GIẢI CỨU
Truyện ngắn
của Nguyễn Phan Hách
Tôi
nhận trách nhiệm của Công ty Du lịch thực hiện chuyến lữ hành cho nhóm Cựu binh
Mỹ. Từ sân bay Nội Bài tôi đưa họ về khách sạn Sôphiten Hồ Tây. Buổi chiều đưa
họ đến địa điểm di tích nhà tù Hỏa lò. Nhà tù Hỏa Lò xưa chiếm cả một khu rộng
lớn phố Lý Thường Kiệt, giờ còn lại một góc nhỏ tượng trưng, nhường đất xây
khách sạn Tháp Hà Nội nguy nga đồ sộ.
Giắc xi - người khách già nhất, là
phi công Mỹ ném bom miền Bắc, bị bắn rơi năm 199X, từng bị giam ở nhà tù Hỏa
Lò. Bây giờ trở lại, lòng bồi hồi khó tả. Người quay phim tư liệu của Đoàn chộp
được những khuôn hình sống động khi Giắc xi, bước xăm xăm vào quá khứ.
- Trời ơi, không còn những gian phòng
mà chúng tôi đã ở ngày xưa. Đây chỉ là không gian tượng trưng. Tiếc quá. Khách
sạn thì xây chỗ nào chả được. Di tích nhà tù thực dân Pháp xây từ ngày xưa, mới
là quý báu vô giá, làm bảo tàng chứ.
Giắc xi đứng như ngây dại. Hà Nội hôm
nay nắng thu vàng rơi, mênh mang, lòng Giắc xi xao xuyến.
Giắc xi đến đây, năm ấy đã ngoài 40 tuổi. Người anh hùng trẻ
trung lái máy bay Đồng minh đổ bộ lên Noóc măng đi, đuổi phát xít Đức, vinh quang ngày xưa, giờ là tù nhân lặng lẽ trong
bốn bức tường bức bối. Người phi công từng tung hoành trên bầu trời Địa Trung Hải xanh lơ
rượt bọn quạ sắt Chữ Thập ngoặc, số phận run rủi thế nào mà giờ phải bó gối trong các cấu kiện xi măng ngột
ngạt, mà chủ nghĩa thực
dân cũ dựng lên,
trong phong trào phương Tây thời đại cơ khí, nô nức đi xâm lược phương Đông thủ
công.
Giắc xi xua tay không nghe lời thuyết
minh bảo tàng. Ông cần không gian yên tĩnh để hồi tưởng…
Đứng cạnh Giắc xi là Xpenxơ trẻ hơn,
nhưng tóc râu cũng trắng xóa, cũng là phi công thượng hạng của không lực Hoa
Kỳ, lái trực thăng phản lực. Xpenxơ không bị tù ở đây, nhưng lại có kỷ niệm về
sự thất bại ê chề tuyệt vọng trong trận giải cứu không thành trại tù binh Mỹ ở
Sơn Tây. Đồng bộ, thêm Ôoen, anh lính biệt kích đi trên trực thăng của Xpenxơ, đi giải cứu trượt năm đó.
Ba anh lính về già, sống nhiều bằng
hoài niệm, rủ nhau tìm “cảnh cũ người xưa”....
Sau nhà tù Hỏa Lò, mục tiêu tiếp là
trại tù Sơn Tây. Chiếc Lanhcugiơ của Công ty Du lịch vượt mấy chục cây số qua
cầu sông Tích đến địa điểm Xã Tắc (xóm Cầu Cộng - Trung Hưng - ngoại ô thị xã).
Buổi sớm mùa hè, vừa qua trận mưa
đêm, vẻ hoang tàn của di tích trại tù Xã Tắc xưa càng gợi cảm xúc.
Những bức tường rêu mốc, trơ trụi ,của dẫy nhà mất mái chạy dài. Những
bụi cây dại, bãi trống cỏ hoang, đường sỏi, thấp thoáng vài đoạn thép gai hoen
rỉ.
Có gì buồn bằng cảnh phế tích trại
tù. Đây đúng là trại tù chính hiệu. Nó xây lên để giam thường phạm. Sau năm 1965 được sửa sang để giam phi
công Mỹ. Cuộc chiến tranh leo thang bắn phá hậu phương miền Bắc của Mỹ ngày
càng ác liệt. Miền
Bắc đâu chịu để lũ giặc trời hoành hành. Khắp nước, các trận địa cao xạ pháo,
các dàn tên lửa mọc lên như nấm. Máy bay Mũ sau này thống kê lại trong suốt
thời chiến tranh phá hoại, đã bị rơi vài ngàn. Phi công Mỹ tử trận. Số còn lại, vài
trăm, bị bắt sống khi nhẩy dù .Trại Sơn Tây được thành “Khách sạn Hin Tơn” đón phi công. Hỏa Lò đã quá
tải. 70 vị Pi lốt
Pi gia ma (Phi công
mặc quần áo ngủ) được chuyển từ Hỏa Lò lên đây một đêm giá lạnh cuối năm 1968…
… Đoàn cựu binh Mỹ đứng ngẩn người trước phế
tích hoang vu .
Xpenxơ và Ôoen thì lăng
xăng đi lại xác định vị trí mà ngày xưa họ đã hạ trực thăng, đổ bộ.
Ông Bạng, nhà ven đường, cạnh trại
tù, người chứng kiến trận tập kích đêm 20-11-1970, giờ tự nguyện thành người “hướng dẫn
du lịch nghiệp dư”. Ông thích làm việc này, có đoàn nào đến, là ông lăng xăng kể
chuyện.
- Lúc đó tôi là chú bé con- ông Bạng nói - Nghịch lỗ giời, lỗ đất, táo tợn không biết sợ là gì. Ngày nào tôi chả
loanh quanh khu vực này. Nó được rào chặt, biệt lập, có tháp canh, xe quân sự bịt kín ra vào
lặng lẽ trong đêm. Dân làng nghĩ chắc là kho hàng quân sự. Biết đâu lại là trại tù phi công Mỹ .Nếu biết có phi công Mỹ, thể nào tôi
cũng lẻn vào xem mặt. Chỗ nào tôi chả
đột nhập được. Tôi có thể leo qua cả cái tháp canh kia. Tổ chim sáo trên ngọn cây , tôi
còn trèo vắt vẻo.
Ông Bạng cười khà khà, phì phèo điếu
thuốc Giắc xi vừa mời.
- Tôi chính là một phi công được
chuyển từ Hỏa Lò lên đây - Giắc xi chỉ vào ngực. Tôi phiên dịch lại. Ông Bạng
mở to mắt cười khoái chí ,vì gặp nhân chứng. Ông thường rất tự hào vì nhà mình gần trại
tù ,và chứng kiến cuộc giải cứu không thành của Mỹ
năm ấy.
Giắc xi nói:
- Ngồi trong xe kín mít, trời tối như
bưng, từ Hỏa Lò đi, đêm ấy, tôi không thể nào phán đoán được hướng di chuyển. Chỉ biết xe chạy gầm gừ, xóc
nẩy, không xa, rồi bị tống vào một căn phòng. Mới đầu tôi tưởng bị giam biệt
lập, sau thấy được ra sân trại giao lưu với các bạn tù, được tập thể dục, tự
nấu ăn lấy, đọc sách báo,… Ở đây toàn các anh hùng đi mây về gió cưỡi Người nhà trời (AD.6), Thần sấm (F.105), Con ma
(F.4), Thập tự quân (F.8), Kẻ đột nhập (F.6), Ngôi sao chiến đấu (A.104), Cướp
biển (A.7), Chim ó nhà trời (A.4)… bây giờ về đây lủi thủi nhìn nhau sượng sùng, chán chường,
tuyệt vọng.
Chúng tôi được ăn uống không đến nỗi
nào. Có bánh mì, rau xanh, thịt bò, dứa, chuối…
- Tiêu chuẩn ăn của các ông hồi ấy gấp
14 lần tiêu chuẩn của cán bộ chúng tôi đấy - Tôi đế vào.
Giắc xi gật đầu:
- Xin cám ơn – Rồi cười - Nhưng dù có ăn hơn thế nữa,
thì chúng tôi cũng chỉ mong thoát khỏi nơi này. Chúng tôi được đi lao động, xúc
đất, san nền... xây dựng nhà ăn, bể nước, khu vệ
sinh. Trong lúc làm, nẩy ra ý định lợi dụng cơ hội này. Nhìn lên bầu trời, thỉnh
thoảng có máy bay trinh sát không lực Hoa Kỳ bay qua, tôi biết họ hoàn toàn có
thể chụp được những bức Không ảnh chi
tiết về nơi này. Thế là chúng tôi bảo nhau ngầm trình bày các tín hiệu, xin
giải cứu, báo cho Sở chỉ huy ở nhà. Những rãnh đào, đống đất , đống gạch được
đổ hình khác thường, gợi tả các thông tin gây chú ý. Quần áo tù phơi trên dây
thép ngoài sân được gấp tạo thành các chữ viết tắt SOS (cấp cứu), K (hãy đến cứu),
SAR (tìm và giải thoát …).
Những việc làm tưởng như vô ích ấy, nhưng hóa ra đã góp phần nào cho Bộ
chỉ huy ở nhà, sau những tháng năm phân tích hàng núi thông tin, bằng nhiều
biện pháp khác nhau của ngành tình báo gián điệp,năm 1970, họ đã xác định được vị trí
trại giam Xã Tắc này.
Chúng tôi nằm trong tù, ngày này qua
ngày khác, lòng chán chường, nhưng không khỏi nhen nhóm hy vọng. Trại giam trống
trải giữa đồng, những vòng canh gác không lấy gì làm dày đặc. Các trạm đồn trú
của quân đội không ở sát nách. Vị trí chơ vơ này, trực thăng biệt kích Mỹ có
thể đột nhập. Trong chiến tranh thế giới thứ Hai, máy bay Đức đã giải cứu được
Mutxôlini khi bị giam, và nói chung những chuyện tượng tự như thế thường xuyên xảy ra.
- Tôi được tuyển chọn vào Đội Giải cứu với sự tự kỳ vọng mình sẽ là người anh hùng. Và tôi đã quả thật dũng cảm tài ba , khi lái
chiếc trực thăng khổng lồ HH-53 đậu xuống được
sân tại tù Xã Tắc này-
Xpen xơ nối tiếp
câu chuyện - Càng trực thăng vướng dây thép, cánh quạt dài 62 bộ băm nát các
ngọn cây, cuối cùng đụng một thân cổ thụ, và bổ nhào. Tuy vậy trực thăng đã tiếp đất . Và đội biệt kích do anh Ôoen đây
dẫn đầu đã lao xuống, thọc được vào các phòng giam…
Nhưng
thôi, để có giây phút này, tôi phải nói
lại những gì đã diễn ra trước đó .Hồi ấy, tôi đang là ngôi sao với bao huyền
thoại về thành tích bay hàng ngàn giờ cùng nhiều cuộc giải cứu phi công phản lực bị bắn rơi ở
Đông Nam Á.
Tôi được triệu tập về trên tinh thần
tình nguyện. Có mặt toàn những tay lái siêu hạng. Có người từng lái HH3 bay một mạch từ
New york sang Paris. Có người là sĩ quan huấn luyện bay của chương trình Apolo.
Chúng tôi tập trung tại một căn cứ ở
Phờloriđa, tập dượt. Họ dựng mô hình nhà tù tỷ lệ 1/1 như thật, đúng từng chi tiết có
được từ các bức Không ảnh.
Đoàn bay được xác định là phải tránh
được trạm các Ra đa phát hiện, tránh đòn của hệ
thống pháo Phòng không dày đặc ở Bắc Việt. Vì vậy phải tập bay ngoằn ngoèo bên sườn các dãy núi đá nhọn nhấp
nhô. Bay thấp, bay đêm, có khi xà xuống sát ngọn cây. Lại phải bay ép tốc lực, cực kỳ nguy
hiểm. Chỉ cần sai sót một chút là va quệt, rơi tan xác.
Các toán
biệt kích được tập luyện đổ bộ trên sa bàn, làm đi làm lại thuộc lòng như cháo
chẩy…
… Ôoen
có lẽ là người trẻ nhất trong nhóm du lịch. Gương mặt hầm hố, trông anh giống
một cầu thủ bóng đá hết thời, cố níu kéo phong độ cũ. Ôoen chỉ Xpenxơ:
- Tôi
“vinh dự” được chỉ huy tốp biệt kích ngồi trong chiếc HH.53 của anh Xpenxơ lái.
Nhiệm vụ của chúng tôi nặng nhất. Các tốp khác triển khai chiến đấu xung quanh,
trực thăng hạ ngoài bãi trống. Riêng HH.53 phải đậu xuống chính sân trại tù…
Gần đây,
các anh xem ti vi, chắc có biết chuyện biệt kích Mỹ “xuất quỷ nhập
thần” bay vào nước Pakixtăng giết trùm khủng bố quốc tế khét tiếng Bin la đen lập
chiến công chấn động thế giới.
Họ giỏi
như thế nào, thì thế hệ trước, trình độ chúng tôi cũng chẳng kém.
Xpen xơ
vỗ vai Ôoen:
- Các
biệt kích được tôi luyện xương đồng da sắt, thành “siêu nhân”, sức chịu đựng
khác hẳn người thường. Không hiểu cái gì làm nên sự linh hoạt, dũng cảm như thế.
Ôoen
trầm ngâm:
- Hàng
trăm biệt kích tham gia vụ này, và muốn thành “người hùng” giống như “Người Nhện”, “Người Dơi” trong phim Hôlyút miêu tả... Tôi còn
nhớ, sau một thời gian luyện tập, đêm 6-10-1970, là cuộc tổng diễn tập bắn đạn
thật. Tinh thần anh em khí thế ngùn ngụt, chỉ lo vì lý do gì chiến dịch bị dừng
lại.
Tôi được
biết trong cuộc họp của Tổng thống Ních Xơn với các tướng ta, tổng thống đã
hỏi:
- Có
chắc chắn giải thoát được tù binh không?
Các
tướng tá đã cam đoan chắc chắn.
Kế hoạch
là tất cả sẽ chỉ diễn ra trong 27 phút là xong việc. Quanh Sơn Tây có tới 12
ngàn quân Bắc Việt đóng. Nhưng khi được báo động chiến đấu, cũng
phải 30 phút sau mới đến kịp. Các sân bay quân sự Phúc Yên, Kép ...rất kém
về hệ thống báo động, cũng như phương tiện kỹ thuật để chiến đấu ban đêm.
Xpen xơ
bổ xung:
- Phụ
trợ cho chiến dịch này Bộ chỉ huy đã hợp đồng với các đơn vị khác, để nghi
binh. Hàng trăm máy bay từ các hạm đội ngoài khơi sẽ đánh phá dữ dội ở Hải Phòng để hút sự chú ý của phòng không
Bắc Việt về phía ấy, mà lơi là mặt trận Sơn Tây.
- Ngày
18-11-1970, chúng tôi được chở từ Mỹ đến phi trường Tắc li (Thái Lan), bay hết
đúng một ngày một đêm. 6 giờ tối, toàn đội lúc bấy giờ mới được phổ biến sẽ đổ
bộ vào sâu nội địa Bắc Việt. Trước đó chỉ biết tập trên sa bàn chung chung…
Xpen xơ
hào hứng ôn chuyện:
- Đoàn
trực thăng 5 chiếc lên đường lúc 23 giờ 18 phút ngày 20-11-1970. 2 chiếc C141
để trống, không tải, chờ đón 70 tù binh được giải cứu. Chiếc C130 với khí cụ
bay đặc biệt, với hệ thống hồng ngoại, dẫn đường. Tất cả lừng
lững lao trong màn đêm.
Từ sân
bay U đon, bay dọc biên giới Lào Việt , được tiếp dầu trên không, rồi ba giờ sau, vào đến
không phận Bắc Việt. Trăng sáng lờ mờ. Tôi cho chiếc HH-53 hạ thấp độ cao cách
mặt đất 150 mét. Sông Đà hiện lên lấp loáng, và lờ mờ
hình núi Tam Đảo.
2 giờ 17
phút đến Xã Tắc, Sơn Tây.
Chiếc
C130 bắn pháo sáng rực trời. Đoàn trực thăng xà xuống.
Chúng
tôi nhìn rõ ba chiếc tháp canh của trại
tù. Súng Gát linh gắn bên sườn trực thăng nhả đạn. Tháp canh đổ xụp.
Đoàn
trực thăng thả 100 lính biệt kích xuống các vị trí chiến đấu rồi đáp xuống bãi
trống. Cánh quạt để thường trực quay tít. Như đã nói lúc nãy, tôi cho HH.53 đậu
xuống chính sân trại. Đỗ xuống tiếp đất được tại đây là một thành công lớn.Suốt
dọc đường chúng tôi đã không bị ra đa phát hiện, không bị pháo và tên lửa đánh
chặn.
Ôoen
cười khì khì:
- Đoàn
biệt kích xả súng, giật mìn làm náo động cả một vùng. Còn nhóm của chúng tôi từ
chiếc HH-53 trong sân trại, lao ra đập cửa các phòng giam, gọi loa: “Chúng tôi”
là người Mỹ, chúng tôi đến giải cứu các anh…” Đáp lại, tất cả trống không. Các phòng giam hoang
vắng, không một bóng người. Toàn khu trại, không một tiếng súng chống trả của
quân Bắc Việt.
- Sục tìm tất cả các nơi.
- Có tìm thấy ai không?
Chúng tôi quát gọi nhau.
- Báo
cáo không thấy ai cả.
- Báo
cáo không một bóng tù binh.
- Sục
tìm lần cuối cùng trước khi rút.
- Lần
cuối cùng.
- Kiểm
soát xem còn sót nơi nào không?
Đèn pin
quét loang loáng những căn nhà bụi bậm, ẩm mốc.
- Không
tìm thấy một ai cả.
- Không
tìm thấy một ai cả.
Tiếng báo cáo tuyệt vọng, đau đớn.
Cuộc tập kích đã diễn ra được 18
phút. Còn 9 phút nữa, phải rút theo kế hoạch, bởi cũng theo kế hoạch, 30 phút là
đủ thời gian quân Bắc Việt quanh đây sẽ đến. Phải rút trước 3 phút.
Cuộc tập kích thật gan dạ, thật anh
hùng, nhưng đã thành người hùng Đông ky sốt đánh nhau với cối xay gió. Thật
khôi hài, nhục nhã, ê chề.
Trong lịch sử “biệt kích” chẳng có cú
nào đau bằng cú này. Tốn bao công sức mà kết quả âm. Bao nhiêu “bộ óc chiếc
lược” siêu việt của các tướng tá chóp bu, bao nhiêu năng lực của hệ thống tình báo bậc nhất thế giới, bao nhiêu
săn sóc lo lắng của Tổng Thống, bây giờ tất cả thành trò hề...
- Tôi cho kích hoạt phá hủy chiếc
HH53 bằng thuốc nổ cài sẵn vì nó va quệt đã hỏng, không thể bay lên được nữa. Xpenxô
nói - một tiếng nổ xé trời như là dấu chấm hết cho cuộc giải cứu vô duyên. Khắp
nơi lính biệt kích chạy như vịt về các trực thăng ngoài bãi. 2 giờ 44 phút, đoàn trực thăng bốc
lên.
Đúng thời hạn 27 phút. Hai chiếc C141 “không lấy được hàng”,
rộng rênh, trở về. Chuyến đi hăm hở bao nhiêu. chuyến về ỉu xìu, tuyệt vọng bấy
nhiêu.
Điện đài thông báo về Sở chỉ huy ở
nhà kinh hoàng rụng rời cả Tổng thống…
...Ông Bạng, hiểu lõm bõm câu chuyện của nhóm cựu binh Mỹ qua
lời tôi phiên dịch. Nhưng ông cần gì câu chuyện đó vì chính ông đã được “mục sở thị” nó tại đây.
- Hôm đó tôi đang ngủ - Ông nói - Quá nửa đêm choàng thức dậy vì nghe
tiếng cánh quạt trực thăng gầm rú như gió bão.
Mới đầu tôi nghĩ máy bay ta tập trận.
Vùng đồi Sơn Tây này hồi
đó lúc nào chả có bộ đội đủ các binh chủng nườm nượp luyện tập. Pháo binh bắn
đạn thật, nổ vang trời, nghe sướng tai. Bộ binh dàn quân. Xe tăng quần đảo, kém gì trong phim
Vòng Cung Cuốc của Liên Xô ngày xưa.
Bây giờ đến trực thăng tập đổ bộ. Tôi
dụi mắt, mở cửa liếp ra ngoài. Trước mắt, bóng những người cao lớn, đội mũ sắt
xì xồ chạy đi chạy lại. Đạn xé lên. Pháo sáng rực trời. Không phải bộ đội mình.
Tôi kinh hoàng nghĩ. “Kho hàng quân sự” của ta trong kia đã bị bỏ hoang nhiều
tuần nay. Không còn bóng xe vào ra. Bộ đội canh gác đã rút hết. Chỉ còn mấy anh bảo vệ ốm yếu
trông coi lấy lệ. Vậy thì biệt kích Mỹ đến đây làm gì.
Chiến dịch mà Tổng thống Mỹ hồi hộp
đợi chờ từng giây từng phút ngày ấy hóa ra kết quả chỉ thắng lợi là bắn chết được hai
đứa trẻ con và một người đàn bà bên cạnh nhà tôi, đang nấp dưới gầm giường…
Còn tôi, cũng đừng hòng làm gì được
tôi, vì sau khi biết được “ý đồ chiến dịch” của đối phương, tôi chạy vọt vào
một bụi rậm. Từ “căn cứ chiến thuật” này, tôi phóng tầm mắt quan sát lính biệt
kích hốt hoảng lên máy bay rút chạy.
Ông Bang cười vang. Cả đoàn cựu binh
Mỹ cùng cười. Họ không tự ái. Chính họ cũng chế riễu cuộc tập kích.
Giắc xi chua chát:
- Đêm 20-11 ấy, chúng tôi bị giam ở một trại tù mới, chỉ cách Xã Tắc 15 cây số. Nghe những tiếng nổ
chấn động từ Xã
Tắc vọng đến, chúng tôi cay đắng chết lặng, gục xuống sàn khóc.
Trời ơi, sao đời lại trớ trêu thế này. Chỉ cách 15
cây số. Một cái nhún của trực thăng... Chúng tôi bị chuyển đến đây trước đó vài tuần. Không hiểu vì sao nửa đêm
đùng đùng xe chở đi. Nhưng nào có đi xa. Vậy mà không ai biết. Hùng hổ đổ quân
tập kích xuống chỗ không người. Bọn chỉ huy ở nhà ngu dốt đến thế là cùng.
Năm 1972 Bắc Việt biết trước cuộc tập
kích B52 vào Hà Nội trước 3 giờ. Máy bay B52 ở Guam và Utapao được nạp đầy xăng
vào giờ nào, Bắc Việt
cũng biết. Thế cơ mà. Còn ở đây, cái trại tù lồ lộ giữa đồng không mông quạnh,
mà bọn tình báo Mỹ lừng tiếng giỏi giang, không làm được trò gì. Một lũ ăn hại...
Cuộc tập
kích thất bại bộc lộ sự quan liêu, máy móc, kiêu căng, chỉ trông cậy vào kỹ
thuật của cả hệ thống Mỹ .“Không ảnh” ...ảnh thì vẫn đúng thế
đấy, nhưng cái gì bên trong ảnh đã khác rồi....
Sau này về Mỹ, ngẫm nghĩ, tôi rút ra
một điều là lý do Việt Nam chiến thắng, một phần là nhờ đường lối “chiến tranh
nhân dân”. Phía Mỹ, thiếu cái phần “nhân dân” kia, nên không có” tai mắt”, không ai bảo cho biết: trại tù đã
chuyển…
… Một ngày tha thẩn ở di tích trại tù
Xã Tắc, những người cựu binh Mỹ để cho nắng gió ở đây ngấm vào mình. Giắc xi
còn nhặt một mảnh gạch vỡ, và khăng khăng đó chính là gạch từ phòng giam ông ngày trước. Ông nói sẽ về trưng bày trong tủ
kính tư gia tại Mỹ. XpenxƠ và Ôoen thì đi tìm cái gì là dấu tích của cuộc hạ cánh chiếc HH-53 . Không có gì cả. Một mẩu kim loại
cũng không còn. Cuối cùng hai người nhổ một bụi cỏ kẽ gạch sân trại, ép vào quyển sổ. Những ngọn
cỏ xanh rờn
phủ khắp nơi đây...
Giắc xi cầm tay tôi, cảm khái:
- Tôi đã quá già, đã đi gần hết cuộc
đời. Tôi đã sống trong lòng thế kỷ 20 cuồng phong bão lửa, thế kỷ mà qua đấy
người ta có thể rút ra được những gì là chân lý cơ bản nhất của cuộc đời.
Chúng tôi là anh hùng, là có lý tưởng
khi cưỡi máy bay đuổi đánh phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ Hai. Nhưng chúng tôi thật là vô lý khi đem máy bay đến dội bom trên
đất nước Việt Nam hiền lành.
Năm 1973, được “trao trả tù binh”, về Mỹ, tôi thường ngồi Thiền và đọc sách. Tôi ngộ ra rằng
loài người lắm cái vô lý thật. Vận dụng hết mọi sự tài ba ra đánh nhau. Mặt đất
mênh mông, chúng ta cùng sống bên nhau dưới ánh mặt trời có phải tốt hơn không?
Chúng tôi hôm nay đến đây chính là
góp thêm một tiếng nói cho chân lý ấy…
Đại Yên, 20-6-2014