Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012




Trả lãi



Truyện ngắn mini

Nguyễn Phan Hách



     Tháng tám, ao Sen hoa viên nhà ông Cử Thụ tàn tạ như gia cảnh nhà ông, viên quan Huyện già, thất thế, về hưu, suốt ngày ngồi uống trà trong ngôi đại khoa rêu phong, cột lim to tày đình, nhưng  lòng cột mục ruỗng. Cửa bức bàn nặng trịch luôn đóng kín, lưu giữ mùi ẩm mốc,  mùi nến Bạch lạp và mùi trầm.

     Cô Chiêu út ngồi bên bộ bàn đá xanh bờ ao Sen, thêu hình hoa Đỗ quyên lên chiếc gối trắng, mấy lần kim đâm vào ngón tay chẩy máu...

     Từ ngoài cổng Tiền môn, có một chàng trai đi xe tay vào. Hai anh em vồ vập.

-       Anh từ Hà Nội về à?

-       Ừ, chào em. Thêu gối cưới đấy à.

-       Chưa hẳn gối cưới...

Chàng trai vào nhà chào hỏi ông bà Huyện, chuyện trò dăm ba câu thời cuộc chiếu lệ. Bữa cơm tối cũng nhạt nhẽo. Chỉ đến khi trăng lên tỏa bóng trên Hoa viên ngào ngạt mùi hoa gặp sương, chàng trai  và cô Chiêu, hai anh em mới chuyện trò thắm thiết.

Cô Chiêu út Thanh Vân vẫn quý người anh họ về bên ngoại, Trần Dư này, và vẫn luôn tò mò không hiểu anh ấy là người thế nào. Đường đường là con quan Tuần phủ ,đã đỗ Tú Tài trường Bảo Hộ, nhưng anh ấy nhất định không học lên trường Pháp chính, hay Hậu Bổ để ra làm quan. Cụ Tuần phẫn uất, từ con, đuổi con, không cho một đồng, cho chết đói chết rét ngoài đường .Cậu Tú Dư đành đi làm thư ký nhà buôn, bán dầu hỏa phố huyện Ninh Giang – Hải Dương, rồi lên Hà Nội mở hiệu ảnh Hương ký, chứ nhất định không chịu đầu hàng.

     Không hiểu sao trên đời lại có người ngang đến thế, “dở người” đến thế. Tuy vậy, ông Cử, bố Thanh Vân, vẫn không giám coi thường cậu Tú, dù trong bụng rất căm những quan điểm “văn minh”, bài trừ hủ tục Nho giáo của cậu, và đồng thời vẫn kinh hoàng cái bản chất thông minh tột bực giời cho của cậu. Ông giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, nheo mắt nhìn xem “cái thằng này” sẽ dở những trò gì.

     Sự cảnh giác của Ông Cử lên đến cao độ. Cụ Tuần, cha Trần Dư, và Ông vốn là hai bạn đồng khoa từ triều Thành Thái, cùng ra làm quan một độ. Vợ của họ là hai chị em một nhà danh gia vọng tộc, họ hàng dắt dây, nên “cái thằng Dư” thỉnh thoảng lại về đây chòng ghẹo ông Huyện già thất thế, chế riễu hủ tục Nho phong, mà không làm gì được nó.

     Bọn “Tây học” này đến không cả thèm làm quan Huyện thì nó còn coi trời đất là cái gì. Đến đói rét nó cũng chả sợ. Đến phải lê xác đi làm cái việc mạt hạng là bán dầu hỏa, mà nó vẫn không chịu “cải tà quy chính”, quay về xin bố tha thứ, rồi đi học lại, ghét ngạch quan An nam thì đi làm tham tá lục sự ngạch Tây, lương ba trăm đồng, hơn hẳn, so với lương tháng chín chục bạc của quan huyện...

- Anh nghe nói cụ Cử đang định gả em cho thằng Khang thư ký thông ngôn Tòa Sứ - Dư hỏi.

Mặt Vân chợt xịu xuống.

-Thằng ấy dốt nổi tiếng. Quan Công Sứ xuống làng ,nói tiếng Pháp,bảo dân quê phải đốt hết những đống rác bẩn, giữ vệ sinh, nó dịch  thế nào lại thành dân quê phải đốt hết nhà mình, làm cả làng sợ mất vía...

Dư và Vân cùng cười rũ.

- Em khổ lắm anh Dư ơi, em không yêu Khang, nhưng thày đẻ em  nhất định bắt em lấy hắn. Chống lại thì thành đứa con bất hiếu, mất hết nề nếp gia phong. Anh nói thế nào để  thày đẻ em đổi ý

Giọng Dư nghiêm trang.

- Em có ghét lễ giáo phong kiến cổ hủ, ví dụ như không cho trai gái tự do yêu nhau, lấy nhau không?

- Ghét lắm.

- Em có thích cá nhân được đề cao, con người được giải phóng, theo lối sống phương Tây.

- Thích lắm.

- Em có ghét bọn quan lại ở tỉnh huyện, cũng như  bọn Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh ở thôn quê không.

Thanh Vân sờ sợ:

- Thế là ghét Bố anh với Bố em à?

- Trong tình cảm, anh vẫn kính trọng bố anh, nhưng vì tiến bộ xã hội, mình phải đấu tranh... Thanh Vân này, anh và bạn anh tên là Nhất Linh, cháu nội cụ Huyện Gắm ở Cẩm Giàng xưa, đã đỗ cử nhân Toán Lý ở Pháp về, đang muốn ra một tờ báo và một Nhà xuất bản để in văn thơ về lối sống văn minh, về tình yêu  tự do , giống như chuyện em không muốn lấy thằng Khang ấy...

- Em đọc tiểu thuyết tâm lý Tố Tâm của văn sĩ Hoàng Ngọc Phách rồi. Đấy, như thế chứ gì...

- Đúng.

- Thế thì thích lắm.

- Nhưng bọn anh hai tay trắng, không có một đồng vốn nào. Mở tòa  báo và Nhà xuất bản cần có một khoản tiền lớn. Em cho anh vay vài thứ hoa tai, vòng xuyến, bao giờ Nhà xuất bản ăn nên làm ra, anh sẽ trả cả vốn lẫn lãi gấp nhiều lần như thế.

- Anh vay lãi em à.

- Ừ, lãi này thì lớn lắm...

Cậu Tú Trần Dư lấy tên mới là Khái Hưng, và Cậu Cử Toán Lý Nhất Linh đã tìm về quê, “ăn dỗ” tiền các chị em gái họ ngoại như thế ,góp thêm vào,để mở tòa báo Phong hóa và Nhà xuất bản Đời nay in văn thơ Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đời mưa gió...

Có điều cậu Tú và Cậu Cử gặt hái văn thơ vang dội bao nhiêu, thì lại thua lỗ về tài chính bấy nhiêu. Vì vậy các cậu đã “quỵt”  “tiền ăn dỗ” của các chị em gái họ ngoại, và trả lãi cho các chị em  bằng những đoạn tuyệt, lạnh lùng, hồn bướm mơ tiên, đời mưa gió...



26/6/2012



Nguyễn Phan Hách



























.........................................



(*)  Chú thích: Sáng tác này có một số chi tiết viết dựa theo tài liệu xác thực của nhà văn Nghiêm Đa Văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét