Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

SÁM HỐI
(Chuyện một chính khách Ngụy Sài Gòn sau khi thua trận)
Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách
       
Ông khách du lịch Đàm Thanh chống batoong chậm rãi từng bước trên hè phố. Bỏ qua những đại lộ cao ốc trập trùng, ông rẽ vào hẻm nhỏ có ngôi chùa cổ Phù Tang. Mùa xuân đã trở về. Những bông tuyết muộn còn sót lại đọng trên những cánh đào vừa chớm nở. Như nghe âm vang đâu đây câu thơ Hai-ku của thi hào Ba Tiêu Thiền Sư đã mấy trăm năm vọng lại.
Tiếng chuông chùa tan lắng
Hương Anh đào còn ngân…
… Một chuyến đi đau buồn
Hồn mộng lãng du
Ông bỗng thấy mình giông giống nhà thơ lãng du suốt đời lang thang trên khắp nẻo đường xứ tuyết ấy.
        Ông già ngồi xuống bậc đá cửa chùa. Có phải thời gian hơn nửa thế kỷ qua không trôi. Sao vẫn y như trước. Ngày cậu thanh niên nhiệt huyết Đàm Thanh  sang đây trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu để tìm đường mưu đồ việc lớn cho đất Việt.
Tiếng chuông chùa… Hoa Anh đào… Vẫn thế! Ấy vậy mà đời ta sắp hết. Tóc trên đầu không còn một sợi. Và ta đi như kẻ lãng du. Đi như Ba Tiêu Thiền Sư đi tìm vẻ đẹp không cùng của tuyết.
        Ông già Đàm Thanh trèo lên đài sen cao, đăm đăm nhìn về phương trời viễn xứ. Phía Đông Nam chỉ có mây mù mịt. Ngôi nhà tuổi thơ của ta có còn không? Mái ngói men ngọc, cột trụ đắp hình lân phượng, quấn quýt, cây leo móng rồng thơm nức ngày ấy… Tiếng cụ Giải – nguyên giảng sách bình văn cho học trò đại tập sang sảng. Tiếng đàn tranh, tiếng hát ca trù của người kỹ sư sắc nước hương trời. Những đêm nhấp trà thưởng nguyệt của các cụ Nghè, cụ Cử, có ta áo gấm đỏ đứng hầu ứng tác thơ thần đồng. Những buổi mật bàn nghiệp lớn giữa các sĩ phu văn thân từng nhỏ máu trên ngọn bút viết dòng thơ gọi hồn nước.
        Đâu rồi? Đâu tất cả rồi!...
Ông già Đàm Thanh đến kiốt mua một tờ báo. Mắt lướt bỏ qua hết các trang chính trị. Dù ở đó người ta có đưa tin đảo chính vỡ tan cả một quốc gia, một hệ thống xã hội, một chủ thuyết chế độ, vỡ tung cả nửa thế giới cũng mặc.
        Tay ông lần tìm địa chỉ một hãng Dich vụ “Ni gion Kô ca sây Hôn bu:… Đây rồi… Số nhà… Dây nói… Ông Đàm Thanh lại phòng điện thoại đặt hàng.  Xong rồi, lát nữa gia đình ông sẽ đến đón ông từ chùa về nhà vui vầy với “con cháu” trong không khí ấm cúng.
        Giữa “đất khách quê người” xa lạ, nhưng ông lại có cả “gia tộc” đang đợi mình ở phố nào đâu đó trong cái thủ đô vĩ đại giầu sang bậc nhất thế giới này.
        Ông già Trần Lê bỗng thấy hồi hộp đợi chờ.
- Ông sẽ được thỏa mãn tất cả các điều kiện – Bà Giám đốc “Kô ca sây Hôn bu” ban nãy đã hứa với ông.
- Tôi là một cố già, già quá rồi, chứ không phải một lão già bình thường. Tôi đã hơn 90 tuổi. Do đó “gia đình” tôi phải có chắt nội chắt ngoại… Tôi cần gặp các chắt của tôi.
- Vâng, tất nhiên.
- Trong gia đình tôi có ai nói được tiếng Việt không?
- Thưa ông… rất tiếc… “Gia đình” ông xa quê hương đã quá lâu, không ai còn nói được tiếng Việt. Ngôn ngữ giao tiếp với ông sẽ là tiếng Anh…
- Thôi được.
Tượng Phật ở đây cũng giống tượng Phật ở xứ quê ông. Mắt khép buồn. Phẳng lặng không một nét tham sân si. Ông cúi xuống chắp tay lễ cái trái với thuộc tính Người. Nói đúng hơn, trái với tính cách ông. Cả đời ông đã tham, sân, si. Đã say mê điên cuồng danh vọng. Danh vọng trên hết. . Ta đã gặp thời. Ta đã lợi dụng được bọn mũi lõ – tác giả của nền văn minh kỹ thuật mà kỹ thuật mở đầu giản đơn nhất đời: đun nước trong nồi kín để có sức mạnh của hơi nước, (lý thuyết Nồi Papanh). Ta đã thuộc lòng những bài thơ gọi Hồn nước của các lão già khoa bảng áo tía, nhưng chẳng dại gì theo các lão.
        Ta đã rẽ ngoặt xoành xoạch trên con đường sự nghiệp. Mà mỗi lần ngoặt lại là một lần ngoi được lên địa vị cao hơn trong  bậc thang danh vọng. . Ta khuất phục và trung thành với ngài Nguyên thủ quốc gia chẳng qua vì mồ mả nhà ta không phát được như ông ấy, sao chiếu mệnh, số phận ta được thiên đình ấn định như thế. Nhưng khi nguyên thủ bị bọn tướng trẻ đầu bò bắn chết như ngóe trong xe tăng, thì chúng tạm thời vẫn phải tôn ta lên ngôi cao trong viện Dân biểu, trong “thượng Hội đồng”. Rồi lúc lên lúc xuống, cứ cò nhằng, chẳng bao giờ ta bị về vườn. Danh của ta to lắm. Làm sao mà ta có cái tài tồn tại như thế suốt mấy chục năm nhỉ? Tài thật. Chính ta cũng không hiểu, không cắt nghĩa được… Vững như thạch bàn giữa bao phe cánh đối đầu nhau lật đổ nhau xoành xoạch.
        . Ta khôn quá. Khôn tuyệt vời.
Mãi đến cuối cùng không khôn được với “cơ giời vận nước”, ông cố già Đàm Thanh  mới phải mất hết, để chạy trốn ra nước ngoài trên cái trực thăng của bọn quan thầy Hoa Kỳ. Trong cuộc chạy trốn ngọn sóng thần của quy luật hưng phế, ông Đàm Thanh đã phải nếm mùi Luật bù trừ của Tạo hóa. Do đã được nhiều quá trong cuộc đời, nên bây giờ ông phải mất đi một số lượng tương đương. Không phải đối phương, mà chính những người lính quèn của chế độ ông, trong cơn thất trận tuyệt vọng không đường chạy trốn, sắp phải đi tù thay ông, những tham vọng quyền lực của ông đã góp phần đẩy guồng máy xã hội vận động cuốn hút họ vào để “dã thây trăm họ lập công một người”; bây giờ thì họ phát khùng nã bừa súng đạn. Chiếc thuyền máy chứa cả gia đình ông đang chạy ra nơi tầu lớn đón, đã trúng trái pháo của quân mình”, tan tành chìm nghỉm.
        Ông mang cái thân tàn cô đơn sang nước người làm dân ngụ cư, tha hương, vô danh tiểu tốt…
        … Ông Đàm Thanh chắp tay lễ phật. Nam mô a di đà phật. Bây giờ con mới thấy kinh phật là hay. Con người ta đừng nên tham sân si quá mà bất chấp Nhân, Nghĩa. Bài học nhỡn tiền quả báo chẳng sai. Những tham vọng  đã đẩy Con người đến những cuộc chém giết liên miên suốt chiều dài lịch sử.
        Thượng đế trừng trị ta đáng đời lắm rồi.
        Ta đáng phải từ giã cuộc đời này vì tội lỗi không nghe theo lời Đức Phật. Nam mô a di đà phật…
*  *  *
*  *
*

Chuông đồng hồ cửa chùa điểm 10 giờ. Ông già Đàm Thanh bước ra bậc tam cấp vẻ mong ngóng.
        Một chiếc Ni San trắng từ từ lướt lại. “Gia đình” đã đến đón, sau buổi ông vãn cảnh chùa. Trái tim cố già đập hồi hộp.
        Thằng bé trong xe bước ra. “Thằng chắt nội” của ông. Tóc trái đào, quần vóc đỏ kiểu con nhà quan. Nó cười toe toét miệng lon ton chạy đến bên cụ nội nó:
-        Cố ơi… Về nhà đi… Cố bà ở nhà bảo chắt đến đón Cố về đây.
-        Ờ…- Cố Đàm Thanh  cười nắm tay nó. Ờ… quần gấm đỏ, tóc trái đào… sao nó giống chú bé Đàm Thanh  6 tuổi bên ông nội giải nguyên trong ngôi nhà đại khoa rộng, âm u như cái đình thuở nào thế.
- Cố ơi… Chắt ăn kẹo cơ…
- Ờ ờ… Chắt của cố ngoan lắm. Chiếc Ni San hướng ra ngoại ô dừng lại trước cổng biệt thự mái cong Á đông cổ điển.
- A… ông về… ông về.
Một lũ cháu chắt nội ngoại đẹp như tiên đồng túa ra như bầy chim non ríu rít.
        Cố già Đàm Thanh định bế đứa cháu gái lên. Nhưng nó nặng quá, sức ông không nhấc nổi. Ông để lũ cháu tranh giành nhau khi ông chia kẹo, nhưng không đứa nào ăn háo hức ngon lành. Và đó chính là nét giả khượt của màn kịch. Trẻ con xứ giầu có này dửng dưng của ngọt, nhưng chúng đóng đạt như thật cách thức tranh kẹo của trẻ con An Nam.
        Lũ trẻ gần như lôi ông già lên bậc tam cấp.
        Một chàng trai dáng vẻ sinh viên, có thể là “con út” của ông, say mê nhạc Rốc và thường dậy lũ trẻ đàn hát hoặc cắm trại hè, chạy ra:
- Chúng mày ra vườn hái hoa để chiều nay tặng ông đi.
Bầy chim non ríu rít bay đi.
Ông Đàm Thanh bước vào phòng khách. Người “con trưởng” của ông tóc hoa râm, vận com lê xám, dáng điệu giống  ông chủ một hãng phát đạt;
-        Ba vãn cảnh chùa có thấy thư thái tâm hồn không ạ?
-        Ồ… có có…
Nàng dâu trưởng mặt phúc hậu như trăng rằm, mông xệ như thiên nga mùa đẻ, hứa hẹn sự sản sinh nòi giống cho ông những đứa cháu kháu khỉnh.
-        Ba xơi chén trà cho ấm – Nàng kính cẩn dâng hai tay.
Trà thơm tuyệt hảo. Chén cổ như đồ dùng trong Mạc phủ xưa.
- Trông ba hơi mệt đấy. Dạo bộ nhiều mà. Để con bưng chậu nước nóng cho ba ngâm chân.
Nàng vuỗi vuỗi những hạt bụi trên gấu quần ông, vuốt ve bóp nặn chân tay ông cho bớt tê mỏi. Thật là một người con dâu hiếu thảo.
Ông già Đàm Thanh  ngồi thu lu uống trà ngắm cái phòng khách lộng lẫy kiểu nhà quyền quý.
        Ta cũng đã từng có cái phòng khách quý tộc như thế này ở Sài Gòn. Ngà voi trên tường và thảm len quý dưới chân. Trần thiết cầu kỳ và đồ gỗ chạm trổ. Ta cũng đã có những đứa con và cháu. Chúng đỗ đạt ở nước ngoài về và trở thành những nhà trí thức có danh sang trọng giàu có. Cô con dâu cả của ta vốn dòng dõi hoàng tộc, cháu nội quan thượng thư có chân trong viện cơ mật xưa. Nó chăm sóc nếp sống Nho phong cho cả gia tộc trong thời thác loạn.
        Bây giờ thì tất cả đã nằm trong bụng cá. Vật chất biến đổi từ dạng này sang dạng khác!
        Ông già Đàm Thanh  ngồi lặng lẽ cho đến phút lớp kịch con gái xuất hiện. Con gái rượu được nuông chiều, nhõng nhẽo, và tất nhiên là thích kiểu cách Âu Mỹ. Nó mặc váy cũn cỡn và ôm cổ ông làm nũng làm như còn bé lắm.
- Ba cho con chút tiền để may sắm. Ba có muốn con gái ba chưng diện đúng mốt không?
Đứa con gái kháu khỉnh rút tập séc từ trong két ra, đặt bút vào tay ông bố hào phóng nuông con.
        Cố Đàm Thanh  mắc kính lên đọc. Séc giả mà in như thật. Cố cầm bút run run ký. Cảm giác vui vui.
        Đứa con gái chạy vút ra ngoài sân để vai bà mẹ ra sân khấu.
        Ông Đàm Thanh sững sờ. “Vợ” ông còn quá trẻ. Chỉ ngoài 40 là cùng. Người đậm đà, phúc hậu, duyên dáng. Vận ki mô nô trang nhã. Có hóa trang tý chút, vài gợn nhăn trên trán bằng nét chì kín đáo, ít phấn trắng rắc làm tóc hoa râm.
-        Ông đấy à… Đi lễ chùa có nhớ thắp hương giùm tôi.
-        Có chứ bà – Cố Đàm Thanh  ngượng ngập nhập vai.
Bà cầm chiếc quạt Công chúa phe phẩy cho ông. Rồi đúng phận sự người vợ Nhật cổ điển kính yêu người chồng đáng mặt nam nhi, thành công trên chính trường, doanh nghiệp; bà quỳ bên ông, nhè nhẹ vuốt ve người ông âu yếm.
        Mắt lim dim, cảm giác thư giãn dễ chịu đến với cố già.
-        Ông vào nhà tắm cho sạch sẽ, rồi đi ngả lưng cho tỉnh táo.
-        Ờ ờ…
Gần như bà dìu ông đi. Toa lét sang trọng hiện đại cực điểm. Người vợ ngoan phục vụ chồng. Bộ ki mô nô vướng, phải cởi ra. Một tấm thân rắn chắc như tuyết băng. Trái tim cố già run lên nhè nhẹ. Nhưng đó chỉ là sự sung động của ký ức tấm thân. Còn hiện tại thì nó tê liệt.
Bà vặn hoa sen nước ấm. Mùi hương thảo dễ chịu. Bà kỳ cọ cho ông sạch sẽ rồi ủ ông dưới bầu vú to sụ của mình.
Bàn tay khô xác của cố già vuốt ve làn da nõn nà của người vợ theo bản năng. Hai ông bà lên giường nghỉ trưa. Bà gối đầu tay cho ông, kéo chăn kín cổ, trò chuyện dăm ba câu, rồi “ngủ thiếp”đi.
Buổi chiều, vở kịch chuyển sang “Hồi thứ hai”. Ông khoác tay cùng bà lên gác. Ở đó, trong căn phòng lớn, con cháu tề tựu đông đủ trước bàn thờ gia tiên kiểu Á đông, hương nến nghi ngút. Người con trưởng bước ra trịnh trọng.
- Thưa ba! Chỉ còn một vài giờ nữa là ba rời ngôi nhà ấm cúng này để lên đường đi “du lịch xa” đến những danh lam thắng cảnh thế giới(!). Và còn lâu ba mới trở lại nhà. Vì vậy, chúng con tập hợp ở đây dâng chén rượu chúc mừng ba lên đường bình an mạnh khỏe.
 Cỗ bàn đã sửa soạn xong, mời ba lại thắp nén nhang khấn gia tiên, cầu mong cả nhà phúc lộc đề đa, và nhất là cho ba ngày càng vui cảnh già, sống đến trăm tuổi để chăm sóc dậy dỗ chúng con làm ăn.
    Cụ cố Đàm Thanh chậm rãi bước ra. Bàn thờ giá gương phủ nhiễu điều mờ ảo sau hương khói. Cụ xuỵt xoạt một bài quen thuộc mà xưa cụ vẫn khấn khi có giỗ chạp.
    Rồi Cụ được đưa lại nơi ghế danh dự ngồi oai vệ như vua thiết triều với bà vợ làm hoàng hậu bên cạnh.
    Bầy cháu hái hoa giờ mới có dịp dâng ông. Chúng ríu rít tranh nhau khoe hoa của chúng đẹp. Cả nhà vỗ tay hoan hô. Cháu bé gái dâng bông hoa trắng muốt. Cháu bé trai dâng bông hồng rực rỡ. Bông hoa gì màu tím như chiều hoàng hôn. Hoa gì vàng như nắng thu. Những đứa trẻ ngây thơ đáng yêu lạ.
    Ông Đàm Thanh một tay ôm hoa, một tay ôm nhẹ từng đứa cháu hôn. Lòng già ấm cúng.
    Mùi hương nhang quen thuộc lan tỏa gợi nhớ những ngày giỗ chạp quê hương. Ngôi từ đường uy nghiêm ánh nến lung linh hắt trên màu hoành phi câu đối khám thờ sơn son thếp vàng. Ông giải nguyên văn hay chữ tốt tự soạn lấy bài khấn gia tiên bằng chữ nôm, không phải các bài chữ Hán có sẵn của các nhà đại gia cổ bên Tầu, cũng là thể hiện sự cách tân của gia đình này. Mặc áo gấm lam chữ Thọ phủ sa mỏng, đứng trầm mặc trước bàn thờ, đầu óc ông giải nguyên miên man liên tưởng đến những gì là cội nguồn dân tộc, là hồn nước con Lạc cháu Rồng…
    Mùi hương ngày ấy giống hệt mùi hương bây giờ. Làn khói hương bay lên vẽ những đường ngoằn ngoèo rồi tan quện mơ hồ như là vẽ đồ thị cuộc đời con người. Có đấy nhưng rồi cũng thành hư vô cả. Những đường khói lượn vòng tròn đồng tâm, quanh quẩn, rồi nhòa nhạt dần và tan biến không còn bóng hình.
    Bầy cháu đứng hình vòng cung đồng ca bài “Kính chúc Cố an vui tuổi già. Gia đình ta phúc lộc đề đa…”.
    Những cái môi chúm chím xinh xinh. Chúng vỗ tay từng nhịp. Cả nhà vỗ tay theo.
    Những suy tư nặng trĩu về khói hương vẽ đồ thị cuộc đời tan đi trong tiếng hát của lũ trẻ thơ ngây.
    Tuần nhang đã hết. Cỗ bàn được bưng ra. Cả nhà đứng quanh bàn cùng nâng ly rượu về phía ông, vợ chúc chồng, con chúc cha ríu rít. Mọi người tranh nhau gắp vào bát ông những miếng ngon nhất. Chưa bao giờ ông thấy mình được nâng niu chăm sóc như thế.
    - Ba kể chuyện tuổi thơ của ba cho chúng con nghe đi.
-Tôi cũng muốn nghe. Suốt đời làm bạn với ông, nhưng tôi đâu đã biết tuổi thơ ông thế nào – Vợ ông đề nghị.
        Cố già kể vắn tắt và đứt quãng. Tuổi thơ… Nhưng đâu chỉ là tuổi thơ, mà cả tuổi hoa niên, trưởng thành, về già… Cả cuộc đời ông, ông đã kể. Bởi ông đủ tỉnh táo thấy rằng đây chỉ là màn kịch “gia đình êm ấm”. Vợ con ông đây chỉ là diễn viên – người xa lạ. Ông  phải trả tiền họ để mua cảm giác gia đình đầm ấm trong thời gian 10 tiếng đồng hồ.
        Sau đây, lát nữa thôi, ông sẽ rời nơi này, ra đi như Ba Tiêu Thiền Sư thời xưa bầu rượu túi thơ Hai Ku lang thang vô định trong tuyết trắng.
        Đời ông có thể kết thúc được rồi. Như nén hương cháy đến đốt cuối cùng được rồi. Tan thành khói được rồi. Vì đã quá dài dặc. Đã quá đủ. Không còn gì níu kéo ông ở lại.
        Ông phải kể cho họ biết ông là ai. Trong nghề diễn viên của Công ty Dịch vụ “màn kịch gia đình” lặp đi lặp lại giả khượt và nhàm chán của họ, ít ra họ cũng sẽ bị gây ấn tượng một lần. Đó là về “người cha” xứ An Nam của họ. Từ mái nhà này “người cha” ấy đã ra đi hòa tan vào tuyết trắng trên những ngọn núi tuyệt vời của xứ Anh đào, không bao giờ trở lại nữa. “Người cha” ấy nhờ họ nói với cuộc đời lời sám hối của một con người vì danh vọng cá nhân, vì các ảo tưởng ngu dốt, vì khát thèm ngôi cao trong đồng loại, mà đã làm khổ đồng loại không ít. Tưởng dựa được vào Hoa Kỳ, lấy được tiền và vũ khí của họ về nện nhau với đồng bào mình là giỏi là tài. Ngờ đâu thành quân tốt xung kích trong bàn cờ của họ.
        Trời ơi là trời! Ta là kẻ có tội! Cố già Trần Lê trệu trạo nuốt miếng gà hầm.
        Người con cả nghe chuyện của cha chăm chú. Có lẽ anh là trí thức. Có lẽ anh ta đang liên tưởng. Nước Nhật phát xít xưa của anh ta từng hung hăng hiếu chiến đánh đông dẹp bắc hòng gom quyền lực thống trị về tay mình. Nào ngờ đổ kềnh. Sau đó mới biết thân. Mới sám hối. Người Nhật tỉnh ra sau năm 1945. Rồi từ đó chí thú làm ăn để có nền văn minh thịnh vượng ngày nay.
        Lão già chính khách hiếu chiến của chế độ Việt nam cộng hòa  này cũng phải thua trận chổng kềnh mới rút ra được bài học. Mới hiểu chân lý. Quái lạ cho giống người. Ngoan cố kinh khủng. Mồm nói xoen xoen về chân lý. Mà chân lý giản đơn như hai với hai là bốn, trẻ con cũng biết, nhưng ít khi thực hiện. Không chịu rút kinh nghiệm lịch sử. Người khác vỡ mặt vỡ mũi sờ sờ ra đấy, nhưng không trông gương. Cứ phải chính mình vỡ mặt vỡ mũi rồi sau mới sám hối, mới rút ra bài học dậy đời, dậy hậu thế.
        Nhưng đời, hậu thế nhất định là cóc thèm nghe đâu.
        Cố già Đàm Thanh kể chuyện cũng là một cách truyền “bài học đường đời” cho lớp trẻ. Nhưng đấy rồi xem, chả ai nghe!
        … Những người đàn bà trong bữa tiệc nghe chiếu lệ. Để tỏ lòng tôn kính chồng và cha. Để tạo cảm giác “gia đình” như thật cho khách hàng. Còn chẳng quan tâm gì “bài học đường đời” của lão già chính khách hết thời. Không quan tâm chính trị. Chỉ quan tâm sao cho khách hàng vừa lòng. Khách hàng là thượng đế - Đó là kim chỉ nam của thời đại tiêu thụ.
        Người vợ gắp cho bộ răng móm của chồng miếng nấm. Con gái dâng cha bát xúp không phải nhai. Bữa ăn kéo dài một giờ. Ngoài trời đã tối. Người con cả nhìn đồng hồ. Có lẽ anh ta phải đi họp Ban quản trị công ty. Vợ nhìn đồng hồ. Bà phải đi. Con gái và con dâu nhìn đồng hồ… Họ phải đi cả. Bởi xuất diễn đã hết. Người vợ giả phải về làm người vợ thật trong một gia đình nào đó. Chồng chị chắc đã tan tầm nhà máy. Tinh thần anh bao giờ cũng bị giày vò. Vợ anh phải làm cái nghề khác gì gái điếm. Mà nào tài sắc chị có kém cạnh gì. Tài nghệ có thể nói là siêu diễn viên. Thân hình lại nõn nà hấp dẫn. Ch được lương cao nhất trong “vở diễn”. Bởi chị phải hy sinh nhiều nhất. Là vai chính. Chị phải cởi quần áo ra trước mặt khách. Phải ôm ấp họ như vợ chồng thật. Và có những vai “người chồng” đã ân ái thật với chị trong vở diễn. Công ty tìm người thủ vai vợ bao giờ cũng khó. Người vợ đen đủi khẳng khiu vụng về thì chả ông chồng nào thích. Chị được công ty trọng vọng. Nhưng thân phận thì vẫn là điếm! Dù tiền nhiều đến đâu đi chăng nữa cũng không bù lại được.
        Nhưng thôi. So sánh hơn thiệt thì là vô cùng. Trời đã phân chị làm cái nghề này. Nghề nào cũng có vinh nhục của nó…
        Cả “gia đình” ra hiên tiễn Đàm Thanh. Ông già cười gượng gạo.
-        Vĩnh biệt các quý vị.
Màn nhung sân khấu đã buông. Trong tích tắc, ông Đàm Thanh đang từ không khí gia đình ấm cúng bị ném ra ngoài hè phố đất khách quê người.
        Tôkyô vào đêm náo nhiệt, đèn đuốc như hoa đăng, người xe quay chong chóng. Phố xá như cũng quay chong chóng.
        Ông Đàm Thanh đứng hít một hơi dài đêm đầy khói xăng ô nhiễm. Một chiếc tắc xi tiến lại.
-        Ngài về khách sạn nào?
-        Ta chả về khách sạn nào hết – Cố già thủng thẳng.
-        Vậy ngài đi đâu.
-        Hãy chở ta một mạch vài ngày đêm lên vùng núi tuyết phía Bắc. Còn bao nhiêu tiền trong túi ta cho anh hết.
Người lái xe ngẫn ngự:
-        Thưa…
-        Đừng hỏi. Cứ đi đi.
-        Chiếc tắc xi từ từ lăn bánh.
-  Anh tài này. Nước Nhật của anh hiện đại và giầu có thật, nhưng anh có đọc cái truyện ngắn này không.- Cố già chễm chệ ngả lưng trên nệm xe thủng thẳng – Rằng thì là xa xưa ở một vùng miền núi nào đó nước Nhật có một tập tục lạ: Người già cảm thấy mình sống đã đủ ,sống mà không làm việc được nữa, ăn bám con cháu thì là sống vô ích thế là bỏ nhà vào núi tuyết hoang vu và chết ở đó…
-        Có chuyện đó ư hả ông.
-  Ồ… Anh người Nhật mà không biết tập tục đó sao… Truyện còn kể rằng có bà già còn nguyên răng lợi nên cảm thấy xấu hổ với làng xóm. Còn răng tức là còn nhai khỏe, ăn nhiều. Do đó đã tự lấy đá ghè cho răng gẫy. Khi răng gẫy rồi thì rất tự hào, luôn cười nói để nhe ra khoe cho làng xóm biết tôi đã rụng răng chả còn ăn uống được bao nhiêu...
 Những người già đã đi vào vùng núi tuyết như là một sự đương nhiên. Con cháu đưa tiễn ra cửa nhà. Sau đó người già thản nhiên vật lộn với cái đói, thú dữ, tuyết lạnh và chết một cách vui vẻ tự nguyện.
Đời này qua đời khác quanh chân núi tuyết, nhan nhản xác người trắng hếu...
Anh tài xế tròn mắt nhìn vào gương chiếu hậu có hình gương mặt đầy nếp nhăn như trạm khắc đá của cố già. Không hiểu ra sao cả. Anh chỉ biết dận ga cho xe chạy.
Ra khỏi thủ đô, xe băng trên xa lộ nhanh như tia chớp.
Mấy ngày sau người tài xế ấy mới trở lại thủ đô. Việc đầu tiên là anh ta nhào ra hiệu sách mua cuốn truyện miêu tả cái phong tục “Người già vào núi chết” của vùng nước Nhật cổ xưa nào đó. Anh đọc ngấu nghiến. Nhưng anh không bao giờ kể lại cho mọi người nghe rằng chính anh vừa chở một ông già Việt Nam đã đi vào núi tuyết để chết. Bởi anh biết, có kể cũng chả ai tin.


                                                                1992

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét