ĐÌNH LÀNG
Tản văn
Nguyễn Phan Hách
Bao giờ cho đến tháng hai/ Cho làng mở hội gái trai ra đình / Trên thì trống đánh thậm thình / Dưới thời trai gái có tình với nhau…
Đức Thành hoàng cai quản phần hồn của cả làng. Nhưng trên đình cứ cúng bái linh thiêng, còn sân hội để người ta yêu nhau.
Sự hài hòa đáng yêu. Mồm vẫn phải nói: “Nam nữ thụ thụ bất tương thân”, nhưng thực tế không thể cách ngăn trai gái.
Sợ nhất thói đạo đức giả, cấm đoán khát vọng của con người. Một dân tộc đạo đức giả sẽ suy thoái ,vì con người không được là con người tự nhiên.
Đình xưa là tâm điểm của cả làng. Một công trình kiến trúc đồ sộ nhất, mỹ thuật nhất. Mái đao cong làm đình như cánh diều bay bổng. Đôi rồng từ trời xanh bay xuống đậu trên đỉnh nóc. Lớp lớp ngói bát ngát rêu phong. Qua đình ngả nón trông đình / Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu… Nhìn mái đình lại liên tưởng đến tình yêu, chứ không liên tưởng đến phụng thờ. Con người vốn bản chất là như thế. Tình yêu là trên hết, là số một. Sau mới đến các thứ khác.
Đình làng, cửa võng sơn son thếp vàng rực rỡ. Phù điêu trạm khắc gỗ miêu tả cảnh sinh hoạt của người Việt xưa.
Tín ngưỡng phồn thực là điều có thật trong dân gian. Phồn thực tức là để sinh ra con người. Trên đời này còn gì thiêng liêng cao quý hơn việc tạo ra con người. Bởi thế dân mình đưa phồn thực lên thành tín ngưỡng phụng thờ.
Thờ ở đâu? Ở chỗ linh thiêng nhất. Trên chùa, và nơi thánh địa (ví dụ Mỹ Sơn). Linh ga bằng đá có rồng mây ấp (ví dụ Chùa Dạm) ngả bóng trên đài Yoni.
Vì vậy có đình làng có cả những bức trạm gỗ cảnh con trai con gái khỏa thân bên đầm sen. Chuyện không lạ. Trống đồng ngàn năm còn đúc nổi hình trai gái đè lên nhau. Khách tham quan bảo tàng hỏi: Hình gì đây. Cô thuyết minh ngượng ngùng đỏ mặt.
Có phù điêu đình làng còn dí dỏm bức tranh truyện “liên hoàn”. Cô gái ra gánh nước. Chàng trai bóp vú cô bên giếng. Chàng trai khác ghen, lấy ống xì đồng thổi đạn đất sét vào đít. Ghen xưa chỉ thế thôi, chứ không bạo lực như bây giờ.
Có đình gần kinh đô cổ Vua Hùng, còn có Hội làng với nghi thức “linh tinh tình… phập”. Hoàng nam và Ngọc nữ cầm sinh thực khí sơn son thiếp vàng. Chiêng trống âm vang, khói trầm nghi ngút. Chủ tế ngân nga: “Linh tinh tình…” đến âm phập thì Hoàng nam, Ngọc nữ múa may, xáp lại cắm hai sinh thực khí vào nhau. Cắm chệch là năm đó cả làng sẽ mất mùa, dịch bệnh.
Đất cổ Bắc Ninh xưa có làng có Hội chen. Trong khi quan viên tế lễ nghiêm trang thì ngoài sân tắt đèn cho con trai con gái chen nhau. Khi đèn thắp lại, yếm đào con gái đứt dải vương đầy trên sân. Yếm không rơi, năm ấy “quan ôn” sẽ mò về làng, không khéo chết sạch!
Làng tôi, mấy bác nông dân thích làm vua quan nên Hội làng, đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng vàng, lọng che đầu, đi rước quanh làng. Ba ngày hội, mở toang cửa đình hát xướng thờ thần. Người thích nghe hát ,thì thần chắc cũng thích nghe. Cứ hơng bái cúc cung mãi, thần cũng chán. Gọi Ả đào ca trù xinh đẹp về đây hát. Đàn đáy tấm tưng, trống chầu tom chát, phách nhịp giòn tan, ca nương mắt liếc đổ quán xiêu đình…
Quê tôi có một xã, cả làng làm nghề đi hát ca trù kiếm ăn ngày xuân. Các Văn nhân, nhà Nho thi trượt, tha hồ sáng tác thơ cho ca nương ca trù “phổ nhạc”, biểu diễn.
Ngày thứ nhất hát Ả đào, thì ngày thứ hai sẽ là Hát chèo. Những Cô đào chèo mướn từ huyện bên, áo mớ bẩy mớ ba múa như đàn bướm. Câu hát Đào liễu véo von. Ngày giã hội, gọi phường tuồng làng Bắc. Làng ấy hát Tuồng cũng là nghề kiếm ăn. Diễn viên chuyên nghiệp đến mức thành tên gọi hàng ngày có phó đại từ kèm theo: Ông Thái sư Cù, bà Công chúa Bưởi… Những ông tướng Tuồng mặt đỏ râu dài, diễn những tích tuồng khái quát được hết mọi chuyện mưu bá đồ vương, tranh giành quyền bính của cả ngàn năm phong kiến bên Tầu.
Đình làng có hồ bán nguyệt ,cho thuyền rồng liền anh liền chị Quan họ giao duyên. Tiếng hát Quan họ đắm say ru cuộc đời vào trong giấc mộng.
Không có đình làng, không có hội hè, cả làng quanh năm chìm trong cuộc sống cằn cỗi buồn tẻ. Các Thành hoàng làng thường “bao dung” trong kỳ hội hè, nhưng bình thường thì oai nghiêm, kỷ cương, nề nếp. Kẻ nào bậy bạ sẽ bị Thành hoàng trừng phạt đến nơi đến chốn.
Cả làng thờ phụng Thành hoàng, coi đó là đấng tối cao, là đối tượng để tin, để cầu mong phúc đức.
Thành hoàng thường là các văn thần, võ tướng có công với dân với nước, các triều đại đều có sắc phong.
Nhưng cũng có Thành hoàng vốn chỉ là dân thường có công tích gì đó với làng quê. Ví dụ là người đầu tiên đem nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa cho quê. Dạy nghề đục đá, khảm trai, đan lát. Nghĩa là nuôi sống các thế hệ mai sau. Những ông tổ nghề là Thành hoàng thiết thực nhất.
Có Thành hoàng công tích mơ hồ trong truyền thuyết: Có công kiện thắng Hà Bá, vì Hà bá mỗi năm bắt làng cống nạp bằng cách ném một cô gái xuống sông, nếu không thì dâng nước cho ngập lụt…
… Các “phúc thần” thần tích vẻ vang. Nhưng cũng có nhiều Thành hoàng chỉ là người đầu tiên lập nên làng.
Một làng nọ, vùng đất ấy xưa hoang hóa, có một ông tướng cướp, đến trú ngụ. Ông tướng cướp giải nghệ, khai hoang lập ấp. Thế là sau thành Thành hoàng. Vậy là làng thờ thần ăn cướp. Hội làng, đám rước mô phỏng một đám cướp, hô hoán reo hò…
Buồn cười hơn là có làng thờ Thành hoàng ăn mày. Một ông ăn mày đã lập làng, ăn mày các nơi về tụ bạ. Vậy là cả làng ấy có nguồn gốc là dân ăn mày. Nhưng họ chẳng tự ái, và không ai dám nghĩ đến việc thay đổi Thành hoàng.
Mấy trăm năm trôi qua mà họ vẫn thực hiện nghi lễ “hành hương ăn mày”. Sau tết, mỗi nhà cử một người, cha, mẹ, vợ hoặc chồng sắm bị gậy tỏa đi các nơi… ăn mày. Ăn mày thật sự theo nghĩa đen, chứ không phải nghĩa bóng. Đến các nhà xin nắm gạo. Có “ăn mày viên” là người đàn bà trẻ xinh đẹp, ai cũng cho, một ngày thu hoạch cả mấy chục cân.
Hết tháng giêng, đoàn “hành hương ăn mày” theo nghi lễ , lại lục tục trở về nhà.
Cuộc “hành hương” gian khổ để tưởng nhớ công ơn tiên tổ. Huyện, tỉnh xuống bảo: Nên bỏ phong tục này. Nhưng người làng sợ Đức Thành hoàng trừng phạt…
Các Thành hoàng loại này không được các triều đại “sắc phong”. Đình làng không có biển “Mỹ tục khả phong”. Nhưng các làng chả cần. Xem ra các làng sợ Thành hoàng hơn sợ Vua…
20-8-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét