- Đó không
phải là ngôn ngữ của những người làm nghề quan toà như anh. Hãy giữ tư thế chủ
toạ phiên toà.
- Không. Bây
giờ anh chỉ là thằng bé, bé bỏng tội nghiệp, làm nũng mẹ, vòi vĩnh em… Và em
cũng đừng làm quan toà xử án anh.
- Đứng dậy,
không phải quỳ, ra chiếc canapee kia ngồi xa em ra.
- Không lẽ em
hoàn toàn dứt tình…
- Sợi dây vẫn
nằm trong tay em. Dứt hay nối là tuỳ ở anh…
Bây giờ để em
pha trà thết khách. Chẳng lẽ khách đến nhà không mời ngụm nước hay sao? Phải,
thuốc là đây, hút đi! Ta chuyện trò đúng phép xã giao lịch sự nhé… Thời tiết
hôm nay thế nào? Lạnh, à, vâng lạnh. Rét đầu mùa. Dạo này bên anh có vụ án nào
đặc biệt. Anh ngồi ghế chánh án hay công tố uỷ viên. Bị can có điều gì oan ức?
Có thằng nào cơ hội, hèn nhát, độc ác bất lương, nhưng chiểu theo luật thì nó
lại vô can. Anh muốn trị nó mà không được. Anh thề cả đời anh sẽ để tâm tiêu
diệt chúng. Nhưng chúng đông lắm mà lại hợp pháp. Chúng đâu dại khờ ăn cắp ăn
trộm đánh người để anh tống nó vào tù. Nó bỏ tù các anh thì có…
- Kìa em, giờ
phút này chỉ có tình yêu.
- Giờ phút
nào cũng là giờ phút của tình yêu cả. Dòng tình yêu cũng như dòng thời gian
không điểm xuất phát, không nơi kết thúc… Chứ không phải riêng giờ phút này
trong không gian căn phòng lạnh run giữa cơn gió bấc đầu mùa.
- Anh hiểu…
- Nhưng không
hành động.
- Cuộc đời
bao gồm một số quy ước, ước lệ, điều luật mà ai cũng phải theo. Những vấn đề
của lịch sử để lại, phải chấp nhận, rồi tìm cách thích nghi dần.
- Hay quá, để
em minh hoạ cho lý luận khái quát ấy. Cô vợ tỉnh lẻ của anh kết hôn trước đây
là vấn đề của lịch sử để lại, phải chấp nhận, em phải tìm cách thích nghi dần.
Ha ha…
Thôi, anh đi
đi… Uống trà và hút thuốc rồi, chủ không có gì thất lễ với khách. Đừng bao giờ
đến đây với cái mớ lý luận ban nãy của anh nữa. Đi đi… Nếu không em dắt tay ra
cửa bây giờ. Em hay nổi nóng bất thần, anh biết đấy. Để cái việc ấy xảy ra
chẳng vui vẻ vì cho cả hai bên.
Kháng đứng
bật dậy, xe lui ra cửa nhớn nhác sợ hãi như thằng ở bị bà chủ đuổi đánh.
- Anh ngoan
lắm. Thế thế… phải rồi.
Trinh cầm quả
đấm cửa từ từ khép lại khi Kháng đã ra phía ngoài.
Không… em
không muốn, không bao giờ em muốn như thế này. Ngay sau đây em sẽ gieo mình
xuống giường khóc gọi tên anh, nhưng đời có những “điều luật” phải thực hiện.
Anh Kháng, sợi dây vẫn nằm trong tay anh. Dứt hay nối là ở anh. Em yêu anh,
nhưng chỉ yêu một mình anh, không thể yêu thêm cái “sản phẩm của lịch sử để
lại” ấy. Ông quan toà chuyên đi xử án cho người, những tội phạm hình sự, những
vụ án ly dị… sao không xử “vụ ly dị” cho chính mình?
Kháng loạng
choạng chới với trong cơn gió lạnh ào đến. Trinh nghiến răng xập mạnh cửa như
xập lưỡi máy chém. Tiếc rằng chẳng có đầu ai rơi ra cả, mà lại chính là đầu và
thân của người vừa điều khiển máy chém vật vã trên giường.
*
* *
Tiếng chim
bông lau vàng ríu rít ngoài vườn Cổ phong vọng vào cửa sổ đẫm sương mai làm cô
bé thức dậy.
- Bố mẹ ơi! -
Cô gọi - Đến giờ chưa?
- Mau lên!
Anh Dục mặc quần áo mới xong rồi đây này.
Cô bé rửa mặt
cuống quýt. Bà Đức Hạnh giúp con thay đồ. Váy xanh xếp nếp, áo trắng, khăn
quàng đỏ. Bím tóc cài hoa, đầu đội mũ chào mào lệch.
- Anh Dục,
đổi khăn cho em. Khăn em không có viên vàng kim tuyến.
- Anh là cấp
chỉ huy Liên đội, khăn mới có viền chứ. Giống như quân hàm tướng mới có viền
óng ánh.
- Ứ ự…
- Không được
- bà Đức Hạnh nghiêm khắc. Quàng khăn phải đúng nghi thức Đội.
- Thế cho em
đeo cái lon ba vạch vàng kia vậy.
- Con là đội
viên thường, đeo thế công an không cho vào Hội trường đâu.
Chiếc Pôbêđa
phóng veo veo đưa cả gia đình vào Nhà khách chính phủ. Hôm nay có cuộc tiếp tân
ngài Tổng thống một nước thế giới thứ ba. Vị yếu nhân chính phủ quen thân xoa
đầu Dục, Trinh:
- Anh chị có
hai đứa cháu ngoan quá. Chúng là tương lai của đất nước, chủ nhân ông thời đại
sau này. Chúng thật sướng, sinh ra và lớn lên dưới chế độ mới, đời thênh thang
phơi phới thẳng đường đi lên. Không như anh em mình xưa trầy trật mò mẫm đi tìm
lý tưởng. Đến đời các cháu lớn lên, đất nước mình nhất định sẽ sánh vai được
với các cường quốc năm châu.
Ngài tổng
thống da đen chỉ ngoài ba mươi tuổi, ôm Trinh khi bé tặng hoa. Ngài hôn rất lâu
để các phóng viên quay phim chụp ảnh.
- Ê liên đội
trưởng, khăn viền vàng thua em rồi nhé - Lúc ra về Trinh đắc thắng - EM được
hẳn tổng thống ôm hôn cơ.
- Ai bì với
con gái.
Tấm ảnh vị
tổng thống ôm hôn thật quý. Với thời gian, khi nền ngoại giao của đất nước mở
rộng, thì những tấm ảnh kiểu như thế ngày càng nhiều. Chạy ra cầu thang máy
dâng hoa vị Chủ nước cộng hoà. Quàng khăn đỏ lên vai ngài nguyên thủ quốc gia.
Đứng hát chào mừng vị thủ tướng…
Những phút
giây đẹp đẽ ấy vĩnh viễn thành quá khứ khi con chim non đã lớn. Không ai cho
một cô gái trưởng thành bén mảng đến ôm hôn ông tổng thống nào nữa. Chỉ còn
những tấm ảnh toả ánh sáng vinh quan một thời…
Trinh vào Đại
học Kiến trúc. Cũng như lần xưa với con trai, bà Đức Hạnh khuyên con gái nên
theo một lớp y tá để cấp tốc ra mặt trận.
- Không, thưa
mẹ - Cô bé từng được nhiều tổng thống ôm hôn cự tuyệt.
- Sao? - Bà
mẹ bàng hoàng.
- Máu và bom
đạn là hai thứ con sợ nhất.
- Cuộc sống
yên bình này có được là do những người đang lăn lộn trong máu và bom đạn đem
lại.
- Chiến tranh
không phải việc của đàn bà. Tạo hoá đã phân công. Đàn ông thích đánh nhau thì
phải tự “làm lấy” những việc đó.
Bà Đức Hạnh
run lên, mặt tái nhợt. Đất dưới chân như sụt lở:
- Mười tám
tuổi mẹ dắt súng lục vào cạp quần đến tận đầu giường tên việt gian nhả đạn.
Mười tám tuổi, mẹ nhẩy phắt lên bàn diễn thuyết về cách mạng trước hàng trăm
đàn ông. Hai mươi tuổi mẹ đã là thượng cấp của lực lượng vũ trang cách mạng
vùng Trại Dẻ. Vậy mẹ là đàn ông hay đàn bà?
- Mẹ là sản
phẩm của một thời.
- Sao con
không đem trong mình dóng máu của mẹ?
Nổi giận của
bà Đức Hạnh “thối mầm thâm rễ” âm ỉ. “Con chim non” “đoá hoa tươi thắm của
tương lai” cái con bé từng được hàng chục ông tổng thống ôm hôn mà thành đốn
mạt thế này!
Ta đã chủ
quan, đã buông lơi, không rèn rũa nó từ nhỏ. Đáng lẽ phải bắt nó vào trường
Đoàn học chính trị, thì ta đã để nó tự chọn ngành kiến trúc.
Làm thế nào
bây giờ. Không khéo ta mất một đứa con như chơi. Phải kịp thời có nhiều biện
pháp giáo dục…
… Bờ sông
Hồng. Chiếc com măng ca đít vuông xếp hàng chờ qua cầu phao. Từ Hà Nội đi Trại
Dẻ phải qua ba cầu - ba trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Phải cho con Trinh
biết mùi thế nào là chiến tranh. Phải cho nó sợ vãi đái ra khi trên đầu là bom.
Nó đã quen là cô tiểu thư của căn hầm bê tông chắc chắn trong vườn Cổ Phong.
Ông Huy ngồi
ở ghế trước. Trinh với bà Đức Hạnh ngồi ở băng sau. Chiếc com măng ca như con
trâu lồng. Không thể không có chuyến đi này. Ủy ban nhân dân tỉnh quê hương có
giấy mời. Cuộc mít tinh rất lớn để động viên tinh thần chiến đấu chống Mỹ cứu
nước của nhân dân trong tỉnh, nếu có mặt của bà thượng cấp lực lượng vũ trang
cách mạng từ hồi bí mất ở vùng này, cùng với vị nhân sĩ có tiếng cũng xuấ thân
từ đây, sẽ tăng ý nghĩa. Vùng Trại Dẻ cửa rừng xưa là “cái nôi” của đội võ
trang, nay lại là vùng sơ tán tránh bom Mỹ của các cơ quan đầu não tỉnh, đương
nhiên là địa điểm của cuộc mít tinh lịch sử…
Xe qua hai
cầu cửa ngõ Hà Nội trót lọt. Nhưng đúng lúc đến cầu thứ ba thì báo động. Cuộc
oanh tạc của máy bay Mỹ chỉ chừng ít phút. Hai chiếc F105D bị dân gọi nôm na la
“cổ ngỗng”, đi oanh kích bị gọi là “cắn trộm” nhưng cầu sắt không việc gì, và
chúng cũng chuồn êm không xây sước. “Chủ” và “khách” đều an toàn.
Chiếc ba ri e
đã được nâng lên.
Mùi khói khét
vẫn bốc quanh đây. Bà Đức Hạnh quan sát Trinh. Nét mặt nó vẫn thản nhiên. Bà
thấy tức giận. Bà muốn cho nó phải sợ vãi đái ra để trả thù những luận điểm của
nó.
Xe chớm vào
cầu, kinh ngạc, sững lại, cài số lùi. Cái gì? Thế này là thế nào? Bà Đức Hạnh
vội chạy xuống trận địa pháo cao xạ 37 ly bên cạnh hốt hoảng:
- Có một anh
công an bị trói trên cầu, gần như đang chết ngất.
Người trung
uý đại đội trưởng mỉm cười, quay lại “đàn em” hạ lệnh:
- Lên cởi
trói…
- Thế là thế
nào?...
Một người
lính giải thích:
- Thằng công
an bảo vệ cầu đó ác lắm. Hôm qua nó bắt một bà cắt cỏ phải bò bằng “bốn chân”
qua cầu. Cỏ thì tịch thu ném xuống sông. Lý do: bà dám lẻn qua cầu giờ giới
nghiêm để đi cắt cỏ bên kia sông. Thủ trưởng của tôi “anh hùng thấy sự bất bằng
nào tha” đã ra lệnh trói nó trên cầu cho nó một phen hú vía. Máy bay đến oanh
tạc, không kip cởi - Anh lính quay sang người trung uý - Nhưng mà kỳ này thì
thủ trưởng mất chức, mất quân hàm đấy thủ trưởng ạ… Nó sẽ kiện…
- Mất thì
thôi. Xin nhường người khác đến đây thường trực chiến đấu 24/24 bên cầu. Tao
xin xuống làm chiến sĩ. Và tao cứ chiến đấu mãi, cứ bắn rơi máy bay mãi là tao
khắc lại lên chức.
Máu lính!
Đúng là máu lính ngang tàng ngoài mặt trận. Trên xe, mọi người đều bình luận.
Bà Đức Hạnh thì cho rằng cậu đại đội trưởng này phải bị kỷ luật nặng. Trinh thì
ngược lại, nên cho anh ta lên chức tiểu đoàn trưởng. Đây, chính là dáng nét của
người anh hùng. Ông Quang Huy thì cho rằng hai bên đều nên “rút kinh nghiệm”
nhưng không nên cách chức ai. Đại đội trưởng pháo cao xạ đối mặt với máy bay Mỹ
ở đây bao nhiêu ngày, đã quật ngã F105D Mỹ, đã có kinh nghiệm chiến đấu. Cử
người khác đến bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, có khi cầu bị gẫy oan. Xét
cho cùng cấp bậc của anh đại đội trưởng chẳng quan hệ gì đến ai lắm. Nhưng cầu
gẫy thì quan hệ đến tất cả mọi người.
- Nhưng như
thế còn đâu là kỷ luật quân đội?
Thế là chỉ
trong một xe, đã có ba phe. Đời, ở đâu cũng thường có ba phe…
Cuộc mít tinh
lịch sử tổ chức trong một khu rừng thuộc vùng Trại Dẻ tầm tám giờ tối. Những
năm đầu chiến tranh người ta còn ngây thơ đến mức tưởng máy bay chỉ oanh tạc
được vào ban ngày, có nắng chói chang mới nhìn thấy mục tiêu. Ban đêm an toàn.
Quả tình thời gian đầu “giờ oanh tạc” thường vào giữa trưa. Biết đâu sau này bọn “không tặc” lại trái
khoáy chỉ đánh vào ban đêm. Đêm nào cũng đánh, còn ngày an toàn. Chúng có một
sứ “máy móc cứng đờ” nào đó, hoặc một sự “đùa rỡn” nào đó.
Hội trường
dựng vội bằng tre nứa như hồi chống Pháp ở Việt Bắc, nhưng nghi lễ thì đã khoa
trương hình thức.
Trinh ngồi
dưới chăm chú nghe Hảo đọc diễn văn. Tư thế ông phó bí thư thường trực tỉnh uỷ
trẻ măng khá chững chạc. Giọng điệu của một người có khả năng hùng biện - hiện
tượng hiếm trong dàn cán bộ chỉ lo hành động là chính.
Hảo quá quen
thân với gia đình Trinh. Chưa bao giờ cô thấy Hảo oai vệ như lúc này. Giọng anh
sang sảng, gương mặt sáng bừng trong ánh pha đền đầu vẻ sắt đá, cương nghị. Làm
sao mà một “chú” trẻ măng kia lại có cái chức vụ “già sụ” thế - Trinh bật cười.
Oai thật, đúng là đại biểu duy nhất của thế hệ trẻ trong hàng ngũ các nhà lãnh
đạo. “Xuất thân” là chú “tiểu đồng” của “cậu công tử” cha mình. Chú liên lạc
của bà “Nữ tướng cách mạng” mẹ mình. Tuổi tham gia hoạt động cách mạng chỉ kém
tuổi đời 6, 7 năm, hèn nào!
Tiếng Hảo vẫn
sang sảng đầy sức cổ động trên loa. Ánh đèn rọi nổi hình khối. Từ Hảo toát ra
một cái gì gợi tả những thuộc tính của người có năng khiếu làm chính trị trong
cơ chế quan liêu.
Hảo được cái
vị trí cao sang kia là xứng đáng hay là sự chọn lầm của lịch sử - Trinh chợt
nghĩ.
Bài diễn văn
đã chấm dứt. Những cuộc mít tinh lớn kiểu này ở tỉnh lẻ thường phải có chương
trình tổng hợp, vì người ta quen quan niệm nó như… Hội. Nên phải có các ca sĩ
đón từ thủ đô về trình bày những ca khúc chính trị hừng hực khí thế. Rồi lại có
phiếu lĩnh tặng phẩm gồm các mặt hàng khan hiếm: kẹo bánh, vải, xà phòng… Đấy
là chưa kể các đại biểu đều đã được ăn liên hoan lúc 5 giờ chiều trước khi tưng
bừng vác cờ hoa, xếp hàng từng khối tiến vào hội trường.
“Đánh mõ
không bằng gõ thớt”, câu thành ngữ xúc phạm nhưng trong thực tế người ta cứ
phải lặng lẽ làm theo…
Sáng hôm sau,
Tỉnh uỷ tiếp tân chính thức hai vị thượng khách: ông bà Đức Hạnh. Người chủ
trì: Hảo. Tình huống cũng oái oăm. Trinh quan sát thấy Hảo có sự uy nghiêm của
một người “phương diện quốc gia” theo “nghi lễ ngoại giao”. Mặc khác là sự kiêu
hãnh của kẻ từ “bùn đất” vươn lên, thành công trong cuộc đời. Cứng nhắc đúng
phép lịch sự ngoại giao, nhưng lại phải điểm xuyết sự “thân tình người nhà” giả
vờ. Hảo đủ sự thông minh để không kênh kiệu, nhưng đồng thời bắt hai người chủ
cũ (hai loại chủ khác hẳn nhau) phải tôn trọng đúng mức vị trí của mình.
Ông Quang Huy
khá hồn nhiên và không nhất quán trong thái độ, làm bà Đức Hạnh nhiều lúc phải
giật áo ông. Lúc ông trịnh trọng như đang hội đàm quốc tế (thói quen nghề cũ
hồi chính phủ lâm thời 1946), lúc ông gọi phắt phó bí thư thường trực tỉnh uỷ
bằng tên trống không: Hảo! (Y như hồi ông sai nó vào rừng bẫy chim).
Bà vợ uyển
chuyển khôn khéo hơn. Đoán chắc rằng bà thượng cấp dữ dẵn này từng bạt tai
thằng bé liên lạc khi không được việc. Nhưng bây giờ thì chỉ còn là tình đồng
chí bình đẳng, tình chị em sống chết có nhau thuở hàn vi. Mừng cho “Cậu” thành
công. Kiêu hãnh chung. Tất nhiên là “cậu” cũng chả quên chị là “thượng cấp” dìu
dắt cả một lớp đàn em, giờ đều là cán bộ lãnh đạo trong tỉnh. Chị sẽ còn ủng
hộ, nâng đỡ cậu trong khẳ năng hiện nay của chị. Chị là “đàn chị cách mạng”
khác hẳn cái “lão” nhân sĩ Quang Huy nguyên chủ đồn điền.
Hảo cùng
khách đi thăm lại các cơ sở hoạt động cũ ở Trại Dẻ (chứ không phải là đưa ông
chủ Quang Huy thăm lại đồn điền của mình). Hang đá, khe núi, tàng cổ thụ nơi
đội võ trang đứng nghe bà nữ tướng hạ lệnh đi phá kho thóc Nhật chia cho dân
nghèo. Sân bóng đá “nửa mùa” cậu cử Huy xây dựng thành một “di tích” vì tá điền
mít tinh lớn ở đây đòi người cày có ruộng. Nhà khách đồn điền, nơi tên quản lý
phải đền tội khi đội bảo vệ của hắn đụng độ với lực lượng võ trang cách mạng.
Nhà khách
- toà
vi la có sảnh đường lớn và mười phòng biệt lập bây giờ vẫn là ngôi nhà
có kiến trúc đẹp nhất ở đây. Huyện uỷ xưa lấy làm trụ sở. Giờ tỉnh sơ tán về,
huyện nhường tỉnh làm khách sạn giao tế.
- Không được
nhìn bằng con mắt hoài niệm của ông chủ - Bà Đức Hạnh cảnh cáo chồng.
- Không! Tôi
“tham quan” nhà khách của tỉnh đấy chứ.
- Tôi và nhóm
võ trang đến bậc tam cấp kia thì phát hiện tên quản lý phục kích sau cửa. Không
nhanh tôi bị hắn bắn gục… Trong một giây, súng tôi nhả đạn trước. Đội võ trang
vào ào sảnh đường.
- Chỗ ấy ngày
xưa tôi hay bày bộ ghế mây đánh cờ.
- Suỵt. Đã
bảo không được nói kiểu đó - Bà Đức Hạnh lườm. Trinh phá lên cười nắc nẻ.
Lúc chia tay
Trại Dẻ, bà Đức Hạnh cầm tay Hảo như mẹ cầm tay con trách móc:
- Anh tệ lắm.
Sao lâu nay không ra chơi với chúng tôi. Chúng ta nên coi nhau như ruột thịt.
Anh Hảo là gương sáng cho hai anh em Dục, Trinh noi theo. Dục thì đã nên người
rồi, đang ở chiến trường. Còn Trinh vẫn non nớt lắm. Anh Hảo phải có trách
nhiệm rèn cặp, giáo dục em. Hảo ạ, năng ra ngoài này chơi nhé. Anh đầy triển
vọng. Đường công tác mở thênh thang trước mặt. Tôi có quen biết nhiều anh có
trách nhiệm ngoài trung ương. Họ đang nhằm những người trẻ, có năng lực, để đào
tạo lực lượng kế cận. Tôi có nhiều việc phải bàn với anh, giúp anh, giới thiệu
anh. Điều đó còn quan trọng gấp trăm lần so với quan hệ tình thân gia đình.
Đồng chí Bí thư tỉnh mình cũng sắp tuổi về hưu rồi còn gì nữa. Sức khoẻ có vẻ
yếu. Bao nhiêu năm đế quốc tra tấn giam cầm. Phong trào cần người trẻ tuổi nối
tiếp. Anh hiểu tôi nói chứ…
Chuyến về,
lại qua ba cầu trọng điểm bắn phá. Thực lòng bà Đức hạnh lại mong gặp một trận
oanh tạc (nhưng không ai bị thương) để cho mọi người ở Hà Nội (cơ quan bà và cơ
quan ông) thấy đây thực sự là một cuộc đi công tác gian khổ nguy hiểm như ra
trận, chứ không phải đi mít tinh hội hè.
Nhưng “không
may”, máy bay Mỹ “mất mặt”, không thấy...
- Ông này,
tôi có chuyện muốn bàn - Về đến nhà, bà Đức Hạnh nửa đêm đánh thức chồng dạy.
- Việc gì, để
đến mai.
- Không. Mai
tôi bận họp cả ngày. Phải nói bây giờ. Ông có ý nghĩ gì về thằng Hảo không?
- Nghĩ gì?
- Nó khá
quá... Cả nước này chưa thấy một ông phó bí thư tỉnh uỷ trẻ thế. Nó sẽ còn tiến
xa.
- Có thể, mà
cũng chưa chắc.
- Sao nó chưa
có vợ nhỉ. Tuổi cứng lắm rồi.
- Không biết.
- Chắc tại
quá say mê công tác, quên hết. Cấp uỷ của một tỉnh, bận lắm. Ngôi sao sớm quá,
việc yêu đương đâm ra cũng khó chứ chả đùa. Nhất nhất phải giữ gìn. Sao mấy năm
trước nó không lấy nhỉ.
- Chắc là bận
học, quá lo nghĩ chuyện học. Lúc làm Bí thư tỉnh đoàn mới văn hoá lớp bốn. Lao
vào học bổ túc công nông hết trung học. Rồi lại vào học viện chính trị, còn đâu
thời gian...
- Tôi muốn gả
con Trinh nhà mình cho nó, ông thấy thế nào – Bà Đức Hạnh không úp mở.
Ông Huy kinh
ngạc, không kịp phản ứng.
- Thế nào,
ông nói thật “cảm tưởng” của ông cho tôi nghe xem nào?
- Chuyện này
chủ động ở phía con trai chứ.
- Không!
Thằng Hảo hiện không còn ai thân thích. Thực ra nó là con hoang, không bố - Bà
nói nhỏ - Chuyện đó ông biết rõ hơn tôi. Mẹ nó cũng đã chết từ lâu. Tôi muốn
coi nó như con. Mà thực tôi cốin như con từ lúc nó làm liên lạc cho tôi kia. Có
điều bận bịu, rồi cũng nhãng ra, xa cách. Không ngờ thằng bé khá quá. Hồi nó
làm liên lạc, tôi chưa thấy hé ra tư chất gì đặc biệt. Hôm qua nhìn nó trên
diễn đàn tôi mới giật mình. Ngay lúc đó tôi loé ra ý nghĩ này. Nó lấy con Trinh
nhà ình thì “đồng bộ” êm xuôi không chê vào đâu được. Thuận đủ đường.
- Sợ hơi
nhiều tuổi.
- Không. Vừa.
Rất vừa. Trai hơn gái chục tuổi là chuyện thường.
- Nhưng
chuyện này phải do chúng tự giác tìm đến nhau chứ.
- Ông thật mơ
hồ. Cái gì trên đời này mà chả phải “tổ chức”. “Cho tôi một tổ chức, tôi sẽ sắp
xếp lại thế giới” – Ông có nhớ câu danh ngôn ấy.
- Nhưng bà
làm thế có vẻ trái khoáy, trật khớp.
- Tôi đã tìm
được lý do biện hộ cho mình. Tôi coi nó như con. Tôi là người mẹ tinh thần của
nó.
- Là “đồng
chí” chứ!... Nhưng tại sao “người mẹ tinh thần” lại mai mối “đứa con tinh thần”
lấy “đứa con xương thịt” của mình.
- Đây không
phải là lúc ông bông đùa. Cái thân ông nữa đấy. Không có tôi bắt mối giác ngộ
ông, lấy ông hồi ấy thì tá điền nó chả treo cổ ông lên rồi ấy à. Chứ lại còn
được nói tiếng tây làu làu với Xanhtôny và phái bộ Pháp năm 46! Rồi thì uỷ viên
nọ, nhân sĩ kia danh giá như bây giờ. Tôi đùa với ông đấy à!
- Tôi sợ con
Trinh có bạn bè ở trường Đại học. Hảo là típ người xa lạ với nó.
- Nó chui
trong bụng tôi ra, tôi còn đây, tôi phải quyết định mọi thứ có lợi nhất cho cái
gia đình này.
- Tuỳ bà. Tôi
thế nào cũng được.
- Nhưng ông
phải về phe với tôi không được trung lập. Phải cho nó thấy đây đã là nghị quyết
chung, nó chỉ có thực hiện. Không có đường thoái lui. Tôi còn lạ gì con Trinh.
Chắc nó ưa típ người đẹp giai hào hoa phong nhã. Hào hoa phong nhã có mài được
ra mà uống không? Hảo có cái mà thanh niên cả nước này không ai có. Ai bằng ấy
tuổi đầu mà đã là Phó bí thư tỉnh uỷ. Cái chức bộ trưởng với nó sẽ không khó
khăn gì. Đã đến lúc gia đình mình, tôi, ông và nó hỗ trợ bổ xung nhau. Chứ ông
tưởng bộ có được chút sự nghiệp, chức vị như tôi và ông, là từ giờ cứ ngồi rung
đùi bình chân như vại, ngủ gật, chờ thời gian thâm niên lên cấp đấy phỏng. Nhầm
lắm. Ông mù mờ lắm. Đời là một cuộc chạy đua, ai yếu sẽ tụt lại dù lúc đầu anh
xuất phát trước.
- Tôi bắt
buộc phải “bị vong lục”: Nhỡ thằng Hảo không đồng ý con Trinh thì sao?
- Thì phải
làm cho nó đồng ý. Cũng như ông lúc đầu đâu có muốn theo cách mạng. Nhưng tôi
đã làm cho ông phải theo – Bà Đức Hạnh bộc lộ khiếu khôi hài với chu kỳ chừng
ba năm có một câu nói hóm hỉnh.
- Không khéo
là thành bi kịch đấy.
- Vênh váo,
trật khớp ban đầu; nhưng cỗ máy khổng lồ của cuộc đời sẽ nghiền nát, đưa vào
khuôn khổ êm xuôi. Cũng như tôi và ông đấy. Ban đầu ai nhìn vào mà chả thấy
vênh. Vậy mà rồi đâu ra đấy.
Ông Quang Huy
bật diêm hút thuốc. Bà vợ kết luận:
- Coi như tôi
đề ra chủ trương, ông đã thông suốt. Người thực hiện trực tiếp bây giờ lại phải
là ông, chứ tôi đứng ra thì lại kém hiệu quả. Cũng như tiếng nói của ông có tác
dụng trong tâng flớp nhân sĩ trí thức hơn là tiếng nói của người lãnh đạo đề ra
chủ trương cho ông. Đời bao giờ cũng thế. Con Trinh hợp với ông. Giống ông từ
ngoại hình đến tâm tính. Vì vậy tiếng nói của ông có trọng lượng. Ông phải vận
động nó. Tất nhiên tôi đứng sau “hậu trường” chỉ đạo. Ông hiểu tôi nói không?
- Hiểu.
- Hành động
ngay, không do dự. Phải quyết đoán sẽ thành công.
- Bà thì chỉ
nghĩ đến “thành công”, không nghĩ đến “con người”.
- Không lý sự
vớ vẩn. Lý sự là vô cùng. Chỉ có hành động và hành động để đạt mục đích...
*
* *
Đơn vị nhỏ
của Dục về đóng trong buôn Pơ lang hẻo lánh lấy đó làm một điểm hậu cứ trong sơ
đồ chuẩn bị chiến dịch lớn toàn vùng.
Buôn nghèo
kinh khủng, toàn dân ăn sắn và bột ngô. Chỉ hoa Pơlang là nhiều, đầy trời đỏ
ối. Những cây Pơlang đại thụ khổng lồ giao cành che khuất cả nền trời. Biến
thành một bầu trời hoa, một bầu trời lửa...
Dưới bầu trời
ấy là những mái nhà Êđê dài mênh mông nằm song song nhau trên bãi cỏ.
Không ai biết
tiếng Kinh. Và cũng không thấy ai nói. Lầm lầm lì lì, ít nói đến ngạc nhiên.
Những ông già đóng khố, da trần dầy xạm như da trâu. Những cô giá không có áo,
còn trẻ, da mịn căng, vú no tròn như quả trên cành. Nhưng tất cả đen thui.
Những cô gái tóc rối bù, mặt nhọ nhem, không tắm, vì cao nguyên hiếm nước, thản
nhiên đứng trần truồng nhìn đoàn bộ đội tiến vào.
Sao trên mặt
đất này, năm tháng này, mà ở đây còn có những con người chưa chế tạo được cái
che thân.
Dục thấy đau
xót.
Dục càng kinh
hoàng hơn khi thấy có những cô gái cười hở toàn lợi đỏ hỏn. Răng bị chém chặt
gẫy lởm chởm và tai bị căng ra như tai voi. Tục “cà răng căng tai” man rợ vẫn
còn.
Giống người
cực khôn ngoan; nhưng giống người khi bị quỷ ám cũng cực ngu tối, thua cả những
con nai con hoẵng, vì nai hoẵng chẳng bao giờ lại tự bày đặt ra những tập tục
hành tội mình đau đớn như thế.
Giải thích
thế nào về hiện tượng này, nai hoẵng và nói chung động vật không bao giờ lại
nghĩ ra mọi cách để tự tiêu diệt giống nòi mình. Nhưng con người từ lúc phát
sinh đến giờ thì gần như một nửa trí lực giành cho việc tiêu diệt chính giống
nòi của mình. Thanh gươm giơ lên một lần chỉ rụng được một đầu người, mệt
lắm... Phải có quả bom nguyên tử, ấn nút bằng ngón tay trỏ (năng lượng chỉ tốn
một mili calo) giết được cả vạn người.
Với “thuộc
tính” ấy của giống người thì việc các cô gái Êđê tự chặt hàm răng của mình đi
cũng không có gì khó hiểu.
Dục ở nhờ
trong một ngôi nhà dài, đông lúc nhúc tới gần một trăm người, đủ loại già trẻ
lớn bé hỗn độn. Một gia tộc. Trưởng tộc là một bà già 80 tuổi ngồi bất động
suốt ngày bên bếp lửa cạnh chiếc chiêng cổ và chiếc ché Túc trị giá bằng hai
con voi, tượng trưng cho quyền lực phong tục; chỉ huy nhất nhất mọi việc trong
nhà. Các thế hệ con chái chút chít từng cặp sáng đi làm gì đều do bà phân công,
lấy được từ trong rừng về cái gì đều đem đến nộp cho bà, ăn uống gì do bà chia
cho.
Khi loài
người đã đạt đến nền “Văn minh” tốn một mili calo năng lượng cơ bắp ngón tay có
thể giết được cả vạn người; thì ở đây thời gian ngưng đọng, lịch sử vẫn ở chế
độ mẫu hệ.
Chồng bà
“trưởng tộc” là một thanh niên chừng hai mươi tuổi. Cậu cũng suốt ngày bên vợ,
uống rượu chung ché túc, kề cận đúng tư thế địa vị người chồng.
Cặp vợ chồng
lạ đời có thật, mà lại không phải là quá hiếm hoi ở nơi có tục “gả nối dây” như
ở đây.
Bà trưởng tộc
khi còn là cô gái mười tám tuổi đã cưới một người đàn ông cùng tuổi về đây đẻ
ra một chục người con. Chồng chết, họ nhà trai đem cậu em sang “gả nối dây”. Bà
có người chồng thứ hai. Cậu em lười nhác, yếu ớt “không đáp ứng được tình cảm”
của bà, mặc dù bà đã đẻ thêm với cậu ba bốn đứa con nữa. Người đàn bà mãnh liệt
ghê gớm ấy đuổi cậu đi. Lần thứ hai, họ nhà trai lại bị nguy cơ “đứt dây”, phải
đi mua một người, đàn ông ở vùng khác sang gả “chắp nối dây”. Người chồng số ba
lại chết sau mười năm chung sống. Họ nhà trai cuối cùng phải “điều” đứa cháu
mới 15 tuổi sang gả cho bà để giữ lấy toàn bộ của cải chiêng ché. Bởi khi “đứt
dây” thì số của cải ở nhà bà “Mẫu hệ” kia sẽ thuộc về một “dây” khác nếu dâu đó
có đàn ông gả làm chồng cho bà. Đàn bà Êđê như “vua mẹ” lúc nào cũng phải có
chồng. Và có ngay tức thì. Người ta bàn chuyện chồng mới ngay bên quan tài
chồng cũ còn quàn trong nhà. Định đoạt xong rồi, mới đem thi hài đi chôn...
Cậu bé 15
tuổi thành chồng bà trưởng tộc đã năm năm nay. Tất nhiên là bà không thể đẻ
được nữa. Nhưng đêm đêm, hai người vẫn phải nằm cùng giường theo đúng nghi lễ,
có ôm ấp và có giao phối.
Dục bị xúc
động ghê gớm về số phận khổ đau của con người ở cái buôn bị tiến hoá lịch sử bỏ
quên này.
Đêm nằm nghe
tiếng máy bay xiêu âm cánh cụp cánh xoè của Mỹ bay trên nóc nhà đài, một cảm
giác khó tả không thể gọi tên, dâng lên trong lòng Dục.
Tại sao nền
văn minh nhân loại không chiếu rọi vào đây, hoặc những nơi tương tự thế này, mà
lại nhẩy vọt theo cái hướng quái ác của những chiếc máy bay siêu âm mang bom
kia?
Tiểu đội
trưởng của Dục là một gã hạ sĩ già thuộc típ người tướng cướp đi theo quân giải
phóng nhưng vẫn giữ bản chất tướng cướp. Cấp chỉ huy không coi gã là đồng chí
cùng đội ngũ, nhưng tội gì không dùng cái “tài tướng cướp” của gã để chĩa về
đối phương.
- Mày suy
nghĩ cái gì hở thằng mặt búng ra sữa kia – Gã bảo Dục - Việc gì đến mày mà mày
nghĩ ngợi. Còn cái thân mày nữa đấy. Ra trận đánh dấm không ra gì thì liệu thần
hồn đấy con ạ...
Gã kể khơi
khơi các “chiến công” của gã, chuyện nào cũng phải tục tĩu, gã mới “diễn xuất”
được.
- Nghe đây,
lũ tân binh nhóc con... Tao lọt vào tận buồng riêng ngài đại tá cộng hoà. Vợ
chồng ngài đang bật đèn nhấp nháy đủ mầu để vừa ngủ vừa ngắm thân xác nhau. Tao
từ dưới gầm giường chui ra thộp cổ thằng chồng bóp chết rồi làm “sứ mệnh” thay
nó... Hì hì... Khoái quá...
Khi “sứ mệnh”
xong, bên dưới rút lên thì bên trên lưỡi dao của tao cũng lút cán trong bầu vé
nõn nà của nó.
- Đồ dã man -
Mọi người chửi.
- Nhưng con
mụ đó là phản động – Gã huy động vốn tiếng chính trị để chống đỡ.
- Thôi đại xá
cho tao... Có những cái hoàn toàn phi chính trị chứ mày. Cũng như bọn con gái
Êđê đi dân công tải đạn đấy. Ngủ với nó tha hồ. Đội trưởng kiểm điểm nó, nó bảo
“Cái đó của tao chứ của cách mạng đâu mà cách mạng kiểm điểm” Hì hì...
- Thằng khốn
nạn. Thằng phản động.
- Sư cha bọn đạo đức giả chúng mày. Phản động mà tao
từng giết hàng chục tên sĩ quan Mỹ nguỵ. Cách mạng như chúng mày đã làm rụng được
chiếc lông chân của nó chửa... Kỳ này ông khoán, thằng nào không “đặc công”
được vào căn cứ địch lấy đầu sĩ quan Mỹ nguỵ về đây ông tử hình cho hết nói
phét... Cách đây một tuần, tao lập chiến công to, nhưng về phải dấu không dám
báovvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét