Tháng giêng rộng dài câu Quan Họ

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012


LĂNG THỦY TỔ

Dòng Thiên Đức uốn rồng cuộn sóng

Non Thiên Thai lớp lớp xa xanh

Núi sông chầu Lăng Mộ anh linh

Vua Thủy Tổ giang sơn nước Việt

Trong mây khói lung linh huyền tích

Vua Đế Minh con cháu Thần nông

Bay trên trời tuần thú Phương Nam

Trên Ngũ Lĩnh , lấy Nàng tiên  tuyệt sắc

Sinh Đế Nghi cho làm Vua Phương Bắc

Kinh Dương Vương làm Vua Phương Nam

Người mở mang gây dựng giang san

Nước Xích Qủy , kinh đô Hồng Lĩnh

Vua sinh hạ Lạc Long Quân thần thánh

Câu chuyện xưa nòi giống Việt ai quên

Lạc Long Quân-Âu Cơ sinh bọc trăm con

Cha dẫn năm mươi người xuống biển

Gối sóng đại dương tìm bờ bến

Năm mươi người con theo Mẹ lên rừng

Mở Triều Hùng Vương rực rỡ vinh quang

Lập bờ cõi Văn Lang đất Việt…

                      *

               *            *

Màu hương khói xa xăm truyền thuyết

Kinh Dương Vương thủy tổ ngọn nguồn

Qua đất này xứ sở Phúc Khang

Trông núi sông rồng chầu hổ phục

Khai mở nên làng quê tươi đẹp

Phúc Khang thành Thánh Địa muôn đời…

                    *

             *             *

Có ai về Thuận Thành quê tôi

Chuyện cổ năm ngàn năm lịch sử

Lăng Mộ Kinh Dương Vương còn đó

Núi sông quê ngào ngạt dâng hương

Người Việt bốn phương hướng đến cội nguồn

Tiếng “Đồng Bào’’ chỉ Việt Nam mới có

Cùng trong Bọc ,ta chung một Mẹ

Con cháu Lạc Hồng , Con cháu Rồng Tiên…

NGUYỄN PHAN HÁCH

  Viết tại lễ hội Kinh Dương Vương ,Lạc Long Quân , Âu Cơ 

8-2-2012, Á Lữ , Thuận Thành Bắc Ninh          

     









NGHỊCH LÝ CỦA CON NGƯỜI



Sấm sét ghê gớm thế

Chỉ dậm dọa trên cao

Làm gì con người đâu

Con người chả phải sợ



Đến khủng long sừng sững

Từng ngự trị nơi nơi

Cũng hiền lành gặm cỏ

Chẳng làm chi con người



Duy chỉ có Con người

Chế tạo ra đau khổ

Phát minh ra khủng bố

Con người giết Con người



Đầu tiên là đóng đinh

Vào hai bàn tay Chúa

Treo lên cây Thánh giá

Cho Chúa phải đớn đau

Con người bỏ tù nhau

Cho ăn đói mặc rét

Tra tấn rút thịt xương

Con người sợ đến chết



Lưỡi gươm chém đầu rơi

Súng nhằm tim nhả đạn

Con người không biết chán

Trò chơi giết Con người



Hổ báo lắc đầu cười

Xin chào thua đối thủ

Đuổi giết nhau cùng đường

Cả lên cao vũ trụ



Nguyên nhân thì chưa rõ

Có lẽ tại thế này

“Tao phải ăn hơn mày

Mày chỉ được ăn ít”

   7-1-2012

NGUYỄN PHAN HÁCH









Tứ tuyệt



1

Hoa phượng ơi hoa phượng

Đỏ lắm thế làm gì

Tình người đang phai lạt

Đời nhạt rồi còn chi.



23/4/2011



2

Thế giới bảy tỷ người

Có tôi xấu xí nhất

Ai mà không phát uất

Với tạo hóa mù lòa.



25/5/2011



3

Chưa kịp sống tuổi trẻ

Đã xịch đến tuổi già

Ngồi thất thần hụt hẫng

Ta mất toi đời ta.



23/5/2011



4

Không sợ chết chẳng sợ già

Bên kia thế giới rất nhiều hoa

Bên này thế giới nhiều oan trái

Với lắm đau buồn, lắm xót xa.



22/5/2011



Nguyễn Phan Hách





XIẾC MÔ TÔ

Với chiếc xe gắn máy

Và bình xăng bơm đầy

Người Hà nội mỗi ngày

Nhận một “xuất diễn xiếc”

Trên đường phi như bay

Không nhường ai một phút

Không chịu chậm một giây

Lao tít mù lạng lách

Vượt đèn đỏ, càng hay

Hiểm nguy cóc có sợ

Dù vỡ đầu, tan thây

Xin cúi đầu kính phục

Các diễn viên xiếc này

      *

Cát xê thế nào đây

Cho bươu đầu sứt trán

Qùe chân và gẫy tay

Với tinh thần “nghề nghiệp”

Không oán thán mảy may

      *

Thật khổ Người Hà nội

Không biết ai bắt tội

Mỗi xuất diễn một ngày

  NGUYỄN PHAN HÁCH

Vô đề



1



“Thánh nhân sở chế viết Kinh

Hiền giả sở thuật viết truyện”

Ta tiêu toàn bộ đời ta

Văn chương nghiệp không bờ bến.



10/5/2011



2



Ngày hôm nay nhớ tiếc ngày hôm qua

Ngày mai lại tiếc hôm nay, như thế

Sóng thời gian như là sóng bể

Cứ tan vào bờ cát hư vô.



6/4/2011



3

Trên má em còn hoen ngấn lệ

Đại dương khô còn ngấn muối hoen.



5/2011



4



Chắc gì người ấy yêu tôi

Chắc gì hai đứa thành đôi vợ chồng

Ví dầu có lẽ tơ hồng

Chắc gì tình nghĩa mặn nồng trăm năm.

                    

                Nguyễn Phan Hách

2001







Tết



Không tết nào bằng tết tuổi thơ

Đời ta từ ấy đến bây giờ

Bao mùa xuân đến, bao ngày tết

Tất cả không bằng tết thuở xưa.



25/1/2012



Không về quê mẹ không có tết

Tết quê người phai lạt sắc hương

Hoa đào vẫn đỏ nhưng cười nhạt

Ngơ ngẩn hương đồng vị bánh chưng.



23/1/2012



Em đi Hội chợ mua hàng tết

Hãy nhớ đừng quên hạt dẻ cười

Bàn nước đầu xuân ngồi cắn chắt

Những hạt dẻ cười, hạt dẻ vui.



25/1/2012



           Nguyễn Phan Hách





Con trâu



Tôi là một con trâu

Thả rông trên mặt đất

Cỏ đồng xanh ngăn ngắt

Thế là đủ sống rồi



Chẳng cần quần áo mặc

Tôi có sẵn da trâu

Màu đen bóng bền lâu

Dai dày đến vĩnh cửu



Chẳng cần đến giày dép

Sẵn đôi móng thời trang

Lộp cộp trên đường làng

Chẳng bao giờ mòn gót



Cào xước vỏ quả đất

Lật tung những cánh đồng

Mồ hôi nhỏ dòng dòng

Cho lúa lên vàng rực



Nhưng không một hạt thóc

Đời chia phần cho tôi

Chỉ cỏ và cỏ thôi

Bờ hoang xin mời gặm...

Nguyễn Phan Hách



19/1/2012













Cây và Người



Đời người như cây lá

Thân cành đẹp biết bao

Máu trong ta đỏ thắm

Nhựa trong cây dạt dào



Không mắt ai nhìn thấy

Rễ dầm trong đất sâu

Sợi non tơ lặn lội

Chắt chiu chút mỡ màu



Phải trổ muôn ngàn lá

Xòe hứng khắp bốn phương

Lấy từng tia nắng ấm

Nuôi thân cành sức vươn



Con người cũng lặn lội

Chả khác gì cây xanh

Mới có được cuộc sống

Những tháng năm yên bình



Một ngày cây trổ hoa

Rực sắc hương trời đất

Từ đâu không ai biết

Từ không, thành sắc hương



Từ không bỗng thành có

Thứ quý nhất trên đời

Hoa chính là vật thể

Tình yêu của Con người



Sau mùa hoa thắm tươi

Là đến mùa kết quả

Quả là mùa chồng vợ

Và con người sinh sôi



Thời gian vèo qua trôi

Thân cành mang sắc úa

Con người như cây lá

Cũng biến thành hư vô



Cây nằm trên mặt đất

Người nằm dưới đất sâu

Lại lên mầu đất sẫm

Cho rễ mầm mùa sau.



Nguyễn Phan Hách

10/1/2011





Ca dao vui



Rau đay

Rau đay nghèo rớt mồng tơi

Hai nhà đều rớt đều rơi đều nghèo

Còn anh rau rút ao bèo

Chân không bén đất ra chiều giầu hơn...



11/5/2011



Trầu cau

Có chàng trai trẻ Quả Cau

Yêu cô thôn nữa Lá Trầu biếc xanh

Vệt vôi trắng xóa tác thành

Cho duyên cho số cho tình đỏ au



10/5/2011



Cà cuống

Có anh Cà cuống đến ngang

Đề ra lý thuyết ương gàn lạ thay

Ngất nga ngất ngưởng đời này

Chết gần đến đít còn cay xè xè...



12/5/2011



Đám cưới

Tháng năm đám cưới ve sầu

Bướm hồng phù rể, đưa dâu: bướm vàng

Trẻ con là lũ chuồn chuồn

Lấy tơ nhện trắng đón đường chăng dây.



8/5/2011



                Nguyễn Phan Hách




Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012








Linh tinh tình… phập



                           Tản văn

                                Nguyễn Phan Hách

    

     Ông đồ Nghệ đến dậỵ học ở làng Trung du gần kinh đô của các Vua Hùng thuở trước. Con gái ông, cô bé Hồ Xuân Hương xinh đẹp, thông minh, tý tuổi đầu đã biết đọc sách, làm thơ. Đêm nay, hội làng, cô bé náo nức đi dự. Sân đình mênh mông, đèn nến tắt hết, dân làng đứng im hành lễ, đợi chờ giây phút thiêng liêng.

     Trong hậu cung đình, ông chủ tế chắp tay áo thụng lam như chầu vua. Đằng sau là các ông bồi tế tay bưng lễ vật.

     Nghi lễ tế thần hội làng Trung du này là một nghi lễ kỳ lạ mà cô bé Xuân Hương từ miền Trung ra Đất Tổ được biết. Cô thích thú theo dõi đã mấy năm nay…Giờ linh thiêng nhất đã tới. Khi ông bồi tế hô lên ba tiếng: “Khởi chinh cổ” thì chiêng trống ngân vang. Từ hai bên cánh gà Hậu cung, một đôi Hoàng Nam, Ngọc Nữ xinh đẹp bước ra. Chàng cởi trần đóng khố. Nàng yếm đỏ, váy xắn cao. Tay chàng cầm chiếc sinh thực khí nam sơn son thếp vàng. Và nàng cầm sinh thực khí nữ cũng đẹp đẽ, rực rỡ như thế. Gương mặt hai người trang nghiêm. Giờ phút này họ là Thiên sứ, đầu tỏa ánh hào quang.

     Tiếng hát thánh lễ của tốp nam tốp nữ ngân nga. Chàng trai và cô gái từ từ tiến lại như đôi chim phượng chim công nhún nhẩy. Họ đi những bước ngự của mùa xuân. Hai bộ sinh thực khí giơ cao trong đèn nến lấp lánh cho mọi người chiêm ngưỡng. Một khắc trôi qua. Cả sân đính nín thở. Họ đợi chờ như đợi chờ thời khắc giao thừa, bước chân năm mới chạm bậc thềm, đem theo cơn lũ linh khí của mùa xuân.

     Ông chủ tế nghẹn ngào vì hồi hộp. Giọng ông xa xăm mà âm vang xướng lên hiệu lệnh: “Linh… tinhtình… phập”. Khớp với hiệu lệnh, khi câu “Linh tinh” vừa cất lên, thì chàng trai lao cái sinh thực khí về phía trước, và khi câu “tình phập” vừa hạ xuống , thì nó cắm phập vào cái sinh thực khí nữ. Vừa khớp vừa nhịp nhàng. Chậm một giây không được. Mà nhanh một giây cũng không được. Chậm hay nhanh đều mất hết  vẻ mầu nhiệm của nghi lễ. Nếu hai cái sinh thực khí  mà cắm trượt, thì là tai họa tầy đình cho cả làng năm đó. Các cặp vợ chồng sẽ muộn màng trong việc đẻ đái, bụng đàn bà khó khăn mà chẳng có mang. Ghê hơn nữa là làng sẽ bị quan Ôn, quan Dịch mò đến không biết chừng. Nhẹ nhất là mất mùa đói kém, nhiều người phải đi ăn mày. Đấy, quan trọng thế đấy. Vì vậy khi cái câu “Linh tinh tình phập” cất lên, cả làng đứng tim để nhìn cảnh hai cái sinh thực khí cắm trúng vào nhau. Run tay cắm chệch, hai Hoàng Nam, Ngọc Nữ  có thể bị dân làng xô vào lôi ra đánh.

     Hai bộ sinh thực khí làm bằng “thần mộc”, là báu vật vô giá của làng. Nó có từ đời nào, không ai biết. Nó mang hồn của người đầu tiên đến đất này sinh cơ lập nghiệp và trở thành Thành hoàng của làng. Nó là linh vật đầy quyền năng, được thờ đã mấy trăm năm. Từ nó như tỏa ra ánh sáng kỳ ảo của lẽ tạo sinh huyền bí trên thế gian này. Người làng trông thấy nó là cúi đầu xuống, chắp tay lễ. Chỉ dám nhìn trộm mà không dám nhìn thẳng. Chạm tay vào nó là hồn xiêu phách lạc vì sợ, vì kính cẩn…

     Mỗi năm một lần tế lễ, bộ sinh thực khí mới được đem ra rửa bằng những giọt sương hứng từ hoa sói, hoa cúc, hoa nhài.

     Bộ sinh thực khí ngự trên cao cho dân làng lễ bái. Hoàng Nam, Ngọc Nữ  phải ăn chay nằm mộng cả tháng giời, xa lánh  phàm trần.”Linh tinh tình… phập”, khi đã “phập” xong rồi, thì giống như là hạt mầm đã gieo, sẽ sinh nở muôn vàn tươi tốt cho thế gian. Mưa xuân rắc xuống mặt đất. Hoa đào bừng nở. Bướm vàng bay, chim vàng anh hót, cuộc đời bừng dậy sự sống… “Linh tinh tình… phập”, dân làng chắp tay cúi lễ cái giờ phút ấy. Vì từ đó phúc lộc sẽ ban xuống như mưa cho đời họ. Họ sẽ con đàn cháu đống, lúa má đầy nhà. Nghĩ cho cùng dân làng có lý lắm, nếu không có “tình phập” thì thử hỏi có thế gian này không. Ngừng “tình phập” tất cả thành  hư vô. Cho nên cái nghi lễ Hội này có ý nghĩa lớn lao nhất. Có gì lớn lao hơn là sự sinh nở ra cuộc sống…

     “Linh tinh… tình phập” cô bé Hồ Xuân Hương dù đã đến tuổi cập kê, xinh đẹp,  nhưng là dân “ngụ cư” nên không bao giờ được chọn là Ngọc Nữ thực hiện nghi lễ. Cô chỉ đứng xem. Nhưng cái phép nhiệm màu của nghi lễ đã biến thành dòng chẩy vào tâm hồn cô, để tạo nên dòng thơ phồn thực Việt Nam bất hủ của Bà Chúa Thơ Nôm nổi tiếng khắp thế giới sau này…



Đại Yên 1/2/2012

                                           (Viết dựa theo các sự kiện có thật: Hội làng Trám – Phú Thọ và thời thơ ấu Hồ Xuân Hương từng ở đây)




tho










Hồ Man hoang dại

                                          Truyện mini



      Thuận đem vợ từ phố Rêu miền núi về thị xã ở. Đường rừng heo hút, chỉ có tiếng gà gô đưa tiễn. hai vợ chồng khoác hai tay nải lầm lũi bước. Non trưa, nghỉ chân bên hồ Man, ăn cơm nắm với trám muối. Đang mùa hoa Mua nở bạt ngàn, Thuận ngắt hoa Mua làm thảm trải cho vợ ngồi khỏi lấm quần.

      Hồ Man hoang dại, nước xanh biếc, sóng vỗ ì oạp vào bờ đá. Cây rừng ngả cành sát mặt nước, tạo nên những vòm sâu hun hút như lối xuống thủy cung. Vài con thiên nga nhởn nhơ bơi lội đuổi nhau ràn rạt trên mặt hồ.

      Nóng quá ,vợ Thuận cởi quần áo lần theo những bậc đá ướt rượt xuống tắm, để rũ sạch bụi xứ rừng ,trước khi đến phố hội.

      Rừng hoang chẳng có ai qua nên Thủy hoàn toàn trần truồng. Nắng soi vào da thịt sáng lóa lên. Thuận sung sướng nhìn tấm thân nõn nà, đẹp như tượng đá trắng của vợ. Trước khi Thủy bước xuống hồ ,Thuận còn kéo lại, ôm ấp, hôn hít.

      Thủy nằm trên thảm hoa Mua tím, mắt khép hững hờ, đôi vú nhô lên sáng lóa, cánh tay ngọc ngà uể oải gối lên đầu.

      Thuận ve vuốt từ bờ vai đến gót chân Thủy. Thủy đứng dậy trần truồng đi uốn éo một vòng cho chồng ngắm, rồi nói:

      - Thôi nhé.

      - Ừ, thôi, em xuống tắm đi.

Thủy nhoài người lao xuống làn nước trong vắt, vùng vẫy, bơi về phía những con thiên nga. Những con thiên nga chả sợ, chúng vẫn lượn lờ. Thủy cũng như một con thiên nga khổng lồ lượn lờ cùng với chúng.

      Thuận gom đống quần áo của vợ trên thảm hoa Mua, vắt lên cành cây. Anh biết Thủy sẽ còn tắm lâu. Ở phố Rêu, cạnh nhà, cũng có một chiếc hồ nhỏ, và Thủy cũng thường bơi vòng quanh không biết mỏi. Nàng bơi giỏi, và thích vẫy vùng với mặt nước trong xanh.

      Thuận kệ cho vợ tắm, anh đi lang thang dạo chơi, chờ đợi. Rừng trưa mùi quả chín tỏa hương thơm nức. Hoa phong lan trên cành cổ thụ rực rỡ. Lấy một nhành đem về thị xã làm kỷ niệm xứ rừng cũng hay. Thuận trèo. Những con chim ríu rít, xập xòe bay qua đầu anh. Chúng quá đông, nên áp đảo. Rồi Thuận phát hiện ra một đõ ong rừng ,mật trong như hổ phách. Anh leo cao chuyền cành, quyết hái bằng được.

      Một tay xách tổ ong, và chùm phong lan, tay kia  bám thân cây tụt xuống, khi Thuận chạm được đến đất, thì người xây xát, mặt đỏ bầm nốt ong châm. Nhưng Thuận vui thích vì nghĩ đến giây phút Thủy sẽ được kề môi vào hớp những giọt mật ong ngọt ngào…

      Khi Thuận ra đến bãi hoa Mua, thì vẫn chưa thấy Thủy lên bờ. Bất giác nhìn ra mặt hồ Man thấy nó đen ngòm rờn rợn. Và khi anh gọi to: “Thủy ơi”, thì cả đàn thiên nga giật mình vỗ cánh ràn rạt bay lên. Những con thiên nga to lớn cất mình trong không trung xanh biếc, xa dần…

      - Thủy ơi…

Mặt hồ vẫn yên lặng. Hình như lúc nãy, mặt hồ trong xanh, có sóng rì rào. Sao bây giờ mặt hồ đen ngòm, câm lặng, và rộng mênh mang đến lạnh người.

      Thuận bắt đầu gào to rồi khóc rống lên. Từ sau những bờ vùng tối om bóng lá, không thấy bóng Thủy ra.

      Thuận xục xạo vòng quanh hồ, vừa chạy vừa gọi. Những con chim rừng đang ríu ran, im bặt, chăm chú, lo lắng cùng Thuận. Mặt hồ không có cả một vết tăm cá. Nắng trưa đỉnh đầu soi xuống mênh mang.

      Thuận thấy những hàng cây bờ hồ chao đảo. Rừng hoang, vắng hoe, không một bóng người. Biết nhờ ai bây giờ. Suốt  buổi trưa, Thuận lội quanh ven hồ vừa khóc vừa gọi một cách tuyệt vọng .Tiếng anh vọng vào rừng cây, vách núi âm âm u u, rồi dội lại lan trên mặt hồ. Chim rừng câm bặt nhường cho tiếng gọi của anh  vang xa. Tưởng như tiếng gọi có thể vọng xuống được tận dưới thủy cung, vậy mà vẫn không thấy tiếng Thủy trả lời…

      …Dân quanh vùng, cho đến mấy chục năm sau, luôn khẳng định rằng: Hồ Man có những chỗ rất sâu, nước lạnh buốt, người con gái ấy đã chết đuối. Dòng nước  đã cuốn cô mắc vào các búi rễ ngầm dưới lòng hồ, nên không tìm thấy xác.

      Nhưng ông già Thuận thì bảo rằng: Không phải. Vợ ông không chết đuối. Nàng bơi giỏi lắm. Hồ Man chưa là cái gì với nàng. Nàng có thể bơi cả vài chục vòng quanh hồ. Nàng không chết đuối, mà là nàng đã biến thành một con Thiên nga, hòa vào đàn thiên nga bay lên trời. Chứng cớ là lúc nàng xuống tắm, ông nhìn thấy có chín con thiên nga, nhưng khi ông thốt gọi, thì thấy rõ ràng là mười con bay lên…

      Ông già Thuận mắt lòa, chân chậm sống trong một ngõ hẻm thị xã. Thuở trước ông là chàng trai phố Rêu xứ rừng, số may lấy được một người vợ quá đẹp. Hai vợ chồng chuyển về thị xã sống… Nhưng giữa đường…

      Ông già Thuận gìa rồi chết. Hôm đưa đám, có một vòng hoa vô danh, không biết của ai, từ nơi nào xa xôi gửi đến. Rồi một ngày kia, dân quanh hẻm thị xã rộ lên một tin đồn: Vợ ông Thuận ngày xưa, chẳng chết đuối, mà cũng chẳng biến thành thiên nga bay đi. Bà ấy chê chồng, bơi xuống hồ, lẩn vào vòm cây, trốn ông ấy, bỏ ông ấy… Trần truồng, lấy lá rừng che thân, bà ấy sau tìm về thành phố. Vòng hoa viếng vô danh kia chính là của bà ấy…



Đại Yên 6/2/2012

Nguyễn Phan Hách