng khiếp cơ. Nước Anh xưa có câu “cừu ăn thịt người”, tức là nông dân mất đất trồng lúa mì, để trồng cỏ, nuôi cừu phục vụ công nghiệp dệt len. Nông dân nước Mỹ thì bị đuổi “chạy” rạt từ Đông sang Tây mất đất trắng tay. Mình đây là “chuyển dịch khoa học”. Gớm, có công nghiệp về đã phúc bằng đình. Ngủ mơ ngàn đời không thấy…
- Nhưng phải là “công nghiệp sạch sẽ” chứ cái công nghiệp “khét mù, thối om” này ai chịu được. Tôi nói lại cho chính xác: Tôi không chống lại công nghiệp. Nhưng tôi phải được gì trong “cuộc công nghiệp” mà tôi đã lấy cái “vốn nông nghiệp” của mình ra đánh đổi. Đổi chác thế nào mà tôi lại mất hết. 20 triệu là cái gì. Còn 10.000 triệu do cái công nghiệp kia đem đến, lại rơi vào túi vợ ông Chủ tịch tỉnh. Đừng có lấy “đao to búa lớn chống công nghiệp” để ăn hiếp tôi. Dân Anh, dân Mỹ xưa bị tư bản thống trị, họ chịu, chứ tôi giờ chính quyền là của nhân dân, tôi là nhân dân, tôi phải kêu. Chưa giải quyết được là do sự quan liêu lũng đoạn. Chứ chính quyền của nhân dân nhất định sẽ giải quyết công bằng. Khi những người ở trên cao hơn, đức độ hơn, nhìn ra, chuyện của tôi “đến tai vua” thì cái bọn gian thần tham nhũng cấp dưới chết sặc gạch. Vì thế cứ phải tiếp tục viết đơn. Phải làm gì để gây ấn tượng cho cấp trên cao chú ý. Phải tù một tháng cũng cam lòng…
Cả bọn công nhân lẫn ông cán bộ lắc đầu:
- Đúng là không đùa với ông già này được. Có điên khối ông ấy đấy. Lý sự đến mình cũng thua…
… Không hiểu sao sức khỏe của ông Bản dạo này sa sút hẳn. Mắt mờ, chân tay run rẩy. Những cơn thở khò khè. Những cơn ho rũ rượi.
Già rồi, như cái đèn cạn dầu thì phải thế thôi. Chẳng thắc mắc gì cả. Ông Bản nằm trên giường ngắm bầu trời xanh lồng lộng qua cửa sổ. Gắng gượng kê chiếc gối to lên đùi, ông hí húi viết. Lại đơn kiện. Chết mất. Không biết lá này là lá thứ bao nhiêu. Tay run run, chữ như gà bới. Ai người ta đọc đơn qua thứ chữ này. Nhưng ông cứ viết. Dù sao nó vẫn cứ là chữ.
Bác sĩ đến khám bệnh cho ông. Nghe nghe gõ gõ. Suy nhược toàn thân. Viêm nhiễm phổi. Thận hư. Mọi thứ lão hoá hết cả rồi. Mà này đừng đổ tại ô nhiễm không khí và nguồn nước đấy nhé. Dòng kênh trong leo lẻo xưa, trai gái chiều chiều ra tắm, giờ đục ngầu thối hoắc, nhưng ông Bản có ra tắm ở đây không mà bảo bị bệnh do ô nhiễm. Đừng đổ oan. Đừng vu vạ. Tại già lão sinh ra thế này thôi. Già, lại còn không biết cách sống sao cho thanh thản. Suốt ngày đau đớn, lao tâm khổ tứ, uất hận vì đất đai, thì đúng là tự mình giết mình…
Trên tỉnh lại đang có đại hội gì lớn lắm. Truyền hình tỉnh suốt ngày đưa tin. Cả làng chả ai xem, Người ta còn bận đi làm. Riêng ông Bản chăm chú dán mắt vào màn ảnh. Rồi tin động trời từ truyền hình tỉnh loan ra: ông Chủ tịch tỉnh bị miễn nhiệm.
- Cách chức, đuổi cổ, kỷ luật - Ông Bản chống gậy đi khắp làng để thuyết minh ý nghĩa của chữ “miễn nhiệm” - Vì đơn kiện của tôi đấy. Thấy chưa… Vì “sàng sẩy” đất của tôi cho vợ mở nhà hàng Tây Đô.
- Ông ấy cũng sắp đến tuổi hưu. Thế thôi. Đơn kiện của ông là muỗi đốt cột đình - Có người phản bác.
- Cũng có thể đơn kiện là một cái cớ để phe cánh nội bộ đấu đá lật nhau…
Ông Bản hồi hộp, nghe ngóng. Mặc kệ mọi lời phản bác, ông vẫn cứ sướng như điên. “Đối thủ” đã bị mất chức. Bất luận vì gì.
Thời cuộc chuyển biến nhanh như bão lốc. Chỉ một ngày sau khi ông Chủ tịch tỉnh mất chức, xe công an xình xịch về Khu công nghiệp Bến Chằm, gô cổ tên “Trưởng ban Quản lý dự án”. Tên này là đệ tử ruột của Chủ tịch tỉnh. Dưới sự “bảo hộ” của Chủ tịch, nó và hệ thống trên dưới ngang dọc ăn cánh với nhau, vẽ địa đồ các lô đất đẹp mặt đường mới mở, bán rẻ hoặc “phân” cho nhau để mở cơ sở dịch vụ. Vì thế bà vợ Chủ tịch tỉnh mới chiếm được phần ngon nhất.
Tên “Trưởng ban Quản lý Dự án” bị bắt được hai hôm, ngày thứ ba, xe công an lại xình xịch về Bến Chằm. Chưa bao giờ thấy xe công an đáng yêu thế. Còn nhiều tham nhũng bê bối bị phanh phui trong vụ lấy đất dân làm Khu công nghiệp này, công an sẽ xử dần. Hôm nay Công an thân yêu đọc lệnh tỉnh: Thu hồi nhà hàng Tây Đô, tạm giao cho Ủy ban Huyện quản lý, chờ giải quyết sau. “Tin nội bộ” nghe đâu Chủ tịch mất chức đã nhanh chân tự nguyện trả lại “cơ sở” này…
Đúng thời điểm khí thế chống tiêu cực tham nhũng phơi phới đi lên thì tệ quá, ông Bản lại chuyển bệnh nặng hơn, nằm bẹp, mặc dù môi luôn nở nụ cười.
Đứa cháu gái chứng kiến cảnh công an về, chạy về hồi hởi thông báo cho ông Bản:
- Mình thắng kiện rồi…! Nhà hàng Tây Đô bị “tịch thu” rồi.
- Thắng rồi - Tiếng ông thì thào nhắc lại nhẹ như tiếng gió.
Hai ngày sau, ông Bản qua đời vì phù phổi cấp tính. Già rồi, chết là lẽ thường. Chỉ có điều chết không đúng lúc. Nhưng… có sống thêm cũng chẳng để làm gì. Vì nhà hàng Tây Đô sau khi thu lại, thành của công, đem đấu thầu cho người khác đứng tên kinh doanh, chứ không phải là trả cho ông Bản.
Hoá ra ông Bản ra đi khi ấy lại là đúng lúc nhất. Dù sao cũng còn mang niềm vui thắng kiện xuống mồ.
Tân Mai, 2-5-2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét