Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

ĐỘI VĂN HÓA LƯU ĐỘNG

Truyện của
Nguyễn Phan Hách

Đội văn hóa lưu động của chúng tôi ngày ấy có năm người. Chị Thúy Thanh là trưởng đoàn. Thực ra chỉ có chị là “diễn viên chính ngạch”, hát múa có “bài bản”, còn tôi và “ba con nhóc”, Ty văn hóa mới nhặt từ các đội văn nghệ xã lên, trẻ ranh, vắt mũi chưa sạch.
Toàn tỉnh lúc ấy có bốn đội như thế, phân bố nhiều địa bàn trong tỉnh với nhiệm vụ đi về các trận địa pháo cao xạ, múa hát phục vụ bộ đội.
Trang bị của Đội nghèo nàn. “Trang âm” là hòm ắc quy có dây nối ra micro .“Dàn nhạc” có một cây nhị, một cây đàn bầu, một cây măng đô lin, tôi chơi là chính. “Ba con nhóc” cũng phải học phụ, để khi cần thì gẩy tấm tưng. Ba đứa, ngày xưa ở làng là ba “cái Hĩm”, cái “Gái”, nhưng lên đây chúng thành “Thúy” cả: Thúy Trinh, Thúy Trang, Thúy Như.Bọn này không học tiếng Nga , không biết , chứ cô gái Nga mà đọc chữ Thúy theo cách đọc của Nga , thì đỏ mặt , vì nó tục lắm .
Thúy Trinh hát hay nhất. Còn Trang và Như thì loàng xoàng tàm tạm. Tuy vậy, chúng còn “có giọng”, chứ tôi thì chỉ là “thằng nhắng”, cái gì cũng biết một tý, nhưng chẳng cái gì đến nơi đến chốn. Tôi “ăn giải cạn” vì đoàn cần một thằng con giai mang vác đồ đạc.
Đại để hàng ngày công việc của chúng tôi như thế này: Buổi sáng đến một trận địa pháo nào đó… Các diễn viên thành “em gái” của các chiến sĩ. Vá áo cho chiến sĩ. Tâm sự chuyện trò. “Em gái hậu phương” ríu rít. Bộ đội quây quần. Hình bóng các cô, mái tóc dài thơm hoa bưởi, cánh tay trần trắng nõn còn nguyên phấn tuổi dậy thì, tiếng cười lanh lảnh trong veo … làm bừng sáng cả trận địa súng ống xù xì, lính tráng lộc ngộc, hố bom lở loét, mùi khói đạn khét lẹt lưu niên.
Đến mỗi trận địa, nhiệm vụ của tôi là phải nhanh chóng tìm hiểu địa danh, thành tích chiến đấu ở đây. Rồi bắt tay “sáng tác một bài hát chèo” nói về đơn vị này. Thực ra là đặt lời mới cho các làn điệu cổ. Các làn điệu Đào liễu, Tình thư hạ vị, Chức cẩm hồi văn… tôi đã thuộc lòng. Dán các lời mới vào nhanh như chớp.
Đại để sẽ như thế này… Dòng sông Cầu dạt dào xanh biếc (nếu trận địa gần sông Thương thì thay thành Sông Thương) .Núi Nham biền thấp thoáng bóng mây (Ch Nham biền, có thể thay tên khác) Súng cao nòng trận địa hôm nay. Quật ngã máy bay thù tan xác (nếu đơn vị đã hạ hai máy bay thì phải hát rõ là: hai máy bay thù tan xác).
Bài ấy sẽ hát mở màn…
Chúng tôi thường diễn trong hầm hào trận địa. Khi yên ắng, hát ngay bên mâm pháo. Đêm thì hát dưới trăng, không có đèn. Đèn lộ mục tiêu, máy bay Mỹ sẽ đến.
Phải nói “mấy con nhóc” khi hóa trang son phấn vào, chúng đẹp như tiên. Chính tôi cũng mê. Một khoảnh khắc làm tâm hồn các chiến sĩ suốt ngày đối mặt với đạn bom, được bay bổng, mơ màng. Bên cạnh tiết mục hát, tôi còn sáng tác các “hoạt cảnh” vui, tôi đóng vai hài. Nhưng giỏi nhất là “đạo diễn-tôi” lúc ấy đã biết nghĩ ra tiết mục: mời các chiến sĩ của đơn vị lên hát các bài đang thịnh hành thời ấy: Quảng Bình quê ta ơi; Tiếng đàn Ta lư; Trai anh hùng gái đảm đang; Trên quê hương quan họ vv…
Những buổi biểu diễn làm bừng lên không khí náo nức. Bộ đội, văn công, ríu rít, tình cảm, chia tay bịn rịn. Các chính trị viên phải công nhận nó có tác dụng động viên tinh thần chiến đấu, làm dịu sự căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh. Bộ đội tặng chúng tôi nhiều phong lương khô là “Cao hương mỹ vị” thời chiến, chỉ trong các đơn vị mới có…
Đoàn chúng tôi đóng trụ sở trong một xóm nhỏ, có vị trí trung bình cách các trận địa pháo trên dưới mười cây số. Năm người, năm chiếc xe đạp, khi cần phóng véo một cái là tới nơi.
Xóm trụ sở, xa đầu mối giao thông, ít bị oanh tạc. Dân tình bám ruộng sản xuất. Con gái ra đồng cấy lúa, đem theo súng trường, gặp máy bay là nằm ngửa ra, bắn lên trời. Bọn phi công không phải không khiếp vía, khi nhao xuống thấp cắt bom, bị cả một rừng súng trường khắp các cánh đồng bắn lên.
Máy bay Mỹ hồi ấy thả bom thường từng đợt, từng chiến dịch, đặt tên là “Sấm rền”. Có đợt “Sấm rền” liền cả tuần, rồi “lười”, nghỉ cả tháng, cả năm. Có đợt Sấm rền cứ vào 12 giờ trưa trở đi, gọi là “giờ cao điểm”. Người ta bảo trưa nắng phi công nhìn rõ mục tiêu. Nhưng cũng có đợt “Sấm rền” lại chỉ bắt đầu từ 8 giờ tối. Chúng có máy móc xác định mục tiêu thế nào đó, trong khi dân gian mình quan niệm là thằng phi công cứ phải thò đầu qua cửa kính nhìn xuống.
Những trận đánh đêm, cả bầu trời bừng nở pháo hoa. Bom thả xuống, đạn bắn lên vang rền. Mảnh đạn cao xạ sắc lẻm rơi lụp bụp xuống đất, trúng vỡ đầu. Vì thế hồi ấy toàn dân phải cỏ mũ rơm. Mũ rơm như mũ phớt rộng vành Mêhicô, không phải che mưa nắng mà để che đạn bom. Đấy là “thời trang” của dân tộc này. Đoàn chúng tôi, ngoài nón ba tầm trang phục biểu diễn, còn có “thời trang mũ rơm” lúc nào cũng kè kè bên người…
Càng trong các đợt “Sấm rền”, chúng tôi càng phải hoạt động hết công xuất. Nghe tin đánh ở đâu, là phải ngay lập tức có mặt ở đó. Trận địa tan hoang, hố bom vẫn nghi ngút khói, nòng pháo trúng bom cong queo, xác chiến sĩ hy sinh máu chảy chưa khô, người bị thương quằn quại. Đội văn công chúng tôi thành y ta chiến trường, xúm vào băng bó, khênh cáng. Chả cứ chúng tôi, các cô dân quân, mẹ chiến sĩ các làng xung quanh cùng có mặt kịp thời mang theo hoa trái, tặng bộ đội. Thường thì chỉ sau vài giờ, trận địa đã được “dọn dẹp sạch sẽ”. Pháo lại vào bệ ngay ngắn. Pháo thủ bổ xung phiên chế đ cơ số, kịp thời thay thế người đã chết. Khẩu đội trưởng đã vào vị trí tay lăm lăm cầm cờ lệnh đỏ chói, sẵn sàng đón trận đánh mới. Phóng viên báo chí “hớt hơ hớt hải” đạp xe đến, ghi ghi chép chép, chụp ảnh quay phim. Và chính lúc ấy văn công chúng tôi trình diễn, phấn son rực rỡ, yếm đào xà tích, áo mớ bẩy mớ ba, nón ba tầm khoác vai, đứng hát véo von, tay chân múa lượn, nhưng nhìn kỹ có khi tay còn vết máu chiến sĩ bị thương…
Ban đầu chỉ có chị Thúy Thanh và tôi là gan dạ trước cảnh bom đạn, người chết, còn ba con nhóc sợ run. Chúng luýnh qua luýnh quýnh băng bó cho bộ đội, mặt cắt không còn hột máu. Hát trước ống kính phóng viên mà chúng đứt cả hơi. Dần dà, mãi chúng mới đỡ sợ. Biểu diễn nơi trận địa rồi cũng dần thành “nghề” của chúng. Chúng không muốn về quê đi cấy, chân lấm tay bùn nữa, mà chỉ muốn ở đây làm “văn công”…
Thị xã Sông Thương ngày ấy có cầu lớn, đường sắt quốc gia chạy qua nên là “túi đựng bom”. Phố xá gần như đã bị san bằng, chỉ còn những đống gạch vụn. Quảng trường chi chít hố bom nước xanh lơ, ễnh ương bơi lội.
Nhiều đêm chúng tôi phải ở lại thị xã để phục vụ, vì ở đây dày đặc trận địa với các khẩu pháo cao xạ nòng chĩa thẳng hướng chính diện đón lõng máy bay lao xuống cắt bom...
Thị xã phồn hoa xưa, giờ chỉ thấy tiếng hót của chim rừng từ đâu bay lạc tới. Nhà ga lù mù ánh đèn dầu hỏa, những con tầu hồng hộc vội vã chạy qua. Sân ga vắng lặng, duy nhất có một bà bán nước chè xanh từ hồi chiến tranh phá hoại nổ ra đến giờ. Nhà ga là tiêu điểm số 1 bắn phá, ai phải qua đây, hớt hải chạy cho nhanh. Thế mà bà cứ ở đây năm này tháng khác. Chúng tôi cùng cảnh “dân thị xã” với bà, nên thân tình, kết nạp bà làm hàng xóm, thỉnh thoảng “ngồi vểnh râu” uống hớp nước chè xanh với kẹo lạc, trên “sân ga ấm cúng” sợ mất vía của bà.
Một lần, tin trên cho biết, ngày mai sẽ có đợt “Sấm rền” ác liệt nhất từ xưa tới nay, tại đây, chúng quyết  dứt điểm phá xập cầu, bom đạn sẽ khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi.
Đêm thị xã căng ra như dây đàn. Còn ai sót lại thì trốn hết.
Tôi gặp mấy ông xe thồ. Các ông này “anh hùng” chẳng kém ai, thường phục sẵn ở đây, bom dội, nhà đổ, là kịp thời lấy gạch vụn đi. Không nhanh, thằng “anh hùng” khác, nó tranh mất. Nhưng lần này mấy ông xe thồ cũng lục tục thu dọn đồ nghề bảo tôi: “Chuồn thôi chú mày ạ”.
Chị Thanh bàn bàn với tôi:
- Hay ta cũng tạm sơ tán qua đợt “Sấm rền” này.
Tôi bây giờ là “Chính ủy”, để nghĩ đã. Một mình tôi bước lơ vơ trên đường phố. Ngó vào căn nhà lở loét (xưa là trụ sở Đài phát thanh tỉnh) thấy có ánh đèn. Một anh phóng viên và một nhân viên kỹ thuật vồ lấy tôi như người giữa hoang đảo gặp nhau.
- Chúng tôi được “biệt phái” về đây trực chiến - Hai anh nói - Viết tin kịp thời tại chỗ, phát thanh tức thì ngay trong thời gian đang diễn ra trận đánh, để nâng cao tinh thần bộ đội, toàn dân sát cánh trực chiến bên các anh. Máy nổ và hệ thống loa tốt lắm, cả thị xã nghe được.
- Và tôi sẽ sáng tác ngay một bài hát chèo cập nhật tin chiến thắng, cho diễn viên hát trực tiếp trước máy- Tôi bổ xung kế hoạch.
- Hay quá . Tuyệt - Các anh reo. Tôi về thông báo công việc cho chị Thanh. Chị đồng ý, nhưng “ca sĩ” Thúy Trinh run cầm cập.
- Ở lại khác gì chìa tay ra hứng bom. Mọi lần là bình thường ,nhưng lần này ác liệt đặc biệt. Trên đã nói thế rồi. Ai bắt mình phải dán lưng xuống đất chịu bom.
- Nội thị xã này hiện còn vài trăm bộ đội dân quân, ngày mai, mặt đối mặt với địch. Ngày mai, nếu tiếng hát của chúng ta vang trên nền đạn bom, có tác dụng biết chừng nào.
Thúy Trinh khóc, lặng lẽ ra lấy xe đạp:
- Chị Thanh cho em về, em sợ lắm.
- Sao các lần trước không sợ
- Lần trước khác. Lần này khác. Trải qua vài lần, em đã ngấm đòn rồi. Cái chết kề bên.
Trinh lao xe ra đường, chạy trốn khỏi thị xã.
Trang và Như nhìn theo ngẩn ngơ.
Tôi quát:
- Cấm không cho cô nào được rời vị trí chiến đấu.
Chị Thanh cứng cỏi:
- T giờ phút này Trinh đã bị đuổi khỏi đoàn
Trang và Như nói:
- Có nó là hát hay nhất. Đuổi đi thì còn ai.
Chị Thanh dịu dàng:
- Hai em Trang và Như, ngày mai cứ mở miệng trên loa, dù thế nào chăng nữa cũng cứ thành tiếng hát tuyệt vời, khắc trong tâm khảm mọi người.
Quả nhiên trưa hôm sau, chiến dịch “Sấm rền” này của chúng khủng khiếp thật .Hàng đàn máy bay F105 hình cổ ngỗng dài ngoẵng, và F4 biệt hiệu Con Ma, hình chiếc vỉ ruồi, quần đảo, thả bom. Tuy nhiên bị pháo bắn dữ quá, cắt bom từ trên cao, nên vẫn không trúng cầu. Thị xã “vinh hạnh” hứng hết.
Chúng tôi ngồi dưới hầm đất rung xóc ốc.
Tôi bảo Trang và Như:
- Chúng mình được ẩn dưới hầm kín. Còn các chiến sĩ cao xạ và dân quân “lộ thiên” mặt đối mặt, nhìn thấy bom rơi như vãi đ trên đầu. Vậy ta sợ gì?
Một tiếng sau ,bom ngớt dần. Bọn phi công Mỹ chắc cũng nhát như cái Trinh nên bỏ chạy. Lập tức loa truyền thanh tỉnh vang dội vỡ òa đọc tin chiến thắng. Cầu vẫn còn nguyên. Một máy bay cổ ngỗng bị bắn trúng, lao xuống sông Thương, phi công nhảy dù nổi lềnh phềnh trên nước như Sứa, dân quân bơi thuyền ra bắt.
Với cái nội dung nhiều sự kiện như thế, mà loáng một cái tôi đã chuyển tải hết vào bài hát chèo điệu “Đào liễu”. Dẫn ba “ca sĩ anh hùng”, chúng tôi lao vót đến “Đài phát thanh”, và hát liền. Cả hệ thống loa oang oang. Tiếng hát ngân nga, tiếng nhị réo rắt vang trên “sa mạc” gạch vụn còn bốc hơi bom. Các trận địa pháo ngẩn ngơ. Các anh nghe trong gió văng vẳng lời ca, hát về trận đánh của các anh. Cả nước bên các anh, trong cuộc đấu kinh hoàng này.
Đài trực chiến, không có máy thu âm. Chúng tôi hát trực tiếp. Nghỉ một lúc, đọc tin. Đọc tin xong lại hát, cứ thế kéo dài...
Tuy vậy, buổi chiều hôm ấy, có một đại úy trợ lý tác chiến của Trung đoàn pháo đến gặp.
- Hoan nghênh các đồng chí. Nhưng cả tuần tới, chúng sẽ đánh phá ác liệt hơn nữa, xác xuất thương vong sẽ rất lớn. Thủ trưởng chúng tôi ra lệnh các đồng chí phải rời thị xã ngay.
Tôi chạy ra kéo tay bà bán nước ngoài ga, nhập đoàn. Mấy đồng chí phóng viên báo chí từ Hà Nội về bám trụ trận địa cũng được lệnh rút. Họ xuýt xoa những vết xây xước trên mặt, phủi đất bụi chiến hào.
- Đã là “mặt trận” thì có lúc “tiến vào”, có lúc “rút ra” - họ lý sự. Riêng hai nhân viên của Đài truyền thanh tỉnh “kháng lệnh”, không rời.
Về đến nhà, Thúy Trinh ôm lấy chúng tôi khóc. Trinh năn nỉ xin chị Thanh đừng đuổi. Nghĩ đuổi nó bây giờ cũng gay. Giọng nó như oang vàng, cất lên tất cả im phắc. Đuổi nó thì ai sẽ hát bây giờ, Trang và Như sao bằng được nó…
...Đội văn nghệ lưu động của chúng tôi dạo ấy nhiều ngày giáp trận căng thẳng, nhưng cũng có  những ngày thanh bình. Chúng tôi đang tuổi lớn, lại mơ mộng hát hò nên không thể không “lãng mạn”. Tôi thích cái Trinh, mỗi khi nghe nó hát, là lòng tôi xao xuyến. . Nhưng ngoài đời ngày thường ,nhìn nó gầy nhom, đen nhẻm, vú lép kẹp,  tôi không khỏi ngao ngán. Tôi thích Như, người nõn nà, ngực trắng muốt hở ra sau cổ áo trễ. Nhưng khi  nó lên sâu khấu , nhìn nó người ngay như ngỗng ỉa thì tôi lại chán...
Tôi chả biết nên như thế nào. Yêu Trinh hay là yêu Như. Còn Thúy Trang thì đã dứt khoát là không. Tôi với nó “xung khắc”. Nó chẳng coi tôi là cái “đinh rỉ” gì. Tôi biết nếu mà tôi mon men sờ đến gấu áo nó, nó tát cho một cái chứ chả đùa.Vì vậy không có vấn đề gì.
Chị Thúy Thanh đã qua lứa tuổi trẻ con. Chị là đàn chị, và đầy tâm sự. Mặt chị sáng vằng vặc, người cao lớn, nở nang, trắng nõn. Đến trận địa, các thủ trưởng đón chị trân trọng .Nhờ có chị mà chúng tôi được tiếp đãi như ông hoàng.Một lần có một  tiểu đoàn trưởng “hào hoa phong nhã” quyến luyến chị. Ông tiếp chị trong lều dã chiến, bàn phủ khăn trắng, cắm hoa cúc dại. Không biết ông nói gì mà trên đôi mi cong vút của chị long lanh một giọt nước mắt chảy dài.
- Bao giờ cuộc chiến này kết thúc hở anh - Chị hỏi.
Tiểu đoàn trưởng nói  chỉ biết rằng  cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng.
Chồng chị Thanh đi chiến trường miền Nam đã sáu, bảy năm. Báo chí luôn đăng tin chiến thắng, còn chồng chị thì không một dòng tin gửi về.
Chị là vợ có chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận. Vị thế của chị đáng kính lắm. Chị phải giữ như giữ sơn hình ảnh cao quý ấy  của mình. Nhưng chị đang giữa tuổi xuân phơi phới, sức sống căng tràn, phải kìm nén lại. Chỉ còn biết trút vào tiếng hát. Vì thế tiếng hát của chị có gì sâu lắng, buồn buồn, chứ không lảnh lót hồn nhiên như bọn Thúy Trinh....
...Một lần tôi bắt gặp một mình chị tắm bờ sông đêm trăng. Tấm thân trần trắng muốt như tráng bạc. Chị bơi một vòng rồi dạo bờ cát. Tôi nấp sau bụi cây nhìn trộm. Trong tấm thân kia, một sức xuân ngùn ngụt đang bị gìm lại. Vì thế y tá cơ quan trước đây đã rỉ tai mọi người: Chị bị bệnh Íchtêri. Íchtêri tiếng Tây, nghĩa gì, chả ai biết. Người ta kiêng, không dịch ra tiếng ta. Nhưng đại khái nó là khi những khao khát tình dục mạnh quá, không được đáp ứng, người ta sẽ ngất đi. Ngất nhưng không chết được,  và cũng chả phải chạy chữa gì. Chỉ cần một bàn tay con giai xoa nhẹ vào đôi vú là Íchtêri sẽ tỉnh. Chuyện y tá nói tưởng chuyện đùa, ai ngờ một lần tôi được “trải nghiệm” thật. Hôm ấy, một chiều tháng ba nắng rấm rứt... Nắng tháng ba như lặn vào thịt da con gái, đốt lên sáng hồng. Nắng tháng ba làm chị Thanh bị một một cơn Íchtêri nặng. Tôi sang chơi ,thấy chị đang nằm “chết ngất” trong phòng, su chiêng phanh ra, hở đôi vú thần tiên. Tôi gọi mãi, chị không thưa. Tôi hoàn toàn vì tinh thần khoa học của bác sĩ, chứ không dám vớ vẩn gì, đưa tay xoa vú chị. Bác sĩ bảo chỉ cần xoa, nhưng tôi quá đà, ghé môi hôn vú chị. Hôn có hiệu nghiệm chữa bệnh hơn thật. Chị tỉnh dậy,  cười thẹn thùng:
- Cấm em không được nói với ai chuyện này nhé.
- Nhất định rồi
- Bây giờ bàn công việc. Ngay ngày mai xuống trận địa sông Cầu.
- Nhất trí
- Chị thấy cái Trinh với cái Như ,cả hai đều có vẻ “vấn vương” với em. Kỷ luật nghiêm đấy nhé. Không được lợi dụng hoàn cảnh “vào sống ra chết” của chiến tranh mà “sống gấp”, yêu đương bừa bãi.
- Vâng, em có làm gì đâu. Nhưng giả dụ em “yêu nghiêm túc” một đứa, cái Trinh hoặc cái Như, có được không?
- Yêu nghiêm túc thì được
- Theo chị, em nên yêu cái Trinh hay cái Như - Tôi hỏi?
- Khi em còn lựa chọn “tỉnh như sáo” thế tức là em chưa yêu ai. Yêu là phải mê muội cơ. Vì vậy tốt nhất là hãy chưa yêu. Để giành thời gian phấn đấu, tu dưỡng. Trên Ty văn hóa rất chú ý đến bọn mình. Có dịp là sẽ được bồi dưỡng đào tạo. Em còn quá trẻ, lại có “khả năng”, có “nhiệt tình”, tương  lai của em rất lớn.
Tôi nghe lời chị Thanh, không yêu ai lằng nhằng nữa…
Năm 1973, cuộc ném bom miền Bắc của Mỹ chấm dứt. Các trận địa pháo rút dần, nên các đội văn hóa lưu động của chúng tôi cũng giải tán, rút về Ty nhập vào các đơn vị khác.
Tôi “nhiều thành tích” nên được cho đi “bổ túc văn hóa”, và bất ngờ được đi học  Liên Xô, ngành đạo diễn. Phong trào văn nghệ quần chúng đang phát triển rầm rộ. Tỉnh cần người có chuyên môn giỏi. Ừ, có thế chứ, có lẽ tôi lắm tài thật, gì cũng biết. Sáng tác chèo, kịch cương, hoạt cảnh, là linh hồn của Đội văn hóa lưu động, cùng chị Thanh tổ chức biểu diễn xông xáo suốt mấy năm qua. Đi học Đạo diễn là đúng rồi.
Sang đến Liên Xô, cả đoàn 16 người, phần lớn từ các Ty văn hóa các tỉnh. Bộ văn hóa đã ưu tiên chỉ tiêu đi học cho các cơ sở bám sát chiến đấu…
Các ông giáo sư Liên Xô thấy nhiều người học Đạo diễn quá, phải điều chuyển bớt sang các bộ môn khác, cho cân đối quy hoạch đào tạo. Thế là oái oăm thay, tôi được “ưu tiên”học nghề “cao sang” nhất: “Lý luận nghệ thuật”
Lý luận nghệ thuật là cái gì?
Là những lý thuyết kinh điển đầy những thuật ngữ trừu tượng, bí hiểm của các ông giáo sư đầu bạc ở Viện Akađêmi (Hàn lâm) mà phần lớn người ta nghe chẳng hiểu gì.
Khổ thân tôi, anh nhà quê viết hoạt cảnh chèo, kéo nhị ,làm gì có tư duy lý luận. Tuy vậy, tôi cũng không đến nỗi ngu dốt lắm. Tôi đánh vật với nó, “học gạo”, “học vẹt”, tiếng Nga cho giỏi, ghi bài cho đúng cho đủ, mua sắm cả đống tài liệu tham khảo để “ăn cóp”. Kỳ lạ thật, sau năm năm tôi thành “Phó tiến sĩ nghệ thuật” (Sau này gọi là tiến sĩ) giống y như sự kỳ lạ mấy năm lăn lóc ở các trận địa pháo mà không chết.
Tôi về nước ,giảng dậy bộ môn này ở trường Cao đẳng Sâu khấu và Điện ảnh. Rồi được phong Phó Giáo sư. Cũng là đúng thôi. Có ai được học bài bản chính quy như tôi. Các anh khác là “du kích”, bản năng, tự phát hết. Chỉ có tôi mới biết trịnh trọng dẫn ra những lời kinh điển dòng nào trang nào, nguyên văn tiếng Nga sách bìa cứng mạ vàng... Tôi đọc từng câu cho học trò chép. Chúng nghe tai nọ sang tai kia, nên tôi cũng không phải băn khoăn quá làm gì nội dung những lời kinh điển khó nhớ. Trốn được tý nào hay tý ấy. Thế là tất cả cùng ổn. Trò yên thân, mà thầy cũng yên thân…
Phần chị Thanh,rất tiến bộ ,dần dần sau  làm đến  Giám đốc Sở văn hóa rồi Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã. Chồng chị hy sinh ngay từ những ngày đầu vào chiến trường, mà đến năm 1975 chị mới biết. Tuy vậy chị vẫn không đi bước nữa.Tất cả dồn tâm huyết vào công tác . Chị là Ủy viên Hội đồng này nọ, chấp hành phụ nữ Trung ương vv…. Sức sống thanh xuân rừng rực một thời dần suy giảm, phai tàn mà chưa một lần được thỏa nguyện. Chị như đóa hoa tuyệt đẹp , nhưng ở chót vót trên cao, tỏa sắc hương cho mây trời, còn trần gian không ai biết.
Tôi thỉnh thoảng vẫn về thăm chị. Hai chị em trân trọng, thân tình. Nhưng tôi có thể giúp gì được cho người đàn bà tài sắc về già, cô đơn...
Bất ngờ nhất là Thúy Trinh. Con nhóc “đen nhẻm, xấu mù” xưa ,giờ thành Nghệ sĩ ưu tú, nổi danh với giọng hát chèo. Nó vẫn đùa tôi: “Ngày trước cậu chê tớ gầy đen, không lấy tớ. Thằng ngu. Gầy rồi tao sẽ béo. Giờ tao chả béo quay, luôn phải nhịn ăn để giảm cân. Béo rồi, da căng là thành trắng…
Tôi hỏi thăm Thúy Như. Như thì hát hỏng loàng xoàng, sau ra khỏi văn công, làm cán bộ hành chính. Như đẹp bệ vệ như bà “quan huyện”, dắt con gái đến trường bảo tôi:
- Cậu phải xin cho con tớ vào học trường này.
- Nó có năng khiếu gì?
- Như tớ ngày xưa
- Thôi, đừng làm khổ nó. Về cho học ngành kế toán, ngân hàng, hành chính gì đó.
Như nghe tôi. Lúc chia tay, nó thắc mắc:
- Nghe nói cậu là Phó Giáo sư, Tiến sĩ nghệ thuật mà chả bao giờ thấy viết báo, lên truyền hình bình luận về các tác phẩm nghệ thuật hiện tại của ta đang trình diễn trên ti vi.
- Những tác phẩm “ăn xôi ở thì”, “mì ăn liền”, giải trí câu khách ấy, tớ bình luận làm gì. Tớ nghiên cứu lý luận kinh điển về nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại cơ mà…
Riêng có Thúy Trang, dù đã tìm kiếm, nhưng tôi vẫn không biết giờ nó làm gì, ở đâu, nó vào miền Nam  mất biến mất tăm. Tôi tức lắm, chắc nó giờ vẫn coi tôi chả là cái đinh rỉ gì, mà tôi thì rất muốn cho nó biết giờ tôi là ai...
Nhớ “ba con nhóc”, thỉnh thoảng tôi lại lấy chiếc nhị ra kéo một bài. Tiếng nhị nghẹn ngào run rẩy, chả có gì mà tự nhiên nước mắt ứa trên mi.

 Đại Yên, 20-3-2014





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét