Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012




Hai người lính kỵ binh miền Trung Á



Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách



Tiếng pháo hiệu giờ G đã điểm. Chàng binh nhất Ôman ria vàng óng, thúc ngựa, tay hoa gươm, lao lên. Cả đoàn quân kỵ binh Kiuy trùng trùng như sóng biển, tiếng reo xung phong vang trời. Những lưỡi gươm xé rách không khí, bổ xuống có thể chẻ đôi xác đối thủ, hoặc lia đứt đầu người  dễ như lia ngọn chuối. Nắng lấp lánh trên rừng gươm. Nắng sáng chói lon ngù kim tuyến trên nền sắc phục kỵ  binh Kiuy đỏ thẫm.

     Từ sườn đồi trước mặt, đoàn kỵ binh áo xám của Tatan cũng tràn xuống như lũ. Hai cơn lũ đỏ và xám đang ập vào nhau. Con chiến mã mầu Huyết dụ của Gút tô dẫn đầu, vó bay bổng, tung lên từng đám bụi, lưỡi gươm sáng chói như huỳnh quang.

     Gươm của quân Tatan được rèn trong lò rèn truyền thống bí truyền cả ngàn đời nay của bộ tộc thiện chiến Tatan từng làm mưa làm gió thảo nguyên. Những lưỡi gươm rít lên trong không khí, rẻo kẹo, uốn cong cắt khúc tia nắng, tự phát ra tiếng gió làm dựng tóc gáy kẻ thù.

     Phía đối phương, gươm của Kiuy cũng được nung trong lửa bẩy lần, tôi trong nước bẩy lần, không bao giờ gẫy...

     Những lưỡi gươm siêu hạng bắt đầu chém vào nhau tóe lửa. Lửa nhấp nháy như sao rơi. Tiếng kim khí bập vào nhau coong coong giòn tan. Hai đoàn quân đã nhập một, hỗn chiến. Những vó ngựa chỉ biết lao lên, không lùi một ly.

     Vó ngựa đọ vó ngựa. Ngựa đuổi ngựa quay tròn, xuôi rồi lại ngược.

     Những con ngựa chiến Kiuy là ngựa nòi thuần chủng, to lớn lực lưỡng, dữ dằn. Tiếng hí của chúng cũng khiếp vía. Một âm thanh chói lên, nhọn hoắt như đinh sắt phóng vào không trung. Chúng thường được cho uống rượu trước giờ ra trận để kích thích máu điên dã thú hoang dại.

     Những vó ngựa Kiuy nện xuống bật tung từng búi cỏ. Một cú lao của nó có thể làm hộc máu chết tươi một con người, một cú giẫm của nó có thể làm bẹp dép một thân thể cường tráng.

     Những con ngựa chiến một khi yên cương đã đóng, kỵ sĩ đã ngồi trên lưng, gươm tuốt khỏi vỏ, là chúng ngửi thấy mùi thép lạnh, mùi lưỡi gươm, mùi thuốc súng, từng tế bào trong cơ thể bừng bừng, chúng hí lên một tiếng hứng khởi vang trời, và lao đi như cơn lốc. Chúng sung sướng thấy người kỵ sĩ chẻ dọc thân xác đối phương từ vai xuống lưng, máu phọt vào mặt mũi chúng, chúng thè lưỡi liếm máu mặn và nóng hổi...

     Con ngựa đen tuyền của Ôman bụng thon, ức nở, chân rắn như sắt, mắt to rừng rực lửa ,thường khinh khỉnh nhìn đối phương và phóng những cú đá “thọt dái lên cổ” kẻ nào dám “mó dái ngựa”.

     Khi nó và con Huyết dụ của Gút tô quần thảo, nó đã nhiều lần đạp được vào ức của con Huyết dụ những cú trời giáng. Nhưng con Huyết dụ cũng  nòi “trâm anh thế phiệt” của xứ Tatan. Nó từng được huấn luyện vượt qua những bức tường cao, bốn chân nhấc bổng như bay. Thượng đế reo rắc máu điên trong hổ báo, con người, và trong huyết quản nó. Dưới làn da huyết dụ có vẻ ít dữ dằn, nhưng máu nó đỏ chói, trào sôi. Bờm dựng ngược, lông cứng như sắt, đuôi mọc cán cờ, nó khéo léo đưa chủ nhân Gút tô áp sát, và vung đường gươm lợi hại đúng tầm ,tạt qua tai Ôman. Chỉ một ly là Ôman bị bổ đôi sọ não, phọt óc ra.

     Con Ô của Ôman chịu thua một nước, nó dạt ra xa, để tạo đà mới tấn công trả đũa. Nó cũng tạo cơ hội cho chủ xuống gươm, bổ sọ đối thủ như bổ dưa hấu.

     Hai lưỡi kiếm bập vào nhau rung lên như dây cung và bắn ra ánh sáng. Lưỡi gươm có thể đi qua xương và thịt người dễ như qua làn nước. Nhưng Ôman và Gút tô, Huyết dụ và Ô vẫn chẳng làm gì được nhau, vẫn chỉ là hai “diễn viên” biểu diễn màn múa kiếm tử thần. Cả hai bên đều ức hộc máu, gào lên man dại.

     Kỵ binh Kiuy và Tatan hỗn  chiến, nhìn xa thấy một bức tranh toàn cảnh như đống chỉ vò rối tinh quện vào nhau. Sợi chỉ đỏ là quân Kiuy. Sợi chỉ xám là quân Tatan. Hai nắm chỉ xoắn xuýt bện chặt...

     Bầu trời của trận hỗn chiến, sáng lấp lóe như mưa sao băng vì các lưỡi gươm chạm nhau tóe lửa. Máu phun như cầu vồng nhỏ. Hàng ngàn vòi phun như cầu vồng đan xen nhau ,như cả trăm đài phun nước châu vào nhau. Bụi đất dưới chân các vó ngựa bốc mù mịt. Ban đầu đặc kịt, nhưng như sương mù nắng lên, bụi tan loãng dần, ít dần, thưa dần, vì số vó ngựa còn giẫm đất đã thưa vắng một nửa. Một nửa chiến binh kỵ sĩ đã cụt đầu, xẻ thây, từ trên lưng ngựa quăng mình xuống đất như một chiếc lá rụng. Số ngựa mất chủ, lưng trơ trụi, chạy tản mát ra khắp thảo nguyên. Không có kỵ sĩ chúng như quả bóng xì hơi. Cơn hỗn chiến vài tiếng đồng hồ đã làm thỏa mãn cơn điên của chúng. Máu người nóng và mặn tắm trên mặt chúng, lưng chúng, đã làm chúng sực tỉnh. Con người đã giết nhau xong, và chúng đã hoàn thành sứ mệnh, bây giờ chúng chạy rạt ra thảo nguyên cho dể thở, và tìm một con suối, xuống tắm, cho sạch hết máu người. Những con ngựa bây giờ vụt trở thành vô tâm. Com tía, con hồng, con nâu, con ô, con trắng chả phân biệt đâu là nòi Kiuy hay Tatan. Thực ra thì chúng cũng không rõ lắm quê hương, chủng tộc của mình. Chúng đều giống nhau dáng hình, ức nở, bụng thon, vó cao, đuôi dài... Chúng đều điên, đều hăng khi lâm trận, nhưng khi người giết nhau xong, chúng đều quên phắt mình ở phe nào. Chúng không thể nhớ nổi trận tuyến, chỉ biết mình là đực hay là cái. Thế là chúng xán vào nhau, cọ má, cọ sườn, vờn đuôi, hít hà hơi nhau ve vẫn làm tình...

*  *  *

*  *

*

Thảo nguyên xác chết nằm im lìm dưới ánh trăng khuya. Tĩnh mịch, lặng tờ, không một tiếng kêu.

Cả vùng đất mênh mông. Ánh trăng mênh mông. Và xác người mênh mông. Tưởng như thảo nguyên bao nhiêu cỏ thì xác người bấy nhiêu. Xác Kiuy và xác Tatan, hai đoàn quân kỵ binh vừa qua một ngày hỗn chiến. Những người sống sót đã rút chạy. Bỏ lại những trung đoàn xác chết nằm kín mặt đất. Nằm kín chiều ngang, mặt phẳng, chưa đủ chỗ, phải chồng lên nhau, chiều cao. Máu đã chảy cạn kiệt, những xác giờ cứng queo dưới ánh trăng và gió lạnh. Những cặp mắt không được vuốt mi lúc chết, giờ mở trừng trừng bắt ánh trăng loang loáng như mắt mèo trong đêm. Cơn gió rền rĩ đi qua, mang theo mùi máu tanh nồng, tưởng như tanh nồng cả ánh trăng. Những vũng máu lênh láng như mặt đất lầy ngập nước mùa mưa rào, rồi gặp lạnh không độ, đông lại như những bát “tiết canh” khổng lồ, tím ngắt.

Quân Kiuy và quân Tatan cùng “đại thắng” vì cùng giữ được phòng tuyến, không bị đẩy lui, cùng làm sát thương 50% quân số đối phương. Quân Kiuy và quân Tatan cùng “đại bại” vì cùng không đẩy lùi được đối phương, cùng chết quá nửa, hoảng hồn lê lết chạy về chiến hào phòng thủ, bỏ mặc các chiến hữu phơi xác ngoài thảo nguyên dưới trăng. Để mặc đấy, chờ tướng lĩnh hai bên thương thuyết thỏa thuận ngừng chiến, mới đi thu xác đồng đội. Thu xác, việc đâu có dễ. Quân Kiuy phải lật mấy tầng xác Tatan bên trên mới moi được lớp xác Kiuy bị đè bên dưới. Ngược lại quân Tatan cũng phải dọn từng đống xác Kiuy, xúc như xúc tuyết, mới moi được đống xác Tatan bị khỏa lấp...

Anh binh nhất Ôman thuộc đống xác Kiuy cựa quậy. Cơn gió lạnh làm anh lính tỉnh dậy sau “cơn chết dài “do vết thương cánh tay. Cổ, ngực anh bị chẹn tắc thở do mấy cái xác đè bên trên. Lấy hết sức, anh hất sang một bên, và ngồi dậy. Máu trên vết thương đã ngưng chẩy, đông cứng. Gió thổi vào  tê dại. Nhìn ra thảo nguyên, cả một sa mạc xác người, xác như cát sỏi dưới trăng.

Sương rơi, trăng bạc, đêm khuya, anh lính không phân biệt phương hướng, phía nào là xứ Kiuy, phía nào là xứ Tatan. Nhưng anh phải đi, không thể nằm chết ở đây cùng với sa mạc xác người. Anh bước vật vờ, trèo qua hết đống xác này đến đống xác khác. Gót giầy anh giẫm lên mặt, ngực, bụng, đùi, tay chân của các xác chết, vì không còn đất hở để len chân. Anh nghe thấy xương bàn tay, cẳng chân bị gẫy dưới gót giầy đinh thúc ngựa nặng nề của mình. Mấy con chim ưng núi đánh hơi mùi máu, mùi xác người xa hàng dặm, và hơn nữa, giao cảm điện từ cả trăm dặm, từ dãy núi nào quanh đây đã kịp bay đến bãi sa mạc xác người này. Có lẽ nó bay từ chiều, mỏi xã cánh, bây giờ nửa đêm trăng lên, nó mới đến đây. “Gòa gòa gòa...”. Tiếng nó cất lên khàn khàn trong sương, và cánh vỗ phần phật. Nó xà xuống, rỉa một xác người. Nhưng xác người mới chết còn dai lắm, . không thể nào rứt ra được. Chỉ có mắt người là dễ khoét, dù chưa thối, chưa rữa. Con chim ưng phát hiện ra điều đó. Nó bay lượn là là và đậu vào các mặt người. Móng vuốt nó bám chặt vào bờ môi gò má, để lấy đà mổ mạnh xuống mắt. Chắc là mắt rất ngon. Có thể ngon hơn cả thịt. Con chim ưng rút những con mắt dòng dòng máu và lầy nhầy thịt, ngậm trong mỏ rồi nuốt ực. Chiếc diều phồng căng của nó chứa được bao nhiêu mắt người.

     Anh lính Ôman loạng choạng tránh xa con chim ưng khổng lồ. Bởi nó đã sạt qua đầu anh, vì tưởng anh là một cái xác biết đi, nên khoái chí muốn xin đôi mắt anh. Hoặc giả biết anh là một người còn sống, nhưng nó khinh thường, với cái diều đã nuốt vài chục  mắt xác người đã chết, nó bỗng ngông cuồng thèm một đôi mắt còn sống. Xem độ ngon của nó thế nào. Đồ tươi bao giờ cũng ngon hơn đồ đã ươn.

     Anh lính Ôman hai tay bưng chặt lấy mắt, gào lên để xua đuổi con chim ưng. Nó chả sợ, giữa thảo nguyên đêm sương này nó là chủ, chứ không phải anh.

     Anh lính Ôman bơi trong biển xác người, gần sáng bắt gặp một con ngựa Tuyết đang lạc lõng bơ vơ. Không cần biết nó là ngựa của quân Kiuy hay Tatan, anh nhẩy phắt lên. Con ngựa sau cơn điên loạn hỗn chiến giờ cũng đang cô đơn, sợ hãi, nên cũng mừng rỡ vì có chủ. Nó ngoan ngoãn đưa anh đi... Gần sáng, anh lính Ôman nhìn thấy một khe núi biên giới, thấp thoáng bóng cây, khá xa bãi chiến trường, anh mừng rỡ phóng ngựa về phía đó...



*  *  *

*  *

*

Người đàn bà đang tắm. Chị múc nước, tiếng gầu va thành giếng tì tùm. Nước dội ào ào trên đôi vai trần nõn nà. Nắng sáng trắng trên cơ thể trần truồng căng phồng, to lớn của chị.

Nước từ vai chẩy qua đôi vú nhô lừng lững, rồi lượn uốn éo xuống  bụng, qua rốn, vướng lại một giây chỗ đám lông rậm xanh mướt,  trôi xuống cặp đùi đồ sộ nõn nà. Nước mát, lạnh tỉnh người, rửa hết vị mặn ngầy ngậy của mồ hôi đàn bà.

     Chợt có tiếng ngựa gõ móng ngoài cổng. Người đàn bà giật mình, vội mặc quần áo. Sao lại có tiếng vó ngựa. Ai đến đây. Đã lâu lắm rồi, không có ai đến đây cả. Ngôi nhà bên hang núi biên giới này tách biệt khỏi thế giới... Chỉ có mình chị, chạy trốn cuộc đời đáng sợ đến đây, ở với con chó Ngao to lớn cùng con  linh miêu mèo rừng đã biến thành mèo nhà.

     Chị nấp vào khe đá, quan sát. Trên mình ngựa, một chàng trai cánh tay băng bó, máu đẫm khô, đang loạng choạng. Chàng trai trẻ cường tráng, nhưng bị thương mất máu, nên người rũ như tàu lá héo.

     Mấy hôm nay, người đàn bà nghe thấy tiếng đại bác ì ầm xa xa ở thảo nguyên phía Tây. Chị không quan tâm. Chị đã tách biệt khỏi thế giới, không liên quan gì đến cuộc đời bên ngoài. Hình như cuộc đời bên ngoài đang đánh giết nhau khiếp lắm...

     Con chó Ngao to như con bê, lông nâu phủ kín người, răng nanh thò ra như ngà voi nhỏ, gầm lên một tiếng, làm chàng trai cùng con ngựa giật thót. Con chó Ngao ngạo nghễ, mắt lừ lừ khinh bỉ ,uể oải bước ra. Nó có thể xông vào xé tan xác chàng trai kia, và vò nát cơ thể anh trong móng vuốt. Con chó Ngao siêu hạng, đến sư tử và hổ cũng phải gờm.

     Suỵt - Người đàn bà chặn con chó lại. Nó bỗng cụp mắt xuống hiền lành, và lại về cửa nhà, lười nhác nhắm mắt giả vờ ngủ tiếp. Hình như lúc nẫy nó đang mơ cái gì, bây giờ muốn mơ tiếp. Nó ở đây với người đàn bà đã lâu rồi. và lạ thật, cứ mỗi lần nằm xuống cái bậc thềm của ngôi nhà có hơi ấm đàn bà kia, là nó lại mơ. Nó hồi ức những cuộc cắn xé với sư tử và báo trong rừng, làm khuấy động cả sơn lâm. Nó thắng, khoái chí nhìn đối thủ cụp đuôi bỏ chạy khỏi lãnh thổ. Nhưng đã có một trận nó thua, thân thể bầm dập, lê lết đến khe núi này ,ngã gục xuống bậc thềm đầy nắng. Người đàn bà nấu cháo cho nó ăn, vuốt ve và chăm chút nó. Nó bỗng hiền lành khác lạ. Cùng sức mạnh hoang dã điên cuồng như nhau, nhưng nó khác hổ báo ở chỗ đó. Nó ở lại hẳn đây với chị, ngày ngày nhởn nhơ quanh vườn, và sểnh ra một tý là ngủ gật bên chiếc thềm đầy nắng, mà đã ngủ là mơ.

- Chị ơi, cứu tôi với, tôi là lính đánh trận bị thương - Chàng trai lên tiếng.

Người đàn bà chạy ra đỡ đưa anh vào chiếc giường nệm cỏ khô thơm nức. Kịp hít một hơi ngửi mùi chiếc giường đầy hương vị đàn bà, là anh chìm vào cơn choáng ngất do mất máu kiệt sức, không biết gì nữa...

     Ngày thứ hai, anh mới tỉnh dậy. Chị cho anh ăn cháo mạch thơm nức với trứng gà rừng. Bắp tay bị thương được đắp lá dìu dịu dễ chịu. Sức con trai vạm vỡ, anh tỉnh lại rất nhanh. Và sáng ngày thứ ba, đang ngồi ngoài bậc thềm đầy nắng, anh kinh ngạc thấy tiếng ngựa gõ móng ngoài cổng. Con Tuyết của anh đã được người đàn bà buộc trong vườn. Vậy tiếng vó ngựa kia từ đâu.

     Người đàn bà từ trong nhà cũng chạy ra. Con chó Ngao đang ngủ gật, cũng choàng thức.

     Ngoài đường, một con Huyết dụ bước vô định và mệt mỏi.  Trên lưng là một chàng kỵ binh Tatan áo xám đang nằm gục, hai tay ôm cổ ngựa, dây cương buộc người vào yên cho khỏi ngã. Chàng kỵ binh đang trong cơn ngất, vết thương trên người máu đọng khô cóc cọc.

     Chàng kỵ sĩ thứ nhất, đến ngôi nhà này hôm trước, hiểu ngay tình trạng của chàng kỵ sĩ thứ hai này. Anh ấy cũng thoát khỏi thảo nguyên xác chết, sa mạc xác chết như mình. Con Huyết dụ đi vô định, nhưng khôn ngoan đã đưa anh đến đây.

     Người đàn bà khe núi đã cứu chàng kỵ sĩ thứ nhất, và giờ cứu chàng kỵ sĩ thứ hai. Những bát cháo lúa mạch nóng ấm đánh trứng gà rừng...

     Một tuần sau, cả hai chàng đã hồi phục. Sức trẻ của họ vượt qua tất cả...

 *  *  *

*  *

*

Ngôi nhà lợp bằng rễ cây rừng, lá rừng, và tiếng chim rừng. Chim đậu trên mái nhà và hót ríu ran trong nắng từ sáng đến chiều. Chim gì có tiếng thanh thanh ngân nga. Chim gì có tiếng trầm trầm, khắc khoải. Chim gì lảnh lót như tia nắng, chim gì chàng màng như sương giăng mù mịt.

     Nắng lọt từng tia nhỏ lấp lánh sáng rực trên mái nhà tiếng chim. Nắng rọi xuống giường của anh lính Kiuy và Tatan...

- Anh tên gì – Hai người bắt chuyện.

- Ôman.

- Còn tôi là Gút tô.

Gươm giáo đã mất hết rồi. Hai người giờ chỉ còn tay không với những vết thương đau đớn ngoài thể xác cũng như trong tâm hồn.

- Cuộc hỗn chiến khủng khiếp quá.

- Bên tôi hay bên anh thắng nhỉ?

- Chúng ta thật may mắn sống sót.

- Nhưng tại sao có cuộc chiến này nhỉ.

- Giống người thường ghét nhau.

-  Đi ăn cướp bao giờ cũng giầu nhanh hơn là làm lụng. Giống người đẻ ra là có gien ăn cướp nằm trong ADN. Sểnh ra là rình rình ăn cướp của nhau. Vì thế có chiến tranh.

- Tôi sợ là kỵ sĩ chiến binh lắm rồi anh ạ.

- Tôi cũng thế.

- Lạ thật, cầm gươm nhọn hoắt chém thẳng vào nhau, máu chẩy đầu rơi, mà anh em mình khi vào trận không biết sợ nhỉ.

- Đã trải nghiệm, bây giờ sợ rồi.

- Nghĩ cho cùng, chúng mình ngu thật. Có lẽ con có Ngao kia nó cũng không ngu như mình. To lớn hơn cả sư tử mà nó cứ ngủ gà ngủ gật suốt ngày, chẳng muốn động đậy chân tay.

- Cô chủ nói, xưa nó cũng từng lê lết tấm thân thương tích đến nhà này, và bây giờ khôn hơn.

- Giống hệt anh em mình.

- Còn chị chủ nhà thì sao? Tại sao lại ở đây một minh, xa lánh cả thế giới.

- Nào ai biết.

- Chị ấy xinh đấy. Cao lớn lực lưỡng khác thường.

- Cánh tay chị ấy vòng qua cổ tôi, bón cho tôi thìa cháo. Êm ấm quá.

- Đầu tôi đã được lút vào đôi vú to như hai gối bông của chị. Tôi ngửa cổ, còn chị như mẹ ôm con cho con uống sữa.

- Cánh tay chị ấy ôm cổ chúng mình êm ấm, còn cánh tay chúng mình thì cầm gươm sáng lóe chém nhau.

- Tôi hiểu ra rồi anh ạ. Không bao giờ tôi đi đánh nhau nữa.

- Tôi cũng vậy.

- Nhà anh ở đâu?

- Tôi ở thành phố Valentin bên Kiuy. Valentin nghĩa là tình yêu đấy. Thành phố đẹp lắm. Tháng 4 hoa Anh đào nở che phủ rợp cả bầu trời. Gió thổi, những cánh hoa anh đào mỏng manh bay tan tác. Chúng tôi hứng hoa anh đào rơi xuống bàn tay... Và rồi lên mình ngựa, cầm gươm, phăm phăm ra trận, bất kể phía trước là ai, cứ xông vào để chém.

- Tôi ở thảo nguyên Đại bàng bên Tatan. Thị trấn tôi ở là những trang trại mênh mông cỏ non, và những đàn ngưa nhởn nhơ đùa giỡn. Đặc biệt nơi này có giống Đị bàng  Kim Điêu quý hiếm. Đại bàng to lớn bay lượn trên trời xanh. Chúng tôi thường bẫy đại bàng thuần hóa, cho nó đậu trên vai và phóng ngựa đi hết chiều dài thảo nguyên. Đại bàng thường giao chiến với nhau trên bầu trời, những đường lượn như phản lực cắm phập vào nhau, lông rơi tung tóe. Chúng tôi đứng dưới ngửa cổ nhìn, reo hò. Con thua, bị tử thương loạng choạng rơi xuống đất. Còn con thắng thì ngạo nghễ bay khắp bầu trời. Bọn đại bàng Kim Điêu chúng tranh nhau cái gì nhỉ? Bầu trời là mênh mông, tại sao chúng cứ muốn chiếm làm riêng của mình. Tại sao chúng không chịu chung nhau bầu trời. Có lẽ  chúng tôi cũng nhiễm cái “máu chiến” của Đại bàng nên đã lấy hình ảnh của nó làm biểu tượng cho xứ sở. Và cũng hiếu chiến, thượng võ như nó, luôn thích đánh nhau với xứ Kiuy của anh. Nhưng đánh nhau để làm gì nhỉ - Anh lính Gút tô thở dài.

- Trời vô tình sắp đặt cho chúng ta gặp nhau trong ngôi nhà mái lợp bằng tiếng chim rừng này. Chúng ta sẽ là bạn của nhau nhé.

- Anh nói đúng. Chúng ta sẽ làm bạn của nhau.

- Này đừng tưởng loài người chỉ toàn thông minh đâu nhé. Loài người thông minh bao nhiêu thì cũng ngu bấy nhiêu, đã gây ra những cuộc chiến tranh kinh hoàng...

Chị chủ nhà đã nấu xong nồi súp thịt gà rừng, lúa mạch và khoai tây, tỏa mùi thơm nức. Chiếc tạp dề chị đeo trên bộ ngực đồ sộ màu cà rốt đỏ tươi. Những chiếc bát sứ va đập lanh canh bày trên bàn và những thìa gỗ mun úp ngay ngắn...

- Mời hai anh - Chị gọi.

Chị ngồi đầu bàn. Hai anh lính ngồi hai bên đối diện. Tô súp thơm ngào ngạt tỏa khói.

- Ăn đi hai anh - Chị nói. Ba chiếc thìa gỗ cùng húp cháo xì xụp. Không thể có bát súp nào ngon hơn thế.

- Chị ơi, sao chị lại ở đây một mình – anh lính Ôman hỏi.

- Ừ, đúng đấy, tôi cũng có câu hỏi như thế - Anh lính Gút tô tiếp.

- Nếu tôi không ở đây thì chúng ta đã chẳng gặp nhau – Chị nói.

- Làng quê chị ở đâu?

- Xa, xa lắm. Tôi cũng có một làng quê chứ. Vùng biên giới. bảo là thuộc Kiuy cũng được, mà bảo thuộc Tatan cũng được. Vì nó ở giữa đường biên rừng núi, hai bên chưa phân nổi ranh giới, chưa cắm được cột mốc. Tôi cũng bị thương và lê lết từ miền quê đến cửa hang này. Nhưng tất nhiên không phải là vết thương thể xác, mà là vết thương tâm hồn. Trọng thương. nặng lắm. Có thể chết. Nhưng tôi đã vượt qua.

- Tôi hiểu vết thương đó là thế nào rồi.

- Vết thương đó làm tôi thấy không chơi đựơc với cuộc đời. Tôi phải đi trốn. Trốn vào cái gì đó. Cái hang núi này giúp tôi xa lánh được cuộc đời. Tôi đã ở trong hang như một con dơi. Rồi tôi ra làm nhà bên cửa hang. Chim chóc cùng làm giúp. Chúng lấy tiếng hót để lợp nhà che giông tố cho tôi...

- Tên đàn ông khốn nạn đó đã tình phụ chị. Chúng tôi sẽ đến dạy cho nó một bài học.

- Không cần. Người đàn ông đó ngày ấy là biểu tượng, là hiện thân của cuộc đời, đối với tôi. Tôi đã yêu hắn rồ dại. Rồ dại đến mức có thể sẵn sàng chết vì hắn (Cũng như sự rồ dại của các anh, cầm gươm ra trận, sẵn sàng chết). Nhưng hắn đã bỏ tôi không thương tiếc. Tôi phát điên. Điên thật sự, xé quần xé áo đi lang thang. Tôi nhặt quả rừng, bới củ rừng nhai sống và cười khanh khách. Đến hang này, tôi chui tọt vào hang sống cùng các con dơi, và cũng biến thành một con dơi. Bố mẹ, anh em tôi đều đã chết hết. Cửa nhà không có, tôi được tự do tuyệt đối để điên và để thành người rừng.   Nhưng lạ sao, những tiếng chim hót, tiếng lá vàng rơi, tiếng suối chẩy rì rầm đã nói với tôi những gì đó làm đầu óc tôi tỉnh lại. Những con bướm vàng sặc sỡ đã rủ tôi ra ngoài hang. Những cánh bướm rừng đẹp lắm, uốn lượn trong nắng. tôi từ biệt những cánh dơi để ra với những  cánh bướm. Rồi tôi tỉnh hẳn. Một khi nhận ra tên đàn ông kia không là hiện thân cuộc sống của tôi nữa, tôi đã cười vang. Hắn là vô nghĩa. Cũng như các anh thấy cuộc chiến của mình là vô nghĩa, các anh đã tỉnh lại. Tôi hăm hở, vun vén cuộc sống nơi này. Quả rừng ngọt lịm rơi đầy trên đất. Củ rừng đào lên thơm ngoan. Gà rừng về đây sống cùng với tôi. Dê rừng tới quẩn chẩn. Lúa giồng trên bãi, củ trồng ngoài vườn, tôi có đủ tất cả cho cuộc sống bình thường. Con chó Ngao tình nghĩa làm bạn, và bảo vệ tôi.

- Sao cô  không đem nó về quê xuỵt cho nó cắm họng tên đàn ông khốn nạn.

- Tôi đã nói rồi. Hắn đã trở thành vô nghĩa. Cũng như cuộc chiến đã trở thành vô nghĩa với các anh.

- Cô cho chúng tôi tá túc ở đây lâu dài nhé. Hai xứ Kiuy, Tatan còn chiến tranh đối đầu nhau. Mò về quê ,chúng tôi lại phải trình diện đơn vị cũ, rồi lại phải phiên chế vào một đoàn quân nào đấy, cầm gươm lên ngựa. Chỉ khi nào hai bên hòa hiếu, chúng tôi mới trở về quê được...



*  *  *

*  *

*

Hai anh lính khỏe mạnh, chặt cây đẽo đá, tu bổ khang trang ngôi nhà thêm đẹp. Chị chủ vẫn về thị trấn miền núi gần đó đổi chắc mua bán những thứ cần thiết. Cuộc sống bên khe núi khuất nẻo nơi biên giới ngày một phong lưu. Tiếng chim gù thanh bình. Ánh trăng thanh lãng mạn. suối nước chẩy êm đềm...

     Một hôm, hai anh lính đứng nấp trong bụi rậm nhìn trộm chị chủ nhà tắm suối. Nắng trưa long lanh giát bạc lên thân hình phốp pháp, lừng lững của chị. Chị đẹp quá. Da thịt nõn nà như tỏa ra nắng chứ không phải là nắng tỏa sáng lên da thịt. Chị đứng chênh vênh trên bờ suối, như pho tượng đá trắng khổng lồ.

     Hai anh lính nuốt nước bọt. Từng tế bào cháy lên rừng rực. Và hai anh nhìn nhau. Hai người chiến binh từng như mãnh thú hoang dại, một sống một chết diệt đối thủ để độc chiếm, tranh giành, nhưng bây giờ là hai anh lính đã hiểu chân lý cuộc đời...



28 – 5 - 2012
v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét