Nam tước Von Braun
Tạp văn của Nguyễn Phan Hách
Vườn nhà tiến sĩ Von Braun mới nở mấy bông Hồng Nhung. Nắng mai soi
long lanh giọt sương trên cánh, mùi hương từ nhị vàng thoảng bay. Von Braun
ngồi bên tách trà bốc khói trầm ngâm ngắm hoa. Ừ, lạ thật, mấy hôm trước, còn
không có gì cả, thế mà từ Không đã
đến Có. Những bông hoa đã hiện diện
trên đời, đẹp đến lóa mắt. Cây Hồng lấy màu đỏ từ đâu nhỉ, và nhị vàng lấy
hương thơm từ đâu?
Von Braun để ý dưới luống đất, những con kiến nối nhau đi mải
miết. Đi. Đi... kiên trì bò. Những đôi chân bé tí mà không bao giờ biết mỏi, đi
mãi ngày này tháng khác. Những đôi chân
kiến là biểu tượng của kiếp người trên mặt đất mênh mông này, để đi đến một
cái đích gì đó.
Gió thổi nhẹ, những bông Hồng vườn nhà Nam tước rung rinh. Một con bướm vàng
nhởn nhơ bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Những con bướm thật sướng hơn
kiến nhiều. Chúng có cánh bay, dập dờn nhẹ nhàng, vỗ một cái bằng trăm ngàn
nhịp bò của kiến. Bao giờ cánh bướm
là biểu tượng của con người trong không gian. Con người không bò như kiến mà
biết bay. Vũ trụ không gian mênh mông như thế này, mà con người cứ cam phận
chen chúc bò trên mặt đất chật hẹp. Sao không tung cánh lên vũ trụ. Vũ trụ rộng
lớn, vô tận cho con người. ..
Tiến sĩ Von Braun nhón tay ngắt một cành Hồng. Ối, chiếc gai đâm nhói chảy máu. Cành Hồng đầy gai nhọn. Máu ứa ra đỏ chói như màu bông Hồng. Tiến sĩ khẽ mỉm cười: Để có bông Hồng - một
thành quả cầm trên tay cũng không đơn giản. Đời là
vậy...
Đêm xuống, trăng lên, sương bảng lảng nhuốm vào bông Hồng làm bốc hương ngào ngạt. Von Braun nhìn trăng.
Trăng tròn vành vạnh sáng rỡ, và sao có gì thân thuộc như giơ tay với được, bởi mới tuần qua, tên lửa vũ trụ Saturn
V kỳ diệu đã đưa con người vượt ngàn vạn dặm , đặt chân lên được mặt trăng, đánh
dấu son thành công kỷ nguyên chinh phục
vũ trụ của loài người.
Và bây giờ, ngồi đây, bên
những bông hồng đẫm sương, là một
con người – con người nhỏ bé của loài người, chính là Tiến sĩ Nam tước Von Braun, kiến trúc sư trưởng làm nên tên lửa vũ trụ siêu hạng
Saturn V, người được mọi người yêu mến gọi là cha đẻ của chương trình du hành
vũ trụ Hoa Kỳ.
Von Braun ngắm trăng tròn phản chiếu trong giọt sương. Một
gợn gió nhẹ, giọt sương rơi, mặt trăng cũng vỡ tan. Mọi sự trên đời thường mong
manh dễ vỡ như thế. Cuộc đời của Von Braun - Nhà khoa học dù nắm trong tay kỹ
thuật thời thượng nhất, cũng đã bao lần mong manh, suýt vỡ.
Bao lần tai nạn trong thí nghiệm. Rồi kẻ cầm đầu guồng máy chiến tranh ở Đức
Đại chiến II, từng bắt giam ông, và giao hẹn nếu lần này cuộc thí nghiệm tên
lửa không thành công, ông sẽ bị xử tử.
Nếu lần ấy ông chết, ai giám chắc việc lên mặt trăng hôm nay
sẽ như thế nào?...
... Mấy
mươi năm xưa, trên một ngõ nhỏ phố Béc lanh, mọi người nhốn nháo chạy dạt. Một
chiếc xe đồ chơi trẻ con nhồi đầy thuốc pháo đang xì khói lao vô định trên
đường. Cảnh sát xô lại túm được thủ phạm gây ra trò nghịch ngợm: Cậu bé Von
Braun. Cậu đang khoái trí vì trò chơi của mình: thuốc pháo cháy, tạo ra phản
lực đẩy xe lao đi.
Von Braun bị bố xử lý bằng cách gửi đến một trường nội trú , trên
một hòn đảo hẻo lánh. Nhà khoa học vĩ đại trong tương lai học hành thế nào mà
bị phê: Không chăm học, hoàn toàn dốt về Toán.
Bố mẹ còn hy vọng gì ở đứa con với
lời phê như thế. Tuy nhiên, bà mẹ yêu con, tặng con chiếc kính viễn vọng đắt tiền để con
nhìn lên các vì sao. Bà mẹ lãng mạn, mộng mơ. Sự mộng mơ trong tình yêu lại có
gì gần với mộng mơ liên quan đến các vì sao.
Von Braun thích thú cuồng nhiệt khi được ngắm các hành tinh,
trong lòng bừng lên khát vọng du hành đến các vì sao.
...Bao nhiêu năm trước, tại nước Nga
có một thầy giáo làng dạy toán, tai bị điếc, nhưng đã viết cuốn “Khám phá không gian bằng thiết bị phản lực”, và
ông thành nhà bác học tiên tri, đặt nền móng ý lý thuyết cho bao nhà khoa học không gian trong đó có Von Braun
sau này...
Bộ máy chiến tranh khổng lồ của cuộc đời đã tóm được cậu bé Von Braun, không để cho cậu “lêu lổng”
đốt thuốc pháo phản lực trên đường phố, hay thí nghiệm những tên lửa bay nghiệp
dư tự túc tại bãi cỏ thành phố.
Tạo hóa thật trớ trêu oan nghiệt. Von Braun chỉ muốn chế tạo Tên lửa du hành khám phá không gian, nhưng cuộc đời lại
chỉ cho anh điều kiện vật chất để chế
tạo những quả Tên lửa phục vụ chiến tranh. V1, V2 củaVon Braun đã ra đời, không tim, không óc, lao đi trong
cuộc đại chiến khủng khiếp nhất lịch sử
nhân loại- Đại chiến II, và điều
khủng khiếp tiếp theo, là từ đây, nó khơi mào, mở đầu, làm
xuất hiện một loại vũ khí mới, tối thượng, hữu hiệu và thành một át chủ bài
trong các chiến lược chiến tranh – cuộc Chiến tranh Tên lửa...
Con người ngày nay đã chế tạo được những Tên lửa thần thoại, vượt núi, vượt sông,vượt cả đại dương, xuyên cả lục địa, để bắn vào nhau. Mặt đất rộng mênh mông, nhưng bây giờ, con kiến cũng
không chạy thoát các tên lửa Tìm và Diệt, tên lửa Hành trình được dẫn đường lade, định vị GPS toàn cầu.
Xưa kia con người đánh nhau bằng đất đá ném. Sau đó biết dùng cung
tên. Mũi tên chỉ đi vài chục mét,
giết người ở xa vài chục mét. Rồi con người biết khoan thông mấu đốt ống tre,
nhồi diêm sinh làm chất đốt ,bắn viên bi đá đi
xa. Đó là khẩu súng đầu tiên của loài
người.Sau đó
đến Súng Thần công bắn đá, mỗi khẩu là một “ông thần”. Khi mồi lửa phải
thắp hương khấn vái cho “thần” bay đi. Rồi con người biết làm súng nòng dài rãnh xoắn cho đạn đồng ra nòng thẳng tắp, chính xác. Đến súng máy, đại liên ,chỉ ngồi một chỗ
quét đạn như mưa, làm phá sản căn bản chiến thuật kỵ binh dàn trận hươ gươm xông lên. Đại bác ca nông tầm xa làm đổ xập các pháo
đài thành trì kiên cố nhất, và làm từ ngữ “thành trì” chỉ còn nghĩa bóng.
Đến bây giờ Tên lửa lại là một
bước phát triển mới tột đỉnh. Không cái gì, dù ở xa đến đâu, chạy trốn được nó. Chỉ có tên lửa chặn tên lửa trên không mới hóa
giải được nhau.
Các Tên lửa cứ thi nhau “lên đời”, ngày
một tân tiến hơn. Cuộc chạy đua không cùng. Và thân phận con người không còn
một thứ gì có thể bảo vệ cơ thể, trong khi xưa kia
chỉ cần một tấm Mộc là che được
gươm giáo. Các nhà khoa học Tên lửa ngày càng
“thiên tài” hơn, con người ngày càng không nơi ẩn nấp trước bạo lực...
Người cổ xưa dùng nguyên tắc phản lực để chế tạo pháo bắn lên
trời vui chơi, có ngờ đâu diễn biến ra nông nỗi này...
Von Braun chỉ thực sự vĩ đại khi ông được là chuyên gia
chuyên tâm chế tạo tên lửa khổng lồ, siêu hạng Saturn V đưa được con người lên
mặt trăng. Lịch sử loài người ghi nhận điều này...
...Tiến sĩ Nam tước Von Braun con người siêu việt,
tưởng có thể vượt lên mọi thứ, ai ngờ cũng không thoát khỏi vòng oan nghiệt của
tạo hóa. 65 tuổi, còn rất trẻ, nhưng chỉ vài tế bào ung thư bé xíu, đã quật ngã
một khổng lồ trí tuệ. Von Braun mất ngày 16/6/1977. Mấy ngày cuối đời, ông “lẩn
mẩn” nhồi mấy quả pháo thăng thiên bằng giấy, tặng cho mấy đứa trẻ cạnh nhà.
1-6-2013vvvvvvv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét