VỊ QUÊ
Truyện ngắn
Nguyễn Phan Hách
Chiếc Bôing 747 đậu xuống sân bay Nội Bài. Ông Đỗ Hà bước ra cửa. Trời xanh biếc, nắng rực vàng. Đây là lần đầu tiên ông biết sắc hương trời đất Việt Nam .
Chân ông bước nhanh, hơi đất như một mạch nguồn truyền vào cơ thể. Chiếc tắc xi đưa ông về thẳng miền lấn biển. Cảnh hai bên đường thanh bình. Chân trời xa tít. Cánh đồng bát ngát. Đẹp thật - ông Hà công nhận. Cảnh quan êm ả quá. Đó đây bao nơi bão lụt, sóng thần, núi lửa, động đất, sa mạc… Còn ở đây mưa vàng mưa bạc, lúa chín bạt ngàn,cỏ non xanh biếc .
Ông Đỗ Hà mở cửa cho gió đồng vò mái tóc bạc. Gió thấm vào da mặt. Nắng xoa mơn man. Da mặt từ lúc lọt lòng quen với nắng gió ôn đới, giờ đỏ au lên. Từ tuổi thơ đã nghe bố tả về phong cảnh quê hương, bây giờ ông mới trải nghiệm.
Xe xuyên chân trời cánh đồng. Đã nghe thấy vị mằn mặn của gió biển. Đã cảm thấy cái gì lồng lộng của xa khơi…
* *
*
Năm 1913
Trong ngôi nhà tranh vách đất làng Điền Văn, ông Cả lần đầu tiên lên tỉnh mua về một lọ thuốc “Đa di năng”, cả xóm đến xem. Thuốc viên màu trắng hình tròn, đựng trong lọ nhôm, ốm bệnh gì uống một viên là khỏi.
Tây nó có nhiều cái tài thật.
Tây về làng nói: Có ai muốn sang Pháp ở không? Cả làng náo nức. Kết cục là thằng Sơn con ông Cả, khỏe mạnh, đã được tuyển.
Sang Pháp ở? Ối giời ơi, truyện thực hay mơ. Đang ở làng ,nhà tranh vách đất, ngày ngày cắm mặt trên đồng… mà giờ được đi ra khỏi cái lũy tre xanh này, sang hẳn nước Pháp thiên đường… Thằng Sơn vênh mặt. Lý trưởng đến nhà không dám hoạch họe như trước nữa. Mọi người bàn tán:
- Sang Pháp ở, không phải là nó rước mình sang “ăn chơi”, mà là làm “lính thợ”, các quan gọi tắt tên tiếng Tây là lính ONS.
- Làm thợ giống như mình làm thợ mộc, thợ nề, thợ rèn ấy.
- Cũng còn hơn làm thợ ở ta. Sang rồi ở lại đấy, lấy vợ Đầm, đẻ con Tây…
- Nhưng thế cũng có nghĩa là bố mẹ mất con. Ông bà Cả có mỗi mình nó, giờ nó đi “lính thợ” sang Pháp, ông bà Cả ở nhà, già ai nuôi, chết ai chôn.
Bà Cả sau cơn sung sướng, giờ giật mình lo lắng. Ông Cả gạt đi:
- Ối dào, con nó được sướng là mình thích rồi. Ở nhà cổ cày vai bừa, chứ làm được trò gì. Thằng Sơn đi, rồi gửi “măng đa” về cho bố mẹ. Thế là hơn nhất.
Hôm thằng Sơn lên tỉnh tập trung, ông bà Cả đưa nó ra bến xe ngựa phố huyện. Bà Cả khóc, còn ông Cả cứ cười khơ khớ. Làm trai phải thế chứ, ở nhà xó bếp xó gio còn ra cái gì.
Đó là lần cuối cùng ông bà Cả ở bên con trai. Từ đấy đến lúc ông bà quy tiên, không một dòng tin gì gửi về,không một đồng “măng đa” nào nhận được. Nước Pháp thua trận nước Đức, đại loạn chiến tranh thế giới Thứ Hai, rồi Việt Nam cũng chiến tranh 30 năm, hai phe ngăn cách, còn gì là đời...
Cả làng chả ai còn nhớ có một thằng con trai tên là Sơn nữa.
Ấy vậy mà hôm nay cả làng Điền Văn lại rộ lên tin: con giai ông Sơn ở Pháp tìm về. Bố tên Sơn, con tên Hà. Bố đi lúc còn trẻ, mà con về, con cũng đã bạc đầu…
… Ông Hà ở nhà một đứa em họ. Cỗ bàn, quà cáp khắp lượt trong xóm, ngoài làng. Trong túi ông có một tập ảnh cảnh làng quê Việt Nam ngày xưa mà ông sưu tầm. Đem ra so sánh với bây giờ thì thấy khác nhiều quá. Làng quê giờ có đường trục chính, nhưng bé tí. Hai bên là những ngôi nhà ống nhếch nhác, bán hàng. Một nửa làng đã có nhà gác hai, ba tầng, nửa còn lại là nhà ngói năm gian cổ, vườn cây ao cá. ..
-Không thể nói là làng mình không giầu lên, nhưng xây dựng nhôm nhoan, không quy hoạch,thành thử cảnh quan làng quê Việt Nam chưa đẹp. Ông Hà nhận xét - Thời xưa, như trong ảnh cổ, những đường lát gạch quanh co dưới bóng tre, những khu vườn rộng mênh mông rợp bóng cổ thụ, những mái nhà ngói vẩy cá rêu mốc, những ao bèo, ao sen ,trông thơ mộng lắm.
Ông Hà kinh ngạc thấy một nửa số hộ trong làng bây giờ không có ruộng cấy. Ruộng đâu cả rồi? Khu Công nghiệp Điền Văn đã mua một nửa cánh đồng ở đây, làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng: gạch men, kính, nhựa, và các cơ sở gia công cơ khí, nhôm, đồng, sắt. Mỗi nhà được khu công nghiệp đền bù cho vài trăm triệu.
Thế là ai cũng xây một cái nhà gác. Các ông chủ mất ruộng cấy cày, giờ “ngự” trong các “ngôi nhà Tây” và hàng ngày “thất nghiệp dở”. Người chăm thì ra chợ, làm dịch vụ, làm thuê làm mướn, người lười thì vắt mũi đút xuống miệng, chằng bửa, lừa đảo, kiếm lấy miếng cơm.
Không ai phải đứt bữa, ăn cháo. Ở nhà Tây hai tầng tiện nghi toa lét ,ti vi tủ lạnh, mà lại ăn cháo thì còn ra cái gì. Những cũng chỉ là ăn hôm nay, không biết ngày mai . Tư duy, nếp nghĩ, thì đã là của ông chủ “ở nhà Tây”, nhưng thực tế đời sống là thằng thất nghiệp. Mâu thuẫn dần tạo nên tính cách. Thành gàn, lưu manh lúc nào không biết.
- Các chú nói cụ thể cho tôi biết, mất ruộng, thì công việc hàng ngày của các chú là làm gì ra tiền, gạo… - Ông Hà gặng các em.
- Chẳng làm gì cả. Ăn chơi, chiều chiều đi đánh Cầu lông.
- Ồ lạ nhỉ - Ông Hà không thể hiểu nổi. Sao trên đời lại có nơi suớng thế này. Không làm vẫn có ăn.
- Ăn có đáng là bao, thóc gạo rẻ như cho. Việt Nam giờ đứng nhất nhì thế giới xuất khẩu gạo. Ngày hai bữa cơm tẻ, tự nhiên khắc có.
- Ồ sao lại sướng thế.
- Thế thịt, rau xanh , lấy ở đâu.
- Thịt, cá, rau cũng rẻ. Đấy bác xem, có nhà nào nuôi gà, nuôi lợn, nuôi trâu bò gì đâu. Vì nuôi toàn lỗ vốn…
- Thế mà vẫn có thịt ăn?
- Nói thật với Bác Việt kiều, cái ăn thì không ai đói. Đứt bữa, vào “diện nghèo”, được nhà nước trợ cấp. Nhưng chúng em cũng chưa đến mức đó. Chỉ không có tiền tiêu thôi. Chẳng có đồng nào. Bán được ít ruộng cho khu công nghiệp ,thì xây nhà hết rồi. Giờ loanh quanh trông vào thằng con đi làm cán bộ công nhân ngoài thành phố, nó cho vài đồng tiêu vặt, hoặc mở cái quán nước, hoặc thỉnh thoảng đi chợ xa chợ gần, mua cái này, bán cái kia. Nhu cầu hàng ngày giờ rất ít.
- Thế thì nghèo lắm - Ông Hà kêu lên.
- Không nghèo thì giàu với ai
- Khách xa đến, thấy các chú “ngự” trong những cái nhà như thế này, thì ai dám bảo các chú nghèo.
- Thế chúng em mới chết. Biết cả, mà không có cách nào thoát. Không có việc cho chúng em làm. Việc “vớ vẩn” chúng em không làm. Ở nhà Tây mà phải đi kéo xe bò, bốc vác thuê à. Không. Việc gì “sang trọng” chúng em mới làm. Còn không, nhịn đói còn hơn. Trước kia, khi chưa có khu công nghiệp về, nhà nào nhà nấy chúng em có một hai mẫu ruộng. Có việc quanh năm, thóc đầy bồ, lợn đầy chuồng, chúng em vất vả một tý, nhưng thanh thản vì có tư liệu sản xuất. Ruộng đất của mình đấy. Hết thóc vụ này, vụ sau cấy gặt lại có. Nói chứ chúng em cũng biết cả đấy, chứ không phải “đầu đất”. Nhưng rồi, mọi thứ nó cứ tự nhiên đảo lộn tất cả. Tiền ấn vào tay mình, một đống, tội gì mình không làm nhà. Hết ruộng, lắm đêm nằm nghĩ cũng lo, tương lai chả có gì chắc chắn. Thóc gạo nó mà tăng lên gấp năm mười lần thế này thì chết đói thật, chứ không ngồi đấy mà nói phét được. Ruộng đất ở đâu cũng bị thu hẹp, nhường cho các khu công nghiệp …
- Ở Pháp xưa, có thời khủng hoảng nông nghiệp, giao thông ách tắc vì chiến tranh, giá một kg gạo cao bằng giá một bao xi măng 50kg. Ông Hà nói - Tôi đã qua thời kỳ đó, tôi sợ lắm, cho nên dù bây giờ công nghiệp phát triển, của cải thừa mứa, nhưng nỗi ám ảnh ấy cứ còn mãi trong tôi. Tôi vẫn cho hạt gạo là thứ quý nhất trong đời. Nghĩ cho cùng, máy móc tiện nghi đầy nhà, nhưng có đem cái ti vi cho vào nồi luộc ăn được đâu. Nghỉ xem ti vi chửa chết, nhưng không có gạo cho vào nồi một tuần là chết.
- Đến ông Việt Kiều ở Pháp về , còn lo xa thế, vậy mà ở đây chúng tôi chả sợ gì.
- Các Cụ nhà mình xưa gọi hạt cơm là “Ngọc Thực”. Các cụ dậy cho trẻ con từ bé. Để phí ngọc thực là có tội với giời. Không được để cơm rơi vãi. Thấy hạt cơm rơi là phải nhặt lên đút vào miệng.
- Đấy, thế cơ mà. Vậy mà chúng ta giờ coi cơm gạo, ruộng đất chẳng ra cái gì….
- Thực ra, “cái công nghiệp” ở làng ta là “công nghiệp thấp”, không phải kỹ nghệ cao - ông Hà nói - Nó chiếm mất nhiều đất quá. Đất đây là đất “bờ xôi ruộng mật”, chỉ được phép để cấy lúa. Công nghiệp thấp nên đi về các vùng trung du đất đồi mênh mông… Hoặc vẫn cứ ở đây, nhưng có mức độ, tỷ lệ nhất định ,và các gia đình nông dân vẫn phải có vài sào ruộng làm vốn “cơ bản” làm tư liệu sản xuất. Chứ tôi thấy nhiều chú đây có nhà chẳng còn sào nào. Trong khi đó thì lại chẳng “chuyển dịch” được sang nghề gì…
*
… Ngày ấy, chàng trai Sơn hí hửng bước xuống tàu từ cảng Hải Phòng. Tiên sư bọn Tây, tưởng nó “mời” mình đi, thì phải tàu bè tử tế, chứ nó xếp người ta như “xếp cá mòi” đem muối. Đại dương nổi sóng, tung tầu lên cao, lại ném xuống. Đám lính thợ như bầy rươi cuộn tròn, say song, rớt rãi đầy người.
Hai tháng trời, sóng biển vò nhàu con người. Lúc lên cảng Mác xây, trông đoàn lính thợ tưởng đoàn ma từ âm phủ hiện lên. Lên đến bờ rồi, ôi đất Pháp tươi đẹp, trời xanh nắng vàng, nhà cửa nguy nga, xe giăng mắc cửi, đầm trắng nõn đẹp như tiên đi lại đầy đường… Chưa kịp nhìn, đoàn lính thợ An Nam đã bị lùa vào dẫy nhà chăng dây thép gai.
Hỏi ra thì đây là dẫy nhà tù mới xây, chưa có “khách”, được trưng dụng cho lính thợ ở tạm. Mả bố chúng nó, bắt người ta ở nhà tù thì còn ra cái gì nữa.
Đêm đầu tiên trong “nhà tù”, Sơn bỗng nhớ bố mẹ, nhớ làng quê. Sơn nhớ cánh đồng làng, thoang thoảng mùi gió biển phía xa. Mấy đời ông bà bố mẹ Sơn, và cho đến đời Sơn, đã trần lực quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn, làm nên cánh đồng màu mỡ phì nhiêu, lúa chín rực vàng. Cả dải đất mênh mông này, có bao nhiêu cánh đồng quai đê lấn biển như thế. Sóng mặn bị chặn lại ngoài kia, còn đây là những dòng mương nước ngọt trong veo róc rách chẩy nuôi cây lúa. Cả vùng quai đê lấn biển mấy tỉnh hôm nay đi lính thợ sang Pháp có tới 500 người trong tổng số 20.000 lính thợ Đông Dương. Sao chúng tuyển nhiều thế. Sang đến đây mới biết nguyên do. Tỉnh Arles nước Pháp có vùng ven biển Camargue hoang vu. Pháp đang cần các “chuyên gia” lấn biển của Việt Nam …
Sơn và đoàn “chuyên gia” về Camargue. Miền đất hoang vu, gió biển gào thét, sóng vỗ bờ trải dài trước mắt. Đoàn người “hạ trại”, y như một trăm năm xưa, ông cha họ từ khắp nơi đổ về ven biển Thái Bình. Một trăm năm họ mới làm nên được những cánh đồng, rễ lúa thoảng tê vị mặn.
Bây giờ con cháu những người nông dân ấy, lấy kinh nghiệm của ông cha để kiến thiết cho châu Âu, những cánh đồng như thế.
Tưởng sang Pháp, làm nọ làm kia, đi trên đường nhựa Pari, ai ngờ lại bán lưng cho giời, bán mặt cho đất, làm ruộng.
Nhưng đã trót sang đây rồi, còn chạy đi đâu được nữa.
Mười hai năm, 500 người An Nam lấn biển, đã biến vùng Camargue tỉnh Arles thành bờ xôi ruộng mật. Những cây lúa nước biếc xanh, đã trổ bông vàng. Những người nông dân An Nam chưa kịp ngắm đồng lúa do tay mình tạo nên, thì một ngày kia ,những người nông dân Pháp từ đâu tràn đến Camargue. Rồi lính Pháp dồn những người An Nam lên xe Cam Nhông, chạy thẳng ra cảng Mác xây, xuống tầu. Không đủ 500 người, vì một số đã chết, và một số nhanh chân trốn ở lại. Họ ra đi, để lại cánh đồng tươi tốt cho nước Pháp.
Những người lính thợ ONS ngày ất trở lại An Nam, lại trở về các làng quê, và được gọi là các ông “Bếp”, ra đình được ngồi chiếu trên, ăn tai lợn, đầu gà, được uống rượu lè nhè, quát mắng cả lý trưởng, và thỉnh thoảng xổ ra một tràng tiếng Tây bồi...
Chàng trai Sơn, cao lớn, khôn ngoan, trốn ở lại ,tấp vào được với một cô gái Việt kiều lưu lạc sang Pháp từ trước. Hai vợ chồng làm lụng chăm chỉ gây dựng được một trang trại chuyên sản xuất lúa nước. Máy cày, máy cấy, nhà kho, nhà sấy đủ cả. Cảnh nhà có thể nói là thịnh vượng phong lưu. Nhưng ông Đỗ Sơn vẫn tằn tiện y hệt dân quê Việt Nam. Ông dậy con coi hạt gạo như ngọc thực, chớ bao giờ được phí phạm. Vì ngấm cảnh một cân gạo giá bằng 50 cân xi măng thời nào. Dù ai đi đâu, làm gì, mặc kệ, ông chỉ trung thành với trang trại lúa nước của mình. Ông đã truyền được cho con giai Đỗ Hà tình yêu hạt gạo. Hạt gạo là thứ quý nhất trên đời này. Vì nó nuôi sống con người…
*
Ông Đỗ Hà sắp trở lại Pháp. Mấy ngày cuối cùng, đem máy quay phim, ghi âm, thuê xe đi khắp các nơi có “lão nông tri điền” giỏi nghề làm ruộng lấn biển, để hỏi chuyện. Mọi người cười, tưởng ông ở bên Pháp là gắn liền tới máy móc, điện tử, tin học, hàng không…, ai ngờ lại vẫn là anh nông dân chính hiệu.
Ông Hà nói:
- Bên đó, chúng tôi nhiều máy móc nông nghiệp, có kỹ thuật làm ruộng lấn biển của chúng tôi. Nhưng không thể xem thường kinh nghiệm bao đời của dân mình ở đây. Phải có một cái gì đó kỳ diệu lắm mới biến được cả vùng cát lợ xâm xấp nước mặn, thành được những cánh đồng lúa vàng có giống gạo ngon đặc biệt thế này. Cuộc lấn biển ở đây giờ vẫn đang tiếp tục, không dừng lại. Bên chúng tôi cũng thế. Kinh nghiệm của bên này sẽ bổ sung hoàn thiện cho những cái mà chúng tôi còn khiếm khuyết. Không ai khôn hết được trên đời. Những kinh nghiệm từ thực tiễn là vàng dòng, quý lắm.
Có thể kỹ thuật lúa nước lấn biển ở bên chúng tôi, có những “thiếu xót chết người” mà chúng tôi không biết… Và làm thế nào để có lúa gạo ngon hơn thì lại càng là vấn đề phấn đấu không bao giờ ngừng.
Mấy người bà con đùa:
- Hóa ra hơn ba phần tư thế kỷ trước, nông dân quê mình đã sang làm “chuyên gia nông nghiệp” cho châu Âu. “Chủ trang trại nông nghiệp châu Âu” bây giờ lại tiếp tục về quê mình, học tập kinh nghiệm. Thế mà mình ở đây chẳng coi nghề làm ruộng ra cái quái gì. Bán hết đất cho nó làm nhà máy, rồi rong chơi, chạy chợ, chiều chiều đi đánh cầu lông…
- Nghề nông quý lắm, các ông bà ạ. Giời đất gì mà không có hạt gạo vào bụng thì cũng vứt. Tôi về quê, được ăn hạt cơm gạo mới, trồng trên phù sa màu mỡ Việt Nam, thấy nó ngon hơn mọi cao lương mỹ vị trên đời. Bên Camergue, gạo của chúng tôi thua xa, làm sao ngon được thế này. Ăn miếng thịt gà mái ri mổ giun dế hạt cỏ ngoài vườn, thì thấy chả có khách sạn nào bên châu Âu có được. Lưỡi tôi chính vì đã nếm đủ vị ngon ngọt bốn phương ,nên về đây càng định giá được đẳng cấp sản vật quê mình. Cây mọc trên đất có vi lượng đặc biệt của miền quê này, với nắng với gió nhiệt đới, mưa rào ngọt lịm trên môi, mới tạo được hương vị này. Nơi khác không có các ông, các bà ạ. Cũng như thuốc lá của các hãng Ba số, Manbrô đấy, cứ phải trồng ở những miền đất đặc biệt có đất đai khí hậu thế nào đó, mới cho thuốc ngon. Đâu phải chỗ nào cũng trồng được thuốc lá ngon. Đâu phải thóc gạo nơi nào cũng như nơi nào.
Công nghiệp thì ở đâu cũng có thể xây nhà máy được. Còn lúa gạo ngon đặc biệt thì không…
Hôm ông Hà lên máy bay về Pháp, hành lý mang theo có mấy vali nhỏ. Một vali chứa các mẫu đất vùng quê Điền Văn để về Pháp phân tích xem có những vi lượng gì. Một vali chứa vài chục cân gạo quê Việt Nam về làm quà cho hàng xóm Pháp ở Camargue…
25/7/2014