Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012






Bức tranh đắt nhất



Truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách



     Con tàu cũ nghiến đường ray ken két rời Pari về thị trấn Ovơ. Van Gốc, vai đeo giá vẽ, bước xuống,lặng lẽ  đưa mắt nhìn. Một vùng thung lũng xanh tươi hút mắt,  bóng nóc nhà thờ trong nắng chiều  vàng ,tiếng sóng sông Oadơ vọng lại rì rào.

     Từ xa, một chiếc xe ngựa tiến lại, người đội cát két trắng trên xe bước xuống:

- Ông là Van Gốc phải không? Tôi là bác sĩ Ga sê có nhiệm vụ đón tiếp ông.

Hai người bắt tay nhau. Ga sê cười thân thiện:

- Phong cảnh vùng này có thể vào tranh ông được không? Nó không có sắc nắng  phương Nam vàng chanh, màu hoa Hướng dương …như ở vùng Prôvăng xơ để ông thể hiện trong các bức tranh trước đây của ông.  Nhưng nơi này  có những sắc thái riêng của nó.

- Vâng đúng... Tĩnh mịch, thanh bình lắm.  Bờ sông màu ngọc bích, lâu đài cổ hoang tàn, chân trời màu  màu tím nhẹ  ảo huyền ...

Xe ngựa đưa Van Gốc đến một khách sạn, giá cả niêm yết 6 phờrăng một ngày. Van Gốc vội đi giật lùi ra khỏi phòng tiếp tân:

- Ồ không... Tôi chỉ là công nhân lao động... Không đủ tiền...

Ga sê đưa ông đến một tiệm cà phê nhỏ cạnh tòa thị chính. Người ta thỏa thuận xếp cho ông một phòng, ngày hai bữa phục vụ bánh mì, đậu xào, một tách cà phê sáng... tổng cộng 3 phờrăng.

Sáng hôm sau Van Gốc dậy sớm lắng nghe tiếng chim  vùng Ôvơ, xem có khác tiếng chim vùng Prôvăngxơ, nơi mấy năm xưa anh đã lang thang vác giá vẽ trên đồng.

Có... có khác. Tiếng chim ở đây trầm hơn, buồn hơn, không lảnh lót hăm hở như tiếng chim Prôvăngxơ... Van Gốc thở dài... Tiếng chim thực như thế hay là mình cảm nhận ra thế do tâm trạng  u uất của mình. Mười năm qua, mình đã sục sôi hăm hở vẽ từ sớm mai đến tối mịt, vẽ nhanh ,nhanh, sợ không ghi kịp hết cảm xúc, sắc màu lên mặt vải toan. Nhưng những bức tranh đã vẽ cứ nằm chất đống đấy, không ai ỏ ê đến, không một galơry nào nhận bán.

Mười năm , tâm hồn ta, tuổi trẻ của ta, cả cuộc  đời ta đã tan ra thành hình họa, sắc màu các bức tranh. Và bây giờ ta chỉ còn là cái bã mệt mỏi chán chường, thần kinh sang chấn, mình không kiểm soát nổi mình.

Van Gốc lại vác giá vẽ lên vai, lầm lũi ra đồng, lẫn trong sương mờ, chân sục vào cỏ ướt, như người nông phu đều đặn đi làm.

Nắng lên, Van Gốc đã đặt xong giá vẽ. Tay run run chấm cọ vào mầu. Mùi sơn dầu xộc lên, và cơn cảm hứng như ngọn gió thốc thẳng vào mặt chàng, làm chàng lấy lại được hứng khởi y như những lần vẽ hoa Hướng dương xưa.

Van Gốc quết nhẹ mảng mầu xám bạc đầu tiên... Không. Không... Ta muốn vẽ một cái gì đó mà ta cảm thấy trong mùi cỏ úa nẫu, mùi đất đắng mặn, mùi dòng sông loãng chát vô tình,, hờ hững chảy xuôi... Chứ không phải mầu hồng nhởn nhơ giả dối của nắng sớm hôm nay. Van Gốc cay đắng thấy ngón tay cầm cọ của mình đờ ra, không biết vẽ gì nữa. Hình không gian chân trời đã hiện lên rồi, nhưng trống rỗng... Chợt mấy con quạ đen từ đâu bay tới xà sát trước mặt, kêu lên “quà quà” buồn bã  như chế giễu chòng ghẹo chàng, nhạo báng bức tranh của chàng .

Mày muốn gì hả quạ, Van Gốc dừng tay hỏi. Màu cánh đen của quạ ám ảnh trời xanh, ám ảnh đồng lúa. Những con quạ từ từ đậu vào tranh của chàng lúc nào không biết, và chàng mải miết vờn tỉa hình nó trên mặt vải toan...

Buổi chiều ,bác sĩ Ga sê đón chàng trong quán cà phê, hồ hởi:

- Ông Van Gốc, bức phác thảo đàn quạ trên đồng này của ông rất đẹp. Ông thấy người thoải mái, thanh thản chứ.

Van Gốc ậm ừ không nói, có gì như miễn cưỡng cáu kỉnh.

Ga sê bưng đến cốc nước lọc và mấy viên thuốc. Ông có nhiệm vụ điều trị những cơn trầm cảm, mất kiểm soát ,xuất hiện theo chu kỳ của Van Gốc.

- Ông Van Gốc đừng buồn. Tranh của ông đẹp lắm. Những chấm vạch run rẩy thần kỳ, những sắc mầu rực lên đầy nắng và phập phồng không khí. Không ai vẽ được như ông. Ông là một họa sĩ tài ba.

- Vậy tại sao trong khi các Galơry của Pari sôi nổi bán tranh, thì tranh của tôi lại ế ẩm như gái già không lấy được chồng - Van Gốc hỏi.

- Vì cuộc đời ngu dốt, hiện thời chưa hiểu được vẻ đẹp mới lạ khác thường của tranh ông. Nhưng rồi thời gian sẽ là người phán xét chính xác nhất.

Van Gốc chán ngán:

- Tôi đợi đến bao giờ. Không đợi được nữa. Tôi không vợ, không con, không nhà cửa, sống nhờ vào tiền trợ cấp gửi qua bưu điện của em trai... Tôi không biết làm gì ra tiền. Tôi thật là vô dụng.

- Không. Ông làm những việc không ai làm được. Tôi cũng là một họa sĩ nghiệp dư, tôi muốn đánh đổi cả đời tôi chỉ lấy việc vẽ được một bức tranh  như  bức “Hoa hướng dương” của ông. Tôi chữa cho những thể xác con người bớt đau đớn, nhưng hiệu quả rất hạn chế, còn ông, một bức “Hoa Hướng dương” chữa bao nỗi đau cho những con tim...

- Cảm ơn ông Ga sê. Để trả ơn ông đã cưu mang tôi những ngày ở đây, tôi muốn vẽ tặng ông một bức chân dung...

Ngày hôm sau ,Van Gốc đến nhà Ga sê. Bác sĩ vui sướng ngồi làm  mẫu. Van Gốc quết một màu lam cô ban tinh khiết lên mặt vải. Hai người vừa làm vừa trò chuyện.

- Ông đã yêu ai chưa ông Van Gốc - Ga sê hỏi.

- Có một cô gái đã theo tôi ra cánh đồng ở Prôvăngxơ xem tôi vẽ, và nói: “Em yêu anh, muốn lấy anh làm chồng”. Người mẹ cô cự tuyệt và nói: Những bức tranh của anh để làm gì, không có nó người ta có chết đâu. Anh đúng thật là một thằng vô dụng ...

Sau này tôi có yêu một người con gái khác nữa ,vốn là “Gái bán hoa”. Cô ấy cũng yêu tôi lắm. Cô ngồi làm mẫu cho tôi vẽ. Nói chung tôi đã vẽ “hình nghiên cứu” về giải phẫu người từ mấy cô gái “bán hoa”. Bởi không ai thèm ngồi làm mẫu cho tôi cả.

- Ông Van Gốc ,lịch sử loài người đã chứng kiến thời hoàng kim của Hội họa Phục hưng từ miền đất Florence nước Ý. Lêôna đờ Vanh xi với “La giô công”, Miken Lăng giơ với hình vẽ trên vòm nhà nguyện Vaticăng, Raphaen với “Đức mẹ Đồng trinh”…

Bây giờ lịch sử đang lặp lại một thời hoàng kim mới, xuất phát từ Pari. Với lối vẽ qua cảm nhận của họa sĩ, những nét hình sắc mầu, tưởng như nguệch ngoạc của ông khác hẳn lối vẽ thời Phục hưng xưa, chính là những kiệt tác đích thực kiểu mới. Chính ông là một trong những người làm nên ánh hoàng kim của thời đại Hội họa mới...

Một tuần liền làm việc, Van Gốc đã run rẩy thể hiện sự phong phú về tâm hồn của bác sĩ Ga sê theo cảm nhận của mình. Ông vẽ bác sĩ đội cát két trắng, ngồi tỳ khuỷu tay lên chiếc bàn có vài bông hoa tím nhạt.

- Xong rồi, xin tặng ông -Van Gốc ký tên sau bức tranh.

Bác sĩ Ga sê treo bức tranh lên tường, tim thắt lại vì sung sướng. Ông tưởng như có một Ga sê thứ hai đang đối diện với mình. Còn Van Gốc thì cạu cọ thu dọn bút, màu vào túi xách. Ga sê bưng lại ly sâm banh, chạm cốc. Van Gốc uống ực một hơi, vác giá vẽ lên vai đi thẳng ra cổng. Ông bác sĩ níu kéo ở lại thế nào cũng không  được...

Mùa xuân đã đi qua từ lâu. Nắng hạ ngày càng chói chang. Những bông hoa của thung lũng Ovơ nở rực, nhưng không làm lòng Van Gốc vui tươi lên được. Cảm giác chán đời, chán tất cả, xâm chiếm tâm hồn chàng. Chàng đã thấy cuộc đời này vô nghĩa. Ngày lại ngày, như cái máy, chàng vẫn vác giá vẽ lang thang, đầu trần dưới nắng, và vẽ, vẽ, vẽ vô thức. Những viên thuốc thần kinh của bác sĩ Ga sê không làm nguôi dịu được nỗi nhức nhối, giày vò của sự tuyệt vọng.

Ông Ga sê chữa bệnh cho ta bằng những viên thuốc màu trắng, còn những lời ông ấy khen tranh của ta có phải cũng chỉ là một dạng khác của những viên thuốc thần kinh. Ta nghi ngờ. Tại sao những bức tranh ta chắt từ máu thịt ra, mà lại bị cuộc đời ghẻ lạnh. Những bức tranh như những gương mặt người bẽ bàng trước con mắt nheo nheo khinh bỉ của các gã lái tranh.

Ta còn vẽ làm gì nữa. Máu, mồ hôi, nước mắt của ta đã hòa vào tranh hết rồi. Cạn kiệt rồi. Ta sinh ra trên đời, vẽ miệt mài sôi sục mười  năm nay mà không đổi lấy được một đồng  nuôi thân, phải ăn nhờ vào người khác. Nếu ta bán được những bức tranh này lấy vài trăm, vài ngàn Phờrăng ,có phải đời ta đã có một cuộc sống cân bằng?

Van Gốc trong cơn sang chấn tâm lý, ngẫu hứng tự bắn vào mình trong lúc chân vẫn xục vào đất ướt, và tay vẫn cầm cây cọ vẽ vạch những mầu xanh nhạt của chân trời lên mặt vải. Nguyên do trực tiếp có thể là tại một đàn quạ đen xì ở đâu lại bất thần nháo nhác bay về, tiếng kêu rủ rê ma quái làm đứt phựt dây đàn thần kinh đang căng hết cỡ trong đầu chàng.

Giá vẽ ngã đổ xoài trên lúa. Một vệt máu bắn tóe lên mặt toan làm nên điểm đỏ chói của bức tranh.

Năm ấy Van Gốc ba mươi bẩy tuổi (1853 – 1890). Đúng một trăm năm sau, ngày 15/5/1990 tại phiên đấu giá ở Chrisite’s , New York, bức “Chân dung bác sĩ Ga sê” của ông bán được giá cao nhất thế giới vào thời điểm lúc bấy giờ: 82,5 triệu Đô la...



15 - 7 - 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét