Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012




Phố Bằng lăng

                 





Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách



Tôi về thị xã Phủ Lạng Thương trong chương trình giao lưu với độc giả thư viện về cuốn tiểu thuyết mới của mình. Thời buổi Văn hóa Nghe Nhìn, còn có bạn yêu văn học là quý lắm. Tôi đi tàu hỏa đến từ hôm trước, thuê một phòng ở Khách sạn Bình dân. Phủ Lạng Thương giờ đã là một thành phố sầm uất, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cái thị xã êm đềm bên bờ sông Thương thơ mộng.

     Một mình vẩn vơ, tôi đi tìm phố cũ Bằng Lăng sát dọc bờ sông Thương. Chớm hè Bằng lăng giao cành nở tím ngát chạy dài hút mắt, đi trên phố như đi dưới một tấm voan tím khổng lồ. Tôi tìm ngôi nhà hoài niệm, nhưng không thấy, không còn những ngôi nhà lợp lá gồi với vườn tược mênh mông ngày xưa. Tất cả đã san sát gương kính sáng choang của các cửa hàng...

     Ngày ấy vừa học xong lớp  “phương pháp Câu lạc bộ”, tôi về Ty Văn hóa Bắc Giang nhận công tác. Đại để là tôi sẽ đi các cơ sở xây dựng phong trào múa hát cây nhà lá vườn. Cùng dịp ấy, có một cô gái 17 tuổi nhà ở Phố Bằng Lăng này cũng được tuyển vào Đoàn Văn công của Ty Văn hóa.

     Tôi từ làng quê lên, lần đầu tiên trong đời, thấy lại có một người con gái đẹp đến thế. Khi cô lên sân khấu, hóa trang phấn son, trông tưởng như tiên, chứ không phải người thường. Tôi mê dại, say đắm, nhưng nghĩ không bao giờ dám mon men tới gần, vì mình vụng dại, quê mùa, còn cô là con gái tỉnh thành, thanh lịch.

     Lần ấy Ty điều cô xuống dậy hát ở cái xóm mà tôi đang “tập huấn” cho họ để chuẩn bị đi hội diễn. Cô dậy bài “Bài ca hy vọng”: Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến, gió mùa xuân... Bài hay hát trên đài phát thanh, đang thịnh hành. Tôi bưng một cốc nước chanh đường cho cô nhấp giọng, nhưng cô xua tay: “Cho em vài hạt muối”. Muối thì khó gì, tôi về bếp vốc một vốc. Cô nhón vài hạt ngậm, rồi cười: “Anh thật thà ngốc nghếch quá. Bằng này thì đủ ướp cả một giỏ cua”.

     Tôi ngồi học hát cùng các diễn viên xóm, nhanh trí thuộc lời sớm nhất, nên được gọi lên hát song ca cùng cô, làm mẫu. Trời, thích quá... Khi biểu diễn - Cô hướng dẫn - Con trai con gái phải nhìn vào mắt nhau, tình tứ duyên dáng y như đôi người yêu thật.

     Và cô thể hiện. Đôi mắt mây trời sóng sánh đổ ập tràn yêu  thương vào mắt tôi. ...

     Giọng tôi không đến nỗi nào, nên lên cao xuống thấp cùng cô được. Buổi tập hào hứng lắm. Tan tập, trời sắp tối, tôi phải đạp xe “tháp tùng” đưa cô về nhà. Thế là vô tình thành một “đôi tình nhân” dạo chơi dưới rặng bằng lăng trong buổi hoàng hôn. Thú vị thật.

     Về đến cổng, cô vào, còn tôi định quay xe, thì mẹ cô bảo:

-       Vào uống nước đã anh.

Các bà mẹ hay chu đáo. Người ta vừa đi “bảo vệ” con mình, chả nhẽ không mời vào nhà được một câu hay sao.

     Có lẽ bà mẹ “mời rơi” nhưng tôi vào thật. Bà pha nước, chuyện trò dăm ba câu. Bố cô đi công tác xa. Nhà chỉ có hai mẹ con. Phố Bằng Lăng giáp bờ sông, tiếng sóng rì rào dội vào cửa sổ nhà cô. Gió thổi bay vèo những cánh Bằng lăng tím ra sông, trôi lềnh bềnh trên mặt nước... Nhà cô lợp lá gồi trong khu vườn rộng mênh mông đầy cây ăn trái, ngăn với đường phố bằng một hàng rào Găng vàng hoang dại...

     Mấy đứa “diễn viên xóm” đầu óc tối tăm quá nên cô phải dậy nhiều buổi. Như thế tức là tôi được dạo xe sóng đôi dưới bóng Bằng lăng với cô nhiều lần. Không khéo bên ngoài nhìn tưởng là một đôi tình nhân thật cũng nên. Tôi khoái chí nghĩ.

     Có một hôm chả biết vô ý thế nào cô ngã xe, nằm sõng soài ra đường. Tôi ôm lấy nâng lên xuýt xoa.  Mặt nhăn như bị, cô kéo cao ống quần lụa xem vết thương sây sát.

     Tôi thương lắm. Đôi chân trắng muốt nõn nà mà bầm tím mấy chỗ.

     Về đến nhà ,cô gọi từ ngoài cổng: “Mẹ ơi, ngã đau quá, mẹ ơi”. Nhưng mẹ không có nhà. Tôi đi lấy nước sát trùng lau vết thương, bôi thuốc, và quấn băng. Khi thực hiện động tác “bác sĩ”, tất nhiên là tôi phải ôm chân cô vào lòng, mới làm đúng kỹ thuật được. Cô khóc tấm tức như đứa trẻ làm nũng. Còn tôi thì vuốt ve trên chân cô để xoa dịu...

     Một hôm tờ báo “Văn nghệ Bắc Giang” đăng bài thơ: “Người con gái sông Thương” của tôi trên trang nhất. Thực ra, câu chữ còn vụng về, nhưng cảm xúc dào dạt, nên bài thơ dễ vào lòng người. Tôi cũng không hiểu sao mình lại viết được như thế...

     Người con gái sông Thương ấy là ai, đọc lên thấy quá rõ... Tiếng hát của em là tiếng reo trong vắt của dòng Thương... - Bài thơ miêu tả - Những chiều chiều em lần theo bậc đá rêu ướt rượt, và em bơi như một cánh hoa trên sóng (Bơi như một cánh hoa - hình ảnh hơi vô lý, nhưng tòa soạn báo nó đã duyệt, thì cứ phải công nhận). Em là dòng sông và niềm khao khát của anh là cả dòng sông không thỏa. vv... và vv...

     Tôi hơi ngượng sau khi bài thơ đăng. Cô gái gặp cười cười, ánh mắt nửa như chế giễu, nửa thương thương, rồi đập nhẹ vào vai tôi: “Em không ngờ trông anh bề ngoài “lầm lũi” mà tâm hồn lại tinh tế thế”.

     Tôi đỏ dừ mặt vì từ “lầm lũi” , nhưng gượng lại được vì từ “tâm hồn tinh tế”.

     Bà mẹ đọc bài thơ cũng cười cười. Có cảm giác bà có gì thân thiện hơn trước. Chứng cớ là bà bảo:

- Hàng rào phía sau, dây tơ hồng leo nặng quá, đổ rồi. Bác cháu mình sửa lại đi.

Câu nói sao mà ấm áp. Tôi hăm hở làm suốt buổi sáng, không cả giải lao. Bà mẹ phụ giúp buộc lạt, cô gái vắt lại dây tơ hồng. Cảnh sao mà thơ mộng. Buổi trưa ngồi ăn cơm dưới vòm  cây mát rượi, canh hến ngọt lịm mò từ dưới sông Thương.

Làm xong, tôi ra bến tắm, lòng lâng lâng. Tôi bơi mà không biết mình đang bơi, loáng một cái vô tình đã sang đến bờ bên kia. Cô gái và bà mẹ ra gọi, tôi mới cười hì hì bơi về.

- Không ngờ anh bơi giỏi thế - Cô gái nói và lại dùng từ cũ: “lầm lũi” thế mà lắm tài!... Xem ra cô đánh giá tài bơi của tôi còn hơn tài “tâm hồn tinh tế”.

     Do nghề “Phương pháp câu lạc bộ”, tôi quen một ông giám đốc xí nghiệp khai thác đá xanh. Tôi giúp xí nghiệp xây dựng Câu lạc bộ, ông vẫn có ý muốn trả ơn. Một sáng kiến lóe lên. Thuyền chở đá nung vôi vẫn đi trên dòng Thương, qua bờ đê phố Bằng Lăng. Tôi xin ông giám đốc một thuyền. Hôm ấy cô gái và bà mẹ đi vắng. Tôi chỉ đạo tốp thợ khuân đá kè một cái bến đúng chỗ hằng ngày cô vẫn ra sông múc nước. Thực ra thì trước đó đã có những tảng đá rồi nhưng thưa thớt lởm chởm. Bây giờ tôi xếp bổ sung, ken dày cao thấp  từng bậc. Cũng chẳng khó khăn gì, chỉ một buổi sáng là xong. Buổi chiều, về nhà, mẹ và cô gái ra sông sững sờ trước cái bến mới. Hàng phố bảo:

-       Bà mua đá, thuê thợ làm đấy à.

-       Không. Tiền đâu mà làm nổi cái bến thế này.

Tôi xấu hổ, trốn biệt. Rồi mẹ và cô gái cũng đoán ra “tác giả” vì có “nhân chứng” nhìn thấy tôi ban sáng...

Hội diễn năm ấy, đội văn nghệ xóm của tôi giật huy chương vàng vì bài hát: “Bài ca hy vọng”. Nhưng sau đấy cô gái không đi dậy thêm ở đội văn nghệ cơ sở nào nữa. Bố cô từ Hà Nội về, xin cô rời khỏi Đoàn Văn công tỉnh, vì ông cho đó là nghề nghiệp không bền vững, không phù hợp với cô. Ông bảo cô hát không có gì xuất sắc. Cô cần phải đi bổ túc văn hóa để thi Đại học. Ông đem cô ra Hà Nội. Ngày ra đi, cô viết thư cho tôi: “Chào anh thân mến. Tạm biệt anh. Hoàng Lan, em gái của anh...”.

Hoàng Lan là tên cô. Bây giờ tôi mới nói về tên cô. Hoàng Lan là một loài hoa màu vàng, thơm ngát. Tôi nói điều này bạn có tin hay không mặc bạn, nhưng sự thực là như thế, thì tôi phải nói. Bạn là người cứng nhắc, bao điều vớ vẩn mà bạn còn tin, huống hồ điều này. Đó là thế này: Từ người Hoàng Lan, bao giờ cũng tỏa ra một mùi hương giống như hương hoa Hoàng Lan!

Đúng thật như thế đấy. Tôi không nói sai. Khoa học bảo cái chất gì đó trong tuyến mồ hôi của từng người, tạo ra những mùi hương đặc trưng. Mỗi người có một mùi khác nhau. Và ở cô gái, thì cái chất đó tạo ra mùi như hoa hoàng lan...

Tôi cảm nhận được mùi đó ngay từ ngày đầu tiên gặp cô. Rồi những buổi đạp xe dưới rặng Bằng lăng. Buổi rào lại rặng tơ hồng bị đổ, cô mặc áo cộc, mồ hôi đẫm trên nách áo, mùi thơm rõ nhất...



*  *  *

*  *

*

Cuộc giao lưu văn học diễn ra vào buổi tối. Độc giả quý mến một nhà văn quê hương. Cuốn truyện của tôi trữ tình êm đềm như dòng sông Thương . Chuyện về cái thị xã thơ mộng này với bóng dáng người con gái nhà ở phố Bằng Lăng trong tình đầu run rẩy của tôi. Tôi đã xa Phủ Lạng Thương gần bốn mươi năm. Sau ngày Hoàng Lan đi, tôi cũng ra đi. Tôi học lên, được đi nước ngoài, và viết nhiều, dù không phải tài năng gì  nhưng cũng cứ dần dần tự nhiên thành một “nhà văn”.

Tôi luôn nhớ về thị xã và Hoàng Lan. Nhưng cái hình dung từ “lầm lũi” của em được dùng nhiều lần làm tôi ngần ngại không bao giờ tìm lại em, xem em ở đâu, làm gì. Thực ra tôi cũng chưa hiểu hết nghĩa từ “lầm lũi” là thế nào. Trừu tượng quá ,tra từ điển không có. Đối chiếu với tiếng Anh, cũng không thấy.

Lá thư vài dòng ngắn ngủi “Hoàng Lan - em gái của anh”, từ “em gái” chặn lại mọi ngả đường mà tôi nghĩ là có thể gặp lại em. Nhưng gặp để làm gì...

Bốn mươi năm, tóc đã bạc, cuộc sống đã định hình. Mãi đến khi cuốn sách viết về Phủ Lạng Thương này ra đời, tôi mới có cớ trở lại thị xã. Cái bến đá ngày xưa, tôi đắp cho em giờ đã lở xuống sông hết, chẳng còn viên nào. Sông Thương vẫn trong vắt, rì rào. Tôi hờn, tôi giận, nhưng hờn ai, giận ai? Nhưng chính dòng sông kia cũng giận tôi. Tại sao gần bốn mươi năm, tôi mới trở lại. Cái phố giáp bờ sông, những cây Bằng lăng ngày xưa non tơ, giờ đã thành cổ thụ, chỉ màu hoa là vẫn tím ngát nhớ thương như thế, và tôi nghĩ em gái nhỏ ngày xưa tôi thần tượng, cũng như hoa Bằng lăng đẹp mãi bất diệt...

Buổi giao lưu sắp kết thúc. Màn cuối cùng, có một người con gái từ trong khoảng tối cuối hội trường bước lên. Ban tổ chức nói là cô sẽ hát bài “Người con gái sông Thương” để tặng tôi. Đời tôi nhiều lần được hưởng vinh dự  như thế này. Là vì thế này: bài thơ đầu tay vụng dại ngày xưa, được một nhạc sĩ tài ba phổ thành một bài hát đi cùng năm tháng, đã quen thuộc, hầu như ai cũng biết...

Cô gái bước lên bục sáng đèn. Tôi giật mình: Một khuôn đúc tái sinh của thần tượng Hoàng Lan thuở trước. Cũng đôi mắt đã nhìn xoáy vào tôi, nửa chế giễu, nửa thương thương. Cũng ánh mắt sóng sánh mây trời đổ tràn ập vào mắt tôi, hôm làm mẫu song ca bài “Bài ca hy vọng”.

Cô gái hát say đắm. Giọng trong vắt như giọng Hoàng Lan ngày nào...

Tôi run lẩy bẩy, cầm bông hoa tiến đến sát, tặng cô, và thật kỳ lạ, một mùi hương giống như hương hoa Hoàng Lan xộc thẳng vào mặt tôi...

Cô gái nói:

- Anh đi đâu, làm gì, mải mê sự nghiệp đến đâu mà ngày ấy không về tìm lại ngôi nhà anh đã tả trong cuốn truyện. Bây giờ về thì quá muộn rồi... “Lầm lũi” chỉ là một từ vui thôi mà...

Cả hội trường vỗ tay rào rạt, coi như một tiết mục hóm hỉnh của độc giả. Cô gái đi xuống lẩn vào trong bóng tối cuối hội trường...

Trở về Hà Nội tôi như người mộng du. Tôi tự nhủ trên đời này có nhiều người giống nhau như đúc. Hoặc cô gái đó chính là con gái của Hoàng Lan. Con giống mẹ, chuyện thường tình.

Nhưng bao nhiêu giả thuyết đều không thuyết phục. Tôi đã đọc nhiều cuốn tiểu thuyết huyền thoại của thế giới, trong đó nhân vật không lớn thêm, già thêm, và vĩnh cửu cứ  như thế mãi. Tôi nghĩ rằng Hoàng Lan cũng thế.  Các tiểu thuyết này không phải bịa tạc đâu, mà cuộc đời có thật những trường hợp như thế. Thế giới này lạ lắm, ở đâu đó còn có người chỉ ăn ánh sáng mặt trời mà sống, có người cả đời không ngủ, vậy đương nhiên người trẻ mãi cũng là chuyện bình thường. Màu tím hoa bằng lăng đấy, bao năm rồi mà có nhạt đi đâu...



22 – 5 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét