Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

   
        THĂM NHÀ JULIET

Thành phố nước Ý Verona
Đấu trường Roman Arena 2000 năm tuổi
Bước chân tôi không mỏi
Rẽ vào nhà Juliet của Sech pia
Nàng là người yêu của Romeo
Hai người cùng chết
Vì không lấy được nhau
Mối tình cao siêu
Đã hóa giải mối thù giữa hai dòng họ
Chuyện ngàn xưa còn đó
Những tình yêu ngày hôm nay
Sẽ hóa giải trên cõi đời này
Bao nhiêu hận thù thời đại
    16-11-2014
NGUYỄN PHAN HÁCH
          VẬT NHAU


Bao nhiêu năm
 Tôi vật nhau với chữ nghĩa
Chữ  nghĩa vật tôi ngã chổng kềnh
Và tôi cũng  vật chổng kềnh chữ nghĩa
Bây giờ thì tất cả
Cùng nằm thẳng đơ
Chữ nghĩa vứt vào sọt rác
Còn tôi thì vào lò thiêu xác
           21-10-2014
NGUYỄN PHAN HÁCH
KHÔNG NGƯỜI ĐƯA TIỄN

Nguyễn Phan Hách

Trên chiếc giường trắng toát, bà già Lơcờléc, 92 tuổi, nằm thoi thóp. Dây truyền dỏ từng giọt nước trong suốt như giọt sự sống cuối cùng sắp cặn.
Bà sắp từ biệt thế gian này, nhưng bên giường không có đứa con giai yêu quý đưa tiễn. Bà đang phải vào cõi hư vô, trong cô đơn. Bà có con giai hẳn hoi, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, thương mẹ thương cha, hiếu thảo. Nhưng bây giờ nó ở đâu?
… Mấy chục năm xưa, cô bé Mari xinh đẹp gặp chàng sĩ quan hào hoa phong nhã Lơcờléc dòng dõi quý tộc trong một dạ tiệc. Chàng ru nàng trong điệu Van mơ mộng. Mối tình đẹp lãng mạn, rồi sau đấy là cuộc hôn nhân cao sang.
Năm 1940 đại chiến thế giới thứ II bùng nổ, phát xít Đức ào ạt tiến công nước Pháp, bẩy triệu người Pháp hoảng hốt chạy loạn. Nước Pháp đầu hàng, thành lập chính phủ bù nhìn làm tay sai cho Đức.
Chàng sĩ quan yêu nước và bất khuất Lơ cờ léc đã trốn ra ngoại quốc, chiến đấu dưới ngọn cờ chống phát xít. Năm 1944 chàng chỉ huy sư đoàn thiết giáp tham gia đổ bộ Normangdi, và một ngày tháng 8 trời xanh lồng lộng, chàng dẫn đoàn thiết giáp oai hùng tiến vào giải phóng Pari.
Lơcờléc thành người anh hùng giải phóng.
Nếu dừng lại tại đây ,thì Đại tướng - Thống chế Lơ cờ léc thành biểu tượng của vinh quang.
Nhưng trớ trêu thay, người anh hùng lập tức biến thành tên tội phạm của chủ nghĩa thực dân, khi Lơcờléc nhậm chức Tổng tư lệnh đội quân viễn chinh Đông Dương, quay sang tiến công đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập tháng 8/1945.
Ngày 22/9/1945 trên bậc thềm chan chứa nắng của Phủ toàn quyền Đông Dương, Lơcờléc bắt tay các quan chức cũ của Pháp ở Việt Nam, và tuyên bố kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh một đất nước vẫn còn đang âm vang lời Tuyên ngôn Độc lập.
Trên bước đường chinh chiến đánh nhanh thắng nhanh ấy, trong một lần đi thị sát, xe của Lecờléc đã bị súng cối và liên thanh của du kích Việt Nam nã trúng ,sĩ quan cận vệ chết tươi ,may chủ tướng thoát nạn, nhưng bạt vía kinh hồn. Suốt đại chiến thế giới thứ Hai, súng bom phát xít Đức không làm gì được Lơcờléc, mà mới đến đây ít ngày, Đại tướng đã được dậy cho một bài học, để từ đó ý chí quyết chiến trong đầu bị bẻ gẫy dần…
Dù Lơcờléc vẫn nghênh ngang cưỡi Tuần dương hạm trên biển Đông, hay đắc chí tự phụ nhìn xe quân Pháp tiến vào cầu Long Biên, nhưng tận mắt chứng kiến ý chí toàn dân Việt Nam đoàn kết đứng lên chống ngoại xâm, viên Tổng Tư lệnh đội quân viễn chinh đã phải thốt lên với báo chí: Không thể dùng vũ lực để khuất phục một đất nước đã có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc”.
Hình như câu này viên Đại tướng chỉ nhắc lại lời của chính mình ngày trước, khi đang chỉ huy đoàn thiết giáp chống lại phát xít Đức xâm lược nước Pháp…
Nhưng đã muộn rồi. Bánh đà cuộc chiến đã khởi động, quán tính của chủ nghĩa thực dân quá mạnh, viên Tổng tư lệnh viễn chinh đã bị guồng máy chiến tranh cuốn vào.
Bị đánh cho tơi tả ngay từ những ngày đầu, viên Đại tướng thông minh ngày càng giật mình tỉnh ngộ. Không thể đâm lao theo lao, viên Đại tướng từ bỏ lòng kiêu ngạo, đòi xét lại đường lối của phái Diều hâu, và đột ngột từ chức Tổng Tư lệnh vinh quang ,nhưng thực ra là như đá tảng đang đè nặng lên vai, không thoát nhanh thì chết.
Bước vào Đại chiến thế giới thứ Hai, với chính nghĩa trong tay, viên Đại tướng chỉ có hăm hở xông lên, còn bây giờ với cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, viên Đại tướng đầu hàng sứ mệnh…
Nhưng cũng lại muộn rồi. Đứa con giai yêu quí của vợ chồng Lơcờléc cũng không thoát khỏi guồng máy chiến tranh mà chính tay Lơcờléc góp phần quay bánh đà khởi động.
Đứa con trai- Henri Lờcờléc, của Mari và Lơcờléc đến Đông Dương ,và tên lính viễn chinh đẹp trai, dòng quý tộc, đã phải đền mạng trong một trận đánh  nào đó ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, mà không ai biết rõ, và đã mất xác vô tăm tích, dù mọi người ra sức kiếm tìm…
Chính vì thế mà hôm nay ,tại Pari, bà quả phụ Lơcờléc 92 tuổi, đang bước vào thế giới hư vô, nhưng không có con trai đưa tiễn…
Dồn hơi sức tàn, bà cố gắng nói mấy lời thều thào cuối cùng bên giường bệnh:
- Tôi có một nguyện vọng duy nhất muốn nước Pháp thực hiện. Con trai tôi chết mất xác trong chiến tranh ở Việt Nam mấy chục năm xưa. Nước Pháp hãy làm mọi cách tìm được hài cốt của nó ,đem về chôn cạnh tôi trong nghĩa trang Pari, để mẹ con tôi được gần nhau.
Lạy Chúa. Xin Chúa tha tội. Giá như nước Pháp đừng làm cuộc chiến tranh này…
Những sợi tóc bạc trên đầu bà Lơcờléc ngừng rung. Bà trút hơi thở cuối cùng, hơi thở như nỗi niềm đáng tiếc về những cuộc chiến tranh mà loài ngoài đã để xảy ra…
21 - 11 - 2014


CỦA PHÙ VÂN
Truyện ngắn
Của Nguyễn Phan Hách

Tin đồn bà cố Thự sang năm khao lão mừng thọ 100 tuổi làm náo nức, đợi chờ như sắp Hội làng.
Cả làng Múc, vẫn nghèo,chỉ tạm đủ ăn. Riêng nhà bà Thự giàu “phú gia địch quốc” “Ai về núi Đụn sông Kho / Làng tôi có kẻ nằm ho ra tiền”. Câu ca dao ấy là nói về ông Đức Thành, cháu nội đích tôn nhà cụ Thự, đã làm nên cơ nghiệp.
Khách xa đến làng Múc, từ trên đê đã thấy mái tháp của Dinh thự gia trang mang tên “Triêu dương” in hình trên bầu trời. Đến gần thì thấy một quần thể kiến trúc Đông Tây hài hòa. Nhà như chùa soi bóng đáy hồ. Biệt thự như bứng từ Pari cổ kính về, đt bên dòng “tiểu khê” xanh biếc. Hoa viên rực rỡ, cổ thụ um tùm. Bến đá rêu xanh, thác khe róc rách. Tường đá dài như thành. Cột lim vòng tay người ôm. Hầm ngầm dưới đất có điện chiếu sáng, trữ đủ nước ngọt, lương thực, trang bị tiện nghi có thể sống thoải mái, đồng thời là nơi chứa của cải phòng khi loạn lạc, trộm cướp.
Ông Đức Thành xây cơ ngơi nguy nga thế, nhưng chẳng mấy khi thấy về gia trang chơi. Hãn hữu, chiếc xe Lexu xuất hiện ít phút, ông thẩn thơ dạo bước hoa viên chốc nhát, và bao giờ cũng rời dinh thự trước 10 giờ đêm.
Hầm rượu nếp Triêu dương , cả trăm chum lớn, nắp bọc vải đỏ. Nhưng ông không biết uống rượu. Một ngụm đã đỏ mặt. Quản lý gia trang thường múc đựng vào  can nhựa  đi biếu khắp làng, bởi không để lâu, rượu cũng hỏng. Có lần về, ông mắng người quản lý, bắt đi mua các vò gốm da lươn, đựng rượu, bưng đến từng nhà.
Ông Đức Thành xây cho làng một nhà mẫu giáo. Thợ gắn biển tên người tặng, ông bắt cậy đi. Đình chùa làng, ông cho xây dựng lại, nhưng ngày khánh thành, cũng không về dự.
Vợ con  Đức Thành ở Úc,  Mỹ, kinh doanh, học hành. Bố mẹ đã khuất núi, chỉ còn bà Cố Thự quá già, một mình “ngự” trong Dinh “Triêu Dương”, với mấy đứa cháu họ phục vụ. Gọi là phục vụ, nhưng chúng chẳng phải làm gì, mà chúng “phục vụ” chúng là chính. Thực đơn của bà Thự quanh quẩn chỉ là: cơm gạo Tám xoan, canh rau dền hoang, đi mót từng ngọn, âu trám ngâm… Đặc biệt là mỗi ngày phải có đủ bốn miếng trầu cau Liên Phòng. Chỉ có bọn bảo vệ “Triêu Dương” là vất vả. Nhà quá rộng, nhiều phòng, trộm thì không lo, nhưng nhất định nhiều Ma. Chúng phải canh Ma.
Ông Đức Thành, nghe nói là một nhà kinh doanh Tài chính. Dân làng Múc chịu, không hiểu thế nghĩa là làm gì. Chỉ hiểu ông có đầu tư bất động sản (tức là làm nhà bán) mở khu công nghiệp, đầu tư chứng khoán. Người ta gọi ông là Chủ tịch Tập đoàn có tên Tây Ludama.
Lâu lắm rồi, dân làng cũng chưa ai giáp mặt ông . Không biết  gầy, béo thế nào. Chỉ nhớ xưa ông cũng chỉ là cán bộ bình thường, sang thời “kinh tế thị trường”, giàu vọt lên.
Các cụ già giải thích: họ Ngô Đức nhà ông có mả giàu sang. Nghe đâu cụ Tam đại đại có đem hài cốt bố lên núi Châu San, thấy một con rồng đang nằm ngủ. Con rồng đớp gọn bộ hài cốt vào bụng… Núi Châu San thấp nhưng dài, cuộn lên cuộn xuống, đúng là hình rồng. Mả cụ tổ đã nằm sâu trong bụng rồng đáy núi. Khi nào con rồng ăn no, nằm yên, thiêm thiếp  giấc ngủ ngàn năm , thì mả nhà Ngô Đức phát. Nhưng khi nào con rồng đói, thức dậy, cựa quậy, hài cốt đáy núi đảo lộn, mả nhà Ngô Đức suy tàn…
Có lẽ ông Ngô Đức Thành cũng tin như thế, nên dù giàu muôn ức triệu nhưng vẫn lo xa, làm hầm trữ cả lương thực…

*        *
*
Co bé Thự về làm dâu nhà Ngô Đức từ lúc 13 tuổi. Nhà chồng lúc đó nghèo, chỉ có vài sào ruộng, cấy vụ mùa, vụ chiêm ngập úng bỏ hoang. Nhà tranh, vách đất, ao bèo. Cảnh nhà tương cà gia bản. Đầu vụ muối vài trăm quả dưa gang gọi là  Vỏ dưa khô mặn làm thức ăn quanh năm. Sáng dậy sớm chỉ cần đun ấm lá Vối. Cơm nóng ăn Vỏ dưa chan nước Vối, và xoàn xoạt vài bát no bụng, đi làm. Cùng với vỏ dưa là chum tương chôn bán âm bán dương dưới gốc cây Ngâu, làm thức chấm quanh năm. Vườn có rau đay, rau cải tùy mùa. Ao có rau rút, cá mè. Các mè bắt lên, mổ tanh ngòm, đem phơi nắng hè, làm cá khô.
Thằng Đán, chồng cái Thự biết bắt chim Ngói khi tháng tám heo may rải đồng. Biết bắt cá rạch  mưa đầu mùa. Việc chính của nó là đi học. Tối tối, Đán thắp đèn dầu lạc hay đèn nhựa Trám học thi với cuốc kêu bờ tre. Cuốc kêu thế nào thi nó gào Tam Tự kinh, Ngũ ngôn thi, như thế.
Vợ chồng trẻ con, cái Thự luôn xấu hổ khi phải giáp mặt với chồng. Khi giã gạo chung, hai đứa đứng cách xa, không để chạm vào người nhau. Ông Cả không cho Đán mó tay vào bếp núc. “Quân tử viễn bào trù” thì mới học giỏi. Mình Thự phải đun rơm hai ba bếp, cũng mặc.
Năm cái Thự 16 tuổi, nở nang xinh đẹp, một đêm thằng Đán hồi ấy đang nhai  bộ “Tứ thư”, lò mò vào buồng, cởi váy vợ hôn hít. Cái Thự ngượng chín  người. Đêm sau thằng Đán bắt đom đóm đút trong vỏ trứng sáng lập lòe, lột yếm vợ ra để soi... Khi phải lên  tỉnh học trường Đại tập của quan Đốc với các bộ  Đại học, Ngũ kinh, toàn sách Thánh hiền cao siêu, nhưng luôn kiếm cớ về nhà. Ông Cả dóc roi mây quật đít. Ông lấy vợ cho Đán là lấy người làm, nuôi chồng ăn học, chứ đâu phải cho  quấn quýt ái ân.
Ông Cả nghĩ đúng. Nhà ông mấy đời chỉ là “bố cu mẹ đĩ”, nay may nhờ có thằng Đán sáng dạ khác thường từ bé, ông phải cho nó học để thi đỗ làm quan. Cả nhà dù ăn rau ăn cháo cũng phải chịu, lấy tiền cho nó học... Mơ ước của ông  không viển vông. Năm 18 tuổi ,thằng Đán đỗ Cử nhân khoa thi Hương. Ông Cả một bước từ anh Khán Thủ,  ra đình ngồi c dưới nhà giải vũ, giờ nhẩy vọt lên chiếu “nóc hội đồng”, được chia phần nửa đầu gà, góc tai lợn, nửa quả hồng.
Kỳ thi Hội, thằng Đán đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh. Con rồng núi Châu San nuốt ừng ực linh khí trời đất dồn phúc lộc cho nhà Ngô Đức.
Hôm vinh quy bái tổ ,cái Thự khăn vành dây, áo dài kim sa ngồi trên võng đào, cho hai người lính đội nói chóp, khênh. Võng chao chòng chành  khó chịu, đi bộ còn thích hơn. Lúc hai bên đường không có người xem, cái Thự nhẩy xuống, hai người lính chắp tay van:
- Xin quan bà lên võng, kẻo chúng con bị  tội.
Cái Thự nghĩ đời sao cứ như giấc mơ. Từ ngày về nhà chồng, nó cấy lúa đến mòn cả tay, nuôi chồng ăn học. Thằng chồng rất hay nghịch ngầm, đêm đêm tẩn mẩn tần  mần sờ mó , mà giờ mặt cứ vênh lên đạo mạo. Lại còn để râu cho oai, đêm râu cọ vào vú thô ráp khó chịu. Nó cười khúc khích “vặt râu quan”. Nhưng rồi nó học nếp làm bà quan cũng nhanh lắm. Chỉ trong thời gian ngắn, sau khi chồng được làm quan Huyện, nó đi đứng đã khoan thai, đài các, khác hẳn ngày xưa đâm sấp dập ngửa.  Nó đã biết quát mắng con sen, thằng ở, lính lệ. Đã biết chê vành chê vẻ món ăn người hầu dọn lên, quên đứt ngày xưa nó nấu nướng chém to kho mặn, tương cả vốc muối vào nồi canh.
Đêm nằm, có lúc nó mơ thấy cảnh xưa buộc lạt vào lưng đi cấy, giá rét căm căm, cá mại chết nổi phềnh. Mơ thấy nồi cơm vơi, nó luôn phải nhịn bớt, nhường chồng. Mơ thấy chiếc váy nhấn bùn cứng quèo, gấu ngắn đp đau cả gióng chân… Tỉnh dậy, bà quan Huyện toát mồ hôi…
Quan huyện nhãi ranh Ngô Đức Đán chả biết tài cán gì mà thăng quan tiến chức vòn vọt. Sau ít năm đã được bổ Tuần Phủ một tỉnh nhỏ, nhưng có ga tầu, bến cảng trung chuyển miền núi đồng bằng, buôn bán phồn vinh.
Đất trung du hoang hóa bạt ngàn, quan Tuần lập đồn điền mộ phu khai phá. Sản vật hai miền xuôi ngược, quan Tuần biết dúng tay chung với các nhà buôn. Của cải, bổng lộc vào như nước. Bà quan Tuần thật sự hoa mắt, không kiểm soát xuể.
Ông Tuần xây cho làng Múc bốn cái cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Lát gạch đá nhiều đoạn đường chính. Và xây cho mình cái “Lăng Sinh phần” nguy nga đồ sộ, có mũ sĩ, voi đá, ngựa đá đứng chầu.Lăng Sinh phần tức là ngôi mộ xây lúc còn sống , chờ chết sẽ chôn vào đấy .
Khu nhà tranh xưa, giờ mọc lên dinh thự  mang tên “Triêu dương”, có mái Đông, mái Tây, lầu Nam, lầu Bắc, hoa viên, hồ bán nguyệt, ngọn giả sơn.
Con rồng Châu San phun châu nhả ngọc lên nhà Ngô Đức.
Nửa đời người, quan Tuần Ngô Đức Đán đã lên đến đỉnh vinh quang. Hôm ấy quan đi chơi lên núi Châu San và cũng là thăm viếng ngôi mộ phát. Đang thắp hương bỗng nhiên thấy đất dưới chân run bần bật. Ngôi mộ tưởng cũng sắp nẩy tưng  lên.
Trận động đất đáng sợ.
Quan Tuần tưởng như dẫy đồi có thể nổ toác ra, trôi tuột đi. Xuống đến đất bằng rồi mà ông  vẫn còn run.
Trận động đất báo hiệu điềm gì. Con rồng quy lộn và ngôi mộ Tứ đại trong bụng nó sẽ ra sao.
Nỗi lo ám ảnh quan Tuần, không dứt đi được. Dứt làm sao, bởi hiểm họa đến tức khắc. Quan Công sứ Pháp như người cha của Quan Tun. Nhất nhất mọi thứ trên đời đều nghe theo lời dạy bảo của Quan Công sứ có đôi ria vàng óng vểnh lên như biểu tượng của quyền uy. Vậy mà đêm 9-3-1945 quân đội Nhật ở Đông Dương ,đảo chính Pháp, Quan Công sứ  bị bắt, quỳ mọp dưới chân Quan Sáu Nhật Saku Môtô. Quan Sáu đeo kiếm lệt xệt bên hông, nói như gằn, như sủa. Trên sân doanh trại Nhật khối kẻ đã bị rơi đầu.
Quan Tuần run rẩy bái kiến Quan Sáu, xin được nghe lệnh Quân đội Thiên hoàng. Quan Sáu gườm gườm dò xét. Mất chỗ dựa là Quan Công Sứ rồi, không tìm chỗ dựa mới thì sống làm sao. Nhưng chỗ dựa mới cũng nào có bền vững. Bởi lực lượng cách mạng Việt Minh gồm những người nghèo đã  liên kết thành một lực lượng ngầm hùng hậu ,đang chờ vùng lên khởi nghĩa. Người giầu thì ít, người nghèo thì đông. Người nghèo hiện chỉ có giáo mác, súng kíp, nhưng lại muốn lật đổ một lúc cả ba thứ: Pháp, Nhật, triều đình An Nam. Thế mới “ngông”. Nhất sống nhị chết, cách mạng không biết sợ là gì.
Quân Nhật hung hăng giết người như ngóe, “thiên lôi” cũng ngán, nhưng trên bàn cờ quốc tế Đại chiến thứ Hai, Nhật đang ở thế thua to. Phe Trục Đức - Y - Nhật đang bị quân Đồng Minh Nga - Mỹ - Anh đánh cho đại  bại trên khắp các chiến trường.
Vậy trông vào ai bây giờ. Liệu mà đối phó, được lòng tất cả các bên. Bắt cá hai tay, Nhật mà biết thì Nhật pheng đầu. Việt Minh biết thì Việt Minh chặt cổ. Nam triều biết thì Nam triều đóng gông… Ôi làm quan thời buổi này chẳng sung sướng gì. ..
. Kể ra Quan Tuần Ngô Đức Đán đã là người hiểu biết, mưu lược, khôn ngoan, tính trước được tình hình. Ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, dân nghèo Việt Minh khởi nghĩa, tràn vào Tỉnh đưng cướp chính quyền, ông Tun đã bày hương án ngoài cổng “đón tiếp” Việt Minh, nộp vũ khí, tuyên bố di theo Cách mạng. Ngay đêm ấy, vợ chồng lên chếc xe “đít vịt” rời Tỉnh đường về tư Dinh Triêu dương ở quê làng Múc. Vài hôm sau, ông lại “xung phong” làm Chủ tịch mặt trận Liên Việt Huyện, kêu gọi giới quan trường đi theo cách mạng.
Bà Thự theo lệnh chồng mở kho thóc gia đình cứu đói cả làng. Nhà quan thành rỗng như đít bụt. Tinh thần “cách mạng” đến thế mà vẫn bị cách mạng chưa tin tưởng lắm ,vẫn cảnh giác. Cái dinh “Triêu dương” xưa đẹp mắt bao nhiêu, thì giờ là nỗi sợ bấy nhiêu. Vô lý, cách mạng sao lại ở cái dinh thự to thế được…
Ông “công dân” Đức Đán cho phá hết hoa viên, trồng rau tăng gia sản xuất. Từ sáng đến chiều, hai vợ chồng “công dân” cuốc đất vã mồ hôi. Cả nhà “công dân” co vào ở một ngôi nhà nhỏ, còn lại mời ủy bản xã đến lập văn phòng, mở lớp học bình dân học vụ…
Chỉ trong vài tháng ,“Triêu dương” hoang tàn. Càng hoang tàn, “công dân” Đức Đán càng thích…
*        *
*
Cái bé Thự - bây giờ là bà Thự, chứng kiến sự hưng thịnh của nhà Ngô Đức bao nhiêu, thì bây giờ chính kiến sự suy tàn bấy nhiêu.
Tất cả như một giấc mơ, chứ không có thật.
Quân Pháp Đồng minh, chiếm lại được thành Pari, rồi “đi tuột” sang tận Hà Nội đòi lại thuộc địa. Từ Hà Nội chúng đánh nống ra các vùng phụ cận. Dân làng Múc đã một lần khởi nghĩa, biết thế nào là độc lập, giờ đâu chịu. Tất cả rào làng chiến đấu. Việt Minh làng Múc không biết sợ là gì, quyết tử. Pháp chết như ngả dạ, mới vào được làng. Pháp uất, trả thù, cho đốt cả làng. Một rừng lửa bao phủ. “Triêu dương” sau hai ngày cháy, tòa ngang dẫy dọc chỉ còn đống tro. Riêng khu Sinh phần xây toàn bằng đá, Pháp cũng ngán, vì đập vỡ mệt lắm. Khu Sinh phần còn nguyên.
Có tin đồn người Pháp đang đi tìm Nguyên quan Tuần phủ xưa mời về làm Tỉnh trưởng. Tin đồn vu vơ ,nhưng đủ chết người. Ông Đức Đán đang chạy theo đoàn tản cư ra ngoài vùng “Tự do” Việt Minh kiểm soát, lo sợ đến gầy mòn.
Đoàn tàn cư nay Bắc Giang, mai Thái Nguyên, Tuyên Quang… trồng khoai trồng sắn lấy cái ăn. Ông Tuần áo nâu, chân đất, ăn đói mặc rét, sốt rét ngã nước, ốm đau bệnh tật, già lão, lại bị cái tin đồn như dây thòng lọng trên cổ, ngày một suy sụp. Ông chết vì bệnh tim mạch trong một chiếc lều giữa rừng. Mộ chôn vội bên khóm sim mua. Ngôi Sinh phần đá nguy nga ở quê, không được đón ông về “ngự”. Lo xa phần mộ cho mình đến trước cả mấy chục năm mà lúc chết vẫn thành con ma bơ vơ.
Hòa bình 1954, mẹ con bà Thự cùng dân làng trở về quê hương với hai tay nải sắn khô đặc sản núi đồi. Nền đất cũ Triêu dương, lau sậy um tùm, ễnh ương kêu đíếc tai, cầy cáo chạy roàn roạt. Không còn mô mốc đất vườn, ai muốn ở đâu thì ở, sức chiếm được bao nhiêu thì chiếm. Mẹ con bà Thự rẫy cỏ, dựng  ngôi nhà tre ba gian lợp r, với mảnh sân trước cửa, ao bèo đằng sau. Thế đã là quá đủ.
Con trai bà Thự trước đã học lớp Đệ ngũ, biết tiếng Pháp, biết thân biết phận mình là con nhà thành phần phong kiến, nên tích cực “cải tạo” thành nông dân. Một bồ thóc đầy, một gm giường khoai sọ, một vại cà, chum tương, ao bèo, đàn lợn xề...thế là “phong lưu” lý tưởng.
Năm cải cách ruộng đất, người ta lục lại quá khứ Quan Tuần giầu sang nhất vùng ngày xưa để quy thành phần địa chủ mẹ con bà Thự. Mẹ con bà Thự hiện sống như dân nghèo, nhưng phải chịu tội của quá khứ. Kể cũng không oan. Ngày xưa bà Tuần, cậu m, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, gọi một tiếng con sen đứa ở dạ ran. Bà Tuần ăn nem công chả phượng, mặc áo gấm lụa là. Cậu m con quan ngi ô tô “đít vịt”, “sốp phơ” lái đưa đến lớp học....
Người đã từng như thế, giờ sống trong xã hội của người nghèo làm chủ, bảo không có tội thì vô lý quá. Có điều “đối tượng địa chủ” này bây giờ đã mất hết gia sản, chả còn gì để tịch thu làm quả thực cho bần cố, nên phiên tòa đấu “mẹ con bà Thự” không hào hứng lắm.
Tài sản duy nhất, theo “lý thuyết” mà mẹ con bà Thự “sở hữu” giờ là “Ngôi Sinh phần” trơ trơ ngựa đá, voi đá còn đó. Tịch thu cái này, chia cho ai. Ai dại gì đến ở trong ngôi nhà mồ. Ngứa mắt, muốn phá đi, nhưng xưa lính Pháp còn ngại,  công  đâu đập đá, huống hồ bần cố giờ ăn đói, sức yếu, đến cuốc ruộng tăng gia  còn mệt...
Cơn lốc cải cách  đi qua, sang đợt “sửa sai”. Sửa sai, bà Thự cũng không được xuống thành phần. Xuống hay không, mẹ con bà Thự cũng chả cần, vì vẫn ở nhà tranh vách đất, ăn cơm rau.
Năm tháng đi qua, cậu ấm con quan đã thành anh nông dân thực thụ ,lấy cô Gái, đẻ một đứa con. Chắt chiu đồng bạc, dấu dưới chân giường, vợ chồng Gái Tý mua trăm gạch, cây soan, làm ngôi nhà gỗ, hứng nước mưa mái ngói vào chum.
Bà Thự li thấy đúng như cảnh ngày xưa, 13 tuổi, về làm dâu nhà ông Cả.
Sự đời hóa ra hình vòng tròn. Đi hết vòng, lại về điểm xuất phát.
Bà Thự có đứa cháu nội tên là Ngô Đức Thành khôi ngô sáng sủa. Áo nâu chân đất, ngày cuốc bộ 5km đi học cấp 3 trường Huyện. Thành vào Đại học khoa Tài chính Ngân hàng. Ngày mới đi làm, nó thuê một chỗ trọ ở xóm Lao động, ăn cơm “đầu ghế” (cơm bụi). Bà Thự nuôi gà, tích cóp được đồng nào giắt kỹ trong bao, để lo “hậu sự”, nhưng cứ thấy cháu  về, là lại cởi hết ra cho …
Thời gian trôi, mươi, mười lăm năm, bà Thự đã quá già, nhưng vẫn nhận biết được cảnh nhà hồng phúc , mấy năm gần đây lại dần thịnh vượng. Đến một lúc bất ngờ vọt lên, đột biến y như ngày xưa sau khi ông Đức Đán thi đỗ làm quan...
Đức Thành gặp thời “kinh tế thị trường”, hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng không ai biết cụ thể anh ta làm gì. Bảo anh ta “buôn tiền”, nhưng “buôn” thế nào? Chịu! Bảo anh ta “rửa tiền”, rửa như thế nào, lại càng chịu nữa. Toàn những khái niệm không ai hiểu.
Dân làng Múc chỉ hiểu những việc cụ thể nhất. Anh ta liên kết , đầu tư “quy hoạch” được cả cánh đồng ven đô, xây  hàng trăm cao ốc, hàng ngàn biệt thự, bán “một vốn bốn lời”, thậm chí một vốn mười lời. Anh ta về các tỉnh “đầu tư quy hoạch” những khu công nghiệp mênh mông, rồi xắn ra bán lại cho các chủ đầu tư nhỏ… Nói tóm lại, anh ta đã thành nhà tư bản, giống như ở Hoa Kỳ.Hóa ra nước mình giờ cũng chẳng kém đếch gì Hoa Kỳ
Dân làng Múc đo đếm sự giàu có của Đức Thành qua việc anh phục dựng lại dinh “Triêu dương” của ông nội ngày xưa, đã bị Pháp đốt mất. Công trình ròng rã ba năm mới xong, được báo mạng bình bầu là top ten những ngôi nhà đẹp nhất Việt Nam.
Ông có giầu bằng quan Tuần Đức Đán ngày xưa không?
Dân làng so sánh. Không trả lời được. Không biết đằng nào mà lần. Nhưng có người nói: “Quan Tuần xưa không nợ nần ai. Nhưng ông Đức Thành giờ nợ Ngân hàng cả tỷ cả triệu Đô la… Ông Đức Thành  giờ đi đâu , “các ngân hàng” phải theo dõi bảo vệ. Hình như người ta gắn “chíp điện tử” vào đít ông   như gắn chíp vào tê giác hoang dã, kiểm soát di chuyển. Ông mà chết bây giờ thì các Ngân hàng mất chỗ đòi nợ…
*        *
*
Ngày lên lão 100 tuổi của bà cụ Thự sắp đến gần. Người ta tính từng ngày và mong đợi. Nhưng kìa, một buổi tối, bản tin thời sự ti vi, cả làng xem rành rành: ông Ngô Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ludama bị bắt vì các tội gian lận thương mại, trốn thuế, rửa tiền, lừa đảo…
Một quả bom nổ giữa trời. Cả làng Múc hôm đó có nhu cầu từng nhóm gặp nhau để bình luận.
- Ừ, có thế chứ. Nó cũng người trần mắt thịt như mình, hai chân hai tay, mà sao lại giàu thế được.
- Này, con rồng trên núi Châu San đau bụng quằn quại. Mà họ Ngô Đức bị động.
- Tập đoàn Ludama có nghĩa là “lừa đảo ma”. Đến lừa đảo cả ma thì chịu thật.
Trong một ngày, khắp làng rộ lên những chuyện huyễn hoặc.Chuyện rằng những con Ma bị ông chủ trương lừa đảo , đã phù phép cho ông đi tù . Những con ma xưa ở xó dọ bụi bờ, miếu hoang nhếch nhác. Nhờ có “chiến lược quy hoạch thành phố” mà ông Đức Thành là chủ đầu tư,  xây dựng hàng ngàn cao ốc, biệt thự cửa kính sáng choang, nhưng giờ kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, không bán được ,thế là các con ma có “hộ khẩu Hà Nội” nô nức về chiếm. Con thích mở cửa hàng thì chiếm nhà mặt phố. Con thích đi thang máy thì chiếm cao ốc . Con thích nhà vườn một mảnh châu Âu trong lòng Hà nội   thì chiếm biệt thự. Cư dân Ma ở Hà Nội, giờ sướng như vua, so với dân nghèo chen chúc nhau trong những gian phòng bé xíu.
Muốn ngự vĩnh viễn trong các “lâu đài”, phải cho Đức Thành đi tù, mất nghiệp, mất “thanh khoản”…
Đấy, lý do Đức Thành bị bắt là như thế…
… Bà cụ Thư đã được mấy đứa “phục vụ” mua về tấm áo vóc đỏ. Lễ khao, bà sẽ mặc áo vóc đỏ như Hoàng Thái hậu ngồi trên ngai, để mọi người đến vái.
Nhưng bà chờ mãi, chả thấy thằng cháu nội Đức Thành về để cử hành lễ. Một ngày kia, bà thấy một đoàn Công an, Cán bộ, tấp nập đến nhà. Người ta kê biên, tịch thu toàn bộ dinh “Triêu dương” để trừ nợ. Tất cả các phòng bị khóa lại. Bà cụ Th được mời xuống ở gian nhà cấp bốn góc vườn. Đội “phục vụ” tự giải tán hết, mấy hôm không thấy đứa nào đem cơm đến cho bà. Bà sực nhớ dưới lòng đất, có một cái hầm mà đội tịch biên không biết. Trong hầm có đủ nước sạch, lương thực. Bà cụ Thự 100 tuổi lò dò vịn cầu thang mò xuống…

7/8/2014

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Vườn hồng tàn lụi
                                      Truyện ngắn mi ni của Nguyễn Phan Hách

Nắng sớm chan chứa rọi trên vườn Hồng Nhung.
Ông Hen ri dạo quanh. Không tìm được bông nào đẹp. Giống Hồng Nhung thuần chủng này hoa thường to bằng vốc tay, đỏ chói. Ông Hen ri đã chăm bón hết cách nhưng sao vườn Hồng ngày một thoái hóa, xác xơ. Không thấy mùi thơm ngào ngạt bốc lên trong nắng sương ban mai...
Ông Hen ri già lão, run rẩy bước lò dò bên những luống Hồng còi cọt. Ngắt một bông, vò nhàu, nhựa  màu đỏ như máu dính vào tay.
 Đứng dựa  hàng rào, ông Hen ri ngắm gia trang của mình. Đồi xanh biếc, thông già phủ bóng. Tòa biệt thự mái đá đen có gắn hình Chim Ưng cổ trắng – biểu trưng của gia tộc Hen ri.
Trên bậc thềm chan chứa nắng kia, như còn bóng hình ông Uyn xơn – cha của Hen ri, oai phong lẫm biệt, cành tùng kim tuyến trên ve áo, đang nheo mắt kẻ cả nhìn cuộc đời...
Bà Julia trong nhà bước ra. Bà cũng già nua tàn tạ như chồng. Vết nhăn đan lưới võng trên gương mặt. Ánh mắt vô hồn. Lưng lòng khòng, tay chống gậy.
Trên trời có tiếng quạ kêu đỗ xuống ngọn thông. Bà Julia giơ gậy xùy xùy đuổi. Âm thanh tiếng quạ gàn quải.
Thằng con trai tật nguyền lò dò đi theo mẹ. Thằng bé, bốn mươi tuổi, vẫn là thằng bé, người phủ lông đen xì, đầu to bằng nắm tay, mồm rớt rãi chảy dòng dòng.
Ông Hen ri dắt thằng bé, âu yếm, vào dạo vườn Hồng. Ngắt cho nó những bông hoa nho nhỏ…
***
Mấy mươi năm trước, Hen ri là chàng lính Thủy quân Lục chiến  ở miền Nam Việt Nam. Còn ông Uyn xơn thì là sĩ quan Bộ chỉ huy cuộc chiến. Hai cha con đồng ngũ, phục vụ trong quân đội viễn chinh.
Ông Uyn Xơn được giao một nhiệm vụ đặc biệt. Miền nhiệt đới, cây lá quá rậm rạp, đối phương ẩn nấp trong bóng lá rất an toàn. Phải vặt trụi những chiếc lá nhiệt đới kia đi, đối phương lộ ra trống trải, mới dễ tiêu diệt. Ông Uyn xơn giữ trọng trách Tổng chỉ huy đội phi công đi rải thuốc khai quang, diệt cỏ, diệt cây lá, trên khắp miền Nam, để Việt cộng không có chỗ ẩn nấp. Việt cộng sống dựa vào rừng. Những sư đoàn bộ binh, xe tăng, đại bác,kho tàng  quân nhu… gì gì đều ẩn dưới bóng rừng hết. Máy bay Mỹ trên trời có mắt như mù. Phải làm thế nào xé toang tấm áo Rừng kia, lôi Việt cộng ra ngoài trần trụi.
Lúc nhận trọng trách, ông Uyn xơn không hề biết tác dụng gây quái thai qua nhiều thế hệ F1, F2, F3… của chất khai quang Điôxin màu da cam. Các công ty Hóa chất, sản xuất theo đơn đặt hàng của các “Tác giả Cuộc chiến” cũng mù mờ. Có thể biết, có thể không. Chỉ biết Cuộc chiến đang yêu cầu ,và lợi nhuận là trên hết.
Những chiếc máy bay dưới quyền của ông Uyn xơn cất cánh,  phun sương Đi ô xin trải dài như một tấm lụa đẹp mắt. Hạt Đi ô xin rơi xuống, chiếc là xanh giật thót, quằn lại,  diệp lục biến hóa, rụng ngay khi chưa úa vàng.
Điôxin rơi xuống rừng, núi, dải đồi, cánh đồng, làng mạc, sông suối, ngấm vào lòng đất, mạch ngầm, chảy ra các giếng nước.
Lần ấy đơn vị của Hen ri tác chiến trong vùng bị rải Đi ô xin. Cây lá trơ trụi. Việt cộng mất chỗ nấp. Đơn vị của Hen ri không bị phục kích, đã hoàn thành chiến dịch. Hen ri được thưởng Huân chương…
Hết hạn phục vụ quân đội, hai cha con Uyn xơn - Hen ri xuất ngũ, trở về Mỹ sống cuộc đời bình thường. Gia trang “Chim Ưng cổ trắng” thơ mộng. Đồi cỏ, Thông già, hoa Hồng khoe sắc. Hen ri lấy vợ, cô gái Julia xinh đẹp, hăm hở xây dựng chương trình hạnh phúc.
Đứa cháu trai đầu là niềm trông đợi của Uyn xơn. Dòng họ ông không hổ thẹn, bởi các thế hệ giỏi giang, kiêu hãnh. Cụ tổ nhà Uyn xơn - Hen ri từ một vùng đồi cỏ nuôi cừu  sản xuất len nào đó ở nước Anh cổ kính ,đã di cư sang châu lục mới mà Cô lôm bô tìm ra.
Họ đã phải vật lộn, để xây dựng nên trang trại này. Họ nuôi bò lấy sữa, học hành, tham gia chiến trận, đến đời Uyn xơn đã đến đỉnh cao binh nghiệp. Họ không ngần ngại, cho đứa con trai duy nhất sang Việt Nam chiến đấu. Dòng họ này phải ghi những trang sử anh hùng cho lịch sử.
Đứa cháu nội ra đời, sẽ nối tiếp mạch nguồn, dòng họ trường tồn mãi mãi với thời gian.
Ngày đứa cháu sinh, như tiếng sét giáng xuống giữa thanh thiên bạch nhật, bổ đôi gia trang “Chim Ưng cổ trắng”. Hình xác chim Ưng còn đó, mà hồn nó đã hoảng hốt bay đi mất. Đứa cháu nội người đầy lông đen, và đầu thì bé tẹo.
Y tế xét nghiệm kết luận đứa bé bị quái thai do di chứng chất độc Đi ô xin từ người bố bị nhiễm ở chiến trường Việt Nam.
Ông Uyn xơn và Hen ri đóng cửa trong nhà, gào thét một mình. Hai người quân nhân kiên nghị, cắt thịt không đau, giờ mềm nhũn ra.
Cuộc đời đã cử một Sứ giả sản phẩm của ý tưởng chiến tranh, ý tưởng tuyệt diệt nhân loại, đến hiện diện, nối tiếp cho dòng họ Uyn xơn- Hen ri.
Cuốn sổ tay của ông Uyn xơn - một kỷ vật chiến tranh, còn đây. Những dòng mật lệnh cho các chuyến phi cơ chở Đi ô xin cất cánh. Những chữ ký của ông. Chữ ký của thần hủy diệt sự sống. Chữ ký phỉ báng quyền sáng tạo sự sống của Thượng đế.
Thượng đế đã trừng phạt ông, tạo nên một mô đen hài hước, bi kịch: Ông nội hạ lệnh rải chất độc lên con trai, để sinh ra đứa cháu quái thai nối dõi dòng họ cho ông nội.
Sổ tay ông Uyn xơn ghi rõ: Tổng cộng số lượng chất độc đã rải là 80 triệu lít, trong đó chứa 366 kg Đi ô xin. Một giọt Đi ô xin tạo ra đứa cháu nội ông . Vậy 366kg Đi ô xin  tạo ra bao đứa cháu tương đồng như cháu nội ông?
Ông Uyn xơn chết vì già lão, chứ không phải vì ân hận. Nếu ân hận tội ác chiến tranh mà chết, thì thế giới đã sạch bóng chiến tranh từ lâu. Không. Chiến tranh vẫn có muôn vàn “lý do có lý” để xẩy ra.
Đứa cháu tật nguyền “lại giống” tinh tinh, mọc lông đen xì cứ sống trong nhà Uyn xơn - Hen ri - Julia như để chứng minh một ADN không hoàn hảo nào đó trong bản thân sự sống.
Hen ri là nạn nhân, nhưng tại sao Hen ri lại đeo súng đến Việt Nam . Hồn ông Uyn xơn cãi : Ông chỉ làm phận sự quân nhân trong guồng máy chiến tranh. Rồi đến Tổng thống cũng nói: Đó là Lô gic của chiến tranh gây nên, chứ đâu phải Tổng thống.
Vậy là Lô gic gây ra tội. Ai là tác giả Lô gic? Thượng đế ! Cuối cùng là tại Thượng đế.
Gớm chưa, con người gây ra tội ác tày trời, giờ lý sự loanh quanh đổ lên đầu Thượng đế…
* * *
Ông Hen ri lẩy bẩy cầm chiếc cuốc xi xáo gốc Hồng. Một con sâu bò nhoay nhoáy từ cành này sang cành khác và đớp những cánh hoa. Ông Hen ri không đủ nhanh nhẹn để đưa tay đuổi theo con sâu. Nó thoăn thoắt lẩn vào cành lá. Tay ông Uyn xơn bị gai hồng cào xước máu. Máu rỉ, đặc quánh, và cũng không có nhiều để tụ lại thành giọt.
Giống Hồng này, tổ tiên ông Hen ri đem từ quê hương Anh Quốc sang. Nó quý, đẹp nổi tiếng. Bao đời nhà Hen ri trồng nó, phục tráng giống, giữ gìn cho nó nở hoa đã mấy  trăm năm nay. Nó gần như là biểu tượng của sức sống gia tộc.
Nhưng đến hôm nay, vườn Hồng đã lụi tàn.
12/8/2014




ĐÌNH LÀNG
Tản văn
Nguyễn Phan Hách

Bao giờ cho đến tháng hai/ Cho làng mở hội gái trai ra đình / Trên thì trống đánh thậm thình / Dưới thời trai gái có tình với nhau…
Đức Thành hoàng cai quản phần hồn của cả làng. Nhưng trên đình cứ cúng bái linh thiêng, còn sân hội để người ta yêu nhau.
Sự hài hòa đáng yêu. Mồm vẫn phải nói: “Nam nữ thụ thụ bất tương thân”, nhưng thực tế không thể cách ngăn trai gái.
Sợ nhất thói đạo đức giả, cấm đoán khát vọng của con người. Một dân tộc đạo đức giả sẽ suy thoái ,vì con người không được là con người tự nhiên.
Đình xưa là tâm điểm của cả làng. Một công trình kiến trúc đồ sộ nhất, mỹ thuật nhất. Mái đao cong làm đình như cánh diều bay bổng. Đôi rồng từ trời xanh bay xuống đậu trên đỉnh nóc. Lớp lớp ngói bát ngát rêu phong. Qua đình ngả nón trông đình / Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu… Nhìn mái đình lại liên tưởng đến tình yêu, chứ không liên tưởng đến phụng thờ. Con người vốn bản chất là như thế. Tình yêu là trên hết, là số một. Sau mới đến các thứ khác.
Đình làng, cửa võng sơn son thếp vàng rực rỡ. Phù điêu trạm khắc gỗ miêu tả cảnh sinh hoạt của người Việt xưa.
Tín ngưỡng phồn thực là điều có thật trong dân gian. Phồn thực tức là để sinh ra con người. Trên đời này còn gì thiêng liêng cao quý hơn việc tạo ra con người. Bởi thế dân mình đưa phồn thực lên thành tín ngưỡng phụng thờ.
Thờ ở đâu? Ở chỗ linh thiêng nhất. Trên chùa, và nơi thánh địa (ví dụ Mỹ Sơn). Linh ga bằng đá có rồng mây ấp (ví dụ Chùa Dạm) ngả bóng trên đài Yoni.
Vì vậy có đình làng có cả những bức trạm gỗ cảnh con trai con gái khỏa thân bên đầm sen. Chuyện không lạ. Trống đồng ngàn năm còn đúc nổi hình trai gái đè lên nhau. Khách tham quan bảo tàng hỏi: Hình gì đây. Cô thuyết minh ngượng ngùng đỏ mặt.
Có phù điêu đình làng còn dí dỏm bức tranh truyện “liên hoàn”. Cô gái   ra gánh nước. Chàng trai bóp vú cô bên giếng. Chàng trai khác ghen, lấy ống xì đồng thổi đạn đất sét vào đít. Ghen xưa chỉ thế thôi, chứ không bạo lực như bây giờ.
Có đình gần kinh đô cổ Vua Hùng, còn có Hội làng với nghi thức “linh tinh tình… phập”. Hoàng nam và Ngọc nữ cầm sinh thực khí sơn son thiếp vàng. Chiêng trống âm vang, khói trầm nghi ngút. Chủ tế ngân nga: “Linh tinh tình…” đến âm phập thì Hoàng nam, Ngọc nữ múa may, xáp lại cắm hai sinh thực khí vào nhau. Cắm chệch là năm đó cả làng sẽ mất mùa, dịch bệnh.
Đất cổ Bắc Ninh xưa có làng có Hội chen. Trong khi quan viên tế lễ nghiêm trang thì ngoài sân tắt đèn cho con trai con gái chen nhau. Khi đèn thắp lại, yếm đào con gái đứt dải vương đầy trên sân. Yếm không rơi, năm ấy “quan ôn” sẽ mò về làng, không khéo chết sạch!
Làng tôi, mấy bác nông dân thích làm vua quan nên Hội làng, đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng vàng, lọng che đầu, đi rước quanh làng. Ba ngày hội, mở toang cửa đình hát xướng thờ thần. Người thích nghe hát ,thì thần chắc cũng thích nghe. Cứ hơng bái cúc cung mãi, thần cũng chán. Gọi Ả đào ca trù xinh đẹp về đây hát. Đàn đáy tấm tưng, trống  chầu tom chát, phách nhịp giòn tan, ca nương mắt liếc đổ quán xiêu đình…
Quê tôi có một xã, cả làng làm nghề đi hát ca trù kiếm ăn ngày xuân. Các Văn nhân, nhà Nho thi trượt, tha hồ sáng tác  thơ cho ca nương ca trù “phổ nhạc”, biểu diễn.
Ngày thứ nhất hát Ả đào, thì ngày thứ hai sẽ là Hát chèo. Những Cô đào chèo mướn từ huyện bên, áo mớ bẩy mớ ba múa như đàn bướm. Câu hát Đào liễu véo von. Ngày giã hội, gọi phường tuồng làng Bắc. Làng ấy hát Tuồng cũng là nghề kiếm ăn. Diễn viên chuyên nghiệp đến mức thành tên gọi hàng ngày có phó đại từ kèm theo: Ông Thái sư Cù, bà Công chúa Bưởi… Những ông tướng Tuồng mặt đỏ râu dài, diễn những tích tuồng khái quát được hết mọi chuyện mưu bá đồ vương, tranh giành quyền bính của cả ngàn năm phong kiến bên Tầu.
Đình làng có hồ bán nguyệt ,cho thuyền rồng liền anh liền chị Quan họ giao duyên. Tiếng hát Quan họ đắm say ru cuộc đời vào trong giấc mộng.
Không có đình làng, không có hội hè, cả làng quanh năm chìm trong cuộc sống cằn cỗi buồn tẻ. Các Thành hoàng làng thường “bao dung” trong kỳ hội hè, nhưng bình thường thì oai nghiêm, kỷ cương, nề nếp. Kẻ nào bậy bạ sẽ bị Thành hoàng trừng phạt đến nơi đến chốn.
Cả làng thờ phụng Thành  hoàng, coi đó là đấng tối cao, là đối tượng để tin, để cầu mong phúc đức.
Thành hoàng thường là các văn thần, võ tướng có công với dân với nước, các triều đại đều có sắc phong.
Nhưng cũng có Thành hoàng vốn chỉ là dân thường có công tích gì đó với làng quê. Ví dụ là người đầu tiên đem nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa cho quê. Dạy nghề đục đá, khảm trai, đan lát. Nghĩa là nuôi sống các thế hệ mai sau. Những ông tổ nghề là Thành hoàng thiết thực nhất.
Có Thành hoàng công tích mơ hồ trong truyền thuyết: Có công kiện thắng Hà Bá, vì Hà bá mỗi năm bắt làng cống nạp bằng cách ném một cô gái xuống sông, nếu không thì dâng nước cho ngập lụt…
… Các “phúc thần” thần tích vẻ vang. Nhưng cũng có nhiều Thành hoàng chỉ là người đầu tiên lập nên làng.
Một làng nọ, vùng đất ấy xưa hoang hóa, có một ông tướng cướp, đến trú ngụ. Ông tướng cướp giải nghệ, khai hoang lập ấp. Thế là sau thành Thành hoàng. Vậy là làng thờ thần ăn cướp. Hội làng, đám rước mô phỏng một đám cướp, hô hoán reo hò…
Buồn cười hơn là có làng thờ Thành hoàng ăn mày. Một ông ăn mày đã lập làng, ăn mày các nơi về tụ bạ. Vậy là cả làng ấy có nguồn gốc là dân ăn mày. Nhưng họ chẳng tự ái, và không ai dám nghĩ đến việc thay đổi Thành hoàng.
Mấy trăm năm trôi qua mà họ vẫn thực hiện nghi lễ “hành hương ăn mày”. Sau tết, mỗi nhà cử một người, cha, mẹ, vợ hoặc chồng sắm bị gậy tỏa đi các nơi… ăn mày. Ăn mày thật sự theo   nghĩa đen, chứ không phải nghĩa bóng. Đến các nhà xin nắm gạo. Có “ăn mày viên” là người đàn bà trẻ xinh đẹp, ai cũng cho, một ngày thu hoạch cả mấy chục cân.
Hết tháng giêng, đoàn “hành hương ăn mày” theo nghi lễ , lại lục tục trở về nhà.
Cuộc “hành hương” gian khổ để tưởng nhớ công ơn tiên tổ. Huyện, tỉnh xuống bảo: Nên bỏ phong tục này. Nhưng người làng sợ Đức Thành hoàng trừng phạt…
Các Thành hoàng loại này không được các triều đại “sắc phong”. Đình làng không có biển “Mỹ tục khả phong”. Nhưng các làng chả cần. Xem ra các làng sợ Thành hoàng hơn sợ Vua…
                                                                                      20-8-2014