Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012




Trả lãi



Truyện ngắn mini

Nguyễn Phan Hách



     Tháng tám, ao Sen hoa viên nhà ông Cử Thụ tàn tạ như gia cảnh nhà ông, viên quan Huyện già, thất thế, về hưu, suốt ngày ngồi uống trà trong ngôi đại khoa rêu phong, cột lim to tày đình, nhưng  lòng cột mục ruỗng. Cửa bức bàn nặng trịch luôn đóng kín, lưu giữ mùi ẩm mốc,  mùi nến Bạch lạp và mùi trầm.

     Cô Chiêu út ngồi bên bộ bàn đá xanh bờ ao Sen, thêu hình hoa Đỗ quyên lên chiếc gối trắng, mấy lần kim đâm vào ngón tay chẩy máu...

     Từ ngoài cổng Tiền môn, có một chàng trai đi xe tay vào. Hai anh em vồ vập.

-       Anh từ Hà Nội về à?

-       Ừ, chào em. Thêu gối cưới đấy à.

-       Chưa hẳn gối cưới...

Chàng trai vào nhà chào hỏi ông bà Huyện, chuyện trò dăm ba câu thời cuộc chiếu lệ. Bữa cơm tối cũng nhạt nhẽo. Chỉ đến khi trăng lên tỏa bóng trên Hoa viên ngào ngạt mùi hoa gặp sương, chàng trai  và cô Chiêu, hai anh em mới chuyện trò thắm thiết.

Cô Chiêu út Thanh Vân vẫn quý người anh họ về bên ngoại, Trần Dư này, và vẫn luôn tò mò không hiểu anh ấy là người thế nào. Đường đường là con quan Tuần phủ ,đã đỗ Tú Tài trường Bảo Hộ, nhưng anh ấy nhất định không học lên trường Pháp chính, hay Hậu Bổ để ra làm quan. Cụ Tuần phẫn uất, từ con, đuổi con, không cho một đồng, cho chết đói chết rét ngoài đường .Cậu Tú Dư đành đi làm thư ký nhà buôn, bán dầu hỏa phố huyện Ninh Giang – Hải Dương, rồi lên Hà Nội mở hiệu ảnh Hương ký, chứ nhất định không chịu đầu hàng.

     Không hiểu sao trên đời lại có người ngang đến thế, “dở người” đến thế. Tuy vậy, ông Cử, bố Thanh Vân, vẫn không giám coi thường cậu Tú, dù trong bụng rất căm những quan điểm “văn minh”, bài trừ hủ tục Nho giáo của cậu, và đồng thời vẫn kinh hoàng cái bản chất thông minh tột bực giời cho của cậu. Ông giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, nheo mắt nhìn xem “cái thằng này” sẽ dở những trò gì.

     Sự cảnh giác của Ông Cử lên đến cao độ. Cụ Tuần, cha Trần Dư, và Ông vốn là hai bạn đồng khoa từ triều Thành Thái, cùng ra làm quan một độ. Vợ của họ là hai chị em một nhà danh gia vọng tộc, họ hàng dắt dây, nên “cái thằng Dư” thỉnh thoảng lại về đây chòng ghẹo ông Huyện già thất thế, chế riễu hủ tục Nho phong, mà không làm gì được nó.

     Bọn “Tây học” này đến không cả thèm làm quan Huyện thì nó còn coi trời đất là cái gì. Đến đói rét nó cũng chả sợ. Đến phải lê xác đi làm cái việc mạt hạng là bán dầu hỏa, mà nó vẫn không chịu “cải tà quy chính”, quay về xin bố tha thứ, rồi đi học lại, ghét ngạch quan An nam thì đi làm tham tá lục sự ngạch Tây, lương ba trăm đồng, hơn hẳn, so với lương tháng chín chục bạc của quan huyện...

- Anh nghe nói cụ Cử đang định gả em cho thằng Khang thư ký thông ngôn Tòa Sứ - Dư hỏi.

Mặt Vân chợt xịu xuống.

-Thằng ấy dốt nổi tiếng. Quan Công Sứ xuống làng ,nói tiếng Pháp,bảo dân quê phải đốt hết những đống rác bẩn, giữ vệ sinh, nó dịch  thế nào lại thành dân quê phải đốt hết nhà mình, làm cả làng sợ mất vía...

Dư và Vân cùng cười rũ.

- Em khổ lắm anh Dư ơi, em không yêu Khang, nhưng thày đẻ em  nhất định bắt em lấy hắn. Chống lại thì thành đứa con bất hiếu, mất hết nề nếp gia phong. Anh nói thế nào để  thày đẻ em đổi ý

Giọng Dư nghiêm trang.

- Em có ghét lễ giáo phong kiến cổ hủ, ví dụ như không cho trai gái tự do yêu nhau, lấy nhau không?

- Ghét lắm.

- Em có thích cá nhân được đề cao, con người được giải phóng, theo lối sống phương Tây.

- Thích lắm.

- Em có ghét bọn quan lại ở tỉnh huyện, cũng như  bọn Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh ở thôn quê không.

Thanh Vân sờ sợ:

- Thế là ghét Bố anh với Bố em à?

- Trong tình cảm, anh vẫn kính trọng bố anh, nhưng vì tiến bộ xã hội, mình phải đấu tranh... Thanh Vân này, anh và bạn anh tên là Nhất Linh, cháu nội cụ Huyện Gắm ở Cẩm Giàng xưa, đã đỗ cử nhân Toán Lý ở Pháp về, đang muốn ra một tờ báo và một Nhà xuất bản để in văn thơ về lối sống văn minh, về tình yêu  tự do , giống như chuyện em không muốn lấy thằng Khang ấy...

- Em đọc tiểu thuyết tâm lý Tố Tâm của văn sĩ Hoàng Ngọc Phách rồi. Đấy, như thế chứ gì...

- Đúng.

- Thế thì thích lắm.

- Nhưng bọn anh hai tay trắng, không có một đồng vốn nào. Mở tòa  báo và Nhà xuất bản cần có một khoản tiền lớn. Em cho anh vay vài thứ hoa tai, vòng xuyến, bao giờ Nhà xuất bản ăn nên làm ra, anh sẽ trả cả vốn lẫn lãi gấp nhiều lần như thế.

- Anh vay lãi em à.

- Ừ, lãi này thì lớn lắm...

Cậu Tú Trần Dư lấy tên mới là Khái Hưng, và Cậu Cử Toán Lý Nhất Linh đã tìm về quê, “ăn dỗ” tiền các chị em gái họ ngoại như thế ,góp thêm vào,để mở tòa báo Phong hóa và Nhà xuất bản Đời nay in văn thơ Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đời mưa gió...

Có điều cậu Tú và Cậu Cử gặt hái văn thơ vang dội bao nhiêu, thì lại thua lỗ về tài chính bấy nhiêu. Vì vậy các cậu đã “quỵt”  “tiền ăn dỗ” của các chị em gái họ ngoại, và trả lãi cho các chị em  bằng những đoạn tuyệt, lạnh lùng, hồn bướm mơ tiên, đời mưa gió...



26/6/2012



Nguyễn Phan Hách



























.........................................



(*)  Chú thích: Sáng tác này có một số chi tiết viết dựa theo tài liệu xác thực của nhà văn Nghiêm Đa Văn.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012




Miền đất đau thương



Trích chương 3 tiểu thuyết “Núi lửa”, tiểu thuyết phong cách huyền thoại của Nguyễn Phan Hách





      ... Sương hoàng hôn tím thẫm xà thấp trên sân trại. Đống lửa bập bùng tỏa hơi ấm. Mấy chục người ngồi vây quanh, trầm ngâm rít thuốc qua tẩu ngà voi bịt bạc.

      Người kể “Khan” dân gian là một ông già đội mũ vuông góc, áo da hươu viền lông đúng kiểu người Kakhan thuở xưa. Gương mặt chập chờn ánh sáng quá khứ xa xăm, ánh mắt như nhìn vào cõi vô định . Ông là người kể “Khan” duy nhất còn sót lại của vùng thảo nguyên. Trong đầu ông là một pho sử đầy máu lửa ,nước mắt của nòi giống Kakhan,miền đất đau thương này. Những tờ báo, cuốn phim, chương trình truyền hình vẫn không thay thế được giọng kề “Khan” của ông...

  Thuở ấy, ở cuối chân trời có núi Lôi Sơn cao chất ngất,dưới chân là thảo nguyên bao la, cỏ biếc bạt ngàn, chim bay mỏi cánh, ngựa chạy mỏi chân. Ngựa Tuyết, ngựa Hồng, ngựa Ô như hoa các màu. Bướm thảo nguyên dập dờn xốn xang ánh nắng, hoa thảo nguyên chen với cỏ xanh. Mùi Oải hương thoảng bay trong gió...

      Trong những ngôi nhà lều trại sặc sỡ, những gia đình Kakhan ba thế hệ vui sống. Người chồng ngày ngày đi chăn thả ngựa, người vợ vắt sữa, chắt khô thành thức ăn để dành. Đêm đông trong lều ấm, mùi khói phân ngựa khô tỏa sực, ông già nâng chén trà San Tuyết hái từ chân núi Lôi Sơn… Cuộc sống thảo nguyên êm đềm. Trên bãi cỏ, người cha dạy con trai  cưỡi ngựa; trong lều, người mẹ dạy con gái khâu may những bộ da hươu da nai... thành áo mũ.

      Những đám cưới, người cưỡi ngựa đi phù dâu, phù rể rợp một vùng. Váy áo xòe tung như hoa rắc. Rượu mật ong rót tràn như suối. Mùi hương trầm lấy tự trong rừng Lôi Sơn nghi ngút. Cô dâu, chú rể cúi lễ đất trời, và trao nhau chén rượu hợp cẩn chắt từ mật những bông hoa.

      Đứa trẻ trong lều oa oa mới sinh được tắm bằng sữa ngựa. Cô dâu về nhà chồng đem của hồi môn bằng một con lạc đà chất đầy chăm nệm. Chàng rể tặng bố vợ con dao khảm bạc…

      Mùa đông tuyết rơi trắng xóa phủ đỉnh Lôi Sơn, núi như một cô gái chùm chiếc khăn voan trắng muốt. Mùa hè suối reo róc rách, những chàng trai cô gái ra đây bơi lội nô đùa. Nhiều con suối hợp thành sông. Con sông mải miết trôi về đâu, nước xanh đi mãi không bao giờ trở lại. Chỉ trở lại những con cá Hồi vượt thác ghềnh từ biển về đẻ trứng. Những con cá Hồi chung thủy nhất ,không bao giờ quên dòng suối quê hương.

      Núi Lôi Sơn cao lắm, ở tít lưng trời, hình như chưa ai leo được lên, nghe đồn trên đó có những ông tiên ngồi bàn soạn, bày đặt mọi chuyện dưới thế gian, chi tiết đến mức ai lấy ai làm vợ làm chồng đều do những cuộc họp bàn ấy cả.

      Cộc sống đang yên lành  thế mà rồi bỗng một hôm có biến. Đầu tiên là lòng đất sôi ùng ục. Đất đau bụng dữ dội, lăn lộn, quằn quại. Đất nhao lên, lộn xuống. Mặt thảo nguyên nổi sóng nhấp nhô. Bao nhiêu lều trại, làng mạc, cửa nhà đổ vỡ. Mọi người chạy lao ra bãi cỏ. Những em bé bố mẹ đi vắng, ở nhà một mình, bị chết kẹp dưới mái nhà. Những con ngựa sợ hãi phá đàn, chạy túa khắp thảo nguyên. Những con suối xuôi dòng bị bẻ gẫy dập, nhô lên đứt khúc, nước tràn lênh láng.

      Thảm họa đầu diễn ra nhanh chóng, chưa ai kịp hoàn hồn, thì lại tiếp thảm họa thứ hai. Núi Lôi Sơn đùng đùng nổi giận, gầm lên ùng ục trong cổ họng, rồi phun khói bụi . Lòng núi Lôi Sơn chứa nhiều khói hơn cả một trời mây giông, cuồn cuộn, ngùn ngụt từng đụn, từng đụn , bay đi, rơi xuống đất. Đến một lúc dầy đặc quá, chất chồng lên nhau, không rơi được nữa và cứ thế giãn nở. Không gian vũ trụ là mênh mông, nhưng có nguy cơ khói bụi Lôi Sơn sẽ chiếm lĩnh tất cả, không còn kẽ hở cho không khí thở. Những người dân thảo nguyên ho sặc sụa. Bụi lấp đầy phổi họ. Bụi đóng đặc trong mũi, mồm, không há ra được . Họ ngã ngất vì nghẹt thở, mắt mở trừng trừng, tay móc khói bụi từ trong họng.

      Thần núi Lôi Sơn vẫn hầm hừ không dứt. Hay các ông tiên trên đấy giận gì con người. Con người có dám làm gì các ông ấy đâu. Các ông ấy bảo ai lấy ai làm vợ làm chồng ,mọi người đều theo cả, dù  chênh lệch như đũa so le, oái oăm trớ trêu hết mức.

      Thần núi Lôi Sơn tuôn hết khói bụi rồi thì bắt đầu khạc lửa. Đầu tiên là một tiếng nổ rung trời, hất tung đỉnh núi đi xa vài dặm. Lửa từ núi bắn ra cuồn cuộn chảy tràn thành dòng chan chứa xuống thảo nguyên. Lửa đặc quánh như cháo, đỏ rực, vận chuyển cuồn cuộn với sức đùn của quả bơm khổng lồ hình cầu là trái đất. Chim chóc đang bay trên trời cháy sạch lông khét lẹt trong tích tắc và rơi xuống. Lửa đặc dìm ngập từng đàn ngựa, thui chín thành than ,không còn vết tích xương da. Những làng dân Kakhan đang móc họng bới khói thì lửa đặc tràn đến. Thoạt tiên mỡ người cháy xèo xèo thơm nức, rất nhanh chuyển sang mùi khét lẹt, và cũng rất nhanh không còn mùi gì vì đã hư vô. Tiếng vợ khóc gọi chồng tuyệt vọng. Tiếng mẹ nghẹn ngào gọi con. Tiếng trẻ ré lên kinh hoàng. Cả thảo nguyên vang tiếng người đau đớn...

      Ông già đang đứng trước bậc cửa thềm nhà. Dòng sông lửa từ xa trườn đến. Mắt ông trân trân. Dòng sông không nói. Ông và dòng sông lửa đối mặt nhau. Sông di chuyển chầm chậm, còn ông  già thì không lùi. Dòng sông lừ lừ. Ồng trừng mắt nhìn nó và hỏi: “Mi là ai. Ta làm gì mi, mà mi đến nhà ta”.

      Dòng sông vẫn không nói, vệt lửa nhỏ bé đầu tiên bắn ra lon ton, đến đốt xèo xèo chân ông. Thịt cháy nhanh, xương cháy chậm nên vẫn còn hình hài. Nhưng ông già không ngã. Ông đứng kẹp giữa hai cửa gỗ,  mắt mở trừng trừng. Phần trên của cơ thể  vẫn còn, chỉ có đôi chân đã cháy hết thịt, và ông đứng trên các khúc xương...

     

      Ở một ngôi nhà khác, người đàn bà leo lên xà nhà. Một dòng lửa đặc nhỏ bé len lỏi lanh chanh đi trước ,giống như dòng nước về chỗ trũng.  Vì nhỏ bé nên nó bị bờ đá chặn lại. Nhưng sức nóng của nó phả vào cũng đủ làm tan vụn hết áo quần người đàn bà. Người đàn bà thành trần truồng, da thịt hồng lên trong giây lát, rồi chuyển sang  tái chín...

      Trên bãi cỏ, một đoàn các cô gái chạy quấn vào nhau .Những tia lửa đặc như mũi tên lau tau lượn vòng  địa hình theo chân. Các cô nhanh hơn leo lên được mô đất cao. Dòng lửa còn bé, nên không đủ sức leo lên. Nó đành phải dừng lại chờ đợi bạn nó, lớn hơn, to hơn. Nó quyết không tha các cô gái. Các cô như các nàng tiên, nó không cần biết. Vô cảm, dửng dưng. Khi các bạn nó đến tiếp sức, nhập làm một, nó dâng lên từ từ đo chiều cao các cô gái, bắt đầu đo từ chân lên đùi, qua chỗ đẹp nhất của người con gái, rồi lên vú, lên cổ. Nó vuốt mái tóc các cô gái thành khói, và toàn bộ thân hình các cô cũng thành một làn hơi mỏng bay lên …

      ... Những người dân Kakhan sống sót trong trận núi lửa phun trào dung nham ngày ấy tụ tập nhau ở vùng núi Đá Đen an toàn cách Lôi Sơn cả trăm dặm. Quê hương ơi là quê hương. Núi sông ơi là núi sông. Thảo nguyên ơi là thảo nguyên. Những người về đây, còn vợ mất chồng, còn con mất cha, tất cả tan tác và cháy xém thể xác, tâm hồn. Họ bới đất lấy hạt cỏ, cậy vỏ cây nhấm nháp, hái quả rừng, bắt chuột núi... sống qua ngày, và nhìn về Lôi Sơn khóc lóc chờ cho người tan thành nước mắt. Lúc bấy giờ có một chàng trai mạnh mẽ tên là Phaxia đứng lên kêu gọi mọi người.

- Chúng ta đã chạy được đến đây, lẽ nào chịu chết . Ta phải sống, phải vượt dải Đá Đen hiểm trở này tìm về phương Nam. Phương Bắc là Lôi Sơn, nơi thần núi đã trừng phạt chúng ta vì những tội lỗi tổ tông cùng với tội lỗi ngày thường do chính chúng ta gây ra. Không thể về nơi ấy nữa. Ta hận miền đất ấy. Chỉ có phương Nam là Đất Hứa, hy vọng. Ta phải chiếm lĩnh lấy. Mặt đất mênh mông là của chung loài người. Chẳng của riêng ai, ta có phần ở tất cả những nơi nào là mặt đất, nếu ta nhanh chân đến được đó.

Phaxia băng mình đi trước. Cả đoàn người rầm rập bước theo. Ròng rã cả tuần, họ leo qua các mỏm núi, suối sâu, vực thẳm, chân nứt toác máu tươi, mặt chằng chịt vết xước gai rừng. Họ đốt lửa để xua đuổi những con hổ đói liếm mép, quẫy đuôi đi theo . Họ ngắt quả rừng nhấm nháp, tước dây rừng vá víu quần áo. Váy xống các bà các cô đã rách tanh bành, da thịt hở hang, họ cứ đi, như đàn khỉ,  vượn chuyền cành. Rồi một hôm ánh sáng vỡ òa trước mắt. Chân họ chùng đi vì đã đặt xuống đất bằng. Họ đã qua được dải Đá Đen rùng rợn. Một cơn mưa như trút rửa sạch mọi lấm lem trên mặt họ, gội tóc sạch tinh.

Bây giờ không còn ai khóc lóc gì nữa. Nước mắt đã cạn kiệt. Người đã trơ ra thành đá. Đá Người chọi với Đá Thạch. Ngoảnh lại, ngọn Lôi Sơn cao ngất trời, đã chìm mờ không rõ nữa.

Những dải cuối cùng của dãy Đá Đen hình cánh cung bao vây một địa hình bằng phẳng , gió quẩn u u như tiếng hú chó sói khoan vào lỗ tai. Núi chặn mưa ở lại phía sau các cánh cung, còn lại gió khan vào đây, biến đất bằng thành sa mạc. Gió thổi cát bụi mù, cát quất vào mặt như roi cá đuối. Đoàn người nằm la liệt như trên cát sa mạc cố ngủ để lấy sức. Các con cầy, cáo đi ăn đêm nhằm các cẳng chân người gặm. Có người giẫy giụa đạp đuổi, nhưng cũng có người đang hấp hối đành để nó nhai nuốt thịt da.

      Bọn cầy cáo đông lúc nhúc, lần đầu tiên được bữa đùa giỡn trên thân thể con người. Chúng chạy loăng quăng khoái chí, giẵm vào những bộ ngực con gái êm êm, những thân hình lồi lõm. Một khi đã no, chúng cũng chẳng cắn xé thịt người nữa, mà chỉ chạy rông nô đùa trên chiếc thảm người mênh mông rải kín sa mạc. Chúng là chủ cái vương quốc cát ma quái này, còn Con Người là khách vãng lai, tha hồ chúng bắt nạt. Mười ngày qua sa mạc đói khát. Số người kiệt sức, nằm lại trong mộ cát mất một phần ba. Cột mốc đánh dấu bước chân đoàn người đi tìm miền Đất Hứa là xác chết rơi rụng dọc hành trình. Đường thiên lý cắm các cột mốc bằng xác người.

Nhưng trời vẫn thương nòi giống Kakhan, vẫn để sống sót cả vạn ngàn người thể chất kỳ diệu để đến được bên bờ sông Mê Giang.

Phaxia trèo lên mỏm đất cao, nhìn ra. Dòng sông xanh biếc uốn lượn, đôi bờ thảo nguyên cỏ biếc xanh, bướm bay dập dờn. Cánh bướm biểu tượng của cuộc sống. Phaxia nhón một cánh bướm, nước mắt rơi lã chã, anh nói to với đoàn người.

-       Đây là Đất Hứa. Chúng ta sẽ ở lại đây...

Đoàn người reo lên, chạy ùa ra vục mặt xuống dòng  Mê Giang. Nước trong veo rửa sạch bụi đường. Nước ngọt lịm trên môi.

Những cây phong lá rợi vàng của đôi bờ Mê Giang reo vi vút như chào đón đoàn người. ..

*  *  *

*  *

*

Giọng người kể “Khan” bổng trầm như ngọn lửa bập bùng, lúc ào ào bão tố, lúc thoảng nhẹ mơ hồ. Câu chuyện Khan lớp lớp như sóng dạt dào.

Đống lửa trên sân trại càng khuya càng đỏ rực. Tiếng lá phong rơi. Tiếng con vạc kêu sương. Những bà già ngồi nghe Khan, lau nước mắt, ông già chau mày...

Chương thứ nhất của Khan đã dứt. Nhưng lịch sử đau thương của người Kakhan chưa dứt, nó như dòng sông còn trôi.

Máu đã đổ, xác đã vùi quanh chân dặng núi Lôi Sơn, tưởng  thế là đã  đủ. Ai ngờ máu lại còn phải đổ thấm dòng Mê Giang, dòng quá trong xanh, phải nhuộm cho nó đỏ.

... Miền đất Mê Giang như người mẹ ôm ấp những đứa con bị người cha Lôi Sơn ruồng bỏ, lưu lạc đến đây. - Giọng người kể Khan thánh thót - Sữa mẹ Mê Giang nuôi lớn những đứa con đói khát. Hạt giống lại vùi dưới đáy phù sa. Lúa mạch lại trải dài mênh mông, hoa hướng dương lại nở vàng đầy ong bướm lượn, hoa Oải hương tím ngát, thơm cả mây trời. Những chàng trai Kakhan đã phi ngựa Tía, ngựa Hồng băng khắp thảo nguyên. Trong các trang trại tiếng bò rống, tiếng cừu be be, tiếng gà trưa cục tác. Trong các ngôi nhà, bà mẹ đau trở dạ, đứa bé ra đời khóc oe oe. Cô gái ra sông gánh nước, váy hoa xắn cao, đôi chân hồng đẫm phù sa. Bếp lò đỏ rực, người vợ nướng nhân bánh táo. Sân trại đầy lá rụng, chị gái vắt sữa bò, người cha đóng móng ngựa.

Mùa lại mùa, thu về ,lá Hoàng phong vàng rực, lá Đan phong đỏ hồng. Tháng ba, hoa Anh đào nở rợp trời. Đám cưới Kakhan cô dâu che mặt bằng lụa hồng, ngồi trên kiệu cho người khênh đi như công chúa.

Cỏ thảo nguyên xanh mướt. Chim gọi bạn tình suốt đêm thánh thót. Mặt trời đêm đi lang thang đâu không biết, ngày lại về với thảo nguyên, và mặt trăng như người yêu xinh đẹp, tháng tháng lại về tình tự.

Dòng Mê Giang trôi đi, không bao giờ hết nước, như dòng thời gian. Dòng sông bồi đôi bờ cây lá, và dòng thời gian vô tận bồi đắp những lớp người. Kakhan, Mê Giang dần đã thành một xứ sở đẹp tươi.

Trời muốn thử thách giống nòi chúng ta một lần nữa - Giọng người kể Khan ngắc lại - Sau lần thử thách Lôi Sơn...

Một ngày kia, những đoàn người kỵ binh Sarát mặc áo da cừu, đội mũ da cáo, từ phương nào xa lắc xa lơ vượt núi cao tràn tới. Những tên lính to lớn, cục mịch như con bò cái, nặng nề như chum vại, mắt ti hí hùm hụp, cằm nhẵn thín không một sợi râu, tay cầm thanh gươm cong cong, vai đeo cung, dây xe bằng ruột linh miêu.

Chúng như cơn cuồng phong ào ào dữ dội. Vó ngựa giẵm nát hoa Oải hương, hoa Hướng dương. Mõm ngựa hút cạn suối thảo nguyên. Ngựa của chúng rất khát. Và miệng của chúng còn khát hơn. Nhưng chúng không uống nước lã, mà uống máu người.

Những người dân Kakhan  bị chúng đốn ngã như phạt chuối, và máu chảy ra ồng ộc nhuộm đỏ cả thảo nguyên. Máu những người cha, người mẹ...

Sức mạnh của chúng là sức mạnh quỷ dữ. Chúng chém người như phạt cỏ. Cỏ chất thành đống. Thảo nguyên được rải một lớp thảm mới: xác người.

Chúng không hỏi, không nói không rằng, cứ phi ngựa khắp nơi và chém. Quân Kakhan không chống cự nổi, cứ lui dần, lui dần. Và lưỡi hái xén cỏ của chúng cứ vung lên cắt loại cỏ mới là cổ người. Nhựa cỏ này ứa ra đỏ chói.

Chúng không biết chán và không biết mỏi, mỗi cơ thể chúng là một con Rô bốt tự động đã được lập trình, vung lưỡi gươm lên nhằm vào cổ người.

Tiếng kêu khóc của con người vỡ òa hòa với nhau thành tiếng sấm rền ngày này qua đêm khác. Thảo nguyên xanh biến thành thảo nguyên đỏ. Những con suối máu róc rách họp lại thành con suối máu lớn. Nhiều con suối máu hợp lại thành tiểu giang đổ ra Mê Giang. Đôi bờ Mê Giang mênh mông cát mịn cứ thu hẹp dần vì xác người lấp xuống. Có lúc dòng sông bị tắc. Một cù lao bằng xác người nổi lên. Một đảo xác người nổi lên.

Thủ lĩnh của Sarát vào một hôm nào đó, hỏi các chiến binh quỷ sứ của chúng:

-       Chúng mày đã mỏi tay chưa?

-       Dạ. Đã quá mỏi.

-       Áng chừng đã giết được bao nhiêu người.

- Dạ, nhiều lắm - Chúng không biết đếm. Chúng không biết số học, toán học. Chỉ biết ước lượng.

-       Đủ để chúng sợ ta rồi chứ, không còn sức chống lại ta rồi chứ.

-       Dạ. Đã đủ.

- Nếu giết hết thì cũng chẳng hay. Thảo nguyên vặt trụi hết cỏ thì đâu còn thảo nguyên. Phải để lại một số người để chúng làm nô lệ cho ta...

-       Dạ, vâng thưa thủ lĩnh.

- Ta muốn có một chiếc tháp cao vút, vững chắc, để trèo lên thưởng ngoạn phong cảnh. Gạch đá để xây là những cái sọ người. Mỗi cái sọ người là một viên gạch, đá. Đó cũng là đài kỷ niệm các chiến công oai hùng của ta.

-       Dạ vâng.

-       Tháp mười tầng, nghe chưa.

-       Ý tưởng của thủ lĩnh thật độc đáo.

Bọn chiến binh Sarát bắt đầu biến thành thợ xây. Sọ người có sẵn, và chế tạo thêm sọ người cho đủ. Một chiếc tháp cần bao viên gạch. Sọ người cứng hơn đá. Các tầng tháp cao dần, đến tận tầng chim bay, gió thổi.

Lịch sử khủng khiếp, có thật, đã xây chiếc tháp sọ người bên bờ Mê Giang này.

Sáng sáng thủ lĩnh Sarát lên đỉnh tháp đón nắng mặt trời. Chiều chiều lên tiễn ánh hoàng hôn. Và tối tối đón ánh trăng lên.

Đêm ngủ trong tháp, những viên gạch sọ người phát ánh lân tinh mờ ảo. Cả ngôi tháp lung linh. Gió thổi u u qua các hốc mắt, hốc mồm khúc ca ma quái…

Người kể Khan dừng lại, lau nước mắt. Đống lửa sân trại được tiếp thêm  củi cho lửa bùng to. Một người hỏi:

- Thưa “Người kể Khan”, phải chăng chiếc Tháp Sọ Người đó là hình ảnh hư cấu làm biểu tượng cho sự dã man của quân xâm lược khi đến xứ sở này.

-Không hư cấu, mà là hoàn toàn có thật. Sự kiện này được ghi trong sử chính thống.Và có một bài thơ từ hồi đó còn đến bây giờ:

Năm 1389

Đại hãn Ta méc lăng

(Địch thủ của Thành Cát Tư hãn)

Đã lập xong một đế quốc lớn

Giữa đất trời Trung Á mênh mông

Ta méc lăng có sở thích lạ lùng

Xây Tháp Sọ Người cao ngất ngưởng

Sau cuộc đánh thành ISpahan

Y xuất xưởng

Bẩy vạn chiếc đầu lâu

Sọ người làm gạch xây chồng lên nhau

Để Ta méc lăng lên cao thưởng ngoạn





-    Chiếc Tháp Sọ Người  thật là một biểu tượng của thời mông muội dã thú xa xưa…

  -  Nhưng thưa “Người kể Khan” - Một chàng trai đói thoại -Không cứ “buổi xa xưa” của lịch sử mà giữa thế kỷ 20 hiện đại, trong lòng thế giới văn minh, con người đã biết chế ra máy bay, ô tô, tầu thủy, đã có triết học Nhân văn, nhưng vẫn có các trại tập trung Au xơ vít, Ốt sơ ven xim... nhốt người vào rồi bơm hơi ngạt cho chết. Tháp Ta méc lăng chỉ xây bằng 7 vạn đầu lâu, còn cái nhà hơi ngạt đã giết chết mấy triệu người Do Thái.

 Cả sân trại ắng lặng. Không ai nói. Chỉ có tiếng lửa bập bùng...

- Và gần đây hơn  - Người đối thoại nói tiếp:  - Tại xứ sở nơi người ta từng xây được một ngôi chùa bằng đá lớn nhất thế giới, nghĩa là nơi triết học nhân từ bác ái của Phật đã thấm nhuần lắm, vậy mà người  ở đấy đã lấy cuốc bổ sọ người, xiên lưỡi lê vào xác trẻ em... Chẳng có ngoại bang Ta méc lăng nào đến, mà chính họ đã giết con dân họ tổng  cộng cũng tới mấy triệu người.

Thế giới văn minh cực điểm bây giờ có gì bảo đảm không bao giờ còn xảy ra cảnh đó nữa không.

Cả sân trại ắng lặng. Lại chỉ có tiếng lửa bập bùng. Không  ai trả lời được câu hỏi...

Người kể Khan lại trở về câu chuyện cổ tích của mình. Ông chỉ biết chuyện cổ tích. Còn chuyện hiện đại để người hiện đại kể và trả lời những câu hỏi của thời hiện đại.

*  *  *

*  *

*



Chuyện cổ tích là chuyện của xa xưa chứa bao điều huyền thoại, nhưng chuyện cổ tích của người Kakhan lại hoàn toàn là sự thật... Người kể Khan, mắt nhìn ngọn lửa đăm đăm. Bài Khan của ông đã hết hai chương, và bây giờ là chương cuối - …Năm tháng trôi qua, những người Kakhan không sống nổi dưới ách bạo tàn của quân Sarát đã tìm đường chạy trốn - Người kể Khan kể tiếp - Dung nham núi lửa Lôi Sơn qua nhiều năm đã nguội, cỏ lại mọc lên xanh tốt, muông thú, chim rừng và bướm trắng lại trở về. Một nhánh người Kakhan từ Mê Giang trở lại sa mạc, lộn lại dặng Đá Đen, về lại thảo nguyên chân núi Lôi Sơn. Ngọn núi lửa hình phễu trắng xóa tuyết phủ sừng sững ,cảnh cũ người xưa. Thế hệ trở về nhớ câu chuyện cũ qua lời kể của ông bà.

Những người Kakhan làm nhà dựng cửa, và sôi sục căm thù quân Sarát. Đại bộ phận giống nòi Kakhan còn ở đó, Mê Giang, dưới  sự giầy xéo của vó ngựa loài man rợ. Phải trả thù, phải giải phóng xứ sở Kakhan Mê Giang.

Những người Kakhan tập hợp dưới bóng cờ của thủ lĩnh trai trẻ mới nổi lên tên là Ghết man, y như ngày xưa theo chàng trai Phaxia đi tìm Đất Hứa. Cùng lúc ấy, một nhánh khác của người Kakhan Mê Giang ,xuôi dòng Mê Giang tìm được ra cửa bể. Những chàng trai chỉ quen với rừng núi thảo nguyên lần đầu tiên thấy sóng đại dương. Nhưng họ không sợ, và không có đường nào khác. Thà chết ngoài biển còn hơn quay trở lại làm nô lệ cho Sarát. Người cầm đầu tên là Alan Sa cùng bạn bè lên một đoàn thuyền buôn vượt đại dương. Họ đánh bạc đời mình với sóng biển. Bão tố đã vò nát đoàn thuyền buôn vỡ vụn thành những mảnh ván, nhưng may sao con thuyền của Alan Sa thoát nạn. Sóng yên, biển lặng, họ trôi dạt được vào một bến bờ. Alan Sa tận mắt chứng kiến những điều kỳ diệu ở cái thành phố biển này. Ở đây không có các lò rèn đỏ lửa rèn giáo gươm, mà là những xưởng đúc rót sắt gang vào khuôn để thành máy móc. Ở đây, không phải là ngựa phi, mà là cả khối sắt phun khói tự biết đi... Không phải lưỡi gươm chém cổ người mà là khẩu súng có nòng dài, rãnh xoắn, đẩy viên đạn ra xa.

Alan Sa và các bạn mình vào học việc trong một xưởng chế tạo súng. Cánh tay con người ngắn lắm, lưỡi gươm ngắn lắm, nhưng đường đi của viên đạn thì rất xa.

Nghe nói thời cổ đại ở miền đất phía Đông nào đó trên địa cầu có nhiều mỏ diêm sinh, là chất dễ cháy. Người ta đã biết nhồi diêm sinh vào ống tre rỗng đã khoan thông mấu đốt, đặt viên bi đá vào đó, đốt diêm sinh cho bi đá bắn đi. Đó là khẩu súng đầu tiên của loài người.

Bao thế kỷ trôi qua, những người ở bờ biển phía Tây này đã biết chế ra những khẩu súng nòng dài rãnh xoắn. Viên đạn qua nòng rãnh xoắn biết xoáy như con quay trong không khí, đi thẳng hướng đến mục tiêu, không bị xiên xẹo. Đã thế người ta lại biết chế ra viên đạn hình trụ dài ,nén nhiều thuốc nổ mạnh hơn diêm sinh.

Alan Sa và các bạn học nghề làm súng nòng rãnh xoắn. Anh mua được nhiều thuyền súng bằng lời hứa khi đuổi được bọn Sarát ở Mê Giang, sẽ trả giá gấp trăm ngàn lần.

Thuyền súng gối sóng trở về Mê Giang. Họ tụ tập nhau trong hang sâu, núi cao hiểm trở. Họ hẹn hò cùng thủ lính Ghết man ở Lôi Sơn, dẫn các dũng sĩ vượt Đá Đen, sa mạc, trở về phối hợp...

Một ngày kia giữa trời quang mây tạnh, một cơn sét kinh hoàng giáng xuống Tháp Sọ Người , nơi quảng trường kinh đô Sarát, bên bờ Mê Giang. Bẩy vạn hồn oan cùng rú lên nỗi uất hận chuyển động bầu trời.

Bọn Sarát bao năm bao đời phè phỡn, ngày càng ngông nghênh. Rượu lúa mạch vàng trồng trên phù sa Mê Giang ngọt cháy môi. Chúng ngất ngây, cầm gươm chỉ phía trời xa, đắc thắng cả cười, nhìn dân Kakhan khom lưng làm nô lệ. Nghe nói quân Kakhan từ rừng núi tiến về kinh đô Mê Giang, chúng nhếch môi cười. Mấy đời, cụ, ông, cha, con, cháu... chúng đã quen san phẳng mọi thành trì, làm cỏ những kinh đô đối phương, đốt sạch, giết sạch để lấy đất trồng cỏ nuôi ngựa. Dân tình từ Tây sang Đông, Nam lên Bắc đều phải hàng phục dưới vó ngựa của chúng. Con, cháu, anh em các tiểu hãn, đại hãn Sarát đã được phong vương cai quản các miền đất rộng dài, y như là Thượng đế quá nhiều đất phải mời chào chúng để đến làm chủ.

Để có thửa đất, người ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền bạc để mua, bao nhiêu giấy tờ chứng nhận phiền toái. Nhưng với bọn xâm lăng, cả quốc gia lãnh thổ kẻ khác, về tay chúng, mà chả mất một đồng mua, chẳng cần một giấy tờ chuyển nhượng, chẳng cần nhờ Thượng đế ký tên đóng dấu.

Bọn Sarát, vó ngựa phi đến đâu, biên cương lãnh thổ quốc gia của chúng di chuyển đến đấy. Lưỡi gươm cắm xuống đất làm mốc. Sọ người là các hòn đá cõi. Máu người là mầu son con dấu...

Những tên thủ lĩnh con cháu của Ta méc lăng ngông nghênh kiêu ngạo từ kinh đô phi ngựa đến miền đồi nơi quân Kakhan khởi nghĩa. Một rừng kị binh Sarát xông lên, gươm khua hoa mắt, cùng tiếng reo hú man dại. Chúng đinh ninh là chỉ trong chớp mắt nữa thôi, đầu Kakhan lại rụng như sung, máu lại tuôn thành suối. Chúng ngạc nhiên vì đã lâu lắm rồi, có đoàn quân nào dám chống lại chúng đâu. Sao bây giờ... Âu cũng là một dịp để kỵ binh Sarát tôi những lưỡi gươm mới rèn trong máu.

Những lưỡi gươm Sarát hươ lên tưởng như có thể chém được cả mưa dứt hạt. Nhưng kìa... đoàng đoàng đoàng... những viên đạn của nòng súng trường rãnh xoắn bắn từ xa, cứ như có mắt, không lệch một ly, ghim vào ngực các kỵ sĩ chiến binh tiên phong nhất của Sarát.

Chúng không hiểu gì cả. Máu từ viên đạn đổ ra không nhiều bằng máu từ cổ bị chém. Nhưng hàng quân Sarát cứ bị đốn ngã rơi từ trên mình ngựa xuống như sung rụng.

Đoàng đoàng đoàng... Những tràng súng reo vang. hai thủ lĩnh Ghết man và Alan Sa của Kakhan dẫn đoàn quân súng trường lao thẳng vào hàng quân Sarát. Chúng vẫn chưa hiểu lắm, nhưng người đã chết ngổn ngang. Những viên đạn xé gió dữ dằn từ xa, làm cho chiến binh Sarát chưa kịp phi ngựa đến, chưa kịp vung gươm thì đã ngã rồi. Những con ngựa hí kinh hãi. Lần đầu tiên chúng nghe thấy tiếng nổ đinh tai, làm bốn vó chúng phải chùng.

Đoàng đoàng đoàng... Hết lượt hàng chiến binh này đến hàng chiến binh khác của Sarát gục ngã. Các chiến mã mất chủ trên yên sợ hãi quay đầu bỏ chạy.

Huyền thoại chiến binh Sa Rát bao đời làm sởn tóc gáy mọi người, bắt đầu sụp đổ .Gươm không đọ nổi súng. Một rừng súng trùng điệp đồng thanh nhả đạn làm những tiểu hãn đại hãn thông minh nhất của Sarát bừng tỉnh. Trời đất đã thay đổi. Thần linh đã đổi thay... Xác Kakhan xưa lợp kín  mặt thảo nguyên bao nhiêu thì bây giờ xác những chiến binh Sarát cũng lợp kín mặt thảo nguyên như thế...

... Đống lửa sân trại đã gần tàn. Sương đêm lành lạnh. Giọng người kể Khan hào hứng, dồn dập, phấn khích. Những người ngồi  nghe ,reo lên se sẽ. Rồi không kìm được, họ vỗ tay vang dội, y như họ đang ở trong đoàn người chào đón các chiến binh Kakhan chiến thắng trở về...



3 - 4 - 2012




Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012


NĂM  2012,XEM LỊCH CỔ MAYA

Thăm Mêhicô

                     Thánh địa Maya

Tháp Chichchen  Itja

                    Xem lịch cổ

Kết thúc chu  kỳ thứ 13

Năm 2012-    Ngày tận thế!



Không thể tin

Không bao giờ

                      Ồ, không thể

Nhưng giật mình

                      Thế giới hôm nay

Tên lửa Hành trình đã triển khai dày

Nút bấm Hạt nhân trong tay Tổng thống

Nếu bấm bấm và bấm bấm

Trái đất sẽ còn gì

Mà không như cuốn Lịch Cổ kia

                      11-6-2012

                NGUYỄN PHAN HÁCH
V