CẢI LÃO HOÀN ĐỒNG
Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách
Ông Đức Phương lái chiếc Ni San màu lá mạ giữa dải đồi trung du biếc xanh. Đồi nối đồi gối nhau cao dần thành núi trập trùng, rừng già thâm u. Ông Phương thích du ngoạn cảnh hoang dã. Quá sợ nơi chật chội ngột ngạt phố phường, đến đây thấy lòng thư thái thanh bình.
Sáu mươi nhăm tuổi, về hưu ,ông Phương đã hiểu hết nhân tình thế thái sự đời, không còn mơ hồ ảo tưởng gì. Đời là một cuộc tào lao, đời chỉ có thế thôi, không có gì ghê gớm. Đời như “bóng câu” qua cửa sổ. Không ngờ lại nhanh thế... Vừa mới ngày nào còn là đứa trẻ con, mà giờ đã tóc hoa râm. Ông Phương xưa là cậu học trò áo nâu chân đất phố Huyện, xách bao gạo, chai tương đi trọ học. Học giỏi quá , được đi Liên Xô, vào trường Lômônôxốp. Ở đây cũng lại giỏi quá, thành giáo sư tiến sĩ Kinh tế chính trị học. Về nước, bao nhiêu năm làm Trưởng khoa, Chuyên gia đầu ngành, Ủy viên hội đồng nọ hội đồng kia, Viện sĩ nọ viện sĩ kia... đủ cả. Sách viết vài pho, báo hàng trăm bài, lên ti vi phân tích tình hình kinh tế thế giới, trong nước ai cũng biết mặt biết tên. Nhưng mà rồi cũng thế thôi, chả làm gì. 65 tuổi về hưu, giờ thì đi ngao du phong cảnh thiên nhiên cho vui.
Tạo hóa thật oái oăm, giới hạn thời gian đời người. Đáng trách tạo hóa thật. Những ông già tiếc đời quá. Sắp chết. Những ông già từng sống một đời oanh liệt, tay trắng làm nên sự nghiệp, gia sản, thế mà bây giờ đành bất lực trước thời gian. Cái chung cục đến gần. Vỡ mộng về cuộc đời quá... “Những ông già tóc bạc phơ phơ/ Đi trên đường phố/Những ông già là hiện thân/ Cửa sự vỡ mộng cuộc đời/ Những ông già/ Có thể đã làm mưa làm gió/ Nhưng bây giờ là biểu tượng của sự vô nghĩa cuộc đời/ Những ông già bây giờ/ Chán cả thượng đế...”.
Ông Phương đã làm thơ về tuổi già như thế. Đúng quá. Những ông già bây giờ không mong giàu có, ăn ngon, mặc đẹp, sang trọng xa hoa gì hết. Chỉ mong trẻ lại. Chỉ được trẻ lại, những ông già mới không chán thượng đế nữa... Ôi, ước gì bây giờ ta lại về mười tám, đôi mươi.
... Chiếc Ni San đã đi khá sâu vào rừng già. Suối trước mặt trong vắt, bờ phủ ngập lá vàng. Suối mất hút đi sâu dưới những tàng cây cổ thụ.
Ông Phương dừng xe, đi bộ, leo đỉnh Bảo Đàn. Mấy cô gái Mán Thanh Y váy thêu rực rỡ, lên nương, chòng chọc nhìn ông. Vai đeo khẩu súng săn “làm duyên”, không bắn phát nào, ông bước trên các bụi rậm làm những con diều hâu giật mình vỗ cánh bay tít lên trời xanh.
Sương chiều bảng lảng tím, rừng lên hương thơm mùi lá non, mùi quả chín, mùi hoa dại. Rẽ lối ngoặt, ông đến một mỏm núi cổ quái, nếu đứng xa thì nhìn giống cái đầu Trâu. Hoa dại trên núi rực rỡ, đẹp mê hồn. Những con bướm rừng cánh to hoang dại, gợi sắc màu huyền thoại... Ông Phương săm săm bước. Ông thích ru mình trong không gian mộng mơ huyền ảo. Bất ngờ khuất lấp sau cổ thụ khổng lồ, lộ ra một cái hang nhỏ. Vốn thích du lịch mạo hiểm, từng một mình vào sâu hang Phong Nha Quảng Bình, ông Phương mê các hang động. Súng săn hạ xuống cầm tay, ông bước lần theo những bậc đá thiên nhiên. Ngày xưa ai là người tìm ra Tam Thanh, Nhị Thanh Lạng Sơn. Nước mình nhiều núi đá vôi, nhiều hang động thạch nhũ, người ta chưa khám phá hết. Nếu mình phát hiện ra một hang động mới ở triền núi Bảo Đàn này, thì nơi đây sẽ thành điểm du lịch mới, và như thế là mình đã làm được một việc thú vị.
Hang sâu mỏm Đầu Trâu (Ông Phương tạm đặt tên) dãy Bảo Đàn này khá sáng sủa. Nóc có lỗ thủng lớn, nhìn rõ trời xanh ngắt, mây trắng bay. Đi vài bước thấy một hồ nước nhỏ xanh như pha mực, do nước ngầm hay nước mưa đọng . Hơi hang lạnh buốt, sực mùi ngai ngái khác lạ.
Cái hang hoang dại hoàn toàn, cột đá nhũ óng ánh huyền thoại, gõ nghe coong coong âm vang.
Thật hay, ta là người đầu tiên khám phá ra cái nơi này chăng?
Đi quanh quẩn chợt ông Phương nhìn thấy một khóm hoa trắng mọc dưới chân cột nhũ đẹp nhất. Hoa gì mọc được ở đây. Nhánh non tơ vươn ra từ kẽ đá. Giống hoa Nhài, giống nấm Tây Tạng.
Mùi thơm khác lạ, cảm nhận như mùi thuốc mê, ông Phương bắt đầu thấy choáng váng, hoa mắt. Đọc báo thấy nói có loại Hoa Tân Đàm mọc trong hang nhũ, một ngàn năm mới nở một lần, ai hái được có diễm phúc lớn...Ông Phương từ trẻ học ở Liên Xô, chỉ tin ở Duy vật, thực nghiệm khoa học, không tin thế giới tâm linh thần thánh. Nhưng sáu mươi nhăm năm cuộc đời đã qua ,làm ông phải tự nhận thức lại. Hình như cuộc đời có huyền bí. May rủi, vận hạn, số phận. Chẳng có khoa học nào giải thích hết được cuộc đời. Bộ óc thông minh tuyệt đỉnh của ông đã phải bớt kiêu ngạo đi một chút. Khoa học là kỳ diệu nhưng không phải vạn năng. Hạt gì, hạt gì với mọi dạng , cấu trúc ra vật chất. Đúng quá, nhưng phải hỏi cao hơn nữa: Những cái hạt ấy ở đâu ra, tại sao lại có. Thôi, cứ phải quy ước với nhau là có “đấng Tạo hóa” (gọi nôm na là Giời) sinh ra tất cả. Vũ trụ mênh mông, nhưng tại sao lại có vũ trụ. Tại sao lại có thời gian, không điểm xuất phát, không nơi kết thúc.Tế bào nọ, tế bào kia cấu tạo nên thân thể con người, nhưng cái gì làm nên tâm hồn, trí óc…
Hoa Tân Đàm một ngàn năm mới nở một lần, thật là chuyện hoang đường với nhà Thực vật học. Nhưng hôm nay, ở đây, ông Đức Phương đã thấy...
Ngắt hoa, một thứ nhựa trắng chảy ra, giống hệt tia sữa của người mẹ, làm ông Phương giật mình. Đút hoa trong túi xách, trở ra giữa lúc gió ào ào thổi vào hang đá. Lá khô bay tối mắt, quất vào mặt rát rạt. Gần như gió nâng bổng ông lên rồi cuốn ra ngoài.
Nắng rừng chiều tắt nhanh, hoàng hôn sương núi tím nhạt. Chiếc Ni San phóng nhanh rời cửa rừng đi về huyện lỵ Bảo Đàn.
Trời xập tối. Thị trấn miền núi hoang sơ thơ mộng. Đèn đường nhòe mờ sương mù. Tiếng chim rừng lảnh lót đầu phố. Ông Phương thuê phòng Nhà Nghỉ mang tên Hoa Rừng. Buổi tối ăn cơm với thịt hoẵng, sau đó tắm bài thuốc lá dân gian do một cô người Dao mát xa. Một ngày mệt mỏi, ông ngủ thiếp đi, chiếc túi có hoa Tân Đàm để đầu giường.
* * *
* *
*
Cô tiếp tân nhà nghỉ Hoa Rừng thị trấn Bảo Đàn ngờ ngợ, nhưng không kịp phản ứng ,khi thấy tối qua một ông phong độ, tóc hoa râm vào nhà nghỉ nhưng sáng nay trở ra lại là một chàng trai.
Dáng điệu vội vã, chàng trai phóng chiếc Ni San đi.
Thị trấn Rừng buổi sớm, chim hót véo von, các cô gái Thanh Y váy thêu rực rỡ, che dù ,gùi củ rừng đi bán. Chiếc Ni San rẽ vào một lối mòn hoang vắng, âm u cổ thụ. Chàng trai chạy lại soi bóng trên hồ. Nước mênh mang trong vắt soi ánh mây trời. Dưới kia hiện lên một chàng trai trẻ măng 20 tuổi, mặt trái xoan, tóc bồng bềnh, dáng thư sinh.
Rừng cây, hồ nước, bầu trời quay đảo. Dưới kia là một chàng trai...
Sáng nay từ trên giường nhà nghỉ, vào toa lét, ông Đức Phương đã hét lên, ngã xòai. Trong gương là thằng Phương học sinh cấp III phố Huyện 40 năm trước.
Thế là thế nào? Ông Phương hoảng sợ, rời nhà nghỉ chật chội để đến với không gian rộng lớn này, một mình định thần lại.
Ảo ảnh? Nhưng ảo ảnh chẳng mờ nhòe, mà càng nhìn càng rõ mồn một. Giấc mơ? Mơ chỉ vài giây. Đằng này là cả một chuỗi hành động: phóng xe, soi gương...
Gió thổi sóng hồ lớp lớp xóa nhòa hình ảnh chàng trai trẻ. Nhưng chàng trai trẻ đã có thật ở trên đời này. Ta là một chàng trai – Ông Đức Phương hét lên.
Gió đem tiếng vọng đi xa.
- Ta là một chàng trai...
- Là chàng trai...
Những vòm lá rì rào nhắc lại... Ông Đức Phương lăn đùng ra cỏ, sung sướng, giãy giụa. Tiếng cười vang lên giòn giã. Cười thi với hàng cây, hồ nước, đồi cỏ...
Nhưng tại sao ta lại thành một chàng trai? Niềm mơ ước ngàn vạn năm từ thuở có loài người, bây giờ, lần thứ nhất, thành hiện thực.
Hoa Tân Đàm một ngàn năm mới nở một lần. Ai hái được nó, người đó có diễm phúc. Ta đã có diễm phúc. Mình ta. Thế gian bảy tỷ người chỉ mình ta có diễm phúc này.
Trời ơi ,cẩn thận không phát điên đấy. Phải tỉnh. Không được điên. Phải làm chủ mình. Thế giới huyền bí, không khoa học nào giải thích được. Tạo hóa làm ra tất cả. Tạo hóa cho ta được trẻ lại. Lý lẽ rõ ràng là như thế. Tạo hóa tạo nên ta từ hạt bụi tinh vân, cho ta thân xác và trí tuệ, tâm hồn. Giờ tạo hóa cho ta trẻ lại. Đó là chuyện... khoa học!
Trời ơi, sung sướng biết chừng nào. Ta, chàng trai 20 tuổi ngập tràn sức sống thanh xuân, giáo sư, tiến sĩ, chủ khách sạn kiêm nhà hàng “Mê Trang” năm tầng rộng lớn ở phố trung tâm, tiền vàng đầy trong két... Có ai bằng ta bây giờ.
Chiếc Ni San nổ máy giòn tan như cũng muốn reo lên với chủ. Tạm biệt xứ núi Bảo Đàn, nó về thành phố. Xứ núi thần tiên đã làm nên chuyện thần tiên.
Chiếc Ni San như mọc cánh cướp đường vun vút. Đường núi ngoằn ngoèo. Rồi đường trung du đầy hoa Mua tím. Hết đường hoa Mua đến đường hoa Cúc dại đồng bằng. Cao tốc một chiều. Sắp về đến Hà Nội. Ông Đức Phương, à quên, giờ là chàng trai Đức Phương sung sướng nghĩ đến giây phút xuất hiện trước cửa Mê Trang, trình diện gương mặt thanh xuân kỳ diệu của mình.
Cửa ô Hà Nội. Xe tắc lại, kẹt cứng. Bắt đầu thấy sự khó chịu của cuộc chen chúc đời thường. Một chiếc côngtenơ dài như toa tàu ầm ầm vượt lên. Đức Phương ngoặt nhanh tay lái để tránh, húc vào một chiếc Huyndai. Hai đầu sườn xe tóe lửa. Người lái Huyndai mở cửa quát:
- Thằng ranh, mày đi thế à?
Đức Phương cãi lại:
- Ông sai...
- Thằng mặt còn hơi sữa. Ông vặn cổ mày bây giờ.Mày có bằng lái không. Ăn cắp xe của bố trong gara đi chơi chứ gì...
Chiếc Huyndai phóng đi, xịt lại luồng khói giận dữ.
“Thằng ranh” “Thằng mặt còn hơi sữa” – lời mắng của ông lái Huyndai làm Đức Phương giật mình chột dạ. Đèn phố đường nhấp nhóa, xe như mắc cửi dọi pha lóa mắt, các thành xe ken xít nhau... Tự nhiên Đức Phương cảm thấy mất tự tin, điều khiển xe chuệch choạc. Không hiểu sao tiếng trống ngực đánh thình thịch, hồi hộp. Tạt vào chỗ đỗ ngay, nếu không sẽ va quyệt như chơi. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu: bây giờ, ta, chàng học sinh cấp III trường Huyện, đỗ xe bên đường, vào khách sạn Mê Trang, và gọi “Ngần ơi (vợ ông) anh đã về” thì sẽ như thế nào? Reo mừng sung sướng chăng? Phan ơi (con giai) bố đã về... Thằng Phan 35 tuổi, tóc cắt trọc, râu mép xanh rì, tay chân như hộ pháp, sẽ gọi thằng ranh con học sinh cấp III trường Huyện ẻo lả thư sinh này hai tiếng “Bố ơi” chăng? Hay nó sẽ túm gáy Đức Phương như túm gáy con mèo hỏi: “Mày là thằng nào? Mày từ trại tâm thần đến đây à... Ông vặn cổ bố mày bây giờ chứ lại”.
Nghĩ đến đây, Đức Phương run lên bần bật. Suốt đoạn đường miền núi, trung du, Phương chỉ ngập tràn niềm vui huyền diệu, chả nghĩ gì. Về đến phố, ý nghĩ này mới bật ra. Mà bật ra có lý, rất đúng quy luật, rất khoa học.
Trời ơi, bỏ mẹ rồi. Điều hiển nhiên này không thể nào tránh được. Làm thế nào bây giờ. Làm thế nào mà một thắng ranh con lại trở về Mê Trang làm chủ cơ ngơi, làm chồng bà Ngần cổ đeo mấy hạt kim cương, làm cha thằng Phan ăn chơi lốc giời, và luôn thích cà khịa.
“Để yên bố kể. Bố vào hang thần trên núi Đầu Trâu – Bảo Đàn, hái được hoa Tân Đàm. Ai hái đươc hoa Tân Đàm người đó trẻ lại... Ông Đức Phương ngồi tưởng tượng và phác ra kịch bản diễn biến, vạch kế hoạch thuyết phục vợ con...
- Hoa gì – Thằng Phan hỏi (nó sẽ hỏi như thế). Hoa gì – Bà Ngần hỏi, bà ấy cũng sẽ hỏi như thế.
- Hoa này ngàn năm mới nở một lần dưới chân nhũ đá.
- Nghìn năm mới nở một lần?
- Đúng thế...
Tất cả nhân viên tiếp tân trong nhà hàng thấy chuyện lạ, xô lại.
- Hái hoa này trẻ lại. Thế là tôi, Đức Phương 65 tuổi, trẻ lại thành thế này.
Cả nhà hàng cười ré lên sặc sụa. Mấy người khách nước ngoài đang uống cà phê cũng chạy lại. Một mẻ cười vỡ bụng.
- Kìa em, em không tin à? -“ Ông” Đức Phương quàng tay kéo cổ bà Ngần lại.
“Bốp”, một quả đấm của thằng Phan giáng vào mặt “bố” Đức Phương, máu mũi chảy ra:
- Gọi ngay xe đưa thằng này về trại tâm thần.
- Chứng minh thư đây, điện thoại Aiphôn đây, chiếc Ni San đây...
Tất cả là bằng chứng – Ông Đức Phương trưng ra hiện vật.
Chứng minh thư? Đúng rồi, ảnh ông Đức Phương có dấu nổi. Aiphôn, đúng rồi, các tin nhắn của bà Ngần, thằng Phan còn đây. Và chiếc xe... Đúng khít 100%.
- Thôi chết rồi – Thằng Phan hét lên – bố đi đã hai ngày nay, không điện thoại về. Thằng điên này giết bố, đoạt lấy các thứ này.
- Ối giời ơi,..-. Bà Ngần gào thét.
Cả đám nhân viên và khách hàng không còn cười hô hố được nữa, mà câm bặt, kinh hãi.
- Vì nó điên, nên không biết gì. Lấy được các thứ này, lại thản nhiên đến đây, bịa chuyện trẻ lại...
- Cẩn thận nó có hung khí trong người. Khống chế ngay nó lại.
Mọi người xô vào tóm chặt, trói hai tay quặt đằng sau.
- A lô đồn Công an... – Thằng Phan gọi cảnh sát.
Tình hình nguy kịch nhân lên gấp một triệu lần. Đức Phương bị gô cổ đến Cục điều tra hình sự. Tang chứng, vật chứng đã rành rành. Ông Đức Phương mất tích. Còn thằng ranh này thì có trong tay chứng minh thư, điện thoại, xe Ni San của ông ấy.
- Khổ quá, tôi chính là Đức Phương trẻ lại mà. Để tôi kể từ đầu sự việc... Hoa Ưu Đàm...
- Câm mồm – Điều tra viên quát – Tao không điên như mày. Dù là tâm thần nặng thì mày vẫn còn một khu vực tỉnh táo. Mày biết lái xe an toàn đến Mê Trang, vậy là mày còn chút trí khôn. Khai ngay, tại sao mày có những thứ này...
- Thì chính của tôi mà...
- Thế ông Đức Phương đâu?
- Chính tôi đây.
Điều tra viên cười gằn mệt mỏi. Thẩm vấn thằng điên thật khổ, như đấm bị bông.
- Tao không có thời gian, thằng oe con. Mấy vụ án hình sự, cướp, hiếp, giết đang đợi tao. Tao mệt lắm rồi. Đừng làm tao nổi nóng, không hay đâu.
- Thế ông bảo tôi nói thế nào?
- Nói mày đã giết ông Đức Phương rồi giấu xác ở đâu?
- Nếu giết ông ấy thì tôi phải trốn chứ. Sao lại về Mê Trang.
- Vì mày điên, không biết gì nữa. Nhưng bà Ngần, anh Phan, và tao không điên như mày, nên không thể tin cái chuyện hoa Ưu Đàm của mày.
Trời ơi, ông Đức Phương phát khóc. Không ai tin Đức Phương chính là Đức Phương nữa. Và ai cũng kết luận Đức Phương đã giết Đức Phương. Đời này mình tự mình giết mình nhiều chứ...
... Mồ hôi toát ra đầm đìa. Ngồi trong ô tô chàng trai trẻ Đức Phương bật khóc hu hu sau khi tưởng tượng hết màn kịch. Thật tuyệt vọng rồi. Thôi bây giờ chỉ có Đức Phương cứu Đức Phương. Khôn hồn thì trốn đi ngay. Tội giết người, sẽ tử hình đòm một phát, không trệu đi đằng nào.
Ôi trẻ lại, thanh xuân, vào đời mới chửa biết đâu, nhưng phải xuống âm phủ là cái chắc.
Trời đất cha mẹ ơi, tự mình rước họa vào mình. Làm thế nào bây giờ. Ta không muốn chết. Đức Phương không muốn chết...
Bộ óc thông minh tuyệt đỉnh của Giáo sư tiến sĩ kích hoạt tức thì. Không thể ngồi đây than vãn sướt mướt được nữa. Hành động ngay. Tỉnh táo và quyết đoán, không được sai lầm một chi tiết. Bây giờ ta đang là “thủ phạm giết người’. Tên giết người có kịch bản trốn như thế nào thì ta phải thực hiện như thế...
Chiếc Ni San quay mũi ngược trở lại. Chỗ chân cột cây số Hà Nội km3 có khe hở. Phương đút hộp nhựa gioăng kín đựng chứng minh thư và điện thoại Aiphôn vào đấy, lấp gạch, phủ cỏ lên.
Còn chiếc xe, cũng “phi tang “dễ ợt. Gửi vào một Ga ra ngoại ô. Đi bộ trở ra, thế là xong.
Nhìn mình trong gương kính cửa hàng, Đức Phương thấy cần phải “đổi lốt”. Thân xác trẻ, nhưng vẫn trong bộ áo kẻ sọc xanh, quần vàng kem, giày Italia của Đức Phương già. Như một gián điệp thiện nghệ, Đức Phương trẻ vào sắm bộ quần áo mới. Thay ngay trong cửa hàng. Đồ cũ, cả túi xách, thắt lưng, ví da... gói một bọc ra bờ sông buộc gạch vứt cho chìm, không còn một dấu vết gì nữa. Cả cặp kính, cả cái bút Môngbờlăng, không tiếc. Đức Phương trẻ trần xì, với ít tiền trong túi....
Chiếc xe buýt bên đường đỗ lại đón khách. Phương trèo lên nhanh nhẹn, thanh thản. Xe chuyển bánh. Bến thứ nhất, mọi người lên xuống xôn xao. Bến thứ hai, cũng xôn xao lên xuống. Bến thứ ba... Ta về đâu? Ta xuống bến nào, Đức Phương tự hỏi.
Hà Nội vào đêm rực rỡ. Người xe đi lại như nước chảy. Những chàng trai cô gái dạo phố. Những bà hồi xuân, đỏm dáng, mặc váy ngắn hở chân phóng xe SH veo véo...
Xe buýt đã đến bến cuối cùng .Đức Phương đành phải xuống. Xuống rồi, không biết đi đâu. Một nỗi buồn cô đơn vô hạn, lòng anh se lại.
Hà Nội về khuya, các quán cà phê ca nhạc tấp nập. Nhưng chỉ trong các quán, còn ngoài đường vắng dần.Gió cuốn bay lửng lơ những chiếc lá vàng. Đèn đêm trong sương mờ nhòe như ngấn lệ. Thấp thoáng sau cửa kính hàng phố, những bà chủ nhà đang kéo cửa xếp...
Đức Phương vẫn đi lang thang.Cả ngày nay mệt nhoài, chưa ăn gì ,giờ mới thấm đói. Mùi phở đêm thơm nức xộc vào mũi. Phương vào gọi một bát tái nạm gầu. Cả năm chả mấy khi ăn, giờ thấy phở ngon kỳ lạ. Xì xụp, xì xụp, húp cạn cả nước.
Đồng hồ Tháp bưu điện điểm 12 tiếng. Ngủ đâu đêm nay. Vườn hoa nhỏ, mấy ả gái bán hoa hết đát, chân tay mẩn đỏ, đứng chờ khách. Vào ghế đá kia làm bạn với mấy đứa bụi đời chích choác chăng?
Phương rùng mình. Ôi, phòng ấm nệm êm trong Mê Trang không nằm... Đời ơi, sao lại ra nông nỗi này. Nhưng thôi, than thân trách phận làm gì. Quá 12 giờ đêm rồi, không tìm chỗ ngủ nhanh, cảnh sát đi tuần, lôi thôi đấy...
Đức Phương vào một nhà trọ bình dân toàn khách đầu đường xó chợ. Không giấy tờ chứng minh nên phải tìm loại nhà trọ dưới đáy. Chui vào chiếc phòng cả chục người hôi hám, suốt đêm chong chong không ngủ. Sáng sau thoát nhanh ra đường, mặt không rửa, răng không đánh, lại đi lang thang. Bản năng sinh tồn kích hoạt trí não nghĩ kế để thích nghi, tồn tại. Đầu tiên phải nghĩ một cái tên mới. Tên mình giờ là Hoàng Khắc Đan. Khắc Đan khác hoàn toàn với Đức Phương, không sợ nhịu mồm nói nhầm được...
Khắc Đan đến một ngõ nhỏ chợ Đồng Xuân thuê làm chứng minh thư mới. “Hiệu ấy” chuyên làm giấy tờ giả. Chứng minh thư khó gì. Có giấy tờ tùy thân thì mới sống ở Hà Nội được. Tối, muốn ngủ đâu thì ngủ, không sợ công an kiểm tra...
Một tuần trôi qua, một tuần Khắc Đan vật vờ như cái bóng ở vườn hoa, bến ô tô buýt, quán chè chén... và thế cũng có nghĩa là ông Đức Phương, chủ khách sạn Mê Trang mất tích đã một tuần. Giờ này chắc vợ con ông ấy đang phát điên. Đã trình báo công an, và mọi người đang đi tìm. Một vụ ly kỳ, báo mạng chắc đã đưa tin, bởi ông Đức Phương đâu phải “vô danh tiểu tốt”. Bao nhiêu học trò ở các trường đại học. Bao nhiêu khán giả của chương trình ti vi mục “Bình luận Kinh tế”...
Khắc Đan vào quán Internet trong ngõ nhỏ. Một bọn choai choai đang chơi Game như nhập đồng. Mở máy, quả nhiên thấy Express thông tin ông Đức Phương mất tích.Nhận dạng: Mặt trái xoan, tóc hoa râm, có nốt ruồi dưới môi, áo kẻ xanh, quần vàng nhạt, lái chiếc Ni San Số hiệu 00ZXY. Ai trông thấy ông, xin báo về số điện thoại .Y. X.Z... hoặc đồn công an gần nhất.
Vài hôm sau, Express lại đưa tin đã tìm thấy chiếc Ni San trong ga ra ngoại ô. Người trông xe miêu tả đối tượng đến gửi là một chàng trai trạc 20 tuổi, thư sinh, tóc bồng bềnh, mặt trái xoan...
Dư luận dự đoán đấy là thủ phạm đã hại ông Đức Phương, cướp tiền bạc, xe... Nhưng sợ bị lộ, không nuốt trôi, nên gửi vào Ga ra...
Khắc Đan thở phào, hú vía. Nếu còn lấn bấn với cái xe, giờ chắc bị tóm rồi.
Ở quán Internet ra, Khắc Đan – Đức Phương về nằm bẹp trong nhà trọ ,không dám ra đường, sợ người ta nhận diện. Nghe ngóng yên hàn mới ló mặt. Nhưng luôn tránh chỗ đông người. Nhất là những chỗ có bóng sắc phục công an... Trước đây, giáo sư tiến sĩ ,“nhà trí thức cấp tiến” Đức Phương luôn lên tiếng phản biện, phê phán xã hội, chả sợ gì ai. Vậy mà bây giờ mới thoáng trông thấy bóng màu áo xanh lục của anh binh nhì an ninh, tim đã đập thình thịch...
Vụ án ông Đức Phương, dần rồi cũng nhạt. Vợ con và công an thì đã đi lùng xục khắp các ngả. Vô vọng. Lòng ông Đức Phương thương vợ thương con vô hạn. Họ đang đứng trên lửa ,ngồi trên than, đang dở sống dở chết vì ông. Ông thương họ, họ thương ông, nhưng bây giờ tìm thấy ông – tức chàng trai trẻ này – họ sẽ tặng ông án tử hình. Đời ơi, sao éo le thế này.
Thời gian trôi, mọi thứ dần chai sạn. Dù sao bây giờ phải tìm cách ổn định cuộc sống. Có chứng minh thư giả giống như thật rồi, bây giờ ta có “quyền tồn tại” dưới ánh mặt trời. Tự ta lo cho ta, vào đời kiếm sống y như những chàng trai khác.
Khắc Đan thuê một gian nhà trọ trong xóm nghèo toàn các “thành viên” xe ôm, chè chai đồng nát, chợ lao động, gái bán hoa hết đát.
Tiền trong túi dần cạn. Phải nghĩ cách gì tạm thời kiếm sống. Học tập các bác xe ôm, Đan mua một chiếc xe máy tàng tàng, ra đứng đầu đường. Phố đông, người như mắc cửi, chạy xe ôm thật căng thẳng. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ăn mặc nhếch nhác, mũ đội xùm xụp, hứng nắng hứng mưa, hứng bụi, mắt liếc loang loáng, thấy ai đi bộ qua, phải đon đả mời chào: ông (bà) đi xe?. Mỗi cuốc được vài chục ngàn, cò kè mặc cả, khách hàng hách dịch mắng mỏ...
Khắc Đan chán ngán. Vả lại khá nguy hiểm. Mình đang là đối tượng truy nã của công an, vậy mà suốt ngày dông ngoài đường. Dại dột thật. Bỏ nghề xe ôm, Đan làm phụ nề. Phụ nề là khuân gạch, xách vôi vữa, leo trèo tít trên cao, tướng “thư sinh” làm sao chịu nổi. Bỏ phụ nề, Đan xin sang nghề móc cống. Móc cống tuy vậy không phải mang vác quần quật như phụ nề. Móc cống là dùng gáo múc những đống bùn đen kịt trong các cống rãnh hè phố. Chui xuống ngầm, khơi thông nước chảy. Bẩn một tý nhưng không quá tốn sức, và không bao giờ có tai nạn...
Đêm đêm, trong xóm lao động, Đan phải “hòa đồng”, điếu thuốc ấm chè với các bác xe ôm. “Xã giao” trò chuyện với mấy cô đồng nát, mỉm cười với mấy ả bán hoa đanh đá sẵn sàng chửi vuốt mặt khi bị chạm nọc...
Trong cuộc đời móc cống, có một lần lòng Đan xao động, ấy là hôm vào móc cống ở “Học viện Kinh tế”. Ông Đức Phương xưa dạy ở đây, lãnh đạo khoa học. Chàng móc cống đứng nhìn giảng đường mênh mông. Giáo sư đang sang sảng giảng bài. Sinh viên chăm chú ghi chép. Bài giảng này chính là bài trong giáo trình của ông Đức Phương viết, các thế hệ giảng viên kế thừa...
Khắc Đan tưởng tượng bây giờ ta nhẩy phắt lên bục giảng, quần áo tanh tưởi mùi bùn, thao thao bất tuyệt, sẽ là một sự kiện động trời. Thằng móc cống giảng những điều có thể giảng ở bất cứ một trường Đại học danh tiếng nào trên thế giới.
Ta có thể làm chuyện ấy không? Mọi người sẽ chú ý đến ta, tất nhiên công an sẽ chú ý nhất. Và rồi sau đó là lôi thôi khủng khiếp. Lôi thôi đến mức có thể bị... tử hình!
Thôi, chả dại ,hãy đi trốn để yên thân và chờ đợi... Chờ đợi cái gì, không biết... Nhưng cứ chờ đợi...
Câu chuyện hái hoaTân Đàm hồi ấy diễn ra vào mùa hè. Hè rồi thu, đông, và tết. Hà Nội bừng lên náo nức đón tết. Các ngả đường tràn ngập hoa. Cúc vàng thắm, đào đỏ tươi...
Khắc Đan đảo qua phố trung tâm. Nhà hàng Mê Trang chăng đèn kết hoa rực rỡ. Nửa năm nay Đan chỉ dám đứng xa nhìn Mê Trang. Hôm nay anh đứng lâu hơn...
Hàng xóm khu nhà trọ đã về quê hết. Chỉ còn mình Đan, với gian bên là một cô chè chai đồng nát không chồng con, nên cũng ở lại.
- Năm nay tớ với cậu ăn tết chung – Cô nói. Cô hơn Đan gần mười tuổi, mắt mũi lúng liếng, luôn chăm sóc “cậu em”, mua rau mua cỏ hộ. Cô đã sắm đủ cành đào, cặp bánh chưng, gói mứt tết và bày bàn thờ...
Tối 28 tết, Đan đi lang thang đến tụ điểm ca nhạc bình dân phố Liễu Giang. Ngày xưa ông Đức Phương trong một lần đến đây đã gặp Vân Thúy. Thúy là ca sĩ nghiệp dư, khi lên sân khấu hóa trang đẹp như tiên, nhưng bên ngoài mắt hấp háy. Thúy hay hát nhạc vàng, ông Phương mê tiếng hát, mê vẻ đẹp trên sân khấu của Thúy. Bồ bịch, tặng rất nhiều quà. Mặc kệ cái mắt hấp háy ngoài đời.
Hôm nay Khắc Đan lại đến nghe Thúy hát. Hát tan, Đan lân la làm quen. Thúy 35 tuổi nên Đan phải xưng em. Hai người vào quán cà phê. Đan tin vào sức mạnh trẻ đẹp của mình để chinh phục Thúy. Khối “phi công trẻ” lái “máy bay bà già” trên đời. Nhưng cái “máy bay bà già” Vân Thúy này là con “cáo già”, nó cười khẩy khi nghe Đan tán tỉnh. Nó chịu ông Đức Phương già túi đầy đô la chứ không chơi với anh móc cống trẻ.
Đan về nhà, chán ngán. Đêm giao thừa, cô đồng nát hàng xóm mở rượu vang ngả nghiêng uống với Đan. Chỉ có hai người trong không gian gợi cảm. Rượu say, má cô đỏ hồng, khoảnh khắc, tý chút, mất gì, Đan ơi, tối nay ở đây chỉ có tớ với cậu...
* * *
* *
*
Khách sạn “Mê Trang” bao phủ màu tang đã bao nhiêu ngày. Bà chủ âm thầm như cái bóng. Cậu con giai không để đầu trọc nữa. Nhà hàng vẫn phải hoạt động để sống, cố gượng chăng đèn kết hoa, tạo không khí vui tươi cho khách.
...Quá nửa năm ,công an không tìm được tung tích gì của ông chủ. Nó chôn xác ông ấy trong rừng. Rừng mênh mông, biết chỗ nào...
Nhân viên Mê Trang đi lại ra vào se sẽ, không dám nhìn mặt bà chủ. Nhạc mở cũng chỉ những bài du dương buồn buồn...
Hôm ấy là thứ bẩy, bà Ngần đang ngồi ngoài phòng Riception thì có thư bưu điện chuyển đến.
Ngoài phong bì nét chữ ông Đức Phương. Bà hét gọi con giai. Thằng Phan vồ lấy...
“...Em Ngần yêu quý... Anh là Đức Phương đây. Anh không chết, em đừng buồn. Anh biết thời gian qua, em và con đau khổ nhiều, cho rằng anh đã bị kẻ gian giết chết để cướp của. Hoàn toàn không phải thế. Anh vẫn sống, và khỏe mạnh như thường.
Anh có lỗi với em nhiều, em tha thứ cho anh, đã làm em và con khổ. Em biết đấy, từ lâu anh vẫn muốn sang Mỹ để tiếp cận nền văn minh tiên tiến. Vợ bìu con ríu và trăm thứ ràng buộc, anh không đi được. Nay, nhà mình đã có cơ ngơi đầy đủ, anh và em đều đã già, lấy nghĩa làm trọng. Thời gian của anh không còn nhiều, còn ít năm, anh phải thực hiện ước mơ của mình. Anh giả đồ đi chơi, nhưng thực ra là ra sân bay đi du lịch Hoa Kỳ, rồi trốn ở lại. Được người quen giúp đỡ, bảo lãnh, nên kế hoạch thành công. Anh sẽ ở Mỹ vài ba năm, tùy diễn biến tình hình, rồi sau này anh sẽ về. Em yên tâm đừng lo gì.
Anh là người nhập cư bất hợp pháp, trốn chui trốn lủi, nên em và con đừng sang Mỹ tìm anh, rất nguy hiểm, anh có thể bị cảnh sát Mỹ bắt đi tù. Em có sang cũng không bao giờ tìm thấy, anh sẽ trốn không bao giờ cho em gặp.
Anh vẫn rất thương yêu em. Điều quan trọng là em hãy yên tâm không phải anh mất tích, hay đã chết.
Tái bút: Anh viết thư này trước khi lên máy bay, đưa cho một người lạ gặp ở sân bay. Thuê họ tiền, dặn họ 8 tháng sau hãy thả vào thùng thư bưu điện. Vì thế hôm nay, thư mới đến tay em...
Ngọc Phan con giai của Bố. Bố yêu con. Cứng cỏi lên, quản lý khách sạn Mê Trang cho tốt. An ủi mẹ. Vài năm nữa bố về. Tuyệt đối đừng đi tìm bố mất công vô ích.
Đức Phương...”
Lá thư như sét đánh giữa trời quang mây tạnh. Niềm vui vỡ òa. Thế là ông Đức Phương không chết.
Hai mẹ con như người sống lại, sung sướng, nhưng tỉnh táo phân tích:
- Muốn sang Mỹ sao không công khai bàn bạc với cả nhà, rồi tìm một biện pháp hợp pháp. Điều kiện sang Mỹ bây giờ đâu quá khó.
- Bố mày trốn đi cùng với một cô bồ trẻ nào đó nên phải giấu – Bà Ngần nói – Sợ bị ngăn cản.
Ý này nghe có vẻ có lý. Các ông già trên dưới 60 tuổi, con cái trưởng thành, nhà cửa đề huề rồi, thường hay đổ đốn thích các cô gái trẻ. Sẵn sàng bỏ hết nhà cửa vợ con để đi theo bồ.
- Đừng tin bức thư này vội – Ngọc Phan lật lại vấn đề - Có thể thằng sát nhân gí dao vào cổ bắt ông ấy viết bức thư này, để đánh lừa mọi người. Viết xong, nó giết ông.
Niềm vui như quả bóng xì hơi. Nhưng vẫn xen kẽ hy vọng. Dù sao vẫn còn niềm tin. Không tuyệt vọng hoàn toàn như trước. Dù sao vẫn vui. Ngọc Phan cầm lá thư đến cơ quan công an trình báo. Mở thêm một hướng điều tra mới.
* * *
* *
*
Chàng trai trẻ Khắc Đan ung dung bước vào sảnh chính khách sạn Mê Trang.
Đây là một “canh bạc”, một bước đi liều mạng. Cuộc sống dồn Đan đến chân tường. Làm móc cống khổ quá, không chịu nổi. Sự thất bại của “nghề móc cống” trước cô ca sĩ mắt hấp háy, làm Đan suy tính. Phải tìm lối thoát khác.
Cùng tắc biến, Đan nghĩ ra việc viết lá thư gửi vợ, nói rằng mình trốn đi Mỹ, để giảm sức ép điều tra hình sự tìm thủ phạm giết người của công an. Không hy vọng họ tin hoàn toàn, nhưng cũng tung hỏa mù, đánh lạc hướng làm họ không biết đằng nào mà lần.
Giảm được sức ép ấy rồi, Đan sẽ xin vào làm bưng bê trong Khách sạn Mê Trang. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Đan sẽ đột nhập văn phòng ông Đức Phương. Dưới nệm ghế bành, xưa ông giấu 30 ngàn đô để tiêu riêng. Lấy cắp, rồi xin thôi việc. Kịch bản ấy có vẻ khả thi...
Khi nhân viên bưng bê Khắc Đan trình diện bà chủ Ngần, bà nhìn đăm đăm. Mặt trái xoan, tóc bồng bềnh, dáng thư sinh... Cậu bé này có dáng nét của chàng trai Đức Phương 40 năm trước cô bé Ngần gặp lần đầu.
Khắc Đan chột dạ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Người ta giống nhau là chuyện thường. Đan nói mình là sinh viên đang đi học, đến làm thêm lấy tiền sinh hoạt.
- Cháu có người yêu chưa? – bà Ngần hỏi.
- Dạ, chưa ạ...
Đan quay đi. Ký ức tình đầu trong lòng bà Ngần run rẩy. Từ người cậu bé bưng bê này cũng toát ra một mùi đàn ông như mùi đàn ông từ người ông Đức Phương.
Một tháng ở Mê Trang, Đan luôn cảm nhận ánh mắt của bà chủ nhìn mình từ sau lưng. Anh hơi sợ, tính chuyện rời ngay.
Ra khỏi Mê Trang với 30 ngàn đô “ăn cắp” được trong tay, Đan vui sướng, nhưng rồi bật khóc. Làm sao ta phải rời cái không gian sang trọng êm ấm này. Làm sao...
* * *
* *
*
Làm thế nào để được trở về Mê Trang một cách “hợp pháp”.
Làm thế nào để thoát kiếp sống là đối tượng của cuộc truy nã, án tử hình treo lơ lửng trên đầu.
Làm thế nào để ta lại là ta, quang minh chính đại.
Làm thế nào để khối óc giáo sư tiến sĩ nắm quy luật kinh tế Hoa Kỳ - EU, Ả Rập, ASEAN, không để dùng vào việc xe ôm, phụ nề, móc cống...
Hoa Tân Đàm, Tân Đàm, cái hoa chết tiệt. Tại sao mi có phép màu kỳ diệu đến vô lý, không ai tin được, thế giới loài người không chấp nhận được thế này?
Cả thế giới không ai tin, nhưng với ta lại là sự thật.
Có thứ hoa làm người ta trẻ lại, thì cũng phải có thứ hoa làm người ta già đi... Đan lập luận. Đời bao giờ chả có hai lực. Lực thuận và lực phản. Đó là triết học. Ta phải theo triết học...
Đầu hè, chọn đúng tròn năm ngày hái hoaTân Đàm, Khắc Đan phóng xe máy về lại rừng núi Bảo Đàn, lên núi Đầu Trâu.
Chiều rừng hoang vắng, gió rít ào ào ghê sợ. Lá khô che kín cửa hang, Đan bới lá bò vào .Hang nhũ vẫn óng ánh như ngày nào. Vẫn mùi thơm thuốc mê huyền bí phảng phất.
Đan đi xục xạo. Tuyệt nhiên không còn một nhánh hoa Tân Đàm màu trắng nào. Nhưng có mấy nhành Tân Đàm màu đen. Hoa thường nhiều màu Hồng đỏ, hồng vàng, hồng bạch. Có Tân Đàm trắng thì có Tân Đàm đen, là chuyện bình thường. Tân Đàm trắng làm trẻ lại, tất Tân Đàm đen làm già đi.
Đan ngắt hoa Tân Đàm đen. Để chắc chắn, anh nhổ cả rễ. Để chắc chắn hơn anh cho hoa, lá, rễ vào mồm nhai rồi nuốt ực. Nuốt hoa giống như uống thuốc một cách trực tiếp. Chắc chắn hiệu nghiệm nhanh...
Khắc Đan đứng lặng trong hang, nhìn lần cuối. Gió ngàn ngoài kia gào rú. Tia nắng cuối cùng trên đỉnh hang đã tắt. Giống hệt như lần trước, một cái gì lại rạo rực nôn nao bỏng rẫy lan khắp cơ thể anh...
Khắc Đan phóng xe máy rời núi Đầu Trâu – Bảo Đàn về Hà Nội ngay tức khắc. Đường đêm vắng. Sức trẻ lao xe 50km/giờ. Mấy tiếng đầu, không biết mệt là gì, phản ứng nhanh nhậy. Nhưng mấy tiếng sau dần dần thấy mất tự tin, phản ứng chậm lại, phải giảm ga. Nửa đường sau luôn phải đỗ ,để đi giải, đúng kiểu các ông già bị tiền liệt tuyến.
Nửa đêm xe về đến Hà Nội. Đường phố vẫn đông, chuệnh choạng thế nào Đan va phải xe một thằng choai choai.
- Lão già, đi đứng thế à – Nó quát.
Đan giật mình soi gương xe thấy hiện lên ông Đức Phương tóc hoa râm, nếp nhăn như tơ đan đuôi mắt.
Hoa Tân Đàm đen đã làm Đan già lại đúng như ngày xưa.
Vừa đi trên đường vừa già.
Đức Phương đỗ lại, vào nhà hàng ngắn mình trong gương. Khi biết mình đã trở về là mình ngày xưa 100%, ông đến cột cây số Hà Nội km3 bới cỏ, cậy gạch lấy lại hộp nhựa đựng chứng minh thư, và điện thoại di động...
* * *
* *
*
Mê Trang còn sáng đèn phục vụ khách ăn khuya.
Bà Ngần chưa ngủ, đi đi lại lại chỉ huy nhân viên.
Chợt có chiếc xe máy bụi bặm, lở loét lao thẳng từ hè phố vào sảnh lớn. Một ông già nhọ nhem bụi đường, nhẩy xuống gọi vang.
- Ngần, anh đây.
Bà Ngần ngã xoài, hét gọi nhân viên. Tất cả rầm rầm xô lại. Thằng Phan phi từ trên gác xuống.
- Chào cả nhà! Đức Phương đây. Đức Phương từ Mỹ trở về.
Từ Mỹ của người ta mà lại lấm như ma trâu ma bùn thế kia à?
Hay là ông ấy chết rồi, thành ma hiện về?
- Ta là Đức Phương – Ông già hét to.
Bà Ngần và thằng Phan nhìn sát mặt, sờ nắn chân tay ông.
Đức Phương móc chứng minh thư đưa cho vợ và con. Bà cầm xem. Đúng, ảnh có dấu nổi. Ma thì làm gì có chứng minh thư...
- Ở Mỹ chán lắm, anh nhớ nhà nên lại trốn về. Trốn chui trốn lủi nên nhếch nhác thế này. Túi hết tiền nên thành “bình dân”.
Câu giải thích có vẻ có lý. Bà Ngần tiến sát cảm nhận được “hơi đàn ông” quen thuộc của chồng, bấy giờ mới tin hẳn, bật lên tiếng khóc giống tiếng khóc người chết: “Ới ông ơi...”.
Thằng Phan đưa ông vào nhà tắm.Trở ra ,trong bộ Pigiama sọc hồng sang trọng, bấy giờ mọi người mới công nhận đó là Đức Phương.
- Đói lắm rồi, đem đồ ăn ra đây – Ông gọi các món. Cá hồi sống, sò huyết, nấm Tây Tạng. Đúng y chang các món khoái khẩu ngày xưa ông hay ăn. Một lần nữa, đám nhân viên xác nhận nhân thân của chủ.
* * *
* *
*
Những ngày “đại đoàn viên” chầm chậm trôi. Ông Đức Phương chầm chậm thưởng thức hương vị đời thường. Đầm ấm, dịu ngọt .
Cuộc đời đúng quy luật tự nhiên, nó thế nào, thì sống thế ấy. Trái quy luật, ảo tưởng hão huyền sinh ra bi kịch. Trình độ giáo sư tiến sĩ mà bây giờ mới vỡ lòng điều này.
Thôi, từ nay cuộc sống êm đềm trôi, chả có gì đáng nói. Sinh hoạt lại vào nề nếp. Sáng ra nhấp ly cà phê, chiều thơ thẩn dạo phố. Người trí thức sáng tạo thì làm việc là niềm vui. Không làm việc sẽ mệt mỏi, trì trệ. Bàn giấy văn phòng sáng đèn. Computer quen thuộc. Màn hình loang loáng thông tin truy cập từ internet. Ổ cứng, ổ mềm, USB lưu trữu dày đặc tư liệu, chuyên luận, giáo trình... IPac mở Facebook, youtube, IPhon gọi qua gọi lại...
- Alô , anh đấy à, tôi đây – Đức Phương gọi cho giáo vụ trường Đại học, nối lại lịch giảng dậy một số chuyên đề mà ông vẫn đảm nhiệm sau khi về hưu.
- Ôi, anh Phương, sao bảo mất tích hay trốn đi Mỹ cơ mà.
- Không tôi bận đi xa một thời gian, mạng đưa tin xằng...Các chuyên đề của tôi, giảng cho vui, gặp sinh viên để trẻ lại. Mình là người hoạt động mà.
- Anh vắng một năm trời, chuyên đề chuyển cho giáo sư khác rồi.
- Bây giờ tôi về, sắp xếp nối lại lịch cho tôi nhé!
Sắp xếp, nối lại thì khó gì. Nhưng ông Đức Phương đợi mãi chẳng thấy. Làm gì có trường Đại học nào cho một ông tai tiếng ầm ĩ lên bục giảng của người ta nữa.
Nhớ việc, ông Phương lại gọi cho cô phóng viên phụ trách chuyên đề “Bình luận kinh tế” trên ti vi, mà ông là khách mời thường xuyên.
- Thế nào, dạo này cô có khỏe không? Có lẽ ta nên làm một chuyên đề về hiện tượng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, điện thoại phủ Tổng thống bị cắt vì không có tiền thanh toán. Vấn đề vui đấy. Tôi sẽ viết kịch bản và bình luận cho.
- Chính phủ Mỹ đã mở cửa trở lại rồi ạ. Điện thoại của họ đã thông suốt, hai Đảng của họ đã thỏa thuận được với nhau rồi. Không cần bình luận nữa.
- Thế còn các vấn đề kinh tế của EU.
- Cháu đã mời giáo sư khác bình luận vấn đề này rồi.
Ông Đức Phương chưng hửng, quay sang gọi điện cho nhà xuất bản “Khoa học kinh tế”.
- Alô! Tác phẩm “Dự báokinh tế thế giới thế kỷ 21” của tôi, các quầy sách bán hết rồi. Đồng chí giám đốc tái bản cho tôi đi.
- Kinh tế hiện khủng hoảng, sách khó bán lắm ạ.
- Tôi chỉ lấy nhuận bút bằng sách.
- Vẫn không đủ bù lỗ.
- Tôi sẽ tài trợ 20 triệu. Tôi cần sách cho vui.
- Sách mang tên anh giờ không được phép ấn hành nữa ạ - Ông giám đốc thành thật – Vụ Scăngđan của anh ầm ĩ quá.
Ông Đức Phương bàng hoàng, rũ ra buồn. À ra thế. Mình bị “khai tử” ở khắp nơi... Thảo nào...
... Có những nỗi buồn, chỉ là nỗi buồn đi qua rồi thôi. Nhưng có nỗi buồn chuyển hóa thành nỗi sợ. Ông Đức Phương đã thật sự sợ khi cán bộ an ninh mời ông lên gặp:
- Xin ông giải thích rõ cho chuyện đã trốn sang Mỹ, rồi lại trốn về. Ông có công việc với cá nhân nào, tổ chức nào bên Mỹ?
Ông Đức Phương toát mồ hôi. Đất dưới chân như sụt. Ông toan nói thật tất cả về chuyện Hoa Tân Đàm trắng và đen. Nhưng nói ra thế thì chắc chắn ngay sau đây xe của Bệnh viện tâm thần sẽ đón ông về nơi cư ngụ mới. Không muốn về sống với những người điên la hét ,thì phải giải trình việc trốn đi nước ngoài theo cung cách gián điệp như thế nào! Trời ơi, đằng nào cũng chết.
Trở về nhà, ông Đức Phương đóng chặt cửa khóc hu hu. Không được cho vợ con biết. Không khéo kỳ này đi tù thật chứ chả đùa. Cấp tiến, phản biện, coi giời bằng vung mà lị...
Đêm đêm, bà Ngần ôm ghì ông, đấm thật đau:
- Trốn sang Mỹ với con đĩ nào, hết tiền, nó đá đít về chứ gì.
Ông Phương lòng như lửa đốt mà vẫn phải đóng kịch vui vẻ. Bà Ngần thông báo:
- Từ nay không cho ông đứng tên tài khoản tiền nong nhà hàng Mê Trang nữa. Sẵn tiền lại lấy đi cho gái, rửng mỡ rủ nhau vượt biên. Thực tế thì trong thời gian ông “sang Mỹ” “mất quyền công dân”’, ở nhà phải có chủ mới ký tá giấy tờ, vì thế tôi phải làm thủ tục sang tên cơ sở Mê Trang cho thằng Phan. Giờ nó là chủ...
Ông Đức Phương sững người. Của cải rồi cũng sẽ cho con cả thôi. Nhưng khi bố mẹ còn sống phải giữ quyền chủ động, đề phòng con cái còn trẻ, chưa nghĩ sâu sa, hoang toàng, làm thất thoát hết. Và nếu gặp phải đứa con hư, tuổi già phải phụ thuộc vào nó, sẽ khổ...
Ngày bão Haiyan 11/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét