Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Bài gửi cuốn sách “Tác giả văn chương Việt Nam”

Nhà văn Nguyễn Phan Hách sinh ngày 13-1-1944. Quê Thuận Thành, Bắc Ninh, vùng quê có thành Luy Lâu, chùa Dâu, tranh Đông Hồ… thuộc miền văn hóa Kinh bắc với di sản dân ca Quan họ nổi tiếng.
Ông nội là nhà nho, mở trường dậy chữ Hán, thỉnh thoảng làm thơ dậy học trò: “Thày rằng chức cả quyền to /Càng giầu sang lắm càng lo vào mình…/Sớm ngày đèn sách thiết tha/ Người chăm đạo lý hóa ra thánh hiền”.
Học lớp 5 trường huyện, N.P.H đã biết viết một truyện ngắn nhỏ, được Tuần báo Văn nghệ đăng
Lớn lên, N.P.H đi dậy học vài năm, rồi được chuyển về Ty văn hóa Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) làm công tác sáng tác, biên tập, nghiên cứu văn hóa dân gian.
Nguồn văn hóa dân gian Kinh bắc phong phú đã khơi dòng cho anh sáng tác được nhiều thơ, truyện trong đó có bài “Làng quan họ” sau được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành bài hát đi cùng năm tháng.
Năm 1973 N.P.H được điều về làm Biên tập thơ của Tuần báo Văn nghệ. Năm 1978 chuyển sang Biên tập văn xuôi của N.X.B Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn). Từ năm 1996 - 2008 anh là Phó Giám đốc, Tổng Biên tập, rồi Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Về hưu, anh đảm nhiệm chức danh Tổng Biên tập NXB Dân trí từ đấy đến nay.
Tác phẩm chính:
* Tiểu thuyết:
- Tan mây             (NXB Tác phẩm mới 1983)
- Mê cung              (NXB Hội Nhà văn 1990)
- Người đàn bà buồn (NXB Hội Nhà văn 1994)
- Cuồng phong     (NXB Hội Nhà văn 2008)
* Truyện ngắn, truyện vừa:
- Tổ chim sẻ                   (NXB Tác phẩm mới 1978)
- Sau những cách xa (NXB Hà Nội 1983)
- Cây vĩ cầm cảm lạnh   (NXB Kim Đồng 1984)
- Quà tặng của thiên nhiên (NXB Lao động 1984)
- Khp ngựa ô      (NXB Tác phẩm mới 1987)
- Tình đùa            (NXB Hội Nhà văn 1996)
- Cô gái đầm sen (NXB Hội Nhà văn 2002)
- Thị xã và anh lính (NXB Dân trí 2013)
* Thơ:
- Hoa sữa (NXB Hội Nhà văn 2000)
- Vô tình (NXB Hội nhà văn 2006)
- Những ngôi sao tuổi thơ (NXB Dân trí 2011)
- Hạt bụi (NXB Dân trí 2013)
Giải thưởng:
- Năm 1969 và 1974 được báo Văn nghệ tặng giải thưởng Thơ
- 1994 được tạp chí Thế giới mới tặng Giải truyện ngắn mini.
- 1998 được tạp chí Tài hoa trẻ tặng giải truyện…….
Trong tự bạch N.P.H nói: “Tôi sinh ra là chỉ để làm nghề văn. Khát vọng sáng tạo là ân huệ tuyệt vời của tạo hóa ban cho nhà văn, và nhà văn tồn tại trong cuộc sống. Văn chương luôn gợi niềm hứng khởi với đời tôi. Tôi mang nó như một sứ mệnh”.
Ông khẳng định: “Nhà văn phải dựa vào tài năng, nghị lực của mình là chính. Nếu vượt qua được mọi khó khăn trở ngại, dám hết mình vì sự nghiệp văn chương, anh có thể như con cá gáy hóa rồng. Còn nếu không, thì cũng chỉ là nghề nghiệp kiếm sống”.
N.P.H viết đủ các thể loại. Các tiểu thuyết chính của ông đều có bối cảnh trải dài hơn nửa thế kỷ biến động dữ dội của đất nước. Ông quan niệm giá trị của tiểu thuyết một phần rất quan trọng là ở chỗ nó lưu giữ được những hình ảnh đã qua, đời sau đọc nó thấy được hiện thực cuộc sống đã diễn ra như thế nào, những triết lý mà nhà văn đã rút ra sau các trang sách.
“Mê cung” là truyện xoay quanh cuộc đời của một nhân sĩ đi theo cách mạng. “Người đàn bà buồn” là chuyện đời một tiểu thư con quan Nghè nổi chìm trong những tháng năm bão tố. “Cuồng phong” là chuyện một gia tộc bốn thế hệ trải dài từ thời các nhà Nho vận động Duy Tân đến nay.
Tiểu thuyết của ông, độ dài dày dặn, phảng phất cảm hứng sử thi. Ông xâu chuỗi những khoảng khắc điển hình của lịch sử, và cho nhân vật hiện hình hoạt động trong không gian ấy. Các chuyện của ông không bị lạc hậu theo thời gian vì giá trị hiện thực của nó.
N.P.H có một giọng văn đẹp, khúc chiết, mạch lạc, thanh thoát, khi trữ tình, khi “u mua” hóm hỉnh. Chuyện dữ dội mà viết “cứ như không”. Đọc chạy trang, hấp dẫn.
Nhiều truyện ngắn của N.P.H mang phong vị hoài cổ, truyền cảm (Sân tranh, Ông Đồ, Người hát ca trù, Tình đùa…).
Tản văn, truyện mi ni, câu chữ trau chuốt, tinh xảo, nhiều bài như những áng văn đẹp. Đặc biệt có truyện “Cô gái đầm sen”với chủ đề thông điệp về cái đẹp, có tiếng vang sâu rộng.
Thơ N.P.H xoay quanh chủ đề tình yêu và chủ đề triết lý cuộc sống. Những vần thơ thường giản dị, sáng sủa, có tứ: “Tôi có bao nhiêu yêu thương/Mà không có địa chỉ để gửi/ Biết gửi đại dương cho ai/ Ai đủ chỗ để đựng biển cả/ Biết gửi bầu trời cho ai/ Để đựng bầu trời ai đủ chỗ…/
Ông có bài thơ “Hoa Sữa” được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một sớm mai em bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ /Hoa Sữa thơm ngây ngất bên hồ /Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùi Hoa Sữa trong áo em và mái tóc/ Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt / Vậy mà tan trong sương gió mong manh/ Tại vầng trăng tại em hay tại anh,/ Tại sang đông không còn Hoa Sữa/ Tại siêu hình, tại gì không biết nữa/ Tại con bướm vàng có cánh nó bay/ Đau khổ nhiều nhưng éo le thay/ Không phải thời Rômêô và Juyliét/ Nên chẳng có đứa nào dám chết/ Đành lòng thôi mỗi đứa một phương/ Chỉ mùa thu tròn vẹn yêu thương/ Hương Hoa Sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của mối tình đầu nhắc nh/ Có hai người xưa đã yêu nhau…









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét