Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013
LÀNG MỚI
Tạp văn của Nguyễn Phan Hách
Vùng đất mênh mông bờ Nam con sông phù sa nước ngập trắng
bong, lau sậy hoang dại.
Một buổi kia, có đoàn người đóng bè mảng cây chuối, vượt
sóng đến đây, lập làng mới.
Họ khơi mương cho nước chảy xuôi, chặt phá lau sậy, hình thành cánh đồng, xới xáo mặt đất, gieo nắm mạ
đầu tiên.
Trong làng, họ đào ao tôn nền, trồng tre bao quanh. Khi tre
lớn họ chặt làm nhà. Có tre là có tất cả. Khung nhà tre thanh mảnh, tường bằng
nan tre trát bùn trộn rơm. Tre đan nong nia rổ rá dần sàng. Đòn gánh tre cong vút. Quang tre kĩu kịt. Em bé thơ nằm trong nôi
tre, ngoài kia, chim cu cườm trên cành tre hót ru em ngủ.
Những đàn bướm trắng dập dờn dưới bóng lá, đom đóm đêm mờ tỏ lập lòe...
Làng cứ dần hình thành. Những lò rèn đỏ lửa, chí chát rèn
dao cuốc liềm hái. Chợ làng đã mở, quán bán bánh đúc, bánh đa.
Ao làng đã trong, những cánh bèo tươi biếc, ếch nhái về kêu
ồm ộp. Cầu ao sen hoa trắng muốt, em gái ra tắm, vai trần lẫn với màu hoa. Trưa
hè, vườn quê đã sực mùi quả chín, chim chóc bay về, bướm ong đi tìm mật ngọt.
Đêm khuya tiếng dế kêu rả rích, những con ve vàng lột vỏ dưới ánh trăng xanh…
Ngoài đồng, những đàn cò theo người lập làng, về đây, dập
dờn trên lúa. Những con chim Sơn ca hót vang
giữa trời. Những con Trâu đen sì cục mịch, vừa nghe Sơn ca hót, vừa lặng lẽ xới tung vỏ mặt đất. Con chim Sơn ca đậu xuống sừng trâu nhởn nhơ. Chúng biết Trâu hiền lắm, y như người dân quê, đôi sừng nhọn có
thể húc cả hổ báo, nhưng sừng uốn cong lại, chả làm gì ai.
Làng mới đã đắp con đê chắn sóng như bức tường thành đất hùng vĩ,
bên bức tường thành tre trập trùng vây quanh làng. Cây đa đầu thôn,
đã um tùm tỏa bóng. Giếng quê đã trong vắt, tháng ba hoa gạo rụng đỏ mái đình.
Những ông Đồ đầu tiên trong
làng đã có học trò đi thi Hương, về soạn văn bia, cho thợ đá ghi lại công tích mở đất ban đầu. Những đám cưới chăng dây
tơ hồng, uống rượu hợp cẩn, pháo nổ ran ngõ lối. Những đám rước hội làng, bác
dân quê được mặc áo thụng lam, mũ cánh chuồn, đầu che lọng. Bác dân quê được gõ
trống chầu cho đào hát Ca trù ngân nga thánh thót. Rồi cụ Thượng làng được ra cái lệnh cho trai gái mỗi năm một lần ra đình dự hội Tắt đèn, để chen nhau, sờ vú,
sờ lườn nhau trong bóng tối…
Một ngày kia, làng trịnh trọng rước về bốn chữ Vua ban “Mỹ
tục khả phong”. Thế nghĩa là từ nay con gái làng không được chửa hoang, con
cháu làng không được bất hiếu…
23/6/2013
MẤT ĐẤT
Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách
Ông
Khắc ngồi trong trạm gác cổng nhà máy Hóa chất Khu công nghiệp Hoài Thuận nhìn
ra ngoài. Trước mặt là khoảnh đất rải nhựa trống trải, với chiếc ba-ri-e từng
khúc sơn trắng đỏ. Khoảnh đất ấy ngày xưa chính là ba sào ruộng của ông. Ba
sào. Một ngàn mét vuông đất. Lúa hai vụ chín vàng…
Ông Khắc như người mộng du. Thỉnh thoảng lại nhắm mắt chập
chờn nhìn thấy những bông lúahư ảo dập dờn trong nắng. Rất nhanh, tiếng còi xe
xóa tan bóng hình, và ông “gác cổng” lật đật chạy ra nâng thanh ba-ri-e. Tiếng
xe tải chở vật liệu hóa chất mùi khét lẹt, ầm ầm lăn bánh lên ký ức mơ hồ khắc
khoải. Ông thở dài. Co rụt cổ lại trong cái trạm gác nhôm kính kín mít, như chỗ
trú ngụ cuối cùng của mình trên mặt đất này.
* * *
* *
*
Mười
mấy năm xưa, ông nông dân Phạm Văn Khắc sống trong ngôi nhà thơ mộng, ba gian
gỗ xoan lợp ngói, giữa mảnh vườn cổ thụ và ao bèo xanh biếc. Cảnh quê ấm cúng,
vạt rau bốn mùa su hào cải bắp rau đay rau dền mơn mởn. Đàn gà túc mồi gọi con,
bồ câu xập xòe mái ngói, cún vàng nhởn nhơ ngoài ngõ.
Hai
vợ chồng làm khỏe như thần đồng, cấy cầy trên mấy sào ruộng nhất đẳng điền, vụ
nào thóc cũng đầy bồ. Gạo tám gạo dự đầu mùa thổi cơm thơm lừng, hạt dẻo tan
trên lưỡi cái dư vị ngọt ngào của người tận hưởng thành quả lao động của mình.
Đêm trăng, hai vợ chồng ngồi trên chõng
đầu sân, chồng say điếu thuốc lào, vợ say miếng trầu, bàn chuyện làm ăn.
Bè rau muống, chum nước cua, vợ chồng ông Khắc tương cà gia bản tích cóp căn
cơ, nuôi con ăn học. Nhiều đêm thanh vắng, hai vợ chồng ôm nhau, ngây ngất nghe
tiếng sương rơi tầu chuối, tiếng cuốc khản giọng gọi hè. Cánh tay trần tròn lẳn
mát rượi của vợ, cánh tay lực điền vâm váp của chồng… Hạnh phúc quê kiểng chất
phát đắm say…
Làng
muôn đời thanh bình. Bờ tre cò về làm
tổ. Chiều hè, trời xanh, lơ lửng cánh diều hâu bay lượn. Làng hẻo lánh, phố huyện xa ngái, đêm khuya, tiếng còi tàu xe lửa
vọng về gợi cảm giác bâng khuâng.
Quê
Hoài Thuận của ông Khắc từ bao đời là như thế. Phố huyện đã là xa nhất, vậy mà
rồi một buổi bừng lên cái tin: đường cao tốc, đường vành đai quốc gia sẽ chạy
sạt qua đầu làng.
Trời
ơi, ngàn đời nay làng chỉ có một con đường sống trâu lầy lội lên huyện. Lý
trưởng xưa lên hầu quan huyện quần trắng xếch quá gối, nách cắp dép Chi long,
lên đến đường cái quan mới rửa chân buông quần, xỏ dép. Bọn Tây xưa đi càn ,
thấy lối xuống làng lầy lội cũng ngại, bỏ
qua.
Vậy
mà bây giờ sắp có đường cao tốc rẹt qua đầu làng. Sướng biết chừng nào...
Cọc tiêu cắm lên. Những gia
đình có nhà ruộng ven đường, ngất ngây, tưởng phen này quờ thấy vàng dưới lưng.
Sẽ xây cửa hàng cửa hiệu, nhà bốn năm tầng làm khách sạn, quán ăn. Thôi, rửa
sạch chân tay váng bùn phèn chua, sắm váy ngắn cho con gái đứng bán hàng. Làng
sẽ thành phố, mà phố lớn, đại lộ giao thông, đâu thèm phố ngõ ngách…
Vài
năm, đường cao tốc hoàn thành, rộng mênh mông bẩy tám làn xe. Nhưng kìa, cái
bọn “cao tốc” “khoảnh” kinh người. Chúng rào hai bên đường lại bằng cột bê tông
luồn thanh sắt ngang, không cho người làng được đặt chân lên. Tất cả, trơ mắt
ếch ra nhìn. Đất ruộng làng “ông”, giờ thành đường mà “mày” không cho “ông” đi.
Muốn đi phải xuôi tít về Hà Nội, lên cầu ở đó, rồi chạy thẳng hàng trăm cây số
Lạng Sơn ,qua làng chỉ được nhìn, không được rẽ về.
Giấc
mộng “đô thị hóa”, làm nhà hai bên đường vỡ tan tành. Kết quả chỉ còn là tiếng
côngtenơ đêm khuya chạy qua rít lên mất ngủ…
Cả
làng Hoài Thuận tiu nghỉu.
Nhưng
không, chớ vội bi quan. Một năm sau ngày cao tốc hoàn thành, người ta về đây
đặt giá mua đất cả cánh đồng bên đường, làm " Khu công nghiệp”.
Bọn
“Công nghiệp” có sức mạnh, được rỡ một đoạn rào chắn, trích ngang một lối rẽ,
rồi làm đường lớn về làng. Tuyệt vời, có thế chứ…
Toàn
bộ ruộng nhà ông Khắc nằm trong Khu công nghiệp, được tiền đền bù cao nhất
làng. Tiền lẻ, mệnh giá thấp, đầy một bị. Đêm hai vợ chồng ngồi đếm, ngỡ như
mơ, sung sướng ngây dại cả người.
Từ
cổ chí kim, từ thuở khai thiên lập địa, không bao giờ lại có cái ngày kỳ diệu
như ở làng Hoài Thuận. Nhà nào cũng được một bọc tiền, nhà nào vợ chồng cũng
ngồi giạng sẻ đếm tiền.
Chỉ
trong vòng vài tháng, các nhà đua nhau mua xe máy, xây nhà gác hình ống, mái
bằng. Cả làng thành một đại công trường. Thợ xây các nơi đổ về thi công. Xe
chở cát, chở gạch ùn ùn… Các bác nông
dân gặp nhau hớn hở:
- Nhà
bác được bao nhiêu?
- Một
tỷ- Còn nhà bác?
- 500
triệu.
500 triệu, một tỷ, tiền xướng
lên kêu xoang xoảng. Cách đây vài tháng họ vẫn còn bòn nhặt bán buồng chuối, mớ
rau, con gà, hầu bao chỉ là tiền chục, tiền trăm. Vậy mà bây giờ tiền triệu,
tiền tỷ.
Khu công nghiệp liên hợp xây dựng cũng nhanh tương đương
với tốc độ “nhà gác hóa” của làng. Kèo cột sắt, mái tôn dựng lên to
rộng mênh mông. Máy móc chuyển về lắp đặt, vận hành rung chuyển cả một vùng.
Ông Khắc đi ra đi vào như người mộng du, bên bà vợ đi ra đi
vào cũng như người mơ ngủ. Hai vợ chồng luôn mỉm cười nhìn nhau. Họ lấy nhau,
đêm vợ chồng mới cưới không có chiếc màn che muỗi, không có tấm chăn bông. Họ
được bố mẹ cho một thúng thóc tẻ, một đôi lợn con, ra ở riêng trong túp lều
gianh. Hai vợ chồng làm bán lưng cho giờ, bán mặt cho đất, dần dần gây dựng
được cơ ngơi. Ngày giải tán Hợp tác xã, ngày vui lịch sử ngàn năm có một của
làng, họ được chia vài sào ruộng (trên danh nghĩa nhận khoán). Từ đó lúc nào
thóc cũng đầy bồ, gà đầy sân. Cuộc sống tưởng còn mong gì hơn thế nữa…
Vậy mà hôm nay “cuộc sống phát triển”, tiền tỷ có trong
tay, xuất hiện nhu cầu tính toán làm giầu…
Ông Khắc không xây nhà gác mà bán phắt ngôi nhà trong làng,
lên thị trấn mua một căn “mặt phố” chia hai ngăn, một bên cho vợ bán hàng hoa
quả, một bên cho con gái mở tiệm “cắt tóc gội đầu”. Còn ông, trẻ trung yêu đời,
50 tuổi khỏe khoắn, đi học lái xe, mua chiếc Kia morning làm “dịch vụ”. Ai cần
chở người nhà đi bệnh viện, hoặc đi đâu
ra thành phố, gọi ông, có ngay. Vi vu một quệt được một hai trăm chẳng khó nhọc
gì. Cảnh nhà khá ổn định.
Toàn gia ông Khắc đã theo đúng chủ trương khoa học chuyển
dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang làm dịch vụ. Từ nay vĩnh viễn chia tay với cảnh
mùa đông dầm bùn giá lạnh, mùa hè phơi nắng chang chang. Nghĩ lại cái cảnh hấm hấm ha
hả với bồ thóc đầy ngày xưa mà buồn cười…
Nhờ trời, mấy năm đầu cửa hàng hoa quả lê táo Trung Quốc
của bà Khắc hái ra tiền. Còn cửa hàng “cắt tóc gội đầu” cũng tấp nập. Các cô
gái không còn chịu đun nước bồ kết nữa,
mà giờ nằm ườn ra ghế cho thợ vò đầu bằng dầu thơm có nhãn hiệu. Con gái ông
Khắc mỏng mày hay hạt, chuyện trò có duyên, cửa hàng đông khách. Con trai cũng
thích vào gội đầu, mát xa mặt. Được bàn tay con gái nâng niu, ai chả thích.
Ông Khắc mỗi tuần đôi ba lần đưa khách ra Hà Nội. Một lần
dừng chân trước một con phố oái oăm. Hai bên hè, các cô gái phấn son rực rỡ,
mặc áo hai dây, hở nách, hở vai trần trắng nõn, gọi “anh vào thư giãn”. Đỗ xe
bên đường, ông thử bước vào. Một cô gái cầm tay dắt vào phòng nhỏ ngăn ô bằng
những chiếc mành. Mỗi ô, từng bàn, từng đôi đang ngồi thư giãn thật thú vị.
Khách vừa uống cà phê, ăn bánh ngọt, vừa sờ vú, sờ bụng tiếp viên. Thư giãn thế
này thì chả còn mệt mỏi, căng thẳng gì,
bao stress bay biến.
Chẳng ai dậy , ông Khắc thực hành tức thì. Bàn tay nông dân
sần sùi chỉ quen làn da vợ già, lần đầu được sờ da phấn con gái trẻ, sướng
thật. Thư giãn một tiếng, mất tiền một cuốc tắcxi. Không đáng bao nhiêu. Quen
thung thổ, lần sau ông Khắc “nâng cấp” thư giãn hơn: vào nhà nghỉ!
Nhà nghỉ là cái gì. Ai
ghĩ ra cái tên ấy nhỉ? Hình như xưa Công đoàn hay có các nhà nghỉ dưỡng cho
công nhân đến ở vài ngày. Mượn cái tên lương thiện này, cuộc sống hiện đại này
giờ đẻ nó ra hàng loạt. Vậy cho nên ông Khắc đi “nghỉ” một cái xem sao. Vừa
bước vào, còn đang mải ngắm bức tranh vẽ cô gái Thái Lan mặc váy, cởi trần, vai
đỡ vò gốm, thì đã thấy một cô gái thật, quần soóc, đùi trắng bước vào.
-
Chào anh!
Từ
người cô, tỏa ra mùi phấn son dễ chịu. Cô ôm lấy ông. Vòng tay êm dịu. Thân
người con gái sao mà mềm mại, thơm tho. Ông Khắc ghì riết lấy. Cách đây mấy
chục năm, chàng trai Khắc lấy vợ, và cũng được ôm tấm thân cô vợ trẻ nõn nà có
phấn. Nhưng lúc đó Khắc không ý thức được cái quý giá vô hạn ấy. Cứ cho là
đương nhiên được hưởng. Đương nhiên…. Người vợ rồi đẻ con, thời gian xâm thực,
tấm thân nhão ra, vú xệ xuống lõng thõng, da bụng sau kỳ mang thai nứt căng,
lên sẹo, như sọc dưa bở. Bàn tay đồng áng dần sần sùi. Đôi chân dầm bùn đồng
chiêm váng phèn vàng khè… Và Khắc cứ quen dần như thế. Cũng không ý thức được
sự tàn tạ ấy. Chỉ thấy vợ già, phải như thế. Và ta cũng già, cũng còn đâu cơ
bắp cuồn cuộn. Vợ chồng cùng già. Đồng bộ…
Bẵng đi bao nhiêu năm, vậy mà bây giờ
“lò lửa” lại bùng lên dữ dội. Dữ dội hơn cả thời còn trẻ. Khao khát làn da cô
gái trẻ hơn tất cả mọi thứ trên đời. Trong vòng tay ông Khắc đây bây giờ là một
cô gái trẻ như thế. Sung sướng đến tuyệt đỉnh. Đến bây giờ mới thấy con gái trẻ
là ngàn vàng. Phải nâng niu và tận hưởng.
“Cuộc
tình” như dung nham núi lửa. Ngất ngây tột đột. Bây giờ mới thấy thế nào là lạc
thú trần gian. Mà tiền mất cũng chỉ là vài cuốc tắcxi.
“Tài
xế Khắc” đắm chìm trong nhục cảm thể xác một thời gian “ăn bánh trả tiền”, quệt
miệng ráo hoảnh rồi đi. Nhưng rồi có một lần ông gặp một “cô gái bán hoa” có
tâm trạng. Mặt cô không đẹp, nhưng da thịt nõn nà khác thường. Trắng như ngó
cần. Trông đã sướng. Cô kể cảnh nhà, đã có chồng. Thằng chồng chẳng ra gì, và
hai người bỏ nhau. Cô bơ vơ, bước đường cùng phải vào đây, làm tạm “nghề này”
lấy ít vốn, rồi sau này mở cửa hàng nhỏ để sống.
Ông
Khắc mê đắm làn da như trăng rằm của cô, sờ vào mát rượi. Cô không đỏng đảnh,
đong đưa, mà có gì hiền dịu. Tình yêu thật sự bừng lên trong lòng già. Ông
thương cô bé. Thúy (tên cô) tỏ ý cũng chỉ mong có một chỗ dựa. Tình yêu không
có tuổi – cô nói…
Chỉ
trong một thời gian ngắn, ông Khắc đã thu xếp cho cô ổn thỏa. Thuê một căn hộ
nhỏ, sắm đủ giường nệm, bàn tủ , ti vi… Ông nói: Thôi, từ nay em cứ ở đây, anh
chu cấp tiền ăn và tiền tiêu vặt hàng tháng. Không phải làm gì hết. Nhất là
tuyệt đối không “tiếp” một ai nữa.
Thúy
chắn vén “gia đình” tươm tất. Cách một vài ngày, ông Khắc lại phóng chiếc Kia
morning đến đấy, ngủ lại, ăn uống, vui chơi hú hí. Thỉnh thoảng sẵn ô tô, ông
đưa Thúy đi du lịch Khoang Xanh, Thác Đa, Ao Vua, các chùa chiền xứ Bắc…, Siêu
thị Big C, Metro… Quà ông cho Thúy thỉnh thoảng chiếc nhẫn, vòng, dây chuyền.
Sau một năm “bao gái”, tổng cộng ông Khắc thấy mất đứt nửa số tiền vàng dự trữ.
Bù lại, ông tích cực “chạy xe” như điên để kiếm tiền, cung phụng cho cô.
Những tháng năm ngây ngất với ông
Khắc. Chưa bao giờ sung sướng như thế. Vụng trộm, giấu giếm, có cái ma lực của
nó.
Bà Khắc thời gian đầu không để ý, vì
mải mê bán hàng. Khi kiếm ra tiền, người ta say. Ngồi giạng sẻ ở nhà, lê táo
từng thùng có người chở đến tận nhà, tiền nong chửa phải trả. Mua một, bán lãi gấp
đôi. Cuối tháng “người giao hàng” mới đến lấy tiền. Nhẩm tính ngày nào cũng có
lãi. Nhàn hạ, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, bà bắt đầu béo nuột ra,
tính tình đổi thay, nhu cầu cuộc sống cao, không ăn mắm mút dòi như ngày xưa
nữa. Bà bắt đầu sợ ngọt, sợ mỡ. Cũng “cảnh giả” chọn thịt gà quê nuôi bằng
thóc, ngô, chứ không ăn gà nuôi cám công nghiệp. Cũng kén chọn gạo tám đầu mùa,
gạo hương Thái Lan, chứ cơm thổi gạo “mộc tuyền” là không nuốt nổi.
Bà
Khắc thấy chồng cứ đi suốt ngày, có khi vắng nhà cả tuần lại hay đỏm dáng đầu
xức nước hoa, bắt đầu sinh nghi. Khi thấy chồng cả tháng không “động” đến mình,
bà bắt đầu đi rình. Bà bắt quả tang chồng đang đi du lịch với bồ trẻ ở một Resort.
Đau đớn, chết lặng, căm hờn. Đất dưới chân bà như sụt. Trời trên đầu bà như vỡ
tan. Người bà bồng bềnh như cái bóng ma. Bà khóc lóc, gào thét, đập phá chửi
rủa, lăn lộn. Tất cả vô ích. Làm sao mà chia cắt ông Khắc với cô bồ.
Bà Khắc cay đắng nhớ lại ngày xưa. Hai
vợ chồng là một, chồng là tất cả của vợ, vợ là tất cả của chồng. Củ khoai bẻ
nửa cùng ăn, tấm chăn cùng đắp. Chồng hậm hụi làm vì vợ, vợ hậm hụi làm vì
chồng. Ngày, chồng cày vợ cấy trên đồng, tối về chồng ôm ấp vợ, vợ ôm ấp chồng.
Chiếc chăn bông mới ấm nồng. Mùi tóc vợ gội lá hương nhu, mùi mồ hôi đàn ông cay
hắc, mùi mồ hôi đàn bà ngậy thơm...
Cuộc đời tưởng vĩnh viễn là thế. Ai
ngờ giờ như một nửa cơ thể của mình đã tách ra, không phải là của mình nữa,tiếc
xót ngẩn ngơ. Lòng dạ bọn đàn ông khốn nạn, không ai học được chữ ngờ.
Thằng đàn ông... Ta với thằng ấy ngày xưa xa
lạ hoàn toàn. Cưới nhau một cái là xương liền xương, thịt liền thịt, thương yêu
không biết thế nào là thương yêu. “Mẹ cha bú mớm nâng niu. Tội trời đành chịu,
không yêu bằng chồng…”. Thằng đàn ông, nó là cái gì. Bây giờ nó giết ta còn hơn
bằng dao bằng kiếm. Mẹ bố mày, mày giết “bà” rồi, mày làm “bà” đau khổ thế này.
Bà Khắc bị trầm cảm, ngẩn ngơ một thời
gian. Chẳng muốn làm ăn gì nữa. Cửa hàng bỏ bê. Thỉnh thoảng lại khóc lóc một
mình. Đêm không ngủ, bà đấm tay vào tường uỳnh uỳnh làm hàng xóm sợ mất vía.
Ông Khắc trơ tráo nói với Bà: Ngày xưa
các cụ còn lấy hai vợ, ba vợ thì đã sao. Bà Cả, chủ động đi tìm vợ bé cho
chồng. Thế mới là phụ nữ chứ. Thương chồng như thế chứ. Bà nên nhớ: một là bà có tôi kèm
theo cô gái kia, hai là bà mất hết, không có cả tôi nữa. Tùy bà. Tôi không thể
rời xa cô ấy được.
Ông Khắc bỏ đi vài tháng. Trở về thấy
vợ dần dần có gì “biến chuyển”. Từ vật vã sang trơ lì, nhơn nhơn thản nhiên, mặc xác ông. Ông mừng
vui, tưởng bà đã “giác ngộ”, chấp nhận. Ai ngờ sự đời diễn biến theo một hướng
khác...
Bà
Khắc sau một năm đau đớn, giật mình nhận ra: Đời đến mức khốn nạn thế này thì
ta còn cần gì nữa. Bà đang ở tuổi hồi xuân, béo tốt nõn nà, tiền có trong tay,
vậy sao bà phải khổ. Ông ăn chả thì bà ăn nem, cổ nhân đã dậy, tội đếch gì bà
không nghe.
Lão
lái xe tải nhẹ chuyên chuyển hàng lê táo Trung Quốc cho các đại lý, người tráng
kiện, tính tình vui vẻ, lọt vào tầm ngắm của bà. Chỉ vài câu đong đưa, liếc
mắt, hai người đã “hiểu” nhau.
Tuổi
này còn cái gì để giữ. “Thứ này” hàng năm nay đã bị “thằng phản bội” bỏ mốc,
phải lấy lại giá trị cho nó. Nó vẫn là vàng chứ có phải đất đâu. Bà phải trả
thù thằng phản bội, phải lấy “cái của nó” mà nó khinh rẻ, đem “cho” người khác...
Một buổi kia, cái rèm hoa trong cửa hàng buông
xuống, và phía sau rèm, đôi vú già đang săn lại hồi xuân đã rung lên dưới bàn
tay cầm vô lăng xù xì.
Tức
lắm, uất lắm. bây giờ thì tao chuyển cái tức cái uất cho mày, thằng chồng bội
bạc ham gái trẻ. Cho mày hộc máu ra. Mày để tao “chết đói”, tội gì tao không ăn
vụng...
Gã
lái xe một tuần đem lê táo đến một lần, được “nhận” (cũng đồng nghĩa là cho)
niềm vui sướng tuyệt đỉnh sau bức rèm hoa.
Ông
Khắc nhận được "thông tin" chẳng lành, như con sư tử gầm lên. Nhưng
có kết quả gì. Mụ ấy cũng đã chẳng như “con sư tử gầm lên”, song có làm gì được
ta. Bạo lực có lúc chả ăn thua gì. Dần cho mụ một trận? Mụ sẽ la lên cho cả thị
trấn biết “nguyên nhân”. Chẳng có lợi gì. Thôi, đổ vỡ tất cả rồi. Không đường
cứ vãn. Nhưng “đổ vỡ” để “phát triển”. Ta không thể bỏ cô bồ trẻ. “Tái cấu
trúc”. Thôi cùng để nhau yên là hay nhất…
* * *
* *
*
“Hình
thái gia đình” nhà ông Khắc ổn định được hai năm, sau khi “tái cấu trúc”. Ông
Khắc yên lòng, không khéo đây là “mô hình” mới cũng nên.
Vậy mà…
Một
hôm, ông Khắc đi lơ vơ trong phố. Bây giờ ông đã là dân thành thị chính hiệu,
tức là đã “thành tinh thành cáo”. Quen mùi thịt da con gái trẻ, thông ngõ tỏ
tường “siêu thị nhà nghỉ”, ông rẽ vào một cái mang tên mơ mộng “Hoa Lan”. Nói
chứ “Mới Lạ” là một yếu tố hấp dẫn kỳ diệu. Thúy đã quá quen thuộc rồi. Một cô
gái lạ xem thế nào. Một vài cuốc tắcxi là đủ, khó gì…
Ông vào phòng đợi. Chủ nhà bảo: Có một “tiếp viên” đẹp.
Mười phút nữa sẽ có mặt.
Ông Khắc chuẩn bị tư thế. Bồn chồn, hồi hộp ra phết. Thú vị
nhất trên đời là giây phút cánh cửa mở, và một cô gái mới lạ xuất hiện. Thật
như vào vườn hái một bông hoa, bắt một cánh bướm. Ông Khắc đã trải nghiệm cảm
giác này.
Tiếng chân nhè nhẹ ngoài hành lang. Đây rồi… Ông Khắc vuốt
lại tóc. Xịch, cánh cửa mở, cả ông Khắc cùng cô gái kêu “ối” lên, và ngã bổ
chửng. Bởi cô gái mới lạ đó chính là… Thúy!
Đất dưới chân ông Khắc xụp đổ. Ông gặp Thúy lần này, đúng
như lần đầu tiên gặp, không gian bối cảnh y hệt. Chỉ có điều lần trước vui
thích bao nhiêu thì lần này đau đớn bấy nhiêu… Bởi ông đã thật lòng yêu Thúy.
Bốp, một cái tát mạnh. Thúy bưng má ngồi xuống giường.
Gương mặt dịu dàng mọi hôm, vụt đanh lại trước “bạo lực”:
-
Ông có quyền gì
mà đánh tôi?
-
Con đĩ – ông Khắc
gầm lên.
-
Thế ông là gì?
-
Tao đã nhầm.
- Tiền
hàng tháng của ông có đủ cho tôi mua son phấn và quần áo thời trang không? Ông
đã đủ tiền mua căn hộ cho tôi chưa, hay vẫn là nhà thuê trọ. Thế ông đã có xe
máy SH cho tôi đi chưa. Tôi trẻ trung xinh đẹp thế này lại không biết tự kiếm
tiền nâng cao cuộc sống của mình ư?
- Hóa
ra lâu nay, những buổi cô vắng nhà, những ngày cô bảo là đi làm thêm, chụp ảnh bên mẫu mã hàng hóa quảng cáo, chính
là thế này ư… Cô là đồ lửa dối…
- Hay
ông mới chính là đồ lừa dối. Những lời hứa về nhà cửa, xe pháo.
- Bao
nhiêu cho đủ với lòng tham của cô.
- Đúng.
Bao nhiêu cũng không đủ với khát vọng của con người.
- Tôi
đã bỏ hết vợ con, nhà cửa, vì cô… Thế mà cô.
- Thế
ông đã ly dị vợ để chính thức cưới tôi chưa. Hay chúng ta chỉ là bồ bịch. Chỉ
trông vào ông, thì tôi chết đói trong xó nhà trọ .
- Bây giờ tôi mới hiểu chân lý: Gái bán hoa không
bao giờ có tình yêu. Không bao giờ.
- Có đấy. Gái bán hoa có tình yêu đấy, nhưng chỉ
với người hợp cảnh, chứ không với người coi gái bán hoa chỉ là đồ chơi thêm
nếm.
- Thôi, có đường có nẻo thì bước .
- Tất nhiên. Ông tưởng không có tiền của ông, tôi
chết đói đấy hẳn. Tôi cũng đã muốn rời xa ông từ lâu. Tuy nhiên, nhân đây tôi
muốn nói dù sao ông cũng là người tốt, chúng ta đã bồ bịch với nhau một thời
gian dài. Ông khá tử tế. Vậy tôi xin nói
:Ông vẫn có tôi như thời gian qua, nhưng tôi không chỉ có mình ông, vì ông không đủ chu cấp cung
phụng cho tôi.
“Ông vẫn có tôi” – vô hình trung Thúy lặp lại đúng
câu nói của ông Khắc với bà vợ: “Bà vẫn có tôi…”. Nhưng . Chữ nhưng kèm theo
sao mà khắc nghiệt…
Từ nhà nghỉ, ông Khắc về thẳng nhà Thúy trọ, lấy
một ít đồ đạc của mình rồi phóng xe đi thẳng. Xe qua cầu “Chương Dương”. Đi đâu
nhỉ mà qua cầu. Không biết, cứ phải qua cầu cái đã, qua sông cái đã, con sông
là vạch ngăn cách. Tới ngã ba bùng binh Gia Lâm, ông lượn một vòng, hai vòng,
rồi ba vòng. Ngã ba. Lối này về thị trấn nhà ông. Lối kia về xứ Bắc trung du xa
tắp. Tại một quả đồi hoang Yên Thế, ông có một người bạn lập trang trại. Đồi
mênh mông, suối chảy, rừng vải thiều, hồ cá, trại nuôi gà, nuôi bò ... lúc nào
cũng sẵn sàng mời ông đến chơi.
Lượn đến vòng thứ sáu bùng binh
thì ông quyết định. Rẽ đường Năm,
về nhà với quán bán hàng lê táo của vợ, khác gì thằng thua trận đầu hàng.
Không. Ông sẽ về trang trại, nương náu lúc cô đơn…
Người bạn trang trại cho ông Khắc ở riêng một mình
trong ngôi nhà lá bên hồ cá, cách biệt. Núi rừng trùng điệp xung quanh, nơi này
xưa từng ấp từng làng đều mọc lên một ông “Đề”, dưới quyền cao nhất “Đại Đề
Thám”, chọc trời khuấy nước, chẳng biết sợ thằng nào. Thiên nhiên hoang dã, con
người tự do, bây giờ đến đây, ông Khắc
còn cảm thấy không khí cách biệt cuộc đời. Ấm trà buổi sáng, cuộc rượu đêm
khuya, ông một mình lang thang bên suối,
bên hồ, trong rừng, ngẫm nghĩ sự đời...
Sao ta ngây thơ trung thực, chân thành quá. Ai đời
đi yêu thật sự một cô cave. Nhưng ta có phải là người trung thực, chân thành
không? Trung thực sao lại bỏ hết vợ con từ thuở tao khang. Chân thành sao lại
còn dối Thúy, vào nhà nghỉ tìm gái lạ. Dưới mắt vợ ta, và Thúy thì ta là kẻ giả
dối, bội bạc, lừa đảo bậc nhất. Còn dưới mắt ta, thì vợ ta và Thúy cũng dối
gian tương đương như thế. Kẻ cắp bà già
gặp nhau. Tám lạng, nửa cân, không hơn không kém. Đời ơi là đời!
Ông Khắc bỗng thấy thèm không gian sống của bạn.
Hoang vu, vắng vẻ, trong lành, lương thiện. Ngày ngày vui với đàn gà, ao cá,
vườn cây, giầu có chẳng kém ai. Chin hót ban mai, trăng khuya hồ nước, nắng lọc
qua tàng cây. Thật thanh thản.
Ngày xưa ta cũng có ngôi nhà thanh bình, mảnh
vườn, ao bèo, và những sào ruộng đủ để sống cuộc đời thanh nhàn. Gà trong
chuồng, cá dưới ao, quả trong vườn, mùa nào thức nấy. Ta cũng có người vợ thủy
chung, chân chỉ hạt bột, thương yêu ta hết lòng. Sao mà bây giờ ta mất hết, mất
vợ, mất nhà, mất quê.
Một tháng trôi qua…
Bà Khắc nghe ngóng thấy chồng không còn ở với “con
đĩ” trên thành phố nữa, mà đã bỏ vào “rừng xanh núi đỏ” rồi thì cũng lập tức cự
tuyệt “người tình bất đắc dĩ” của mình. Bà sai con gái đi tìm bố về. Ở nhờ
trang trại mãi cũng chán, ngẫm nghĩ sự đời đã đủ, ông Khắc thấy không còn con
đường nào khác là phải trở về. Sượng sùng, lầm lì như người câm cả ngày không
nói. Bà Khắc chăm sóc chồng, giúp ông vượt qua cơn sốc. Không ai dám thuê “ông
tài xế tâm thần dở” này chở mình đi đâu nữa. Sự suy sụp tinh thần cũng làm ông
tự thấy cũng không còn dám cầm vô lăng. Tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.
Bà và cô con gái ông Khắc dù sao vẫn còn tỉnh táo hơn, cứu vãn tình hình. Bán
chiếc Kia morning lấy món tiền làm vốn, nghĩ chuyện làm ăn khác. Bởi họa vô đơn
chí, cửa hàng hoa quả của Bà, dạo này ế xưng ế xỉa. Tất cả các cửa hàng lê táo
Trung Quốc ngoài thị trấn đều ế như thế. Vì người ta phát hiện ra lê táo ngâm tẩm thuốc bảo quản độc đến mức để trên
ban thờ cả tháng vẫn tươi không thối, chuột đói
chạy qua cũng không dám ăn.
Bà Khắc đóng cửa cửa hàng. Phút chốc cả ông lẫn bà
đều lâm vào cảnh thất nghiệp. Gượng gùng hàn gắn, hai ông bà nhìn nhau, bỗng
cùng luyến tiếc ảnh hình vườn cây, ao cá, cánh đồng quê thanh bình thuở trước.
Lạ thay cho những cơn sốc, nó có thể đánh quỵ con người trong thời gian ngắn. Có người
bỗng trở thành rút rát suốt ngày ru rú trong nhà không giám gặp ai. Có người
đang là cán bộ tỉnh suốt đời lên hội nghị rao giảng, bỗng trở thành ấp úng ngắc
ngứ, trông thấy cái bục hội trường là sợ. Và như ông Khắc “tài xế tắcxi”, giờ trông
thấy ô tô vùn vụt qua đường mà hãi.
Có nghề gì cho ông Khắc bây giờ không? Chỉ có trồng
cây, cấy lúa, nuôi lợn gà là thanh thản nhất. Nhưng ông còn đâu ruộng đâu nhà? Một
buổi kia, ông Khắc lững thững qua cổng nhà máy Hóa chất của Khu công nghiệp.
Mùi gì trong đó bay ra khó chịu. Nhà máy rộng lớn. Tiếng máy chạy ầm ầm. Ông
nhận ra khu cổng nhà máy chính xưa là nơi ba sào ruộng của mình. Cả đời ông đã
đổ mồ hôi trên mảnh đất này. Bây giờ thì chỉ là khoảng sân tráng nhựa phẳng lỳ,
với chiếc ba-ri-e xanh đỏ nâng lên hạ xuống. Ông đứng trân trân, nhìn thấy chập chờn trong nắng
những bông lúa vàng .
Ngày hôm sau, ông lại ra đúng chỗ ấy. Lại nhìn
thấy những bông lúa rõ hơn. Và ngày thứ ba ,cũng như thế. Đờ đẫn, lẩn thẩn, ông cười hiền lành một mình.
Những bông lúa vàng chỗ đấy không rứt khỏi tâm trí.
Ông giám đốc Nhà máy Hóa chất biết chuyện, một hôm
mời ông Khắc vào phòng khách, ngỏ ý sẵn sàng tuyển ông làm chân gác ba-ri-e
cổng nhà máy.
- Ông sẽ suốt ngày được ngồi trên khu đất cũ của
mình. – Ông giám đốc nói.
- Vâng. Tôi chấp nhận…
Thế là từ hôm ấy, dân làng Hoài Thuận thấy ông Khắc trở thành người gác
cổng. Công việc chẳng nặng nhọc gì, chỉ là nâng lên hạ xuống chiếc ba-ri-e… Và
ông thì được suốt ngày nhìn lung linh mơ hồ trong nắng hình ảnh những ngọn lúa
vàng thuở trước…
Đại Yên 5 – 2013
vvvvvvvvvvvv
HOA ANH ĐÀO LẠI NỞ
Tạp văn của Nguyễn
Phan Hách
Bà lão Dan sống một mình trong
rừng với túp lều bằng cành lá rễ cây đan xen tầng tầng lớp lớp như cái tổ chim.
Mái và tường mùa thu xây bằng lá vàng, mùa xuân xây bằng
hoa hồng gai và cánh bướm ken dầy. Những con chim rừng về đây,
đậu đầy bậc thềm, và bay nhởn nhơ, tiếng
hót đan quện .
Bà lão đã quá già, da nhăn nheo như tấm lưới. Thỉnh
thoảng bà vẫn xuống thị trấn gần đấy mua bán vài thứ, nhưng chủ yếu là sống ở đây. Hoa quả rừng chả thiếu gì. Củ rừng dưới
đất, chỉ việc đào lên. Mật ong chẩy dòng dòng trên cây, cá dưới suối bơi lội…
Bà sống mùa nào thức nấy, cùng với một con chó rừng tự
nguyện về đây canh giữ lũ cáo cầy sục sạo.
Xưa kia, bà lão là một cô gái xinh đẹp dưới thị trấn. Những
người đàn ông đã lừa dối bà, xô đẩy bà trên đường đời, nên bà thấy cuộc đời
thật đáng chán, về già quyết định xa
lánh tất cả, một mình về đây, sống với chim muông cỏ cây hoa lá...
Mỗi sáng bà lão Dan
thường chơi với chim chóc ngoài thềm một lúc rồi ra sân. Ở đấy có một cây Anh Đào đã già, gốc to lớn xù xì, lá
còi cọc úa vàng, nhiều năm nay chẳng bao giờ ra hoa được nữa. Nó cũng giống như
bà…
Tháng ba năm ấy nắng trong vắt chan chứa khác thường, bà
lão Dan đang ngồi dưới gốc Anh Đào, có một cánh hoa rơi xuống vạt áo ,hồng tươi, thơm nức, mong manh. Bà kinh ngạc nhìn lên
thì thấy những
cành già xù xì rêu mốc mọi hôm ,giờ thành tươi
xanh lấm tấm trổ hoa. Thời gian đã quay
ngược và cây Anh Đào đã non tơ trở lại ư? Bà lão đi quanh gốc cây, giật mình hơn khi thấy bóng
hình mình dưới vũng nước, những sợi tơ đan da mặt biến đi đâu mất cả. Hiện hình
dưới kia là một gương mặt mịn màng với làn tóc đen, và đôi mắt không còn mờ
đục...
Đúng là thời gian đã bắt đầu quay ngược từ bao giờ mà bà
không biết. Bà lão vứt cái gậy, vì không cần dùng đến nữa. ..Cho đến một ngày kia,
thời gian quay ngược đã đủ vòng của nó, bà lão ra suối tắm, cởi bỏ bộ áo quần nhàu nhĩ, hiện lên một thân hình như tượng đá
trắng, cánh tay đôi vú bờ vai cặp đùi nuột nà vằng vặc trăng rằm…
Cô gái Dan bơi ngược chiều
suối chẩy. Sóng ào ào trắng xóa, nhưng
không cuốn trôi được sức trẻ . Cô vẫn lao
lên, tay bíu vào các ngọn nước, vượt được cả
thác. Thác lũ thời gian chả cuốn được cô…
Cây Anh Đào trước cửa lều
bà lão Dan bây giờ đã nở bung một rừng hoa, che rợp khoảng trời…
Đại Yên 10/6/2013v
HẬU QUẢ PHỤ
Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách
Ông Vạn cầm tờ giấy trên tay, mắt tối sầm, đất sụt dưới
chân. Kết quả xét nghiệm: ung thư. Thôi thế là hết. Thôi thế là trời đất vỡ
tan. Cơn áp huyết vụt lên cao, làm ông loạng choạng.
Cậu con giai phải vội cho uống viên Adalát cứu nguy…
Cuộc đời này là bể khổ. Bể khổ dìm bao người khác, tưởng
chừa một con người tài ba giỏi giang, vinh quang như ông Vạn. Ai ngờ không có
ngoại lệ.
Cơn sang chấn đi qua, ông Vạn tỉnh trí lại, tự trấn tĩnh
mình. 65 tuổi, thôi thế cũng không ai bảo là chết non. Sự nghiệp viên mãn, vợ
con đề huề, nhà cửa khang trang, nghĩ cho cùng chả thiếu gì. Giời bắt tội chết, làm sao cưỡng được
mệnh giời. Lần đầu tiên, ông Vạn nói đến giời. Từ xưa, chưa bao giờ ông quan
tâm đến chuyện tâm linh. Vô thần cực đoan, chỉ tin ở khoa học, ở quy luật tự
nhiên, ở nghị lực của mình. Cùng lắm ông chỉ nói đến tạo hóa với nghĩa đó là cái người ta
ước lệ…
Từ một cậu thanh niên nông thôn, học hết cấp 2, tham gia
công tác Đoàn cơ sở, dần trưởng thành thành một Bí thư huyện ủy lừng lẫy, đời mấy ai được như thế.
Về hưu, đáng lẽ để được hưởng những vinh quang đã xây đắp, ai ngờ lại phải
lìa đời.
Từ bệnh viện, anh con trai chở
ông Vạn về quê, trên chiếc xe Inôva nhà mới mua, êm ru. Con đường từ thủ đô về
Huyện lỵ, 40 cây số, mới nâng cấp rộng rênh, phố xá hai bên nguy nga, mọi lần
gợi bao hứng khởi, nhưng hôm nay chỉ thấy càng thêm đau buồn. Con đường này,
phố xá này đều có công của ông đóng góp . Phải, chính ông với tài ba quan hệ
của một Bí thư huyện điển hình, trọng điểm, nên được cấp trên ưu tiên đầu tư
quy hoạch. Nhưng bây giờ sắp phải từ biệt nó…
Ông Vạn về đến nhà, nằm vật ra giường, một mình trên tầng
Ba, không muốn ai thăm hỏi. Chỉ đến đêm trăng lên, gió mát ,mới lững thững dạo bước ra vườn cho lòng khuây khỏa.
Ngôi nhà của ông là một trang viên, vườn cây, hồ
rộng, cầu đá, non bộ, tiểu cảnh, bao năm chăm chút dựng xây. Ngôi nhà thân yêu,
đi họp xa vài ngày là nhớ. Chỉ ở đây, mới có giấc ngủ ngon. Và bây giờ cũng sắp
phải rời bỏ nó.
Một
mình trong đêm, ông Vạn bật khóc hu hu.
* * *
* *
*
Huyện Thanh Đàm của ông Vạn từ xưa vốn là mảnh đất
thanh bình. Dòng Trà Bích nhỏ xinh, xanh biếc chẩy qua như mặt hồ điều hòa mát
mẻ cả vùng. Hai bờ sông là những xóm làng trù phú. Bậc đá rêu, bến đò nhỏ, mộng
mơ. Trai gái chiều chiều ra bơi lội, rộn rã dòng sông.
Thanh Đàm là huyện thuần nông. Một năm
hai vụ lúa, một vụ khoai tây. Không ai đói, nhưng cũng không ai giầu.Chợ làng đông vui, quà quê bánh đa bánh đúc. Con đường cấp khối xuyên
huyện trải sỏi đỏ au, ngày một chuyến xe khách Hà Nội về, thổi còi toe toe.
Khung cảnh kể cũng đã tươi đẹp. Bước vào thời Đổi mới, xây dựng công nghiệp,
Thanh Đàm giật mình mới biết mình nghèo. Muốn giầu phải phá thế thuần nông. Với
vị trí thuận lợi, giá đất rẻ, nhân công rẻ, ông Vạn ra sức quảng cáo quê hương
mình. Lên Bộ, lên Tỉnh, ông lăn lóc kêu gọi đầu tư. Cầu được ước thấy, Thanh Đàm đã lọt vào mắt
xanh một nhà tư bản nước ngoài. Huyện ủy
của ông Vạn trải thảm đỏ cho ông ta bước tới mua cả cánh đồng ven sông Trà Bích
với giá ưu đãi, cùng nhiều điều kiện ưu tiên.
Nhà tư bản cho xây bức hàng rào bao quanh, rồi cắt đất
nhượng lại cho các nhà đầu tư nhỏ khác. Các nhà máy bắt đầu mọc lên. Nhà máy
Sơn, nhà máy Nhựa, nhà máy Mì chính, chế biến
thực phẩm v.v. Thôi thì đủ loại, mỗi chủ đầu tư thứ cấp chiếm một khoảnh. Những
ngày này là ngày Hội công nghiệp của Thanh Đàm. Nông thôn ngàn đời con trâu đi
trước cái cày theo sau, giờ lột xác. Ông Vạn như hình với bóng gắn bó cùng các chủ đầu tư, khó khăn gì ông lăn vào tháo gỡ. Vốn
cả đời quen chỉ đạo phong trào, ông có kinh nghiệm đi sâu đi sát,
nâng cao hiệu quả công việc.
Một thành tích mà ai cũng phải công
nhận là song song với việc xúc tiến khu công nghiệp Trà Bích, ông Vạn đã điều
phối thành công việc xây dựng khu Đô thị nhỏ cũng mang tên Trà Bích, địa điểm
ngay bên cạnh.
Ở các nơi khác, nhà máy mọc lên, nông
dân bán đất, cầm tiền rồi, muốn đi đâu thì đi, ra chợ kiếm tiền, hoặc ra thành
phố làm thuê làm mướn. Nhưng ở Trà Bích, gần một nửa nông dân mất đất đã tụ tập
được tại đây trong khu Đô thị nhỏ, làm dịch vụ, bán hàng cho khu công nghiệp.
Nhà đầu tư bất động sản đã về đây theo
lời mời của ông mở đường bàn cờ, cho xây thô đồng loạt các nhà liền kề, cấu tạo
nên một khu phố, nhà nào cũng có mặt tiền. Đường sá thì tạm rải sỏi qua loa,
nhưng đã ra dáng hình phố xá, có thể buôn bán được. Đầu tư hạ tầng ít, nên giá cả
mềm, các bác nông dân vừa bán ruộng, với cục tiền trong tay, lao ra mua nhà,
thỏa mãn cơn khát vọng buôn bán đã nhiều đời nay chưa thực hiện được.
Công nhân khu công nghiệp ùn ùn đổ về,
nhu cầu làm dịch vụ rất lớn. Thuê trọ, quán cơm, nhà hàng cà phê, karaoke, cắt
tóc, gội đầu...Đồng thời là các cửa hàng điện
máy, nông sản, vật tư xây dựng đồ nội thất vv xuất hiện.
Không gì nhanh bằng sự điều tiết của
thị trường, y như nước chẩy chỗ trũng,
chả mấy chốc Thanh Đàm – Trà Bích bừng lên sức sống mới tưởng chỉ có trong mơ.
Khu đô thị đẹp, xây có quy hoạch, đều tăm tắp, đường sá rộng chứ không lắt nhắt như
các phố làng tự phát.
Ông Vạn được mua “xuất ngoại giao” một
căn liền kề, cho con cháu mở cửa hàng. Các cán bộ chủ chốt của Huyện cũng đều
có phần cả. Nền tảng kinh tế gia đình họ ổn định, trong thâm tâm họ đều ơn ông,
tâm phục khẩu phục, tín nhiệm sự lãnh đạo. Nếu ông nói giời nói biển mà cán bộ
dưới quyền đói rách, thì nói chẳng ai nghe. Ở đâu nông dân biểu tình kiện cáo
chứ đây thì không. Dân còn mong bán được đất để lấy tiền mua nhà liền kề…
Mười năm không phải là dài, nhưng
Thanh Đàm vùng quê heo hút, đã thành một điểm sáng công nghiệp, đô hội. Bước tiến tất
yếu, không thể không ghi nhận. Nhưng “công nghiệp hóa” rồi bây giờ vấn đề mới
nảy sinh: Môi trường ô nhiễm! Vấn đề nằm ngoài mọi sự tính toán bởi nguyên tắc
là các nhà máy phải xử lý nước thải, khí thải triệt để, trước khi tống ra
ngoài.
Các nguyên tắc đã không được thực hiện
đầy đủ. Hay nói cách khác quy trình xử lý nước thải, chất thải quá đắt, các nhà
máy tìm cách lẩn trốn. Lợi nhuận là trên hết. Không có lợi nhuận thì không thể có
bất cứ cái gì. Các nhà máy phải có lợi nhuận cái đã để bù đắp dấn vốn ban đầu
bù ra. Sản xuất đình trệ, thì chính Nhà nước phải cứu Doanh nghiệp ấy chứ, sản
xuất đình trệ thì nền kinh tế suy vong.
Cái vòng luẩn quẩn, cò nhằng cứ thế
diễn ra, vì thế trong nghị quyết, trên diễn đàn, vấn đề chống ô nhiễm môi
trường lúc nào cũng được nói oang oang, nhưng trong thực tế thì cứ trốn, trốn,
trốn được chút nào hay chút ấy. Đến thế giới mở hết hội nghị này đến hội khác, kêu gào nhau giảm thiểu khí CO2, mà các “thành viên” thế giới cũng cứ trốn như trạch. Tăng trưởng kinh tế, công nghệ
phát triển vẫn cứ là ưu tiên số 1, chứ
không phải chống ô nhiễm . Thế giới biết rõ là đến năm nào năm nào nước biển sẽ
dâng cao dìm ngập một phần trái đất. Chết hết cả với nhau vì hiệu ứng nhà kính,
thủng tầng Ôzôn, nhiệt độ tăng
cao… Vậy mà nào có cắt giảm khí CO2 được bao nhiêu. Cho nên thôi, “đại xá” cho vùng quê ngàn đời nghèo,
“phát triển” cái đã, khí độc bay lên trời, nước độc đổ ra sông ra biển, rồi nó tan loãng đi cả mà. Phải ưu tiên làm giàu cái đã…
Với kiểu cách tư duy như thế, vấn đề ô
nhiễm ở Thanh Đàm đã thành “đột biến”. Con sông Trà Bích bao đời trong xanh, chỉ trong vài năm công nghiệp phủ kín,
đã thành con sông đục ngàu hôi thối. Nước thải chưa qua xử lý, cuồn cuộn đổ ra, vụng trộm về đêm qua hệ
thống cống ngầm lắt léo che mắt cảnh sát môi trường. Nước là thứ dễ nhìn thấy, còn chả ăn ai, còn khí bay lên trời phi
tang, vô tăm tích, càng dễ nữa. Chỉ có mùi khét theo cơn gió đầu mùa xộc đến
từng cửa sổ gia đình là không giấu đi được.
Ông Vạn và huyện
ủy Thanh Đàm đau đầu. Về nguyên tắc thì ai cũng phải
trải thảm đỏ ưu tiên dầu tiên cho các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch về đầu tư.
Thượng sách hơn là biến nơi này thành trung tâm Tài chính chứ không phải là khu
công nghiệp. Ôi nói thì như rồng, ai chả nói được. Các
trung tâm Tài chính, các cái “cao”, cái “sạch” nó ở những khu cao, sạch
nào ấy chứ, đâu chịu về đây. Chỉ có “mấy thằng” chưa “cao” lắm, chưa “sạch” lắm
mới chịu về. Mà thực tế, sau khi bán đất xong cho nhà tư bản cánh đồng bên sông
Trà Bích rồi thì ông ấy muốn làm
giời
làm đất gì thì làm, Huyện ủy còn quyền gì
đâu. Đừng trách ông Vạn, làm sao mà ông lường hết được những chuyện như thế .
Khi huyện trải thảm đỏ cho nhà đầu tư, thì Thanh Đàm như cô gái quê áo nâu chân
đất, lấy được anh chồng tỷ phú xe hơi nhà lầu, sướng quá rồi, đồng ý cưới vội
cưới vàng, sợ anh ta đi lấy người khác mất. Cưới rồi, đẻ con rồi, cô gái quê đã
lên vai phu nhân mệnh phụ, mới biết anh chồng có nhiều tật xấu chết người.
Thằng chồng “công nghiệp” kia suốt
ngày” hút thuốc lá” như điên
nhả ra đầu độc cô vợ Thanh Đam – Trà Bích, nhưng đã thành vợ thành chồng rồi,
giờ chỉ còn cách lựa lời bảo nhau…
Ông Vạn lăn lưng vào “sự nghiệp” chống
ô nhiễm giống như ngày xưa lăn lưng vào phong trào cải tạo đất bạc màu, thủy
lợi hóa. Đừng bảo ông trình độ khoa học kém, mơ hồ không biết gì. Thời xưa, lúc
chưa có công nghiệp hóa, khi suốt dọc sông Trà Bích mọc lên hệ thống lò gạch thủ
công, tỏa khói khét lẹt ngày đêm, ông đã trăn trở. Ông biết khói này độc lắm.
Cây cối gần đấy không mọc lên được. Phải làm sao bây giờ. Cuộc sống đang phát
triển, toàn huyện đang “ngói hóa”, nhà tranh đi vào dĩ vãng, nhu cầu gạch xây
rất lớn. Các lò gạch thủ công tự phát mọc lên để đáp ứng . Người nông dân đang
từng bước đổi đời. Cấm các lò gạch có khác gì phản động, kìm hãm cuộc sống phát
triển. Mà không cấm thì ngày đêm nó cuồn cuộn nhả khói lên trời, còn gì là “bầu
trời” nữa. “Liên hiệp quốc” về đây trông thấy cảnh này thì “nó” sẽ “bêu gương”.
Lúa má dọc sông úa tàn không thể trổ đòng được, hỏi con người hít vào có sống
được không?
Ông Vạn đau khổ, bó tay, lên diễn đàn
hội nghị thì khuyến nghị giảm bớt lò gạch, nhưng xuống làng xóm thì ngợi ca
nông dân nhà cửa khang trang. Dân huyện
ông giàu có, nhà xây như nấm, ông sung sướng như chính nhà ông giàu có. Mối mâu
thuẫn giằn vặt bao năm trời, khói lò gạch như cái dằm không nhổ được trong người.
Đến khi có công nghệ gạch đốt lò tuy nen
không ô nhiễm, ông mừng như bắt được vàng. Ông đi mời các chủ lò gạch tuy nen về, cắt đất ưu tiên, để chuyên sản
xuất gạch phục vụ cho dân trong Huyện. Ôi, nỗi lo khói lò gạch thủ công ngày ấy thấm tháp gì so với
nỗi lo sông đục, khí bẩn bây giờ. Mà xem ra không có con đường thoát. Chỉ còn
trông chờ vào sự phát triển từng bước của “nền văn minh”, sẽ cải thiện dần . Ở
đời cái gì cũng phải có lộ trình khoa học, không đốt cháy, đi ngang đi tắt ,“dục tốc bất đạt”.
Dần dần “văn minh” sẽ dậy dỗ những thằng gây ô nhiễm kia, , dần dần tiền đã có đủ, trên một nền tảng
nào đó, sẽ đổi thay…
Ông Vạn tìm được lý lẽ cho riêng mình
để khỏi phải phát điên trước tình hình. Còn trong cuộc sống hàng ngày thì không
ngừng không nghỉ một giây lao vào cuộc chiến chống ô nhiễm. Vận động,
tuyên truyền nhắc nhở các nhà máy, song
song với việc cảnh sát môi trường giám sát. Ông Vạn gần như là đội trưởng của Đội
Cảnh sát. Xục xạo, kiểm tra, và cả lập hồ sơ dọa kiện, nếu các nhà máy không chuyển
biến. Kiện là biện pháp cuối cùng. Bất đắc dĩ. Mời người ta về đây mở mang sản
xuất, bây giờ lại kiện người ta sạt nghiệp, hỏi rồi sau ai còn dám đến làm ăn.
Mà người ta sạt nghiệp, nhà máy đóng cửa, thì khu công nghiệp – niềm tự hào của
quê hương cũng đi tong. Mèo lại hoàn mèo. Đất lại trở về hoang vu cho cò bay và
sơn ca hót. Thơ mộng lắm, đẹp lắm, nhưng mà nghèo lắm.
Kiện là biện pháp cuối cùng. Kiện sẽ
thành công. Nhưng nói thật, để thành công được cũng còn gian nan. Lộ trình
kiện, mất nhiều thời gian, công sức. Công nghiệp
sinh ô nhiễm giống như uống thuốc tân dược chữa khỏi bệnh, nhưng
gây hậu quả phụ. Uống Cờ lét tô giảm được Cờ lét tơ rôn, nhưng thuốc Cờ lét tô làm
hỏng thận. Thế mới mâu thuẫn. Cả thế giới đang bị ô nhiễm vì công nghiệp hóa,
kiện hết để tiêu diệt hết công nghiệp được ư?...
*
* *
Trang viên của Vạn ở sát bờ sông Trà
Bích. Ngày xưa dòng sông xanh rì rào ôm ấp ngôi nhà tranh thơ mộng, ru cho nó
giấc ngủ êm đềm. Ngày nay, ngôi nhà tranh thành biệt thự thì dòng sông đục
ngàu, nước mùi chó mửa uy hiếp trang viên.
Nước sông Trà Bích dẫn thủy nhập điền,
lúa cũng phải sợ. Lúa bón đạm lân kìn kìn mà cứ xác xơ. Người lội nước Trà Bích
chân lở loét nhiễm trùng.
Ông Vạn ngồi nghĩ những “biện pháp nho
nhỏ”. Ông mở chiến dịch trồng Sen ven bờ. Thanh
niên xung phong ra quân. Sen là thứ dễ mọc nhất. Vùi một củ xuống bùn rồi, là
nó đẻ ùn ùn. Vậy mà sen bờ sông Trà Bích vùi củ nào chết củ đấy. Không một bông
hoa nào nở lên
được. Ông Vạn chuyển sang thả bèo tây. Rễ bèo tây lọc nước. Bèo tây là thứ cây
hoang dại, bình thường có thể làm tắc nghẽn cả dòng kênh. Nhưng bèo tây về đây
cũng úa tàn, xơ xác, chẳng có tác dụng gì.
Hoa trong trang viên nhà ông Vạn xưa
bốn mùa khoe sắc, ngào ngạt tỏa hương. Bây giờ thì thược dược, lay ơn cũng bớt
đỏ. Mùi hoa nhài, hoa sói, dạ lan hương, không át được mùi chó mửa của con sông.
Cửa sổ phòng ngủ phải lắp gioăng cao su kín mít. Bởi càng về
đêm khuya thanh vắng, sương rơi, mùi “chó mửa” càng “thăng hoa”…
Trong một hội nghị Huyện, ông Vạn lâm
li cảm thán:
-Ngày xưa ta luôn lo hạn hán, lụt lội, mất mùa,
thiếu gạo, thiếu vải, dột nát cửa nhà… Bây giờ thoát nghèo, nhà gác mọc lên như
nấm, xe máy đi đầy đường, chợ búa tràn ngập thóc gạo, hoa trái, rau quả thì ăn
cái gì chết cái đó. Trái ổi, trái cam xưa
ngon lành bổ béo biết chừng nào. Giờ lê táo ê hề ngâm thuốc bảo quản, ăn vào tê
cuống lưỡi. Uống ngụm nước trà búp thơm tho, trà búp phun thuốc sâu. Ngày xưa
con ốc, con cua, quả cà pháo, giờ mâm cao cỗ
đầy thì gà thải loại đầy dư lượng kháng
sinh. Tim cật lợn từ bên kia biên giới chuyển về tẩm hóa chất
để một năm không thối, xin mời các “quan viên” ăn,ăn vào một tháng không tiêu…
Ngày xưa, bà mẹ nuôi con bằng cơm mớm. Cơm nhai lúng
búng trong mồm cho nhão rồi mớm cho con như chim mớm mồi. Ngày nay trẻ con có
sữa bột ăn, đủ các chất bổ béo lớn nhanh như thổi. Nhưng kìa, ôi thôi, ti vi
đưa tin sữa này sữa kia có chất sinh ung
thư, chất gây sỏi thận. Nhà sản xuất đưa
chất này vào để tăng độ đạm giả tạo . Dã man đến thế là cùng. Xã hội hiện đại,
một bộ phận vì lợi nhuận đã mất hết nhân tính.
Nhìn đâu cũng thấy hàng giả, hàng độc hại, con người phải sống sao đây...
Ngày xưa, ai lên miền núi về, ốm lử
khử, lừ khừ, các cụ bảo là ngã nước.
Có gì đâu, lá lim rụng xuống suối, lá
lim rất độc, ăn nước suối ấy bị bệnh tức thì. Bây giờ “bọn nhà máy Hóa chất”
tuôn ra nước thải ,độc còn gấp trăm lần lá lim, nước ấy ngấm xuống đất, vào giếng khoan nhà ta, hỏi sao ta không
“ngã nước kiểu mới”.
Ngành y tế báo cáo thống kê số người
chết vì bệnh ung thư tăng gấp mười lần ngày xưa. Vì sao? Khỏi cần trả lời, bình
luận…
Thế giới nói chung, huyện ta nói riêng, đang đứng trước thách thức, nguy cơ một mất một còn,
trước mâu thuẫn lớn bậc nhất thời đại giữa công nghiệp hóa để phát triển với ô
nhiễm môi trường. Ta đang đứng trước thử thách tồn tại hay không tồn tại vì sự
phát triển không kiểm soát được ô nhiễm…
Những lời của ông Bí thư Huyện ủy, có lẽ ở diễn đàn Liên
hiệp quốc, người ta cũng chỉ
nói đến thế là cùng…
Ông Vạn đến tuổi về hưu trong khi sự nghiệp chống ô nhiễm
môi trường chưa tiến triển được bao nhiêu. Người ta bảo, người về hưu, mà còn
đến cơ quan cũ “lắm ý kiến”, ông thủ trưởng mới rất ghét. Nhưng ông Vạn không xía vô vào
chuyện tổ chức, nội bộ, hay gì gì, mà chỉ xung phong làm “tình nguyện viên” môi
trường. Có điều sự xuất hiện của ông tại khu công nghiệp giờ gây khó chịu cho
họ. Trước đây, với trọng trách Bí thư Huyện ủy, với thành tích là “trải thảm
đỏ”, dắt họ về đây, họ còn nể nang. Giờ thì họ thẳng thừng đối đầu. Ông không
còn danh nghĩa gì để”xăm xoi” chuyện nước thải, khí thải của họ nữa. Họ còn bắn
tin: Chính ông cũng đã được “hưởng lợi riêng” một phần, khi dắt họ về đây…
Ông Vạn chột dạ, rụt lại,
ngao ngán sự đời. Ông tích cực xây dựng khu công nghiệp Trà Bích vì sự nghiệp
chung, vì lý tưởng khao khát xây dựng quê hương.
Một chút phần thưởng nho nhỏ, có đáng là bao. Thế mà bây giờ họ lại “trở mặt”
dùng cái đó để ngăn chặn ông hoạt động…
Đêm đêm nằm trong trang viên bên bờ con sông Trà Bích hôi
thối, ông Vạn vắt tay lên trán thở dài. Ngày xưa, xắn quần móng lợn lội đồng,
chỉ đạo phong trào nông nghiệp, thế mà hóa ra
thanh thản, sướng vui. Bây giờ đi xe hơi, ở nhà lầu, hóa ra trăn trở buồn lo…
Nhưng cái buồn lo của ông Vạn
không phải
chỉ dừng ở đó. Cái buồn lo tàn ác, thẳng
thừng ,như một trò chơi hiểm độc của tạo hóa, mang quy luật nhân quả trêu ngươi, đã đến, là: Ông
“rước” cái bọn gây ô nhiễm bầu trời Thanh Đàm, dòng sông Trà Bích về đây, thì
giờ bệnh ung thư nó “ứng” vào ông. Ông nằm trong danh sách ngành y tế thống kê
số bệnh nhân ung thư tăng vọt. Ông thành ví dụ điển hình, thành “sự tích” cho
người ta nói chuyện râm ran khắp vùng…
4-7-2013vvvvvvvvv
van tho
CHIM NHẠN BIỂN
Tạp văn Nguyễn Phan Hách
Con nhạn biển mổ vỏ trứng mỏng manh chui ra, cánh ướt rượt,
chân lẩy bẩy, chúi vào bụi cỏ. Gió biển thổi ào ào xô nó ngã nghiêng. Không có
búi cỏ nó ngã thật. Cỏ mong manh nhưng rằng rịt như cái võng cái nôi làm chỗ
tựa.
Nhạn biển há mỏ nhận con tép đầu tiên trong đời mà mẹ mớm
cho. Tép mang vị mặn, mang sức biển truyền cho nó, con nhạn lớn nhanh như thổi.
Một ngày kia nó đã một mình đứng bên bờ biển ào ạt sóng gió nhìn trời xa xăm.
Trời biển mênh mông không bờ, đôi cánh nó rậm rật đầy sức sống. Và đôi cánh lần đầu tiên trong đời xòe ra,
đón ngọn gió đầu tiên, lao vút lên không trung.
Con nhạn biển đi đâu, không biết. Chỉ biết là đôi cánh đủ lông
như cấu tạo bằng gió, tự nhiên bay lửng lơ lên trời. Con người giữa trời biển
mênh mông thì cô đơn, sợ chết khiếp. Nhưng với nó thì trời biển giống như ngôi
nhà của con người. Bầu trời là mái nhà, biển là nền nhà, bốn phương là tường
nhà.
Con nhạn biển đang ở Thái Bình Dương, nó quyết định bay
sang Đại Tây Dương một cái xem sao. Quyết định dễ như con người đang bơi ở ao
sau nhà chuyển ra bơi ao trước nhà. Nó chỉ vỗ một cái mà gió đưa đi xa từ đầu
vầng mây đến cuối vầng mây. Tạo hóa cho đôi cánh kỳ diệu, chỉ loài nhạn biển
mới có.
Nó giống như là gió. Gió thì làm gì biết mỏi. Ở đâu mà gió
chả đến được. Con nhạn biển mang hồn của gió, là biểu tượng hiện hình của gió.
Chặng nghỉ chân là những cú lượn xà xuống mặt nước mổ vài con tép, cụp cánh
lại, nổi phềnh trên sóng để sóng đu đưa ru bài hát mênh mang êm đềm của biển.
Thư giãn một chút nó lại bay lên. Năng lượng biển vừa nạp. Và sứ mệnh nó là
bay. Đêm khuya, trời biển tối om, một mình nó mải miết bay, cánh vỗ rào rạt.
Ban ngày nó bay cùng tia nắng. Tia nắng nghỉ bay vào lúc hoàng hôn. Còn nó không
nghỉ. Đêm nay nó ở ao nhà Thái Bình Dương, và đêm nào sang ao Đại Tây Dương.
Con nhạn biển mom men quanh các bờ lục địa. Từ Nam bán cầu lên
Bắc bán cầu, bất cứ bờ bãi nào cũng là bến cảng. Giống như các chàng thủy thủ, nó thích lang thang
lên các bến cảng để dạo chơi. Một mình giữa đất trời xa lạ và chẳng đậu chân
lâu nơi nào. Nó thích xê dịch. Từ châu Úc vượt qua xích đạo lên châu Á. Trandít
qua châu Á nó đến châu Âu. Ham chơi, tạt
qua châu Mỹ. Con nhạn biển cứ nhởn nhơ như thế, nhưng thỉnh thoảng lại nhớ quê
hương, nhớ những nơi nó đã đi qua, và thường bay về thăm lại.
Đời nhạn biển sống được 20 năm. Người ta nhẩm tính tổng số
quãng đường nó bay suốt cuộc đời dài bằng đường từ trái đất lên mặt trăng và
chặng khứ hồi…
Cả thế giới chỉ là ngôi nhà
có vườn, có ao của nó.
5-7-2013
v
van tho
BA VÌ
Một chiều chinh chiến
mờ khói súng
Người lính dừng
chân dưới Ba Vì
Trời cao xanh ngắt,
diều hâu lượn
Hoa dại hồng ngan
ngát lối đi
Hẹn nhau một ngày
mai trở lại
Làm nhà dưới chân
núi Ba Vì
Núi ấp ôm vòng tay
xanh biếc
Trập trùng cao mái
núi chở che
Ba Vì đợi mà anh
không trở lại
Người lính đâu muốn
lỡ lời thề
Ba Vì ơi non cao chất
ngất
Hồn anh nương gió
cuốn theo về
Người em gái nhìn xa
mây núi
Biết Ba Vì giờ là của
riêng em
Chiều thu hoa vẫn hồng
lối ngõ
Diều hâu buồn vỗ
cánh bay lên
Trời trong vắt , Ba
Vì in mây trắng
Người yêu em đã hóa
núi sông
Ba Vì ơi ,bây giờ
anh là núi
Sau mưa chiều , ngước
mắt em trông
7-5-2013
NGUYỄN PHAN HÁCH
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)