HẬU QUẢ PHỤ
Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách
Ông Vạn cầm tờ giấy trên tay, mắt tối sầm, đất sụt dưới
chân. Kết quả xét nghiệm: ung thư. Thôi thế là hết. Thôi thế là trời đất vỡ
tan. Cơn áp huyết vụt lên cao, làm ông loạng choạng.
Cậu con giai phải vội cho uống viên Adalát cứu nguy…
Cuộc đời này là bể khổ. Bể khổ dìm bao người khác, tưởng
chừa một con người tài ba giỏi giang, vinh quang như ông Vạn. Ai ngờ không có
ngoại lệ.
Cơn sang chấn đi qua, ông Vạn tỉnh trí lại, tự trấn tĩnh
mình. 65 tuổi, thôi thế cũng không ai bảo là chết non. Sự nghiệp viên mãn, vợ
con đề huề, nhà cửa khang trang, nghĩ cho cùng chả thiếu gì. Giời bắt tội chết, làm sao cưỡng được
mệnh giời. Lần đầu tiên, ông Vạn nói đến giời. Từ xưa, chưa bao giờ ông quan
tâm đến chuyện tâm linh. Vô thần cực đoan, chỉ tin ở khoa học, ở quy luật tự
nhiên, ở nghị lực của mình. Cùng lắm ông chỉ nói đến tạo hóa với nghĩa đó là cái người ta
ước lệ…
Từ một cậu thanh niên nông thôn, học hết cấp 2, tham gia
công tác Đoàn cơ sở, dần trưởng thành thành một Bí thư huyện ủy lừng lẫy, đời mấy ai được như thế.
Về hưu, đáng lẽ để được hưởng những vinh quang đã xây đắp, ai ngờ lại phải
lìa đời.
Từ bệnh viện, anh con trai chở
ông Vạn về quê, trên chiếc xe Inôva nhà mới mua, êm ru. Con đường từ thủ đô về
Huyện lỵ, 40 cây số, mới nâng cấp rộng rênh, phố xá hai bên nguy nga, mọi lần
gợi bao hứng khởi, nhưng hôm nay chỉ thấy càng thêm đau buồn. Con đường này,
phố xá này đều có công của ông đóng góp . Phải, chính ông với tài ba quan hệ
của một Bí thư huyện điển hình, trọng điểm, nên được cấp trên ưu tiên đầu tư
quy hoạch. Nhưng bây giờ sắp phải từ biệt nó…
Ông Vạn về đến nhà, nằm vật ra giường, một mình trên tầng
Ba, không muốn ai thăm hỏi. Chỉ đến đêm trăng lên, gió mát ,mới lững thững dạo bước ra vườn cho lòng khuây khỏa.
Ngôi nhà của ông là một trang viên, vườn cây, hồ
rộng, cầu đá, non bộ, tiểu cảnh, bao năm chăm chút dựng xây. Ngôi nhà thân yêu,
đi họp xa vài ngày là nhớ. Chỉ ở đây, mới có giấc ngủ ngon. Và bây giờ cũng sắp
phải rời bỏ nó.
Một
mình trong đêm, ông Vạn bật khóc hu hu.
* * *
* *
*
Huyện Thanh Đàm của ông Vạn từ xưa vốn là mảnh đất
thanh bình. Dòng Trà Bích nhỏ xinh, xanh biếc chẩy qua như mặt hồ điều hòa mát
mẻ cả vùng. Hai bờ sông là những xóm làng trù phú. Bậc đá rêu, bến đò nhỏ, mộng
mơ. Trai gái chiều chiều ra bơi lội, rộn rã dòng sông.
Thanh Đàm là huyện thuần nông. Một năm
hai vụ lúa, một vụ khoai tây. Không ai đói, nhưng cũng không ai giầu.Chợ làng đông vui, quà quê bánh đa bánh đúc. Con đường cấp khối xuyên
huyện trải sỏi đỏ au, ngày một chuyến xe khách Hà Nội về, thổi còi toe toe.
Khung cảnh kể cũng đã tươi đẹp. Bước vào thời Đổi mới, xây dựng công nghiệp,
Thanh Đàm giật mình mới biết mình nghèo. Muốn giầu phải phá thế thuần nông. Với
vị trí thuận lợi, giá đất rẻ, nhân công rẻ, ông Vạn ra sức quảng cáo quê hương
mình. Lên Bộ, lên Tỉnh, ông lăn lóc kêu gọi đầu tư. Cầu được ước thấy, Thanh Đàm đã lọt vào mắt
xanh một nhà tư bản nước ngoài. Huyện ủy
của ông Vạn trải thảm đỏ cho ông ta bước tới mua cả cánh đồng ven sông Trà Bích
với giá ưu đãi, cùng nhiều điều kiện ưu tiên.
Nhà tư bản cho xây bức hàng rào bao quanh, rồi cắt đất
nhượng lại cho các nhà đầu tư nhỏ khác. Các nhà máy bắt đầu mọc lên. Nhà máy
Sơn, nhà máy Nhựa, nhà máy Mì chính, chế biến
thực phẩm v.v. Thôi thì đủ loại, mỗi chủ đầu tư thứ cấp chiếm một khoảnh. Những
ngày này là ngày Hội công nghiệp của Thanh Đàm. Nông thôn ngàn đời con trâu đi
trước cái cày theo sau, giờ lột xác. Ông Vạn như hình với bóng gắn bó cùng các chủ đầu tư, khó khăn gì ông lăn vào tháo gỡ. Vốn
cả đời quen chỉ đạo phong trào, ông có kinh nghiệm đi sâu đi sát,
nâng cao hiệu quả công việc.
Một thành tích mà ai cũng phải công
nhận là song song với việc xúc tiến khu công nghiệp Trà Bích, ông Vạn đã điều
phối thành công việc xây dựng khu Đô thị nhỏ cũng mang tên Trà Bích, địa điểm
ngay bên cạnh.
Ở các nơi khác, nhà máy mọc lên, nông
dân bán đất, cầm tiền rồi, muốn đi đâu thì đi, ra chợ kiếm tiền, hoặc ra thành
phố làm thuê làm mướn. Nhưng ở Trà Bích, gần một nửa nông dân mất đất đã tụ tập
được tại đây trong khu Đô thị nhỏ, làm dịch vụ, bán hàng cho khu công nghiệp.
Nhà đầu tư bất động sản đã về đây theo
lời mời của ông mở đường bàn cờ, cho xây thô đồng loạt các nhà liền kề, cấu tạo
nên một khu phố, nhà nào cũng có mặt tiền. Đường sá thì tạm rải sỏi qua loa,
nhưng đã ra dáng hình phố xá, có thể buôn bán được. Đầu tư hạ tầng ít, nên giá cả
mềm, các bác nông dân vừa bán ruộng, với cục tiền trong tay, lao ra mua nhà,
thỏa mãn cơn khát vọng buôn bán đã nhiều đời nay chưa thực hiện được.
Công nhân khu công nghiệp ùn ùn đổ về,
nhu cầu làm dịch vụ rất lớn. Thuê trọ, quán cơm, nhà hàng cà phê, karaoke, cắt
tóc, gội đầu...Đồng thời là các cửa hàng điện
máy, nông sản, vật tư xây dựng đồ nội thất vv xuất hiện.
Không gì nhanh bằng sự điều tiết của
thị trường, y như nước chẩy chỗ trũng,
chả mấy chốc Thanh Đàm – Trà Bích bừng lên sức sống mới tưởng chỉ có trong mơ.
Khu đô thị đẹp, xây có quy hoạch, đều tăm tắp, đường sá rộng chứ không lắt nhắt như
các phố làng tự phát.
Ông Vạn được mua “xuất ngoại giao” một
căn liền kề, cho con cháu mở cửa hàng. Các cán bộ chủ chốt của Huyện cũng đều
có phần cả. Nền tảng kinh tế gia đình họ ổn định, trong thâm tâm họ đều ơn ông,
tâm phục khẩu phục, tín nhiệm sự lãnh đạo. Nếu ông nói giời nói biển mà cán bộ
dưới quyền đói rách, thì nói chẳng ai nghe. Ở đâu nông dân biểu tình kiện cáo
chứ đây thì không. Dân còn mong bán được đất để lấy tiền mua nhà liền kề…
Mười năm không phải là dài, nhưng
Thanh Đàm vùng quê heo hút, đã thành một điểm sáng công nghiệp, đô hội. Bước tiến tất
yếu, không thể không ghi nhận. Nhưng “công nghiệp hóa” rồi bây giờ vấn đề mới
nảy sinh: Môi trường ô nhiễm! Vấn đề nằm ngoài mọi sự tính toán bởi nguyên tắc
là các nhà máy phải xử lý nước thải, khí thải triệt để, trước khi tống ra
ngoài.
Các nguyên tắc đã không được thực hiện
đầy đủ. Hay nói cách khác quy trình xử lý nước thải, chất thải quá đắt, các nhà
máy tìm cách lẩn trốn. Lợi nhuận là trên hết. Không có lợi nhuận thì không thể có
bất cứ cái gì. Các nhà máy phải có lợi nhuận cái đã để bù đắp dấn vốn ban đầu
bù ra. Sản xuất đình trệ, thì chính Nhà nước phải cứu Doanh nghiệp ấy chứ, sản
xuất đình trệ thì nền kinh tế suy vong.
Cái vòng luẩn quẩn, cò nhằng cứ thế
diễn ra, vì thế trong nghị quyết, trên diễn đàn, vấn đề chống ô nhiễm môi
trường lúc nào cũng được nói oang oang, nhưng trong thực tế thì cứ trốn, trốn,
trốn được chút nào hay chút ấy. Đến thế giới mở hết hội nghị này đến hội khác, kêu gào nhau giảm thiểu khí CO2, mà các “thành viên” thế giới cũng cứ trốn như trạch. Tăng trưởng kinh tế, công nghệ
phát triển vẫn cứ là ưu tiên số 1, chứ
không phải chống ô nhiễm . Thế giới biết rõ là đến năm nào năm nào nước biển sẽ
dâng cao dìm ngập một phần trái đất. Chết hết cả với nhau vì hiệu ứng nhà kính,
thủng tầng Ôzôn, nhiệt độ tăng
cao… Vậy mà nào có cắt giảm khí CO2 được bao nhiêu. Cho nên thôi, “đại xá” cho vùng quê ngàn đời nghèo,
“phát triển” cái đã, khí độc bay lên trời, nước độc đổ ra sông ra biển, rồi nó tan loãng đi cả mà. Phải ưu tiên làm giàu cái đã…
Với kiểu cách tư duy như thế, vấn đề ô
nhiễm ở Thanh Đàm đã thành “đột biến”. Con sông Trà Bích bao đời trong xanh, chỉ trong vài năm công nghiệp phủ kín,
đã thành con sông đục ngàu hôi thối. Nước thải chưa qua xử lý, cuồn cuộn đổ ra, vụng trộm về đêm qua hệ
thống cống ngầm lắt léo che mắt cảnh sát môi trường. Nước là thứ dễ nhìn thấy, còn chả ăn ai, còn khí bay lên trời phi
tang, vô tăm tích, càng dễ nữa. Chỉ có mùi khét theo cơn gió đầu mùa xộc đến
từng cửa sổ gia đình là không giấu đi được.
Ông Vạn và huyện
ủy Thanh Đàm đau đầu. Về nguyên tắc thì ai cũng phải
trải thảm đỏ ưu tiên dầu tiên cho các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch về đầu tư.
Thượng sách hơn là biến nơi này thành trung tâm Tài chính chứ không phải là khu
công nghiệp. Ôi nói thì như rồng, ai chả nói được. Các
trung tâm Tài chính, các cái “cao”, cái “sạch” nó ở những khu cao, sạch
nào ấy chứ, đâu chịu về đây. Chỉ có “mấy thằng” chưa “cao” lắm, chưa “sạch” lắm
mới chịu về. Mà thực tế, sau khi bán đất xong cho nhà tư bản cánh đồng bên sông
Trà Bích rồi thì ông ấy muốn làm
giời
làm đất gì thì làm, Huyện ủy còn quyền gì
đâu. Đừng trách ông Vạn, làm sao mà ông lường hết được những chuyện như thế .
Khi huyện trải thảm đỏ cho nhà đầu tư, thì Thanh Đàm như cô gái quê áo nâu chân
đất, lấy được anh chồng tỷ phú xe hơi nhà lầu, sướng quá rồi, đồng ý cưới vội
cưới vàng, sợ anh ta đi lấy người khác mất. Cưới rồi, đẻ con rồi, cô gái quê đã
lên vai phu nhân mệnh phụ, mới biết anh chồng có nhiều tật xấu chết người.
Thằng chồng “công nghiệp” kia suốt
ngày” hút thuốc lá” như điên
nhả ra đầu độc cô vợ Thanh Đam – Trà Bích, nhưng đã thành vợ thành chồng rồi,
giờ chỉ còn cách lựa lời bảo nhau…
Ông Vạn lăn lưng vào “sự nghiệp” chống
ô nhiễm giống như ngày xưa lăn lưng vào phong trào cải tạo đất bạc màu, thủy
lợi hóa. Đừng bảo ông trình độ khoa học kém, mơ hồ không biết gì. Thời xưa, lúc
chưa có công nghiệp hóa, khi suốt dọc sông Trà Bích mọc lên hệ thống lò gạch thủ
công, tỏa khói khét lẹt ngày đêm, ông đã trăn trở. Ông biết khói này độc lắm.
Cây cối gần đấy không mọc lên được. Phải làm sao bây giờ. Cuộc sống đang phát
triển, toàn huyện đang “ngói hóa”, nhà tranh đi vào dĩ vãng, nhu cầu gạch xây
rất lớn. Các lò gạch thủ công tự phát mọc lên để đáp ứng . Người nông dân đang
từng bước đổi đời. Cấm các lò gạch có khác gì phản động, kìm hãm cuộc sống phát
triển. Mà không cấm thì ngày đêm nó cuồn cuộn nhả khói lên trời, còn gì là “bầu
trời” nữa. “Liên hiệp quốc” về đây trông thấy cảnh này thì “nó” sẽ “bêu gương”.
Lúa má dọc sông úa tàn không thể trổ đòng được, hỏi con người hít vào có sống
được không?
Ông Vạn đau khổ, bó tay, lên diễn đàn
hội nghị thì khuyến nghị giảm bớt lò gạch, nhưng xuống làng xóm thì ngợi ca
nông dân nhà cửa khang trang. Dân huyện
ông giàu có, nhà xây như nấm, ông sung sướng như chính nhà ông giàu có. Mối mâu
thuẫn giằn vặt bao năm trời, khói lò gạch như cái dằm không nhổ được trong người.
Đến khi có công nghệ gạch đốt lò tuy nen
không ô nhiễm, ông mừng như bắt được vàng. Ông đi mời các chủ lò gạch tuy nen về, cắt đất ưu tiên, để chuyên sản
xuất gạch phục vụ cho dân trong Huyện. Ôi, nỗi lo khói lò gạch thủ công ngày ấy thấm tháp gì so với
nỗi lo sông đục, khí bẩn bây giờ. Mà xem ra không có con đường thoát. Chỉ còn
trông chờ vào sự phát triển từng bước của “nền văn minh”, sẽ cải thiện dần . Ở
đời cái gì cũng phải có lộ trình khoa học, không đốt cháy, đi ngang đi tắt ,“dục tốc bất đạt”.
Dần dần “văn minh” sẽ dậy dỗ những thằng gây ô nhiễm kia, , dần dần tiền đã có đủ, trên một nền tảng
nào đó, sẽ đổi thay…
Ông Vạn tìm được lý lẽ cho riêng mình
để khỏi phải phát điên trước tình hình. Còn trong cuộc sống hàng ngày thì không
ngừng không nghỉ một giây lao vào cuộc chiến chống ô nhiễm. Vận động,
tuyên truyền nhắc nhở các nhà máy, song
song với việc cảnh sát môi trường giám sát. Ông Vạn gần như là đội trưởng của Đội
Cảnh sát. Xục xạo, kiểm tra, và cả lập hồ sơ dọa kiện, nếu các nhà máy không chuyển
biến. Kiện là biện pháp cuối cùng. Bất đắc dĩ. Mời người ta về đây mở mang sản
xuất, bây giờ lại kiện người ta sạt nghiệp, hỏi rồi sau ai còn dám đến làm ăn.
Mà người ta sạt nghiệp, nhà máy đóng cửa, thì khu công nghiệp – niềm tự hào của
quê hương cũng đi tong. Mèo lại hoàn mèo. Đất lại trở về hoang vu cho cò bay và
sơn ca hót. Thơ mộng lắm, đẹp lắm, nhưng mà nghèo lắm.
Kiện là biện pháp cuối cùng. Kiện sẽ
thành công. Nhưng nói thật, để thành công được cũng còn gian nan. Lộ trình
kiện, mất nhiều thời gian, công sức. Công nghiệp
sinh ô nhiễm giống như uống thuốc tân dược chữa khỏi bệnh, nhưng
gây hậu quả phụ. Uống Cờ lét tô giảm được Cờ lét tơ rôn, nhưng thuốc Cờ lét tô làm
hỏng thận. Thế mới mâu thuẫn. Cả thế giới đang bị ô nhiễm vì công nghiệp hóa,
kiện hết để tiêu diệt hết công nghiệp được ư?...
*
* *
Trang viên của Vạn ở sát bờ sông Trà
Bích. Ngày xưa dòng sông xanh rì rào ôm ấp ngôi nhà tranh thơ mộng, ru cho nó
giấc ngủ êm đềm. Ngày nay, ngôi nhà tranh thành biệt thự thì dòng sông đục
ngàu, nước mùi chó mửa uy hiếp trang viên.
Nước sông Trà Bích dẫn thủy nhập điền,
lúa cũng phải sợ. Lúa bón đạm lân kìn kìn mà cứ xác xơ. Người lội nước Trà Bích
chân lở loét nhiễm trùng.
Ông Vạn ngồi nghĩ những “biện pháp nho
nhỏ”. Ông mở chiến dịch trồng Sen ven bờ. Thanh
niên xung phong ra quân. Sen là thứ dễ mọc nhất. Vùi một củ xuống bùn rồi, là
nó đẻ ùn ùn. Vậy mà sen bờ sông Trà Bích vùi củ nào chết củ đấy. Không một bông
hoa nào nở lên
được. Ông Vạn chuyển sang thả bèo tây. Rễ bèo tây lọc nước. Bèo tây là thứ cây
hoang dại, bình thường có thể làm tắc nghẽn cả dòng kênh. Nhưng bèo tây về đây
cũng úa tàn, xơ xác, chẳng có tác dụng gì.
Hoa trong trang viên nhà ông Vạn xưa
bốn mùa khoe sắc, ngào ngạt tỏa hương. Bây giờ thì thược dược, lay ơn cũng bớt
đỏ. Mùi hoa nhài, hoa sói, dạ lan hương, không át được mùi chó mửa của con sông.
Cửa sổ phòng ngủ phải lắp gioăng cao su kín mít. Bởi càng về
đêm khuya thanh vắng, sương rơi, mùi “chó mửa” càng “thăng hoa”…
Trong một hội nghị Huyện, ông Vạn lâm
li cảm thán:
-Ngày xưa ta luôn lo hạn hán, lụt lội, mất mùa,
thiếu gạo, thiếu vải, dột nát cửa nhà… Bây giờ thoát nghèo, nhà gác mọc lên như
nấm, xe máy đi đầy đường, chợ búa tràn ngập thóc gạo, hoa trái, rau quả thì ăn
cái gì chết cái đó. Trái ổi, trái cam xưa
ngon lành bổ béo biết chừng nào. Giờ lê táo ê hề ngâm thuốc bảo quản, ăn vào tê
cuống lưỡi. Uống ngụm nước trà búp thơm tho, trà búp phun thuốc sâu. Ngày xưa
con ốc, con cua, quả cà pháo, giờ mâm cao cỗ
đầy thì gà thải loại đầy dư lượng kháng
sinh. Tim cật lợn từ bên kia biên giới chuyển về tẩm hóa chất
để một năm không thối, xin mời các “quan viên” ăn,ăn vào một tháng không tiêu…
Ngày xưa, bà mẹ nuôi con bằng cơm mớm. Cơm nhai lúng
búng trong mồm cho nhão rồi mớm cho con như chim mớm mồi. Ngày nay trẻ con có
sữa bột ăn, đủ các chất bổ béo lớn nhanh như thổi. Nhưng kìa, ôi thôi, ti vi
đưa tin sữa này sữa kia có chất sinh ung
thư, chất gây sỏi thận. Nhà sản xuất đưa
chất này vào để tăng độ đạm giả tạo . Dã man đến thế là cùng. Xã hội hiện đại,
một bộ phận vì lợi nhuận đã mất hết nhân tính.
Nhìn đâu cũng thấy hàng giả, hàng độc hại, con người phải sống sao đây...
Ngày xưa, ai lên miền núi về, ốm lử
khử, lừ khừ, các cụ bảo là ngã nước.
Có gì đâu, lá lim rụng xuống suối, lá
lim rất độc, ăn nước suối ấy bị bệnh tức thì. Bây giờ “bọn nhà máy Hóa chất”
tuôn ra nước thải ,độc còn gấp trăm lần lá lim, nước ấy ngấm xuống đất, vào giếng khoan nhà ta, hỏi sao ta không
“ngã nước kiểu mới”.
Ngành y tế báo cáo thống kê số người
chết vì bệnh ung thư tăng gấp mười lần ngày xưa. Vì sao? Khỏi cần trả lời, bình
luận…
Thế giới nói chung, huyện ta nói riêng, đang đứng trước thách thức, nguy cơ một mất một còn,
trước mâu thuẫn lớn bậc nhất thời đại giữa công nghiệp hóa để phát triển với ô
nhiễm môi trường. Ta đang đứng trước thử thách tồn tại hay không tồn tại vì sự
phát triển không kiểm soát được ô nhiễm…
Những lời của ông Bí thư Huyện ủy, có lẽ ở diễn đàn Liên
hiệp quốc, người ta cũng chỉ
nói đến thế là cùng…
Ông Vạn đến tuổi về hưu trong khi sự nghiệp chống ô nhiễm
môi trường chưa tiến triển được bao nhiêu. Người ta bảo, người về hưu, mà còn
đến cơ quan cũ “lắm ý kiến”, ông thủ trưởng mới rất ghét. Nhưng ông Vạn không xía vô vào
chuyện tổ chức, nội bộ, hay gì gì, mà chỉ xung phong làm “tình nguyện viên” môi
trường. Có điều sự xuất hiện của ông tại khu công nghiệp giờ gây khó chịu cho
họ. Trước đây, với trọng trách Bí thư Huyện ủy, với thành tích là “trải thảm
đỏ”, dắt họ về đây, họ còn nể nang. Giờ thì họ thẳng thừng đối đầu. Ông không
còn danh nghĩa gì để”xăm xoi” chuyện nước thải, khí thải của họ nữa. Họ còn bắn
tin: Chính ông cũng đã được “hưởng lợi riêng” một phần, khi dắt họ về đây…
Ông Vạn chột dạ, rụt lại,
ngao ngán sự đời. Ông tích cực xây dựng khu công nghiệp Trà Bích vì sự nghiệp
chung, vì lý tưởng khao khát xây dựng quê hương.
Một chút phần thưởng nho nhỏ, có đáng là bao. Thế mà bây giờ họ lại “trở mặt”
dùng cái đó để ngăn chặn ông hoạt động…
Đêm đêm nằm trong trang viên bên bờ con sông Trà Bích hôi
thối, ông Vạn vắt tay lên trán thở dài. Ngày xưa, xắn quần móng lợn lội đồng,
chỉ đạo phong trào nông nghiệp, thế mà hóa ra
thanh thản, sướng vui. Bây giờ đi xe hơi, ở nhà lầu, hóa ra trăn trở buồn lo…
Nhưng cái buồn lo của ông Vạn
không phải
chỉ dừng ở đó. Cái buồn lo tàn ác, thẳng
thừng ,như một trò chơi hiểm độc của tạo hóa, mang quy luật nhân quả trêu ngươi, đã đến, là: Ông
“rước” cái bọn gây ô nhiễm bầu trời Thanh Đàm, dòng sông Trà Bích về đây, thì
giờ bệnh ung thư nó “ứng” vào ông. Ông nằm trong danh sách ngành y tế thống kê
số bệnh nhân ung thư tăng vọt. Ông thành ví dụ điển hình, thành “sự tích” cho
người ta nói chuyện râm ran khắp vùng…
4-7-2013vvvvvvvvv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét