Vườn hồng
tàn lụi
Truyện ngắn mi ni của Nguyễn
Phan Hách
Nắng sớm
chan chứa rọi trên vườn Hồng Nhung.
Ông Hen ri dạo quanh. Không tìm được bông nào đẹp. Giống
Hồng Nhung thuần chủng này hoa thường to bằng vốc tay, đỏ chói. Ông Hen ri đã
chăm bón hết cách nhưng sao vườn Hồng ngày một thoái hóa, xác xơ. Không thấy
mùi thơm ngào ngạt bốc lên trong nắng sương ban mai...
Ông Hen ri già lão, run rẩy bước lò dò bên những luống
Hồng còi cọt. Ngắt một bông, vò nhàu, nhựa màu đỏ như máu dính vào tay.
Đứng dựa hàng rào, ông
Hen ri ngắm gia trang của mình. Đồi xanh biếc, thông già phủ bóng. Tòa biệt thự
mái đá đen có gắn hình Chim ưng cổ trắng – biểu trưng của gia tộc Hen ri.
Trên bậc thềm chan chứa nắng kia, như còn bóng hình ông
Uyn xơn – cha của Hen ri, oai phong lẫm biệt, cành tùng kim tuyến trên ve áo,
đang nheo mắt kẻ cả nhìn cuộc đời...
Bà Julia
trong nhà bước ra. Bà cũng già nua tàn tạ như chồng. Vết nhăn đan lưới võng
trên gương mặt. Ánh mắt vô hồn. Lưng lòng khòng, tay chống gậy.
Trên trời
có tiếng quạ kêu đỗ xuống ngọn thông. Bà Julia giơ gậy xùy xùy đuổi. Âm thanh
tiếng quạ gàn quải.
Thằng con
trai tật nguyền lò dò đi theo mẹ. Thằng bé, bốn mươi tuổi, vẫn là thằng bé,
người phủ lông đen xì, đầu to bằng nắm tay, mồm rớt rãi chảy dòng dòng.
Ông Hen ri
dắt thằng bé, âu yếm, vào dạo vườn Hồng.
Ngắt cho nó những bông hoa nho nhỏ…
***
Mấy mươi
năm trước, Hen ri là chàng lính Thủy quân Lục chiến ở miền
Nam Việt Nam. Còn ông Uyn xơn thì là sĩ quan Bộ chỉ huy cuộc chiến. Hai cha con
đồng ngũ, phục vụ trong quân đội viễn chinh.
Ông Uyn Xơn được giao một nhiệm vụ
đặc biệt. Miền nhiệt đới, cây lá quá rậm rạp, đối phương ẩn nấp trong bóng lá
rất an toàn. Phải vặt trụi những chiếc lá nhiệt đới kia đi, đối phương lộ ra
trống trải, mới dễ tiêu diệt. Ông Uyn xơn giữ trọng trách Tổng chỉ huy đội phi
công đi rải thuốc khai quang, diệt cỏ, diệt cây lá, trên khắp miền Nam, để Việt cộng
không có chỗ ẩn nấp. Việt cộng sống dựa vào rừng. Những sư đoàn bộ binh, xe
tăng, đại bác,kho tàng quân nhu… gì gì đều ẩn dưới bóng
rừng hết. Máy bay Mỹ trên trời có mắt như mù. Phải làm thế nào xé toang tấm áo
Rừng kia, lôi Việt cộng ra ngoài trần trụi.
Lúc nhận trọng trách, ông Uyn xơn
không hề biết tác dụng gây quái thai qua nhiều thế hệ F1, F2, F3… của chất khai
quang Điôxin màu da cam.
Các công ty Hóa
chất, sản xuất theo đơn đặt hàng của các “Tác giả Cuộc chiến” cũng mù mờ. Có thể biết,
có thể không. Chỉ biết Cuộc chiến đang yêu cầu ,và lợi nhuận là trên hết.
Những chiếc máy bay dưới quyền của
ông Uyn xơn cất cánh, phun sương Đi ô xin trải dài như một tấm lụa đẹp
mắt. Hạt Đi
ô xin rơi xuống, chiếc là xanh giật thót, quằn lại, diệp lục biến hóa, rụng ngay khi chưa úa vàng.
Điôxin rơi xuống rừng, núi, dải đồi,
cánh đồng, làng mạc, sông suối, ngấm vào lòng đất, mạch ngầm, chảy ra các giếng
nước.
Lần ấy đơn vị của Hen ri tác chiến
trong vùng bị rải Đi ô xin. Cây lá trơ trụi. Việt cộng mất chỗ nấp. Đơn vị của Hen ri không
bị phục kích, đã hoàn thành chiến dịch. Hen ri được thưởng Huân chương…
Hết hạn phục vụ quân đội, hai cha con
Uyn xơn - Hen ri xuất ngũ, trở về Mỹ sống cuộc đời bình thường. Gia trang “Chim
Ưng cổ trắng” thơ
mộng. Đồi cỏ, Thông
già, hoa Hồng khoe sắc. Hen ri lấy vợ, cô gái Julia xinh đẹp, hăm hở xây dựng
chương trình hạnh phúc.
Đứa cháu trai đầu là niềm trông đợi
của Uyn xơn. Dòng họ ông không hổ thẹn, bởi các thế hệ giỏi giang, kiêu hãnh.
Cụ tổ nhà Uyn xơn - Hen ri từ một vùng đồi cỏ nuôi cừu sản xuất len nào đó ở nước Anh cổ kính ,đã di cư sang châu lục mới mà Cô lôm
bô tìm ra.
Họ đã phải vật lộn, để xây dựng nên
trang trại này. Họ nuôi bò lấy sữa, học hành, tham gia chiến trận, đến đời Uyn
xơn đã đến đỉnh cao binh nghiệp. Họ không ngần ngại, cho đứa con trai duy nhất
sang Việt Nam chiến đấu. Dòng họ này phải ghi những trang sử anh hùng cho lịch
sử.
Đứa cháu nội ra đời, sẽ nối tiếp mạch
nguồn, dòng họ trường tồn mãi mãi với thời gian.
Ngày đứa cháu sinh, như tiếng sét
giáng xuống giữa thanh thiên bạch nhật, bổ đôi gia trang “Chim Ưng cổ trắng”. Hình xác chim Ưng còn đó, mà hồn nó đã hoảng hốt bay
đi mất. Đứa cháu nội người đầy lông đen, và đầu thì bé tẹo.
Y tế xét nghiệm kết luận đứa bé bị quái thai do di chứng chất độc Đi ô
xin từ người bố bị nhiễm ở chiến trường Việt Nam.
Ông Uyn xơn và Hen ri đóng cửa trong
nhà, gào thét một mình. Hai người quân nhân kiên nghị, cắt thịt không đau, giờ
mềm nhũn ra.
Cuộc đời đã cử một Sứ giả sản phẩm của ý tưởng chiến
tranh, ý tưởng tuyệt diệt nhân loại, đến hiện diện, nối tiếp cho dòng họ Uyn
xơn- Hen ri.
Cuốn sổ tay của ông Uyn xơn - một kỷ
vật chiến tranh, còn đây. Những dòng mật lệnh cho các chuyến phi cơ chở Đi ô
xin cất cánh. Những chữ ký của ông. Chữ ký của thần hủy diệt sự sống. Chữ ký
phỉ báng quyền sáng tạo sự sống của Thượng đế.
Thượng đế đã trừng phạt ông, tạo nên một mô đen hài hước, bi
kịch: Ông nội hạ lệnh rải chất độc lên con trai, để sinh ra đứa cháu quái thai
nối dõi dòng họ cho ông nội.
Sổ tay ông Uyn xơn ghi rõ: Tổng cộng
số lượng chất độc đã rải là 80 triệu lít, trong đó chứa 366 kg Đi ô xin. Một giọt Đi ô
xin tạo ra đứa cháu nội ông . Vậy 366kg Đi ô xin tạo ra bao đứa cháu tương đồng như cháu nội
ông?
Ông Uyn xơn chết vì già lão, chứ
không phải vì ân hận. Nếu ân hận tội ác chiến tranh mà chết, thì thế giới đã
sạch bóng chiến tranh từ lâu. Không. Chiến tranh vẫn có muôn vàn “lý do có lý”
để xẩy ra.
Đứa cháu tật nguyền “lại giống” tinh
tinh, mọc lông đen xì cứ sống trong nhà Uyn xơn - Hen ri - Julia như để chứng
minh một ADN
không hoàn hảo nào đó trong bản thân sự sống.
Hen ri là nạn nhân, nhưng tại sao Hen
ri lại đeo súng đến Việt Nam . Hồn ông Uyn xơn cãi : Ông chỉ làm phận sự quân
nhân trong guồng máy chiến tranh. Rồi đến Tổng thống cũng nói: Đó là Lô gic của chiến tranh gây nên, chứ đâu
phải Tổng thống.
Vậy là Lô gic gây ra tội. Ai là tác giả Lô gic? Thượng đế ! Cuối cùng là tại Thượng đế.
Gớm chưa, con người gây ra tội ác tày
trời, giờ lý sự loanh quanh đổ lên đầu Thượng đế…
* * *
Ông Hen ri lẩy bẩy cầm chiếc cuốc xới xáo gốc Hồng. Một con sâu bò nhoay
nhoáy từ cành này sang cành khác và đớp những cánh hoa. Ông Hen ri không đủ
nhanh nhẹn để đưa tay đuổi theo con sâu. Nó thoăn thoắt lẩn vào cành lá. Tay
ông Uyn xơn bị gai hồng cào xước máu. Máu rỉ, đặc quánh, và cũng không có nhiều
để tụ lại thành giọt.
Giống Hồng này, tổ tiên ông Hen ri
đem từ quê hương Anh Quốc sang. Nó quý, đẹp nổi tiếng. Bao đời nhà Hen ri trồng
nó, phục tráng giống, giữ gìn cho nó nở hoa đã mấy trăm năm nay. Nó gần như là biểu tượng của sức
sống gia tộc.
Nhưng đến hôm nay, vườn Hồng đã lụi
tàn.
12/8/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét