Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

CÀ PHÊ SÁCH

Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách

          Đàn ngồi ngắm cửa hàng của mình. Mười mấy năm trước, anh thuê được căn tầng trệt tòa chung cư mặt đường mới mở này. Hè phố rộng, cây cối xanh tốt. Hàng phố đã quen tấm biển “Nhà sách Tinh hoa”  từ lâu, gần đây lại quen tấm biển mới treo song song “Cà phê sách”, cùng mùi cà phê ngào ngạt, khách qua đường chả liên quan gì đến sách cũng có thể ghé vào đây, nhân viên nhà sách trước chỉ làm việc chữ nghĩa, giờ bưng bê nhiệt tình.
          Nhà sách gần đây suy tàn, Đàn phải chuyển đổi một phần tôn chỉ mục đích, tăng tính thị trường, nhưng kết quả cũng chẳng được là bao, nỗi lo trả tiền thuê cửa hàng lúc nào cũng phảng phất.
          Về lý thuyết, quán là nơi các nghệ sĩ, nhà văn đến uống cà phê, giao lưu, phải phát triển mới đúng chứ. Pari chả có những quán cà phê văn học lừng lẫy, xưa Huy Gô, Ban Zắc luôn đến, có khi còn ngồi viết ngay tại đấy. Văn hóa của ta giờ kém gì ai. Vậy mà có sự trục trặc gì…
          Uống xong ly cà phê, Đàn định ra phố, thì có Duy đến chơi. Duy xưa cùng học ở Đại học Lômônôxốp, giờ là giáo sư tiến sĩ, chuyên gia văn học Nga. Hai người hào hứng, mừng rỡ, vì cũng đã lâu mới gặp nhau. Hơn nữa Duy lại mới được Nhà nước Nga tặng thưởng Huân chương Văn hóa, có chuyện mới để nói.
          Đàn bắt tay chúc mừng, nhưng Duy gạt đi:
- Tôi cũng chỉ là duyên may,chứ người có công lớn trong việc truyền bá văn học Nga - Xô Viết ở Việt Nam phải là anh.
Hai người hiểu và tôn trọng nhau. Tình bạn vẫn thắm thiết, và thường cùng chặc lưỡi: Tóc cùng trắng cả rồi, mọi sự chả là cái gì quan trọng…

*
*  *
*  *  *

Mười tám tuổi, Đàn học xong cấp III trường huyện, đã thi đại học, đang chờ giấy báo. Hôm ấy đang ngồi cắt cỏ trâu giữa đồng thì ông bưu điện đưa đến giấy báo: Anh đỗ xuất sắc, tiêu chuẩn bố là liệt sĩ chống Pháp, được đi học tại Liên Xô. ..
             Mẹ Đàn bán vội con lợn lấy tiền mua cho Đàn quần áo mới, cả nhà đưa tiễn lên bến xe phố Phủ.
          Ngày ấy chưa có đường bay, đoàn du học  phải đi tầu hỏa xuyên nước Trung Quốc, lên Xibêri. Ngồi trên tàu, Đàn đọc câu thơ của ai đó: “Ngày lại ngày đêm lại đêm/ Tàu đi theo gió theo chim/ Con đường Tây bá dài vô tận/ Mắt mỏi nhìn thôi mắt vẫn nhìn…”.
Nửa tháng trời, Đàn đến Mátxcơva vào khoa Văn học Nga Xô Viết cùng với Duy. Đàn thích lắm. Anh say mê tiếng Nga, văn học Nga từ bé, từng đi bộ lên Thư viện tỉnh mượn “Chiến tranh hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”. Anh có thể đọc thuộc lòng truyện “Lẵng quả thông” của Pautốpxky, và tùy bút của Êrenbua
          Đàn học tiếng Nga, học một biết hai. Sau mấy năm đã có thể đọc nguyên bản tiểu thuyết Nga, thậm chí làm thơ bằng tiếng Nga. Duy học kém hơn, nhưng bù lại cần cù chăm chỉ, nên hai cậu học trò xứ Nghệ, đều được nhận bằng đỏ, ngày về nước cùng về dậy ở trường Tổng hợp Văn. Những năm ấy sách văn học Liên Xô quý lắm. Nhiều người mua về thường đóng thêm bìa cứng cắc tông, mạ chữ vàng ngoài gáy. Người dịch sách đếm trên đầu ngón tay, ngoài ngoại ngữ lại phải giỏi cả tiếng Việt. Đàn biết ưu thế của mình, tham gia vào các nhóm dịch chung nhiều tác phẩm lớn. “Tội ác và trừng phạt” của Đốttôiépxki, “Cơn bão táp” của Êrenbua... Người dịch là người chuyển tải cả văn học thế giới cho Việt Nam, công việc quan trọng và vinh quang lắm. Nhận thức điều đó ,Đàn xin nghỉ dậy ở Trường Đại học về làm trưởng phòng Văn học nước ngoài của Nhà xuất bản Quốc gia. Mỗi năm Nhà xuất bản của anh in hàng trăm cuốn sách dịch. Anh hiệu đính, biên tập, duyệt lần cuối các bản thảo. Ríu rít quanh anh là một đội ngũ dịch giả lừng lẫy, làm việc với nhau rất ăn ý. Thời ấy, Nhà xuất bản được nhà nước cấp ngân sách. Tia ra vài vạn, muốn in bao nhiêu thì in, chỉ cần sách không được lệch lạc về “quan điểm”, sai chính trị”..., nói vắn tắt là “không phạm quy”.
“Phạm quy” là một khái niệm mơ hồ, co giãn, nhưng lạ thay, tất cả các biên tập viên đều nắm vững trong lòng bàn tay, liếc qua bản thảo đã biết có “phạm” hay không.
Thời hưng thịnh, Đàn còn được Nhà xuất bản Cầu vồng Liên Xô mời sang ở hẳn đấy vài năm. Một cô đánh máy tiếng Việt đi kèm. Tại đây, Đàn và các chuyên gia người Nga, lựa chọn tác phẩm, chỉ đạo chuyển ngữ sang tiếng Việt, biên tập, hiệu đính kỹ càng, chuẩn xác từng câu từng chữ. Rồi được Nhà nước Liên xô  cho tiền , in  giấy tốt, bìa cứng, đóng thùng gửi tầu biển về Việt Nam.Mục đích quảng bá văn học Liên xô.
 Những ngày làm việc ở Nhà Xuất bản Cầu Vồng đã có đôi lần Đàn đề nghị bỏ ra không dịch những cuốn tiểu thuyết dài cả ngàn trang chỉ với chủ đề ngợi ca xa Mạc Tư Khoa để đi xây dựng kinh tế mới, hoặc chủ đề thi đua sản xuất trong khu liên hợp xí nghiệp. Ngay cả “Đất vỡ hoang” của Sôlôkhốp, Đàn cũng đề nghị thay bằng “Số phận con người”, “Họ chiến đấu vì tổ quốc”. “Đất vỡ hoang” là bức tranh toàn cảnh công cuộc tập thể hóa nông nghiệp Liên Xô. Văn thì rất hay, nhân vật điển hình, nhưng Đàn cứ thấy nó thế nào ấy, chẳng phải vì tập thể hóa mà nông nghiệp đã bị kìm hãm, không phát triển…
          Cũng những ngày ở đây, Đàn đã đọc được nhiều  “bản thảo ngầm” không được xuất bản ở Liên Xô, và tác giả của nó bị đẩy ra ngoài lề xã hội, thậm chí bị lưu đầy. Những tác phẩm thật sự giá trị, thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn trong bối cảnh bi tráng của lịch sử nước Nga.
Về nước, đúng thời kỳ “đổi mới”, xã hội từ “bao cấp” chuyển sang “thị trường”, cơ chế đổi thay, nhiều quan niệm xã hội cởi mở, Đàn sung sướng đón “luồng gió mới”. Tương lai mở ra xán lạn, nhưng trong giai đoạn đầu chuyển đổi, nhiều bất cập, lắm “bi kịch”  xảy ra tức cười.
          Trước đây văn học nghệ thuật là vũ khí tuyên truyền của cách mạng, nhà nước đề cao, cung cấp tiền để hoạt động. Bây giờ văn học trở về sứ mệnh muôn thuở, ban đầu của mình, nếu thị trường chấp nhận, sách bán được thì in, không thì thôi. Nhà xuất bản quen là “gà công nghiệp” nửa thế kỷ nay, giờ bị xua ra là gà dân gian, tự ra vườn kiếm lấy cái ăn, đâm đói to. Không có cả lương trả nhân viên. Bước đường cùng nhà xuất bản phải in cả những sách giật gân, chuyện vụ án, chuyện tình ly kỳ éo le ba xu rẻ tiền và nhảm nhí để kiếm mấy đồng còm.
Đang từ in ấn Káp Ka, Mác két, Kunđura, giờ chuyển sang “chuyện kể của gái điếm”, “Rùng rợn vụ giết người ở Rừng đen”...
Đàn nhìn thấy đây chỉ là giai đoạn tạm thời, bước lùi tạm thời,nhưng tương lai sẽ khác. Anh xin nghỉ phép dài hạn không ăn lương ở cơ quan , đứng ra  lập Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên về xuất bản  lấy tên “Nhà sách Tinh hoa”.
          Về luật pháp, nhà nước không cho phép lập Nhà xuất bản tư nhân, nhưng hé ra một cánh cửa cho tư nhân tham gia. Các công ty sách tư nhân sẽ lo khâu biên soạn bản thảo, kinh doanh. Các nhà xuất bản của nhà nước chịu trách nhiệm duyệt về nội dung. Chỉ khi nào có giấy phép của Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản, sách mới được in. Công ty tư nhân trả cho Nhà xuất bản một khoản tiền gọi là quản lý phí.
    Nhà xuất bản hàng ngày vẫn in sách của mình là chính.Nhưng đồng thời tích cực  cấp giấy phép cho cho các công ty liên kết, để tăng thêm thu nhập.
          Dành dụm được khoản tiền hồi đi làm chuyên gia ở Liên Xô, định xây nhà, nhưng Đàn lấy ra làm vốn kinh doanh. Vợ phản đối quyết liệt, nhưng anh không lùi bước. Niềm say mê làm sách lớn hơn tất thảy.
          Nắm trong tay danh sách những tác phẩm tiến bộ bị các nhà quản lý văn hóa Xô viết thiển cận cấm, nay “cải tổ” được in ấn, đang gây chấn động ở Liên Xô, Đàn khao khát muốn chuyển ngữ sang tiếng Việt khi luồng gió “đổi mới” đã bắt đầu thi ở Việt Nam.
Ai sẽ là người hiểu biết, cấp giấy phép cho các tác phẩm này. Anh tìm đến Phạm Hậu – Giám đốc Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quốc gia, cơ quan cũ của mình. Hậu và anh là bạn, cùng được tuyển vào Nhà xuất bản một đợt ngày xưa. Hậu không được đi học nước ngoài, nhưng có thiên tư từ bé. Học lớp 5 đã có truyện ngắn đăng báo Văn học. Tự học là chính, Hậu chăm chỉ sáng tác, là tác giả vài chục đầu sách tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Trong cơ quan anh cư xử đúng mực, được lòng mọi người. Là trưởng phòng văn học trong nước, anh phụ trách biên tập cho ra đời được một số tiểu thuyết “đổi mới” có tiếng vang. Giám đốc cũ về hưu, Hậu được đề bt. Trong cơ quan, không ai xứng đáng hơn anh. Là nhà văn, nhưng tính “công chức” rất cao, anh biết làm những gì phải làm và không làm những gì không nên làm. Trung dung, chừng mực, Hậu đáp ứng được các yêu cầu cần có của người lãnh đạo.
          Hậu cũng chịu ảnh hưởng  của nền văn học Nga – Xô Viết, anh hiểu biết về nó không thua kém, và say mê nó có lẽ cũng tương tự như Đàn. Hậu và Đàn bây giờ liên kết với nhau, nhìn bề ngoài thuận lợi đủ thứ. Đàn cầm bản thảo do chính Đàn dịch: “Bác sĩ Divagô” của Pắctécnắc, giải Nô ben đến Nhà xuất bản. Văn dịch chuẩn xác, đầy cảm xúc. Hậu ngưỡng mộ cuốn này từ lâu, qua bản dịch còn nhiều khiếm khuyết của Sài Gòn cũ. Nay được bản mới của Đàn, ai chả thích. “Bạn đọc chân chính”, (không phải bạn đọc sách giải trí) đang náo nức chờ đợi. Nhà sách cần in nhanh chớp thời cơ.
-         Thôi, không có gì phải duyệt – Đàn bảo Hậu- Cậu ký ngay một chữ, để về in. Tình hình chính trị Liên Xô đang chuyển biến từng ngày, đang hút dư luận. Sách ra sớm ngày nào hay ngày đấy.
- Không được – Hậu nói -Phải để biên tập và đọc duyệt. Hai tuần mới xong.
Đàn trố mắt ngạc nhiên, và mỉa mai:
-         Cậu định “chữa văn” của Pắctécnắc?
-         Không chữa, nhưng tôi chỉ ký in sau khi đã đọc xong bản thảo – Hậu kiên quyết.
-         Ái dà, cậu giờ oai gớm nhỉ?
Hậu nhịn, không nói thêm. Hậu đem bản thảo về nhà. Vừa duyệt, vừa “thưởng thức”. Quả tình bản dịch của Đàn hay quá, nhưng cũng không phải không có đôi câu chữ Hậu cn phải sửa.
-         Cậu biết gì về “Bác sĩ Divagô” trong khi tôi đọc nó nguyên bản tiếng Nga  – Đàn khiêu khích.
Hậu nuốt tức, để được việc. Anh yêu tác phẩm này. Từ hồi bé anh đã nghe chuyện bản thảo không được in trong nước, Pắctécnắc gửi nhân viên sứ quán Italia đem ra nước ngoài. Trong cuộc đối đầu giữa hai phe lúc đó, cuốn sách thành sự kiện chính trị. Phương Tây đã quảng cáo rầm rĩ cho cuốn sách và trao giải Nô ben.
          ...Bản dịch “Bác sĩ Divagô” in ra, đáp ứng “luồng gió mới” đem lại tiếng tăm thương hiệu và cả lợi nhuận cao cho Nhà sách Tinh hoa. Sau “Bác sĩ Divagô”, Đàn có bản thảo “Hố móng” của Platônốp. Platônốp xưa bị vùi dập, phải làm chân  quét lá, quét tuyết trong Học viện Văn học Gorky, và chết trong gian phòng đựng dụng cụ lao công
Sang cải tổ “Hố móng” được in, là một tác phẩm lớn, Platônốp thành một nhà văn lừng lẫy. Trung tâm thiên văn Kembrítgiơ Hoa Kỳ đã đặt tên một tiểu hành tinh mới phát hiện ra  là Platônốp.
          Hậu đợi Đàn đến để làm việc về Hố móng. Nhưng Đàn đem đến một nhà xuất bản khác. Nhà xuất bản  lớn, nhưng chức năng tổng hợp, không chuyên về văn học. Ông Giám đốc đọc xong trả lại Đàn mà không nói  lý do. Đàn chưng hửng, giật mình. Thế mới biết có một giám đốc “vừa hồng vừa chuyên” như Hậu không dễ. Đàn lại phải đem “Hố móng” đến Hậu. Hai người hiểu nhau hơn qua vụ này.
  Thời gian sau, Hậu đề nghị hai bên liên kết in tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của AlếchxiTônxtôi. Anh thấy đây là bức tranh hiện thực chiến tranh nước Nga. Cốt truyện hấp dẫn, cách viết hay. Nhưng Đàn gạt đi:
-         Đó là một tác phẩm xu nịnh thời thế. Không được.
Hậu đề nghị in lại “Thép đã tôi thế đấy” của Nhicôlai Ốttrốtxky. Cuốn sách là kỷ niệm của cả thế hệ trước.
          Đàn cũng gạt phắt cuốn này. Hậu lấy vốn của Nhà xuất bản đem in, không cần liên doanh với Đàn. Còn Đàn lặng lẽ dịch in cuốn “Nghệ nhân Magơrítta” của Bungacốp, một cuốn cũng bị cấm trước đây. Ra thị trường, hai cuốn của Hậu, lỗ nặng, không bán được. Phòng kinh doanh phê phán Hậu. Trong khi đó cuốn của Đàn lại thắng lợi vang dội về tài chính. Người đọc vẫn khao khát những tác phẩm có giá trị nhân văn, nhân bản, nhưng bị đương thời vùi dập.
          Qua vụ này, hậu nể Đàn hơn. Càng ngày “Nhà sách Tinh hoa” của Đàn càng nổi tiếng. Thành một địa chỉ văn hóa. Một số sứ quán Phương Tây đã tài trợ cho Đàn để dịch các tác phẩm văn học của nước mình. Uy tín của Đàn lên cao, trở thành một “nhà văn hóa” có công đóng góp cho sự phát triển văn học trong giai đoạn mở cửa.
          Quan hệ giữa Hậu – Đàn bây giờ là một quan hệ đặc biệt. Trong đời riêng, họ không thân nhau, không la cà rượu bia với nhau, nhưng trong công việc thì cả hai cần nhau. Chỉ có cộng tác với nhau, họ mới thành công và đã thành công. Giữa lúc ấy Hậu gặp tai nạn nghề nghiệp. Do duyệt in  một tiểu thuyết trong nước “cấp tiến cực đoan”, “phạm quy nặng”, anh có nguy cơ bị cơ quan chủ quản điều chuyển sang công việc khác, hay nói cách khác là “cách chức”. Thời “đổi mới” cấp trên không làm gì “con nuôi” nhưng đem “con đẻ” ra đánh đau. Không ai làm gì tác giả, nhưng “người duyệt in” thì bị đem ra phê phán nặng trong các hội nghị. Trên giao cho anh sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao như thế, nhưng anh đã làm hỏng, anh không biết cách làm. Nhiều nhà văn đã đứng ra lên tiếng bênh vực Hậu. Không biết có phải tại lời bênh ấy, hay tại cấp trên xét nếu cách chức Hậu, thì cũng không biết đưa ai lên thay, không ai có thể hơn Hậu, cảnh cáo một lần để Hậu sợ, còn để nguyên cho Hậu làm, vẫn sẽ tốt hơn…
          Nghề xuất bản thời điểm này với Hậu thật không sung sướng gì. Anh bị “trên đe dưới búa” “làm xiếc đi trên lưỡi dao”. Cấp trên thì luôn nhắc nhở, bắt giải trình, còn các tác giả thì chửi anh là dốt, hèn. Anh ức phát khóc, mà phải chịu… Đành cố gắng lựa tất cả để làm việc. ..
     Một lần tại cuộc “sơ kết” của Nhà sách Tinh hoa,toàn nhà văn, trí thức “chân chính” có người muốn động viên Hậu và Đàn, đã phát biểu: Lịch sử văn hóa có thời người ta chỉ biết “Tam quốc chí”, “Tây du ký”. Rồi đến thời người ta biết “Những người khốn khổ”. Thời “Sông Đông êm đềm”.. Ngày nay Công ty sách và Nhà xuất bản của hai anh đã đem đến cho người ta bao nhiêu kiệt tác đỉnh cao đương đại...
-         Hãy kể tên một kiệt tác tiêu biểu – Một thính giả hỏi.
Diễn giả lúng túng. Cả hội nghị cười ồ.
          Hóa ra đương đại, năm nào cũng trao giải Nô ben, nhưng không có cuốn nào sánh được với kiệt tác cổ điển. Nền văn học của nhân loại đã suy thoái. Khoa học kỹ thuật phát triển thì như vũ bão, còn văn học thì thụt lùi. Đó là một đặc điểm của thế kỷ đương đại. Đến bao giờ thời nay, có được tác phẩm như thời xưa… Không bao giờ…
-         Hãy cứu lấy nền văn học của nhân loại. Tất cả đều phải chung tay. – Diễn giả hùng biện tiếp – Không được để cho cái thằng “thị trường” nó chỉ huy văn học. Chính trong bối cảnh ấy, càng thấy giá trị công việc của hai anh Đàn và Hậu. Cả hội nghị vỗ tay rào rạt. Hai người không khỏi một cảm giác vui vui…
*
*  *
*  *  *
… Sau hơn 15 năm đổi mới, kinh tế phát triển, kỹ thuật in phát triển, quan niệm cởi mở, ngành xuất bản bùng nổ, sách văn học in dần bão hòa. Các tác phẩm giá trị của thế giới gần như đã dịch in gần hết. Sức mua bị giảm sút. Tia ra cuốn gì bây giờ cũng chỉ trên dưới ngàn bản, làm sao có lãi.
          Cái gì thừa, thì không còn quý nữa. Sách dịch đã thừa, và kiệt tác đương đại lại không có, “Nhà sách Tinh hoa” của Đàn ngày càng khó khăn.
          Những năm tháng này công nghệ Nghe nhìn phát triển như vũ bão. Nhà nào cũng vài cái ti vi. Phim truyện Mỹ chiếu 24/24. Một cái Láptốp, Aipác, Aiphôn... kích chuột, chấm ngón tay vào là hiện hình tất cả những gì người ta cần. Vai trò của văn hóa đọc bị đy lui.
          Con người giờ khác con người thời xưa. Người xưa tôn thờ các đạo lý cao siêu, mà văn chương thì chuyển tải đạo lý, nên văn chương được coi trọng. Các ông đội mũ cánh chuồn xưa đều phải đỗ tiến sĩ, và biết văn thơ. Thơ Đường thấm sâu đời sống tinh thần con người bao thế kỷ. Con người bây giờ hướng về khoa học công nghệ gần như tuyệt đối. Học khoa học tự nhiên để có hành trang  đời thường. Có kiến thức khoa học tự nhiên mới tồn tại được trên đời. Con người biết các chân lý, đạo lý chỉ là tương đối, còn  “chủ nghĩa vật chất” mới là “tuyệt đối”.
          Cuộc đấu tranh tư tưởng đối đầu một sống một chết giữa hai phe trên thế giới giờ cũng đã giảm bớt. Văn chương mất vai trò là bộ phận của cách mạng, không còn là vũ khí đấu tranh, nên bị loại trừ ra khỏi guồng máy chính thống. Tại xứ sở của thơ ca, xứ sở các đỉnh núi văn chương thế kỷ 19, nước Nga ,có lúc người ta đã đưa ra ý kiến: Nhà trường có thể thay môn văn học bằng môn Giáo dục công dân, dậy dỗ pháp luật có tác dụng thiết thực hơn. Pútskin, Tônxtôi, Sêkhốp, Gorky không còn là các ông thánh nữa. Địa vị của văn chương như quả bóng xì hơi.
          Qua nhiều năm, tính mới mẻ của dòng văn học Nga Xô viết bị cấm đoán, không còn nữa, không hấp dẫn nữa, toàn thế giới vào thời kỳ kinh tế thị trường, đấu tranh trong làm ăn quyền lợi, chứ không khư khư chọi nhau về ý thức hệ.
          Với bối cảnh ấy, Nhà sách Tinh hoa của Đàn, sau thời kỳ hoàng kim, bước sang suy tàn. Nếu là nhà kinh doanh đơn thuần kiếm tiền, thì người ta đóng cửa, tìm nghề khác. Nhưng Đàn đặt ý nghĩa văn hóa, tiến bộ xã hội lên cao hết thẩy. Tiền chỉ là thứ yếu…
          Phạm Hậu đã đến tuổi về hưu, rời nhiệm sở, về làm cho Nhà sách Tinh hoa, với chức danh Phó Giám đốc công ty. Ông Giám đốc Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quốc gia, tác giả vài chục đầu sách sáng tác thơ văn, ông chịu trách nhiệm ký duyệt hàng nghìn đầu sách đông tây kim cổ, giờ hiện nguyên hình là một nhà văn mộng mơ, sát cánh cùng Đàn trên con thuyền đang chòng chành sắp chìm.
          Hậu may có miếng đất xưa mua rẻ, giờ bán lãi, giấu vợ con lấy ra một ít góp cho công ty. Đàn cũng thu dần chỗ ở, để giành tầng trệt cho thuê, lấy tiền kinh doanh sách. Hai anh Đông ky sốt quyết đánh nhau với cái cối xay gió thị trường sách văn học.
          Đêm đêm, hai “nhà văn hóa” vuốt ve những kiệt tác đã dịch in, thở dài. Những sách này góp phần nâng cao mặt bằng văn hóa cho nhân loại, nhưng giá trị kinh tế, thương mại của nó không bằng danh ca thời thượng hát trong ba phút…

*
*  *
*  *  *
          Ly cà phê bốc khói thơm phức, Duy ngồi nhấm từng ngụm trầm ngâm:
-         Tôi và anh từ cái lò văn chương Nga Xô viết mà ra. Trường tôi bây giờ đang là thành trì cuối cùng của văn học. Tôi có nghề giảng dậy ấm chỗ, nhưng bao năm nay vẫn trăn trở chuyển ngữ thơ Prốtxky. Tôi đã viết xong một chuyên luận về Prốtxky từ lúc nhà thơ là chàng thanh niên bị tòa án Xô Viết địa phương kết tội “ăn bám xã hội, viết lách rắc rối, tống đi tù… đến lúc bị trục xuất ra nước ngoài rồi được giải Nô ben…
-         Chuyện này giờ không còn tính thời sự nữa, cùng không hấp dẫn được ai.
-Tôi muốn in thơ của Prốtxky.
-         Thơ không bán nổi một cuốn.
-         Tôi có tiền. Tôi đưa tiền cho anh để anh in… Tiền này tôi có được do công hướng dẫn luận văn tiến sĩ hàng chục năm nay, chứ không phải tiền lấy của vợ con…
Đàn ngồi bên Duy trầm ngâm. Vừa mới ngày nào họ còn là hai sinh viên trẻ trung. Hơn 20 năm, trong khi Đàn đắm chìm vào nghề in sách thì Duy cần mẫn nghiên cứu, giảng dậy, đi làm nghiên cứu sinh Phó tiến sĩ, tiến sĩ, sống lâu lên lão làng, thành Giáo sư. Còn Đàn vẫn “trắng chân” dịch giả…
     Phạm Hậu đến giữa lúc hai người đang đọc thơ Prốtxky bằng tiếng Nga. Đàn góp ý để Duy sửa chữ này chữ kia trong bản dịch. Thấy Hậu, Duy reo lên.:
-    Hay quá, mấy khi ba anh em mình cùng gặp nhau. Tôi muốn mời hai anh đi uống ly rượu. Đi nhậu phải có ba người mới vui.
-         Đi – Hậu và Đàn cùng hưởng ứng.
-         Ta đi tắc xi cho oai. Vào nhà hàng sang trọng. Chả gì tôi cũng vừa được tặng Huân chương…
-         Đồng ý.
Cậu lái tắc xi đi vòng vèo và nghe ba ông nói chuyện sách vở trên trời dưới biển.
-         Em thì từ bé đến giờ chưa đọc một cuốn văn thơ nào. – Cậu góp chuyện – Em đố các bác viết in được một cuốn sách mà em phải bỏ tiền các cuốc tắc xi để mua. Và sau đấy ở nhà một tuần để đọc.
Hậu cười:
-         Đến bố tao cũng không viết được một cuốn như thế.
Anh lái xe nghiêm trang:
-         Nói vậy thôi chứ đấy chính là nỗi đau của chúng em. Có điều là tại sao thằng con trai em cứ chúi đầu vào đọc những tập truyện tranh vớ vẩn tào lao. Cứ thế này thì nguy quá, rồi sẽ đi đến đâu.
Đàn gật gù bảo Hậu và Duy:
-         Cậu nói được câu ấy, là chúng tôi vẫn còn hy vọng…

27/7/2013









 vvvvvvvvvvvvv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét