Chuyện của
người nghệ nhân xưa
người nghệ nhân xưa
NGUYỄN PHAN HÁCH
Năm ấy tôi còn nhỏ, thường phụ giúp cha tôi khắc và in tranh. Mỗi sân tranh trong làng thường có một mẫu “tủ” để cạnh tranh với các sân tranh khác, nhất là các dịp tết, mùa bán tranh Đông Hồ.
Các sân tranh hàng xóm có mẫu “Tiến tài”, “Tiến lộc” vẽ những ông quan trẻ vận triều phục và mẫu “Phú quý”, “Vinh hoa” vẽ những cậu bé ôm vịt vàng. Bốn tờ này thường được dán đăng đối nhau ngoài cửa. Chiều 30 tết, sau khi giò đã luộc xong, bánh trưng đã treo lên giàn, hoa cúc hoa đào đã cắt cắm lọ, câu đối tết đã dán lên cột, thì người ta cũng thường dán tranh Tiến tài, Tiến lộc, Phú quý, Vinh hoa ngoài cửa cầu mong những điều ấy sẽ gõ cửa nhà mình vào dịp năm mới.
Cha tôi là một nghệ nhân vẽ khắc tranh đẹp nổi tiếng trong làng Đông Hồ. Tết sắp tới năm ấy là tết Con Gà, năm Dậu. Từ mùa thu cha tôi đã huy động cả nhà nằm bò ra in tranh Tiến tài, Tiến lộc. Nhưng đột nhiên giữa chừng Người ra lệnh ngừng lại. Cả nhà ngạc nhiên. Sau mấy ngày đi lại vẩn vơ, một buổi sáng cha tôi trải giấy lên bàn vẽ mẫu tranh mới. Phần một Người vẽ một con gà trống xoè cánh duyên dáng, khoe bộ lông nhiều màu. Con gà như sắp gáy. Phần hai, người viết hai chữ Đại Cát.
- Đó sẽ là tranh tết bán năm nay - Cha tôi tuyên bố - Phải bí mật để các sân tranh khác khỏi ăn cắp mẫu. Hãy in thật nhiều, tung đi các chợ.
Mẹ tôi không khỏi lo lắng. Tiền giấy tiền điệp rất đắt, mẫu tranh mới này có gì bảo đảm bán được vào dịp tết tới. Người ta đã quen dán tranh Tiến tài, Tiến lộc. Còn tranh con Gà với chữ Đại Cát chung chung này có gì hấp dẫn người ta.
- Cứ in đi. Có gì hãy trách tôi sau - Cha tôi ra lệnh.
Không ai dám cưỡng lại ý cha. Thế là suốt cả mùa in, sân tranh nhà tôi miệt mài ấn loát tờ Đại Cát. Phiên chợ Tranh đầu tiên mẹ tôi đem nó ra chào hàng. Các lái tranh mua buôn về các xứ Đông xứ Đoài, xứ Nam xứ Bắc ban đầu ngơ ngác. Thường thì vào dịp này, xưa nay họ chỉ mua mẫu “Tiến tài, Tiến lộc”. Nhưng rồi cũng không ai nhậy cảm bằng các lái. Năm tới là năm con Gà. Đêm giao thừa Gà tranh gáy lên tiếng gáy “sang canh”, gọi điềm lành lớn đến nhà. Các lái bình luận tác phẩm…
Năm ấy tranh Gà Đại Cát vừa bán buôn vừa bán lẻ, tràn ngập các chợ. Nhà tôi thu được món tiền kha khá.
Sang Giêng các lái trở lại nhà trầm trồ thông báo thắng lợi lớn. Họ tự hào vì đã hiểu được ý nghĩa của tranh, phán đoán đúng thị hiếu. Họ là những người am hiểu nghệ thuật, đâu phải chỉ gã kiếm tiền bình thường. Trong cơn hào hứng họ đặt tiếp cha tôi: Năm Tuất (Tuất là chó) ông vẽ cho chúng tôi tranh chủ đề Tuất để làm tranh nhiệm màu dán chiều 30 tết.
Năm Mùi vẽ Dê, năm Tý vẽ Chuột, năm Thân vẽ Khỉ…
Cha tôi mủm mỉm lắc đầu. Khi họ đi rồi, ông lẩm bẩm: Lũ dốt!
- Nhưng đó là phát huy kinh nghiệm về sự thành công của tranh Gà năm nay - Tôi nói.
- Không có thứ phát huy kiểu đó. Hình dáng những con Dê, Chuột, Khỉ, không thể gợi một ý niệm đón điều đại cát trong giờ phút năm mới nhiệm màu.
Ngay cả những con giống hình dáng đẹp như ngựa, hổ, trâu, rồng nếu vẽ lên chỉ là để ứng với các năm ngọ, dần, sửu, thìn cho vui mắt, chứ không thể gợi những liên tưởng sâu xa như tranh Gà đại cát.
Con hãy xem hình dáng con gà trống. Đẹp một cách đặc biệt. Lên tranh, mọi đường nét sắc màu hài hoà gợi nhiều ý nghĩa. Chiếc mào đỏ chói như ngọn lửa bập bùng - một điểm ấm sáng của tranh. Chùm lông đuôi màu biếc óng ánh cong cong thanh thoát mềm mại gợi cái gì bay bổng. Chiếc cánh xã ra, con gà đứng mà động như có thể bay. Đôi chân cứng với hàng vẩy vàng óng gợi sự dũng mãnh của những bộ giáp vàng chiến tướng. Một điểm mực tầu đen nhánh tròn xoe của mắt làm gà sống động như sắp chớp chớp.
Người ta có cảm giác như nó sắp gáy lên. Mắt nhìn tranh mà tai nghe được âm thanh.
Gà là con vật thân quen nhất với con người. Gà gáy bình minh đánh thức người tỉnh dậy, đó là lúc con người có sự hưng phấn, một cái gì mới mẻ, bắt đầu. Sự lặp đi lặp lại của tiếng gà hàng ngàn vạn buổi bình minh tạo nên phản xạ cho người ta. Vì thế tiếng gà gợi cảm xúc hứng khởi đặc biệt. Tiếng lợn kêu, dê kêu, khỉ kêu, trâu nghé ọ, không gợi cảm xúc như tiếng gà. Tiếng ngựa hí, hổ gầm, không thân quen với người nông dân.
Rất gần với gà là vịt. Nhưng tiếng vịt “cạc cạc” lại gợi ý nghĩa ngu đần, không hiểu biết, đến nỗi đã thành thành ngữ “nghe như vịt nghe sấm” “ù càng cạc”.
Giờ phút giao thừa, người ta tưởng tượng về một sự bàn giao. Hy vọng cái xấu, cái rủi, cái nghèo, cái ác theo năm cũ ra đi. Người ta lấy vôi vẽ cung tên ngoài cổng để bắn ma quỷ, không cho nó theo bước chân thời gian năm mới vào nhà. Người ta treo cây nêu như cổng chào đón sự tốt lành. Tiếng gà giao thừa là âm thanh, là tiếng kèn hành khúc của bước chân năm mới tốt lành. Kẻ xấu xông đất đầu năm sẽ “rông”, gây rủi. Người tốt đến nhà tạo vận may. Thăm nhà nhau ngày mồng 1, người ta ít nói những chuyện hàng ngày, sợ nhỡ mồm nói ra câu vô duyên sái ý. Chuyện thường chỉ là: “Tối qua bác nghe thấy con gì sang canh”.
- Gà sang canh!
Câu đối thoại ước lệ. Sang canh tức là tiếng con gì kêu trong giây phút giao thừa. Có người nghe thấy tiếng chó sủa, có người nghe thấy tiếng chuột rít, mèo kêu, trâu nghé ọ… nhưng nhất nhất không ai dám nói thật.
- Tối qua bác nghe thấy con gì sang canh.
- Gà. Gớm con gà sống nhà tôi nó làm một hồi mới dõng dạc làm sao chứ!
Thực tế là có khi chủ nhân nghe thấy tiếng vịt kêu càng cạc! (ù càng cạc như vịt nghe sấm - tiếng sang canh chẳng báo hiệu sự may mắn thông minh sáng láng gì).
Như thế là trong tiềm thức, tiếng gà sang canh tượng trưng, biểu hiện của sự tốt lành. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, cha mới vẽ tranh Gà Đại Cát, dán cho mỗi nhà một con gà nghệ thuật ngoài cửa, để gáy lên tiếng gáy Đại Cát đầu năm.
Cha đánh trúng tâm lý mỗi người dân. Đại Cát là một khái niệm rộng, có thể bao gồm tất cả những điều người ta mong muốn: vật chất, tinh thần, vận may, phúc đức… gần gũi với những ước mơ thiết thực của con người. Đâu phải ai cũng mong những điều quá lớn lao: làm quan, phú quý, vinh hoa như tranh Tiến tài, Tiến lộc thể hiện. Vì thế tranh Gà Đại Cát đã chiếm ưu thế hơn tranh Tiến tài, Tiến lộc…
Tôi cầm bức tranh Đại Cát ngắm trân trân. Bây giờ tôi mới hiểu hết dụng ý của cha tôi: Con gà trên tranh chợt như vừa chớp mắt làm tôi giật mình.
Đông Hồ, Thuận Thành
Nguyễn Phan Hách
Nguyễn Phan Hách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét