NGƯỜI VỀ YÊN THẾ
Truyện
Nguyễn Phan Hách
Chiếc phi cơ I.L.18 từ Mátxcơva về Hà Nội, toàn chuyên
gia Liên xô sang làm việc. Việt Nam mới giành được hòa bình nửa
nước. Trên hàng VIP có một người đàn bà Việt Nam chừng 50 tuổi phốp pháp, trắng
trẻo, quý phái, từ Pari trandit qua Mátxcơva, nói tiếng Pháp như chim hót, làm các ông
Nga kinh nể.
Máy bay hạ xuống phi trường Gia Lâm
nhỏ bé, hiu hắt. Bà Hoàng Thị Thế bước ra, sau gần cả cuộc đời xa cách, lần đầu
tiên nhìn thấy bầu trời quê hương xanh ngắt và nắng thu vàng như lệ rưng rưng. …
Ở Hà Nội vài ngày làm các thủ tục, bà
Thế thuê chiếc La Đa đi thẳng về xứ xở miền quê mà bà mang tên nó… Hoàng Thị
Thế - Yên Thế…
Dải đồi trung du xanh biếc, tiếp giáp vòng cung núi rừng trùng
điệp hiện ra trong nắng, hơn bốn mươi năm qua, trong những giấc mơ đêm Pari, bà
từng thấy nó…
Bà nhớ rất rõ, bàn chân lon ton của
cô bé Thế 7 tuổi chạy theo người cha Hoàng Hoa Thám tướng quân ,oai phong mà hiền từ, lên đồi sim mua chạy nhảy. Và theo
người mẹ Bà Ba nữ tướng, gươm giắt
bên sườn, đi quanh quanh trên nẻo đường rừng đầy chim hót và bướm bay. Người mẹ
nữ tướng dón dén bắt bướm rừng cho con gái, bà biết chỉ huy đánh trận, mà lại không bắt được nhưng con bướm. Cứ thò tay nhón là
chúng cất cánh bay.
Bà nhớ tiếng đại bác Pháp dót rền rĩ âm u quanh các căn cứ Hố
Chuối, Đồng Hom, Phồn Xương, Sông Sỏi… Và bóng cha mẹ bà ẩn hiện trong chiến hào, hang núi,
rừng cây.
Bà nhớ hình bóng những người Nghĩa quân chân quấn xà cạp, đeo cung tên, súng
kíp thoắt ẩn thoắt hiện , đêm thắng trận ngồi bên đống lửa nướng thịt nai, uống
rượu cười ha hả, thi gan gắp than đỏ bỏ lên đùi…
Bà Thế đứng trước ngõ tre ngoằn nghèo dẫn lên
một trang trại nhỏ, cây cối um tùm. Những người thân trong nhà ùa ra đón. Bà ôm chặt người em
trai ruột Hoàng Văn Phồn. Người em đẻ trong thành Phồn Xương,nên được
Đề Thám đặt là Phồn,
cũng như tên bà là Thế (Yên Thế). Hai chị em chỉ cách nhau vài tuổi. Ngày cuộc
khởi nghĩa tan rã,
chị em bà đứa 7 tuổi ,đứa 5 tuổi, tan tác chia ly, mỗi người một ngả…
Bao nhiêu năm bây giờ gặp lại…
...
Tiếng đại bác dội vào vách núi âm âm u u… Cây rừng đổ răng rắc.
Cô bé Thế trên lưng chị Cai - vợ một tiểu tướng nghĩa quân, lao chạy
giữa đám dây leo chằng chịt. Gai mây cào xước mặt. Dây rừng quấn quanh chân. Dốc núi dựng
đứng, sểnh một tý có thể lao xuống vực.
- Bố mẹ em đâu - Bé Thế hỏi chị Cai.
- Bố mẹ đang chỉ huy chiến đấu
Tiếng súng của bọn Pháp bắn sau lưng
đuổi theo. Mấy người Nghĩa quân bảo chị Cai:
- Tình
hình nguy cấp lắm, phòng tuyến vỡ rồi. Quân Pháp đang tổng tiến công khắp nơi. Chị Cai đem con gái
chủ tướng chạy vào rừng sâu đi. Chúng tôi ở lại liều chết cản chân nó.
Chị Cai lại xốc bé Thế lên lưng và
chạy. Đằng sau không còn người Nghĩa quân nào bảo vệ nữa. Chồng chị Cai giờ này đang ở
đâu? Các thành lũy Nghĩa quân bị giặc công phá tan hoang. Trận chiến đã thua…
Chị Cai lao đầu qua tầng dây leo,
chui sang bên kia như chui qua bức tường. Không có lối nào mà đi nữa. Vừa lúc
ấy tiếng súng rộ lên phía sau. Chị Cai ngã vật xuống, máu bắn đỏ thẫm cành lá… Bọn Pháp đã đuổi kịp liền chân…
Cô bé Thế “Công chúa” con thủ lĩnh bị
bắt. Bọn Pháp đưa cô về Hà Nội .Toàn quyền Đông Dương( Du Me) là người mơ mộng (sau này ông là Tổng thống Pháp). Ông muốn có một bộ
sưu tập “Công chúa” các vương quốc phương Đông mà nước Pháp đã chinh phục. Du Me gửi Thế sang Pari, cho đi học.
Cô bé Thế bập bẹ những vần tiếng Pháp
đầu tiên, khác lạ với các vần Thổ, Nùng, Kinh… người ta vẫn nói trong căn cứ
địa rừng núi Yên Thế.
Độ tuổi
trăng tròn, Thế là người con gái có vẻ đẹp Phương Đông điển hình. Cô được mời
đóng vai phụ trong ba bộ phim, và nổi tiếng. Báo Pháp gọi nhầm là “Công chúa
Trung Hoa”.
Một buổi
kia “Công chúa Trung Hoa” dạo chơi bảo tàng Luvờrờ, thì gặp một chàng trai Việt.
Chàng trai này nổi tiếng lắm. Chân trắng mà anh dám đến Hội nghị các Đại cường quốc thắng
trận trong Đại chiến thế giới Thứ Nhất đang họp bàn chia nhau quyền lợi, để đưa yêu sách
đòi độc lập cho An Nam.
Chàng trai
hơn Thế chừng 10 tuổi, gương mặt sáng trưng như tỏa ra hào quang cách mạng.
Chàng trai nói:
- Cô Thế
sang đây từ khi còn bé quá. Cô có biết bố mẹ mình là ai ở An Nam không?
- Dạ, em có
biết chút ít .
- Bố mẹ cô
là bậc anh hùng. Hãy tự hào vì truyền thống đó.
Lời nói đi
suốt cuộc đời Thế. Chính vì lời nói đó, mà hôm nay, cô Thế xinh đẹp ngày ấy, đã
rời bỏ Pari hoa lệ, về Yên Thế rừng núi, lá rụng về cội…
… Anh Phồn đưa chị gái lại bàn
thờ cha mẹ. Bức hình Hoàng Hoa Thám, mắt hiền từ, hoàn toàn khác với hình dung
về một hùm xám tướng quân. Người cha đang nhìn hai đứa con của mình. Giọng nói
trầm ấm của ông như còn vẳng đâu đây. Ông sắp đưa bàn tay của một tướng quân
từng gây dựng cuộc khởi nghĩa 30 năm, xoa đầu hai đứa bé.
Ảnh mẹ có
hai bức. Một bức mẹ là người đàn bà dân quê, khăn mỏ quạ, áo dài thắt vạt ,đứng trong ruộng ngô. Một bức mẹ lẫm liệt oai hùng, áo
chẽn dài, tay chống kiếm. Bức này chụp lúc mẹ chuẩn bị ra phòng tuyến sông Sỏi
chỉ huy cuộc tập kích của Pháp.
Trong tủ
bên trái, anh Phồn còn đặt mấy tấm ảnh phóng to, mẹ và bé Thế phút chia tay
nhau, khi mẹ bị đi đày ở Nam Mỹ. Mẹ đặt tay lên vai Thế như dặn dò. Còn Thế
khoanh hai tay vâng lời.
Những bức
hình Đề Thám và vợ con, suốt một thời người ta đã in thành các pốt tan đem bán.
Nó có gì là lạ, gây xúc động.
Bà Thế đặc
biệt ngắm bức cái Gái - con - Thế,
yếm trắng, áo dài, váy trùng, thắt bao ,đứng canh mẹ, trong không gian thanh bình. Chắc là ảnh
chụp trong thời kỳ cha cô bắt được
chủ đồn điền kiêm Tổng biên tập báo “Tương lai Bắc Kỳ” Sét Nay, Pháp phải bỏ cả đống bạc trắng ra chuộc ,và đề nghị hòa hoãn với ông. Đó là thời kỳ
“thanh bình”. Căn cứ Nghĩa quân như một đồn điền lớn,
Nghĩa binh vừa làm ruộng, vừa củng
cố lực lượng, mua nhiều súng nòng rãnh xoắn từ bên kia biên giới.
Ảnh về
mình, bà Thế có quá nhiều. Cô diễn viên “Công chúa Trung Hoa” ở Pari thì thiếu
gì ảnh. Nhưng thật sự bà thấy không có bức nào quý bằng bức này…
Bà Thế ngắm
nhìn em trai, có gương mặt hao hao giống cha, nhưng nét điền viên, ở ẩn ,phảng phất.
Hai chị em đã có trước thông tin về nhau. Bà biết trong khi bà sang Pháp thì
cậu Phồn được đưa ra Hà Nội học trường Bách Nghệ. Cậu muốn học ngành Cơ khí, nhưng người ta chỉ cho cậu học ngành Mộc truyền
thống. Cậu chán, bỏ nghề thợ mộc, về lập trang trại nhỏ ở vùng đồi quê hương
này và sống ẩn dật. Cậu lấy con gái ông Thống Luận - một bộ tướng cũ của cha.
Hai người vun vén cơ ngơi. Những gian nhà ngói âm u, những đàn trâu mõ lốc cốc.
Những thửa ruộng bậc thang lúa vàng óng,những giếng
khơi trong vắt, vườn cổ thụ, và đèn thờ hương khói tướng quân Hoàng Hoa, cùng
người vợ - Bà Ba anh hùng, trợ thủ bàn việc nước trong quân doanh.
Ông Thống
Luận - người bộ tướng dũng mãnh giờ gả con gái cho con trai chủ tướng, trước
đây cũng chính là người đã xe duyên cho chủ tướng với Đặng Thị Nho (Bà Ba), hơn nhau 18 tuổi,một mối tình của người chung lý tưởng. Thống Luận lẩn trốn trong trang trại khuất nẻo sau khi khởi nghĩa tan rã .Ông mãn nguyện, nhắm mắt từ giã cuộc đời khi thấy dòng
máu mình đã hòa trộn được với dòng máu chủ tướng...
Bà Thế ở lại chơi với người em nhiều ngày.
- Hay là chị ở hẳn đây với em - Phồn nói
- Chị sẽ ở
với miền quê Yên Thế này cho đến hết đời. Nhưng để tiện sinh hoạt hàng ngày,
chị cần một chỗ trú chân tại Hà Nội, rồi đi đi về về Hà Nội - Yên Thế, Yên Thế
- Hà Nội.
Chị không
sợ thiếu thốn tiện nghi vật chất. Trước khi về Việt Nam, chị đã lường trước.
Nếu sợ gian khổ, thì chị đã không về. Ở Pháp chị có cuộc sống ổn định. Nhưng
chị bỏ hết, chấp nhận về miền quê nghèo khó này. Vì sao? Vì tình yêu xứ sở và
lòng tự hào là con cháu của những người anh hùng Việt Nam bất khuất chống ngoại
xâm. Hình ảnh chị trong không gian núi đồi Yên Thế này như là sự nhắc nhở một truyền thống không bao giờ được phép lãng
quên…
… Ngày giỗ
Hoàng Hoa, hai chị em bà Thế mổ lợn mời con cháu các Nghĩa quân xưa, giờ sống tản mát ở các làng quanh đây. Họ đem trầu
cau lễ vật đến và nói: “Chúng tôi đến góp giỗ ông Nội. Hoàng Hoa là ông Nội của tất cả chúng tôi. Chúng tôi
không là khách. Chúng tôi là con cháu chính thức.
Hàng trăm
mâm cỗ ngồi ăn giăng giăng trong nhà, ngoài vườn dưới bóng cây. Những con cháu Nghĩa quân uống rượu, say sưa trò chuyện.
- Ồ… Bố tôi
với bố bác xưa cùng chung một đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bà Ba. Bố tôi kể lại, và tôi vẫn nhớ. Trận ấy, quân ta nấp sau các mỏm
đá dử cho lính Pháp đi vào đường độc đạo. Bà Ba phẩy tay hạ lệnh. Các mũi tên,
mũi ná cứ lao phầm phập vào lưng giặc. Chúng gào thét giẫy giụa. Nhiều mũi tên
tẩm thuốc độc. Chúng chết ngay. Quân ta reo hò tràn xuống cướp những khẩu súng nòng rãnh xoắn của chúng. Rồi súng
chúng lại nã vào đội hình của chúng. Chúng chạy như vịt bị lùa, còn quân ta thì
thạo địa hình địa vật, thoắt ẩn thoắt hiện sau các lùm cây. Cho nên mặc dù
chúng có nhiều súng to súng nhỏ mà vẫn bị thua …
Những người
con cháu Nghĩa quân bừng bừng tinh thần tự
hào…
- Tôi không
tin bức hình đầu Đề Thám bêu ở chợ Nhã Nam - Một người con Nghĩa quân nói - Bọn Pháp bịp bợm láo toét. Chúng chặt
đầu sư cụ chùa Lèo, cắm trên cọc, rồi bảo đó là
đầu Đề Thám.
Hoàng Hoa,
ông nội của chúng ta sao lại có thể chết. Chính bố tôi là một trong những thủ hạ
hầu cận cuối cùng của Người. Khi mặt trận tan vỡ hết, địch truy kích khẩn cấp
sau lưng, Hoàng Hoa vào căn cứ bí mật. Chính mắt
bố tôi thấy Hoàng Hoa đi xuống suối. Suối reo vang, những bông hoa rừng thơm
nức, những con bướm vàng dập dờn… Một tiếng sét vang lên, đá nứt ra ,hơi khói ngũ sắc mù mịt. Bố tôi dụi mắt thì thấy một
con hổ xám to lớn lừng lững xuất hiện . Con “Hùm thiêng Yên Thế” nhìn các thủ hạ cuối cùng của mình, mắt hiền từ âu
yếm, rồi Ngài đưa chân lên vẫy tạm biệt. Đoạn Ngài rẽ lá vào rừng sâu… Bộ quần áo vải Người trút lại bên bờ
suối còn hơi ấm hôi hổi. Đấy thế cơ mà. Thế mà bọn láo toét bảo đã bắt được
Người...
Cuộc rượu
đầy hứng khởi, mãi không tàn. Một cụ già râu ba chòm, áo khăn đúng “thời trang
Đề Thám” đứng lên mô đất cao:
- Các chú
chỉ là nghe lại chuyện của Bố. Ta đây mới là nghĩa quân chính hiệu chiến đấu
dưới ngọn cờ của Người. Lúc đó ta chừng 15 tuổi, nhanh như con sóc, là con thoi liên lạc
giữa Hoàng Hoa và Bà Ba . Lệnh tiến công, đánh vu hồi…Ta như con cắt chuyền
cành truyền cho các tiểu tướng. Chuyện tướng quân hóa thành hùm thiêng, ta thấy
có lý lắm. nhất định là như thế. Nhưng mặt khác ta cũng tiết lộ để anh em biết
giả thiết này: Hoàng Hoa sau về ở ẩn trong một
trang trại bí mật giữa rừng sâu. Khi người già chết, chính ông Thống Luận đã
chôn cất Người cũng trong địa điểm kín đáo. Ông Thống Luận đem bí mật đó xuống
mồ. Hôm nay ta phải nói lại để anh em biết, bởi nếu không ,ta cũng đem điều bí mật này xuống mồ… Anh em phải có kế hoạch tìm ra hài
cốt Người đem về xây lăng mộ nguy nga, cho nhân
dân cả nước đến chiêm bái.
- Dù giả
thiết mờ ảo thế nào thì nấm mộ Người mãi mãi còn trong tâm khảm người Việt -
Một người cảm khái nói.
Tất cả im
lặng phút giây. Hoàng Hoa là biểu tượng của xứ sở quê hương này - Người cảm
khái nói tiếp - Ôi Yên Thế, miền đất thượng võ anh hùng đời đời đi vào sử sách.
Hoàng Hoa là kết tinh của trời đất, núi non, rừng cây, suối ngàn Yên Thế.
Không ở đâu
có miền đất địa hình đẹp như thế này. Những
cánh đồng hẹp, dải đồi trung du nối liền núi non đại ngàn, như bậc thang, cửa
ngõ lưu thông. Địa thế cho phép hình thành những làng mạc hoang dã có thể chống
lại được các thể chế cai trị đáng ghét. Tụ tập ở đây, những anh hùng hảo hán
ngang tang, thích tự do, chống cường quyền bạo
lực. Những làng mạc hoang dã thành những pháo đài xanh, và mỗi làng được dắt dẫn bởi một tướng quân đề đốc xuất hiện từ đám trai
cày…
“Người cảm
khải” hóa ra là một thầy giáo làng. Ông đi khắp nơi sưu tầm tư liệu về Hoàng
Hoa Thám.
- Thưa thầy
giáo… thế thầy có tư liệu gì về cuộc quyên sinh của Bà Ba?
- Tôi chưa
có nhiều
- Cha tôi
là một trong 78 Nghĩa binh bị bắt đi đày trên
cùng một chuyến tàu với Bà Ba đến đảo Guyane - Nam Mỹ - Một người con nghĩa
quân nói - Sau này được hồi hương, ông kể
lại - Những ngày lênh đênh trên biển, Bà Ba thường bảo Nghĩa quân: Chúng ta không có gì phải hối tiếc. Trên đời này, không thể để
bọn cường quyền đè đầu cưỡi cổ. Phải chiến đấu chống lại chúng, dù chết cũng
cam lòng.
Năm ấy bà
Ba chừng 34 tuổi. Người đẹp, dáng dấp giản dị mà oai phong, tinh thần thì đúng
là nữ nhi con cháu Bà Trưng. Một đêm trăng sáng, giữa biển lớn đang thét gào,
Bà đứng trên boong tàu rún mình như chim hải âu lao xuống đại dương. Biển đã
thành nấm mồ của người nữ tướng anh hùng.
Cha tôi vốn
là lính cận vệ của Bà Ba nhiều năm. Ông biết nhiều chuyện về Bà. Quê Bà ở làng
Vạn Vân. Bà là cô gái có nhan sắc, biết chữ Nho, và thích võ nghệ,
cung kiếm. Còn truyền lại một giai thoại: có một viên quan Nam triều muốn lấy
Bà làm thiếp. Bà không ưng, Sau này bàn cờ cuộc đời xô đẩy, viên quan đóng vai
đối địch với cuộc khởi nghĩa. Lúc Bà Ba bị bắt, viên quan nhìn bà buồn bã:
- Nếu ngày
ấy em lấy tôi ,có phải đời em đã không có
ngày này…
- Ông có
nghe lời Bà Triệu xưa nói “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh…”- Bà trả lời…
Bà Hoàng
Thị Thế chăm chú nghe câu chuyện của con trai người lính cận vệ Bà Ba, từ đầu
chí cuối. Bà nhớ lại ngày ở Pari, có một người đàn ông tự xưng là con trai của
viên quan triều đình tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế xưa đến gặp bà. Ông ta có ý thanh
minh cho cha mình. Ông nói cha tôi trong trận đánh ,đã tìm cách bỏ lại nhiều súng trường rãnh xoắn và dạn dược cho Nghĩa quân. Sâu thẳm trong lòng ông có niềm kính phục
người yêu nước chống ngoại xâm.
Bà Thế
không tin. Không có gì kiểm chứng. Gián tiếp cung cấp vũ khí cho Nghĩa quân, hay bị Nghĩa quân cướp vũ khí? Chỉ biết ông ta chủ động “thanh minh” như thế là
có phần ân hận về cha ông mình...
Còn ở đây,
những người con nghĩa quân thì chỉ có niềm tự hào tuyệt đối…
*
* *
Chiếc La đa
xanh biếc như con cánh cam dón dén trên những đoạn đường đất đỏ chân đồi.
Bà Thế và
Phồn đi vòng quanh Yên Thế
Nhã Nam .
Thị trấn thủ phủ. Còn bóng hình Đề Thám và các thủ hạ trong phái đoàn tham gia
những cuộc nghị hòa lần 1 lần 2. Lần hai
kéo dài tới 11 năm. Yên Thế im tiếng súng. Nghĩa quân “ngụ binh ư nông” tăng
cường xây dựng lực lượng. Còn Pháp thì ra sức mở đường chuyển vận quân lính vũ
khí . Hai bên ngoài mặt giao hảo, mà bên
trong ngấm ngầm chờ dịp diệt nhau.
Bóng hình
quân tướng Đề Thám thanh thiên bạch nhật
đi trên đường phố Nhã Nam, khẳng định vị trí của Nghĩa quân. Cả nước Pháp, cả triều đình Nam quốc phải chịu hòa, không làm
gì được Hùm thiêng Yên Thế. Những người nông dân ngang tàng nơi đây không coi
“luật vua phép nước” và chủ nghĩa thực dân ra gì. Những người “đường đường một
cõi biên thùy”.
Phồn Xương.
Trong thành lũy căn cứ địa này, Hoàng Hoa Thám đã tiếp các sĩ phu Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên để bàn đại
cục. Tiếp Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm để bàn sách lược. Kỳ Đồng đã khuyên ông không
cụm vào một nơi, chìa lưng cho kẻ thù tiêu diệt, mà phải triển khai tản ra chủ động
tấn công ...
Cũng tại
Phồn Xương, Đề Thám cùng Bà Ba và các tướng lĩnh, cả Huỳnh, cả Trọng, cả Tuyển,
Thống Luận, Ba Biều,… bàn kế hoạch tổ chức lập “Đảng Nghĩa Hưng” và “Trung châu
ứng đạo” làm nòng cốt chiến đấu. Từ đây, Hoàng Hoa Thám đã chỉ đạo cuộc khởi
nghĩa ngày 27/6/1908 trong trại lính pháo thủ tại Hà Nội với kế hoạch “Hà thành
đầu độc” giết lính Pháp. Kế hoạch được chuẩn bị chu đáo, sẽ bắn phá đồn binh
Pháp ở Đồn Thủy. Các đồn binh tại Sơn Tây và Bắc Ninh cũng sẽ bị chặn đánh, không
cho tiếp cứu. Chờ tín hiệu binh biến của lính Việt Nam trong thành, nghĩa binh
Đề Thám chờ ngoài thành sẽ đánh vào. Đường xe lửa sẽ bị chặn. Điện thoại sẽ bị cắt. Mưu đồ binh biến tưởng đâu vào đấy mà không
ngờ bị lộ, và không thành, bị đàn áp dã man. Không thành, nhưng điều này chứng
tỏ cuộc chiến của Hoàng Hoa đã dần mang tầm vóc lớn lao có tính chiến lược cách
mạng, chứ không đơn thuần là cuộc nổi loạn của nông dân “anh hùng nhất khoảnh”…
Chiếc La đa
đi vòng qua Cao Thượng, Luộc Hạ, Đồng Hom… những địa danh đi vào lịch sử với
các trận đánh oai hùng của Nghĩa quân.
Và đặc biệt là căn cứ Hố Chuối. Ba lần quân Pháp đánh vào Hố Chuối đều bị thua. Hố Chuối ngày hôm nay xanh rờn
cây lá, và vẫn còn nhiều chuối rừng mọc trên địa hình hiểm trở. Nơi này từng đầy
rẫy chiến hào ngang dọc, và đồn bốt nghĩa quân cố thủ.
Chiếc La đa
rời vùng chân núi rậm rạp đi về xuôi, nơi những đồi dẻ la đà, dẻ nứt vỏ gai rơi tí tách xuống mặt cỏ. Một làng đồi hiện ra
trước mắt bà Thế và Phồn: Làng Hả.
Hả, ngôi
làng có tên nôm na mà đi vào tâm trí Yên Thế. Bởi đó là quê hương Đề Nắm -
Người thủ lĩnh tiền bối của Đề Thám. Ngôi nhà của tướng quân Đề Nắm xưa, vẫn còn nguyên với mái lợp cỏ gianh rộng mênh mông ,và hàng rào gai găng vàng. Cháu nội đích tôn của Đề Nắm là một chàng trai vạm vỡ ra đón khách.
Bà Thế và
Phồn nhìn chàng trai như thấy phảng phất
bóng hình của người tướng quân đã phất ngọn cờ mở đầu ở đất này.
- Hãy giữ
nguyên hiện trạng ngôi nhà để làm di tích nhé - Bà Thế vỗ vai chàng trai.
- Vâng ạ- cháu nội Đề Nắm nói…
… Lương Văn
Nắm hồi bé, mồ côi, nghèo khổ. Tên lý trưởng bắt nạt cướp của Nắm vài con cá,
nửa đêm Nắm đến đốt cháy rụi tòa nhà ngang nhà nó. Ý chí phản kháng thật khủng khiếp. Nắm lực lưỡng, gan
dạ, mưu trí, khí chất khác thường. Yên Thế hồi đó bị bọn phỉ tàn quân của Thái
Bình Thiên Quốc bên kia biên giới tràn sang cướp bóc. Cứ chiều chiều vàng mặt
trời là bọn cướp hành động. Chúng vào các làng, đốt nhà, cướp thóc lúa, trâu
bò, tiền bạc. Quân lính quan phủ quan huyện yếu ớt, không dám chống trọi. Các
làng Yên Thế phải tự tổ chức các đội dân binh trai làng chống cướp. Rào làng
cho chặt, canh gác cổng ngõ nghiêm ngặt. Dân
binh sẵn sàng giáo mác. Lương Văn Nắm chàng trai uy dũng nhất nổi lên thành thủ
lĩnh chống cướp.
Đỗ Văn
Hùng, lý trưởng làng Dương Sặt bên cạnh, cũng là thủ lĩnh gan dạ có tiếng. Hai
người liên kết. Dương Sặt bị cướp thì dân binh làng Hả đến cứu và ngược lại.
Hai bên hỗ trợ nhau nhịp nhàng.
Dân quanh
vùng quen gọi Hùng là Lý Sặt. Lý Sặt gả em gái là Chung cho Nắm để thắt chặt
quan hệ. Lương Văn Nắm dần nổi lên từ chống cướp đến chống Nam Triều, chống
Tây, không chấp nhận hệ thống cai trị hiện hành. Đề Thám ban đầu là một tướng
quân dưới ngọn cờ ấy…
Nghĩa quân
Đề Nắm đã đánh thắng nhiều trận, nhưng rồi bị đàn áp khốc liệt, khởi nghĩa có
nguy cơ tan rã hoàn toàn. Đề Sặt, kẻ gan dạ từng tự áp sắt nung đỏ để tạo hình trên ngực bằng các vết sẹo, nhưng giờ nhụt
chí. Bả vinh hoa của bọn Pháp thả ra. Đề Sặt đã bí mật đầu hàng Pháp, rồi theo lệnh Pháp ám sát Đề Nắm.Cuộc khởi nghĩa như đống lửa phụt tắt. Hoàng Hoa Thám, một bộ
tướng tài ba đã khơi lại ngọn lửa khởi nghĩa, làm nó ngày càng dâng cao biến
thành cuộc kháng chiến chống Pháp lừng lẫy kéo dài
tới 30 năm…
Bà Thế hỏi
cháu nội Đề Nắm:
- Làng
Dương Sặt quê Đề Sặt ở đây không xa. Cháu nội Đề Sặt hiện vẫn đang ở trong
trang trại tường đất vây quanh từ xưa để lại. Anh có giáp mặt với cháu nội Đề
Sặt lần nào chưa.
- Dạ chưa…
Anh ta sống âm thầm, khép kín, ít giao thiệp bên ngoài, ngày ngày cũng trồng
sắn, nuôi lợn, nấu rượu, cấy lúa và thu
nhặt hạt dẻ rụng trên đồi… Anh mặc cảm vì tội lỗi tổ tông. Những ngày kỉ niệm,
hội thảo khởi nghĩa Yên Thế ở tỉnh, cháu luôn được mời đến phát biểu. Và anh ta
có lần cũng được mời như một “di vật chứng tích”, nhưng anh ta trốn biệt.
- Tôi, cậu
Phồn và cháu nội Đề Nấm bây giờ đến gặp anh ta, có nên không? - Bà Thế nói.
- Cuộc gặp
này sẽ là một sự oái ăm trớ trêu nhất. Không . Không nên - Phồn nói.
- Anh ta
phải chịu tội của tổ tông. Nhưng tôi nghĩ,
ta nên làm ơn tháo cởi, giúp anh ta nhẹ nhõm hơn một chút sự mặc cảm để thêm nghị lực hướng thiện xây đời…
Chiếc La đa
lại men theo những vòng cung đất đỏ chân đồi Yên Thế. Đứng trước cổng nhà cháu
nội Đề Sặt, ba người có cảm giác là lạ khó tả. Chiếc cổng kiên cố, tường đất
đắp cao rào kín vẫn còn. Nắng vàng hiện tại trên sân ngằm ngặp. Mái ngói rêu
mốc cổ kính. Mấy con gà sống chạy uỳnh uỵch đuổi mái ngoài vườn.
Trong không
gian này, Đề Sặt đã cam tâm hạ thủ chủ tướng trong một đêm Đề Nắm qua đây mà không biết “anh vợ” đã ngầm phản bội. Cũng trong không
gian này, một đêm tối trời, đội quân dưới sự dắt dẫn của Đề Thám đã vô hiệu hóa các
vòng gác, đột nhập, lấy thủ cấp Đề Sặt làm lễ vật tế vong linh chủ tướng.
Cháu nội Đề
Sặt người bé loắt choắt, thất sắc khi thấy “ba người khách” xuất hiện trước sân. Anh lúng túng, sợ sệt, và
“vô thức” chắp tay như vái từng người.
- Không có
gì phải ngại. Chúng tôi đến thăm anh. Cuộc
đời thường có những cuộc giáp mặt như thế này. Nào anh hãy mời chúng tôi vào
nhà, pha ấm trà, trò chuyện.
Bà Thế chụp
ảnh trang trạị Đề Sặt, lòng không khỏi
gợn buồn trước lôgíc khốc liệt của cuộc đời.
- Còn một người này nữa, ta có nên đến thăm tiếp sau đây- Bà Thế nói, khi từ nhà Đề Sặt trở ra.
- Nhà cháu
nội Bá Phức. Có phải ý chị định thế không - Hoàng Văn Phồn nói.
- Đúng.
Đường đến
làng Ngọc Châu - Ngọc Cục, quê Bá Phức, cũng không xa. Bá Phức làm cai tổng Ngọc Cục xưa,
nhà khá giả, là cha nuôi của anh Giai Thiêm mồ côi
(tên Đề Thám hồi bé). Giai Thiêm dũng
mãnh hơn người. Hai cha con đã bày mưu phục
kích đập tan được băng cướp Tự Long khét tiếng từng gieo nỗi kinh hoàng cho dân
Yên Thế lúc bấy giờ. Thắng lợi làm cho thanh thế cha con Bá Phức - Giai Thiêm
lừng lẫy. Cha con đến gia nhập cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh - Hữu Lũng -
Lạng Sơn. Hoàng Đình Kinh cũng lại nhận Giai Thiêm làm con nuôi, và đặt tên mới
cho Giai Thiêm một cái tên khá hay “Hoàng Hoa Thám” để nó mãi còn vọng vang
trong lịch sử.
Hoàng Đình
Kinh sau bị một bộ tướng là Lãnh Thảnh ngầm
cấu kết với Pháp, phản bội, bất ngờ tập kích đánh úp. Truyền thuyết kể lại
Hoàng Đình Kinh (tên quen gọi là Cai Kinh) không chết, mà hóa núi. Dân gọi tên dẫy núi chạy dài từ Yên Thế lên Hữu Lũng, Lạng
Sơn là Núi Cai Kinh. Các sách địa lý Việt Nam, từ đấy đều ghi chính thức tên
này.
Bá Phức là người mưu lược, lập được nhiều chiến công, nhưng
về già không chịu được gian khổ, thèm khát dục vọng đời thường, khi bị bắt, đã
đầu hàng Pháp, giống như Đề Sặt. Pháp bắt Bá
Phức dấu mìn trong tráp, vào thăm “con nuôi Đề Thám”, khi trở ra, để tráp lại
dưới gầm giường cho mìn nổ. Thám biết trước, đề phòng, đồng thời tương kế tựu
kế, vờ làm lễ tang và bày kế mai phục. Pháp tưởng Thám chết, lập tức tấn công
đại bản doanh. Lọt vào mai phục, Pháp bị đánh tơi bời. Chuyện ấy trong sử lớp 4 có ghi rõ, trẻ con đứa nào cũng
biết.
Nếu không có
chuyện phản bội, Bá Phức với các chiến công thời kỳ đầu của mình, có thể tên
được ghi vào bảng vàng khởi nghĩa. Nhưng
không ...Trong khi tên người khác được đặt cho dãy núi (Cai Kinh) ,thì tên Bá
Phức thành biểu tượng của sự ô nhục....
Cháu nội Bá
Phức giờ cũng ở trong một trang trại nhỏ, cấy lúa nuôi lợn như các gia đình
khác trong làng. Nhưng anh không đến nỗi sợ sệt như cháu nội Đề Sặt. Có lẽ vì
“cái tội tổ tông” của anh không đến nỗi có hình ảnh lưỡi gươm hạ thủ cấp. Anh chép miệng buồn rầu:
- Con cháu
tôi phải mai danh, ẩn tích, đổi họ, để đi học lớp
4 không bị bạn bè trong lớp ê ê: “Mày là con
cháu Bá Phức”.
… Chiếc La
đa trở lại nhà sau một ngày rong ruổi khắp vùng Yên Thế. Buổi tối, trên bậc
thềm đá, hai chị em bà Thế ngồi nhìn vầng trăng mọc sau dải đồi nhấp nhô.
Chắc ngày
xưa, đôi vợ chồng tướng quân Hoàng Hoa - Đặng Thị Nhu, từng dạo bước trên dẫy
đồi kia. Đồi và trăng còn đó, mà người thì đã thành sương khói.
Mối tình
của hai người xưa là mối tình của người chung lý tưởng. Trong khi bao bộ tướng
phản chủ, thì người nữ nhi đã lao đầu xuống biển thà chết không khuất phục giặc. Bà xứng đáng với người chồng anh hùng.
Vầng trăng
càng lên cao càng sáng rõ. Bà Thế đưa tay như muốn ôm lấy vầng trăng Yên Thế áp
vào tâm khảm mình.
10-7-1014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét