Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

CỦA PHÙ VÂN
Truyện ngắn
Của Nguyễn Phan Hách

Tin đồn bà cố Thự sang năm khao lão mừng thọ 100 tuổi làm náo nức, đợi chờ như sắp Hội làng.
Cả làng Múc, vẫn nghèo,chỉ tạm đủ ăn. Riêng nhà bà Thự giàu “phú gia địch quốc” “Ai về núi Đụn sông Kho / Làng tôi có kẻ nằm ho ra tiền”. Câu ca dao ấy là nói về ông Đức Thành, cháu nội đích tôn nhà cụ Thự, đã làm nên cơ nghiệp.
Khách xa đến làng Múc, từ trên đê đã thấy mái tháp của Dinh thự gia trang mang tên “Triêu dương” in hình trên bầu trời. Đến gần thì thấy một quần thể kiến trúc Đông Tây hài hòa. Nhà như chùa soi bóng đáy hồ. Biệt thự như bứng từ Pari cổ kính về, đt bên dòng “tiểu khê” xanh biếc. Hoa viên rực rỡ, cổ thụ um tùm. Bến đá rêu xanh, thác khe róc rách. Tường đá dài như thành. Cột lim vòng tay người ôm. Hầm ngầm dưới đất có điện chiếu sáng, trữ đủ nước ngọt, lương thực, trang bị tiện nghi có thể sống thoải mái, đồng thời là nơi chứa của cải phòng khi loạn lạc, trộm cướp.
Ông Đức Thành xây cơ ngơi nguy nga thế, nhưng chẳng mấy khi thấy về gia trang chơi. Hãn hữu, chiếc xe Lexu xuất hiện ít phút, ông thẩn thơ dạo bước hoa viên chốc nhát, và bao giờ cũng rời dinh thự trước 10 giờ đêm.
Hầm rượu nếp Triêu dương , cả trăm chum lớn, nắp bọc vải đỏ. Nhưng ông không biết uống rượu. Một ngụm đã đỏ mặt. Quản lý gia trang thường múc đựng vào  can nhựa  đi biếu khắp làng, bởi không để lâu, rượu cũng hỏng. Có lần về, ông mắng người quản lý, bắt đi mua các vò gốm da lươn, đựng rượu, bưng đến từng nhà.
Ông Đức Thành xây cho làng một nhà mẫu giáo. Thợ gắn biển tên người tặng, ông bắt cậy đi. Đình chùa làng, ông cho xây dựng lại, nhưng ngày khánh thành, cũng không về dự.
Vợ con  Đức Thành ở Úc,  Mỹ, kinh doanh, học hành. Bố mẹ đã khuất núi, chỉ còn bà Cố Thự quá già, một mình “ngự” trong Dinh “Triêu Dương”, với mấy đứa cháu họ phục vụ. Gọi là phục vụ, nhưng chúng chẳng phải làm gì, mà chúng “phục vụ” chúng là chính. Thực đơn của bà Thự quanh quẩn chỉ là: cơm gạo Tám xoan, canh rau dền hoang, đi mót từng ngọn, âu trám ngâm… Đặc biệt là mỗi ngày phải có đủ bốn miếng trầu cau Liên Phòng. Chỉ có bọn bảo vệ “Triêu Dương” là vất vả. Nhà quá rộng, nhiều phòng, trộm thì không lo, nhưng nhất định nhiều Ma. Chúng phải canh Ma.
Ông Đức Thành, nghe nói là một nhà kinh doanh Tài chính. Dân làng Múc chịu, không hiểu thế nghĩa là làm gì. Chỉ hiểu ông có đầu tư bất động sản (tức là làm nhà bán) mở khu công nghiệp, đầu tư chứng khoán. Người ta gọi ông là Chủ tịch Tập đoàn có tên Tây Ludama.
Lâu lắm rồi, dân làng cũng chưa ai giáp mặt ông . Không biết  gầy, béo thế nào. Chỉ nhớ xưa ông cũng chỉ là cán bộ bình thường, sang thời “kinh tế thị trường”, giàu vọt lên.
Các cụ già giải thích: họ Ngô Đức nhà ông có mả giàu sang. Nghe đâu cụ Tam đại đại có đem hài cốt bố lên núi Châu San, thấy một con rồng đang nằm ngủ. Con rồng đớp gọn bộ hài cốt vào bụng… Núi Châu San thấp nhưng dài, cuộn lên cuộn xuống, đúng là hình rồng. Mả cụ tổ đã nằm sâu trong bụng rồng đáy núi. Khi nào con rồng ăn no, nằm yên, thiêm thiếp  giấc ngủ ngàn năm , thì mả nhà Ngô Đức phát. Nhưng khi nào con rồng đói, thức dậy, cựa quậy, hài cốt đáy núi đảo lộn, mả nhà Ngô Đức suy tàn…
Có lẽ ông Ngô Đức Thành cũng tin như thế, nên dù giàu muôn ức triệu nhưng vẫn lo xa, làm hầm trữ cả lương thực…

*        *
*
Co bé Thự về làm dâu nhà Ngô Đức từ lúc 13 tuổi. Nhà chồng lúc đó nghèo, chỉ có vài sào ruộng, cấy vụ mùa, vụ chiêm ngập úng bỏ hoang. Nhà tranh, vách đất, ao bèo. Cảnh nhà tương cà gia bản. Đầu vụ muối vài trăm quả dưa gang gọi là  Vỏ dưa khô mặn làm thức ăn quanh năm. Sáng dậy sớm chỉ cần đun ấm lá Vối. Cơm nóng ăn Vỏ dưa chan nước Vối, và xoàn xoạt vài bát no bụng, đi làm. Cùng với vỏ dưa là chum tương chôn bán âm bán dương dưới gốc cây Ngâu, làm thức chấm quanh năm. Vườn có rau đay, rau cải tùy mùa. Ao có rau rút, cá mè. Các mè bắt lên, mổ tanh ngòm, đem phơi nắng hè, làm cá khô.
Thằng Đán, chồng cái Thự biết bắt chim Ngói khi tháng tám heo may rải đồng. Biết bắt cá rạch  mưa đầu mùa. Việc chính của nó là đi học. Tối tối, Đán thắp đèn dầu lạc hay đèn nhựa Trám học thi với cuốc kêu bờ tre. Cuốc kêu thế nào thi nó gào Tam Tự kinh, Ngũ ngôn thi, như thế.
Vợ chồng trẻ con, cái Thự luôn xấu hổ khi phải giáp mặt với chồng. Khi giã gạo chung, hai đứa đứng cách xa, không để chạm vào người nhau. Ông Cả không cho Đán mó tay vào bếp núc. “Quân tử viễn bào trù” thì mới học giỏi. Mình Thự phải đun rơm hai ba bếp, cũng mặc.
Năm cái Thự 16 tuổi, nở nang xinh đẹp, một đêm thằng Đán hồi ấy đang nhai  bộ “Tứ thư”, lò mò vào buồng, cởi váy vợ hôn hít. Cái Thự ngượng chín  người. Đêm sau thằng Đán bắt đom đóm đút trong vỏ trứng sáng lập lòe, lột yếm vợ ra để soi... Khi phải lên  tỉnh học trường Đại tập của quan Đốc với các bộ  Đại học, Ngũ kinh, toàn sách Thánh hiền cao siêu, nhưng luôn kiếm cớ về nhà. Ông Cả dóc roi mây quật đít. Ông lấy vợ cho Đán là lấy người làm, nuôi chồng ăn học, chứ đâu phải cho  quấn quýt ái ân.
Ông Cả nghĩ đúng. Nhà ông mấy đời chỉ là “bố cu mẹ đĩ”, nay may nhờ có thằng Đán sáng dạ khác thường từ bé, ông phải cho nó học để thi đỗ làm quan. Cả nhà dù ăn rau ăn cháo cũng phải chịu, lấy tiền cho nó học... Mơ ước của ông  không viển vông. Năm 18 tuổi ,thằng Đán đỗ Cử nhân khoa thi Hương. Ông Cả một bước từ anh Khán Thủ,  ra đình ngồi c dưới nhà giải vũ, giờ nhẩy vọt lên chiếu “nóc hội đồng”, được chia phần nửa đầu gà, góc tai lợn, nửa quả hồng.
Kỳ thi Hội, thằng Đán đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh. Con rồng núi Châu San nuốt ừng ực linh khí trời đất dồn phúc lộc cho nhà Ngô Đức.
Hôm vinh quy bái tổ ,cái Thự khăn vành dây, áo dài kim sa ngồi trên võng đào, cho hai người lính đội nói chóp, khênh. Võng chao chòng chành  khó chịu, đi bộ còn thích hơn. Lúc hai bên đường không có người xem, cái Thự nhẩy xuống, hai người lính chắp tay van:
- Xin quan bà lên võng, kẻo chúng con bị  tội.
Cái Thự nghĩ đời sao cứ như giấc mơ. Từ ngày về nhà chồng, nó cấy lúa đến mòn cả tay, nuôi chồng ăn học. Thằng chồng rất hay nghịch ngầm, đêm đêm tẩn mẩn tần  mần sờ mó , mà giờ mặt cứ vênh lên đạo mạo. Lại còn để râu cho oai, đêm râu cọ vào vú thô ráp khó chịu. Nó cười khúc khích “vặt râu quan”. Nhưng rồi nó học nếp làm bà quan cũng nhanh lắm. Chỉ trong thời gian ngắn, sau khi chồng được làm quan Huyện, nó đi đứng đã khoan thai, đài các, khác hẳn ngày xưa đâm sấp dập ngửa.  Nó đã biết quát mắng con sen, thằng ở, lính lệ. Đã biết chê vành chê vẻ món ăn người hầu dọn lên, quên đứt ngày xưa nó nấu nướng chém to kho mặn, tương cả vốc muối vào nồi canh.
Đêm nằm, có lúc nó mơ thấy cảnh xưa buộc lạt vào lưng đi cấy, giá rét căm căm, cá mại chết nổi phềnh. Mơ thấy nồi cơm vơi, nó luôn phải nhịn bớt, nhường chồng. Mơ thấy chiếc váy nhấn bùn cứng quèo, gấu ngắn đp đau cả gióng chân… Tỉnh dậy, bà quan Huyện toát mồ hôi…
Quan huyện nhãi ranh Ngô Đức Đán chả biết tài cán gì mà thăng quan tiến chức vòn vọt. Sau ít năm đã được bổ Tuần Phủ một tỉnh nhỏ, nhưng có ga tầu, bến cảng trung chuyển miền núi đồng bằng, buôn bán phồn vinh.
Đất trung du hoang hóa bạt ngàn, quan Tuần lập đồn điền mộ phu khai phá. Sản vật hai miền xuôi ngược, quan Tuần biết dúng tay chung với các nhà buôn. Của cải, bổng lộc vào như nước. Bà quan Tuần thật sự hoa mắt, không kiểm soát xuể.
Ông Tuần xây cho làng Múc bốn cái cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Lát gạch đá nhiều đoạn đường chính. Và xây cho mình cái “Lăng Sinh phần” nguy nga đồ sộ, có mũ sĩ, voi đá, ngựa đá đứng chầu.Lăng Sinh phần tức là ngôi mộ xây lúc còn sống , chờ chết sẽ chôn vào đấy .
Khu nhà tranh xưa, giờ mọc lên dinh thự  mang tên “Triêu dương”, có mái Đông, mái Tây, lầu Nam, lầu Bắc, hoa viên, hồ bán nguyệt, ngọn giả sơn.
Con rồng Châu San phun châu nhả ngọc lên nhà Ngô Đức.
Nửa đời người, quan Tuần Ngô Đức Đán đã lên đến đỉnh vinh quang. Hôm ấy quan đi chơi lên núi Châu San và cũng là thăm viếng ngôi mộ phát. Đang thắp hương bỗng nhiên thấy đất dưới chân run bần bật. Ngôi mộ tưởng cũng sắp nẩy tưng  lên.
Trận động đất đáng sợ.
Quan Tuần tưởng như dẫy đồi có thể nổ toác ra, trôi tuột đi. Xuống đến đất bằng rồi mà ông  vẫn còn run.
Trận động đất báo hiệu điềm gì. Con rồng quy lộn và ngôi mộ Tứ đại trong bụng nó sẽ ra sao.
Nỗi lo ám ảnh quan Tuần, không dứt đi được. Dứt làm sao, bởi hiểm họa đến tức khắc. Quan Công sứ Pháp như người cha của Quan Tun. Nhất nhất mọi thứ trên đời đều nghe theo lời dạy bảo của Quan Công sứ có đôi ria vàng óng vểnh lên như biểu tượng của quyền uy. Vậy mà đêm 9-3-1945 quân đội Nhật ở Đông Dương ,đảo chính Pháp, Quan Công sứ  bị bắt, quỳ mọp dưới chân Quan Sáu Nhật Saku Môtô. Quan Sáu đeo kiếm lệt xệt bên hông, nói như gằn, như sủa. Trên sân doanh trại Nhật khối kẻ đã bị rơi đầu.
Quan Tuần run rẩy bái kiến Quan Sáu, xin được nghe lệnh Quân đội Thiên hoàng. Quan Sáu gườm gườm dò xét. Mất chỗ dựa là Quan Công Sứ rồi, không tìm chỗ dựa mới thì sống làm sao. Nhưng chỗ dựa mới cũng nào có bền vững. Bởi lực lượng cách mạng Việt Minh gồm những người nghèo đã  liên kết thành một lực lượng ngầm hùng hậu ,đang chờ vùng lên khởi nghĩa. Người giầu thì ít, người nghèo thì đông. Người nghèo hiện chỉ có giáo mác, súng kíp, nhưng lại muốn lật đổ một lúc cả ba thứ: Pháp, Nhật, triều đình An Nam. Thế mới “ngông”. Nhất sống nhị chết, cách mạng không biết sợ là gì.
Quân Nhật hung hăng giết người như ngóe, “thiên lôi” cũng ngán, nhưng trên bàn cờ quốc tế Đại chiến thứ Hai, Nhật đang ở thế thua to. Phe Trục Đức - Y - Nhật đang bị quân Đồng Minh Nga - Mỹ - Anh đánh cho đại  bại trên khắp các chiến trường.
Vậy trông vào ai bây giờ. Liệu mà đối phó, được lòng tất cả các bên. Bắt cá hai tay, Nhật mà biết thì Nhật pheng đầu. Việt Minh biết thì Việt Minh chặt cổ. Nam triều biết thì Nam triều đóng gông… Ôi làm quan thời buổi này chẳng sung sướng gì. ..
. Kể ra Quan Tuần Ngô Đức Đán đã là người hiểu biết, mưu lược, khôn ngoan, tính trước được tình hình. Ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, dân nghèo Việt Minh khởi nghĩa, tràn vào Tỉnh đưng cướp chính quyền, ông Tun đã bày hương án ngoài cổng “đón tiếp” Việt Minh, nộp vũ khí, tuyên bố di theo Cách mạng. Ngay đêm ấy, vợ chồng lên chếc xe “đít vịt” rời Tỉnh đường về tư Dinh Triêu dương ở quê làng Múc. Vài hôm sau, ông lại “xung phong” làm Chủ tịch mặt trận Liên Việt Huyện, kêu gọi giới quan trường đi theo cách mạng.
Bà Thự theo lệnh chồng mở kho thóc gia đình cứu đói cả làng. Nhà quan thành rỗng như đít bụt. Tinh thần “cách mạng” đến thế mà vẫn bị cách mạng chưa tin tưởng lắm ,vẫn cảnh giác. Cái dinh “Triêu dương” xưa đẹp mắt bao nhiêu, thì giờ là nỗi sợ bấy nhiêu. Vô lý, cách mạng sao lại ở cái dinh thự to thế được…
Ông “công dân” Đức Đán cho phá hết hoa viên, trồng rau tăng gia sản xuất. Từ sáng đến chiều, hai vợ chồng “công dân” cuốc đất vã mồ hôi. Cả nhà “công dân” co vào ở một ngôi nhà nhỏ, còn lại mời ủy bản xã đến lập văn phòng, mở lớp học bình dân học vụ…
Chỉ trong vài tháng ,“Triêu dương” hoang tàn. Càng hoang tàn, “công dân” Đức Đán càng thích…
*        *
*
Cái bé Thự - bây giờ là bà Thự, chứng kiến sự hưng thịnh của nhà Ngô Đức bao nhiêu, thì bây giờ chính kiến sự suy tàn bấy nhiêu.
Tất cả như một giấc mơ, chứ không có thật.
Quân Pháp Đồng minh, chiếm lại được thành Pari, rồi “đi tuột” sang tận Hà Nội đòi lại thuộc địa. Từ Hà Nội chúng đánh nống ra các vùng phụ cận. Dân làng Múc đã một lần khởi nghĩa, biết thế nào là độc lập, giờ đâu chịu. Tất cả rào làng chiến đấu. Việt Minh làng Múc không biết sợ là gì, quyết tử. Pháp chết như ngả dạ, mới vào được làng. Pháp uất, trả thù, cho đốt cả làng. Một rừng lửa bao phủ. “Triêu dương” sau hai ngày cháy, tòa ngang dẫy dọc chỉ còn đống tro. Riêng khu Sinh phần xây toàn bằng đá, Pháp cũng ngán, vì đập vỡ mệt lắm. Khu Sinh phần còn nguyên.
Có tin đồn người Pháp đang đi tìm Nguyên quan Tuần phủ xưa mời về làm Tỉnh trưởng. Tin đồn vu vơ ,nhưng đủ chết người. Ông Đức Đán đang chạy theo đoàn tản cư ra ngoài vùng “Tự do” Việt Minh kiểm soát, lo sợ đến gầy mòn.
Đoàn tàn cư nay Bắc Giang, mai Thái Nguyên, Tuyên Quang… trồng khoai trồng sắn lấy cái ăn. Ông Tuần áo nâu, chân đất, ăn đói mặc rét, sốt rét ngã nước, ốm đau bệnh tật, già lão, lại bị cái tin đồn như dây thòng lọng trên cổ, ngày một suy sụp. Ông chết vì bệnh tim mạch trong một chiếc lều giữa rừng. Mộ chôn vội bên khóm sim mua. Ngôi Sinh phần đá nguy nga ở quê, không được đón ông về “ngự”. Lo xa phần mộ cho mình đến trước cả mấy chục năm mà lúc chết vẫn thành con ma bơ vơ.
Hòa bình 1954, mẹ con bà Thự cùng dân làng trở về quê hương với hai tay nải sắn khô đặc sản núi đồi. Nền đất cũ Triêu dương, lau sậy um tùm, ễnh ương kêu đíếc tai, cầy cáo chạy roàn roạt. Không còn mô mốc đất vườn, ai muốn ở đâu thì ở, sức chiếm được bao nhiêu thì chiếm. Mẹ con bà Thự rẫy cỏ, dựng  ngôi nhà tre ba gian lợp r, với mảnh sân trước cửa, ao bèo đằng sau. Thế đã là quá đủ.
Con trai bà Thự trước đã học lớp Đệ ngũ, biết tiếng Pháp, biết thân biết phận mình là con nhà thành phần phong kiến, nên tích cực “cải tạo” thành nông dân. Một bồ thóc đầy, một gm giường khoai sọ, một vại cà, chum tương, ao bèo, đàn lợn xề...thế là “phong lưu” lý tưởng.
Năm cải cách ruộng đất, người ta lục lại quá khứ Quan Tuần giầu sang nhất vùng ngày xưa để quy thành phần địa chủ mẹ con bà Thự. Mẹ con bà Thự hiện sống như dân nghèo, nhưng phải chịu tội của quá khứ. Kể cũng không oan. Ngày xưa bà Tuần, cậu m, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, gọi một tiếng con sen đứa ở dạ ran. Bà Tuần ăn nem công chả phượng, mặc áo gấm lụa là. Cậu m con quan ngi ô tô “đít vịt”, “sốp phơ” lái đưa đến lớp học....
Người đã từng như thế, giờ sống trong xã hội của người nghèo làm chủ, bảo không có tội thì vô lý quá. Có điều “đối tượng địa chủ” này bây giờ đã mất hết gia sản, chả còn gì để tịch thu làm quả thực cho bần cố, nên phiên tòa đấu “mẹ con bà Thự” không hào hứng lắm.
Tài sản duy nhất, theo “lý thuyết” mà mẹ con bà Thự “sở hữu” giờ là “Ngôi Sinh phần” trơ trơ ngựa đá, voi đá còn đó. Tịch thu cái này, chia cho ai. Ai dại gì đến ở trong ngôi nhà mồ. Ngứa mắt, muốn phá đi, nhưng xưa lính Pháp còn ngại,  công  đâu đập đá, huống hồ bần cố giờ ăn đói, sức yếu, đến cuốc ruộng tăng gia  còn mệt...
Cơn lốc cải cách  đi qua, sang đợt “sửa sai”. Sửa sai, bà Thự cũng không được xuống thành phần. Xuống hay không, mẹ con bà Thự cũng chả cần, vì vẫn ở nhà tranh vách đất, ăn cơm rau.
Năm tháng đi qua, cậu ấm con quan đã thành anh nông dân thực thụ ,lấy cô Gái, đẻ một đứa con. Chắt chiu đồng bạc, dấu dưới chân giường, vợ chồng Gái Tý mua trăm gạch, cây soan, làm ngôi nhà gỗ, hứng nước mưa mái ngói vào chum.
Bà Thự li thấy đúng như cảnh ngày xưa, 13 tuổi, về làm dâu nhà ông Cả.
Sự đời hóa ra hình vòng tròn. Đi hết vòng, lại về điểm xuất phát.
Bà Thự có đứa cháu nội tên là Ngô Đức Thành khôi ngô sáng sủa. Áo nâu chân đất, ngày cuốc bộ 5km đi học cấp 3 trường Huyện. Thành vào Đại học khoa Tài chính Ngân hàng. Ngày mới đi làm, nó thuê một chỗ trọ ở xóm Lao động, ăn cơm “đầu ghế” (cơm bụi). Bà Thự nuôi gà, tích cóp được đồng nào giắt kỹ trong bao, để lo “hậu sự”, nhưng cứ thấy cháu  về, là lại cởi hết ra cho …
Thời gian trôi, mươi, mười lăm năm, bà Thự đã quá già, nhưng vẫn nhận biết được cảnh nhà hồng phúc , mấy năm gần đây lại dần thịnh vượng. Đến một lúc bất ngờ vọt lên, đột biến y như ngày xưa sau khi ông Đức Đán thi đỗ làm quan...
Đức Thành gặp thời “kinh tế thị trường”, hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng không ai biết cụ thể anh ta làm gì. Bảo anh ta “buôn tiền”, nhưng “buôn” thế nào? Chịu! Bảo anh ta “rửa tiền”, rửa như thế nào, lại càng chịu nữa. Toàn những khái niệm không ai hiểu.
Dân làng Múc chỉ hiểu những việc cụ thể nhất. Anh ta liên kết , đầu tư “quy hoạch” được cả cánh đồng ven đô, xây  hàng trăm cao ốc, hàng ngàn biệt thự, bán “một vốn bốn lời”, thậm chí một vốn mười lời. Anh ta về các tỉnh “đầu tư quy hoạch” những khu công nghiệp mênh mông, rồi xắn ra bán lại cho các chủ đầu tư nhỏ… Nói tóm lại, anh ta đã thành nhà tư bản, giống như ở Hoa Kỳ.Hóa ra nước mình giờ cũng chẳng kém đếch gì Hoa Kỳ
Dân làng Múc đo đếm sự giàu có của Đức Thành qua việc anh phục dựng lại dinh “Triêu dương” của ông nội ngày xưa, đã bị Pháp đốt mất. Công trình ròng rã ba năm mới xong, được báo mạng bình bầu là top ten những ngôi nhà đẹp nhất Việt Nam.
Ông có giầu bằng quan Tuần Đức Đán ngày xưa không?
Dân làng so sánh. Không trả lời được. Không biết đằng nào mà lần. Nhưng có người nói: “Quan Tuần xưa không nợ nần ai. Nhưng ông Đức Thành giờ nợ Ngân hàng cả tỷ cả triệu Đô la… Ông Đức Thành  giờ đi đâu , “các ngân hàng” phải theo dõi bảo vệ. Hình như người ta gắn “chíp điện tử” vào đít ông   như gắn chíp vào tê giác hoang dã, kiểm soát di chuyển. Ông mà chết bây giờ thì các Ngân hàng mất chỗ đòi nợ…
*        *
*
Ngày lên lão 100 tuổi của bà cụ Thự sắp đến gần. Người ta tính từng ngày và mong đợi. Nhưng kìa, một buổi tối, bản tin thời sự ti vi, cả làng xem rành rành: ông Ngô Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ludama bị bắt vì các tội gian lận thương mại, trốn thuế, rửa tiền, lừa đảo…
Một quả bom nổ giữa trời. Cả làng Múc hôm đó có nhu cầu từng nhóm gặp nhau để bình luận.
- Ừ, có thế chứ. Nó cũng người trần mắt thịt như mình, hai chân hai tay, mà sao lại giàu thế được.
- Này, con rồng trên núi Châu San đau bụng quằn quại. Mà họ Ngô Đức bị động.
- Tập đoàn Ludama có nghĩa là “lừa đảo ma”. Đến lừa đảo cả ma thì chịu thật.
Trong một ngày, khắp làng rộ lên những chuyện huyễn hoặc.Chuyện rằng những con Ma bị ông chủ trương lừa đảo , đã phù phép cho ông đi tù . Những con ma xưa ở xó dọ bụi bờ, miếu hoang nhếch nhác. Nhờ có “chiến lược quy hoạch thành phố” mà ông Đức Thành là chủ đầu tư,  xây dựng hàng ngàn cao ốc, biệt thự cửa kính sáng choang, nhưng giờ kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, không bán được ,thế là các con ma có “hộ khẩu Hà Nội” nô nức về chiếm. Con thích mở cửa hàng thì chiếm nhà mặt phố. Con thích đi thang máy thì chiếm cao ốc . Con thích nhà vườn một mảnh châu Âu trong lòng Hà nội   thì chiếm biệt thự. Cư dân Ma ở Hà Nội, giờ sướng như vua, so với dân nghèo chen chúc nhau trong những gian phòng bé xíu.
Muốn ngự vĩnh viễn trong các “lâu đài”, phải cho Đức Thành đi tù, mất nghiệp, mất “thanh khoản”…
Đấy, lý do Đức Thành bị bắt là như thế…
… Bà cụ Thư đã được mấy đứa “phục vụ” mua về tấm áo vóc đỏ. Lễ khao, bà sẽ mặc áo vóc đỏ như Hoàng Thái hậu ngồi trên ngai, để mọi người đến vái.
Nhưng bà chờ mãi, chả thấy thằng cháu nội Đức Thành về để cử hành lễ. Một ngày kia, bà thấy một đoàn Công an, Cán bộ, tấp nập đến nhà. Người ta kê biên, tịch thu toàn bộ dinh “Triêu dương” để trừ nợ. Tất cả các phòng bị khóa lại. Bà cụ Th được mời xuống ở gian nhà cấp bốn góc vườn. Đội “phục vụ” tự giải tán hết, mấy hôm không thấy đứa nào đem cơm đến cho bà. Bà sực nhớ dưới lòng đất, có một cái hầm mà đội tịch biên không biết. Trong hầm có đủ nước sạch, lương thực. Bà cụ Thự 100 tuổi lò dò vịn cầu thang mò xuống…

7/8/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét